KINH ĐẠI THỪA BẢO VÂN

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nhục Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

QUYỂN 3

Phẩm 3: BÌNH ĐẲNG

Đức Phật bảo Đại Bồ-tát Hàng Phục Nhất Thiết Chướng Ngại:

–Này thiện nam! Bồ-tát có đầy đủ mười pháp bình đẳng như đất. Những gì là mười?

  1. Rộng lớn vô lượng.
  2. Nuôi dưỡng chúng sinh.
  3. Đối với có ân, không ân, không có tưởng khác.
  4. Có khả năng lãnh thọ những cơn mưa pháp lớn.
  5. Làm chỗ nương tựa cho tất cả chúng sinh.
  6. Làm chỗ trồng thiện căn.
  7. Làm đồ chứa châu báu.
  8. Làm đồ chứa diệu dược.
  9. Chẳng thể khuynh động.
  10. Không có sợ hãi.

Thiện nam! Thế nào là Bồ-tát rộng lớn vô lượng?

Ví như đại địa trùm khắp mười phương rộng lớn vô lượng. Bồtát cũng lại như vậy, phước đức trí tuệ đầy đủ, song hành, hiện bày mọi nơi, rộng lớn vô lượng. Đây gọi là Bồ-tát rộng lớn vô lượng.

Thế nào là Bồ-tát nuôi dưỡng tất cả chúng sinh?

Thiện nam! Ví như đại địa là chỗ tất cả chúng sinh nhờ vào đó mà tồn tại, tùy ý sử dụng các loại sản vật; Bồ-tát cũng vậy trưởng dưỡng chúng sinh bằng các loại bố thí, trì giới nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ… tất cả pháp hành thanh tịnh của Bồ-tát; ngoài ra còn cho vô lượng các loại vật báu khiến được lợi ích. Đây gọi là Bồtát dưỡng dục tất cả chúng sinh.

Thế nào là Bồ-tát đối với có ân, không ân, không có tưởng khác?

Thiện nam! Ví như đại địa bị hủy nhục thương tổn cũng không sinh sân, hoặc được cúng dường cũng không sinh vui, trong vấn đề này không sinh hai tưởng. Bồ-tát cũng vậy, bị tổn não không sân, được lợi dưỡng cũng không vui. Đối với chúng sinh đó, Bồ-tát không sinh thương ghét, không mong đền đáp. Đây gọi là Bồ-tát đối với có ân, không ân đều bình đẳng.

Thế nào là Bồ-tát có khả năng lãnh thọ tất cả những cơn mưa pháp lớn?

Thiện nam! Ví như đại địa thọ nhận những cơn mưa lớn, ngoài ra còn có thể dung chứa tất cả các dòng nước lớn. Bồ-tát cũng vậy, có khả năng dung nạp các trận mưa pháp lớn của Như Lai. Đây gọi là Bồ-tát có khả năng lãnh thọ các trận mưa pháp lớn.

Thế nào là Bồ-tát làm chỗ nương tựa cho tất cả chúng sinh?

Thiện nam! Ví như đại địa, tất cả chúng sinh hoặc ra hoặc vào đều nương nơi đại địa. Bồ-tát cũng vậy, làm nơi y chỉ cho tất cả chúng sinh đang sinh hoạt nơi sáu cõi, cho đến Niết-bàn. Đây gọi là Bồ-tát làm nơi nương tựa cho tất cả chúng sinh.

Thế nào là Bồ-tát làm nơi gieo căn lành?

Thiện nam! Ví như đại địa, tất cả hạt giống đều nhờ vào đó mà sinh trưởng. Bồ-tát cũng vậy, các hạt giống lành của tất cả chúng sinh nhân nương vào Bồ-tát mà được sinh trưởng. Đây gọi là Bồ-tát làm nơi gieo các chủng từ pháp thiện.

Thế nào là Bồ-tát làm đồ chứa châu báu?

Thiện nam! Ví như đại địa là đồ chứa châu báu, nhân nương vào đất mà vô lượng châu báu được xuất hiện. Bồ-tát cũng vậy, các loại công đức quang minh quý báu nhân nương vào Bồ-tát mà được xuất hiện. Đây gọi là Bồ-tát làm đồ chứa châu báu.

Thế nào gọi là Bồ-tát làm đồ chứa diệu dược?

Thiện nam! Ví như đại địa sinh ra các loại thuốc vi diệu, có khả năng trị tất cả bệnh khổ chúng sinh. Bồ-tát cũng vậy, tất cả pháp dược nhân nơi Bồ-tát xuất hiện, có khả năng diệt trừ các loại bệnh nặng phiền não của tất cả thế gian. Đây gọi là Bồ-tát hay làm đồ chứa thuốc vi diệu.

Thế nào là Bồ-tát chẳng thể khuynh động?

Thiện nam! Ví như đại địa, tất cả các thứ khổ chẳng thể nhiễu loạn, xâm phạm; thời tiết nóng lạnh, muỗi, kiến, trùng độc… xúc phạm chẳng động. Cũng vậy, chúng sinh khởi tạo tất cả các loại khổ đều chẳng thể nhiễu loạn, não hại Bồ-tát. Đây gọi là Bồ-tát chẳng thể khuynh động.

Thế nào là Bồ-tát không có sợ hãi?

Thiện nam! Ví như đại địa chẳng kinh sợ khi nghe âm thanh phát ra từ các loài: Sư tử vương, Tượng vương, Long vương…, Bồ-tát cũng vậy, nghe các tiếng của ma, tiếng của ngoại đạo chẳng lo chẳng sợ, chẳng khiếp, chẳng hãi. Đây gọi là Bồ-tát không có kinh sợ.

Thiện nam! Đây là Đại Bồ-tát đầy đủ mười pháp bình đẳng như đất.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát lại có mười pháp bình đẳng như nước. Những gì là mười?

  1. Phước đức sâu dần.
  2. Sinh pháp trong sạch.
  3. Hoan hỷ, tán dương, nhuần thấm.
  4. Nhận chìm tất cả gốc rễ phiền não.
  5. Thanh tịnh không ô trược.
  6. Diệt phiền não nóng bức.
  7. Trừ các khát ái.
  8. Sâu xa, khó dò.
  9. Cuốn trôi mọi thứ tốt, xấu.
  10. Làm sạch phiền não trần cấu.

Thiện nam! Thế nào là Đại Bồ-tát phước đức sâu dần?

Thiện nam! Ví như các dòng nước từ chỗ cạn chảy vào chỗ sâu, theo thứ lớp; Bồ-tát cũng vậy, gom các pháp thiện từ cạn đến sâu.

