KINH ĐẠI THỪA BẢO VÂN

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nhục Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

QUYỂN 6

Phẩm 6: NHỊ ĐẾ

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo Đại Bồ-tát Hàng Phục Nhất Thiết Chướng Ngại:

Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp thông hiểu Thế đế. Những gì là mười? Đó là:

  1. Giả nói có sắc nhưng chẳng phải là Đệ nhất nghĩa, nên tuy được sắc mà không chấp trước. Giả nói có thọ, tưởng, hành, thức nhưng chẳng phải Đệ nhất nghĩa nên tuy được thức mà không chấp trước.
  2. Giả nói có địa giới mà chẳng phải Đệ nhất nghĩa, nên tuy được giới mà không chấp trước. Giả nói có nước, lửa, gió, hư không, thức giới nhưng chẳng phải Đệ nhất nghĩa, nên tuy được những giới này mà không chấp trước.
  3. Giả nói có mắt nhập nhưng chẳng phải Đệ nhất nghĩa, nên tuy được nhãn nhập mà không chấp trước. Giả nói có tai, mũi, lưỡi, thân, ý nhập, nhưng chẳng phải đệ nhấtnghĩa, nên tuy được ý nhập mà không chấp trước.
  4. Giả nói có ngã mà chẳng phải Đệ nhất nghĩa, nên khi được ngã mà không chấp trước.
  5. Giả nói có chúng sinh nhưng chẳng phải Đệ nhất nghĩa, nên tuy được chúng sinh mà không chấp trước.
  6. Giả nói có thọ mạng, sĩ phu, dưỡng dục, các hạng người…nhưng chẳng phải là Đệ nhất nghĩa, nên tuy được những loại này mà không chấp trước.
  7. Giả nói có thế gian nhưng chẳng phải Đệ nhất nghĩa, nên tuy được thế gian mà không chấp trước.
  8. Giả nói có pháp thế gian nhưng chẳng phải Đệ nhất nghĩa, nên tuy được pháp thế gian mà không chấp trước.
  9. Giả nói có pháp Phật nhưng chẳng phải Đệ nhất nghĩa, nên tuy được Phật pháp mà không chấp trước.
  10. Giả nói có Bồ-đề nhưng chẳng phải là Đệ nhất nghĩa, nên tuy được Bồ-đề mà không chấp trước được Bồ-đề.

Này thiện nam! Lời nói, danh tự, luận bàn giả danh gọi là Thế đế. Ở trong thế pháp không có Đệ nhất nghĩa. Tuy nhiên, nếu lìa Thế pháp thì chẳng thể nêu bày Đệ nhất nghĩa đế.

Thiện nam! Đại Bồ-tát đối với pháp này thông hiểu về thế đế, nhưng không gọi là thông hiểu về Đệ nhất nghĩa đế.

Thiện nam! Đó gọi là Đại Bồ-tát đầy đủ mười pháp thông hiểu Thế đế.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát lại có đầy đủ mười pháp thông hiểu Đệ nhất nghĩa đế. Những gì là mười? Đó là:

  1. Đầy đủ pháp không sinh.
  2. Đầy đủ pháp không diệt.
  3. Đầy đủ pháp không hoại.
  4. Đầy đủ pháp không tăng, không giảm; không ra, không vào.
  5. Đầy đủ pháp lìa cảnh giới.
  6. Đầy đủ pháp vô ngôn thuyết.
  7. Đầy đủ pháp không hý luận.
  8. Đầy đủ pháp giả danh.
  9. Đầy đủ pháp tịch tĩnh.
  10. Đầy đủ pháp Thánh nhân.

Vì sao? Này thiện nam! Vì Đệ nhất nghĩa đế vốn chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng tan; chẳng hoại; chẳng tăng, chẳng giảm. Văn tự, chương cú chẳng thể diễn đạt, chẳng thể giải đủ, dứt hẳn mọi lý luận.

Thiện nam! Đệ nhất nghĩa là không thể nói, không thể bàn, bản tánh thanh tịnh. Tất cả Thánh nhân tự tâm chứng biết. Chư Phật xuất thế hay không xuất thế, pháp tánh vẫn thường như vậy, không tăng không giảm.

Thiện nam! Vì pháp này mà tất cả Bồ-tát cạo bỏ râu tóc, mặc y hoại sắc, với tâm thiện lìa xa quyến thuộc, đến nơi thanh vắng, xuất gia cầu đạo, tinh tấn chịu khổ như cứu lửa cháy đầu, chỉ vì cấu chứng đắc pháp vi diệu này.

Thiện nam! Nếu không có Đệ nhất nghĩa đế này thì tu phạm hạnh cũng đều vô dụng, Phật xuất hiện ở đời cũng lại vô dụng.

Thiện nam! Do vậy, ông nên biết có Đệ nhất nghĩa đế. Có Đệ nhất nghĩa đế nên nói Bồ-tát thông hiểu về Đệ nhất nghĩa đế.

Thiện nam! Đó là Đại Bồ-tát đầy đủ mười pháp thông hiểu Đệ nhất nghĩa đế.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đầy đủ mười pháp thông hiểu mười hai nhân duyên. Những gì là mười? Đó là:

Các pháp hư rỗng, không thật, trói buộc, nguy hiểm, như trăng trong nước, như ảnh trong gương, như tiếng vang giữa khe núi, như mộng như huyễn, dao động không trụ, không tạm dừng nghỉ, nhờ nơi nhân duyên sinh. Bồ-tát nên biết các pháp là như vậy.

