KINH BẢO VÂN
Hán dịch: Đời Lương, Tam tạng Mạn-đà-la Tiên, người Phù Nam
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 1

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trên đỉnh núi Già-da cùng với bảy vạn vị đại Tỳ-kheo Tăng hội đủ. Những vị ấy việc cần làm đã làm xong, bỏ các gánh nặng, thân tâm tự tại, dứt các ràng buộc, chánh kiến giải thoát, như Đại long hiểu rành pháp giới, là con của Pháp vương, xả bỏ lợi dưỡng, hoàn thiện hạnh xuất gia, khéo thọ trì giới Cụ túc, những thứ mong muốn đều được viên mãn, trụ đạo Niết-bàn; chỉ trừ Tôn giả A-nan là còn ở bậc Hữu học.

Lại còn có tám vạn bốn ngàn Đại Bồ-tát đều là những vị Nhất sinh bổ xứ hướng đến Nhất thiết trí, không còn thoái chuyển, chí cầu Phật địa gần đến bờ kia, đạt được các pháp Đà-la-ni nhiều như a-tăng-kỳ, sớm chứng đắc các thiền, Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm, thần thông diệu dụng, tâm đại Từ bi rộng lớn biến khắp mười phương, cho đến thực hành cảnh giới “không” ở vô lượng, vô biên cõi Phật, dứt trừ những sự ngăn che, dứt gốc rễ ba độc, dạo chơi nhà vô tướng, hằng muốn cứu giúp tất cả chúng sinh biết rõ thế giới của chư Phật, được trí vô ngại, tâm như hư không, rộng sâu như biển, giống như núi Tu-di, tám thứ gió thổi chẳng động, tâm như hoa sen chẳng dính bụi nước, ý như châu báu trong ngoài sáng rỡ, như vàng ròng không còn tạp chất.

Những vị ấy tên là Bồ-tát Bảo Quang, Bồ-tát Bảo Chưởng, Bồtát Bảo Ấn Thủ, Bồ-tát Bảo Thiên Quan, Bồ-tát Bảo Man, Bồ-tát Bảo Tích, Bồ-tát Bảo Tạng, Bồ-tát Bảo Sơn Đảnh, Bồ-tát Bảo Tràng, Bồ-tát Kim Cang Thai, Bồ-tát Kim Thai, Bồ-tát Bảo Thai, Bồ-tát Công Đức Thai, Bồ-tát Tịnh Vô Cấu Thai, Bồ-tát Như Lai Thai, Bồtát Trí Thai, Bồ-tát Nhật Thai, Bồ-tát Tam-muội Thai, Bồ-tát Liên Hoa Thai, Bồ-tát Giải Thoát Nguyệt, Bồ-tát Phổ Nguyệt, Bồ-tát Quan Thế Âm, Bồ-tát Phổ Hiền, Bồ-tát Phổ Nhãn, Bồ-tát Liên Hoa Nhãn, Bồ-tát Đại Nhãn, Bồ-tát Phổ Oai Nghi, Bồ-tát Phổ Đoan Nghiêm, Bồ-tát Phổ Hạnh, Bồ-tát Tri Định Ý, Bồ-tát Pháp Ý, Bồ-tát Thắng Ý, Bồ-tát Tăng Trưởng Ý, Bồ-tát Kim Cang Ý, Bồ-tát Sư Tử Thần Thông, Bồ-tát Đại Âm Thanh Vương, Bồ-tát Sư Tử Hống Ý, Bồ-tát Thâm Âm Thanh, Bồ-tát Vô Nhiễm Ô, Bồ-tát Ly Nhất Thiết Cấu, Bồ-tát Nguyệt Quang, Bồ-tát Nhật Quang, Bồ-tát Trí Quang, Bồ-tát Trí Công Đức, Bồ-tát Nguyệt Công Đức, Bồ-tát Liên Hoa Công Đức, Bồ-tát Bảo Công Đức, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, cùng mười sáu vị Hiền sĩ như Đại sĩ Bà-đà-bà-la…

Trong hiền kiếp, Bồ-tát Di-lặc là Thượng thủ nơi một ngàn Đại Bồ-tát. Chư Thiên ở cõi Tứ Thiên vương, Tứ Thiên vương là thượng thủ. Chư Thiên ở cõi Đao-lợi, Đế Thích là thượng thủ. Cõi trời Diệmma, Diệm-ma là thượng thủ. Trời Đâu-suất-đà, Thiên vương Đâusuất-đà là thượng thủ. Chư Thiên cõi Hóa lạc, Thiên vương Hóa lạc là thượng thủ. Chư Thiên cõi Tha hóa tự tại, Thiên vương Tha hóa tự tại là thượng thủ. Chư Thiên cõi Thiện đảng, Tát-đà là thượng thủ. Trong tất cả các Phạm thiên, Đại phạm vương là thượng thủ. Chư Thiên cõi Thủ đà hội, Ma-hê-thủ-la là thượng thủ.

Cùng với A-tu-la vương Tỳ-ma-chất-đa, A-tu-la vương Bà-trĩ, A-tu-la vương La-hầu… vô lượng trăm ngàn ức A-tu-la vương; Long vương A-na-bà-đạt-đa, Long vương Ma-na-tư, Long vương Bà-già-la, Long vương Nan-đà, Long vương Hòa-tu-cát, Long vương Đức-xoaca cùng trăm ngàn ức rồng, các rồng con, các rồng thể nữ… như vậy có đến trăm ngàn vạn ức chúng.

Tám bộ chúng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Calâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân và phi nhân… trăm ngàn vạn ức chúng đều đến tập hội.

Bấy giờ, trên đỉnh núi Già-da vuông vức bốn do-tuần, người người đông đúc chen chúc, từ mặt đất lên hư không, đại chúng nhiều như vi trần. Chính giữa đỉnh núi là tòa Sư tử cao một do-tuần, rộng nửa do-tuần, được phủ che do tám ngàn Thiên y, trang nghiêm, sáng rực, lộng lẫy bậc nhất. Mặt đất bằng phẳng biến thành kim cương, được rưới lên một loại nước thơm tinh khiết, bên trên được trang hoàng các tua cờ, lụa, vô lượng hoa trời rơi đầy trên ấy.

Hai bên tòa Sư tử mọc các hoa sen lớn như bánh xe gồm trăm ngàn vạn cánh, cọng làm bằng chân kim, lưu ly xanh biếc làm đài, nhân đà ni làm nhụy, thơm sạch, hợp ý, rất thích thú khi chạm vào. Những bông hoa tuyệt diệu như vậy dùng để cúng dường Phật. Ở bốn góc tòa Sư tử đều mọc cây báu cao mười lăm lý, tàng cây che phủ nửa do-tuần.

Tòa Sư tử được trang nghiêm như vậy, Đức Phật an tọa trên đó, tâm ý thanh tịnh, khéo chuyển bánh xe pháp, hàng phục ma oán, không bị tám pháp làm nhiễm ô, đạt Vô sở úy, trí biện tài thông suốt, tâm chẳng khiếp nhược giống như sư tử, ý hành thanh tịnh như ao sâu trong mát, rộng lớn như biển hay sinh ra các thứ báu, như núi Tu-di nổi bật nơi biển cả, như mặt trời chiếu sáng rực rỡ khắp nơi, như trăng tròn làm mát mẻ tất cả, mưa pháp lớn như Long vương làm mưa, như Đại Phạm thiên hiển hiện giữa chúng.

Vô lượng đệ tử đều đã điều thuận, vô lượng Thích, Phạm, Tứ Thiên vương… chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn tâm không dao động.

Đức Thế Tôn như mặt trời trang nghiêm với các thứ báu, có khả năng chiếu sáng làm cho đại chúng ấm áp. Khi ấy, sắc thân an hòa của Đức Thế Tôn sáng dịu ấm áp lan tỏa khắp cả đại chúng, như vật báu trang nghiêm. Từ đinh đầu, Đức Thế Tôn phóng ra luồng hào quang gọi là Châu biến, tỏa khắp trăm ngàn thế giới với vô lượng ánh sáng làm quyến thuộc. Ánh sáng ấy chiếu soi tận mười phương, xoay quanh Phật ba vòng rồi nhập vào kim khẩu, nhưng tất cả vẫn không thay đổi. Ví như trăng sáng chiếu khắp hư không mà hư không vẫn bình thường, ánh sáng vào từ miệng Thế Tôn cũng lại như vậy. Ví như đổ dầu lên đống cát vẫn không thấy tăng giảm, ánh sáng vào kim khẩu của Phật cũng lại như vậy.