Đây gọi là Bồ-tát phước đức sâu dần.

Thế nào là Bồ-tát sinh pháp bạch tịnh?

Thiện nam! Ví như nước trong hay sinh dưỡng các loại diệu dược, cỏ cây, rừng rậm. Bồ-tát cũng vậy, nhờ Tam-muội nên sinh trưởng tất cả trợ pháp Bồ-đề. Sinh trưởng rồi liền phát triển lớn rộng, cho đến thành Nhất thiết chủng trí. Ở cõi Phật, cây cối vườn rừng sinh quả pháp nuôi sống chúng sinh. Đây gọi là Bồ-tát sinh trưởng pháp thiện.

Thế nào là Bồ-tát hoan hỷ, nhuần thấm?

Thiện nam! Ví như nước trong, tự tánh thấm ướt, lại hay thấm ướt vật khác. Bồ-tát cũng vậy, tự tánh hoan hỷ, tán dương, nhuần thấm, lại hay thấm nhuần kẻ khác. Nói hoan hỷ ấy là pháp xuất thế. Nói tán dương là nương vào Phật, Pháp, Tăng. Nói nhuần thấm ấy là tâm thanh tịnh. Đây gọi là Bồ-tát hoan hỷ, nhuần trạch.

Thế nào là Bồ-tát làm thối rữa gốc rễ của phiền não?

Thiện nam! Ví như nước trong, có khả năng làm thối rữa tất cả cỏ cây, rễ, lá… Bồ-tát cũng vậy, nhân tu Tam-muội mà làm thối rữa tất cả phiền não tương tục, cho đến diệt tận danh tướng cùng tập khí phiền não xú uế, không còn chỗ nương tựa. Đây là Bồ-tát làm thối rữa tất cả gốc rễ của phiền não.

Thế nào là Bồ-tát thanh tịnh không nhơ?

Thiện nam! Ví như nước trong bình, thể tánh thanh tịnh không có cấu uế, Bồ-tát cũng vậy, tự tánh thanh tịnh, không cấu uế. Nói thanhh tịnh nghĩa là tất cả tùy miên, phiền não, kết sử, tham, sân, si… đã tiêu diệt; các căn không nhiễm, không cấu, không uế. Đây gọi là Bồ-tát thanh tịnh không nhơ.

Thế nào là Bồ-tát diệt trừ phiền não nóng bức?

Thiện nam! Ví như tánh nước làm cho tất cả chúng sinh cùng đất và các vật trên đất được mát mẻ vào những tháng hè oi bức; Bồtát cũng vậy, dùng pháp tịnh thủy diệt trừ phiền não nóng bức của các cõi chúng sinh, khiến cho được mát mẻ. Đây là Bồ-tát diệt trừ phiền não nóng bức.

Thế nào là Bồ-tát trừ bỏ các khát ái?

Thiện nam! Ví như nước lạnh, người khát nước uống vào thì hết khát; Bồ-tát cũng vậy, vì tất cả chúng sinh khát ái nơi sáu trần khó nhẫn chịu mà làm mưa pháp. Nhờ mưa pháp nên khiến các chúng sinh hết khát ái nơi sáu trần.

Thế nào là Bồ-tát sâu rộng khó dò?

Thiện nam! Ví như biển nước sâu rộng khó dò; Bồ-tát cũng vậy, tu các trí tuệ thâm diệu khó dò. Nghĩa là tất cả thiên ma, ngoại đạo chẳng thể xét lường. Đây là Bồ-tát sâu rộng khó dò.

Thế nào là Bồ-tát hay làm trôi các thứ tốt xấu?

Thiện nam! Ví như nước chảy, hay làm trôi tất cả vùng đất hoặc tốt hoặc xấu; Bồ-tát cũng vây, dùng “nước chảy” làm trôi tất cả các cõi chúng sinh hoặc tốt hoặc tốt hoặc xấu. Tuy làm trôi như vậy nhưng không não hại chúng sinh. Cũng như nước chảy, Bồ-tát đem đại Từ bi làm nhuận thấm nơi chúng sinh, làm mưa pháp lớn, không tổn não ai. Đây là Bồ-tát cuốn trôi các thứ tốt xấu.

Thế nào là Bồ-tát làm sạch mọi phiền não trần cấu?

Thiện nam! Ví như nước lớn, hay làm cho tất cả các vật bất tịnh, nhơ uế, cấu bẩn trên đất đều được thấm nhuần, trong sạch, không còn chút bẩn; Bồ-tát cũng vậy, nhờ nương vào định tuệ thanh tịnh mà dứt tận các tâm tánh thô bạo, các thức phiền não nơi khách trần của các chúng sinh. Đây gọi là Bồ-tát làm sạch mọi phiền não trần cấu.

Thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp bình đẳng như lửa.

Những gì là mười?

  1. Năng thiêu đốt phiền não uế tạp.
  2. Làm thành thục tất cả pháp Phật.
  3. Làm khô ráo bùn nhơ phiền não.
  4. Ví như hỏa tụ.
  5. Hay làm ánh sáng.
  6. Hay làm cho kinh sợ.
  7. Hay làm an ổn.
  8. Bình đẳng đối với các chúng sinh.
  9. được thế gian cúng dường.
  10. Chẳng thể bị khinh miệt.

Thiện nam! Thế nào là Bồ-tát có thể thiêu đốt mọi phiền não uế tạp?

Thiện nam! Ví như tánh của lửa, hay thiêu tất cả đồ nhơ nhớp cấu uế, cỏ cây, rừng rậm, các cây thuốc…; Bồ-tát cũng vậy, dùng lửa trí tuệ thiêu cháy tất cả phiền não, thùy miên, tất cả kết sử tham, sân, si… phiền não uế tạp. Đậy gọi là Bồ-tát năng thiêu tất cả phiền não uế tạp.

Thế nào là Bồ-tát làm thành thục tất cả pháp Phật?

Thiện nam! Ví như tánh của lửa làm chín tất cả các thứ dược thảo, động thực vật; Bồ-tát cũng vậy, dùng lửa trí tuệ làm thành thục tất cả các pháp Phật bên trong, thành thục như vậy, mãi mãi không mất. Đây là Bồ-tát làm thành thục tất cả các pháp Phật.

Thế nào là Bồ-tát làm khô bùn nhơ phiền não?

Thiện nam! Ví như tánh của lửa làm khô ráo tất cả bùn nhơ; Bồtát cũng vậy, dùng lửa trí tuệ thiêu khô tất cả pháp hữu lưu. Đây là Bồ-tát làm khô bùn nhơ phiền não.

Thế nào là Bồ-tát dụ như đống lửa?