Bồ-tát quan sát những pháp này, tất cả đều hư rỗng, không chân thật, nguy hiểm như vậy, cho đến mượn nhân duyên sinh, thấy nó sinh, trụ, diệt.

Bồ-tát lại tư duy: “Do nhân duyên gì các pháp này sinh? Do nhân duyên gì các pháp này diệt?”

Sau khi quán như vậy, Bồ-tát liền biết vô mình làm nhân duyên sinh các pháp này. Vô minh là chỗ phát sinh. Vô minh là nguyên do.

Vô minh là nguồn gốc. Do nương vô minh nên các hành phát sinh.

Hành duyên với thức.

Do nhân duyên thức giả nói danh sắc.

Danh sắc nhập rồi nên nói lục nhập.

Nhân nơi lục nhập nên xúc mới sinh.

Do nhân duyên xúc nên sinh ba thọ.

Do nhân duyên thọ nên phàm phu sinh khổ khát ái.

Nhân duyên khát ái nên có bốn thủ (dục thủ, kiến thủ, giới thủ, ngữ thủ).

Duyên nơi bốn thủ nên hữu sinh ra.

Do duyên hữu nên có sinh.

Do nhân duyên sinh nên có già, chết, ưu bi, khổ não…phát sinh, cùng nhau tụ tập thành đại khổ.

Do vậy, nên người trí thông minh phải chuyên cần, cầu diệt vô minh này.

Phá tan vô minh, nhổ gốc vô minh, làm cho không sinh lại.

Do vô minh diệt nên tất cả pháp nương nơi vô minh cũng diệt sạch không sót. Giống như mạng căn, khi mạng căn diệt, tất cả các căn theo đó hủy diệt. Khi vô minh diệt, tất cả các pháp nương vào vô minh cũng hoại diệt.

Do vô minh diệt nên phiền não không sinh.

Phiền não không còn nên không sinh nơi sáu đường. Vì sao? Vì nhân duyên sinh tử đã tận diệt nên chứng đắc Đại Niết-bàn Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.

Thiện nam! Đó là Bồ-tát đầy đủ mười pháp thông hiểu mươi hai nhân duyên.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp biết nơi tự thân.

Thiện nam! Đại Bồ-tát nên quán sát: “Nay ta sinh đây thuộc chủng tánh nào? Thuộc dòng Bà-la-môn chăng? Dòng Sát-lợi chăng? Dòng đại gia cư sĩ chăng? Dòng thấp kém chăng? Dòng hạ tiện chăng?”

Nếu Bồ-tát sinh nơi nhà giàu sang cao quý thì chẳng nên cậy vào dòng tộc mà khởi kiêu mạn.

Nếu sinh nơi hà tiện, bần cùng thì nên nghĩ: “Do đời trước ta trồng nghiệp này nên khiến thọ quả báo bần cùng như vậy.” Nhờ nhân duyên ấy mà luôn tu hạnh chán bỏ. Do sinh chán bỏ nên thích cầu xuất gia.

Sau khi xuất gia, khởi sự quán sát: “Ta nay xuất gia làm điều gì chân chánh?” Bồ-tát liền biết xuất gia phải độ thoát mình, rồi mới có thể độ cho người khác. Do nhân duyên ấy nên không biếng trễ, không lười nhác.

Quán như vậy xong, lại nghĩ: “Ta đã xuất gia, những gì bất thiện chưa diệt tận?” Nếu diệt pháp này thì hoan hỷ sinh. Vì nhân duyên diệt pháp ấy nên dũng mãnh tinh tấn.

Lai nghĩ: “Những pháp thiện nào nên làm cho tăng trưởng?” Vì sự tăng trưởng nên hoan hỷ sinh. Vì nhân duyên tăng trưởng các pháp thiện nên tinh tấn dũng mãnh.

Lại nghĩ: “Nên nương vào những thầy nào để tất cả pháp thiện được tăng trưởng? Tất cả pháp bất thiện được tận diệt?”

Vì nhân duyên ấy nên y chỉ nơi các sư tăng, hoặc bậc đa văn, hoặc không đa văn, hoặc bậc trì giới, hoặc không trì giới, thường luôn sinh tưởng tôn kính vị ấy như chư Phật. Ở cạnh Hòa thượng, A-xà-lê cung kính tôn trọng, hết lòng phụng sự cũng lại như vậy. Và nghĩ rằng: “Nhờ uy lực của sư tăng và các pháp trợ đạo nên những chỗ chưa viên mãn liền được viên mãn, phiền não chưa diệt liền được diệt tận.” Gần những vị này nên sinh tưởng như Hòa thượng, hết lòng phụng sự, sinh đại hoan hỷ. Đối với pháp thiện, thuận theo tu hành. Đối với pháp bất thiện nên bỏ không làm.

Lại suy nghĩ: “Ai là thầy ta?” Quán như vậy liền biết: “Thầy ta là Nhất thiết trí nói hết thảy pháp, thương xót thế gian, có đại Từ bi, là ruộng phước lớn, làm thầy hàng trời, người.” Vì nhân duyên ấy nên sinh hoan hỷ.

Lại nghĩ: “Thật may mắn, thật may mắn! Ta nay đã được lợi lạc tối thượng, được chỉ cho học đạo chánh pháp, dù mất thân này cũng không dám phạm vào pháp đã thọ. Nếu không phạm tức là cúng dường chư Phật Như Lai.” Do vậy, thuận theo mà tu hành.

