KINH ĐẠI BI
Hán dịch: Đời Cao Tề, Tam tạng Na Liên Đề Na Xá, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN I

Phẩm 1: PHẠM THIÊN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Thế Tôn an tọa ở giữa hai cây Ta-la, nơi đất của Lực sĩ sinh, thuộc thành Câu-thi-na, chuẩn bị vào Niết-bàn. Bấy giờ, Phật bảo Tuệ mạng A-nan:

–Ông nên trải tọa cụ giữa hai cây Ta-la, sau đêm nay, Ta sẽ vào Niết-bàn nằm nghiêng hông bên phải như sư tử vương. Này A-nan! Ta đã đạt cứu cánh Niết-bàn, đoạn trừ tất cả lời nói hữu vi. Ta đã làm Phật sự viên mãn, pháp cam lồ nhuần thấm khắp nơi, tịch diệt và sâu xa vi diệu, khó thấy, khó biết, khó có thể suy lường, trí sáng suốt biết được các pháp Hiền Thánh. Ta đã ba lần chuyển pháp luân vô thượng, hoặc nếu có Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc Trời, Ma, Phạm, Người cùng với pháp thế gian, không ai có thể chuyển được pháp luân vô thượng. Ta đã đánh trống pháp, thổi loa pháp, dựng cờ pháp, đóng thuyền pháp, xây cầu pháp, rưới mưa pháp, đã chiếu sáng khắp ba ngàn đại thiên thế giới, diệt trừ vô minh hắc ám, chỉ bày cho chúng sinh con đường Chánh đạo giải thoát, đầy đủ sự lợi ích cho hàng trời, người, những người đáng độ đều đã được độ. Ta đã hàng phục tất cả ngoại đạo và các phái Dị luận, làm động cung điện ma, quật gãy thế lực ma, gầm lên tiếng sư tử, làm các Phật sự, thiết lập sự nghiệp trượng phu, làm viên mãn thệ nguyện xưa, hộ trì pháp nhãn, dạy đại Thanh văn, thọ ký Bồ-tát, làm cho Phật nhãn đời vị lai không bị đoạn mất. A-nan! Sau đêm nay, Ta không còn làm điều gì nữa, chỉ có việc vào Niết-bàn.

Khi nghe như vậy, A-nan cảm thấy đau buồn, sầu thảm, rơi lệ, như bị mũi tên ưu phiền bắn trúng, bạch Phật:

–Thưa Đức Bà-già-bà! Sao Ngài Niết-bàn nhanh quá vậy! Thưa Tu-già-đà! Sao Ngài Niết-bàn nhanh quá vậy! Từ đây con mắt của thế gian bị diệt mất, thế gian cô độc, thế gian từ đây không còn ai cứu hộ, không còn ai dẫn đường.

Lúc đó, Phật bảo Tuệ mạng A-nan:

–Thôi, ông chớ có đau buồn, pháp sinh, pháp hữu, pháp hữu vi, pháp hoại, nếu không diệt thì điều này không thể có. Trước kia, Ta có dạy ông: Tất cả việc mà mình yêu thích, xứng ý thì nhất định sẽ ly biệt, sẽ tan rã. Này A-nan! Ông đã dùng tâm từ, tâm không hai, tâm thiện và thân nghiệp hiếu thuận, phụng dưỡng, hầu hạ Ta không có hạn lượng. Này A-nan! Nếu hàng trời, người, A-tu-la v.v… cung cấp hầu hạ cúng dường Thanh văn, Duyên giác cho đến giảm một kiếp, hoặc mãn một kiếp, so với cung cấp cúng dường hầu hạ Như Lai chỉ trong một niệm, thì phước đức này nhiều hơn phước đức trước. Ông đã cúng dường Phật đại thần thông, cho đến lúc Ngài nhập Niết-bàn thì sẽ được phước lớn, công đức vô lượng vô biên, như cam lồ bậc nhất trong các cam lồ, cam lồ tuyệt đỉnh, Niết-bàn rốt ráo. A-nan, vì vậy ông chớ có buồn rầu, bi ai.

Khi đó, A-nan buồn rầu gạt lệ trải tọa cụ ở giữa hai cây Ta-la, Như Lai nằm nghiêng hông bên phải như sư tử; tức thời các rừng rậm, cây cỏ lớn nhỏ ở trong ba ngàn đại thiên thế giới đều hướng về chỗ Như Lai sắp Niết-bàn. Có cây muốn ngã, có cây ủ rũ, có cây muốn nằm rạp trên đất, có cây ngã nhào trên đất. Các dòng sông, suối, ao, hồ lớn nhỏ trong ba ngàn đại thiên thế giới do thần lực của Phật nên nước đứng yên, không chảy. Các loài cầm thú ở trong ba ngàn đại thiên thế giới, do thần lực Phật nên đứng yên lặng, không kêu, không ăn. Mặt trời, mặt trăng, tinh tú, ánh sáng minh châu cho đến ánh sáng đom đóm trong ba ngàn đại thiên thế giới, do thần lực Phật nên tất cả đều ẩn mất, không ánh sáng nào có thể chiếu sáng. Lửa dữ ở trong ba ngàn đại thiên thế giới, do thần lực Phật nên không cháy, không nóng, không thể thiêu nướng. Tất cả lửa dữ địa ngục ở trong ba ngàn đại thiên thế giới, do thần lực Phật nên đều mát mẻ. Các chúng sinh ở trong địa ngục đó, vì nhờ thần lực Phật nên trong sát-na đều được an lạc. Các súc sinh ở trong ba ngàn đại thiên thế giới, do thần lực Phật nên tất cả đều khởi tâm từ, tâm bi, không còn sân hận, não hại và giết chóc lẫn nhau, tất cả ngạ quỷ đều không còn đói khát. Do thần lực của Phật nên tất cả chúng sinh, thân tâm vui mừng, phấn khởi, lìa được sự khổ, đầy đủ sự vui thích an lạc bậc nhất. Khi Đức Thế Tôn nằm nghiêng hông bên phải thì núi chúa Tu-di, núi đại Thiết-vi, núi Mục-chân-lân-đà, núi Hương, núi Tuyết và các núi Đen, đại địa, biển cả ở trong ba ngàn đại thiên thế giới, tất cả đều chấn động đủ sáu cách: rung động, nhô lên, vọt cao, chấn động, vang rền, không ai không biết. Tất cả gió xoáy ở trong ba ngàn đại thiên thế giới đều đứng yên không lay động. Trong sát-na, tất cả chúng sinh xả bỏ các hành nghiệp, được sống an vui, lìa sự ngủ nghỉ, tâm không tán loạn, mọi họat động đều chấm dứt, im lặng không một tiếng động. Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Calâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Phạm thiên, Thích thiên, Hộ thế vương v.v… ở trong ba ngàn đại thiên thế giới, do thần lực Phật nên thấy cung điện, giường nằm, chỗ ngồi, vườn cây, tất cả đều tối tăm không còn chút ánh sáng, không đáng ưa thích. Quyến thuộc của họ buồn rầu, phiền não không vui. Phạm Thiên vương làm chủ ngàn thế giới, Đại Phạm Thiên vương làm chủ ba ngàn đại thiên thế giới, tâm cao ngạo tự thị, hiểu thế này: Thế giới và các chúng sinh đây, do ta tạo ra, chính ta biến hóa ra. Do thần lực Phật nên Đại Phạm Thiên vương chủ ba ngàn đại thiên thế giới thấy cung điện, giường nằm, chỗ ngồi v.v… u ám đen tối, không có ánh sáng, không đáng ưa thích. Cõi trời Ma-hê-thủ-la Tịnh Cư… cũng đen tối như vậy. Bấy giờ, Đại Phạm Thiên vương, chủ ba ngàn đại thiên thế giới suy nghĩ: Do thần lực của ai mà hiện ra tướng này, khiến ta không thích cung điện, giường, ghế v.v… Khi đó, Đại Phạm thiên vương quán khắp trong ba ngàn đại thiên thế giới, thấy chủ Đại Tự Tại tạo ra sự giàu có, phú quý; chính là Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, sau đêm nay sẽ vào Niết-bàn, vì thế mà hiện thần lực, biến hóa ra việc không thể nghĩ bàn, chưa từng có. Thần lực này chính là hiện tượng Như Lai sắp vào Niết-bàn. Quán như vậy rồi, Đại Phạm vương ưu sầu không vui, rởn tóc gáy, cùng Phạm chúng vây quanh đi đến chỗ Phật. Các Phạm thiên đó, ở trong ba ngàn đại thiên thế giới, đều đã từng tin thọ thánh pháp, an trụ Thánh pháp.

