KINH ĐẠI THỪA BẢO VÂN
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nhục Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 4
Phẩm 4: ĐÀ-LA-NI
Bấy giờ, Đức Phật bảo Đại Bồ-tát Hàng Phục Nhất Thiết Chướng Ngại:
Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp hiểu biết sâu xa vi tế. Những gì là mười? Đó là:
- Hiểu sự mong cầu xuất ly.
- Hiểu các pháp một cách rốt ráo.
- Hiểu đầy đủ tất cả các pháp.
- Hiểu sự tùy thuận hết thảy pháp tướng.
- Hiểu sự phân tích hết thảy các pháp.
- Hiểu mười hai nhân duyên sâu xa khó suy xét.
- Hiểu nghiệp lực chẳng thể nghĩ bàn.
- Hiểu nghĩa sâu rộng như chỗ thuyết giảng.
- Hiểu và thông đạt thuận như đạo lý.
- Hiểu về nhất chân đế.
Thiện nam! Thế nào là Bồ-tát hiểu sự mong cầu xuất ly, cho đến nào là Bồ-tát hiểu về nhất chân chế?
Bồ-tát hằng nghĩ nhớ: “Hết thảy thế gian thật là thống khổ! Bị lửa dữ của tám khổ thiêu đốt, dâm dục như lửa hừng đốt cháy toàn thân, lửa sân hừng hực, vọng khởi loạn tưởng, vô minh si ám che lấp nhãn căn.”
Bồ-tát thấy rồi lại nghĩ: “Những chúng sinh này làm sao ra khỏi nhà lửa ba cõi, thoát được nạn lửa?! Vì nhân duyên độ thoát những chúng sinh ấy, nên ta phải cầu hiểu các pháp, cầu được bình đẳng thuận theo các pháp.”
Được bình đẳng rồi, như thật biết rõ tướng huyễn của các pháp.
Rõ biết huyễn rồi thì hiểu đúng pháp luật. Hiểu đúng như thật rồi, theo đó quán sát mươi hai nhân duyên sâu xa khó lường. Được duyên quán rồi, liền quán sát nghiệp lực chẳng thể nghĩ bàn. Quán như vậy xong, nghĩ: “Pháp này thật là hiếm có. Tất cả các pháp tuy không có
tự thể nhưng lại khéo tạo ra đủ loại sắc tướng.”
Nhờ hiểu rõ sự vi tế như vậy nên đối với nghĩa lý đã nghe liền được thông tỏ. Do thấu tỏ về ý nghĩa hơn nên thông đạt chân như. Đạt chân như rồi được thấy thật tế. Thấy thật tế rồi, nên có thể độ thoát tất cả chúng sinh ra khỏi nhà lửa sinh tử.
Thiện nam! Đây là Bồ-tát hiểu sự mong cầu xuất ly, cho đến hiểu đầy đủ về nhất chân đế. Đó là mười pháp Đại Bồ-tát hiểu biết sâu xa vi tế.
Thiện nam! Đại Bồ-tát có đầy đủ mười pháp biện tài hội lý. Những gì là mười? Đó là: Hết thảy các pháp chỉ là giả danh, không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ mạng, không nuôi dưỡng, không tạo tác, không thọ nhận, vô tri, vô kiến, nguy hiểm, tai ách chẳng được tự tại, rỗng không, không sở hữu, do nhân duyên giả hợp, phân biệt hư vọng. Như vậy gọi nó là giả hợp, giả danh.
Thiện nam! Có đạo lý này là tùy thuận nơi pháp tướng.
Không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ mạng, không tạo tác, không thọ nhận, vô tri, vô kiến, không có tự tại, phân biệt hư vọng, nhân duyên giả hợp. Nói pháp như vậy là hợp lý đạo, tùy thuận nơi pháp tướng, không trái với pháp tướng, cùng lý tương ưng. Quán sát đúng lý một cách như thật, tất không điên đảo là làm rõ về pháp tướng. Biện tài như vậy cùng lý tương ưng, nên gọi là biện tài hội lý.
Thiện nam! Đây là Bồ-tát đầy đủ mười pháp biện tài hội lý.
Thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp biện tài sáng tỏ. Những gì là mười? Đó là:
- Biện tài cởi bỏ mọi trói buộc.
- Biện tài vô tận.
- Biện tài không đoạn tuyệt.
- Biện tài tạo lợi ích khắp nơi.
- Biện tài không thấp kém.
- Biện tài không kinh sợ.
- Biện tài không ai bằng.
- Biện tài không bị ngăn cản, phá hoại.
- Biện tài vô cùng.
- Biện tài bốn vô ngại đầy đủ.
Thiện nam! Đây là Đại Bồ-tát đầy đủ mười pháp biện tài sáng tỏ.
Thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp biện tài tịnh khiết.
Những gì là mười? Đó là:
- Biện tài không vụng về.
- Biện tài không hoảng sợ.
- Biện tài không yếu hèn.
- Biện tài không tự khoe khoan.
- Biện tài không giảm mất nghĩa lý.
- Biện tài không giảm mất văn từ.
- Biện tài không sai phương pháp.
- Biện tài không sai thời.
- Biện tài không thô thiển, khó hiểu.
- Biện tài rõ ràng.
Thiện nam! Bồ-tát biện tài không vụng về. Vì sao? Vì không có gì lo sợ. Bồ-tát ở giữa đại chúng như sư tử vương không khiếp sợ.
Bồ-tát biện tài không tự khoe, cũng không dua nịnh. Vì sao? Vì đã lìa xa phiền não. Người còn phiền não thì luôn tự khoe, chẳng phải là không còn phiền não.
Bồ-tát biện tài không làm tổn giảm ý nghĩa. Vì sao? Vì đã đắc pháp như vậy.
Bồ-tát không biện tài vô nghĩa. Vì sao? Vì đã chứng đắc pháp. Thiện nam! Người chưa chứng pháp làm giảm mất nghĩa, ấy chẳng phải là người đắc pháp.
Bồ-tát biện tài không giảm mất văn từ. Vì sao? Vì đã tu hết thảy các phương pháp.
Bồ-tát khéo học vô lượng kinh pháp nên không sai thời, khoảng trước khoảng sau đều không sai. Bồ-tát biện tài không thô thiển, khó hiểu. Lời nói không thô ác, không trái tai. Vì sao? Vì lìa xa các lỗi lầm, ác khẩu. Bồ-tát biện tài rõ ràng. Vì sao? Vì lợi căn đầy đủ.
Thiện nam! Đó là Bồ-tát đầy đủ mười pháp biện tài tịnh khiết.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp biện tài hay làm cho tất cả chúng sinh hoan hỷ. Những gì là mười? Đó là:
- Ái ngữ.
- Sắc diện tươi vui, không nhăn nhó.
- Thường nói nghĩa lý.
- Thường nói chánh pháp.
- Nói pháp bình đẳng.
- Không tự kheo tài năng mình.
- Không khinh chê.
- Tâm không nhiễm ô.
- Hành động không suất.
- Biện tài đủ loại.
Thiện nam! Bồ-tát nói lời ái ngữ làm cho chúng sinh tâm được hoan hỷ.
Bồ-tát sắc diện tươi vui, không nhăn nhó, luận bàn cởi mở làm cho chúng sinh vui thích.
Bồ-tát thường nói nghĩa lý, lời nói ưu ái nên tâm chúng sinh vui thích.
Bồ-tát thường luôn thuyết pháp, lời nói lợi ích, làm cho chúng sinh vui thích.
Bồ-tát thuyết pháp bình đẳng, khiến cho tâm ý chúng sinh vui thích.
Bồ-tát không tự khoe tài năng của mình, lìa xa kiêu mạn, phóng túng, cao ngạo, tùy theo mỗi loài chúng sinh mà dạy bảo khiến họ được hoan hỷ.
Bồ-tát không có tâm khinh chê, ân cần vì chúng sinh nói pháp khiến họ được hoan hỷ.
Bồ-tát không còn sự nhiễm ô, trì giới thanh tịnh nên khiến chúng sinh hoan hỷ.
Bồ-tát hành động không khinh suất, luôn tu nhẫn nhục.
Bồ-tát biện tài đủ loại, dùng lời ái ngữ nên khiến chúng sinh hoan hỷ.
Này thiện nam! Đó là Đại Bồ-tát đầy đủ mười pháp biện tài có khả năng làm cho tất cả chúng sinh hoan hỷ.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp ngôn ngữ biện tài, được người tín thọ. Những gì là mười? Đó là:
- Bồ-tát đối với các chúng sinh chẳng phải là bậc pháp khí thì không nên nói pháp.