Bấy giờ, cách cõi này vô lượng hằng hà sa thế giới về phương Đông có quốc độ tên là Liên hoa tự tại, Đức Phật ở thế giới ấy tên là Liên Hoa Nhãn gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn đang vì các Bồtát giảng nói pháp Nhất thừa.

Cõi đó không có danh hiệu Thanh văn, Bích-chi-phật. Các chúng sinh nơi ấy đều hướng đến đạo quả Bồ-đề vô thượng, tâm không còn thoái chuyển, không dùng đoàn thực mà chỉ dùng pháp hỷ thực, thiền duyệt thực…

Cõi ấy tuy có mặt trời, mặt trăng, tinh tú nhưng không lấy đó làm ánh sáng mà chỉ dùng hào quang tỏa ra của Đức Phật.

Cõi ấy đất bằng phẳng như bàn tay, không có núi rừng, gai góc hiểm trở.

Cõi ấy có Đại Bồ-tát tên là Trừ Nhất Thiết Cái Chướng, nếu ai nghe được danh hiệu của Bồ-tát này thì tất cả tội chướng đều dứt sạch.

Khi được ánh sáng kia chạm vào thân, Đại Bồ-tát Trừ Nhất Thiết Cái Chướng lập tức đến chỗ Phật Liên Hoa Nhãn, đảnh lễ đầu mặt chạm đất, rồi lui ra một bên ngồi trên hoa sen. Lại có vô lượng Bồ-tát cũng chạm được ánh sáng kia, đều đi đến chỗ Phật, đảnh lễ đầu mặt sát đất xong lui ra ngồi một bên.

Bồ-tát Trừ Nhất Thiết Cái Chướng từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch bày vai phải, gối phải quỳ chấm đất, chắp tay hướng về Đức Phật, bạch:

–Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì có ánh sáng này? Người gặp ánh sáng này tâm ý đều được diệu lạc, ánh sáng như vậy từ đâu chiếu đến?

Phật Liên Hoa Nhãn đáp:

–Này thiện nam! Ở phương Tây có thế giới tên là Ta-bà, Đức Phật tên là Thích-ca Mâu-ni gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Ai nghe danh hiệu của Đức Phật ấy cũng đều đạt được không thoái chuyển. Ánh sáng như vậy từ chỗ Đức Phật ấy chiếu đến.

Bồ-tát Trừ Cái Chướng lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà nghe danh hiệu của Đức Phật ấy đều đạt được bất thoái chuyển, hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?

Đức Phật Liên Hoa Nhãn lại bảo Bồ-tát Trừ Cái Chướng:

–Đức Phật ấy khi hành đạo Bồ-tát, phát thệ nguyện: “Nếu ta thành Phật, ai nghe được danh hiệu của ta thì đều phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đạt được bất thoái chuyển.” Bồ-tát Trừ Cái Chướng lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu ai nghe danh hiệu của Đức Phật ấy cũng đều phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đạt được bất thoái chuyển như vậy, chắc chúng sinh nơi cõi ấy đều đã đạt được hết rồi chăng?

Đức Phật Liên Hoa Nhãn đáp:

–Này thiện nam! Có người đạt được và cũng có người không đạt được.

Bồ-tát Trừ Cái Chướng lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Do chúng sinh nơi cõi ấy không nghe được danh hiệu của Phật kia chăng?

Đức Phật Liên Hoa Nhãn đáp:

–Này thiện nam! Tất cả đều nghe được.

Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Chúng sinh nơi cõi ấy đều được nghe danh hiệu của Phật tại sao có người đạt được, có người không đạt được không thoái chuyển?

Đức Phật Liên Hoa Nhãn đáp:

–Này thiện nam! Chúng sinh nơi cõi ấy đều là Bất thoái chuyển, cũng chẳng phải là Bất thoái chuyển.

Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao đều là Bất thoái chuyển, cũng chẳng phải là Bất thoái chuyển?

Đức Phật Liên Hoa Nhãn đáp:

–Này thiện nam! Người nghe danh hiệu của Đức Phật ấy tuy được chủng tử Bất thoái chuyển, nhưng vì nhân duyên chưa đầy đủ, hành chưa đầy đủ nên không được thọ ký. Này thiện nam! Vì ông, ta nói ví dụ: Ví như trồng cây, hạt giống ấy không bị hư lép, đầy đủ nhân duyên để nảy mầm. Vậy nên nói là mọc hay không mọc?

Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nên nói là mọc.

Đức Phật Liên Hoa Nhãn dạy:

–Này thiện nam! Người nghe danh hiệu Đức Phật ấy được chủng tử Bất thoái chuyển, nếu nhân duyên đầy đủ liền được thọ ký.

Đại Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Con muốn đến thế giới Ta-bà để cung kính, lễ bái Đức Phật Thích-ca Mâu-ni.

Đức Phật Liên Hoa Nhãn liền dạy:

–Này thiện nam! Nay thật đúng lúc, ông nên đến đó lễ bái, cúng dường.

Các Bồ-tát có mặt ở đấy cũng bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Chúng con cũng muốn theo Bồ-tát Trừ Cái Chướng đến thế giới Ta-bà để lễ bái, cung kính, tôn trọng, tán thán Đức Phật Thích-ca Mâu-ni.

Đức Phật Liên Hoa Nhãn bảo các Bồ-tát:

–Nay thật đúng lúc, các ông nên đến đó, chớ sinh tâm thấp kém buông lung. Vì sao? Vì chúng sinh ở cõi ấy rất nhiều tham dục, sân hận, ngu si, không cung kính Sa-môn, Bà-la-môn, ưa làm việc phi pháp, tâm ý thô lỗ, dối trá, ác khẩu, rất cứng cỏi, khó điều phục. Lại tham lam keo kiệt, ganh ghét, lười nhác, buông lung, phá giới, bị vô lượng phiền não trói buộc. Ở trong cõi xấu ác như vậy, Đức Phật Thích-ca đã vì họ thuyết giảng chánh pháp.

Các Bồ-tát bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thật là hiếm có, trong thế giới chúng sinh xấu ác như vậy mà Đức Phật luôn vì họ thuyết giảng chánh pháp.

Đức Phật Liên Hoa Nhãn bảo:

–Này thiện nam! Đúng như lời các ông nói, hiếm có ai như thế,

Đức Phật Thế Tôn ấy thường ở chỗ chúng sinh ác mà giảng nói chánh pháp cho họ. Ở thế giới ác đục đó, ai có thể khởi lên một niệm thiện cũng khó. Vì sao? Vì chúng sinh ở cõi thanh tịnh giữ lòng tin, tu thiện chẳng khó. Còn ở thế giới ác, trong khoảng thời gian khảy móng tay ai có thể phát sinh lòng tin, quy y Phật, Pháp, Tăng, khéo tu trì giới, khởi tâm lìa dục, sinh lòng từ bi, phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thật là rất khó.

Các Bồ-tát bạch Phật:

–Thật là hy hữu, bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu, bạch Thiện Thệ!

Trong các Bồ-tát này thì Đại Bồ-tát Trừ Cái Chướng là thượng thủ. Đại Bồ-tát Trừ Cái Chướng cùng các Bồ-tát ghi nhận lời Phật dạy, vui mừng vô hạn, đảnh lễ dưới chân Phật rồi tất cả trở về chỗ cũ.

Các vị Bồ-tát ấy mang theo đầy đủ cây, hoa, quả báu để dâng cúng: Có vị mang cây bằng lưu ly, có vị mang cây bằng pha lê, có vị mang cây bằng vàng, có vị mang các cây báu, có vị mang cây hoa, có vị mang cây quả, có vị mang y báu, có vị mang vòng xuyến anh lạc, có vị mang mây thơm, có vị mang mây tràng hoa, có vị mang mây lọng báu, có vị mang mây cờ phướn báu, có vị mang mây âm nhạc… Tất cả Bồ-tát đều tập hợp lại, cùng Đại Bồ-tát Trừ Cái Chướng đi đến thế giới Ta-bà.