Lại nghĩ: “Ta nay nhận ai cúng dường ẩm thực? Nhà giàu sang hay nhà nghèo thiếu? Vì là cho những ai cúng dường ẩm thực được phước báo lớn, sinh lợi ích nên ta nhận sự cúng dường ẩm thực.”

Bồ-tát lại nghĩ: “Những thí chủ này hoặc giàu hoặc nghèo, đem những tâm gì cúng dường, cung cấp ẩm thực như vậy cho ta. Ta nên biết những thí chủ ấy.”

Nay nghĩ: “Chúng ta là người xuất gia, hành pháp Sa-môn, tác tưởng phước điền, tác tưởng trì giới, tác tưởng sinh thiện, tác tưởng diệt ác. Do vậy, ta nay không nên làm trái tâm họ; thọ trì giới luật, hành đức nghiệp Sa-môn, xuất gia làm ruộng phước cùng các công đức.”

Và nghĩ: “Vô thỉ sinh tử, ta phải độ họ. Ta nay đã được xuất gia nhập đạo, hành hạnh Sa-môn, tức là ta mới bắt đầu độ sinh tử. Ta nên tấn tu đức nghiệp Sa-môn, tức là ta độ sinh tử lần thứ hai. Ta nay dũng mãnh không giám bê trễ, chỉ vì đắc pháp thanh tịnh. Sự sinh tử từ vô thỉ, vô lượng như vậy, ta phải hóa độ.”

Thiện nam! Đó là Bồ-tát khởi sự quán sát biết được thân mình.

Thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp biết rõ thế gian. Những gì là mười? Đó là:

  1. Sinh tâm khiêm cung đối với người cao ngạo.
  2. Sinh tâm cung kính đối với người kiêu mạn.
  3. Tự hành ngay thẳng đối với người quanh co.
  4. Tự tu lời chân thật đối với dối trá.
  5. Tự nói ái ngữ đối với người ác khẩu.
  6. Tự tâm nhu hòa đối với người thô bạo.
  7. Tu nhiều nhẫn nhục đối với người độc dữ.
  8. Tu nhiều tâm Từ đối với người xấu ác.
  9. Tu nhiều tâm Bi đối với người khốn khổ.
  10. Tu nhiều Hỷ, Xả đối với người bỏn sẻn.

Thiện nam! Như vậy là Bồ-tát đầy đủ mười pháp biết rõ thế gian.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp sinh cõi Phật thanh tịnh. Những gì là mười? Đó là:

  1. Giới phẩm thanh tịnh, không rạn nứt, không xen tạp, không bẩn, không tỳ vết.
  2. Đối với các chúng sinh, khởi tâm bình đẳng.
  3. Dụng công không hai, đầy đủ thiện căn lớn.
  4. Lìa xa lợi dưỡng, cung kính, danh tiếng, tâm không nhiễm ô.
  5. Tín căn thành tựu, tâm không nghi hoặc.
  6. Dũng mãnh tin tấn, không chút biếng nhác.
  7. Đầy đủ thiền định, tâm không tán loạn.
  8. Đa văn phân biệt, không học tà luận.
  9. Đầy đủ trí sáng, không sinh độn căn.
  10. Tự nhiên nhiều lòng từ, không tập sân hận.

Bồ-tát Hàng Phục Nhất Thiết Chướng Ngại thưa:

–Bạch Thế Tôn! Đầy đủ mười pháp này mới sinh tịnh độ chăng? Nếu không đủ thì có được sinh chăng?

Phật bảo:

–Thiện nam! Đối với mười pháp này, giả sử có một pháp được đầy đủ: không nạn, không tạp, không nhơ, không tỳ vết, thanh tịnh, minh bạch, thì tất cả các pháp cũng đều đầy đủ. Vì sao? Vì đầy đủ mười pháp nơi được sinh tịnh độ, chẳng phải là không đủ.

Thiện nam! Như vậy, Bồ-tát đầy đủ mười pháp sẽ được sinh cõi Phật thanh tịnh.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp không thọ thai sinh nhiễm ô. Những gì là mười? Đó là:

  1. Tạo dựng hình tượng Như Lai.
  2. Tu sửa tháp Phật hư hoại.
  3. Thường cúng hương xoa nơi tháp miếu Phật.
  4. Tắm rửa tượng Phật.
  5. Quét dọn, rưới nước, tô điểm nơi tháp miếu Phật.
  6. Giặt giũ, xoa bóp, cúng dường cha mẹ.
  7. Cúng dường Hòa thượng, A-xà-lê, bạn lành bằng tâm không chút mong cầu.
  8. Tu tập căn lành như vậy, hồi hướng nguyện: “Đem căn lành này, nguyện cho các chúng sinh không thọ thai sinh.”
  9. Được sinh thanh tịnh.
  10. Không sinh nhiễm ô bằng tất cả lòng thành kính của mình.

Thiện nam! Như vậy là Bồ-tát đầy đủ mười pháp không thọ thai sinh, chỉ trừ vì nguyện lực.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp ra khỏi nhà ở.

Những gì là mười? Đó là:

  1. Không luyến ái một gì, không trụ nơi hỗn tạp.
  2. Quay lưng nơi cảnh tham.
  3. Lìa xa khát ái, không nhiễm trần cấu.
  4. Tùy thuận phụng hành nơi chánh pháp Phật.
  5. Nỗ lực tinh tấn, khéo học biết đủ.
  6. Sử dụng áo quần thích hợp, ăn uống thích hợp, đồ nằm thích hợp, thuốc thang thích hợp.
  7. Không tích trữ bình bát, pháp phục, tiền tài, các vật…
  8. Nơi các trần cảnh thường sinh lo sợ.
  9. Hướng đến tịch tĩnh.
  10. Tu đạo không bỏ.