Bấy giờ, Đại Phạm Thiên vương, chủ ba ngàn đại thiên thế giới, đến chỗ Đức Phật đảnh lễ và bạch:

–Cúi xin Thế Tôn dạy cho con trụ như thế nào? Tu như thế nào?

Thưa như vậy xong, Như Lai liền hỏi Đại Phạm vương:

–Này Phạm thiên! Ông nay có thật nghĩ thế này, ta là Đại Phạm thiên, ta có khả năng hơn mọi người, người khác không bằng ta, ta là bậc trí, ta là chủ đại tự tại trong ba ngàn đại thiên thế giới, ta tạo ra chúng sinh, hóa hiện ra chúng sinh, tạo ra thế giới, hóa hien ra thế giới, có phải vậy không?

Đại Phạm thiên thưa:

–Đúng vậy, thưa Đức Bà-già-bà! Thật đúng vậy, thưa Đức Tugià-đà!

Phật nói:

–Này Phạm thiên! Ông vì ai mà tạo ra các thứ đó, ông vì ai mà biến hóa ra các thứ đó?

Lúc đó, Phạm thiên đứng yên, im lặng.

Phật thấy Phạm thiên im lặng, đứng yên, lại hỏi tiếp:

–Này Phạm thiên! Có lúc ba ngàn đại thiên thế giới bị kiếp hỏa thiêu cháy tàn lụi. Ý ông nghĩ sao? Việc này chính ông tạo ra, chính ông biến hóa ra chăng?

Khi đó, Đại Phạm Thiên vương thưa:

–Không phải, thưa Thế Tôn!

Phật nói:

–Này Phạm thiên! Như đại địa này nương nước mà tồn tại, nước nương gió mà tồn tại, gió nương hư không. Như vậy, đại địa này dày sáu trăm tám mươi vạn do-tuần không bị nứt rạn, không tan rã. Phạm thiên, ý ông nghĩ sao? Việc đó chính ông tạo ra, chính ông biến hóa ra chăng?

Phạm thiên thưa:

–Không phải, thưa Thế Tôn.

Phật nói:

–Này Phạm thiên! Ba ngàn đại thiên thế giới đây, lúc trăm ức mặt trời, mặt trăng lưu chuyển. Ý ông nghĩ sao? Việc này chính ông hóa hiện ra chăng?

Phạm thiên thưa:

–Không phải, thưa Thế Tôn.

Phật nói:

–Này Phạm thiên! Có lúc Nhật Nguyệt Thiên tử không ở trong cung điện, cung điện trống không. Phạm thiên, ý ông nghĩ sao? Việc này chính ông tạo ra, chính ông hóa hiện, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

–Không phải, thưa Thế Tôn.

Phật nói:

–Này Phạm thiên! Thời tiết Xuân, Hạ, Thu, Đông bốn mùa thay đổi. Ý ông nghĩ sao? Việc này chính ông tạo ra, chính ông biến hóa, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

–Không phải, thưa Thế Tôn.

Phật nói:

–Này Phạm thiên! Nước, gương, sữa, dầu, ma-ni, pha lê và những vật trong sáng khác phản chiếu các sắc, tượng như: đất, sông, núi, cây, cỏ, vườn hoa, cung điện, nhà cửa, xóm làng, thành ấp, lạc đà, lừa, voi, ngựa, hươu, chim, thú, mặt trời, mặt trăng, tinh tú, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Như Lai, Thích, Phạm, Hộ thế, nhân, phi nhân v.v… các loại hình tượng màu sắc. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Những việc này chính ông tạo ra, chính ông biến hóa, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

–Không phải, thưa Thế Tôn.

Phật bảo:

–Này Phạm thiên! Các âm vang phát ra từ đồi núi, khe sâu, tiếng

lớn, nhỏ của trống, ca, múa, đùa giỡn v.v… tiếng kêu của chim, thú, hươu, người, phi nhân v.v… Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Những điều này chính ông tạo ra, chính ông biến hóa, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

–Không phải, thưa Thế Tôn.

Phật bảo:

–Như các chúng sinh đang trong giấc mộng thấy các hình sắc, nghe các âm thanh, ngửi các mùi hương, nếm các vị, cảm thụ các loại xúc chạm, biết các pháp hoạt động, đùa giỡn, khóc lóc, rên rỉ, sợ sệt, cảm thọ khổ, vui v.v… Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông biến hóa, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

–Không phải, thưa Thế Tôn.

Phật bảo:

–Như có bốn hạng người là đoan chánh, xấu xí; nghèo khổ, giàu có phước đức nhiều ít; giới thiện, giới ác; tuệ thiện, tuệ ác. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông hóa hiện ra, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

–Không phải, thưa Thế Tôn.

Phật bảo:

–Này Phạm thiên! Tất cả chúng sinh có sợ sệt, thống khổ, não hại, như là sợ nước, lửa, dao, gió, mé núi, thuốc độc, ác thú, nhân, phi nhân và thêm nhiều loại nguy hại làm cho kẻ khác thường phải khiếp sợ. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông biến hóa ra, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

–Không phải, thưa Thế Tôn.

Phật bảo:

–Này Phạm thiên! Các loại bệnh tật của chúng sinh: bệnh gió, nóng, lạnh và các bệnh khác, thời tiết thay đổi bốn đại chóng trái. Hoặc do nghiệp báo đời trước hoặc do kẻ khác tạo ra như: bệnh mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Hoặc lại có đủ loại sự thống khổ nhiệt não về tâm ý của chúng sinh. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông biến hóa ra, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

–Không phải, thưa Thế Tôn.

Phật bảo:

–Này Phạm thiên! Có các nạn như: nước, lửa, trộm cướp, đồng trống nguy hiểm, hoặc trong kiếp đao binh, bệnh dịch cho đến mất mùa đói khát của chúng sinh. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông biến hóa ra, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

–Không phải, thưa Thế Tôn.