Đại Bồ-tát Trừ Cái Chướng bảo các Bồ-tát:

–Chúng sinh ở thế giới Ta-bà kia chịu nhiều khổ não. Các ông nên hiện bày diệu lực thần thông khiến cho họ đạt được an lạc.

Các Bồ-tát nói:

–Thưa vâng.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Trừ Cái Chướng dùng diệu lực thần thông, từ thân phát ra ánh sáng thanh tịnh vô cấu chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới cùng với cõi Ta-bà, soi tỏa đến các chốn địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, Diêm-la vương. Những chúng sinh khổ não ở các nơi ấy nhờ ánh sáng chạm vào thân nên đều được an lạc, tham dục, sân hận được dứt sạch, vì tâm Từ của Đại Bồ-tát thương xót chúng sinh như cha mẹ thương con. Những nơi tối tăm nhất trong tam thiên đại thiên thế giới, ánh sáng của mặt trời, mặt trăng không thể chiếu đến, nhờ ánh sáng của Bồ-tát nên chúng sinh ở các chốn ấy được thấy nhau. Các chốn u tối nơi núi Thiết vi, núi Đại thiết vi, núi Mục-chân-lân-đà, núi Đại mục-chân-lân-đà cùng những chỗ tăm tối nơi các núi khác trong tam thiên đại thiên thế giới cũng được ánh sáng của Bồ-tát Trừ Cái Chướng soi chiếu tới, trên lên đến tận cõi Phạm thiên, dưới thấu tận địa ngục A-tỳ. Ánh sáng của Bồ-tát tỏa khắp khoảng không như vậy, cùng với ánh sáng từ thân các Bồ-tát kia phóng ra, nhờ đấy, người đói được ăn, người khát được uống, người không có áo được áo, người nghèo được của, người mù được thấy, người điếc được nghe, người câm được nói, người què được đi, người điên được tỉnh, người khổ được vui, những người mang thai sinh sản được an ổn…

Đang lúc các đau khổ được tiêu trừ thì chư Bồ-tát thuộc thế giới Liên hoa tự tại cũng vừa đến đỉnh núi Già-da. Lưới báu che khắp tam thiên đại thiên thế giới. Nơi hư không mây hoa sen, mưa hoa sen; mây diệu quả, mưa trái đẹp; mây vòng hoa, mưa vòng hoa; mây hương, mưa hương; mây hương bột, mưa hương bột; mây vải lụa lạ, mưa vải lụa lạ; mây hương xoa, mưa hương xoa; mây y phục, mưa y phục; mây lọng báu, mưa lọng báu; mây cờ báu, mưa cờ báu; mây phướn báu, mưa phướn báu… Tùy theo các loại mây như vậy mà mưa xuống. Khi giọt mưa chạm vào thân ai thì người đó cảm thấy mát dịu an lạc.

Lúc này, mọi hầm hố, gò đất nổi trên núi Già-da tự nhiên bằng phẳng. Các cây cối trên núi biến thành rừng cây quý như chiên-đàn, trầm thủy, các cây có mùi thơm trang nghiêm khắp nơi. Trăm ngàn nhạc trời ở giữa hư không chẳng đánh mà tự tấu lên, các âm thanh ấy hòa quyện vào nhau phát ra kệ:

Sinh nơi Lâm-tì-la
Chẳng do nghiệp trói buộc
Đặc biệt chẳng ai bằng
Nay con đảnh lễ Ngài.
Tâm bình như hư không
Đến nơi núi Già-da
Con quy y Tối Tôn
Đấng Giác Ngộ vô thượng.
Ngồi nơi cội Bồ-đề
Khi mới thành Chánh giác
Chỉ đất để làm chứng
Ma oán đều lui tan.
Nay con đến Già-da
Đảnh lễ Đấng Vô Cấu
Thế gian đều huyễn hóa
Như bọt nước, đóm lửa.
Như ánh trăng trong nước
Pháp tướng cũng như vậy
Nay con đến nơi này
Kính lễ cây chánh trí.
Giống như người thợ giỏi
Khéo hiện các quyền biến
Các pháp nhiều vô số
Giống như ngựa trời hồng.
Cung kính lễ bất động
Kho công đức sâu kín
Con nay từ đó lại
Kính lễ Đấng Vô Thượng.
Khởi hết lòng đại Bi
Vô lượng trăm ngàn kiếp
Tu tập giới, định, tuệ,
Tích tụ các nghiệp thiện.
Nay con từ đó lại
Lễ đấng Mặt trăng tịnh
Trăm ngàn ức Bồ-tát
Vô lượng chúng chư Thiên.
Đều từ đó đến đây
Vì lễ đấng trừ ám
Đạt được pháp thục tạng
Từ bi vì chúng nói.
Đấng hay làm lợi ích
Cao quý không ai bằng
Từ kia con đến đây
Kính lễ Bậc Chánh Giác.
Từ bi cứu chúng sinh
Vắng lặng mà trong sáng
Như sen chẳng vướng nước
Tâm chẳng nhiễm phiền não
Nay con đến quy mạng
Kính lễ Đức Tối Thắng.
Thân thanh tịnh vô cấu
Hình tướng như hoa nở
Tám mươi đẹp làm quả
Thế gian được nương nhờ.
Nay con từ đó lại
Kính lễ đấng cây báu
Đủ vô lượng cành lá
Chúng con đều cúng dường.

Bấy giờ, Tôn giả Mục-liên từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai phải, quỳ gối chắp tay, bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Nay con nghe âm thanh của kệ tụng vi diệu mà chẳng thấy hình bóng người nói đâu cả!

Đức Phật bảo Tôn giả Mục-liên:

–Về phương Đông, cách đây vô lượng hằng hà sa cõi Phật có thế giới Liên hoa, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Liên Hoa Nhãn đang vì đại chúng thuyết pháp. Cõi đó có Đại Bồ-tát tên là Trừ Cái Chướng cùng với vô lượng trăm ngàn ức Bồ-tát cùng đi tới thế giới Ta-bà. Vì muốn đến cung kính, lễ bái ta và chí tâm nghe pháp nên các Bồ-tát nói ra kệ tụng này.

Phật vừa nói xong thì các Bồ-tát đến trước Phật. Trong các vị Bồ-tát đó thì Đại Bồ-tát Trừ Cái Chướng là thượng thủ, tất cả đều đầu mặt đảnh lễ sát chân Phật, rồi lui ra đứng qua một bên, chắp tay hướng về Đức Phật Thích-ca dùng kệ tán thán:

Kính lễ đại danh xưng
Đấng đầy đủ trí tuệ
Kính lễ đại tinh tấn
Mâu-ni Tôn tối thắng.
Hay cứu giúp ba cõi
Vượt qua bờ phiền não
Thần quang chiếu thế gian
Kính lễ đấng cao tột.
Bốn phương mong soi sáng
Chiếu khắp đều giải thoát
Kính lễ đấng Vô thượng
Bất động như sơn vương.
Rộng sâu như biển lớn
Trí tuệ không thể lường
Tất cả các ngoại đạo
Không thể nhiễu loạn được.
Nay con cúi đầu lễ
Kính lễ đấng Pháp vương
Đạo tịch diệt bậc nhất
Không sinh cũng không diệt.
Thể tướng như Niết-bàn
Kính lễ thuyết Pháp vương
Đấng hay chuyển pháp luân
Hiện bày đạo chân chánh.
An trụ nơi chân đế
Khai diễn đạo Niết-bàn
Và thọ ký Bồ-đề
Khéo biết tướng các pháp.
Cùng các tánh phiền não
Tu hành như lời nói
Với luật nghi quan sát
Các tham dục, sân hận.
Vô lượng tâm cấu uế
Tất cả các chướng ngại
Ở nơi cội Bồ-đề
Dùng lửa trí thiêu tận.
Hóa độ các chúng sinh
Tự độ mình, độ người
Giữa đồng trống sinh tử
Dốc sức cứu chúng sinh.
Mê ngủ hôn ám nặng
Quay cuồng trong ba cõi
Khuyên bảo sớm giác ngộ
Hướng đến chỗ quy y.
Sẽ được làm thân hữu
Hoàn toàn không phóng dật
Theo nhau đến chỗ Ngài
Đều trụ vào giác ngộ
Vì muốn nghe chánh pháp
Nguyện sớm được giải thoát.

