KINH ĐẠI BI
Hán dịch: Đời Cao Tề, Tam tạng Na Liên Đề Na Xá, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN IV

Phẩm 12: DÙNG CÁC THÍ DỤ ĐỂ PHÓ CHÚC CHÁNH PHÁP

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo Tuệ mạng A-nan:

–Thôi, không nói đến tuệ giác, công đức, lợi ích của ta đạt được hôm nay, mà chỉ nói công đức, lợi ích trước đây, khi Ta hành trì Bồ-tát đạo thì Duyên giác còn không có, huống nữa là Thanh văn và chúng sinh khác. A-nan, lúc Ta làm Bồ-tát, trong thời gian dài tu khổ hạnh: xả bỏ ngôi vua, vợ con, cùng các cung phi mỹ nữ, thân mạng, chân tay, đầu, mắt, tai, mũi, thịt, máu, xương, tủy và nhận chịu vô lượng các loại đau khổ. Tất cả những thứ đó, Ta lãnh thọ đều vì các ông, vì muốn cầu Tuệ Giác Vô Thượng. A-nan, những gì khó bỏ Ta đều đã bỏ, vì chúng sinh mà nhận chịu các khổ. A-nan, những công đức đó, nếu Ta nói rộng thì chẳng thể cùng tận. Nếu có người nghe được việc này thì chắc chắn tâm họ mê muội huống nữa là có nói việc ấy. A-nan, nếu có chúng sinh khởi một tâm niệm thương xót, nói thế này: Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, thuở xưa làm Bồ-tát tu khổ hạnh, vì chúng ta nên chịu đủ vô lượng các loại đau khổ, làm việc khó làm. A-nan, Ta nói những ai có phát khởi một niệm tâm như vậy thì quyết định sẽ đắc Niết-bàn tối hậu, huống nữa là người trồng các căn lành ở chỗ Ta. Anan, cũng có người ngu chấp thủ không tin là khi xưa Ta làm Bồ-tát có tu khổ hạnh như thế, cho đến chẳng khởi sinh một niệm thương tâm, còn nói Như Lai không đạt lợi ích và cũng không kính tín đó nữa. Vì vậy, người có hạnh thù thắng thì hay đắc Niết-bàn. A-nan, công đức lợi ích thắng pháp như vậy, Duyên giác còn không có huống nữa là tất cả Thanh văn và phàm phu có khả năng đạt được. A-nan, có những bậc tu hành hạnh Bồ-tát đạt được lòng thương lớn, cũng chẳng phải Duyên giác có khả năng đạt được. A-nan, nếu có người tu hạnh Bồ-tát đạt được lòng thương lớn như Ta. Đạt được lòng thương lớn rồi, chắc chắn họ sẽ đắc được Tuệ Giác Vô Thượng. Vì pháp đây là chỗ thâu giữ tâm đại từ, đại bi. Chính vì nhân duyên này hàng Duyên giác không có, nên không đắc được quả vị Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, không đủ mười lực, bốn vô sở úy, đại từ, đại bi. A-nan, khi xưa, Ta tu hạnh Bồ-tát biết tìm cầu pháp lành, đối với sinh tử tâm thường lo sợ, tu tâm đại bi đối với chúng sinh. Một hôm trong mộng, Ta thấy chỗ sụp lỡ của đại Thiết Vi, chính giữa thế giới là địa ngục lớn. Tại đó, có các chúng sinh đang bị ngục tốt bức bách, hành hạ, thân thể tan hoại, xung quanh lửa hừng hực giống như biển lửa, họ chịu đau khổ cùng cực như cái khổ bị đoạt mạng. Ta đến nơi ấy, các chúng sinh đó chấp tay lễ bái và thưa: Thưa Nhân giả! Nay Nhân giả được an vui, còn chúng tôi thì phải chịu cái khổ đau đớn, khó nhẫn của địa ngục, như cái khổ bị đoạt mạng. Chúng tôi không được ai cứu giúp, không ai che chở, không nơi nương tựa, không chỗ hướng về. Thưa Đại Trượng phu! Nếu Đại Trượng phu muốn cứu chúng tôi khỏi chỗ khổ này thì chắc chắn rất có thể được. Anan, lúc Ta khởi lòng thương lớn các chúng sinh tại địa ngục đó, liền ở trong mộng khóc thương lệ tràn như nước sông Hằng, Ta an ủi chúng sinh đó: Này các Nhân giả chớ có sợ hãi, Ta làm cho các ông thoát khỏi khổ lớn này. A-nan, khi ấy Ta liền khiến các chúng tại địa ngục đó tụ lại một chỗ, rồi dùng bàn tay phải xoa khắp đảnh đầu của họ và bảo: Này các nhân giả chớ có sợ hãi, Ta quyết định cứu độ các ông. Ta vừa dứt lời thì lửa lớn địa ngục diệt mất, chỉ trong sát-na các chúng sinh đó thọ hưởng an lạc. A-nan, lúc Ta từ trong mộng tỉnh dậy thì áo ướt đầy nước mắt, đem vắt đầy đồ đựng. Này A-nan! Khi xưa Ta tu hạnh Bồ-tát đã đầy đủ pháp đại bi như vậy, huống nữa là nay đã đắc được Tuệ Giác Vô Thượng. A-nan, pháp như vậy ông phải nên biết, chẳng phải hàng Duyên giác có được, huống là Thanh văn và những các hàng phàm phu. A-nan, nếu người nào tu pháp đây là tu hạnh Bồtát. A-nan, ông quán xem, Như Lai khi xưa tu hạnh Bồ-tát, đã đầy đủ tâm đại bi, tâm thương xót, lợi ích cho các chúng sinh như vậy. Công đức đó, nếu Ta dùng khẩu nghiệp tuyên nói đầy đủ thì chẳng thể cùng tận. A-nan, trong đời quá khứ có đại thương chủ vì đi lấy của báu nên cùng các thương nhân vào trong biển lớn. Thuyền của họ chở đầy ắp đủ loại bảo báu, về đến giữa biển thuyền bị tan vỡ, các thương nhân ôm lòng sợ hãi, sầu não, tuyệt vọng. Trong đó, có người được miếng ván thuyền, hoặc có người nổi hoặc có người chết chìm. A-nan, lúc đó thương chủ ở giữa biển lớn đang ôm phao