Phật bảo:

–Này Phạm thiên! Chúng sinh có khổ ái biệt ly, nghĩa là: sự khổ bị chia lìa cha mẹ, anh em, chị em, bạn bè thân thuộc. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông biến hóa ra, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

–Không phải, thưa Thế Tôn.

Phật bảo:

–Này Phạm thiên! Các loại nghiệp ác của chúng sinh tạo ra như sinh sống đổi chác, buôn bán bằng những nghề: bán rượu, men rượu, đá quý, cầm đồ, gian lận đủ cách hoặc vào biển lớn, đồng trống, chỗ hiểm nguy, đến các phương xa, hoặc chế thuốc tiên và các việc bói toán. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông biến hóa ra, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

–Không phải, thưa Thế Tôn.

Phật bảo:

–Này Phạm thiên! Chúng sinh tạo ra các loại nghiệp, vì nghiệp nhân này mà phải thọ quả báo ở địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, người, trời. Thân, miệng, ý của chúng sinh rạo ra hoặc thiện hoặc ác và thế gian có mười nghiệp ác. Tất cả chúng sinh đều không có tâm từ thương xót, tạo ra các việc khổ não không lợi ích, là nhân duyên đọa vào đường ác. Hành động ấy là: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, nói hai lưỡi, nói lời ác, nói lời thêu dệt, tham, sân, tà kiến. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông biến hóa ra, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

–Không phải, thưa Thế Tôn.

Phật bảo:

–Này Phạm thiên! Có các loại khổ của chúng sinh như bị chặt đầu, bị cắt đứt tay chân, bị xẻo tai, mũi v.v… bị rót dầu nóng, bị đốt lửa, chiên, nấu; bị dao, kiếm, mâu, giáo đâm chém; bị đánh, trói, nhốt trong lao ngục; bị tranh cãi, cấu xé. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông biến hóa ra, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

–Không phải, thưa Thế Tôn.

Phật bảo:

–Này Phạm thiên! Chúng sinh làm việc dâm dục tà hạnh, như: dâm mẹ, chị, em gái, người trì giới trong sạch và làm các nghiệp ác khác. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông biến hóa ra, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

–Không phải, thưa Thế Tôn.

Phật bảo:

–Này Phạm thiên! Các việc làm sát hại của chúng sinh như: dùng thuốc độc, dùng bùa chú, dùng chú thuật sai khiến thây chết hại người, chế thuốc làm mê hoặc người và tạo các loại phương tiện ác nghiệp đoạn mạng sống khác. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông biến hóa ra, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

–Không phải, thưa Thế Tôn.

Phật bảo:

–Này Phạm thiên! Trong thế gian có sinh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ não, pháp vô thường, pháp tận, pháp biến dịch. Có bốn hạng người không dễ gì quên được tất cả những cái hay khiến họ tham đắm, không chán các vật bại hoại, ly tán. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông biến hóa ra, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

–Không phải, thưa Thế Tôn.

Phật bảo:

–Này Phạm thiên! Các loại chướng tham, sân, si, kiết sử, triền phược và các thứ khổ não trói buộc khác của chúng sinh, do nhân duyến ấy khiến tâm của các chúng sinh mê hoặc, sân hận, chấp chặt, tạo ra vô lượng các loại hành nghiệp. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông biến hóa ra, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

–Không phải, thưa Thế Tôn.

Phật bảo:

–Này Phạm thiên! Có ba đường ác là địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ. Nơi đó, chúng sinh làm các việc, thọ các khổ não. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông biến hóa ra, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

–Không phải, thưa Thế Tôn.

Phật bảo:

–Này Phạm thiên! Tất cả cây cỏ, dược thảo do hạt giống sinh hoặc không phải do hạt giống sinh, có những cây hoặc mọc dưới nước hoặc mọc trên bờ có hoa, quả, mùi hương. Các loại mùi vị thù thắng như: ngọt, đắng, mặn, cay, chua, chát, tùy theo các chúng sinh ưa thích hay không ưa thích mà làm cho mùi vị đó có tăng giảm. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông biến hóa ra, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

–Không phải, thưa Thế Tôn.

Phật bảo:

–Này Phạm thiên! Trong năm đường sinh tử thành hoại lưu chuyển, chúng sinh bị vô minh che đậy cùng tương ưng với ái, kiết lưu chuyển mãi xưa nay khó biết, đời vị lai sinh tử lưu chuyển không dứt. Trong ấy, hoặc trời, người, quỷ, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn ở thế gian chằng chịt như tơ rối, thường lưu chuyển mãi mãi qua lại đó đây. Các chúng sinh này ở trong sự lưu chuyển không biết đường ra. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông biến hóa ra, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

–Không phải, thưa Thế Tôn.

Phật bảo:

–Này Phạm thiên! Do đâu mà ông suy nghĩ: Các chúng sinh này chính tôi tạo ra, chính tôi biến hóa, chính tôi làm tăng trưởng thêm. Các thế giới này chính tôi tạo ra, chính tôi biến hóa, chính tôi làm tăng trưởng thêm.

Phạm thiên thưa:

–Con vì vô minh tà kiến, chưa đoạn được tâm điên đảo, thường ở chỗ Như Lai nói pháp mà không lắng nghe thọ trì. Con trước đây đã từng thấy sai lầm, nói lời sai lầm: Các chúng sinh đây chính con tạo ra, chính con biến hóa ra; các thế giới đây chính con tạo ra, chính con biến hóa ra. Thưa Thế Tôn! Con nay xin được hỏi: Các thế giới do ai tạo ra? Do ai biến hóa ra? Tất cả chúng sinh do ai tạo ra? Do ai biến hóa ra? Do ai làm cho tăng trưởng thêm? Do năng lực của ai sinh ra?

Phật bảo:

–Này Phạm thiên! Các thế giới do nghiệp tạo ra, do nghiệp biến hóa ra. Tất cả chúng sinh do nghiệp tạo ra, do nghiệp biến hóa ra, do năng lực của nghiệp sinh ra. Vì sao? Này Phạm thiên! Vì vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử, ưu, bi, khổ, não. Do vậy mà có khổ lớn tụ tập. Này Phạm thiên! Vô minh diệt cho đến ưu bi khổ não diệt, trong đó không có tác giả, không có ai an trí tạo ra điều đó, chỉ có nghiệp và pháp, do nhân duyên hòa hợp nên có chúng sinh. Nếu có người thường hay xa lìa sự hòa hợp của nghiệp và pháp thì nên biết người đó hay xa lìa sinh tử luân hồi lưu chuyển. Này Phạm thiên! Như vậy nghiệp thế gian hết thì phiền não hết, khổ hết, khổ chấm dứt. Xuất ly như vậy gọi là đắc Niết-bàn tịch tĩnh. Phạm thiên, nếu ở đó ai đắc Niết-bàn thì nghiệp đã dứt, xa lìa phiền não và hoàn toàn thoát khỏi khổ đau. Các pháp như vậy là do thần lực chư Phật, do chư Phật gia trì mà có. Vì sao? Này Phạm thiên! Vì nếu chẳng phải chư Phật xuất hiện ở đời hiển bày chỉ dạy thì không ai nghe pháp như vậy. Phạm thiên, nếu khi chư Phật Thế Tôn xuất hiện ở đời, hiển bày, chỉ dạy pháp môn quang minh sâu xa tịch tĩnh khó hiểu như vậy, các chúng sinh được nghe pháp sinh rồi từ pháp sinh mà được giải thoát; được nghe pháp già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ não, rồi từ pháp già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ não mà được giải thoát. Này Phạm thiên! Vì vậy, việc làm của chư Phật là biểu hiện sự gia trì. Phạm thiên, việc làm của chư Phật là khai thị hiển bày. Điều đó có nghĩa: các hành giống như ảo ảnh, vô thường chuyển động không bền chắc, không rốt ráo, là pháp tận, pháp biến dịch. Giả sử sau khi chư Phật diệt độ, chánh pháp diệt mất thì điều đó cũng như vậy. Thị hiện sự gia trì nghĩa là, các hành giống như ảo ảnh. Nếu Phật không thị hiện, tất cả các hành trong khoảng sát-na giống như ảo ảnh thì nên nói tất cả các hành giống như ảo ảnh, như mộng, như âm vang. Này Phạm thiên! Vì chư Phật biết tất cả các hành giống như ảo ảnh, như mộng, như tiếng vang, vô thường chuyển động là pháp tận, pháp biến dịch, cho nên nói các hành giống như ảo ảnh, như mộng, như tiếng vang. Sau khi quán tướng ấy rồi, người trí dựa vào tướng ấy, dựa vào nghĩa nhân duyên ấy mà biết được các hành vô thường chuyển động, là pháp tận, pháp biến dịch phá hoại ly tán. Thời tiết thay đổi trong khoảng sát-na, cho đến trong một ngày đêm, nửa tháng, một tháng, một năm, trăm năm, một kiếp cho đến trăm kiếp, tất cả đều hoại diệt cùng tận. Có ngọn lửa lớn cháy rồi cũng phải tắt; có dòng nước lớn chảy siết rồi cũng phải ngừng; có gió thổi mạnh rồi cũng phải dứt; thế giới đại địa có rồi cũng thành không; có các núi lớn, như: núi Thiết Vi, núi Đại Thiết Vi, núi Tu-di và các núi Đen v.v… có rồi cũng thành không. Mặt trời, mặt trăng, tinh tú và các hành tinh khác có rồi cũng thành không, không sáng, không chiếu mà lại rơi rụng. Các cung điện của chư Thiên có rồi cũng thành không. Có các cung vua, thành ấp, tụ lạc, cây cối, vườn tược, ao hồ, sự việc ưa thích phát sinh rồi nó cũng phải diệt mất. Các hàng trời, người sinh rồi cũng phải diệt, diệt rồi lại sinh. Các người trí thấy tướng ấy rồi liền sinh tâm nhàm chán xa lìa. Vì thấy các hành này là vô thường, ly tán, hoại diệt, thay đổi, dứt tận nên họ đem lòng tin bình đẳng, bỏ nhà xuất gia. Biết được các hành giống như ảo ảnh, như mộng, như âm vang và thấy nó giống như bóng của mặt trời, mặt trăng, tinh tú v.v… ở trong nước, thấy các ảo ảnh rồi liền dựa vào tướng nhân duyên đó nên đắc được Bồ-đề. Có các kẻ trí nhờ Phật chỉ dạy và cầu bậc thiện hữu dạy dỗ, hoặc tự tư duy biết được các hành giống như ảo ảnh, như mộng, như âm vang mà sinh lòng tin xả tục xuất gia hoặc chứng đắc được quả Tuđà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán. Nếu người Đại thừa thì đắc Sơ nhẫn, hoặc đắc Đệ nhị, Đệ tam nhẫn và có thể đạt đến Bồ-đề vô thượng. Giả sử sau khi chư Phật diệt độ, ở trong thế gian cũng phải theo đây mà thuyết pháp lưu hành như vậy. Nếu có các chúng sinh được nghe pháp rồi thì đối với tam Thừa sẽ được độ thoát như là Thanh văn thừa, Phật-bích-chi thừa và Nhất thiết chủng trí vô thượng Đại thừa. Phạm thiên, ông nên biết thứ lớp của pháp này cũng là sự gia trì của chư Phật. Vì vậy, người trí thấy tướng ấy rồi, sinh lòng nhàm chán, xa lìa, hay biết các hành là vô thường, khổ, chuyển động không bền chắc, là pháp tận, pháp biến dịch, giống như ảo ảnh, như mộng, như âm vang. Phạm thiên, những thứ này cũng là cảnh giới của chư Phật và là sự gia trì của chư Phật. Có các chúng sinh đã từng tu hành, do đấy mà thành tựu, được nghe âm thanh chánh pháp như vậy rồi nên đối với Như Lai thì đều nhớ nghĩ, cung kính, tin tất cả các hành là vô thường, hoại diệt giống như ảo ảnh, như mộng, như âm vang. Có các chúng sinh đối với chư Phật, họ đã từng tu phạm hạnh, hoặc ở tại gia thọ năm giới, vì nhân duyên này nên hiểu biết được như thật tất cả các hành là vô thường, hoại diệt giống như ảo ảnh, như mộng, như âm vang, biết rồi liền sinh lòng tin, xả tục xuất gia. Chư Phật Thế Tôn tuy chưa xuất hiện ở đời, nhưng vì có sự gia trì của chư Phật như vậy, và do các căn lành đã trồng ở nơi chư Phật nên họ được Bồ-đề. Này Phạm thiên! Nên biết những thứ này đều là cảnh giới của chư Phật, là sự gia trì của chư Phật. Phạm thiên, ba ngàn đại thiên thế giới đây chẳng phải là quốc độ của Phạm, cũng chẳng phải là quốc độ của lục sư ngoại đạo, mà là quốc độ của chư Phật chúng ta. Này Phạm thiên! Ngày xưa tại nơi đây, Ta tu hạnh Bồ-tát trong vô lượng trăm ngàn ức na-do-tha atăng-kỳ kiếp, ở chỗ các Đức Như Lai vô lượng a-tăng-kỳ đã gieo trồng vô lượng a-tăng-kỳ thiện căn, giữ giới cấm thanh tịnh, hoặc tu phạm hạnh và hành vô lượng trăm ngàn ức na-do-tha khổ hạnh khó hành, thâu giữ cõi Phật đây sửa sang sắp đặt làm cho trong sạch. Giống như các thiện căn mà chúng sinh đã tu, tùy theo thiện căn thâm sâu mà nơi đó được thanh tịnh, tùy theo đức độ tu hành mà được độ thoát. Ta đã ở trong nhiều kiếp dùng bốn nhiếp sự thu nhận chúng sinh, nghĩa là bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Do sức thệ nguyện của Ta nên các chúng sinh đó được sinh về cõi Phật này, nghe Ta giảng nói pháp liền có thể tin hiểu, lại không tin theo Phạm, Thích, Hộ thế và các Thiên vương Phạm thiên, nên biết như vầy: Đây là cõi Phật, chẳng phải là quốc độ của Phạm, Thích, Hộ thế, cũng chẳng phải là quốc độ của Lục sư ngọai đạo.