Thiện nam! Như đống lửa lớn làm tan biến sự cóng lạnh; Bồ-tát cũng vậy, dùng lửa trí tuệ đẩy lùi phiền não lạnh rét cho tất cả chúng sinh. Đây là Bồ-tát dụ như đống lửa.

Thế nào là Bồ-tát hay làm ánh sáng?

Thiện nam! Ví như đống lửa lớn trên ngọn núi Tuyết, ánh sáng rực rỡ chiếu khắp một do-tuần, hoặc hai do-tuần, hoặc ba, hoặc bốn do-tuần; Bồ-tát cũng vậy, dùng trí quang minh chiếu xa ngàn do-tuần, hoặc vạn do-tuần, cho đến vô lượng a-tăng-kỳ thế giới, vì các chúng sinh mà tạo ra ánh sáng soi chiếu rực rỡ khắp. Bồ-tát dùng trí quang minh đẩy lùi tất cả pháp vô trí tối tăm. Đây là Bồ-tát hay làm ánh sáng.

Thế nào là Bồ-tát hay làm kinh sợ?

Thiện nam! Ví như các loài muông thú hoặc sư tử vương thấy đống lửa lớn liền sinh kinh sợ, nghĩa là chúng sợ tổn hại thân mình nên tránh xa chổ ấy. Cũng vậy, ma ác cùng các chúng ma nếu thấy Bồ-tát liền sinh kinh sợ. Do chúng không có oai đức nên liền tránh xa, thậm chí chẳng nghe danh hiệu của Bồ-tát, huống nữa là thấy hình tướng. Đây là Bồ-tát hay làm kinh sợ.

Thế nào là Bồ-tát khéo làm an ổn?

Thiện nam! Ví như có người mê ở nơi rừng rậm hoang dã, quên mất đường ra, bỗng nhiên thấy được một đống lửa lớn, liền đến nơi đó. Ở chốn này, người đó thấy được xóm làng hoặc thấy bầy trâu bò. Thấy như vậy, người đó liền được an ổn, lìa các lo sợ. Cũng vậy, hết thảy vô lượng chúng sinh nơi rừng già hoang dã sinh tử, nếu thấy Bồtát liền được an ổn, lìa mọi sự sợ hãi. Đây là Bồ-tát khéo làm an ổn.

Thế nào là Bồ-tát bình đẳng với tất cả chúng sinh?

Thiện nam! Ví như tánh của lửa đều bình đẳng đối với tất cả chúng sinh; như đối với vua và hàng Chiên-đà-la, lửa đều bình đẳng không hai; Bồ-tát cũng vậy, đều bình đẳng đối với các chúng sinh. Như đối với quốc vương và kẻ đồ tể, Bô-tát đều làm lợi ích như nhau.

Đây là Bồ-tát đều bình đẳng với các chúng sinh.

Thế nào là Bồ-tát được thế gian cúng dường?

Thiện nam! Ví như tánh của lửa được các Sát-lợi, Bà-la-môn,… cúng dường; Bồ-tát cũng vậy, đều bình đẳng với các chúng sinh. Như đối với quốc vương và kẻ đồ tể, Bồ-tát đều làm lợi ích như nhau. Đây là Bồ-tát đều bình đẳng với các chúng sinh.

Thế nào là Bồ-tát chẳng thể bi khinh miệt?

Thiện nam! Như lửa tuy nhỏ, nhưng không nên khinh thường mà chạm vào, không nên kiêu mạn; Bồ-tát cũng vậy, từ lúc mới phát tâm trụ vào tín hạnh, tuy chưa được uy lực nơi pháp Đại thừa, nhưng chẳng ai dám khinh miệt. Tất cả thế gian, hoặc trời, hoặc người, các chúng Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà… đều biết Bồ-tát và cùng nói: “Nay Bồ-tát này chẳng bao lâu nữa sẽ an tọa nơi Bồ-đề đạo tràng, chứng đắc Chánh đẳng chánh giác. Đây là Bồ-tát chẳng thể bị khinh miệt.”

Thiện nam! Đó gọi là Đại Bồ-tát đầy đủ mười pháp bình đẳng như lửa.

Thiện nam! Đại Bồ-tát lại có mười pháp bình đẳng như hư không. Những gì là mười?

  1. Rộng lớn.
  2. Vô ngại.
  3. Tịch tĩnh.
  4. Tuệ vô biên.
  5. Trí vô biên.
  6. Tùy thuận pháp giới.
  7. Tin tất cả các pháp đồng tánh hư không.
  8. Không xứ sở.
  9. Vượt qua cảnh giới của tưởng.
  10. Siêu việt mọi sự nghĩ lường.

Thiện nam! Đại Bồ-tát đủ mười pháp này, được gọi là bình đẳng như hư không.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát lại có mười pháp bình đẳng như hư không. Những gì là mười?

  1. Đối với sắc đẹp sắc xấu, Bồ-tát không tham, không sân.
  2. Đối với âm thanh hay dở, Bồ-tát không thích, không ghét.
  3. Đối với mùi thơm, mùi thối, Bồ-tát không tham, không bỏ.
  4. Đối với vị ngon, vị dở, Bồ-tát không ham, không bỏ.
  5. Đối với sự xúc chạm tốt xấu, Bồ-tát không tham, không ghét.
  6. Đối với các pháp tốt xấu, Bồ-tát không nhiễm, không chê.
  7. Đối với sự được, không được, Bồ-tát không mừng, không giận.
  8. Đối với khổ, Bồ-tát không buồn; đối với lạc, Bồ-tát không vui.
  9. Đối với danh tốt, danh xấu, Bồ-tát không mến mộ, cũng không khước từ.
  10. Đối với lời khen, tiếng chê, Bồ-tát không ưa, không ghét. Đây là mười việc bình đẳng như hư không.

Thiện nam! Đại Bồ-tát lại có mười pháp dụ như mặt trăng.

Những gì là mười?

  1. Làm mát mẻ chúng sinh.
  2. Người thấy hoan hỷ.
  3. Tăng trưởng pháp thiện.
  4. Trừ diệt pháp ác.
  5. được thế gian khen ngợi.
  6. Hình tướng thanh tịnh.
  7. Cỡi xe tối thắng.
  8. Thường làm trang nghiêm.
  9. Hiện bày chỗ diệu dụng nơi chánh pháp.
  10. Có đại thần thông oai đức cao vời.

Thế nào là Bồ-tát làm mát mẻ chúng sinh, cho đến có đại thần thông oai đức?