được nổi yên ổn mà vượt biển thì có năm người kêu: Thương chủ! Cúi xin ông ban cho chúng tôi chỗ không sợ hãi. Khi đó, thương chủ liền bảo: Này các trượng phu chớ có sợ hãi, ta sẽ làm cho các ông vượt thoát yên ổn khỏi biển lớn này. A-nan, khi đó thương chủ thân đeo kiếm bén, nghĩ thế này: Pháp của biển lớn không chứa thây chết. Như vậy, nay ta tự xả bỏ thân mạng thì các thương nhân chắc chắn sẽ được thoát nạn. Nghĩ vậy rồi, thương chủ liền gọi các thương nhân và bảo: Các ông ôm giữ thân tôi cho chặt. Các thương nhân đó có người cưỡi trên lưng, có người ôm vai, có người nắm đùi. Lúc đó, thương chủ vì muốn bố thí cho họ sự không sợ hãi nên tự kích động thân tâm, phát khởi lòng đại bi dũng mãnh, dùng kiếm bén đoạn mạng căn mình chết ngay tức khắc. Ngay sau đó, biển lớn liền đẩy thây chết ấy lên bờ. Nhờ vậy mà năm thương nhân được vào bờ yên ổn, an lành, trở về cõi Diêm-phù-đề. A-nan, thương chủ thời đó đâu phải ai xa lạ, chính thân Ta vậy. Năm người thương nhân nay là năm Tỳ-kheo. Năm Tỳ-kheo này, khi xưa ở trong biển lớn được Ta cứu thoát, nay lại ở trong biển sinh tử cũng được Ta độ thoát, đặt ở bên kia bờ Niết-bàn không còn sợ hãi. A-nan, ông nay quán xem thế nào là tu khổ hạnh đầy đủ? Thế nào là Đại Bồ-tát được vô lượng công đức? Anan, phải nên biết thứ lớp công đức như vậy, cũng chẳng phải Duyên giác có được. A-nan, các Bồ-tát có công đức như vậy, các Phật-bích-chi thì không có pháp này, nên chẳng được làm Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, chẳng đắc được Tuệ Giác Vô Thượng. A-nan, vì hay tu các khổ hạnh như vậy nên được làm Bồ-tát với tâm đại bi thương xót vỗ về tất cả chúng sinh. A-nan, lại có người ngu ở chỗ Phật, chẳng sinh kính tín. Vì nhân duyên này nên chẳng gieo được chủng tử Tuệ Giác Vô Thượng, cũng chẳng chứng được Niết-bàn Vô thượng. Nếu họ đối với Ta, tâm sinh kính tín thì liền gieo được chủng tử Bồ-đề, có thể chứng Niết-bàn. A-nan, tu thiểu phần hạnh thì được thiểu phần công đức, tu hạnh viên mãn thì được công đức viên mãn. A-nan, Ta sẽ nói thêm hạnh quyết định khác. Nếu có chúng sinh, cho đến chỉ phát khởi một niệm kính tín, nhờ căn lành này nên gây được chủng tử, huống nữa là trồng căn lành thù thắng tối thượng. A-nan, nếu có người ở chỗ Phật trồng căn lành, cho đến nhất niệm, phát tâm niệm Phật. Ta nói những người đó giống như được cam lộ tối thượng trong các cam lộ. A-nan, hành giả nên niệm Như Lai bằng đủ mọi cách. Nghĩa là niệm chỗ Như Lai niệm, niệm căn lành của Như Lai, niệm tánh nhật của Như Lai. Tánh này chẳng giống tánh khác, vì nó được sinh từ dòng Cam Giá Vô Thượng. Tánh nhật là: lìa các tối tăm, tạo ra ánh sáng. A-nan, Ta sinh từ dòng họ Thích nên có chủng tánh thanh tịnh. A-nan, nên niệm Như Lai sinh, niệm chủng tộc Như Lai, niệm tánh Như Lai, niệm đầy đủ tài bảo Như Lai trữ, niệm đoan chánh của Như Lai, niệm cõi nước nơi Như Lai sinh, niệm tướng của Như Lai, niệm tướng hảo của Như Lai, niệm mười lực của Như Lai, niệm bốn vô sở úy của Như Lai, niệm mười tám pháp bất cộng của Như Lai, niệm đầy đủ chỗ Như Lai sinh, niệm những việc tốt đẹp của Như Lai, niệm cái không ngu si của Như Lai, niệm đầy đủ hạnh xưa của Như Lai, niệm đầy đủ nguyện của Như Lai, niệm đầy đủ giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến của Như Lai, niệm từ bi hỷ xả của Như Lai, niệm đầy đủ oai nghi của Như Lai. Anan, nếu có người tùy theo chỗ niệm Phật đó, nhờ công đức niệm Phật mà đắc được đại thần thông, đại lợi ích, công đức rộng lớn, giống như cam lộ đệ nhất, cam lộ tối thượng trong các cam lộ. A-nan, khi xưa, Ta làm Bồ-tát thực hành bố thí Ba-la-mật. Ta dùng Phật trí quán thấy công đức đó chẳng có biên vực, huống nữa là tu trì giới Ba-la-mật, nhẫn nhục Ba-la-mật, tinh tấn Ba-la-mật, thiền định Ba-la-mật, trí tuệ Ba-lamật và các công đức khác. Như Bồ-tát đó có công đức chưa được thọ ký, dùng trí Phật quán sát còn không có ranh giới, huống là công đức đó đã được thọ ký, cho đến thành Phật thì tất cả công đức hơn trăm ngàn ức na-do-tha kiếp. A-nan, vì sao Ta tuyên bố công đức chẳng có ranh giới cùng tận? Vì Như Lai Ứng Chánh Biến Tri công đức vô lượng. A-nan, Ta dùng thật trí quán thấy lợi ích như thế, nên nói như vậy. Nếu có người sinh tâm kính tín, nhớ nghĩ công đức lợi ích của Ta khi còn làm Bồ-tát, nhờ căn lành này, đều sẽ đắc được Niết-bàn tối hậu. Vì vậy A-nan, ông chớ có ưu buồn bi não. Ta làm cho ông cùng các trời người tạo lợi ích lớn, thâu nhận tất cả, rồi nói đạo pháp khiến cho chúng sinh được hướng đến Niết-bàn tối hậu, yên ổn vô thượng.