- Chúng sinh hủy báng pháp, Bồ-tát cũng không vì họ mà giảng nói.
- Những kẻ đến đùa cợt, khinh nhờn, Bồ-tát cũng không vì họ mà giảng nói.
- Ngoại đạo tà kiến, Bồ-tát cũng không nên giảng nói cho họ.
- Người không cung kính, Bồ-tát cũng không nên giảng nói cho họ.
- Người không tín tâm, Bồ-tát không nên giảng nói cho họ.
- Người dối trá, dua nịnh, Bồ-tát không nên giảng nói cho họ.
- Bồ-tát không vì tự thân thiếu thốn, không vì tài sản mà thuyết pháp.
- Bồ-tát không vì lợi dưỡng, ganh ghét, tham tiếc mà nói pháp.
- Người đầu óc phân tán, lõa hình và câm điếc, Bồ-tát không nên nói pháp cho họ.
Vì sao? Này thiện nam! Đối với các chúng sinh, Bồ-tát không có lẫn tiếc, cũng không hề dấu pháp. Bồ-tát không thể không thương xót chúng sinh, không thể không làm lợi vật. Nhưng vì các chúng sinh đối với Phật pháp chẳng phải là bậc pháp khí, do vậy Bồ-tát không thể thâu nhận.
Bồ-tát Hàng Phục Nhất Thiết Chướng Ngại thưa:
–Kính bạch Thế Tôn! Những chúng sinh nào, Bồ-tát nên vì họ nói pháp?
Đức Phật bảo:
–Này thiện nam! Bồ-tát nói pháp vì các chúng sinh như:
Người có tín căn.
Người có khả năng thành thục.
Người đối với Phật quá khứ đã trồng căn lành, có đủ pháp khí.
Người không quanh co, lìa xa sự dối trá.
Người có oai nghi, thật không giả dối.
Người không tham đắm nơi danh vọng, lợi dưỡng của thế gian.
Người tín tâm đầy đủ, được bạn lành thâu giữ.
Người tạo các nghiệp thiện, dễ có thể khai ngộ.
Chúng sinh lợi căn, đối với nghĩa lý đã nói có khả năng thông hiểu ý nghĩa sâu xa, tu hành như lời nói, tinh tấn dũng mãnh, có khả năng thành Phật.
Này thiện nam! Đối với những chúng sinh như vậy, chư Phật và Bồ-tát nên vì họ mà nói pháp.
Này thiện nam! Đó là Đại Bồ-tát đầy đủ mười pháp, lời nói phát ra được người tín thọ.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát lại có mười pháp giỏi khéo thuyết pháp. Những gì là mười? Đó là:
- Chỉ vì tu hành các pháp Phật mà nói pháp. Thuyết pháp như vậy nhưng Phật và pháp đều không thủ đắc.
- Vì muốn tu hành các Ba-la-mật mà nói pháp, nhưng cũng chẳng thủ đắc sự tu hành này và các Ba-la-mật.
- Vì hạnh Bồ-đề mà Bồ-tát thuyết pháp, nhưng chẳng thủ đắc Bồ-đề cùng hạnh Bồ-đề.
- Vì diệt phiền não nên thuyết pháp, nhưng chẳng thủ đắc nơi phiền não cùng sự diệt phiền não.
- Vì tu tập xuất ly để chứng diệt nên Bồ-tát nói pháp, nhưng chẳng thủ đắc sự xuất ly, cũng chẳng thủ đắc sự chứng diệt.
- Vì chứng đạt quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm nên Bồ-tát nói pháp nên chẳng thủ đắc Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-nahàm.
- Vì quả A-la-hán nên Bồ-tát thuyết pháp, nhưng chẳng thủ đắc A-la-hán cùng quả A-la-hán.
- Vì đạt quả Bích-chi-phật nên Bồ-tát thuyết pháp, nhưng Duyên giác cùng Duyên giác quả cũng chẳng thủ đắc.
- Vì diệt sự chấp chặt các ngã kiến nên Bồ-tát thuyết pháp, nhưng ngã cùng sự chấp trước đều chẳng thủ đắc.
- Bồ-tát tuy nói có các nghiệp báo, nhưng nghiệp cùng nghiệp báo cũng chẳng thủ đắc.
Vì sao? Vì Bồ-tát tư duy thấy rằng: Các pháp được nói do nương nơi danh dự. Nhưng vào danh dự này để tìm pháp thì chẳng được. Vì sao? Vì gọi là pháp ấy chẳng phải là thể của văn tự. Xét văn tự ấy cũng không là thể của pháp. Vì nghĩa này, nên nương vào giả danh tục đế để giảng nói ở nơi pháp không danh mà lập nên danh tự. Danh tự như vậy đều là hư vọng, phi chân thật. Phi chân thật ấy chẳng phải là Đệ nhất nghĩa. Đã chẳng phải là chân đế, nên là pháp hư vọng, dối gạt tất cả hàng phàm phu.
Này thiện nam! Đó là Đại Bồ-tát đầy đủ mười pháp giỏi khéo thuyết pháp.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp không thể không tùy thuận. Những gì là mười?
- Thiện nam! Bồ-tát tùy thuận theo pháp không từ nơi sắc.
- Tùy thuận pháp không từ thọ, tưởng, hành, thức.
- Tùy thuận pháp không từ Dục giới.
- Tùy thuận pháp không từ Sắc giới.
- Tùy thuận pháp không từ Vô sắc giới.
- Tùy thuận pháp không từ nơi pháp.
- Tùy thuận pháp nhưng không thuận chúng sinh.
- Tùy thuận pháp nhưng không thuận đoạn kiến.
- Tùy thuận pháp không từ nơi đạo.
- Dùng trí phương tiện thiện xảo để tương ưng, chẳng phải là không tùy thuận.
Thiện nam! Đó là Đại Bồ-tát đầy đủ mười pháp không thể không tùy thuận.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát đầy đủ mười pháp khéo thông hiểu về pháp giới. Những gì là mười? Đó là:
- Đầy đủ trí tuệ.
- Được tri thức thiện thâu nhận.
- Tinh tấn dũng mãnh.
- Lìa xa hết thảy chướng ngại.
- Khéo được thanh tịnh.
- Sinh tâm ân trọng đối với điều được dạy bảo.
- Hằng tu không tướng.
- Lìa xa những kiến chấp lệch lạc, hẹp hòi.
- Khéo hành Thánh đạo.
- Thấy rõ chân đế.
Đó là mười pháp.
Này thiện nam! Bồ-tát nuôi dưỡng tuệ mạng phải nên thân cận thiện hữu, sinh tâm hoan hỷ khi gặp tri thức thiện. Đối với thiện hữu nên sinh tưởng như Thế Tôn, y chỉ mà trụ. Nương thiện hữu rồi, dũng mãnh tinh tấn diệt trừ tất cả pháp bất thiện, thành tựu viên mãn hết thảy pháp thiện. Dũng mãnh như vậy, tất cả chướng ngại đều được diệt tận. Chướng ngại không còn nhưng vẫn tấn tu không dừng, nên được thanh tịnh; lìa xa tất cả thân khẩu ý ác cùng nghiệp phá giới. Được thanh tịnh rồi, đối với điều được dạy bảo sinh tâm ân trọng. Ân trọng lời dạy rồi, luôn tu không tướng. Tu không tướng rồi, chẳng sinh thấy biết điên đảo. Lìa xa thấy biết điên đảo rồi, tu tập Thánh đạo.
Tu Thánh đạo rồi liền thấy chân thật.
Bồ-tát Hàng Phục Nhất Thiết Chướng Ngại thưa:
–Kính bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là chân thật?
Phật bảo:
–Này thiện nam! Chân thật là chẳng điên đảo.
Bồ-tát thưa:
–Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là chẳng điên đảo?
Phật bảo:
–Thiện nam! Chẳng hư vọng gọi là không điên đảo.
Bồ-tát thưa:
–Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là chẳng hư vọng?
Phật bảo:
–Tức là pháp Như như không biến đổi.
Bồ-tát thưa:
–Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là Như như?