Lúc đó, chủ thế giới Ta-bà Đại Phạm Thiên vương và trăm ngàn Phạm chúng đều hiện tướng ưu sầu, thưa:

–Chư Phật Thế Tôn thông đạt pháp thắng diệu hiếm có! Đại Phạm Thiên vương chủ ba ngàn đại thiên thế giới ở chỗ Như Lai hiếm khi sinh tâm kính tín, nhưng vì chư Phật hy hữu và có vô lượng, vô tận cảnh giới không thể nghĩ bàn nên Đại Phạm Thiên vương liền quy y làm đệ tử Phật, ở trước Đức Thế Tôn thỉnh cầu lời dạy như thế này: Kính thưa Bà-già-bà là Đại sư của con, Tu-già-đà là Đại sư của con. Cúi xin Thế Tôn chỉ dạy cho con: An trụ như thế nào? Tu hành như thế nào?

Phật bảo Phạm thiên:

–Ba ngàn đại thiên thế giới là cõi Phật của Ta, nay Ta đem nó phó chúc cho ông, ông nên thuận theo Ta chớ để cho thiện nhãn chân đạo bị đoạn mất, vô thượng Phật nhãn, Pháp nhãn, Tăng nhãn bị đoạn tuyệt, sau cùng chớ làm cho pháp nhân bị diệt. Này Phạm thiên! Sẽ có Trưởng tử Đồng chân Di-lặc Đại Bồ-tát từ miệng Phật sinh, từ pháp hóa sinh, tâm đại bi thương xót sẽ tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh được an vui yên ổn. Di-lặc cũng được bổ xứ như pháp ở trong ba ngàn đại thiên thế giới, như Ta ở đây không có sai khác. Hiện nay, ông đã tùy thuận lời dạy của Ta thì cũng nên thuận theo Di-lặc, chớ làm cho chân đạo, pháp mẫu, Phật nhãn, Pháp nhãn, Tăng nhãn như thật bị đoạn mất. Vì sao? Này Phạm thiên! Vì trong khoảng thời gian pháp mẫu như thật không bị đoạn mất thì tùy theo đó mà Phật nhãn, Pháp nhãn, Tăng nhãn cũng không bị đoạn mất. Thiên nhãn của Thích, Phạm; nhân nhãn, giải thoát nhãn, cho đến Niết-bàn nhãn cũng không bị đoạn tuyệt. Vì vậy, này Phạm thiên! Nay Ta phó chúc cho ông ba ngàn đại thiên thế giới cõi Phật đây của Ta. Phạm thiên, như Ta đã chỉ dạy, ông phải nên tùy thuận chớ làm cho pháp nhân sau này bị diệt mất. Lúc ấy, tất cả Phạm thiên, Đại Phạm thiên trong ba ngàn đại thiên thế giới ở trước Thánh pháp đều được lòng tin chân chánh. Đại Phạm Thiên vương chủ ba ngàn đại thiên thế giới ở trong Thánh pháp được chánh tín thâm sâu.

 

Phẩm 2: THƯƠNG CHỦ

Thời bấy giờ, con của ma tên là Thương Chủ, có lòng kính tín sâu xa đối với Phật. Khi nghe Phật Niết-bàn, ma ôm lòng buồn rầu, sầu não, sợ rởn tóc gáy, nhanh chóng đến chỗ Phật, đảnh lễ, lui đứng một bên, bạch Phật:

–Cúi xin Thế Tôn thương xót chúng sinh, làm an lạc chúng sinh, cứu hộ thế gian. Vì thương xót làm lợi ích cho hàng trời, người nên trụ thêm ở đời một kiếp, chớ vào Niết-bàn. Con cũng thương xót các hàng trời, người nên kính thỉnh Thế Tôn như vậy. Thế Tôn chớ làm cho con mắt của chúng sinh mù tối quá sớm, chúng sinh không còn ai chỉ dạy, không còn ai dẫn đường, không còn ai cứu hộ, không còn nơi nương tựa, không còn hướng nương về.

Sau khi Thương Chủ thưa như vậy rồi, Phật liền bảo:

–Này Thương Chủ! Cha của ông là ma Ba-tuần, trước đã thỉnh Ta nhập Niết-bàn, nói thế này: Bà-già-bà nhập Niết-bàn, Tu-già-đà nhập Niết-bàn, Bà-già-bà nay đã đúng lúc nên nhập Niết-bàn. Này Thương Chủ! Ma Ba-tuần cha của ông đã thỉnh Ta như vậy, Ta tùy thuận ý ông ấy nên đã hứa nhập Niết-bàn. Thương Chủ, vì nhân duyên này, nay đã đến lúc thực hiện điều hứa ấy, nên Ta nhập Niết-bàn.

Thương Chủ lại thưa:

–Bạch Thế Tôn! Ma Ba-tuần chẳng phải là cha của con, chẳng phải là bậc thiện hữu của con. Hắn thường tìm cầu sự sát hại, là oán gia đại tri thức ác của con, thường muốn làm cho con không nghe được chuyện hòa hợp, an vui, yên ổn, chỉ làm việc hủy hoại, không muốn làm lợi ích. Thưa Thế Tôn! Đối với con, ma ấy là kẻ hết sức tàn ác, hủy hoại hàng trời, người, là đại oán thù, thường muốn dập tắt ngọn đuốc trí tuệ, ánh sáng trí tuệ và trí lớn sáng suốt. Thưa Thế Tôn! Nếu có người nói lời ngay thẳng chân thật như thế này: Trong các cõi trời, người có một người hết sức cực ác xuất hiện ở đời thì nên biết đó là ma Ba-tuần. Thưa Thế Tôn! Nếu có người nói lời ngay thẳng chân thật như thế này: Có người không làm lợi ích cho bản thân, không làm lợi ích cho kẻ khác, không làm lợi ích cho các chúng sinh mà phát tâm thì nên biết, đó chính là ma Ba-tuần. Thưa Thế Tôn! Nếu có người nói lời ngay thẳng chân thật như thế này: Có người không làm lợi ích, thương xót cho hàng trời, người, ma, Phạm, A-tu-la, Sa-môn, Bà-la-môn, tất cả thế gian, và không muốn làm hòa hợp yên ổn, an lạc, chỉ muốn thoái lui, đọa lạc thọ các khổ não mà phát tâm, thì nên biết đó chính là ma Ba-tuần. Thưa Thế Tôn! Chính con được nghe Thế Tôn nói thế này: Có hai loại người: Một là như pháp, hai là phi pháp. Nên biết việc Thế Tôn đã hứa với ma Ba-tuần nhập Niết-bàn là không như pháp. Cúi xin Thế Tôn chớ có giữ chặt lời hứa đó. Vì tạo lợi ích, thương xót, an lạc cho các hàng trời, người, tất cả chúng sinh nên xả bỏ lời hứa đó, trụ thêm ở đời một kiếp. Nếu Phật trụ dài lâu ở đời thì hàng trời, người được lợi ích, an lạc. Vì vậy, Thế Tôn chớ có vào Niết-bàn quá sớm.