Thiện nam! Ví như mặt trăng xuất hiện, tất cả chúng sinh đều

được mát rượi, thích thú. Bồ-tát cũng vậy, hay dứt trừ phiền não nóng bức cho chúng sinh, khiến được hoan hỷ, vui vẻ, tạo ra sự mát mẻ.

Thiện nam! Như khi trăng mọc, ai thấy cũng hoan hỷ, do trăng mát mẻ nên khiến tâm họ vui thích. Bồ-tát cũng vậy, diệt phiền não nóng bức, các căn thanh tịnh, đầy đủ công đức trong các oai nghi.

Thiện nam! Như trăng thượng tuần từ lúc mới mọc, dần dần tăng trưởng, cho đến ngày thứ mười lăm thì tròn đầy viên mãn. Bồ-tát cũng vậy, từ sơ phát tâm cho đến lúc ngồi nơi đạo tràng, ngày đêm pháp thiện tăng trưởng, viên mãn đầy đủ các loại.

Thiện nam! Như trăng hạ tuần sắc tướng quang minh, thật đáng ưa thích, nhưng tướng ấy dần dần mờ nhạt, cho đến cuối tháng thì không còn xuất hiện. Bồ-tát cũng vậy, được trí xuất thế nên tất cả tướng hư vọng đều tổn giảm; cho đến lúc an tọa nơi đạo tràng thì tướng kia rốt ráo không còn.

Thiện nam! Như khi trăng mọc, tất cả thế gian, đạo tục, thần dân, nam nữ lớn nhỏ đều tán thán. Bồ-tát cũng vậy, được tất cả thế gian, Trời, Người, Tu-la… tán dương.

Thiện nam! Như Nguyệt Thiên tử, thân tâm thanh tịnh, quang minh chiếu sáng do nghiệp báo sinh khởi. Bồ-tát cũng vậy, thân tâm thanh tịnh, ánh sáng chiếu khắp, tự nhiên hóa sinh từ pháp tánh, chẳng phải nhân nơi tinh huyết ô nhiễm bất tịnh, trải qua năm thời từ cha mẹ.

Thiện nam! Như Nguyệt Thiên tử cỡi xe thanh tịnh chiếu khắp bốn phương; Bồ-tát cũng vậy, cỡi xe tối thắng chiếu khắp vô lượng, vô biên thế giới.

Thiện nam! Như Nguyệt Thiên tử thường trang nghiêm trong mọi lúc; Bồ-tát cũng vậy, thường trang nghiêm bằng công thức.

Thiện nam! Như Nguyệt Thiên tử luôn tự nhiên có hoan hỷ diệu lạc; Bồ-tát cũng vậy, hằng trụ nơi pháp lạc, không trụ vào dục lạc.

Thiện nam! Như Nguyệt Thiên tử có đại thần thông, có đại oai đức; Bồ-tát cũng vậy có đủ các công đức, trí tuệ tự tại, thần thông biến hóa, tùy ý vô ngại.

Thiện nam! Đây là Đại Bồ-tát đầy đủ mười pháp dụ như mặt trăng.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát lại có đủ mười pháp dụ như mặt trời.

Những gì là mười?

  1. Diệt trừ vô minh tối tăm.
  2. Hay làm cho mở bày tỏ ngộ.
  3. Chiếu khắp mười phương.
  4. Nhân cho pháp thiện khởi.
  5. Diệt trừ các dòng.
  6. Hay làm ánh sáng.
  7. Che phủ ngoại đạo tà kiến.
  8. Hiện rõ vật tốt xấu.
  9. Tạo các nghiệp theo pháp thiện.
  10. Thiện nhân cung kính.

Thiện nam! Thế nào là Đại Bồ-tát diệt vô minh tối tăm? Cho đến thế nào là Bồ-tát được thiện nhân cung kính?

Thiện nam! Như khi mặt trời mọc, diệt tất cả tăm tối. Mặt trời Bồ-tát xuất hiện, diệt vô minh u ám cũng lại như vậy.

Thiện nam! Như khi mặt trời mọc, hoa sen bung nở. Mặt trời Bồ-tát xuất hiện, khai ngộ cho chúng sinh, những người nhận được sự giáo hóa cũng lại như vậy.

Thiện nam! Như khi mặt trời mọc chiếu rõ mười phương; mặt trời Bồ-tát xuất hiện, trí tuệ quang minh chiếu khắp mười phương mà không làm tổn hại tất cả chúng sinh.

Thiện nam! Như khi mặt trời mọc, phóng ngàn ánh sáng chiếu khắp cõi Diêm-phù-đề, người đời biết mặt trời đã mọc. Mặt trời Bồtát xuất hiện, ánh sáng trí tuệ chiếu khắp, khi ấy hữu tình mới biết có các pháp thiện.

Thiện nam! Ở cõi Diêm-phù-đề, khi ánh sáng mặt trời diệt, tức biết mặt trời đã lặn. Mặt trời Bồ-tát xuất hiện, phóng ánh sáng trí tuệ đến các chúng sinh, diệt trừ tất cả si ám cho chúng sinh. Mê mờ si ám, mù tối diệt sạch nên gọi là lậu tận. Khi ấy, Bồ-tát không xuất hiện.

Thiện nam! Như khi mặt trời mọc, các ánh sáng bị ánh mặt trời nuốt mất, không thể hiển chiếu, nhưng khi ấy mặt trời chẳng nghĩ: “Ta làm cho những ánh sáng khác chìm mất, không thể hiển chiếu.” Vì pháp như vậy, tự nhiên chẳng thể hiện. Mặt trời Bồ-tát xuất hiện, tất cả ngoại đạo, tà kiến mù ám tự nhiên lui diệt. Khi ấy Bồ-tát cũng chẳng nghĩ: “Ta làm cho các thứ này lui diệt không hiện.”

Thiện nam! Như khi mặt trời xuất hiện ở cõi Diêm-phù-đề, tất cả chúng sinh với tướng đẹp xấu, cao thấp, chánh tà đều được hiện rõ. Mặt trời Bồ-tát xuất hiện cũng lại như vậy, vì các chúng sinh mà soi rõ tướng đẹp xấu, cao thấp, tà chánh. Nói cái đẹp ở đây tức chỉ Thánh đạo. Nói cái xấu ở đây tức chỉ tất cả tà đạo.

Thiện nam! Như khi mặt trời mọc, các loại nghiệp nhân gieo trồng được thành tựu. Mặt trời Bồ-tát xuất hiện làm sinh trưởng các pháp thiện.