Phật bảo:
–Cái Như như ấy là pháp chứng biết ở bên trong, chẳng thể dùng văn tự hiển bày. Vì sao? Vì pháp này tất cả nẻo ngôn ngữ đều chết. Văn tự, chương cú chẳng thể giải thích được. Nó vượt qua cảnh giới âm thanh, lìa các khẩu nghiệp, dứt các lý luận, chẳng tăng, chẳng giảm, chẳng ra, chẳng vào, chẳng hiệp, chẳng tán, chẳng thể dò xét, chẳng thể suy tính. Vượt qua cảnh giới toán số, chẳng phải chốn hành của Tâm, không ngại, không tưởng, vượt qua cảnh giới của tưởng, vượt qua hết thảy cảnh giới ấu trĩ, chẳng phải nơi đến của tất cả kiến giải còn non kém. Vượt qua tất cả cảnh giới của ma. Vượt qua tất cả cảnh giới của phiền não. Vượt qua cảnh giới của thức, không có chỗ trụ, không trụ nơi hành xứ của Thánh trí tịch tĩnh. Chỗ được chứng đắc bên trong như vậy, không cấu, không uế, không nhiễm, thanh tịnh vị diêu bậc nhất, rốt ráo tối thắng, thường hằng, an nhiên, chẳng phải pháp sinh diệt. Như Lai xuất hiện ở đời, hay không xuất hiện ở đời, pháp giới vẫn thường như vậy.
Này thiện nam! Bồ-tát vì pháp này nên tinh cần không bê trễ, tu hành tinh tấn, nhẫn các loại khổ. Khổ hạnh như vậy mới chứng pháp giới ấy. Ở trong pháp này lại an lập thêm cho tất cả chúng sinh.
Thiện nam! Đó gọi là “Như như”, gọi là Thật tế, gọi là Nhất thiết trí, gọi là Nhất thiết chủng trí, gọi là cảnh giới bất khả tư nghì, gọi là cảnh giới không hai.
Bồ-tát Hàng Phục Nhất Thiết Chướng Ngại thưa:
–Kính bạch Thế Tôn! Làm sao để chứng, làm sao đạt được pháp giới gọi là chỗ được “chứng đắc bên trong” như vậy?
Phật bảo:
–Thiện nam! Cần phải dùng trí tuệ xuất thế gian mới có thể nội chứng, nội đắc.
Bồ-tát Hàng Phục Nhất Thiết Chướng Ngại thưa:
–Kính bạch Thế Tôn! Dùng trí nơi đối tượng được chứng đắc thì có thể đạt được nội chứng không?
Phật bảo:
–Thiện nam! Chẳng được. Vì sao? Vì phải dùng trí tuệ mới có thể thấy pháp như thật để thân chứng.
Bồ-tát lại thưa:
–Kính bạch Thế Tôn! Các thiện nam hoặc dùng văn tuệ, hoặc dùng tư tuệ chứng đắc pháp này, có thể gọi là nội chứng chăng?
Phật bảo:
–Thiện nam! Chẳng thể được. Vì sao? Vì chẳng thể dùng văn tuệ, chẳng thể dùng tư tuệ mà nội chứng pháp ấy.
Này thiện nam! Ta nay vì ông mà nói thí dụ:
Thiện nam! Như vào cuối tháng mùa hạ, giữa khu rừng hoang dã rộng lớn, giả sử có người từ phương Đông đi qua thành phương Tây; lại có một người từ phương Tây đi qua thành phương Đông, anh này bị nung nóng, khổ sở, não loạn vì quá khát nước. Giữa đường gặp người phương Đông đi đến, anh hỏi: “Nhân giả! Nay tôi bị nóng bức khó chịu vì cái khổ khát nước. Anh có thể vì tôi chỉ đường đến nơi có ao, hoặc hồ nước trong sạch, mát mẻ không nhơ, có thể giúp tôi trừ được cơn khát này?”
Khi ấy, người đến từ phương Đông biết rõ đường đi đến chỗ nước mát, vì tự thân anh đã từng uống nước này và tắm rửa tại đây, anh ta liền đáp: “Nhân giả! Theo con đường này, ông đi thẳng đến chỗ kia, thấy có hai đường, nên tránh đường bên trái, đi đường bên phải. Đi mãi sẽ có rừng cây tươi tốt. Trong khu rừng này có ba ao nước trong sạch, thơm ngon, hòa diệu, nhẹ nhàng, mát mẻ, đầy đủ tám công đức.”
Thiện nam! Ý ông nghĩ sao? Người bị bức não do cái khổ khát nước ấy mới nghe tên nước, nghĩ đến nước này có thể trừ hết khát không? Liền chứng biết nước này mát mẻ không?
Bồ-tát thưa:
–Không, bạch Thế Tôn! Người khát nước ấy phải đến chỗ nước trong mát kia uống, tắm rồi cơn khát mới dứt trừ, tự thân mới chứng biết.
Phật bảo:
–Này thiện nam! Hai tuệ văn, tư chẳng được nội chứng, cũng lại như vậy.
Này thiện nam! Khu rừng ấy tức là sinh tử.
Người bị khổ nóng bức là tất cả chúng sinh. Vì sao? Vì bị ba chướng phiền não thiêu đốt, bứt bách nên khao khát năm dục.
Người chỉ đường đi ấy là Bồ-tát khéo hiểu đạo Nhất thiết trí, đã chứng pháp này, nội chứng đắc pháp.
Nước thanh tịnh ấy tức là Đệ nhất nghĩa đế.
Này thiện nam! Ta nay vì ông lại nói thí dụ, ông nên lắng nghe. Thiện nam! Ý ông nghĩ sao? Giả sử chư Phật Như Lai thọ mạng một kiếp, trụ nơi thế giới, ở cõi Diêm-phù-đề, Như Lai đối trước mọi người xưng tán vị cam lồ: sắc hương, mỹ vị thanh tịnh, mềm mại đầy đủ. Những chúng sinh này nghe khen món ăn ấy có được no không?
Bồ-tát thưa:
–Không, bạch Thế Tôn!
Phật bảo:
–Thiện nam! Vì ý nghĩa ấy ông nên biết, hai tuệ văn, tư chẳng thể nội chứng đắc pháp như thật.
Lại nữa, thiện nam! Hãy lắng nghe thí dụ: Thiện nam! Ví như một người từng ăn quả cam, biết được mỹ vị của nó. Đối trước mọi người, anh ta tán thán sắc, hương, vị, xúc của nó đầy đủ. Thiện nam! Ý ông nghĩ sao? Những người này nghe nói mùi vị của quả cam, họ có được mùi vị ấy không?
Bồ-tát thưa:
–Không, bạch Thế Tôn!
Phật dạy:
–Thiện nam! Nương nơi nghĩa ấy nên biết, hai tuệ văn, tư chẳng thể nội chứng đắc pháp như thật.
Bồ-tát Hàng Phục Nhất Thiết Chướng Ngại thưa:
–Lành thay, Thế Tôn! Lành thay, Thiện Thệ! Bạch Thế Tôn! Những chúng sinh kia làm sao chứng đắc pháp ấy? Phải chăng do nhân duyên từng nghe kinh này? Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì những chúng sinh kia chứng đắc pháp, nhân nghe pháp ấy mà không điên đảo.
Phật bảo:
–Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Được nghe pháp này, do không điên đảo, nên được pháp ấy như ta không khác.
Này thiện nam! Đó là Đại Bồ-tát mười pháp thông hiểu pháp giới.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp hành cảnh giới không. Những gì là mười? Đó là:
- Lực không.
- Vô úy không.
- Phật bất cộng pháp không.
- Giới tạng không.
- Định tạng không.
- Tuệ tạng không.
- Giải thoát tạng không.
- Giải thoát tri kiến tạng không.
- Nhất thiết pháp không.
- Không không.
Bồ-tát đều biết rõ tất cả, không vì nhân duyên này mà thủ đắc pháp không, cũng chẳng chấp trước nơi không, cũng không thấy biết không, cũng không nương nơi không, cũng chẳng vì nhân duyên này mà rơi vào tướng đoạn diệt.
Này thiện nam! Đó là Đại Bồ-tát đầy đủ mười pháp hành cảnh giới không.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp trụ nơi vô tướng.
Những gì là mười? Đó là:
- Lìa tướng ở ngoài.
- Lìa tướng ở trong.
- Lìa các hý luận.
- Lìa tất cả sự phân biệt.
- Lìa tất cả sở đắc.
- Lìa tất cả chuyển động.
- Lìa tất cả hành xứ.
- Lìa tất cả cảnh giới.
- Chẳng thủ đắc nơi thức.
- Cũng chẳng thủ đắc nơi pháp theo đối tượng của thức.
Này thiện nam! Đó là Đại Bồ-tát đầy đủ mười pháp trụ nơi vô tướng.
Khi ấy, Bồ-tát Hàng Phục Nhất Thiết Chướng Ngại bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Chư Phật, Bồ-tát quan sát pháp vô này như thế nào?