Các ông ở đây, siêng tu phương tiện, chớ có phóng dật.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Sau đêm nay, Ta sẽ nhập Niết-bàn. Nay là lần cuối cùng các ông thấy Ta, lần cuối cùng nhận sự giáo hóa của Ta, lần cuối cùng hợp mặt với Ta. Từ nay, các ông không còn thấy Ta và Ta cũng không còn thấy các ông nữa. Này các Tỳ-kheo! Thôi chớ ưu bi, tất cả vật ưng ý, yêu mến đều sẽ xa lìa tan hoại. Này các Tỳ-kheo! Pháp sinh, pháp hữu pháp hữu vi, pháp sai biệt, pháp giác tri, tất cả đều do nhân duyên sinh, là pháp tan hoại, nếu không hoại thì điều này không có. Này các Tỳkheo! Giả sử các pháp có tụ hội lâu đi nữa, cũng sẽ phải xa lìa. Này các Tỳ-kheo! Phàm có sinh thì không thể không có chết, tất cả các hành không thường định, không rốt ráo bất biến. Này các Tỳ-kheo! Sinh tử là khổ, Niết-bàn là vui. Nếu các ông, muốn làm cho người chưa đắc được đắc, người chưa đạt được đạt, người chưa chứng được chứng thì phải nên cần cầu pháp đó. Này các Tỳ-kheo! Nên siêng tu phương tiện, chớ có phóng dật. Chư Phật Thế Tôn vì không phóng dật nên đắc được Bồ-đề vô thượng và tất cả pháp lành trợ đạo khác. Vì vậy, các ông nên thọ trì lời dạy của Ta.