Sau khi Đại Bồ-tát Trừ Cái Chướng dùng kệ khen ngợi Đức Phật, Phật bảo các Bồ-tát trở về chỗ cũ. Đại Bồ-tát Trừ Cái Chướng cùng chư Bồ-tát đều ngồi lên đài hoa sen.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Trừ Cái Chướng từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, bày vai phải, quỳ gối phải, chắp tay hướng về Đức Phật, thưa:

–Bạch Thế Tôn! Con có điều muốn hỏi, cúi xin Thế Tôn cho phép.

Đức Phật liền nói:

–Nếu có điều gì nghi ngờ thì các ông cứ hỏi. Như Lai sẽ vì các ông phân biệt giải đáp.

Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:

–Kính thưa Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát đầy đủ sự bố thí, đầy đủ giới, đầy đủ nhẫn, đầy đủ tinh tấn, đầy đủ thiền định, đầy đủ trí tuệ, đầy đủ phương tiện, đầy đủ nguyện, đầy đủ lực, đầy đủ trí? Thế nào là Bồ-tát như đất?

Thế nào là Bồ-tát như nước?

Thế nào là Bồ-tát như lửa?

Thế nào là Bồ-tát như hư không?

Thế nào là Bồ-tát như mặt trăng?

Thế nào là Bồ-tát như mặt trời?

Thế nào là Bồ-tát như sư tử?

Thế nào là Bồ-tát khéo điều phục?

Thế nào là Bồ-tát khéo chế ngự?

Thế nào là Bồ-tát như hoa sen?

Thế nào là Bồ-tát được ý nguyện lớn?

Thế nào là Bồ-tát được tịnh ý?

Thế nào là Bồ-tát được lưới tâm vô nghi?

Thế nào là Bồ-tát rộng sâu như biển lớn?

Thế nào là Bồ-tát được trí vi tế?

Thế nào là Bồ-tát được biện tài tùy thuận?

Thế nào là Bồ-tát được biện tài vô tận?

Thế nào là Bồ-tát được biện tài thanh tịnh?

Thế nào là Bồ-tát có khả năng làm cho chúng sinh được thiểu dục, tri túc?

Thế nào là Bồ-tát được biện tài tùy ứng?

Thế nào là Bồ-tát làm Pháp sư?

Thế nào là Bồ-tát được pháp tùy thuận?

Thế nào là Bồ-tát giỏi thông đạt pháp giới?

Thế nào là Bồ-tát hành cảnh giới không?

Thế nào là Bồ-tát hành cảnh giới vô tướng?

Thế nào là Bồ-tát hành cảnh giới vô nguyện?

Thế nào là Bồ-tát hành Từ?

Thế nào là Bồ-tát hành Bi?

Thế nào là Bồ-tát hành Hỷ?

Thế nào là Bồ-tát hành Xả?

Thế nào là Bồ-tát chứng đắc thần thông diệu dụng?

Thế nào là Bồ-tát lìa được tám nạn xứ?

Thế nào là Bồ-tát không quên tâm Bồ-đề?

Thế nào là Bồ-tát đắc Trí mạng túc?

Thế nào là Bồ-tát chẳng lìa tri thức thiện?

Thế nào là Bồ-tát lìa tri thức ác?

Thế nào là Bồ-tát chứng đắc thân Phật thanh tịnh?

Thế nào là Bồ-tát chứng đắc thân Kim cang?

Thế nào là Bồ-tát đạt được đại thương chủ?

Thế nào là Bồ-tát giỏi biết các đạo?

Thế nào là Bồ-tát chỉ rõ đạo không điên đảo?

Thế nào là Bồ-tát thường được tâm định?

Thế nào là Bồ-tát đạt được y phấn tảo?

Thế nào là Bồ-tát đạt được ba y?

Thế nào là Bồ-tát đạt được chiên y?

Thế nào là Bồ-tát đắc pháp khất thực?

Thế nào là Bồ-tát đắc pháp nhất tọa thực?

Thế nào là Bồ-tát đắc pháp nhất thọ thực?

Thế nào là Bồ-tát đắc phi thực, hậu thực?

Thế nào là Bồ-tát hạnh A-lan-nhã?

Thế nào là Bồ-tát đắc thọ hạ tọa?

Thế nào là Bồ-tát đắc lộ địa tọa?

Thế nào là Bồ-tát ở nghĩa địa?

Thế nào là Bồ-tát thường ngồi không nằm?

Thế nào là Bồ-tát có khả năng tùy phu tọa?

Thế nào là Bồ-tát khéo biết chỉ dạy thiền pháp?

Thế nào là Bồ-tát hay trì kinh?

Thế nào là Bồ-tát hay trì tạng luật?

Thế nào là Bồ-tát hay trì oai nghi?

Thế nào là Bồ-tát giỏi biết hành xứ?

Thế nào là Bồ-tát giỏi biết tu pháp hành?

Thế nào là Bồ-tát trừ bỏ tham lam, ganh ghét?

Thế nào là Bồ-tát đối với tất cả chúng sinh hay khởi tâm bình đẳng?

Thế nào là Bồ-tát khéo biết cúng dường Như Lai?

Thế nào là Bồ-tát loại trừ kiêu mạn?

Thế nào là Bồ-tát khéo đắc tâm kính tín?

Thế nào là Bồ-tát thông đạt Đệ nhất nghĩa đế?

Thế nào là Bồ-tát giỏi biết mười hai Nhân duyên?

Thế nào là Bồ-tát giỏi biết thể tướng của mình?

Thế nào là Bồ-tát giỏi biết tướng thế gian?

Thế nào là Bồ-tát sinh ở cõi Phật thanh tịnh?

Thế nào là Bồ-tát ở trong thai không bị ô uế?

Thế nào là Bồ-tát bỏ nhà xuất gia?

Thế nào là Bồ-tát đắc mạng thanh tịnh?

Thế nào là Bồ-tát tâm không sầu não?

Thế nào là Bồ-tát thuận theo lời dạy của Phật?

Thế nào là Bồ-tát thường nói lời dịu dàng, hòa nhã?

Thế nào là Bồ-tát đầy đủ đa văn?

Thế nào là Bồ-tát khéo giữ chánh pháp?

Thế nào là Bồ-tát làm Pháp vương tử?

Thế nào là Bồ-tát được các hàng Tứ Thiên vương, Đế Thích, Phạm thiên cúng dường?

Thế nào là Bồ-tát biết thể tướng người khác?

Thế nào là Bồ-tát khéo làm thành thục các chúng sinh?

Thế nào là Bồ-tát khéo tu hạnh nhu hòa?

Thế nào là Bồ-tát sống chung an lạc?

Thế nào là Bồ-tát giỏi tu bốn Nhiếp pháp?

Thế nào là Bồ-tát được oai nghi đoan nghiêm?

Thế nào là Bồ-tát khéo vì chúng sinh làm chỗ nương tựa?

Thế nào là Bồ-tát ví như cây thuốc?

Thế nào là Bồ-tát thường tu các điều thiện?

Thế nào là Bồ-tát giỏi biến hóa?

Thế nào là Bồ-tát sớm thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ-đề?

Phật bảo Đại Bồ-tát Trừ Cái Chướng:

–Hay thay! Hay thay! Này thiện nam! Ông vì lợi ích của hàng trời, người, vì muốn cứu độ tất cả chúng sinh nên mới hỏi như vậy.

Nay Như Lai sẽ giải đáp cho ông.

Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch Phật:

–Cao cả thay Đức Thế Tôn! Xin Thế Tôn diễn nói.

Phật liền bảo:

–Này thiện nam! Các ông hãy lắng nghe! Nay ta sẽ nói. Bồ-tát phải thành tựu mười pháp thí. Những gì là mười?

  1. Đầy đủ pháp thí.
  2. Đầy đủ thí vô úy.
  3. Đầy đủ bố thí tài vật.
  4. Đầy đủ bố thí không mong cầu đền đáp.
  5. Đầy đủ bố thí tình thương.
  6. Đầy đủ bố thí tâm không khinh.
  7. Đầy đủ bố thí tôn trọng.
  8. Đầy đủ bố thí cung kính thừa sự.
  9. Đầy đủ bố thí chẳng cầu quả báo.
  10. Đầy đủ bố thí thanh tịnh.

Này thiện nam! Thế nào gọi là Bồ-tát đầy đủ pháp thí?