Phật bảo:
–Này thiện nam! Chỗ này thì chẳng thể nghĩ bàn, do nghĩa ấy rất thâm diệu. Vì sao? Vì nó vượt qua cảnh giới của ý thức. Hết thảy chúng sinh đối với pháp này đều sinh loạn động.
Thiện nam! Pháp của Như Lai này là bất khả tư nghì. Tất cả chúng sinh chẳng thể thấy biết. Pháp của Như Lai này vi diệu hết mức, chẳng thể suy tính, lao nhọc tâm thức. Vì sao? Thiện nam! Vì pháp này khó chứng nhập, sâu xa, vượt mọi nẻo ngôn luận, không bỉ, không thử, bình đẳng như hư không, chẳng phải là cảnh giới của tất cả luận sư, chẳng thể suy lường, chẳng thể dò xét.
Bồ-tát Hàng Phục Nhất Thiết Chướng Ngại thưa:
–Bạch Thế Tôn! Hôm nay con muốn hỏi thêm, xin Thế Tôn cho phép?
Phật dạy:
–Thiện nam! Ông tùy ý hỏi, ta sẽ giải đáp.
Bồ-tát Hàng Phục Nhất Thiết Chướng Ngại liền bạch Phật:
–Như điều Phật dạy, pháp vô tướng này tất cả chúng sinh chẳng thể thấy biết. Vậy pháp của Như Lai ấy ai có thể tin? Như Lai là Đấng Pháp Vương mà tự khen mình, chẳng phải là cao ngạo, tăng thượng mạn sao? Phàm là cao ngạo thì chẳng phải là tướng Đại nhân.
Phật bảo:
–Thiện nam! Ông hỏi rất hay! Hãy khéo lắng nghe mà suy nghĩ.
Bồ-tát thưa:
–Con xin lắng nghe! Bạch Đức Thế Tôn!
Phật bảo:
–Này thiện nam! Phật không kiêu mạn, cũng không cống cao ngạo, không vì danh tiếng, không vì lợi dưỡng, không vì tri thức, chẳng tự khen hư dối, chẳng tự cao hư dối. Chỉ vì tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh chứng đắc pháp ấy nên nói lời như thế. Vì sao? Vì những chúng sinh kia ở bên Như Lai nghe lời ấy liền được đại hoan hỷ, thanh tịnh vô lượng, sẽ được pháp ấy không khác. Ta ngày nay, làm bậc pháp khí nhiều kiếp đạt lợi ích an lạc, cho đến chứng đắc đạo quả Bồ-đề vô thượng.
Bồ-tát Hàng Phục Nhất Thiết Chướng Ngại bạch Phật:
–Kính bạch Thế Tôn! Những chúng sinh này sẽ không biết oai thần nơi Phật chăng?
Phật bảo:
–Thiện nam! Những chúng sinh này chẳng biết. Vì sao? Vì tâm còn thấp kém.
Thiện nam! Cõi Phật đây có nhiều chúng sinh tâm ý nhỏ hẹp, thấp kém, trí nhỏ, tín nhỏ, ít phần thiện căn. Do vậy chẳng biết công đức, oai thần của Như Lai. Vì những chúng sinh này nên Phật tự khen mình, khiến họ đối với Phật sinh tâm tin tưởng.
Này thiện nam! Như có một vị Y vương khéo giỏi trị bệnh. Khi ấy có nhiều chúng sinh bị bệnh khổ trầm trọng. Nơi thôn xóm ấy chỉ có vị lương y này, không còn ai khác. Những chúng sinh bệnh khổ trầm trọng, không một ai biết vị lương y này khéo giỏi trị bệnh, đầy đủ oai đức. Khi ấy, lương y nghĩ: “Những người bệnh này khốn khổ đáng thương, bị khổ não bức bách, chẳng biết dược tánh, chẳng biết tăng giảm. Ta nay nên vì những chúng sinh này mà điều trị cho họ hết bệnh.”
Lúc này, vị lương y đối trước các người bệnh tự khen mình: “Này những bệnh nhân! Nên biết ta là đại Y vương khéo giỏi trị bệnh, biết rõ gốc bệnh, thông hiểu việc chẩn đoán, thông hiểu về thuốc thang.” Người bệnh nghe rồi tin biết vị lương y nên đến nương nhờ. Đại Y vương này liền vì những người bệnh kia mà điều trị cho họ. Các loại bệnh tật liền đó được khỏi.
Thiện nam! Ý ông nghĩ sao? Lương y này có thể gọi là cao ngạo không?
Bồ-tát thưa:
–Không, bạch Thế Tôn!
Phật dạy:
–Thiện nam! Chư Phật Như Lai cũng lại như vậy, là đại Y vương, rõ biết tất cả trọng bệnh phiền não, cũng biết căn nguyên của bệnh phiền não. Bố thí cho khắp chúng sinh pháp diệu dược lớn mà người bệnh phiền não chẳng nhận thức được. Như Lai Y vương thấy việc ấy rồi, nên đối trước những người bệnh mới tự khen công đức mình. Những chúng sinh nghe được công đức chân thật của Như Lai đều sinh tín tâm, quy hướng với Như Lai. Vì những người này, Như Lai Đại Y Vương dùng các loại đại pháp dược vi diệu điều trị tất cả trọng bệnh phiền não đều khiến dứt tận. Những gì gọi là đại pháp dược?
Đó là quán bất tịnh, quán Từ bi, quán mười hai Nhân duyên…
Thiện nam! Phật thấy vô lượng lợi ích như vậy nên tự khen công đức mình, chẳng phải là cao ngạo.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp xa lìa tất cả các nguyện nương. Những gì là mười? Đó là:
–Tuy nguyện bố thí nhưng không nương vào sự thí. Tuy nguyện giới, nhẫn, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, cho đến ba cõi, Bồ-đề, Niếtbàn nhưng thảy đều không nương vào nguyện.Vì sao? Vì Bồ-tát lìa xa tất cả các nguyện, đem vô sở nguyện hành khắp thế gian.
Thiện nam! Đó là Đại Bồ-tát đầy đủ mười pháp lìa xa tất cả nguyện nương.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp dùng Từ làm thân.
Những gì là mười? Đó là:
- Đầy đủ Từ không ít phần.
- Đầy đủ Từ không đây, kia.
- Đầy đủ pháp từ.
- Đầy đủ Từ tịch tĩnh.
- Đầy đủ Từ không tìm lỗi.
- Đầy đủ Từ lợi ích.
- Đầy đủ Từ sinh bình đẳng đối với chúng sinh.
- Đầy đủ Từ không phẫn hận.
- Đầy đủ Từ phủ khắp mười phương cõi.
- Đầy đủ Từ xuất thế gian.
Thiện nam! Đó là Đại Bồ-tát đầy đủ mười pháp dùng Từ làm thân.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp dùng Bi làm thân. Những gì là mười? Đó là:
- Thấy các chúng sinh khốn khổ không ai cứu giúp, không ai bảo hộ, không chỗ nương tựa nên Bồ-tát liền phát tâm Bồ-đề.
- Phát tâm này rồi, nỗ lực tu hành dũng mãnh tinh tấn, được pháp này.
- Đắc pháp này rồi, vì các chúng sinh mà làm lợi ích.
- Thấy kẻ keo kiệt, khuyên sống bố thí. 5. Thấy kẻ phá giới, khuyên bảo trì giới.
- Thấy kẻ sân hận, khuyên tu nhẫn nhục.
- Thấy kẻ biếng nhác, khuyên tu tinh tấn.
- Thấy kẻ tán loạn, khuyên tu nhiếp tâm.
- Thấy kẻ vô trí, khuyên tu trí tuệ.
- Tuy thấy các chúng sinh bị bức bách, cực khổ, khó có khả năng kham nhẫn, nhưng Đại Bồ-tát vẫn không thoái chuyển hạnh Bồ-đề.
Thiện nam! Đó là Đại Bồ-tát đầy đủ mười pháp dùng bi làm thân.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp trụ nơi hoan hỷ. Những gì là mười? Đó là:
- Ta đã được thoát khỏi nhà lửa lao ngục trong ba cõi nên sinh hoan hỷ.
- Ta đã đoạn trừ mạng lưới sinh tử trói buộc từ vô thỉ nên sinh hoan hỷ.
- Ta đã vượt qua các loại giác quán buông lung trụ tán loạn nơi biển lớn sinh tử, nên sinh hoan hỷ.
- Ta đã bẻ gãy cờ kiêu mạn được dựng từ lâu, nên sinh hoan hỷ.