Thiện nam! Như vậy là Bồ-tát đầy đủ mười pháp ra khỏi nhà ở.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp nuôi mạng mình thanh tịnh. Những gì là mười? Đó là:

  1. Lìa xa tự cao, dua nịnh, lợi dưỡng.
  2. Lìa xa mọi thứ hình tướng.
  3. Lìa xa sự o bế.
  4. Không cầu tiền của ngang trái.
  5. Lìa tiền của phi pháp.
  6. Lìa tiền của bất tịnh.
  7. Không luyến đắm tiền của.
  8. Không bị lợi dưỡng làm nhiễm ô.
  9. Không mong cầu khát ái.
  10. Đối với tiền của như pháp nên sinh biết đủ.

Thiện nam! Bồ-tát lìa xa tự cao, dua nịnh lợi dưỡng như thế nào?

Đó là Đại Bồ-tát không vì lợi dưỡng mà hiện bày thân cao ngạo, miệng tự cao, tâm tự cao.

Thế nào là không hiện bày thân cống cao?

Như khi thấy đàn-việt thí chủ, Đại Bồ-tát không tự tạo oai nghi thân tướng khác thường: bước đi chầm chậm, hiện tướng tịch tĩnh, nhìn trước một tầm, dáng vẽ sầu khổ, hoặc làm công việc như chẳng hư dối. Thân cao ngạo, Bồ-tát đều không được làm.

Thế nào là không hiện bày khẩu cống cao?

Đại Bồ-tát không vì nhân duyên lợi dưỡng mà nói nhỏ nhẹ, từ từ, cho đến phát ra lời ái ngữ thuận theo lời nói của người. Đó là khẩu cao ngạo phải nên lìa xa.

Thế nào là tâm tự cao?

Như có thí chủ muốn đem tài vật cúng dường, Đại Bồ-tát ngoài miệng ra vẻ ít muốn mà trong lòng rất muốn lấy nhiều. Thiện nam! Đây gọi là lòng khao khát danh lợi, nghĩa là miệng nói không tham, nhưng tâm thật muốn được.

Thế nào là lìa xa mọi thứ hình tướng?

Như thấy đàn-việt, Đại Bồ-tát không nên tạo những tướng này: chỉ bày y bát của ta bị hư hoại nhiều, thiếu các loại thuốc men, hiện tại ta thiếu thốn, cầu xin sự bố thí… Đại Bồ-tát không được nói những lời ấy.

Thế nào là lìa xa sự o bế?

Như thấy Đàn-việt, Đại Bồ-tát không nên nói: “Này Đàn-việt! Nên bố thí cho ta vật ấy, ta đem ân đức báo đáp cho ông.” Bồ-tát không nên nói lời ấy ở trước thí chủ và làm cho họ biết ta trì giới, biết ta đa văn, biết ta thiểu dục. Ta vì từ bi mà thọ sự bố thí của người nên không được tạo phương tiện nhằm cổ động, tán dương.

Thế nào là Bồ-tát lìa sự mong cầu tiền của ngang trái?

Đại Bồ-tát không làm thân bị thương, không làm tâm bị thương để cầu tài vật. Nói thân bị thương nghĩa là vì tài vật nên không kiêng sợ lao nhọc, muốn người tứ phương hầu hạ thân bệnh một cách cấp tốc, trái với giới luật. Nói tâm bị thương nghĩa là sinh nhiều ganh ghét, giảm trừ lợi dưỡng đối với các bạn đồng học.

Thế nào là Bồ-tát xa lìa tiền của phi pháp?

Không dùng cân nhẹ, đong thiếu, lừa dối người, không dùng những việc giả dối thân quen và lừa đảo mà cầu tài vật.

Thế nào là Bồ-tát lìa tiền của bất tịnh?

Đối với những vật có liên quan như vật của tháp, vật của pháp, vật của Tăng, Bồ-tát không nên lấy. Người chẳng tùy hỷ thì không được thọ dụng.

Thế nào là Bồ-tát không luyến tham tài lợi?

Đại Bồ-tát nếu được tài vật, không nên cho là của ta, không tạo sự tích tụ tài vật ấy. Khi đó, nên đem nó bố thí cho cha mẹ, những người thân quen cùng các quyến thuộc… trong thời gian này, Bồ-tát cũng được thọ dụng. Khi được tài vật, Bồ-tát không sinh nhiễm đắm. Lúc không được tài vật, Bồ-tát cũng không hốt hoảng, cũng không khao khát. Đối với thí chủ, Bồ-tát không khởi tâm ác, không giữ lấy lỗi. Được tài vật như pháp, Bồ-tát cho chúng cùng hưởng thì được Phật khen ngợi, Bồ-tát Đại sĩ không chê cười, Thiên thần tán dương, bạn bè hoan hỷ. Bồ-tát dùng tài vật ấy với tâm biết đủ mà trụ.