Thiện nam! Như khi mặt trời mọc, thiện nhân hoan hỷ cúng dường, xưng tán, nhưng hạng bất lương lại ưu sầu không vui. Mặt trời Bồ-tát xuất hiện, người có trí tuệ, lợi căn, thông minh vui mừng tán thán; những kẻ tà đạo, phàm phu, độn căn bất lương, không có mắt trí tuệ, ưa thích sinh tử, quay lưng với đạo Niết-bàn thì lại không cung kính.

Đây là Bồ-tát diệt vô minh ám chướng, cho đến được thiện nhân cung kính.

Này thiện nam! Như vậy là Đại Bồ-tát đầy đủ mười pháp dụ như mặt trời.

Thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp như sư tử vương.

Những gì là mười?

  1. Không sợ.
  2. Không khiếp nhược.
  3. Không quay đầu hồi chuyển.
  4. Không gầm tiếng sư tử.
  5. Không kinh hãi.
  6. Hoạt động nơi sơn lâm.
  7. Cư trú nơi hang núi.
  8. Không lưu trữ một vật gì.
  9. Một mình không bạn.
  10. Trụ nơi A-lan-nhã.

Thiện nam! Thế nào là Bồ-tát không sợ, cho đến thế nào là Bồtát trụ nơi A-lan-nhã?

Này thiện nam! Như sư tử vương đi khắp các chỗ mà không sợ hãi, thường thấy tự thân, đi một mình không có kẻ địch; Bồ-tát cũng vậy, đi khắp mọi nơi mà không kinh sợ, luôn thấy tự thân, không có đối địch.

Thiện nam! Như sư tử vương không có tướng khiếp nhược, Bồtát cũng vậy, khi cùng các ngoại đạo giao tiếp, tranh biện luận nghị, Bồ-tát không khởi tướng khiếp nhược, dũng mãnh, không yếu đuối.

Thiện nam! Như sư tử vương, hoặc giả khi bị nhục cũng không trở về; Bồ-tát cũng vậy, nếu bị ngoại đạo làm nhục, tổn hại, cũng không chuyển đổi, cũng không im lặng.

Thiện nam! Như sư tử vương gầm rống, tất cả các loài cầm thú, kể cà các loài lang sói đều chạy xa ẩn trốn. Bồ-tát cũng vậy, nói pháp vô ngã vang lừng như sư tử gầm, làm cho đám lang sói ngoại đạo chấp trước ngã kiến thoái lui tan tác. Khắp mười phương cõi, Bồtát này không làm tổn não họ, dùng pháp vô ngã vang lừng như sư tử gầm, chỉ vì nhằm làm chuyển đổi hóa độ chúng sinh.

Thiện nam! Như sư tử vương nhìn khắp mười phương không có gì lo sợ, Bồ-tát cũng vậy, tánh thích tịch tĩnh, hành nơi sơn lâm.

Thiện nam! Như sư tử vương trụ trong hang núi, Bồ-tát cũng vậy, an trụ trong núi trí tuệ tịch tĩnh.

Thiện nam! Như sư tử vương không có lưu trữ, Bồ-tát cũng vậy, trừ bỏ tất cả gánh nặng phiền não, không có lưu trữ.

Thiện nam! Như sư tử vương đi một mình không bạn, hàng phục các bầy cầm thú; Bồ-tát cũng vậy, ngồi nơi đạo tràng một mình không bạn, phá các ma quân.

Thiện nam! Như sư tử vương trú tại nơi nào thì nơi đó tất cả cầm thú chẳng dám xâm phạm, phá hoại các loại lúa mạ, hoa màu. Bồ-tát cũng vậy, cư trú tại thôn xóm, quốc độ nào thì cầm thú nơi đó chẳng thể xâm phạm, phá hoại hoa màu pháp thiện. Đây là Bồ-tát không kinh sợ, cho đến có khả năng bảo hộ thiện căn của chúng sinh.

Này thiện nam! Như vậy, Đại Bồ-tát đầy đủ mười pháp dụ như sư tử vương.

Thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp khéo điều phục. Những gì là mười?

  1. Tâm Bồ-đề kiên cố.
  2. Lãnh hội lý nơi tâm Bồ-đề.
  3. Bảo hộ sáu tình (sáu căn).
  4. Tu hành Thánh đạo.
  5. Gánh vác việc lớn.
  6. Làm lợi ích cho chúng sinh, tâm không mệt mỏi.
  7. Chánh mạng.
  8. Chân thật, không cao ngạo.
  9. Không dua nịnh, dối trá.
  10. Ngay thẳng.

Thiện nam! Đây là Bồ-tát đầy đủ mười pháp khéo điều phục.

Thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp làm chỗ nhận biết của thế gian. Những gì là mười?

  1. Nhiếp tâm ngồi thiền.
  2. Hằng tu hạnh không.
  3. Học pháp không nghỉ.
  4. Không duyên theo cảnh giới, lìa phiền não kết sử, phụng hành tất cả kinh giáo của Như Lai, nhất nhất không phạm, tùy thuận tất cả tông pháp một cách bình đẳng, thông tỏ chỗ chính yếu của pháp giới.
  5. Hành như hàng Chiên-đà-la hạ tiện ở thế gian, do tâm khiêm cung nên lìa xa sự tự cao, ngạo mạn, cuồng loạn.
  6. Luôn sống với hạnh khất thực, bình đẳng theo thứ lớp.
  7. Trụ ở thế gian, tâm không nghi hoặc, đối với pháp Phật thấy biết như thật.
  8. Tâm không do dự nơi pháp nội chứng.
  9. Không tin kẻ khác, không để bị dụ dỗ, tự mình thấy đạo lý.
  10. Khéo tu hành, làm ruộng phước cho thế gian.

Đây là Bồ-tát đầy đủ mười pháp làm chỗ nhận biết của thế gian.

Thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp như hoa sen. Những gì là mười?

  1. Thân không ô nhiễm.
  2. Không sống chung với ác vi tế.
  3. Hương giới luôn phảng phất.
  4. Thọ sinh tinh khiết.
  5. Sắc diện hiền hòa.
  6. Nhu hòa vi diệu.
  7. Ai thấy cũng vui.
  8. Tâm ý khai ngộ.
  9. Tâm ý thành thục.
  10. Giỏi khéo thâu nhận.

Thiện nam! Thế nào là Đại Bồ-tát thân không nhiễm ô, cho đến thế nào là Bồ-tát giỏi khéo thâu nhận?

Thiện nam! Ví như hoa sen tự không nhiễm ô từ khi ra khỏi nước. Không nhiễm vì pháp tánh là như vậy. Bồ-tát cũng thế, không còn nhiễm ô từ khi ra khỏi nước sinh tử. Vì sao? Vì được trí tuệ phương tiện. Tất cả Bồ-tát thông hiểu phương tiện sống nơi sinh tử. Sinh tử hỏa hoạn chẳng thể làm nhiễm ô, vì Bồ-tát khéo hành trì trí tuệ phương tiện.