- Ta dùng chày trí Kim cang đập vụn núi cao phiền não, rốt ráo sạch tận, không sót một mảy may nên sinh hoan hỷ.
- Ta đã vui sống, lại an ủi người chưa vui sống khiến được vui vẻ nên sinh hoan hỷ.
- Ta đã giác ngộ, từ vô thỉ lâu xa, thế gian mê ngủ, bị khát ái bức bách, vô minh si ám che lấp mắt sáng, người chưa giác ngộ, ta khiến cho giác ngộ, nên sinh hoan hỷ.
- Ta đã thoát khỏi sáu đường ác và các loại khổ báo, lại đang độ thoát các chúng sinh khác –kẻ đang thọ khổ báo nơi cõi ác– nên sinh hoan hỷ.
- Từ vô thỉ đến nay ta mê mờ nơi rừng rậm hoang vu sinh tử, một mình không bè bạn, lo sợ, bôn ba, chưa từng thấy đường ra chẳng biết chánh đạo, không người chỉ dẫn; ngày nay bỗng nhiên gặp được thầy dẫn đường nên sinh hoan hỷ.
- Ta nay tạm gần thành Nhất thiết trí, kề cận nơi Phật, an tọa nên sinh hoan hỷ.
Thiện nam! Đó là Đại Bồ-tát đầy đủ mười pháp trụ nơi hoan hỷ.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp trụ nơi xả ưu-tấtxoa. Những gì là mười? Đó là:
Nhãn thức rõ biết cảnh giới của sắc, trong ấy xả ly, không vì sắc cảnh mà tự tổn hại, không tạo ung nhọt.
Tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp, thảy đều xả ly, không vì ý thức rõ biết các pháp mà tự tổn hại, tạo ra ung nhọt, cũng không ngăn ngại.
Đối với hành khổ, khổ khổ, hoại khổ xả ly mà trụ. Đối với ba khổ này không tự làm tổn hại, không để lại ung nhọt, cũng không ngăn ngại. Công việc đã xong, các Thánh nhân mới xả tâm mà an trụ, các Thánh nhân mới sinh đại hoan hỷ.
Bồ-tát lại nghĩ: “Những Thánh nhân này vốn còn ở hàng phàm phu, ta nên hóa độ khiến họ thành Thánh. Nguyện ta đã thành nên trụ nơi tâm Xả.”
Thiện nam! Đó là Đại Bồ-tát có đủ mười pháp trụ nơi tâm Xả.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp thần thông diệu dụng. Những gì là mười? Đó là:
- Xuống từ cõi trời Đâu-suất.
- Gá thần vào thai mẹ.
- Thị hiện thọ sinh.
- Thọ lạc trong cung.
- Vượt thành xuất gia.
- Thích nơi thanh vắng tu đạo khổ hạnh.
- Ngồi tòa đạo tràng hàng phục quân ma.
- Thành Đẳng chánh giác.
- Chuyển bánh xe pháp.
- Thị hiện Niết-bàn.
Bồ-tát Hàng Phục Nhất Thiết Chướng Ngại bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà Đại Bồ-tát thị hiện từ cõi trời Đâu-suất xuống, cho đến thị hiện Niết-bàn?
Phật bảo:
–Này thiện nam! Ở thiên cung Đâu-suất kia có các chúng sinh tưởng chấp về hữu thường, khi thấy Bồ-tát tối thắng, chí tôn, chí cực, vô thượng, vô biên, chẳng nhiễm dục lạc, từ nơi ấy, (cung Đâu-suất) đi xuống thế gian. Khi ấy, sự tưởng chấp thường của họ liền diệt, sinh tưởng vô thường. Nhờ nương vào tưởng vô thường nên không phóng dật.
Này thiện nam! Ở thiên cung kia có các chúng sinh buông lung, phóng dật, đối với Bồ-tát họ sinh tâm hoan hỷ, nhưng vì tham luyến dục lạc nên không muốn gần gũi Bồ-tát để tu hành, cũng chẳng thừa sự Bồ-tát. Họ nghĩ: “Bồ-tát thường tại, chúng ta cũng vậy, thời gian con dài, lo gì không được thân cận ngài.” Do vậy, vì trừ sự phóng dật của những chúng sinh này, nên Bồ-tát thị hiện thoái chuyển. Các chúng sinh kia bỗng thấy Bồ-tát thoái chuyển, liền hết lòng áo não, lìa bỏ năm dục, chẳng con phóng dật. Nhờ không phóng dật nên quyết định sẽ đạt được Bồ-đề vô thượng.
Này thiện nam! Có các chúng sinh ở trong thai cần nhận sự giáo hóa, Bồ-tát ở trong thai với oai thần rực rỡ, những chúng sinh này thấy rồi liền sinh tâm cho là hy hữu. Vì những chúng sinh ấy nên Bồtát ở trong thai tùy nghi vì họ nói pháp, khiến cho quyết định sẽ chứng đắc Bồ-đề vô thượng.
Này thiện nam! Có các chúng sinh cần Bồ-tát làm anh nhi và ở trong hoàng cung mới có thể thành thục, Bồ-tát vì những chúng sinh ấy được thành tựu đầy đủ. Ngoài ra, vì tùy thuận những chúng sinh thấp kém, ưa pháp nhỏ cho nên thị hiện làm hình tướng anh thi, trụ ở trong cung.
Này thiện nam! Có các chúng sinh cần thấy Bồ-tát vượt thành xuất gia, Bồ-tát vì muốn tạo mọi thành tựu đầy đủ cho chúng sinh ấy nên thị hiện vượt thành xuất gia.
Này thiện nam! Có các chúng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thátbà… ưa sự tệ lậu, vì những người này nên Bồ-tát thị hiện khổ hạnh.
Lại vì nhẵn hàng phục các ngoại đạo mà thị hiện khổ hạnh.
Này thiện nam! Có các chúng sinh đợi khi Bồ-tát ngồi nơi đạo tràng họ sẽ đến đó hiện bày các đồ cúng dường, vì những chúng sinh ấy nên Bồ-tát thị hiện ngồi nơi đạo tràng. Các chúng sinh này đến chỗ Bồ-tát thiết lễ cúng dường, do nhân duyên ấy chắc chắn sẽ đắc Bồ-đề vô thượng.
Này thiện nam! Có các chúng sinh kiêu mạn, cứng cõi, vì nhằm chế ngự họ nên Bồ-tát ngồi nơi đạo tràng hàng phục quân ma.
Này thiện nam! Vì có các chúng sinh thiện căn thành thục, tấn tu công đức thù thắng, lợi ích nên Bồ-tát thị hiện thành Chánh giác. Khi Bồ-tát thành Chánh giác, các loại âm thanh trong tam thiên đại thiên thế giới đều ngưng bặt. Tam thiên đại thiên thế giới không chỗ nào là không tịch tĩnh. Những chúng sinh này thấy việc ấy rồi liền phát thệ nguyện rộng lớn: “Ta nguyện đời vị lai, an tọa nơi đạo tràng chứng đắc đạo quả Bồ-đề vô thượng.”
Này thiện nam! Có các chúng sinh tự cho mình là thầy thế gian, nhưng chẳng biết rõ rốt ráo pháp thanh tịnh xuất ly, cho đến đời vị lai cũng chẳng được một phần pháp ấy. Vì nhằm chiết phục các chúng sinh này và vì các chúng sinh thiện căn thành thục, có khả năng làm bậc pháp khí, vì chỉ bày đạo pháp cho những chúng sinh này nên sau khi đắc đạo, Bồ-tát liền đến thành Ca-thi chuyển pháp luân. Mười hai pháp luân ấy chuyển đủ ba lần. Ở giữa đại chúng, Bồ-tát nói pháp như sư tử gầm.
Này thiện nam! Có các chúng sinh khi Bồ-tát Niết-bàn, họ mới nhận sự giáo hóa. Vì hóa độ những người này nên Bồ-tát thị hiện nhập Niết-bàn.
Này thiện nam! Vì những nhân duyên ấy nên Bồ-tát thị hiện từ cõi trời Đâu-suất xuống cõi Diêm-phù-đề, cho đến thị hiện nhập Niết-bàn.
Này thiện nam! Đó là Đại Bồ-tát đầy đủ mười pháp thần thông diệu dụng.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp lìa xa tám nạn.
Những gì là mười? Đó là:
- Lìa xa tất cả các nghiệp bất thiện.
- Chẳng dám cố phạm các giới cấm Như Lai đã chế.
- Lìa xa tham tiếc.