Bồ-tát tự thọ trì pháp, vì người diễn nói, tâm không ước muốn, không mong cầu lợi dưỡng, không vì danh tiếng, chỉ vì trừ tội ác cho tất cả chúng sinh. Bồ-tát thuyết pháp với tâm bình đẳng không cao thấp. Như đối với vua, quần thần, hoặc hàng Chiên-đà-la… Bồ-tát đều thuyết giảng pháp bình đẳng không phân biệt. Không vì bố thí như vậy mà Bồ-tát cao ngạo, kiêu mạn. Nếu hay làm như vậy, gọi là Bồtát đầy đủ pháp thí.

Thế nào gọi là Bồ-tát đầy đủ thí vô úy?

Bồ-tát tự lìa bỏ dao, gậy, cũng dạy người lìa bỏ dao, gậy. Đối với tất cả chúng sinh, Bồ-tát đều khởi tưởng như cha mẹ, con cái, thân hữu. Vì sao? Vì Phật dạy: “Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay không có một ai không là cha mẹ, anh em của ta.” Bồ-tát thường ở trong các loài vi tế mà xả thân bố thí, huống nữa là đối với chúng sinh lớn khác. Đó gọi là Bồ-tát đầy đủ thí vô úy.

Thế nào gọi là Bồ-tát bố thí tài vật đầy đủ?

Thấy chúng sinh gây nhiều tội ác, Bồ-tát liền tập trung của cải, vật báu bố thí cho họ, khiến họ xa lìa nghiệp ác, ở chỗ an lành. Bồ-tát lại nghe Phật Thế Tôn nói: “Bố thí là Bồ-tát trừ được cấu bẩn của ganh ghét, tham lận”, theo như lời Phật dạy, Bồ-tát tu tập bố thí. Không vì bố thí như vậy mà Bồ-tát sinh tâm tự cao. Đó gọi là Bồ-tát bố thí tài vật đầy đủ.

Thế nào gọi là Bồ-tát đầy đủ bố thí hoàn toàn không mong cầu quả báo?

Khi bố thí, Bồ-tát nghĩ như vầy: “Không vì được quyến thuộc mà bố thí, không vì được thân hữu mà bố thí, không vì sở thích mà bố thí.” Bồ-tát giữ tịnh giới là pháp thường hành, đây là nhân duyên. Đó gọi là Bồ-tát đầy đủ bố thí không mong cầu quả báo.

Thế nào gọi là Bồ-tát thành tựu đầy đủ bố thí tình thương?

Thấy chúng sinh thọ khổ, đói khát, rách rưới, áo quần không đủ mặc, không chỗ cậy nhờ, không nơi nương tựa, không chốn hướng về, không nhà trú thân, không có một chút phước nghiệp; thấy vậy Bồ-tát sinh tâm thương xót cứu giúp: Nay ta vì chúng sinh khổ mà phát tâm Vô thượng Bồ-đề, vì chúng sinh luân hồi thọ khổ, đói khát, không có đủ y phục, không chỗ cậy nhờ, không nơi nương tựa, không chốn hướng về, lạnh đói cơ cực, nên ta lúc nào cũng vì các chúng sinh ấy mà tạo ra y phục, thức ăn uống cho đến nhà cửa, chỗ nương tựa, hiện có tài vật đều đem cho hết. Bồ-tát tuy bố thí như vậy mà không khởi niệm tưởng có ta, có người, có tài vật… Bố thí như vậy gọi là Bồ-tát đầy đủ bố thí tình thương.

Thế nào gọi là Bồ-tát đầy đủ bố thí tâm không khinh?

Bồ-tát bố thí không hề phân biệt, bố thí với tâm đại Bi bình đẳng, bố thí tâm không khinh, bố thí tâm không keo bẩn, bố thí tâm không sân hận, bố thí không kiêu căng, bố thí không vì được danh tiếng, không vì ta đa văn mà bố thí. Bố thí như vậy gọi là chuyên tâm bố thí, tôn trọng bố thí, cung kính bố thí, tự tay bố thí. Bố thí bình đẳng như vậy gọi là Bồ-tát đầy đủ bố thí tâm không khinh.

Thế nào gọi là Bồ-tát đầy đủ bố thí thừa sự?

Như đồng phạm hạnh, hoặc các vị Hòa thượng, A-xà-lê… những bậc tôn kính, những bậc như vậy ân đức sâu nặng, ta nên nghênh tiếp, chắp tay chiêm ngưỡng, cung kính; hoặc có việc cần làm ta phải tự thân thay thế, phụ giúp các vị. Người bố thí như vậy gọi là Bồ-tát bố thí thừa sự đầy đủ.

Thế nào gọi là Bồ-tát đầy đủ bố thí cung kính?

Đó là cúng dường Phật, cúng dường Pháp, cúng dường Tăng.

Cung kính Phật là Bồ-tát cúng dường hương hoa, kỹ nhạc, nhiều tháp Như Lai, quét dọn đất Phật. Nếu các tháp miếu hư hoại, gãy đổ thì Bồ-tát phải tu sữa, tôn tạo. Như vậy gọi là Bồ-tát cung kính Phật.

Cung kính Pháp là Bồ-tát nghe pháp, thọ trì, đọc tụng, biên chép, giải nói, tư duy về ý nghĩa, tu hành như pháp, không chấp giữ theo nghĩa điên đảo. Như vậy gọi là Bồ-tát cung kính Pháp.

Cung kính Tăng là Bồ-tát dâng cúng y phục, đồ ăn uống, giường ghế, thuốc thang, các loại tạp vật; cung cấp các vật mà Tăng cần dùng. Thậm chí có lúc Bồ-tát không có vật cúng thì dùng nước trong thành tâm dâng cúng. Thí như vậy gọi là Bồ-tát cung kính cúng dường Tăng.

Nếu hay cúng dường Tam bảo như vậy thì gọi là Bồ-tát bố thí cung kính đầy đủ.

Thế nào gọi là Bồ-tát bố thí đầy đủ không mong cầu đền đáp

Khi bố thí, Bồ-tát chẳng khởi ý niệm: Ta sẽ sinh Thiên. Cũng chẳng khởi ý niệm: Ta sẽ làm vua, làm đại thần, dòng quan… Đó gọi là Bồ-tát bố thí đầy đủ chẳng mong cầu.

Thế nào gọi là Bồ-tát đầy đủ bố thí thanh tịnh?

Bồ-tát quán như thật việc bố thí này là không cấu, không uế, không tạp. Thí như vậy gọi là Bồ-tát bố thí thanh tịnh đầy đủ.

Này thiện nam! Làm đầy đủ mười việc này gọi là Bồ-tát hành thí đầy đủ.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp gọi là thành tựu tịnh giới. Những gì là mười?

  1. Khéo học giới Ba-la-đề-mộc-xoa.
  2. Khéo trì giới tinh tế của Bồ-tát.
  3. Diệt trừ các phiền não.
  4. Trừ các bất thiện.
  5. Kinh sợ nghiệp ác.
  6. Đối với tội nhỏ hết lòng sinh lo sợ.
  7. Tâm thường kinh sợ.
  8. Thọ trì pháp Đầu-đà kiên cố, không thiếu sót.
  9. Trì giới chẳng cầu tạo nghiệp.
  10. Giới ba nghiệp thanh tịnh.

Thế nào gọi là Bồ-tát khéo học giới Ba-la-đề-mộc-xoa?

Bồ-tát đối với giới luật, kinh điển Phật chế đều chuyên tâm thọ trì, chẳng vì chủng tộc mà trì giới, chẳng vì ngã kiến mà trì giới, chẳng vì thâu phục đồ chúng mà trì giới, chẳng vì thấy người khác giới sút kém mà khinh hủy giới. Đó gọi là Bồ-tát khéo thọ trì giới Bala-đề-mộc-xoa.

Thế nào gọi là Bồ-tát khéo trì giới tinh tế?

Bồ-tát nghĩ thế này: “Không những giới Ba-la-đề-mộc-xoa có thể làm cho ta thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ-đề, mà các oai nghi giới hạnh khác của Bồ-tát ta cũng phải nên học, tu hành đúng như pháp.”

Thế nào gọi là giới tinh tế của Bồ-tát?