Phật bảo Thương Chủ:

–Lành thay! Lành thay! Vì muốn chúng sinh được lợi ích thì đúng là phải làm như vậy. Này Thương Chủ! Nếu có người cung cấp cho đại vương quán đảnh đăng vị Sát-lợi, hoặc cung cấp cho vương tử, đại thần, hoặc cung cấp cho những người bảo vệ đất nước, thành ấp, làng xóm v.v… thì người này ở chỗ Sát-lợi vương được hưởng phước lộc, chức tước lớn và Sát-lợi vương cũng thường ban phước lộc, che chở phòng hộ cho con, cháu, họ hàng quyến thuộc của người đó. Này Thương Chủ! Ông nay ở chỗ Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri vô thượng pháp vương, sinh lòng tin trong sạch. Vì ông tin trong sạch nên được Như Lai vỗ về và ban phước báo. Ta nay vỗ về ông là vì ông trồng thiện căn, sinh lòng tin trong sạch ở chỗ Phật. Thương Chủ, nên biết như vầy: Nhờ niềm tin thiện căn trong sạch này nên ở đời vị lai sau khi Ta diệt độ, ông sẽ làm Phật-bích-chi hiệu là Bi Mẫn. Này Thương Chủ! Sau khi Ta Niết-bàn, chánh pháp diệt rồi, chính ma Batuần sẽ rất vui mừng. Vì vui mừng nên đọa vào trong cung ma, đọa trong đại địa ngục A-tỳ thọ đủ vô lượng, vô số khổ não. Vì sao? Vì ma Ba-tuần sinh vui mừng phấn khởi khi ngọn đuốc tuệ, ánh sáng trí tuệ thù thắng diệt mất. Này Thương Chủ! Nếu có người nói lời ngay thẳng chân thật như thế này: Có người tự làm hại mình, tự phá họai mình, tự mình làm ác mà phát tâm thì nên biết đó chính là ma Ba-tuần. Vì sao? Này Thương Chủ! Vì sau khi Ta diệt độ, chánh pháp còn trụ ở đời, trong thời gian đó ma Ba-tuần được ở cung ma. Nhưng khi pháp Ta diệt rồi, chính vì ma hết lòng vui mừng, phấn khởi ưng ý nên trong sát-na đó bị đọa vào cung ma, trong địa ngục A-tỳ. Thương Chủ, thí như có người ở trên cây to lớn, cây đó hoa quả sum sê đủ để dùng, người đó ở trên cây thụ hưởng hoa quả một cách khoái khẩu ưng ý, đã thọ dụng rồi liền trở lại chặt phá cành nhánh chỗ mình ở. Thương Chủ, ý ông nghĩ sao? Lúc ấy, người này có còn ở được trên cây đó nữa không? Ở trên cây thọ hưởng an vui rồi, lại chặt gãy cành cây đó, có thể gọi là người trí không?

Thương Chủ thưa:

–Không, thưa Bà-già-bà! Không, thưa Tu-già-đà!

Phật bảo:

–Này Thương Chủ! Ma cũng như vậy, thường mong Như Lai Ứng Chánh Biến Tri nhập Niết-bàn, cũng thường vui khi chánh pháp Tỳ-ni của Như Lai bị diệt. Thương Chủ, trong thời gian chánh pháp còn trụ ở đời, trong khoảng thời gian này ma Ba-tuần được an trụ trong cung ma. Nhưng khi pháp của Ta diệt thì ma Ba-tuần sinh vui mừng, hết lòng phấn khởi ưng ý nên bị giam trong cung ma, đọa vào địa ngục A-tỳ. Này Thương Chủ! Ví như người kia ở trên cây vì tự hại nên siêng làm việc phá hoại. Ma cũng như vậy, tự làm hại mình, làm hại kẻ khác mà chuyên cần phát tâm. Thương Chủ, sau khi ma đọa trong địa ngục A-tỳ chịu nhiều thống khổ đau đớn như cái khổ bị cướp đoạt mạng sống, bị khổ xúc chạm xong sẽ nhớ đến Ta và nói thế này: “Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri là người nói lời chân chánh, nói lời chân thật, lời nói không hư dối, nói lời lành như thật. Cao quý thay! Thân luật nghi. Cao quý thay! Khẩu luật nghi. Cao quý thay! Ý luật nghi. Khi thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện thì đạt được quả báo an vui, như ý, từ ái, ưng ý. Còn thân làm ác, nói lời ác, ý nghĩ ác thì thu được quả báo không an vui, không ưng ý, không ưa thích ưng ý. Trước kia, thân ta hành động tương ưng điều ác, miệng nói ra tương ưng điều ác, ý nghĩ tương ưng điều ác. Vì nghiệp báo này nên nay ta bị đọa vào địa ngục, nhận chịu các thống khổ đau đớn cực não như vậy, như cái khổ của người sắp chết, hết sức đau đớn không thể chịu nổi”. Khi ma Ba-tuần nhớ lời nói của Ta nên sinh được lòng tin trong sạch. Được lòng tin trong sạch rồi, ma liền mạng chung ở địa ngục, sinh về cõi trời Ba Mươi Ba. Vì sao? Thương Chủ, vì nếu đem tâm ác, làm các điều sai trái đối với Như Lai thì khi thân hoại mạng chung sẽ đọa vào địa ngục lớn. Nếu đem tâm từ cúng dường Như Lai, không tìm cầu việc ác thì khi thân hoại mạng chung liền được sinh trong cõi lành của hàng trời, người. Nhờ căn lành này mà được gặp chư Phật, gặp chư Phật rồi lại trồng thiện căn, trồng thiện căn rồi tuần tự sẽ được vô lậu Niết-bàn. Thương Chủ, ông đối với Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri sinh lòng tin trong sạch, nhờ thiện căn này ông sẽ được gặp Phật Di-lặc xuất hiện ở đời. Gặp Di-lặc rồi, ông có thể làm thức tỉnh các chúng sinh đang thùy miên, phóng dật v.v… bằng cách nói thế này: Chúng sinh các ngươi, phải nên dũng mãnh chuyên cần làm các việc lành. Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri thị hiện ơ đời rất hiếm có, cũng như hoa Ưuđàm đúng thời mới nở, Như Lai cũng vậy, đúng thời mới xuất hiện. Có lúc Phật dạy: Không nơi nào là không có Niết-bàn, thân người khó được, tám nạn khó tránh, gặp được Phật và sinh ra đời ở giữa quốc gia cũng lại rất khó. Vì vậy, các ông cẩn thận chớ có phóng dật, nên chuyên cần tu hành để sau này chớ có hối tiếc. Này Thương Chủ! Ông phải nên vâng lời và lãnh thọ giáo pháp của Phật Di-lặc. Ông phải thường đem tâm từ, tâm bi, tâm không oán thù, tâm thương xót, tâm an vui, tâm quảng đại, tâm hộ trì dưỡng dục mà thu phục dân chúng và quốc độ của Di-lặc vô thượng pháp vương. Ông dùng thiện căn này ở chỗ cung điện ma, theo thứ lớp làm cho nơi đó đươc bổ ích, đầy đủ giàu sang và được làm chủ tự tại. Thương Chủ, nếu có chúng sinh ở chỗ Như Lai trồng các căn lành cho đến chỉ phát một tâm niệm trong sạch thì những chúng sinh đó vì căn lành đây mà được gần gũi cam lộ, cam lộ bậc nhất, cam lộ tối thắng. Thương Chủ, nhờ căn lành nên ông ở nơi đó hưởng được nhiều phước báo của hàng trời, người, sau cùng trải qua tám mươi kiếp, ông được làm Phật-bích-chi hiệu là Bi Mẫn. Vì sao? Này Thương Chủ! Vì sau khi nghe Ta Niết-bàn, ông sinh lòng tin trong sạch đối với Ta và khởi lòng thương từ bi đối với chúng sinh, vì muốn làm cho các chúng sinh được an vui nên ông cầu thỉnh Ta trụ ở đời chẳng nên nhập Niết-bàn. Ông lại ở trong giáo pháp Di-lặc thương xót chúng sinh, giác tỉnh cho các chúng sinh đang thùy miên phóng dật, dùng pháp thiện dạy bảo làm cho họ nhớ lại mà không còn phóng dật. Nhờ nhân duyên này nên ông được thọ ký làm Phật-bích-chi. Thương Chủ, Ta sẽ ban cho ông quả báo lành như vậy, chắc hẳn là ông hết sức vui mừng ưng ý. Thương Chủ, những phước báo này là do nhân duyên thiện căn của ông khuyến thỉnh Như Lai. Như Lai sẽ dùng pháp thí để bảo hộ phước báo thiện căn cho ông.