Thiện nam! Như hoa sen, một giọt nước chẳng thể bám trụ. Cũng vậy, những lỗi lầm vi tế chẳng thể bám trụ nơi Bồ-tát.

Thiện nam! Như chung quanh chỗ hoa sen sinh, mùi hương luôn phảng phất xông ướp khắp nơi. Cũng lại như vậy, làng xóm, quốc ấp, thị tứ, nơi Bồ-tát cư trú, mùi hương giới phảng phất, không chỗ nào là không có.

Thiện nam! Như những nơi sinh hoa sen tinh khiết, khả ái, quốc vương, đại thần, hết thảy trăm họ đều tìm đến nơi đó. Cũng lại như vậy, những Bồ-tát thọ sinh, tự tánh tinh khiết, giới đức oai nghi đầy đủ, không thiếu, thường được các chúng Trời, Người, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân… cung kính ái mộ, lễ bái; chư Phật Bồ-tát khen ngợi tán dương.

Thiện nam! Như khi hoa sen nở, sắc diện khả ái hay làm vui chúng hữu tình, ai thấy cũng hoan hỷ. Bồ-tát cũng vậy, khi cười mỉm, các căn đều thanh tịnh, tươi vui.

Thiện nam! Ví như hoa sen mềm mại không có thô nhám. Bồ-tát cũng vậy, nhu hòa tự nhiên, không có thô bạo.

Thiện nam! Như khi mộng tưởng thấy hoa sen, đây là điềm an lành, lợi ích, đáng khen ngợi. Người thấy Bồ-tát được lợi ích, cũng lại như vậy, tất cả trú xứ thêm sự an lành vì được Nhất thiết trí.

Thiện nam! Giống như hoa sen dần dần bung nở, cũng vậy, hoa sen trí tuệ giác phần của Bồ-tát bung nở, khi ấy gọi là Phật, là bậc giác ngộ.

Thiện nam! Như hoa sen nở, khi thấy: nhãn căn vui thích; khi ngửi: tỹ căn ưa thích; khi xúc phạm: thân căn thích thú; khi tâm hoan hỷ: ý căn vui thích. Bồ-tát cũng vậy, lúc ánh sáng trí tuệ thành thục, nhãn căn thanh tịnh khi thấy, nhĩ căn thanh tịnh khi nghe, tỹ căn vui thích vì đã có hương giới công đức, thân căn vui thích khi xúc chạm, cúng dường cung kính, ý căn thanh tịnh nếu khi tư duy, tán thán công đức.

Thiện nam! Như hoa sen sinh, được hàng trời, người thâu nhận, cũng vậy, Bồ-tát xuất hiện ở thế gian được chư Phật, chư Bồtát cho đến chư Thiên, Đế Thích, Phạm thiên hộ thế đều kính ngưỡng. Đây gọi là Bồ-tát tự không ô nhiễm, cho đến được thâu nhận.

Thiện nam! Như vậy, Bồ-tát đầy đủ mười pháp dụ như hoa sen.

Thiện nam! Đại Bồ-tát có đủ mười pháp tạo tâm ý quảng đại.

Những gì là mười?

  1. Nên phát tâm rộng lớn vì tu hành tất cả các Ba-la-mật.
  2. Ta nên phát động tâm rộng lớn vì làm thành thục tất cả pháp Phật.
  3. Ta nên phát tâm rộng lớn vì giáo hóa tất cả chúng sinh.
  4. Ta nên phát tâm rộng lớn, ngồi nơi đạo tràng, thành tựu Phật quả, thành Đẳng giác rồi, sẽ chuyển pháp luân mà tất cả thế gian hoặc Phạm, hoặc Thiên đều chẳng thể chuyển.
  5. Ta nên phát tâm rộng lớn vì đem lại lợi ích cho chúng sinh ở vô lượng, vô biên thế giới.
  6. Ta nên phát tâm rộng lớn vì kiến tạo thuyền trí tuệ, độ các chúng sinh khỏi biển sinh tử.
  7. Tất cả chúng sinh không ai cứu, không ai bảo hộ, không nơi nương tựa, không có người thân độ thoát, ta nên phát âm rộng lớn làm quyến thuộc vì họ.
  8. Ta nên phát tâm rộng lớn vì nhằm hiển hiện oai thần của chư Phật, tạo tiếng gầm của sư tử, hiện bày thần thông diệu dụng, đạo lực của chư Phật và cũng phải xem xét như Ma-ha Na-già.
  9. Vì tất cả thế gian, hoặc trời, hoặc người, không thể sánh, không thể bằng ta, nên phát tâm rộng lớn.
  10. Ta nên phát tâm rộng lớn, đem chánh pháp của Phật giáo hóa tất cả chúng sinh, chẳng dùng hạnh thô lậu, chẳng dùng khổ hạnh, chẳng dùng hạnh thấp kém.

Thiện nam! Đây là Đại Bồ-tát đầy đủ mười pháp phát tâm rộng lớn.

Thiện nam! Đại Bồ-tát lại có mười pháp khiến tâm được thanh tịnh. Những gì là mười?