Thiện nam! Như vậy là Bồ-tát đầy đủ mười pháp nuôi mạng mình thanh tịnh.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp tâm không mệt mỏi. Những gì là mười? Đó là:

  1. Chỉ vì nhân duyên thiện là tạo lợi ích cho các chúng sinh, Bồtát trụ trong sinh tử không thấy mệt mỏi.
  2. Vì tạo lợi ích cho chúng sinh, Bồ-tát thọ khổ nơi sinh tử không thấy mệt mỏi.
  3. Vì khuyên chúng sinh gắng tu pháp thiện, Bồ-tát không thấy mệt mỏi.
  4. Bồ-tát cùng các chúng sinh tạo các sự nghiệp không thấy mệt mỏi.
  5. Vì chúng sinh Tiểu thừa, Bồ-tát nói pháp Thanh văn mà không thấy mệt mỏi.
  6. Đối với hàng Thanh văn, Bồ-tát không oán ghét.
  7. Tu pháp trợ đạo mà không mệt mỏi.
  8. Vì đã thành tựu viên mãn hạnh Bồ-đề, Bồ-tát không sinh mệt mỏi.
  9. Nguyện cầu Niết-bàn nhưng không thủ đắc Niết-bàn.
  10. Hành hạnh Bồ-đề, tâm không tạm nghỉ.

Thiện nam! Như vậy là Bồ-tát đầy đủ mười pháp tâm không mệt mỏi.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp phụng hành lời Phật dạy. Những gì là mười?

Đó là:

  1. Lìa xa tất cả sự phóng dật, trụ nơi không phóng dật.
  2. Khéo tự thủ hộ thân, không tạo nghiệp ác.
  3. Khéo tự thủ hộ miệng, không tạo nghiệp ác.
  4. Khéo tự thủ hộ tâm, không tạo nghiệp ác.
  5. Luôn sợ nẻo ác, lìa xa tất cả các pháp bất thiện.
  6. Nói đạo lý chân thật, lìa các đạo phi pháp.
  7. Luôn nói chánh pháp, bỏ mọi phi pháp.
  8. Lìa xa nghiệp xấu, thuận theo đức nghiệp.
  9. Không làm nhơ chánh pháp, giới luật của Như Lai. Lìa xa tất cả phiền não độc hại, rộng hộ trì Phật pháp.
  10. Đối với pháp bất thiện, thường giữ tự tâm.

Thiện nam! Như vậy là Bồ-tát đầy đủ mười pháp phụng hành lời Phật dạy.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp khiến nét mặt tươi sáng, vui vẻ, không nhăn nhó. Những gì là mười? Đó là:

  1. Các căn vắng lặng.
  2. Các căn thanh tịnh.
  3. Các căn sáng suốt.
  4. Các căn không nhiễm.
  5. Các căn tinh khiết.
  6. Lìa xa phẫn hận.
  7. Lìa xa các sự sai khiến.
  8. Không còn trói buộc.
  9. Lìa các oán hại, hận thù.
  10. Lìa các sự giận dữ.

Thiện nam! Như vậy Bồ-tát đầy đủ mười pháp khiến nét mặt tươi sáng, vui vẻ, không nhăn nhó.

Bồ-tát Hàng Phục Nhất Thiết Chướng Ngại thưa:

–Bạch Thế Tôn! Như con hiểu nghĩa Phật giảng nói, do các căn thanh tịnh nên Đại Bồ-tát có sắc diện tươi vui, do lìa phiền não nên mặt không nhăn nhó.

Phật nói:

–Đúng vậy, đúng vậy! Thiện nam! Đúng như lời ông nói! Do các căn thanh tịnh nên Đại Bồ-tát có sắc diện tươi vui, do lìa phiền não nên mặt không nhăn nhó.

Thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp đa văn viên mãn. Những gì là mười? Đó là:

  1. Sinh tử mạnh mẽ, dâm dục rực cháy, Đại Bồ-tát biết rõ đúng như thật.
  2. Sân hận rực cháy, Bồ-tát biết đúng như thật.
  3. Ngu si loạn tâm, Bồ-tát biết đúng như thật.
  4. Các hành vô thường, Bồ-tát biết đúng như thật.
  5. Ba cõi đều khổ, Bồ-tát biết đúng như thật.
  6. Thế gian hư rỗng, Bồ-tát biết đúng như thật.
  7. Các pháp vô ngã, Bồ-tát biết đúng như thật.
  8. Thế gian hư dối, chấp vào vọng tưởng, thọ sinh phân biệt, Bồ-tát biết đúng như thật.
  9. Hết thảy các pháp nhờ nhân duyên sinh, Bồ-tát biết đúng như thật.
  10. Niết-bàn tịch tĩnh, Bồ-tát biết đúng như thật.

Ba vô tánh này, Bồ-tát nghe, nghĩ, tu tuệ, Bồ-tát biết đúng như thật rồi, không nên phân biệt âm thanh, lời nói, danh từ. Tuy biết như vậy, nhưng phát tâm rộng lớn, hưng khởi đại Từ bi, thệ nguyện kiên cố, vì các chúng sinh mà tinh tấn dũng mãnh nhổ tận gốc rễ nơi khổ đau.