Khi đó, Thương Chủ lại bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn! Nếu Thế Tôn không chấp thuận lời khuyến thỉnh của con mà nhập Niết-bàn, thì con nguyện từ nay cho đến thời pháp trụ, lìa bỏ năm dục, luôn giữ đạo hiếu, không thích rong chơi, không mặc áo khác, không dùng tràng hoa, hương xoa, hương bột và không thọ dụng quả báo thù thắng của chư Thiên. Vì sao? Chính vì Thế Tôn là vật báu sáng suốt của chúng sinh đang xa lìa con để đi nơi khác, không còn hội hợp, không còn quay lại, trọn không còn thấy Thế Tôn. Thưa Thế Tôn! Làm sao con vui được, làm sao tươi cười được, làm sao có thể thích, làm sao ưng ý được, khi đấng đuốc tuệ lớn, đèn tuệ lớn, đại trí quang minh diệt độ, con có gì mà vui mừng, phấn khởi, ưng ý. Thế Tôn là mặt trời đại trí có vô lượng trăm ngàn ánh sáng quyến thuộc, diệt trừ vô minh tối tăm ám muội, là đấng đại trí sáng suốt diệt độ thì con có gì mà vui mừng, ưng ý. Có gì đáng vui, có gì đáng cười, khi con đang xa lìa vật báu của chúng sinh. Thế Tôn là chúng sinh không thể đo lường, là chúng sinh chẳng khuyết giảm, là chúng sinh sáng suốt, là chúng sinh vô tội, là chúng sinh không si mê, là chúng sinh vô thượng, là chúng sinh tối thượng, là chúng sinh không ai giống, là chúng sinh không ai sánh bằng, là chúng sinh cao tột trong tất cả chúng sinh, là chúng sinh đáng được tất cả chúng sinh cúng dường, là chúng sinh có thể dìu dắt tất cả chúng sinh, có thể cứu vớt tất cả chúng sinh, là chúng sinh vi diệu trong tất cả chúng sinh, là đấng điều phục chúng sinh, là đấng thương xót chúng sinh, là đấng nói lời chân chánh, là đấng nói lời chân thật, là đấng nói đúng thời, là đấng nói hợp thời, là đấng nói không sai khác, là đấng tu hành như lời nói, là đấng trụ đại từ bi, là đấng có tâm vô ngại đối với các chúng sinh, là đấng có tâm bình đẳng đối với các chúng sinh, là đấng không hý luận, là đấng vô ngã, ngã sở, là đấng không tích tụ, là đấng không nhà cửa, là đấng không nương dựa ai, là đấng không hóc hiểm, là đấng vô cấu, là đấng cứu giúp, là đấng dẫn đường, là đấng hóa độ, là đấng biết đủ, là đấng cởi trói, là đấng dưỡng dục, là đấng khiến chúng sinh nhớ nghĩ, là đấng khiến chúng sinh tỉnh ngộ, là đấng dạy bảo, là đấng đắc thắng trong chiến đấu, là đấng nhổ mũi nhọn, là đấng y vương trị tâm bệnh, là đấng bố thí nhiều thuốc bổ, là đấng cứu khổ rốt ráo, là đấng thuyết pháp, là đấng giúp Thương Chủ sắp khởi hành đốn, là đấng chỉ chỗ nông cạn, là đấng cầm bánh lái, là đấng cầm đuốc, là đấng phát minh, là đấng tạo ánh sáng, là đấng chiếu sáng, là đấng bố thí nhãn quang, là đấng chỉ đường, là đấng giúp chúng sinh đến cõi nước an ổn, là đấng xa lìa tất cả trần cấu hóc hiểm gai góc, là đấng không khát ái, là đấng xa lìa các kiết sử, là đấng lìa các ràng buộc, là đấng lìa tham, sân, si, là đấng lìa các phiền não, là đấng lìa giận hờn, kiêu mạn. Đúng thật là đại trượng phu, trượng phu giỏi, trượng phu bậc nhất, trượng phu khỏe, trượng phu dũng mãnh, trượng phu liên hoa, trượng phu phân-đà-lợi, trượng phu rồng, trượng phu thầy rồng, trượng phu sư tử, trượng phu thượng thủ, trượng phu chúa tể, trượng phu mạnh, trượng phu voi, trượng phu vô thượng, trượng phu vô thượng điều ngự, đấng đầy đủ các thừa, đấng đủ tất cả các lực, đấng đủ mười lực, đấng đắc bốn vô sở úy, đấng đủ mười tám pháp bất cộng, đấng đắc đại phước trí lực, đấng đầy đủ vô lượng pháp tạng, đấng không ganh ghét, đấng làm đẹp lòng tất cả chúng sinh, đấng đại thí chủ vô thượng, thí chủ tối thắng, tâm không hiềm hận, đấng đắc đại thiền định, đấng đắc cảnh giới các thiền Tammuội, tam ma bát đề; đấng tuệ vô lượng, đấng tuệ vô chướng, đấng đắc cảnh giới vô đẳng tuệ, đấng bẻ gãy cờ ma, đấng vượt qua bùn nhơ, đấng qua đến bờ kia, đấng trụ ở bờ kia, đấng đến chỗ vô úy, đấng trừ sợ hãi cho tất cả chúng sinh, đấng an ủi tất cả chúng sinh, đấng kiên cố đối với tất cả chúng sinh; sau đêm nay, Thế Tôn sẽ biệt ly, con không còn thấy nữa. Thưa Thế Tôn! Như Lai thường ở giữa các đại chúng cất tiếng sư tử, nhưng từ nay con không còn nghe thì có gì mà vui, có gì mà ưng ý. Thưa Thế Tôn! Ví như có người ở chỗ vua quán đảnh Sát-lợi được phước lộc, sau khi vua băng hà thì người đó sinh lòng ưu sầu buồn khổ, biết ân dưỡng của vua, nhớ ân dưỡng của vua mà mình đã từng thọ hưởng. Các chúng sinh đó vì vua ấy nên chuyên nhất gìn giữ đạo hiếu trong một ngày, hai ngày cho đến bảy ngày, hoặc nửa tháng cho đến một tháng nhớ vua mà rơi lệ. Thưa Thế Tôn! Con cũng như vậy. Sau khi Như Lai diệt độ cho đến lúc chánh pháp trụ thế, trong thời gian đó con xả bỏ năm dục, chuyên nhất gìn giữ đạo hiếu, không thích vui đùa, không mặc áo khác, không dùng tràng hoa, hương bột, hương xoa và không thọ dụng phước báo thù thắng của chư Thiên.