  1. Tâm nhiều tín, vui, nội tâm bất động, tâm trụ kiên cố, tâm không hư dối, lìa xa tất cả tư duy bất thiện. Nghĩa là không phát tâm cầu đạo Thanh văn và Bích-chi-phật.
  2. Do thiểu dục, tri túc nên lìa xa tất cả cấu uế, bất tịnh.
  3. Lìa thân cao ngạo nghĩa là không tạo oai nghi giả dối.
  4. Lìa khẩu cao ngạo nghĩa là không nói lời trái sự thật.
  5. Lìa tâm cao ngạo là không tà vạy, dối trá.
  6. Thân không hỗn tạp, miệng ít ham muốn, tâm không tham cầu.
  7. Biết ân phải báo ân, ân nghĩa nhỏ còn không quên, huống là ân nghĩa lớn.
  8. Nói lời chân thật. Ở chỗ làm việc không nói xấu kẻ khác. Những điều không lợi không nên nói. Chỉ tán thán những việc có lợi, vui, có đức, trong ấy chỉ thấy có đức, tu hành như lời nói. Bồ-tát không được ngoài miệng nói lời thương yêu mà trong tâm thù oán. Bồ-tát dùng miệng khen ngợi khiến tâm không tranh chấp. Miệng nói lới ái ngữ, tâm không hiềm hận.
  9. Bồ-tát không được ngoài thân lộ vẻ hiền lành mà tâm nghĩ ác. Bồ-tát không được đem thân cung kính mà trong tâm kinh mạn. Bồ-tát không cao ngạo, không biếng nhác, không tham tiếc, không ganh ghét, Bồ-tát đã không tự cao, cũng không bề trễ, đã không tham tiếc, không ganh ghét, cũng không dối trá, không quanh co. Bồ-tát không nói lời đâm thọc ly tán đôi bên. Vì sao? Vì Bồ-tát do thân cung kính, miệng luôn nói chân thật.
  10. Ba nghiệp tương ưng, không hủy báng chánh pháp thanh tịnh của Như Lai. Bồ-tát không dám hủy báng pháp. Vì sao không hủy báng chánh pháp của chư Phật? Vì Bồ-tát phát tâm Bồ-đề vô thượng, cạo bỏ râu tóc, mặc y hoại sắc, được xuất gia trong chánh pháp của Phật. Sự xuất gia như vậy chẳng vì sợ quốc vương, chẳng vì sợ giặc cướp, chẳng vì nợ nần, chẳng vì kinh hãi, chẳng vì sự sống mà làm Sa-môn. Vì tin ưa nên xuất gia học đạo. Vì cầu pháp nên thân cận thiện hữu, hết lòng phụng sự. Gặp tri thức thiện, lắng tâm nghe pháp, như pháp tu hành, tâm không kiêu mạn. Tuy không kiêu mạn nhưng còn chấp giữ theo điên đảo. Nếu không còn điên đảo thì có khả năng thông đạt chánh đạo nơi Phật. Do thông đạt nên được chánh pháp. Do được pháp nên chắc chắn được Bồ-đề vô thượng. Người học như vậy, không hủy báng chánh pháp và chánh giáo của Như Lai.

Thiện nam! Như vậy là Bồ-tát đầy đủ mười pháp khiến tâm được thanh tịnh.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát đầy đủ mười pháp không có nghi hoặc. Những gì là mười? Đó là:

  1. Tin Như Lai có thân bí mật.
  2. Tin Như Lai có khẩu bí mật.
  3. Tin Như Lai có tâm bí mật.
  4. Tin hạnh Bồ-tát.
  5. Tin thần thông đầy đủ.
  6. Tin bản nguyện viên mãn.
  7. Tin đạo Nhất thừa.
  8. Tin chủng chủng thuyết.
  9. Tin âm thanh Phật sâu xa vi diệu, vang lừng.
  10. Tin vào sự hóa độ chúng sinh, tùy theo căn tánh của họ.

Thiện nam! Thế nào là Bồ-tát tin Đức Như Lai có thân bí mật, cho đến tin vào sư giáo hóa chúng sinh?

Thiện nam! Bồ-tát nghĩ: “Nghe nói Đức Như Lai có Pháp thân,

thân tịch tĩnh, thân không gì bằng, thân không thể sánh, thân vô lượng, thân bất cộng, thân Kim cang… đều là chân thật, không hư, không dối.” Đối với vấn đề này, Bồ-tát không sinh nghi hoặc, không có hai tâm. Bồ-tát tin Đức Như Lai có thân bí mật như vậy.

Bồ-tát lại nghĩ: “Nghe nói Đức Như Lai có khẩu bí mật. Từ kim khẩu, Đức Như Lai thọ ký, sự thọ ký rõ ràng. Đối với kinh giáo Đức Như Lai nói, nếu không hiễu rõ nghĩa lý, cũng đừng nên bác bỏ. Vì Như Lai không còn lầm lạc, không nói lời vô nghĩa, chẳng hề vọng ngữ. Chư Phật, Như Lai đã diệt tất cả ác, thanh tịnh vô cấu, không còn phiền não, kết sử nóng bức, đầy đủ tự tại, không còn mong cầu, vô trược, vô uế. Nếu nói Như Lai còn sai lầm, Như Lai nói lời vô nghĩa, thì điều này không có. Như Lai chí chân, chí thật, không có khi dối.” Đối với vấn đề này, Bồ-tát không nghi hoặc, Bồ-tát tin vào khẩu bí mật của Phật như vậy.

Bồ-tát lại nghĩ: “Trong tâm Đức Như Lai thật bí mật. Tại nội tâm luôn y chỉ nơi tâm. Tất cả Thanh văn, Duyên giác cùng các Bồtát cho đến hết thảy chúng sinh đều chẳng thể biết. Chỉ trừ khi Đức Như Lai dùng sức thần thông hiển bày cho biết. Vì sao? Vì Đức Như Lai thâm diệu khó dò, khó lường; cảnh giới rộng lớn vô biên vô lượng, đồng với hư không, chẳng thể nghĩ bàn, thuần là chân thật không có hư dối.” Điều này Bồ-tát không nghi, tin tâm bí mật của Như Lai như vậy.

Bồ-tát lại nghĩ: “Nghe nói tất cả Bồ-tát chuyên cần tạo lợi ích cho chúng sinh, thành tựu đầy đủ cho tất cả chúng sinh. Đối với sự nghiệp này, các Bồ-tát đều không mệt mỏi, cũng không lo sợ, gánh vác việc lớn, oai lực kiên cố, tu hành mười độ cùng hết thảy pháp Phật, có trí vô ngại, trí vô biên, trí vô đẳng, trí bất cộng; dũng mãnh kiên cố, trang nghiêm kiên cố, thệ nguyện kiên cố; vì Bồ-đề nên thành tựu đầy đủ theo thứ lớp.” Điều này chân thật, chẳng phải hư dối. Bồ-tát tin vào sự tu hành như vậy, không sinh nghi hoặc.

Bồ-tát lại nghĩ: “Ta an tọa nơi đạo tràng, đạt được thanh tịnh, không trì trệ, không chướng ngại, không vướng mắc, đắc nhãn thông cho tới nhĩ thông, tha tâm trí thông, túc mạng thông, như ý thần thông, lậu tận thông, không vướng mắc, không trì trệ, không chướng ngại. Ta đắc trí tương ưng trong một sát-na, thấy rõ như thật các cõi chúng sinh trong ba đời, những chúng sinh này thân hành đủ loại nghiệp ác, khẩu hành đủ loại nghiệp ác, ý hành đủ loại nghiệp ác, tà kiến điên đảo, hủy báng Hiền thánh. Vì nhân duyên nghiệp hành tà pháp nên sau khi chết sinh vào các đường ác, chịu khổ địa ngục. Có các chúng sinh thân làm việc thiện, khẩu, ý hành nghiệp thiện, đầy đủ chánh kiến nên không hủy báng Hiền thánh, trụ nơi chánh kiến, nhờ chánh kiến nên ba nghiệp thanh tịnh. Do nhân duyên ấy nên sau khi chết sinh vào đường lành, thọ vui nơi cõi trời.” Bồ-tát quán chúng sinh giới một cách chân thật như vậy, liền thấy nghiệp thiện và bất thiện của chúng sinh.