- Trồng các căn lành nơi Phật quá khứ.
- Phước đức tương ưng với trí tuệ đầy đủ.
- Phương tiện thiện xảo.
- Phát thệ nguyện rộng lớn.
- Tu tưởng, xuất ly.
- Dũng mãnh.
- Tinh tấn.
Này thiện nam! Bồ-tát chẳng tạo các nghiệp bất thiện nên chẳng chiêu cảm nơi địa ngục. Có các chúng sinh bị đọa nơi địa ngục, thọ các loại khổ bất như ý. Tại địa ngục ấy, các chúng sinh thọ khổ đã lâu, còn sinh sân hận với nhau. Vì Bồ-tát giữ tánh giới thanh tịnh, đầy đủ mười điều thiện, cho nên Bồ-tát không bị đọa địa ngục.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát đối với các giới cấm Như Lai chế ra chẳng dám cố phạm, tùy thân thọ trì, cho nên không sinh trong nẻo ác súc sinh. Vì sao? Vì các súc sinh luôn thọ khổ của loài súc sinh.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát tâm không tham tiếc. Nhân duyên tham tiếc sẽ bị đọa nơi cõi ngạ quỷ, thọ khổ ngạ quỷ.
Đại Bồ-tát không sinh nơi nhà hà tiện, tà kiến. Vì sao? Vì chúng sinh tà kiến không thể gần gũi tri thức thiện. Vì từ vô số kiếp lâu xa trong quá khứ, Bồ-tát đã trồng các căn lành nơi chư Như Lai. Do nhân duyên này nên đời đời kiếp kiếp, Bồ-tát sinh nơi nhà chánh kiến, giàu sang sung túc, tu tập nhân quả, thành tựu viên mãn, phước đức trí tuệ ngày càng tăng trưởng.
Đại Bồ-tát đạt được các căn đầy đủ không khuyết. Do nhân duyên các căn đầy đủ, làm bậc pháp khí của Phật, nên công đức của Bồ-tát được thành tựu. Đã cùng với nghiệp-phước đức tương ưng nên đối với tháp miếu Phật, đối với Pháp, đối với Tăng, Bồ-tát bày biện cúng dường các loại. Do nhân duyên cúng dường, tu tập nghiệp thiện nên Bồ-tát được các căn đầy đủ. Các căn đầy đủ liền được làm bậc pháp khí của chư Phật.
Đại Bồ-tát không sinh nơi biên địa. Vì sao? Vì chúng sinh nơi biên địa nhiều ám độn ngu si, câm ngọng, chẳng rõ, chẳng hiểu ngôn ngữ, chẳng thể thính thọ pháp thiện và pháp bất thiện, chẳng biết đạo lý với ý nghĩa sâu xa, chẳng thể làm bậc pháp khí cam lộ, chẳng gọi là Sa-môn, chẳng gọi là Tín sĩ. Do vậy, Bồ-tát sinh nơi trung tâm quốc độ. Chúng sinh nơi trung tâm quốc độ nhiều lợi căn, thông minh sáng suốt, người trí khen ngợi, có thể lãnh thọ phân biệt những lời nói về pháp thiện và pháp bất thiện, hiểu sâu ý nghĩa có thể làm bậc pháp khí cam lồ của chư Phật, gọi là Sa-môn, gọi là Tín sĩ. Vì sao? Vì lực nguyện cùng trí tuệ từ đời quá khứ.
Bồ-tát không thọ sinh nơi cõi trời Trường thọ. Nếu sinh ở cõi trời ấy thì vô lượng chư Phật xuất hiện nơi thế gian Bồ-tát chẳng được thấm nhuần chánh pháp, chẳng được pháp lợi, việc làm lợi ích cho chúng sinh liền bị phế bỏ. Do vậy, Bồ-tát sinh nơi Dục giới, xuống cõi chúng sinh gặp Phật xuất thế, giáo hóa thành thục. Vì sao? Vì phương tiện thiện xảo của Bồ-tát là như vậy.
Bồ-tát không sinh nơi không có Phật xuất hiện. Vì sao? Vì nơi ấy chúng sinh không nghe tên Phật, không nghe tên Pháp, không nghe tên Tăng, không kính Tam bảo. Do vậy, Bồ-tát sinh vào quốc độ nơi có Tam bảo, như quá khứ đã phát thệ nguyện đầy đủ viên mãn.
Chúng sinh hung dữ, bướng bỉnh, khó hóa độ, Bồ-tát thì không như vậy. Vì sao? Vì nghe khổ của Tám nạn, Bồ-tát không thể không chán bỏ. Vì chán bỏ nên dũng mãnh tinh tấn tu hành chân chánh, diệt trừ các pháp bất thiện như vậy.
Thiện nam! Đó là Đại Bồ-tát đầy đủ mười pháp xa lìa tám nạn.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp không quên tâm Bồ-đề. Những gì là mười? Đó là:
- Lìa xa huyễn hoặc tà nịnh, cao ngạo.
- Ngay thẳng, hòa hợp, tín tâm thanh tịnh.
- Ở trong chánh pháp đoạn trừ nghi hoặc.
- Thích trao pháp ấy cho các chúng sinh, không tiếc lẫn, không làm thầy giấu pháp.
- Những nhân duyên này làm suy tổn chánh pháp, đều phải lìa bỏ, không nên vi phạm.
- Phải tu hành như lời nói.
- Thọ trì tất cả kinh điển Đại thừa.
- Nếu thấy có người thọ trì pháp Đại thừa thì phải sinh tâm ân trọng, cung kính lễ bái, tác tưởng như bạn đồng học.
- Nhất tâm nhất ý thính thọ Đại thừa.
- Đối với người nói pháp, sinh tưởng như Đức Như Lai.
Này thiện nam! Đó là Đại Bồ-tát đầy đủ mười pháp không quên tâm Bồ-đề.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp chứng đắc túc mạng. Những gì là mười? Đó là:
- Đã nhiều lần cúng dường, phụng sự chư Phật.
- Đã từng thọ trì chánh pháp của chư Phật.
- Giới phẩm thanh tịnh.
- Lìa xa mọi thứ trạo cử, Hối nghi.
- Không có các chướng ngại.
- Tâm luôn hoan hỷ.
- Tu tâm ngay thẳng.
- Đắc nhập thiền định.
- Thường thọ hóa sinh.
- Không tâm nghi hoặc.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát đã nhiều lần cúng dường chư Phật quá khứ, kính trọng chánh pháp, sinh tâm khiêm cung đối với người hành trì pháp. Nhờ nhân duyên này nên nghe chánh pháp được thành tựu, thọ trì, đọc tụng thông đạt văn cú, rộng vì người khác phân biệt giải nói, hoằng dương chánh pháp không tiếc thân mạng.
Giới cấm thanh tịnh nghĩa là đối với ba phẩm giới thân khẩu ý hành trì giới thanh tịnh.
Lìa các trạo, hối, sinh tâm cung kính. Vì sao? Vì nhờ giữ giới thanh tịnh nên không trạo của hối nghi.
Không trạo, hối nên lìa các chướng ngại.
Lìa các chướng ngại nên sinh hoan hỷ.
Thường hoan hỷ nên có khả năng tham nhận tu tâm, khiến ngay thẳng.
Do tu tâm nên liền được nhập định.
Được thiền định nên nơi sáu cõi đạt thanh tịnh.
Sáu cõi đạt thanh tịnh nên thọ hóa sinh.
Thọ hóa sinh nên không tâm nghi hoặc.
Không nghi hoặc nên chứng đắc trí túc mạng, nhớ lại quá khứ một đời, hai đời, ba, bốn, năm đời, mười đời, hai mươi, ba mươi đời, bốn mươi, năm mươi đời, cho đến vô lượng trăm vạn ức đời.
Này thiện nam! Đó là Đại Bồ-tát đầy đủ mười pháp chứng đắc trí túc mạng.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp gặp tri thức thiện.
Những gì là mười? Đó là:
- Không lìa thấy Phật.
- Không lìa nghe pháp.
- Không lìa cúng dường chúng Tăng phước điền.
- Không lìa cung kính lễ bái, khiêm cung, chắp tay thừa sự chư Phật và Bồ-tát.
- Không lìa đa văn và giảng nói pháp.
- Không lìa nghe các hạnh Ba-la-mật.
- Không lìa nghe ba mươi bảy phẩm pháp trợ đạo.
- Không lìa nghe ba môn giải thoát.
- Không lìa nghe bốn tâm vô lượng.
- Không lìa nghe Nhất thiết chủng trí.