Bồ-tát trọn đời không nên vãng lai ở những chỗ không nên đến, chẳng phải thời thì không nói, khéo biết thời, khéo biết phong tục tập quán thuận hợp lòng người, chẳng làm cho chúng sinh khởi tâm nghi kỵ, ngờ vực, khéo giúp đỡ làm cho chúng sinh đạt đến Bồ-đề, tự mình cũng đầy đủ oai nghi của Bồ-tát; ngôn từ hiền hòa, ít nói, chẳng thích thân cận các hàng đại thần, quan quyền, luôn luôn tu hạnh A-lan-nhã, vui vẻ hòa thuận, có thể hành đầy đủ giới oai nghi của Bồ-tát như vậy. Ngoài ra phải tu hành đầy đủ giới Bồ-tát như trong các kinh khác đã nêu. Đó gọi là giới tinh tế của Bồ-tát.

Thế nào gọi là Bồ-tát diệt?

Nghĩa là tất cả các kết sử đều bị tiêu diệt. Tham dục, sân hận, ngu si và các chướng ngại khác ràng buộc tất cả chúng sinh cũng đều bị thiêu cháy. Đối với nơi chốn tham dục nên khởi pháp đối trị, nếu có dấy dục thì nên đoạn trừ.

Thế nào là nơi chốn tham dục?

Là đối với sắc đẹp hay khởi nhân duyên của dục.

Thế nào là tưởng bất tịnh?

Như quán thân mình với các thứ: Tóc, lông, móng, răng, da, máu, thịt, gân, mạch, xương, tủy, mồ hôi, nước mắt, nước mũi, nước bọt, mỡ sa, não, màng, yết hầu, tim, mật, gan, phổi, lá lách, thận, ruột, dạ dày dung chứa trăm loại thực phẩm sống chín, nước tiểu, phân, mủ, nước nhờn… Bồ-tát thường quán ba mươi sáu vật này thì chẳng sinh tâm tham. Như đứa bé ngu si, điên cuồng, tâm loạn, thấy ba mươi sáu vật này hãy còn chẳng khởi tưởng dục, huống là bậc trí.

Các vị Bồ-tát phải thường quán bất tịnh như vậy.

Tại sao tưởng dục lại khởi?

Vì Đại Bồ-tát khi thấy sắc đẹp thích ý, tâm nhiễm liền sinh tham đắm. Do vậy, khi mới thấy sắc Bồ-tát liền tự nhớ lời Phật dạy: “Sắc như mộng huyễn, như âm vang, không thật có.” Biết nó là mộng, người trí lẽ nào lại sinh tưởng dục? Cho nên Bồ-tát đều phải xa lìa nơi chốn có thể làm phát sinh dục.

Thế nào là Bồ-tát dùng pháp đối trị sân hận, xa lìa được sân hận và nhân duyên của sân hận?

Đối với các chúng sinh, Bồ-tát thường khởi tâm Từ, vì nhân duyên này nên sân hận liền diệt trừ. Nếu lúc sân hận não hại khởi lên thì Bồ-tát phải luôn buộc niệm một cách sâu, chặt để đối trị. Đây gọi là phương tiện trừ sân hận của Bồ-tát.

Thế nào là phương tiện trừ si của Bồ-tát?

Bồ-tát nên nghĩ: Tâm si chẳng biết thiện ác. Người giữ lòng si ám sau phải chịu quả khổ. Ngu si tự che đậy gây não hại kẻ khác còn ít, không bằng tham sân não hại còn nhiều hơn. Khi quán như vậy thì tâm si tiêu trừ. Đây gọi là Bồ-tát thiêu cháy phiền não.

Thế nào gọi là Bồ-tát trừ giác bất thiện?

Bồ-tát ở chỗ A-lan-nhã thanh vắng nghĩ như vầy: “Nay ta xa lìa các chốn ồn ào, thực hành giáo pháp của Phật tại nơi yên tĩnh; còn các Sa-môn, Bà-la-môn khác sống nơi thị tứ bị các sự ồn ào nhiễu loạn, khiến xa lìa giáo pháp của Phật. Đây gọi là Bồ-tát trừ giác bất thiện.

Thế nào gọi là Bồ-tát sợ tạo nghiệp ác?

Bồ-tát từng nghe Phật dạy, quan sát kỹ lưỡng, chuyên tâm tu phước, kiên trì giới tịnh, khéo học trí tuệ. Nhờ nhân duyên như vậy nên được thắng báo cao tột, đầy đủ nghiệp phước đức, xa lìa các ác.

Đây gọi là Bồ-tát sợ tạo nghiệp ác.

Thế nào gọi là Bồ-tát sợ điều ác nhỏ?

Đối với tội nhỏ, Bồ-tát thường hết lòng lo sợ, trọn đời chẳng dám khinh thường điều ác nhỏ. Vì sao? Vì Bồ-tát từng nghe Phật dạy: “Độc ít còn giết người, huống nữa là độc nhiều.” Điều ác cực nhỏ còn dẫn người vào ba đường ác, huống nữa là điều ác lớn. Vậy mà tâm không lo sợ sao! Đây gọi là Bồ-tát sợ điều ác nhỏ.

Thế nào gọi là Bồ-tát tâm thường lo sợ?

Có những người thâm tín như Bà-la-môn, Sát-lợi, Cư sĩ… vì lòng tin nên đem các loại châu báu, vàng bạc ký gởi cho Bồ-tát mà không cần làm giấy tờ chứng cứ. Bồ-tát trọn đời chẳng sinh tâm đem vật ấy ẩn trốn, cho đến những vật của Phật, vật của Pháp, vật của chúng Tăng, cùng vật của tứ phương Tăng, Bồ-tát thà tự ăn thịt mình chứ chẳng bao giờ xâm phạm vào vật của người khác. Trong nhu cầu cung cấp cho thân như ăn, uống… Bồ-tát hãy còn chẳng dám phí phạm. Đây gọi là Bồ-tát tâm thường lo sợ.

Thế nào gọi là Bồ-tát thọ trì pháp đầu đà kiên cố, không lay động?

Nếu quyến thuộc của ma và chư Thiên… dùng tiền tài, sắc đẹp đến quấy nhiễu Bồ-tát mà tâm trí Bồ-tát kiên cố không dao động. Đó gọi là Bồ-tát thọ trì pháp đầu đà kiên cố, không lay động.

Thế nào gọi là Bồ-tát trì giới không mong cầu tạo nghiệp?

Bồ-tát trì giới không mong cầu quả báo thế gian, chỉ vì muốn hành trì đầy đủ hết thảy pháp thiện chứng đắc đạo quả Bồ-đề vô thượng. Đó gọi là Bồ-tát trì giới không mong cầu tạo nghiệp.

Thế nào gọi là Bồ-tát với ba nghiệp thanh tịnh?

Thế nào là thân nghiệp thanh tịnh?

Lìa bỏ sát sinh, trộm cắp, dâm dục. Đây gọi là thân nghiệp thanh tịnh.

Thế nào là khẩu nghiệp thanh tịnh?

Lìa bỏ lời nói độc ác, hư dối, đâm thọc, thêu dệt. Đây gọi là khẩu nghiệp thanh tịnh.

Thế nào là ý nghiệp thanh tịnh?

Dứt trừ tham, sân, si, tà kiến. Đây gọi là ý nghiệp thanh tịnh. Thân, khẩu, ý của Bồ-tát luôn như vậy, gọi là ba nghiệp thanh tịnh.

Này thiện nam! Đầy đủ mười việc này gọi là Bồ-tát thành tựu tịnh giới.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát lại có mười pháp có thể làm cho nhẫn được thanh tịnh. Những gì là mười pháp?

Đó là:

  1. Nội nhẫn.
  2. Ngoại nhẫn.
  3. Pháp nhẫn.
  4. Tùy Phật giáo nhẫn.
  5. Vô phương sở nhẫn.
  6. Tu xứ xứ nhẫn.
  7. Phi sở vị nhẫn.
  8. Nhẫn chẳng bức não.
  9. Bi tâm nhẫn.
  10. Thệ nguyện nhẫn.

Thế nào gọi là Bồ-tát hành nội nhẫn?

Sống trong cảnh đói, khát, lạnh, nóng, sầu bi, thân tâm bị đau đớn thống khổ mà Bồ-tát tự có khả năng nhẫn chịu, không cho là khổ não. Đó gọi là Bồ-tát hành nội nhẫn.