Thiện nam! Như vậy là Bồ-tát đầy đủ mười pháp đa văn viên mãn.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp thọ trì chánh pháp. Những gì là mười? Đó là:

  1. Vào thời mạt pháp, sau năm trăm năm khi chánh pháp diệt, sẽ khởi lên sự tranh cãi về kinh giáo của Đức Như Lai.
  2. Vô lượng chúng sinh tu hành tà đạo, đèn trí sắp diệt, không ai chỉ đường.
  3. Tu-đa-la kinh sâu xa vi diệu, hết thảy pháp Ma-đức-lặc-già (Pháp mẫu) có đại oai đức, nghĩa lý rộng lớn, nhưng Bồ-tát vẫn có khả năng thọ trì, đọc tụng, tuyên thuyết, cung kính cúng dường.
  4. Cũng hay vì người khác chỉ bày nghĩa ấy, giải thích sâu rộng, làm cho họ được dễ hiểu.
  5. Đối với người hành pháp, Bồ-tát sinh đại hoan hỷ, khéo hộ niệm họ.
  6. Tâm không mong cầu, ưa nghe chánh pháp.
  7. Đối với người nói pháp, Bồ-tát sinh tưởng như Đức Thế Tôn.
  8. Ở trong chánh pháp, Bồ-tát sinh tưởng về cam lồ, sinh tưởng về diệu dược.
  9. Không tiếc thân mạng, cầu học chánh pháp.
  10. Được chánh pháp rồi, nỗ lực tu hành.

Thiện nam! Như vậy là Bồ-tát đầy đủ mười pháp thọ trì chánh pháp.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp sinh Pháp vương

tử. Những gì là mười? Đó là:

  1. Dùng tướng trang nghiêm thân đầy đủ các vẻ tốt đẹp.
  2. Tu chỉnh các văn viên mãn vi diệu.
  3. Thuận theo đạo của Đức Như Lai tu hành.
  4. Trụ ở nơi chốn thuộc cảnh giới Như Lai.
  5. Hiểu thông suốt pháp không thoái chuyển của chư Phật.
  6. Khéo giỏi cứu độ chúng sinh khổ nạn.
  7. Khéo giỏi học tập quy tắc của chúng Thánh.
  8. Khéo giỏi quán khắp bốn tâm Vô lượng.
  9. Có khả năng chấn giữ thành Nhất thiết trí.
  10. Ở chỗ Đức Như Lai, trụ xứ của chúng Phạm.

Thiện nam! Như vậy là Bồ-tát đầy đủ mười pháp sinh Pháp vương tử.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp được Thích, Phạm, Tứ Thiên vương cung nghênh. Những gì là mười? Đó là:

  1. Không thoái chuyển nơi tâm Bồ-đề.
  2. Tất cả chúng ma không thể não loạn.
  3. Không dao động nơi chánh pháp Phật.
  4. Thâm nhập các pháp mật tạng vi diệu.
  5. Tùy thuận tất cả pháp trí bình đẳng.
  6. Ở trong pháp Phật không theo lời nói của người khác.
  7. Ở trong pháp Phật được trí vô ngại.
  8. Không cùng hạnh với tất cả Thanh văn, Duyên giác.
  9. Đứng đầu nơi các thế gian.
  10. Trụ nơi an ổn, nơi pháp nhẫn không sinh.

Thiện nam! Như vậy là Bồ-tát đầy đủ mười pháp được Thích, Phạm, Tứ Thiên vương cung nghênh.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp biết các căn tánh.

Đó là: Có các chúng sinh tánh dâm dục nhiều, Bồ-tát biết rõ như thật; hoặc tánh sân hận, hoặc tánh ngu si, hoặc tánh cang cường, hoặc tánh bình thường, hoặc tánh dịu hiền, hoặc tánh hung dữ, hoặc tánh nóng nảy, hoặc tánh chậm chạp… Bồ-tát đều biết một cách như thật. Như biết một người, cùng chúng sinh khắp các cõi, Bồ-tát cũng biết như vậy.

Thiện nam! Như vậy là Bồ-tát đầy đủ mười pháp nhận biết các căn tánh.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp khéo biết về chúng sinh thành thục. Những gì là mười? Đó là:

  1. Như người cần được độ bằng sắc thân Phật, Bồ-tát liền thị hiện sắc thân Như Lai.
  2. Hoặc người cần được độ bằng sắc thân Bồ-tát, Bồ-tát liền thị hiện sắc thân Bồ-tát.
  3. Hoặc người cần được độ bằng thân Bích-chi Phật, Bồ-tát liền hiện thân Bích-chi Phật.
  4. Hoặc người cần được độ bằng thân Thanh văn, Bồ-tát liền hiện thân Thanh văn.
  5. Hoặc người cần được độ bằng thân Đế Thích, Bồ-tát liền hiện thân Đế Thích.
  6. Hoặc người cần được độ bằng thân ma, Bồ-tát liền hiện thân ma.
  7. Hoặc người cần được độ bằng thân Phạm, Bồ-tát liền hiện thân Phạm.
  8. Hoặc người cần được độ bằng thân Bà-la-môn, Bồ-tát liền hiện thân Bà-la-môn.
  9. Hoặc người cần được độ bằng thân vua dòng Sát-lợi, Bồ-tát liền hiện thân ấy.
  10. Hoặc người cần được độ bằng thân trưởng giả, cư sĩ, Bồ-tát liền hiện thân trưởng giả, cư sĩ.

Thiện nam! Tùy theo nhân duyên nơi các loại phương pháp, vì làm cho chúng sinh được thành thục nên tùy theo nhân duyên ấy mà Bồ-tát thị hiện thân.

Thiện nam! Như vậy là Bồ-tát đầy đủ mười pháp khéo biết về chúng sinh thành thục.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp có thể thọ nhận chánh pháp. Những gì là mười? Đó là:

  1. Ngay thẳng, mềm mỏng.
  2. Tâm không dua nịnh, quanh co.
  3. Khéo điều phục tâm.
  4. Tâm không uế trược.
  5. Nội tâm thanh tịnh.
  6. Tánh không thô thiển.
  7. Tâm không sân hận.
  8. Lìa xa sự hung ác.
  9. Tâm nhiều nhẫn nhục.
  10. Đầy đủ điều kiện nhận lãnh ngôi vị Pháp vương tử.