Thiện nam! Đó là Đại Bồ-tát đầy đủ mười pháp được gặp thiện hữu.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp lìa xa tri thức ác.
Những gì là mười? Đó là:
- Lìa xa người phá giới, nên biết gọi là lìa tri thức ác.
- Lìa xa người tà kiến.
- Lìa xa người mất oai nghi.
- Lìa xa người tà mạng.
- Lìa xa những nơi ồn ào, tạp loạn.
- Lìa xa người biếng nhác, bê trễ.
- Lìa xa người ưa trụ nơi sinh tử.
- Lìa xa người bỏ hạnh Bồ-đề.
- Lìa xa người tại gia bận rộn.
- Lìa xa hết thảy phiền não.
Đây gọi là các tri thức ác, Đại Bồ-tát phải nên lìa xa.
Này thiện nam! Tuy lìa những chỗ này, nhưng ở gần chúng sinh, không sinh tâm ác cũng không sinh sân, tâm không nóng nảy, cũng không khinh chê. Ở trước chúng sinh Bồ-tát suy nghĩ: “Như Phật đã nói, tất cả chúng sinh là sự tụ hội khí loại, vì gần tri thức các nên mất lợi lớn. Do vậy, nay ta sớm lìa xa các tri thức ác.”
Này thiện nam! Đó là Đại Bồ-tát đầy đủ mười pháp nên xa lìa tri thức ác.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp đạt được Pháp thân Phật. Những gì là mười? Đó là:
- Thân không gì sánh bằng.
- Thân thanh tịnh.
- Thân không tỳ vết.
- Thân chẳng phải do tu tập đạt được.
- Thân chẳng thể nghĩ lường.
- Thân pháp thâm diệu.
- Thân vượt mọi sự nghĩ bàn.
- Thân tịch tĩnh.
- Thân đồng hư không.
- Thân Phật trí.
Thiện nam! Đó là Đại Bồ-tát đầy đủ mười pháp đạt được Pháp thân Phật.
Bồ-tát Hàng Phục Nhất Thiết Chướng Ngại bạch Phật:
–Kính bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát trụ nơi chỗ nào để có thể đắc Pháp thân như vậy của Như Lai?
Phật đáp:
–Này thiện nam! Bồ-tát ở Địa thứ nhất được thân không gì sánh bằng. Vì sao? Vì đã lìa xa hết thảy thân sai biệt, tùy thuận hết thảy pháp bình đẳng của Bồ-tát.
Bồ-tát trụ Địa thứ hai được thân thanh tịnh, vì giới phẩm thanh tịnh.
Bồ-tát trụ Địa thứ ba được thân không tỳ vết, vì lìa xa hết thảy sân hận.
Bồ-tát trụ Địa thứ tư được thân chẳng phải do tu đắc, vì đã tu pháp Phật.
Bồ-tát trụ Địa thứ năm được thân chẳng thể nghĩ bàn, vì đã thông đạt hết thảy pháp.
Bồ-tát trụ Địa thứ sáu được Pháp thân thâm diệu vì đã tu pháp chẳng thể nghĩ bàn.
Bồ-tát trụ Địa thứ bảy được thân vượt mọi sự nghĩ bàn, vì đã tu tập theo phương tiện thiện xảo.
Bồ-tát trụ Địa thứ tám được thân tịch tĩnh, vì đã lìa xa hết thảy hý luận, không còn phiền não.
Bồ-tát trụ Địa thứ chín được thân đồng hư không, ánh sáng rự rỡ.
Bồ-tát trụ Địa thứ mười được thân diệu trí. Vì sao? Vì đã tu hết thảy cảnh giới của đối tượng được nhận thức.
Bồ-tát Hàng Phục Nhất Thiết Chướng Ngại bạch Phật:
–Kính bạch Thế Tôn! Pháp thân Như Lai và Pháp thân Bồ-tát có sai khác không?
Phật bảo:
–Thiện nam! Được các loại thân không có sai khác, nhưng công đức sáng tối thì có sai khác?
Bồ-tát Hàng Phục Nhất Thiết Chướng Ngại bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Thế nào là các loại thân không có sai khác mà riêng công đức, oai thần có sai khác?
Phật bảo:
–Thiện nam! Thân kia, thân đây không có sai khác. Vì sao? Vì tu một thân. Nhưng tướng nơi công đức, oai thần lại có khác. Phải nên quán như vậy.
Bồ-tát Hàng Phục Nhất Thiết Chướng Ngại bạch Phật:
–Kính bạch Thế Tôn! Hai thân sai khác nên quán thế nào?
Phật bảo:
–Thiện nam! Hãy lắng nghe, lắng nghe! Ta sẽ vì ông nói thí dụ để rõ nghĩa này: Này thiện nam! Như ngọc báu ma-ni được mài dũa, làm cho đẹp, có ánh sáng trong suốt rực rỡ, vì đã tinh luyện. Đối với các ngọc ma-ni chưa được tinh luyện so với ma-ni trước có thể bằng chăng?
Bồ-tát thưa:
–Không, bạch Thế Tôn! Ngọc ma-ni đã tinh luyện, ánh sáng trong suốt, mọi người thích thú. Còn ma-ni chưa luyện thì chẳng được như vậy.
Phật bảo:
–Đúng vậy! Thân ngọc ma-ni của Bồ-tát chẳng bằng thân ngọc ma-ni của Như Lai. Tuy cùng là Pháp thân thanh tịnh, nhưng Pháp thân Bồ-tát chẳng thể sánh với Pháp thân Như Lai thanh tịnh rốt ráo. Vì sao? Vì thân Như Lai chẳng thể hạn lượng, trùm khắp cõi chúng sinh, chiếu suốt khắp cõi hư không. Vì sao? Vì thân tối cực thanh tịnh, lìa xa hết thảy các trần cấu. Còn thân ngọc ma-ni của Bồ-tát ánh sáng chẳng như vậy. Vì sao? Vì còn sót cấu bẩn.
Thiện nam! Ví như đầu tháng, ánh trăng bắt đầu, dần dần tăng trưởng, cho đến ngày thứ mười lăm mới tròn sáng. Trong thời gian ấy đều được gọi là trăng, nhưng trăng đầu tháng chẳng thể so với trăng đêm mười lăm. Vì sao? Vì pháp của nó là như vậy. Chư Phật và Bồtát tuy đồng danh Pháp thân, nhưng thân Bồ-tát chẳng thể sánh với thân Như Lai ánh sáng chiếu khắp.
Thiện nam! Thân Phật và thân Bồ-tát như vậy, tuy đồng là tướng thân nhưng tướng công đức, oai thần của Phật và của Bồ-tát chẳng phải là một tướng.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp được thân Kim cang chắc thật, kiên cố, chẳng thể hủy hoại. Những gì là mười? Đó là:
- Tham, sân, si… chẳng thể hủy hoại.
- Oán giận, phẫn hận, chướng nạn, kiêu mạn, cao ngạo, tà kiến, điên đảo chẳng thể hủy hoại.
- Tám thức gió thế gian chẳng thể hủy hoại.
- Ba khổ nơi cõi ác chẳng thể hủy hoại.
- Các khổ chúng sinh chẳng thể hủy hoại.
- Sinh, già, bệnh, chết, chẳng thể hủy hoại.
- Các Phạm chí ngoại đạo, các luận sư tà chẳng thể hủy hoại.
- Hết thảy chúng ma, các thiên ma chẳng thể hủy hoại.
- Hết thảy Thanh văn và Duyên giác chẳng thể hủy hoại.
- Hết thảy dục lạc cũng chẳng thể hủy hoại.
Thiện nam! Đó là Đại Bồ-tát mười pháp được thân Kim cang chắc thật, kiên cố, chẳng thể hủy hoại.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp làm bậc thương chủ lớn. Những gì là mười? Đó là:
- Đáng được chúc mừng.
- Đáng được cung kính.
- Hay giỏi tế độ.
- Đáng được nương tựa.
- Có thể an lập.
- Tư lương đầy đủ, dồi dào.
- Sửa soạn đầy đủ hành trang khi đi.
- Không có chán đủ.
- Bậc dẫn đường thượng thủ.
- Khéo giỏi tùy thuận vào thành Nhất thiết trí.
Thiện nam! Thế nào là Bồ-tát đáng được chúc mừng, cho đến khéo giỏi tùy thuận vào thành Nhất thiết trí?
Thiện nam! Như Thương chủ được quốc vương, triều thần, tể tướng chúc mừng, Bồ-tát Đại Thương chủ được chư Phật và Bồ-tát chúc mừng cũng lại như vậy.