Thế nào gọi là Bồ-tát hành ngoại nhẫn?

Bồ-tát bị người mắng nhiếc, hủy nhục, phỉ báng bằng những lời độc ác; hoặc nghe những lời hủy nhục đối với cha mẹ, anh em, chị em, quyến thuộc, Hòa thượng, A-xà-lê, thầy bạn đồng tu học…; hoặc nghe những lời phỉ báng đối với Phật, Pháp, Tăng, nghe những lời mạ nhục như vậy mà Bồ-tát nhẫn chịu, không sinh tâm oán hận. Đó gọi là Bồ-tát hành ngoại nhẫn.

Thế nào gọi là Bồ-tát hành pháp nhẫn?

Những nghĩa vi diệu trong các kinh do Phật giảng nói: “Các pháp tịch tĩnh, các pháp tịch diệt, tướng Niết-bàn như vậy chẳng kinh, chẳng sợ.” Bồ-tát suy nghĩ: “Nếu ta không hiểu rõ về ý nghĩa của kinh này, không biết pháp ấy thì rốt cuộc không thể chứng đắc đạo quả Bồ-đề vô thượng.” Vì vậy Bồ-tát chuyên cần đọc tụng, tìm cầu, tham vấn học hỏi. Đó gọi là Bồ-tát hành trì pháp nhẫn.

Thế nào gọi là Bồ-tát nhẫn theo giáo pháp của Phật? (Tùy Phật giáo nhẫn)

Khi những tâm sân hận, phiền não, độc hại khởi lên, Bồ-tát suy nghĩ: “Thân này từ đâu sinh, từ đâu diệt? Nếu từ ngã sinh thì ngã là cái gì? Nếu từ bỉ sinh thì bỉ là cái gì? Pháp tướng như vậy từ nhân duyên gì khởi?” Trong lúc tư duy như thế, Bồ-tát thấy chẳng có chỗ sinh, chẳng có chỗ duyên khởi, chẳng từ ngã sinh, chẳng từ bỉ khởi, cũng chẳng từ nhân duyên sinh. Tư duy như vậy thì tâm sân hận, phiền não, độc hại, cuồng nộ… liền đó đều không còn. Đó gọi là Bồtát nhẫn theo giáo pháp của Phật.

Thế nào gọi là Bồ-tát hành nhẫn trong mọi thời gian, không gian? (Vô phương sở nhẫn)

Như có người ban đêm thì nhẫn, ban ngày không nhẫn. Hoặc có người ban ngày nhẫn, ban đêm không nhẫn. Hoặc có người ở chỗ kia thì nhẫn, ở chỗ này thì không nhẫn. Hoặc có người ở chỗ này thì nhẫn, ở chỗ kia thì không nhẫn. Hoặc có người hiểu biết sự việc thì nhẫn, không hiểu biết sự việc thì không nhẫn. Hoặc có người không hiểu biết sự việc thì nhẫn, hiểu biết sự việc thì không nhẫn. Bồ-tát không như vậy. Trong mọi thời gian, mọi nơi chốn, Bồ-tát luôn sinh tâm nhẫn. Đấy gọi là Bồ-tát hành nhẫn trong mọi thời gian, không gian.

Thế nào gọi là Bồ-tát tu nhẫn không phân biệt? (Tu xứ xứ nhẫn)

Đối với cha mẹ, sư trưởng, vợ chồng, nam nữ lớn nhỏ trong dòng tộc nội ngoại, người ta có thể nhẫn chịu được, nhưng đối với người ngoài thì họ không thể nhẫn. Bồ-tát tu nhẫn thì không như vậy, nhẫn nhịn đối với các bậc cha mẹ cũng như nhẫn chịu đối với hàng Chiên-đà-la. Đó gọi là Bồ-tát tu nhẫn không phân biệt.

Thế nào gọi là Bồ-tát tu nhẫn không vì duyên sự? (Phi sở vị nhẫn)

Bồ-tát không vì sự biến mà sinh nhẫn, không vì lợi mà sinh nhẫn, không vì sợ sệt mà sinh nhẫn, không vì thọ ân người mà sinh nhẫn, không vì bạn bè thân quen mà sinh nhẫn, không vì hổ thẹn mà sinh nhẫn. Bồ-tát thường luôn tu nhẫn. Đó gọi là Bồ-tát tu nhẫn không vì duyên sự.

Thế nào gọi là Bồ-tát tu nhẫn chẳng bức não?

Nếu chưa gặp cảnh sân hận, phiền não quấy nhiễu thì không gọi là nhẫn. Nếu khi gặp cảnh bị người giận dữ cầm dao, gậy, đánh đấm, chân đá, miệng mắng chửi lời ác… đối trước hoàn cảnh như vậy mà tâm không động mới gọi là nhẫn. Nếu có người khởi tâm sân hận làm hại Bồ-tát, Bồ-tát nhẫn chịu, cũng như họ đến với tâm không sân hận, não hại mà Bồ-tát cũng nhẫn. Đó gọi là Bồ-tát tu nhẫn chẳng bức não.

Thế nào gọi là Bồ-tát hành nhẫn với tâm Bi? (Bi tâm nhẫn)

Có lúc Bồ-tát làm vua hoặc làm chủ những công việc lớn là vì những chúng sinh khổ mà làm. Vậy mà lắm khi những chúng sinh này lại kéo đến mạ nhục, xúc não Bồ-tát. Bồ-tát nghĩ: “Không vì ta làm chủ họ mà sinh lòng sân hận. Những chúng sinh như vậy ta phải thường cứu giúp, bảo hộ, lẽ nào ta lại khởi tâm não hại họ! Vì vậy, nay ta phải thể hiện lòng thương xót, không sinh lòng oán hận mà hại họ.” Đó gọi là Bồ-tát hành nhẫn với tâm Bi.

Thế nào gọi là Bồ-tát hành nhẫn theo thệ nguyện? (Thệ nguyện nhẫn)

Bồ-tát nghĩ nhớ: Xưa kia ở trước Đức Phật, ta từng phát thệ nguyện với âm vang như sư tử gầm: “Ta sẽ thành Phật, cứu vớt hết thảy chúng sinh khổ trong bùn nhơ sinh tử.” Ta nay muốn cứu họ thì không nên khởi tâm sân hận não hại. Nếu ta không nhẫn thì còn không thể tự độ, huống nữa là đem lại lợi ích cho chúng sinh.

Này thiện nam! Ví như lương y giỏi trị bệnh mắt, thấy các chúng sinh có nhiều bệnh mắt, như: người mắt có màng, mắt bị hư võng mạc.. Bệnh mắt nhiều loại, chẳng thể tính đếm, vậy mà lương y này nói: “Tôi muốn trị bệnh mắt cho chúng sinh”, nhưng khi đó mắt của lương y thì mù tối.

Phật hỏi:

–Lương y này có khả năng trị bệnh mắt chăng?

Đại Bồ-tát Trừ Cái Chướng bạch:

–Không, thưa Đức Thế Tôn!

Phật dạy Đại Bồ-tát Trừ Cái Chướng:

–Muốn trừ hết thảy vô minh tối tăm của chúng sinh thì trước hết phải tự trừ ám chướng của mình, sau đó mới có thể trừ cho chúng sinh. Nếu người không có trí tuệ mà trị bệnh cho kẻ khác thì điều này không thể có. Vì nhân duyên ấy nên luôn tu nhẫn mà không sân hận. Đó gọi là Bồ-tát hành nhẫn theo đại thệ nguyện.

Này thiện nam! Đầy đủ mười việc này gọi là Bồ-tát có khả năng làm nhẫn được thanh tịnh.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười pháp gọi là tinh tấn đầy đủ: Tinh tấn như kim cương, tinh tấn không ai bằng, tinh tấn đúng mức, tinh tấn hiển thắng, tinh tấn mạnh mẽ, tinh tấn liên tục, tinh tấn thanh tịnh, tinh tấn không cùng hàng nhị thừa, tinh tấn không khinh tiện, tinh tấn không thoái chuyển.

Thế nào là Bồ-tát hành tinh tấn vững chắc như kim cang?