Thiện nam! Như vậy là Bồ-tát đầy đủ mười pháp có thể cho nhận chánh pháp.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp cùng trụ nơi an lạc.

Những gì là mười? Đó là:

  1. Đầy đủ sự biết chân chánh.
  2. Đầy đủ sự thấy biết thanh tịnh.
  3. Đầy đủ giới phẩm.
  4. Oai nghi thanh tịnh.
  5. Hành động thích hợp.
  6. Không trụ nơi cảnh giới phiền não.
  7. Động, dừng luôn tinh tế.
  8. Bạn bè hòa kính.
  9. Mỗi việc có phần.
  10. Hành đạo Nhất thừa, không ra ngoài khuôn phép.

Thiện nam! Như vậy là Bồ-tát đầy đủ mười pháp cùng trụ nơi an lạc.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát co đủ mười pháp khéo tu các Nhiếp pháp. Những gì là mười? Đó là:

  1. Dùng sự bố thí lợi ích thâu nhận chúng sinh.
  2. Dùng sự bố thí an lạc thâu nhận chúng sinh.
  3. Dùng sự bố thí vô tận thâu nhận chúng sinh.
  4. Giáng nói lợi ích.
  5. Giảng nói thật nghĩa.
  6. Giảng nói chánh pháp.
  7. Giảng nói đạo lý.
  8. Dùng các việc lợi ích.
  9. Dùng việc cung cấp vật dụng cho đời sống.
  10. Dùng tài vật lợi ích để thâu nhận chúng sinh.

Thiện nam! Bố thí lợi ích nghĩa là Bố thí pháp.

Bố thí an lạc nghĩa là bố thí tài vật.

Bố thí vô tận nghĩa là chỉ dẫn về đạo lý chân chánh.

Nói lợi ích nghĩa là khuyên tu pháp thiện.

Nói nghĩa chân thật là không nói điên đảo.

Nói chánh pháp là nói pháp thâu nhận nhiếp phục thuận theo lời dạy của Đức Phật.

Nói đạo lý là không nói trái thực tế.

Các việc lợi ích nghĩa là tránh nơi bất thiện, làm cho an trụ nơi thiện.

Cung cấp vật dụng cho đời sống đó là đồ ăn, thức uống.

Tài vật lợi ích đó là vàng, bạc, lưu ly, trân châu, pha lê, hổ phách, san hô, mã não, voi, ngựa, xe và các vật cần dùng.

Thiện nam! Như vậy là Bồ-tát đầy đủ mười pháp khéo tu các kinh nhiếp thọ.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp đoan nghiêm hoàn hảo. Những gì là mười? Đó là:

  1. Oai nghi rạng rỡ.
  2. Nơi bốn oai nghi đều không giả dối.
  3. Ai thấy cũng mến.
  4. Giống như trăng mùa thu.
  5. Ai thấy cũng sinh vui thích.
  6. Ai thấy cũng không chán.
  7. Làm vui lòng người.
  8. Không một chúng sinh nào oán ghét.
  9. Chúng sinh nhìn thấy, ai cũng hoan hỷ.
  10. Chúng sinh nhìn thấy, ai cũng phát tâm thanh tịnh.

Thiện nam! Như vậy là Bồ-tát đầy đủ mười pháp đoan nghiêm hoàn hảo.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát gồm đủ mười pháp có khả năng làm nơi y chỉ cho chúng sinh. Những gì là mười? Đó là:

  1. Bảo hộ chúng sinh nơi phiền não đáng sợ.
  2. Dẫn dắt chúng sinh ra khỏi rừng rậm hoang dã sinh tử.
  3. Tế độ chúng sinh nơi biển sinh tử.
  4. Vì chúng sinh cô độc mà làm thân quyến.
  5. Vì các chúng sinh mang bệnh phiền não mà làm Y vương.
  6. Vì chúng sinh không ai cứu hộ mà làm người cứu hộ.
  7. Vì chúng sinh không ai lo liệu mà làm người lo liệu.
  8. Vì chúng sinh không nơi nương tựa mà làm nơi nương tựa.
  9. Vì nơi không có đất sống mà làm đất sống cho chúng sinh.
  10. Vì chúng sinh không có nơi hướng đến mà làm nơi hướng đến.

Thiện nam! Như vậy là Bồ-tát đầy đủ mười pháp có khả năng làm nơi y chỉ cho chúng sinh.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp dụ như cây thuốc lớn. Những gì là mười? Đó là:

Như cây thuốc lớn tên là Thiện kiến, chúng sinh bệnh tật tùy ý sử dụng: rễ, cành, nhánh, lá, vỏ, thân, hoa, quả… bằng cách hoặc thấy, hoặc ngửi, hoặc nếm, hoặc xúc phạm, mọi bệnh đều thuyên giảm.

Thiện nam! Bồ-tát cũng vậy, từ sơ phát tâm thấy các chúng sinh bị các loại bệnh tật phiền não, nên bố thí thuốc trị liệu như: giới, nhẫn, tinh tấn, thiền định, bát-nhã, hoặc được thấy, nghe công đức của Bồ-tát, được thân cận, hoặc được nếm vị thì mọi bệnh tật đều tiêu trừ.