Bấy giờ, đại chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, trời, rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Mahầu-la-già, Thích thiên, Phạm thiên, Tứ Thiên vương v.v… sau khi nghe lời dạy cuối cùng của Phật, liền sầu khổ không vui, khóc lóc rơi lệ như bị trúng tên ưu buồn. Họ kêu khóc thảm thiết, thưa như thế này:

–Bà-già-bà nhập Niết-bàn sao mà nhanh quá! Tu-già-đà nhập Niết-bàn sao mà nhanh quá! Con mắt thế gian bị diệt, thế gian mù tối sao mà nhanh quá! Tại sao nay con cùng bảo báu của chúng sinh ly biệt nhau nhanh quá!

Bấy giờ, A-nan nghe như vậy rồi, chiêm ngưỡng Như Lai, mắt nhìn chăm chăm không nháy, suy nghĩ bi não, gào khóc té ngã trên đất, như cây lớn bên sườn núi bị ngã. Khi đó, Đức Thế Tôn lại bảo A-nan:

–Thôi! Chớ có ưu sầu bi não. Trước kia, Ta lẽ nào không dạy ông: Tất cả sự việc yêu thích, ưng ý đều sẽ ly biệt, pháp sinh, pháp hữu, pháp hữu vi, pháp sai biệt, pháp giác tri do nhân duyên sinh, là pháp tan hoại, nếu không hoại diệt thì điều này là không có.

Tuệ mạng A-nan nghe như vậy rồi, bạch Phật:

–Thưa Bà-già-bà! Làm sao con không ưu sầu cho được! Thưa Tugià-đà! Làm sao con không bi não cho được! Phật là bảo báu của chúng sinh, Phật chở hết chúng sinh. Phật là đạo sư của chúng sinh, Phật là chỗ chúng sinh cầu cứu, Phật là chỗ chúng sinh nương về, Phật là Đại sư của hàng trời người đang cùng con ly biệt. Vì vậy, thưa Bàgià-bà! Làm sao con không ưu sầu cho được! Thưa Tu-già-đà! Làm sao con không bi não cho được! Thưa Thế Tôn! Thế Tôn là đấng đại bi thương xót tất cả thân hữu, chúng sinh, thế gian, là con mắt quý báu chiếu sáng tất cả thế gian đang cùng con ly biệt, mà con tự thấy lạ, sao tâm con chẳng bị tan vỡ thành trăm phần. Thưa Thế Tôn! Con lại tự thấy lạ, sao con vẫn còn đứng đây mà không bị mạng chung. Thưa Thế Tôn! Con lại tự thấy lạ, sao thân chẳng bị tan hoại như men rượu. Thưa Thế Tôn! Con tự nghĩ, nay con không chết như vậy, là do thần lực gia trì của Như Lai. Thưa Bà-già-bà! Làm sao con không ưu sầu cho được! Thưa Tu-già-đà! Làm sao con không bi não cho được, như ánh sáng đã tắt, nay con không còn thấy người chở hết chúng sinh, người thương xót thế gian, đạo sư của thế gian.

Khi đó, Phật bảo Tuệ mạng A-nan:

–Ông thương Ta chăng?

A-nan thưa:

–Dạ! Con rất thương Bà-già-bà, rất thương Tu-già-đà.

Phật hỏi:

–Ông thương Ta như thế nào?

A-nan thưa:

–Con thương Đức Thế Tôn, chẳng thể dùng khẩu nghiệp nói hết được, cũng chẳng thể dùng thí dụ mà so sánh cùng tận. Con thương Bàgià-bà như vậy, thương Tu-già-đà như vậy. Thưa Thế Tôn! Vì Như Lai con xả bỏ thân mạng cũng không hối tiếc. Thưa Bà-già-bà! Con thương Ngài như vậy. Thưa Tu-già-đà! Con thương Như Lai như vậy. Thưa Thế Tôn! Con thương Như Lai chỉ có Phật chứng biết. Thưa Bà-già-bà! Con thương Như Lai như vậy. Thưa Tu-già-đà! Con thương Như Lai như vậy!

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo A-nan:

–Nếu ông thương Ta thì đưa tay phải ra.