Bồ-tát lại nghĩ: “Khi xưa ta làm Bồ-tát, hành đạo Bồ-đề, phát thệ nguyện: “Mình thành Chánh giác mới giúp kẻ giác ngộ.” Đây là lời ta nguyện trước đây. Nay đạo quả đã được viên mãn như sở nguyện là điều chân thật, không có hư dối.” Điều này Bồ-tát không còn nghi ngờ, cũng không mê mờ, nên gọi Bồ-tát là Đẳng giác. Đã tự giác ngộ, gọi là Tam-phật-đà.

Này thiện nam! Đây là Bồ-tát tin Bồ-đề, tin Phật xuất hiện ở đời.

Bồ-tát lại nghĩ: “Nghe nói Nhất thừa là Nhất Phật thừa, điều này chân thật, chẳng phải dối trá, không hư ngụy, không sai lầm. Vì sao? Vì các thừa đều sinh ra từ Đại thừa. Ví như châu Diêm-phù-đề có các châu vây quanh, danh tự mỗi châu đều thuộc vào châu Diêmphù-đề. Danh ấy được gọi chung là Nhập Diêm-phù-đề. Tất cả các thừa cũng lại như vậy, nương vào Đại thừa mà phát sinh, không có hai, không có ba thừa.” Điều này Bồ-tát không nghi, Bồ-tát tin vào đạo Nhất Phật thừa như vậy.

Bồ-tát lại nghĩ: “Nghe nói các loại pháp Như Lai thuyết giảng trong các kinh đều chân thật. Vì sao? Vì hóa độ các chúng sinh mà các Đức Như Lai tùy thuận căn cơ thuyết pháp.” Điều này Bồ-tát không sinh nghi hoặc, không khởi hai tâm. Đây là Bồ-tát tin vào ba thừa có chỗ sai khác.

Bồ-tát lại nghĩ: “Âm hưởng của các Đức Như Lai là vô cùng sâu xa vi diệu, Phạm âm như vậy là chân thật. Vì sao? Vì các Phạm thiên tử thiện căn mỏng ít, còn có thanh âm vi diệu vang vọng, êm ái, trong trẻo, xúc cảm, huống nữa là trong vô lượng kiếp Đức Như Lai đã tu hành, thành tựu trăm phước trang nghiêm, đầy đủ vạn đức.” Điều này Bồ-tát không có nghi hoặc. Bồ-tát tin âm hưởng thâm diệu của Như Lai như vậy.

Bồ-tát lại nghĩ: “Nghe nói Phật Như Lai biết rõ các loại tánh khí, căn cơ thông minh, ngu độn của chúng sinh. Các chúng sinh được hóa độ, nghe pháp chỉ có một âm thanh, vậy mà mỗi loài đều hiểu, đoạn dứt tâm nghi. Người thiện căn thành thục được hóa độ trước. Mỗi mỗi chúng sinh đều hiểu như vầy: Nay Đức Như Lai vì một mình ta mà thuyết pháp như thế. Nhưng các Đức Như Lai không có tư duy phân biệt như vậy. Những sự việc như vậy là chân thật, chẳng sai lầm chẳng dối trá.” Điều này Bồ-tát không sinh nghi hoặc, tin chắc rằng Như Lai tùy theo cơ duyên giáo hóa chúng sinh.

Thiện nam! Đây là Đại Bồ-tát đầy đủ mười pháp khiến tâm không nghi hoặc.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát lại có đủ mười pháp dụ như biển lớn. Những gì là mười?

Đó là chỗ quy tụ tất cả châu báu, rộng lớn khó dò, càng ra càng sâu, không chứa thây chết, bình đẳng một vị, có khả năng dung nạp hết thảy sông ngòi, không quá thời hạn, là nơi nương sống của các chúng sinh lớn, không có biên vực.

Thiện nam! Thế nào là Bồ-tát là nơi các châu báu quy tụ, cho đến thế nào là không có biên vực?

Này thiện nam! Ví như biển cả là nơi quy tụ của vô lượng, vô biên hết thảy châu báu, tất cả chúng sinh đều đến đó lấy vật báu. Bồtát cũng vậy, là nơi quy tụ vô lượng, vô biên hết thảy công đức châu báu. Tất cả chúng sinh cầu đạt phước đức đều đến nơi ấy.

Thiện nam! Ví như biển cả thật khó đo lường, sự sâu xa của Bồtát khó lường cũng lại như vậy.

Thiện nam! Như biển rộng lớn, từ bi trí tuệ sâu xa rộng lớn của Bồ-tát cũng lại như vậy.

Thiện nam! Ví như biển cả không dung chứa hết thảy thây chết. Vì sao? Vì pháp của biển cả là như vậy. Bồ-tát không thể sống chung với tri thức ác cùng tất cả phiền não, cũng lại như vậy. Vì sao? Vì pháp của Bồ-tát là như thế.

Thiện nam! Ví như biển cả, hết thảy các dòng sông đều chảy vào đó, hòa thành một vị, đó là vị mặn. Bồ-tát tu hết thảy pháp thiện đều thành một vị cũng lại như vậy, đó là vị Nhất thiết chủng trí.

Thiện nam! Như biển dung chứa các sông nhưng không tăng giảm, Bồ-tát thọ vô lượng pháp không có tăng giảm cũng lại như vậy.

Thiện nam! Như nước nơi biển cả lên xuống không quá thời hạn, Bồ-tát giáo hóa chúng sinh không quá thời hạn cũng lại như vậy.

Thiện nam! Như biển cả là nơi cư trú của chúng sinh có thân to lớn; hết thảy chúng sinh có pháp bạch tịch y chỉ nơi thân Bồ-tát cũng lại như vậy.

Thiện nam! Như nước biển rộng bao la, không có phần hạn, tất cả chúng sinh không thể biết lượng nước nhiều ít; Bồ-tát vì các chúng sinh mà nói pháp yếu vô biên vô tận, không thể lường xét cũng lại như vậy.

Đây là Bồ-tát như đại hải, là nơi quy tụ các thứ châu báu phước đức cho đến vô biên.

Thiện nam! Như vậy, Bồ-tát đầy đủ mười pháp dụ như biển lớn.

Pages: 1 2 3 4 5 6