Thiện nam! Như vậy, Bồ-tát đầy đủ mười pháp dụ như cây thuốc lớn.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mườii pháp tương ưng với phước nghiệp. Những gì là mười? Đó là:

  1. Ở chỗ Tam bảo, tùy theo sức của mình mà tu sửa.
  2. Bố thí thuốc men cho những chúng sinh bệnh tật.
  3. Bố thí vật thực cho những ai nghèo đói.
  4. Bố thí sự ấm mát cho những chúng sinh bị lạnh, nóng bức bách.
  5. Hết lòng cúng dường, cung kính, phụng thờ các bậc Hòa thượng, A-xà-lê.
  6. Lễ bái, tiếp đón, đưa tiễn các bạn đồng học. Chắp tay thăm hỏi, tạo sự hòa kính.
  7. Kiến tạo Già-lam và vườn cây cảnh khắp nơi.
  8. Hợp thời bố thí lúa gạo, tài vật và các kho lẫm.
  9. Bố thí vật thực, y phục, thuốc men và bảo hộ các nô tỳ, tôi tớ, thuộc hạ.
  10. Thường luôn đến chỗ Sa-môn đa văn, trì giới thân cận, lễ bái.

Thiện nam! Như vậy là Bồ-tát đầy đủ mười pháp tương ưng với phước nghiệp.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp khéo giỏi biến hóa. Những gì là mười? Đó là:

  1. Nơi một cõi Phật không dao động, Bồ-tát có khả năng đi khắp các cõi Phật hầu chuyện với Đức Như Lai.
  2. Tại một cõi Phật không dao động, Bồ-tát đi đến vô lượng các cõi Phật, nghe pháp được thành tựu.
  3. Tại một cõi Phật không dao động, Bồ-tát đi đến vô lượng cõi Phật, cúng dường, hầu hạ Đức Thế Tôn ấy.
  4. Tại một cõi Phật không dao động, Bồ-tát đi đến vô lượng cõi Phật, hành hạnh Bồ-đề khiến được viên mãn.
  5. Tại một cõi Phật không dao động, Bồ-tát đi đến vô lượng cõi Phật, cúng dường, cung kính, lễ bái các Bồ-tát Đẳng giác.
  6. Tại một cõi Phật không dao động, Bồ-tát đi đến vô lượng cõi Phật, tự thân thành Phật.
  7. Tại một cõi Phật không dao động, Bồ-tát đi đến vô lượng cõi Phật chuyển bánh xe pháp.
  8. Tại một cõi Phật không dao động, Bồ-tát đi đến vô lượng cõi Phật thị hiện nhập Niết-bàn.
  9. Tại một cõi Phật không dao động, Bồ-tát đi đến vô lượng cõi Phật có các chúng sinh cần được độ, tạo các thần thông biến hóa, khiến chúng sinh đó được độ thoát.
  10. Tuy tạo sự biến hóa như vậy mà không tư duy, cũng không phân biệt.

Bồ-tát Hàng Phục Nhất Thiết Chướng Ngại thưa:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát tạo sự biến hóa? Thế nào là không tư duy? Thế nào là không phân biệt?

Phật bảo:

–Này thiện nam! Ta nay vì ông mà nói thí dụ: Ví như ánh sáng

mặt trời, mặt trăng chiếu khắp bốn châu, làm lợi ích cho các chúng sinh, mà mặt trời, mặt trăng không có suy nghĩ, cũng không phân biệt: “Ta đem ánh sáng làm lợi ích cho chúng sinh.” Chỉ vì hành nghiệp nhân duyên quả báo quá khứ nên mặt trời, mặt trăng sinh việc lợi ích như vậy.

Thiện nam! Bồ-tát cũng thế, tuy tạo sự biến hóa đem lại lợi ích cho chúng sinh nhưng không suy nghĩ, không phân biệt, không dụng công, chỉ vận hành theo nghiệp. Vì sao? Vì những sự biến hóa này đều do Bồ-tát thành tựu nhân duyên của nghiệp thiện. Khi là Bồ-tát ở trong cõi người, đã phát thệ nguyện: “Đem sức từ bốn nguyện không suy nghĩ, cũng không phân biệt, tạo các sự biến hóa không thêm dụng công.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp sớm chứng đắc đạo quả Bồ-đề vô thượng. Những gì là mười? Đó là:

  1. Đầy đủ vạn hạnh như nói ở trước. Vạn hạnh là: đầy đủ sự bố thí, đầy đủ phẩm giới. Nói phẩm giới là không rạn nứt, không xen tạp, không uế trược, không tỳ vết, vượt hơn phẩm giới Thanh văn, Duyên giác.
  2. Đầy đủ phẩm giới minh bạch, thanh tịnh.
  3. Đầy đủ nhẫn nhục.
  4. Đầy đủ tinh tấn.
  5. Đầy đủ thiền định.
  6. Đầy đủ thiện tuệ.
  7. Đầy đủ phương tiện thiện xảo.
  8. Đầy đủ thiện nguyện.
  9. Đầy đủ các lực.
  10. Đầy đủ chánh trí sâu xa vi diệu.

Đầy đủ diệu trí tu chứng, không cúng tất cả Thanh văn, Duyên giác. Vượt qua cảnh giới của họ. Vượt qua cảnh giới của Bồ-tát từ Địa thứ nhất cho đến Địa thứ chín.

Thiện nam! Đó là Bồ-tát đầy đủ mười pháp sớm chứng đắc đạo quả Bồ-đề vô thượng.

Pages: 1 2 3 4 5 6