Khi đó, A-nan, liền đưa cánh tay phải, Đức Thế Tôn liền dùng bàn tay phải mềm mại màu vàng của mình cầm tay A-nan, nói:

–A-nan, nếu ông thương Ta, phải nên vì Ta làm việc yêu thương. Vì Ta mà làm việc yêu thương như thế nào? Trong vô lượng trăm ngàn ức na-do-tha a-tăng-kỳ kiếp, Ta đã tu tập Tuệ Giác Vô Thượng. Ta đem đại pháp bảo tạng này phó chúc cho ông. Như Ta đã truyền, ông nên thuận theo, truyền thừa mãi mãi, khiến nó được rộng khắp, không bị đoạn mất, chớ để nửa chừng pháp nhân bị diệt. Nay Ta vì ông là người hộ trì khiến cho chánh pháp Tỳ-ni của Phật được tăng trưởng, chẳng bị thoái giảm, chẳng bị diệt mất, nên Ta thí dụ, những người trí nương đây được hiểu. Ví như trưởng giả dòng quý tộc giàu có, của cải đầy ắp cất chứa rất nhiều kho, vật cần dùng chẳng thiếu thứ chi, lúc nào cũng đầy đủ, tài bảo như vậy chỉ riêng mình có, dòng họ đông đủ, kiến thức sâu rộng, nhân duyên sinh ra cũng đầy đủ. Trưởng giả này sinh được một đứa con, khi con khôn lớn, ông thường dạy cho học các môn lịch sử, toán số, thơ văn, in ấn và các loại nghề tinh xảo, trí tuệ thâm sâu. Sau khi con mình đã học hết, trưởng giả dạy rằng: Ta nay đã dạy cho con đầy đủ tất cả, con đã học được đầy đủ lịch sử, toán số, thơ văn, in ấn, các nghề tinh xảo, trí tuệ thâm sâu. Hôm nay, là ngày dạy cuối cùng của Ta, tất cả tài sản, bảo vật của Ta, nay thuộc về con, Ta giao phó chúng cho con. Từ nay, con nên học ba việc để có thể giữ được sự nghiệp trước đây của dòng tộc chúng ta. Những gì là ba? Một là dục, hai là tinh tấn, ba là không phóng dật. Trưởng giả giàu có quyền quý đó, khéo dạy bảo con mình như vậy, nhưng đứa con đó si cuồng phóng dật, tiêu xài phung phí tài sản của cha mẹ hết sạch. Anan, ý ông nghĩ sao? Con của trưởng giả đó có nghe lời cha dạy không?

A-nan đáp:

–Không, thưa Bà-già-bà! Không, thưa Tu-già-đà!

Phật nói:

–A-nan, trưởng giả đó có truyền dạy sự nghiệp của mình cho con không?

A-nan đáp:

–Dạ có, thưa Bà-già-bà! Dạ có, thưa Tu-già-đà!

Phật nói:

–A-nan, Như Lai làm cha của thế gian, ông là một trong những đứa con. Ngày nay là lần cuối cùng, Ta dạy bảo khuyên nhủ, phó chúc cho ông, kho tàng pháp bảo vô thượng của Ta tu tập trong trăm ngàn ức na-do-tha a-tăng-kỳ kiếp. Nay các ông cũng phải học ba việc. Những gì là ba? Một là dục, hai là tinh tấn, ba là không phóng dật. Các ông nếu giữ ba việc như vậy, thì kho tàng pháp bảo vô thượng của Ta tu tập trong a-tăng-kỳ kiếp, được tồn tại lâu dài. Vì người chưa đạt pháp lành khiến được thông đạt, đã thông đạt rồi, khiến chẳng thoái mất. Do vậy, các ông phải nên gìn giữ chắc chắn kho tàng pháp bảo Tuệ Giác Vô Thượng của Ta tu tập trong a-tăng-kỳ kiếp. Người chưa trụ ba việc thì khiến trụ ba việc, người chưa đạt pháp lành thì khiến cho thông đạt, đã thông đạt rồi, khiến chẳng thoái mất. Vì sao vậy? Ta vì lòng từ bi thương xót, vì lợi ích tất cả thế gian, vì muốn làm cho họ được an lạc. A-nan, Ta đã làm cha thế gian, việc dạy bảo xem như đã xong. Đối với các ông, việc cần làm ta đã làm. Lại nữa A-nan, trong a-tăng-kỳ kiếp, Ta tu tập pháp Tuệ Giác Vô Thượng, có ba nhân duyên sẽ làm nó bị khuất lấp. Những gì là ba? Một là không tin, hai là chẳng trụ hạnh quyết định, ba là không sám hối. Vì vậy A-nan, nay ông hộ trì chánh pháp bảo tạng, phải thật sâu sắc vào lòng tin, quyết định, sám hối. Phải làm ba việc phương tiện: mong cầu, tinh tấn, không phóng dật. Như vậy, các ông đối với pháp của Ta, cũng như người cha tôn quý của thế gian giao việc cho con, việc cần làm nó đã làm xong. A-nan, vì nghĩa này nên Ta nói thí dụ, khiến cho chánh pháp bảo tạng vô thượng được trao truyền, tăng thượng, thành tựu. Nhờ thí dụ này, những người trí nghe rồi được hiểu, lại được tăng trưởng lòng ái kính sâu xa, suy nghĩ rằng: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, vì chúng ta nên lúc sắp Niết-bàn, dùng tay phải của mình cầm tay A-nan, phó chúc cho pháp Tuệ Giác Vô Thượng của Phật đã tu tập trong atăng-kỳ kiếp. A-nan, ví như thương chủ đi đường xa, việc cần làm đều đã làm xong. A-nan, ý ông nghĩ sao? Thương chủ đó xong việc sẽ trở về nhà, hay ở ngoài đường.