 

Phẩm 3: ĐẾ THÍCH

Bấy giờ, Thích-đề-hoàn-nhân đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi lui đứng một bên, bạch Phật:

–Cúi xin Thế Tôn chỉ dạy cho con tu hành như thế nào? Thưa Thế Tôn! Trước kia có một thời, Tứ đại A-tu-la vương mặc áo giáp lát đồng, thắng xe, cùng với quyến thuộc tiến đến cõi trời Ba Mươi Ba khiêu chiến đánh nhau. Lúc chư Thiên và A-tu-la giao chiến thì Thánh giả Mục-liên còn trụ tại thế. Thánh giả Mục-liên đến chỗ tứ A-tu-la, dùng pháp đúng như thật điều phục họ. Nhờ vậy, chư Thiên và các Atu-la đều được yên ổn, không còn tranh chấp với nhau, phỉ báng chống trái nhau. Thưa Thế Tôn! Đại Mục-liên đã diệt độ rồi, ngày nay Như Lai cũng nhập Niết-bàn. Nếu vậy, sau này mỗi khi chúng con tranh chấp, chống trái nhau, ai sẽ hòa giải? Xin Thế Tôn chỉ dạy, nếu khi bốn A-tu-la vương cùng con tranh chấp nhau thì con dùng phương kế gì để đối trị họ?

Phật bảo Thích-đề-hoàn-nhân:

–Này Kiều-thi-ca! Thôi chớ có ưu bi, chớ có buồn rầu, chớ có lo lắng. Nếu ông giữ giới thì sở nguyện ắt được thành tựu. Chỉ có người giữ tịnh giới mới thành tựu, chứ chẳng phải người không giữ tịnh giới mà được. Người giữ phạm hạnh chứ chẳng phải người không giữ phạm hạnh, người lìa dục chứ chẳng phải người không lìa dục, người lìa sân chứ chẳng phải người không lìa sân, người lìa si chứ chẳng phải người không lìa si, người trí tuệ chứ chẳng phải người không trí tuệ mà được thành tựu. Này Kiều-thi-ca! Từ nay về sau, Ta sẽ bảo hộ ông cho đến lúc chánh pháp của Ta chưa diệt. Nếu khi chư Thiên cùng A-tu-la đánh nhau, ngay lúc đó ông xưng danh hiệu của Ta thì chư Thiên sẽ đắc thắng.

Lúc đó, bốn đại A-tu-la vương nghe Phật nói việc gia hộ, sợ rợn tóc gáy, trong lòng tức giận đến ngay chỗ Phật, đến rồi đảnh lễ lui đứng một bên thưa Phật:

–Thưa Thế Tôn! Vì duyên cớ gì mà Như Lai nói lời gia hộ như vậy.

Phật bảo bốn đại A-tu-la:

–Các ông chớ có buồn rầu, chớ có lo sợ. Có lúc các ông sẽ được đại tự tại hơn cõi trời Ba Mươi Ba, lại không còn đánh nhau, không còn tranh cãi, không còn cạnh tranh, không còn chống trái. Do vậy các ông phải thận trọng chớ có đánh nhau, chớ phỉ báng nhau, chớ tranh luận nhau, chớ có tâm chống trái, nên khởi tâm từ, tâm thương yêu thì sẽ được như ý muốn. Này các nhân giả! Mạng sống không bao lâu, bậc chủ tự tại cũng phải thuận theo sự vô thường. Này các nhân giả! Thế gian có đầy đủ sự hội hợp ắt có sự ly tán. Này các nhân giả! Nên quán triệt để vô thường tế Như Lai dạy, không oán thù các chúng sinh, không chống trái, không tranh giành, thường tạo sự hòa hợp. Hết thảy chúng sinh còn phát tâm bình đẳng, huống gì các ông có chút ít thiện căn mà lại vui thích đấu tranh, xâm lấn nhau sao. Này các nhân giả!

Nếu khởi tâm não hại kẻ khác thì người này sẽ bị não hại trở lại trong nhiều kiếp. Các nhân giả! Nếu có người ưa thích sát hại thì người này sẽ bị quả báo thọ mạng ngắn ngủi; nếu thích đấu tranh thì người này thường bị quả báo sợ chết, không có bà con quyến thuộc, không có thế lực mạnh. Này các nhân giả! Hai nghiệp thiện và ác trọn không tan mất. Vì vậy, từ nay về sau, các ông phải luôn luôn trụ tâm từ, trụ thân nghiệp từ, khẩu nghiệp từ, ý nghiệp từ, chớ có đấu tranh, chớ tranh giành, chớ phỉ báng nhau. Nhờ nhân duyên này nên các ông đạt được lợi ích an vui trong nhiều kiếp, sau này không có hối tiếc.

Phật nói lời này rồi, bốn đại A-tu-la vương bạch Phật:

–Thật đúng như vậy, thưa Thế Tôn! Thật đúng như vậy, thưa Thiện Thệ! Chúng con xin y theo lời Như Lai dạy, tu như vậy, trụ như vậy. Thưa Thế Tôn! Từ nay về sau con xả bỏ tất cả sự chiến đấu, nhất nhất tu tâm từ bi.

Nghe Phật Niết-bàn, Thích-đề-hoàn-nhân như bị mũi tên ưu sầu bắn trúng, lòng sầu não cực độ, xót thương khóc lóc, rơi lệ bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn! Từ nay cho đến lúc pháp trụ, con không còn hưởng thọ năm dục, không vào nội cung, không mặc y phục khác. Đại đức Bà-già-bà giống như bậc gia trưởng qua đời. Là người tri thức được ân dưỡng thì tâm sinh khổ não khi nhớ nghĩ ân xưa, vì nhớ nghĩ ân dưỡng ấy nên đau lòng rơi lệ, chuyên nhất gìn giữ đạo hiếu. Thưa Thế Tôn! Con cũng như vậy. Từ nay cho đến thời pháp trụ, suốt thời gian đó con đau lòng rơi lệ, chuyên trì gìn giữ đạo hiếu, không thọ hưởng năm dục, không vào nội cung, không mặc y phục khác. Vì sao? Vì đấng Đạo sư sáng suốt vô thượng đang cùng con xa lìa, không còn được gặp, không còn hội hợp. Thích-đề-hoàn-nhân thưa như vậy rồi, đứng đó cúi mặt than khóc.

Pages: 1 2 3 4 5