Người chưa hiểu làm cho hiểu, người chưa Niết-bàn làm cho được Niết-bàn, người chưa an làm cho được an, người chưa độ làm cho được độ, người chưa đắc Bồ-đề vô thượng thì làm cho đắc Bồ-đề vô thượng. Nếu trong lúc tinh tấn tu hành như vậy, thiên ma Ba-tuần đến nói với Bồ-tát: “Nay ông cớ gì tu tinh tấn như vậy? Trọn đời ông siêng năng cực nhọc cũng chẳng thu được gì. Vì sao? Vì tôi cũng từng tu tinh tấn như thế: Người chưa hiểu làm cho hiểu, người chưa Niếtbàn làm cho được Niết-bàn, người chưa an làm cho được an, người chưa độ làm cho được độ, người chưa đắc Bồ-đề vô thượng thì làm cho đắc Bồ-đề vô thượng. Những việc như vậy đều là hư vọng, là lừa dối kẻ phàm phu, không có chân thật. Tôi chưa từng thấy ai tinh tấn như thế mà chứng được đạo quả Bồ-đề vô thượng.”

“Này anh, tôi từng thấy vô lượng chúng sinh tu tập tinh tấn như vậy, có người đắc Niết-bàn của A-la-hán, có người đắc Niết-bàn của Bích-chi-phật.”

Ma vương lại hỏi: “Này anh, tuy anh tu tinh tấn nhưng chẳng chứng được Bồ-đề vô thượng, vậy nay nên suy nghĩ mà sớm xả bỏ tâm ấy, không thì chẳng được ích gì, chỉ tự chuốc lấy đau khổ. Anh nên gấp gáp cầu quả Nhị thừa, có thể sớm được thoát ly sinh tử.”

Bồ-tát liền nghĩ: “Đây là lời nói của ma muốn phá hoại tâm ta. Ngươi chỉ thích việc nhỏ, hãy tự lo cho mình đi, chớ đa sự lo cho ta. Tùy theo nghiệp tạo tác mà thọ báo tương ứng, y nơi nghiệp, nghiệp là thân hữu. Ngươi cũng tùy theo nghiệp ấy mà thọ báo. Y nơi nghiệp, nghiệp là thân quyến. Này ma ác Ba-tuần! Ngươi hãy mau mau trở lại con đường chánh đạo. Nếu ngươi gây phiền cho ta thì sẽ thọ khổ nhiều đời.” Ma liền hổ thẹn, ẩn mình rút lui. Đó gọi là Bồ-tát tinh tấn như kim cang, ma chẳng thể phá hoại.

Thế nào gọi là Bồ-tát hành tinh tấn không ai bằng?

Bồ-tát tu hành tinh tấn vượt hơn trăm ngàn vạn ức chư Bồ-tát, tính toán thí dụ còn chẳng thể nêu bày hết, huống nữa là các người tu học theo Nhị thừa sánh kịp sao? Vì lực tinh tấn nên Bồ-tát có khả năng thâu giữ hết thảy các pháp thiện của chư Phật, có khả năng xả bỏ tất cả các pháp ác. Đây gọi là Bồ-tát hành tinh tấn không ai bằng.

Thế nào gọi là Bồ-tát hành tinh tấn đúng mức?

Không chuyên cần thái quá và cũng không bê trễ lơ là. Tinh tấn như vậy gọi là tinh tấn đúng mức.

Thế nào gọi là Bồ-tát hành tinh tấn hiển thắng?

Bồ-tát phát tâm tinh tấn dũng mãnh, nguyện hiện được sắc tướng như Phật: “Nếu ta thành Phật thì tướng vô kiến đảnh tròn sáng một tầm, trí tuệ vô ngại, đại tự tại; tướng hảo của Phật ta nguyện đều đạt được.” Đó gọi là Bồ-tát hành tinh tấn hiển bày thù thắng.

Thế nào gọi là Bồ-tát hành tinh tấn dũng mãnh?

Ví như chân kim, châu báu ma-ni không có cấu uế, ánh sáng rực rỡ tỏa chiếu đoan nghiêm. Chân kim tỏa chiếu vô lượng tia sáng; ngọc báu ma-ni, luôn chiếu sáng rực rỡ. Bồ-tát hành tinh tấn cũng lại như vậy, không có các cấu uế.

Thế nào là cấu uế của tinh tấn? Thế nào là chướng ngại của tinh tấn?

Biếng trễ là cấu uế của tinh tấn. Biếng nhác là cấu uế của tinh tấn. Tham ăn không biết đủ là cấu uế của tinh tấn. Ham thích ngủ nghỉ là cấu uế của tinh tấn. Ham thích gần gũi dục lạc là cấu uế của tinh tấn. Không thấy vô ngã là chướng ngại của tinh tấn. Đấy gọi là cấu uế của tinh tấn, chướng ngại của tinh tấn. Trừ bỏ những cấu uế chướng ngại như vậy gọi là Bồ-tát hành tinh tấn dũng mãnh.

Thiện nam! Thế nào gọi là Bồ-tát hành tinh tấn liên tục?

Hành động trong các oai nghi không lìa tinh tấn. Đi, đứng, nằm, ngồi, thân tâm không hề biếng nhác, phế bỏ, thất niệm. Đây gọi là Bồ-tát hành tinh tấn liên tục.

Thế nào gọi là Bồ-tát hành tinh tấn thanh tịnh?

Bồ-tát hành tinh tấn liên tục như trên đã nói, nhưng có lúc nghiệp ác bất thiện khởi lên để làm chướng ngại, suy tổn đạo pháp thì phải nên đoạn trừ, không để làm chướng ngại hết thảy pháp thiện, là nhân của Niết-bàn. Có thể trợ giúp đạo pháp, an trụ nơi đạo xứ thì nên tu tập, làm cho tăng trưởng mạnh mẽ, thậm chí một niệm ác vi tế còn không để cho khởi lên, huống nữa là niệm ác lớn. Đây gọi là Bồtát hành tinh tấn thanh tịnh.

Thế nào gọi là Bồ-tát hành tinh tấn không cùng với hàng Nhị thừa?

Đại Bồ-tát dạo khắp mười phương, ví như nơi địa ngục A-tỳ lửa dữ đang hừng hực mạnh mẽ, đầy trong những thế giới nhiều như cát sông Hằng, cũng như ngoài thế giới ấy có chúng sinh cực khổ, không nơi nương tựa, không ai cứu hộ, thậm chí nếu có một chúng sinh bị khổ não như vậy, Bồ-tát có thể nhẫn chịu lửa dữ trải qua vô lượng hằng hà sa thế giới để cứu vớt làm thành thục chúng sinh khổ đó. Vì một chúng sinh, Bồ-tát hãy còn cứu độ, huống nữa là nhiều chúng sinh mà Bồ-tát không cứu độ sao? Tất cả hàng ngoại đạo, nhị thừa đều không thể bì kịp Bồ-tát. Đó là Bồ-tát hành tinh tấn không cùng hàng nhị thừa.

Sao gọi là Bồ-tát hành tinh tấn không tự khinh thường?

Bồ-tát suy nghĩ: “Ba đời chư Phật tu vô lượng đức đều từ những tinh tấn nhỏ mới có khả năng tích tụ khổ hạnh lâu đời thành tựu quả vị Đẳng chánh giác. Vì vậy, nay ta tinh tấn nhỏ mà gieo lần công đức, không lâu cũng sẽ thành Phật, chẳng nghi.” Đó gọi là Bồ-tát hành tinh tấn không tự khinh thường.

Sao gọi là Bồ-tát hành tinh tấn bất thoái chuyển?

Bồ-tát không vì mình tinh tấn yếu kém, không vì bần cùng nghèo thiếu của cải mà sinh tâm xả bỏ, thoái lui, nên thường tu tinh tấn hướng đến quả vị Bồ-đề vô thượng. “Ba đời chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai đều vì tích thiện, tinh tấn vi tế mà chứng đắc Bồ-đề vô thượng. Ta nay không vì nghèo hèn mà tự khinh hủy. Nhờ tinh tấn nhỏ mà tất cả chúng sinh tích tập được các điều thiện, thành tựu Bồđề vô thượng. Thà làm chúng sinh ở mãi trong địa ngục, chứ không vì thú vui riêng mà nhập Niết-bàn.” Đó gọi là Bồ-tát hành tinh tấn không thoái chuyển.

Này thiện nam! Đủ mười việc ấy gọi là Bồ-tát đầy đủ sự tinh tấn.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7