A-nan đáp:

–Thưa Thế Tôn! Thương chủ đó trở về nhà, không ở ngoài đường.

–Này A-nan! Cũng vậy, Như Lai là cha mẹ của thế gian, là thân hữu của thế gian, là đạo sư của thế gian, là đại thương chủ dùng trí Bồđề vô thượng biết việc cần làm đều đã làm xong, không còn Phật sự có thể làm. Tất cả chúng sinh đáng được độ, đều đã độ hết, những người cần được độ, đều đã được điều phục. A-nan, có ba việc chưa đạt được viên mãn thì Như Lai Ứng Chánh Biến Tri chẳng nhập Niết-bàn. Ba việc đó là gì? Đó là Đại Bồ-tát chưa chứng đắc, trụ pháp bất thoái chuyển. Nếu khi chánh pháp vô thượng của Như Lai diệt mất, hoặc trải qua một kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp, trăm ngàn kiếp, hoặc trăm ngàn ức na-do-tha kiếp, Đại Bồ-tát chưa chứng đắc Tuệ Giác Vô Thượng thì chư Phật Thế Tôn tuy đến giờ Niết-bàn nhưng thấy Bồ-tát đó căn lành chưa thuần thục, vì muốn cho được thành thục, trụ bất thoái chuyển nên chư Phật dùng sức thần thông gia trì thân thể của mình trụ thêm ở đời mà không diệt độ. Đợi đến lúc Bồ-tát đó chứng đắc bất thoái rồi, Như Lai liền thọ ký cho Tuệ Giác Vô Thượng và bổ xứ làm Phật theo thứ lớp. Sau đó, Như Lai mới nhập vào Niết-bàn vô dư. Vì vậy, nay Ta thọ ký cho Di-lặc và vô lượng trăm ngàn ức na-do-tha Đại Bồ-tát được Tuệ Giác Vô Thượng, khiến cho những Bồ-tát đó trụ ở A-tỳ-bạt-chí. Đây là chư Phật thương xót chúng sinh, việc cần làm đã làm. Lại nữa A-nan, nếu có chúng sinh cần được Như Lai độ thoát nhưng chưa được độ, thì Như Lai trọn không nhập Niết-bàn. Hoặc Phật Thế Tôn biết vô lượng trăm ngàn ức kiếp các vị Phật Thế Tôn khác chưa xuất hiện ở đời, tại thế giới này hoặc ở thế giới khác, đối với chúng sinh ở trong năm đường, trải qua một năm, trăm năm, ngàn năm, hoặc trăm ngàn năm, hoặc trăm ngàn ức na-do-tha năm, cho đến một kiếp hoặc hơn một kiếp; những chúng sinh này cần được Ta độ thoát thì đối với tất cả Thanh văn, Duyên giác chẳng độ thoát được. Phật dùng trí tuệ biết rõ như vậy. Phật Thế Tôn đó tuy đến giờ Niết-bàn, nhưng vì thương xót chúng sinh đó, nên dùng sức thần thông gia trì thân mình trụ thêm ở đời mà không diệt độ. Đợi đến lúc, khiến chúng sinh đó được thành thục rồi, sau đó mới độ thoát. A-nan, đây là việc thứ hai, chư Phật Thế Tôn, điều cần làm đã làm, sau đó mới vào Niết-bàn vô dư.