Thiện nam! Như Thương chủ được Sát-lợi, thần dân cung kính, Bồ-tát tông chủ được hàng Hữu học, Vô học và các chúng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà… cung kính cũng lại như vậy.
Thiện nam! Như đại tông chủ có khả năng cứu người vượt qua vùng núi rừng hoang dã rộng lớn, hiểm nạn đạt được an lạc mà không mệt mỏi; ở tại rừng rậm sinh tử hoang dã, các loại chúng sinh gặp các phiền não, giặc kiếp bức bách, Bồ-tát tông chủ có khả năng tế độ khiến đạt an lạc mà không mệt mỏi, cũng lại như vậy.
Thiện nam! Như các thương gia khốn khó thiếu thốn, đến nương nhờ đại Thương chủ liền được ra khỏi rừng rậm hoang dã. Ni-kiền, Phạm chí và các hàng ngoại đạo đến nương Bồ-tát đại Thương chủ, liền được ra khỏi chốn hoang dã sinh tử, những nơi hiểm nạn lớn.
Thiện nam! Như đại Thương chủ có khả năng an lập hàng văn võ, mọi người nương nhờ ông; Bồ-tát tông chủ khéo an lập chúng sinh nơi sinh tử cũng lại như vậy.
Thiện nam! Như đại Thương chủ cùng với quần chúng đông đảo theo phương tiến bước, dám vượt qua vùng núi rừng hoang dã hiểm nạn, đến được đại thành an lạc kia, có đủ lương thực an ổn, qua khỏi chỗ khó khăn nơi vùng hoang dã, không cảm thấy mệt mỏi, tới được chốn trù phú, an lạc. Bồ-tát tông chủ cũng lại như vậy, đi theo phương hướng của Phật quá khứ đã đi, Bồ-tát hướng dẫn, lãnh đạo hết thảy các chúng sinh, muốn cho họ qua khỏi đại nạn sinh tử, khiến họ sớm đến đại thành Nhất thiết chủng trí, nên tu các loại phước đức tư lương dồi dào vô hạn, chỉ dẫn mà đi.
Thiện nam! Như đại tông chủ lưu trữ vô lượng các loại tài sản châu báu, theo phương mà đi; đó là vàng, bạc, lưu ly, trân châu, ngọc bích, san hô…, Bồ-tát tông chủ cũng lại như vậy, muốn đi đến đại thành Nhất thiết chủng trí phải khéo tu pháp Phật, đầy đủ các hạnh.
Thiện nam! Như Đại Thương chủ cầu các tài vật không biết chán đủ, Bồ-tát tông chủ cầu Thánh pháp tài chẳng biết chán đủ, cũng lại như vậy.
Thiện nam! Như Đại Thương chủ đối với các thương nhân, ông là người đi đầu dẫn đường. Vì sao? Vì giàu tài vật, tối thắng trong chúng, là vị lãnh đạo, nói lời hữu dụng; cũng vậy, Bồ-tát đại Thương chủ đối với các chúng sinh là chủ dẫn đường. Vì sao? Vì công đức sung mãn, quả vị tối thắng, vì pháp tự tại, lời nói không sai.
Thiện nam! Như đại Thương chủ khéo dẫn mọi người đến những quốc độ trù phú; cũng vậy, Bồ-tát đại Thương chủ khéo dẫn chúng sinh đến quốc độ Nhất thiết chủng trí.
Này thiện nam! Đó là Bồ-tát đầy đủ mười pháp làm đại tông chủ.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp làm đại đạo sư biết rõ chánh đạo. Những gì là mười? Đó là:
- Biết đường bằng phẳng.
- Biết đường hiểm trở.
- Biết đường thịnh vượng.
- Biết đường an ổn.
- Biết đường có nước hay không nước.
- Biết đường đến chốn hạnh phúc.
- Biết rõ hình tướng của đường.
- Biết đường chánh trực.
- Biết đường quanh co.
- Biết đường tắt.
Thiện nam! Đó là Đại Bồ-tát đầy đủ mười pháp biết rõ về chánh đạo.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp khéo chỉ đường chân chánh, không điên đảo. Những gì là mười? Đó là:
- Như có người cần được độ bằng đạo Đại thừa, Bồ-tát vì những người này nói đạo Đại thừa, không nói thừa Thanh văn.
- Hoặc có chúng sinh cần được giáo hóa bằng Thanh văn thừa, Bồ-tát liền vì họ nói đạo Thanh văn, không nói Bồ-tát thừa.
- Hoặc có chúng sinh cần được độ bằng Nhất thiết trí, Bồ-tát liền vì họ nói đạo Nhất thiết trí, không nói đạo nhị thừa.
- Hoặc có chúng sinh cần được độ bằng đạo Bích-chi-phật, Bồtát liền vì họ nói đạo Bích-chi-phật, không nói đạo Đại thừa.
- Hoặc có chúng sinh chấp trước ngã kiến, chấp trước các pháp, Bồ-tát vì họ nói đạo vô ngã, không, vô tướng; không nói ngã nhân, chúng sinh, thọ giả.
- Hoặc có chúng sinh chấp trước theo nhị biên, Bồ-tát vì họ không nói nhị biên.
- Hoặc có chúng sinh tâm bị tán loạn, Bồ-tát vì họ nói Xa-matha, Tỳ-ba-xá-na, chẳng nói tán loạn.
- Hoặc có chúng sinh thường luôn hý luận, Bồ-tát vì họ nói đạo “Như như”, không nói đạo phàm phu hý luận.
- Hoặc có chúng sinh ưa trụ nơi sinh tử, Bồ-tát vì họ nói đạo Niết-bàn, không nói sinh tử.
- Hoặc có chúng sinh hành tà đạo, Bồ-tát vì họ nói đạo bình đẳng, không nói đạo phiền não, gai gốc…
Thiện nam! Đó là Đại Bồ-tát đầy đủ mười pháp khéo chỉ đường chân chánh, không điên đảo.
Này thiện nam! Ta nay vì hạnh an lạc của đại chúng, bốn bộ đệ tử mà nói kinh này. Người nghe kinh này, hộ trì thân tâm, làm cho biện tài sáng tỏ vô tận, khiến các chúng trời, rồng… ủng hộ, khiến người ấy được bốn sự cúng dường, lìa các não bệnh, bốn trăm lẽ bốn bệnh được dứt trừ hết, đời đời kiếp kiếp được trí túc mạng, thấy Phật, nghe Pháp, gặp tri thức thiện, dần dần tăng trưởng cho đến thành Phật, đầy đủ mười lực, đạt Vô sở úy. Do vậy mà ta nói chú này:
“Đát điệt tha, đà kha đệ, đà kha bà la đệ, đà tha na già cước na ha lợi nhị, tỳ lê lý nhị, cà lan xà lan na chất xoa chất xoa tát bà tát đoá, bà la da mị, ta ha a kỳ na già đa la kỳ, a chí na kỳ, nĩ đệ, tư tư y, lý chỉ lý, tỷ lị, tu ha la nộ, ma ha tát y, nhân đà la xà, dịch xoa, tỉ đa khuất, a kiển trà kha, nam la thường già đa nam, bà phúc toa ha, Nam-mô bát na già lị mị, ta ha, đát điệt tha, đầu phú đầu phú, kha chi lưu, nhất kha chi hỷ, át bà lị tha, ly lâu địa, kỷ lý cư lũ giá, ma ma, đà hãn chuyên di ta ha, đát điệt tha, tha di tha di tha di tha tu, chỉ lợi chiên đà lợi càn tha lê thường già lê, câu ba si, bà la ma na, pha bà chỉ triển na tha da nê, triển na cáp thị, câu lưu sư lý, ni y bà, bật địa da, sa mạc già la ha nĩ, tát bạt tòa la, tì na thi ni, tát bà lỗ già, bà xa ma ni, ma ha ma do la hỷ đà da, kiển đa, bà ma ba đa, y để ta ha.”
Nếu bị nạn lửa, hoặc nạn vua, hoặc nạn tai ách, hoặc nạn giặc cướp, hoặc nan quỷ ác, hoặc nạn của loài hai chân, hoặc nạn của loài không chân, hoặc nạn hữu sắc, hoặc nạn vô sắc, hoặc nạn phiền não… tất cả các nạn thì nên nhất tâm nhớ nghĩ thọ trì, đọc tụng chú này, liền được tiêu trừ, lìa xa các nạn, được an lạc, mãi mãi không còn lo sợ, được như sở nguyện.