Lại nữa, này A-nan! Những điều Như Lai nói: hoặc Tu-đa-la, hoặc Tỳ-ni, hoặc Ma-đắc-lặc-ca có nghĩa thâm sâu, chẳng phải các hàng đại chúng Thanh văn, hữu học, vô học cùng bàn luận mà có thể hiểu biết. Ở trong chúng ấy, giả sử có Tỳ-kheo sinh nghi muốn hỏi, nhưng vì kính trọng Phật nên lo sợ bối rối, chẳng dám hỏi. Chính Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri dùng trí Phật biết như vậy, liền hóa thành một Tỳ-kheo đến chỗ Như Lai hỏi: Thưa Thế Tôn! Việc này phải làm như thế nào? Phật liền bảo Tỳ-kheo biến hóa đó: Này Tỳkheo, việc đó cần phải làm như vậy. A-nan, ba việc như vậy, chư Phật Thế Tôn chắc chắn phải làm, việc đó chưa viên mãn thì không nhập Niết-bàn. Tất cả những việc đó, Ta đã làm viên mãn, không còn điều gì để làm hoặc để nói. A-nan, nay vì các Thanh văn mà Ta bảo: Tu học Tỳ-ni-ba-la-đề-mộc-xoa, vì dứt khổ mà chỉ bày chánh đạo, nói hạnh quyết định chính là làm việc này. Do vậy A-nan, từ nay Ta không nói nữa, các ông phải thận trọng trong khi nói, những điều Ta đã nói chớ làm cho đoạn tuyệt. A-nan, những điều Ta dạy cần phải học như vậy, cần phải làm như vậy, thận trọng chớ có phóng dật, không phóng dật thì đắc đạo quả. Vì nghĩa này mà Ta dạy các ông chớ có ưu buồn bi não. A-nan, sau đêm nay, Ta sẽ nhập Niết-bàn, Ta sẽ xả bỏ thế giới, quốc độ này, lại không còn đến thế giới này nữa, cũng chẳng đến thế giới khác. Các ông từ nay không còn thấy Ta và Ta cũng không còn thấy các ông. A-nan, Ta sẽ nhập vào Niết-bàn vô dư, Niết-bàn như vậy vắng lặng, mát mẻ, dứt tất cả khổ, xả bỏ tất cả nhà cửa, không sinh, không già, không bệnh, không chết, không ưu, không sầu, không khổ, không não, không điều gì là không ưng ý, không có những hối hận, không oán tắng hội, không ái biệt ly. Chư Phật Thế Tôn cùng tất cả Thanh văn, Duyên giác nhiều như cát sông Hằng, tất cả đều đã đi, nay đi và sẽ đi. A-nan, nay ông thấy Ta còn thích Niết-bàn vô dư, chỉ có những người phàm phu ngu si mới không thích Niết-bàn an lạc vắng lặng, thù thắng vi diệu; lại cũng chẳng khởi một niệm phát tâm tùy thuận giải thoát. Nếu người hay phát tâm, khởi một niệm giải thoát, nhờ nhân duyên này làm chủng tử nên sẽ đắc Niết-bàn. A-nan, tất cả phàm phu sao có lực này, tất cả phàm phu yếu kém, không có năng lực. A-nan, Ta xem tất cả phàm phu ngu si giống như men rượu. Vì vậy A-nan, phàm phu ngu si, sao có được năng lực, sao có được an lạc, có người chẳng thể khởi một niệm phát tâm tùy thuận giải thoát, nếu người hay phát tâm thì quyết định gây được chủng tử Niết-bàn. A-nan, tất cả người phàm phu ngu si không có giới lực, định lực, tuệ lực. Anan, Ta đã đầy đủ vô lượng Phật lực, đầy đủ a-tăng-kỳ chẳng thể nghĩ bàn, vô lượng, tột đỉnh giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến lực, tàm lực, quý lực, lực tích trữ từ lâu, trí lực, xả lực, phước lực, tuệ lực, căn lực, gia lực, đầy đủ cả mười lực mà còn ưa thích Niết-bàn vô dư. Anan, có các phàm phu ám độn vô trí, biết pháp quá ít, ưa đắm trước trói buộc trong lao ngục sinh tử, cho đến chẳng thể khởi một niệm phát tâm tùy thuận giải thoát, ông nên khiến những chúng sinh đó gây được chủng tử căn bản Niết-bàn. A-nan, những điều Như Lai khen, những điều Như Lai nói trong các kinh lưu lại đời vị lai, nếu sau khi Phật diệt độ, trong đời vị lai có người được nghe, nghe rồi phát tâm thì liền được nhập Chánh Pháp Bảo Tạng, cảnh giới Niết-bàn vô dư. A-nan, Ta sẽ nói thí dụ khiến ông hiểu được nghĩa ấy sâu xa hơn. A-nan, ví như thương chủ cùng các thương nhân đi qua con đường hiểm hoang vắng rộng lớn, họ thoát được nạn giặc, đến thành vô úy. Trong đoàn ấy, có người bị lạc đi ở phía sau. Người này trong lòng sợ hãi, chạy đuổi, tìm kiếm các thương nhân hết sức khổ não vượt qua con đường hiểm gặp được các người bạn. Cũng vậy A-nan, Như Lai chứng đắc Tuệ Giác Vô Thượng rồi, diễn nói các kinh như vậy lưu lại đời vị lai. Sau khi Phật diệt độ, có thiện nam, thiện nữ… nếu được nghe pháp, nghe rồi phát tâm đến bảo thành chánh pháp của Ta lưu giữ, nhập vào cảnh giới Niết-bàn vô dư. Sau khi đến thành chánh pháp, họ suy nghĩ nhớ lại và hộ trì diễn nói pháp bảo tạng của Ta. A-nan, vì một người mà Ta còn giao phó chánh pháp vô thượng đây cho ông giữ gìn, huống nữa là còn vô lượng trăm ngàn chúng sinh. Do vậy, nay Ta đem Chánh Pháp Bảo Tạng Tuệ Giác Vô Thượng này của Ta tu tập trong ức na-do-tha atăng-kỳ kiếp, phó chúc cho ông. Các ông phải nên khéo đọc tụng, gìn giữ, vì các tịnh tín, bốn bộ đại chúng mà khai thị phân minh, chớ làm cho pháp nhân giữa chừng diệt mất. A-nan, trong đời đương lai có các chúng sinh không được nghe thật nghĩa của kinh, nên sinh sự thoái mất. Vì vậy A-nan, Ta sẽ nói thí dụ. Ví như trưởng giả giàu có quyền quý, kho chứa tài bảo rất nhiều, đầy ắp; đời sống vật chất sung túc đầy đủ, nhưng chỉ có một đứa con ở phương xa. Khi trưởng giả đó thân bị bệnh nặng rất là đau đớn. Lúc sắp mạng chung, ông đem hết tài sản bảo vật ma-ni, trân châu, lưu ly, ngọc quý, vàng bạc, tiền của, giao gửi cho một trưởng giả khác và nói thế này: Anh nên biết cho, nay thân tôi bệnh nặng sắp mạng chung, nhưng con tôi ở phương xa. Tôi vì con, nay đem vô lượng kho tàng pháp bảo này giao gửi cho anh. Khi con tôi ở phương xa trở về, anh vì tôi mà dạy nó chớ có phóng dật, khiến nó không được buông lung, nhiên hậu mới trao kho tàng bảo vật này. Lúc trao bảo vật, anh nên dạy nó: Này đồng tử! Khi cha con qua đời, trước lúc mạng chung, đã vì con mà đem bảo vật này giao gửi cho ta, nay ta hoàn lại cho con. Kỷ vật này, con nên lãnh thọ, gìn giữ, phòng hộ cẩn thận, chớ có phóng dật làm cho hao mất. Trưởng giả giàu có quyền quý nói vậy rồi, liền đem tất cả bảo vật giao gửi cho trưởng giả kia, trưởng giả kia tức thời lãnh nhận. Không bao lâu, người con của trưởng giả gửi vật, từ phương xa trở về, trưởng giả kia đã nhận vật gửi nhưng không chuyển lại. A-nan, ý ông nghĩ sao? Ai là người có lỗi?

Tuệ mạng A-nan bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn! Lỗi ở người nhận giữ vật, chẳng phải ai khác. Vì sao vậy? Vì người nhận vật gửi là tự thân thọ nhận rất nhiều bảo vật, từ trưởng giả quyền quý đó, nhưng lại không hoàn trả cho con ông trưởng giả đó.

Phật bảo A-nan:

–Trưởng giả hào quý là dụ cho Như Lai gần nhập Niết-bàn. Nói một đứa con là dụ cho những người tịnh tín, thiện nam, thiện nữ trong đời vị lai. Đi ở phương xa là dụ cho lưu chuyển trong năm đường. Kho bảo báu lớn là dụ cho kho pháp bảo lớn vô thượng của Như Lai tu tập trong ức na-do-tha a-tăng-kỳ kiếp. Trưởng giả nhận vật gửi là dụ cho các ông, các đại Thanh văn, Đại Bồ-tát, người hộ trì chánh pháp. Anan, vì các thiện nam, thiện nữ trong đời vị lai mà Ta giao phó cho ông, Đại Ca-diếp, Di-lặc cùng các Đại Bồ-tát, kho pháp bảo lớn vô thượng của Ta tu tập trong ức na-do-tha a-tăng-kỳ kiếp. Nếu các ông hay thuận theo sự phó chúc của Ta, trong đời vị lai có giáo hóa cho Phật tử tịnh tín thì phải dùng pháp bảo giảng dạy. Vì sao vậy? A-nan, vì khi xưa Ta làm Bồ-tát, có các chúng sinh đã thành thục, nhưng vì còn ác nghiệp nên đọa trong địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ. Sau khi Như Lai diệt độ, các chúng sinh đó được ra khỏi cõi ác, sinh trong loài người, có các căn tăng trưởng, thành thục, đối với giáo pháp của Ta mà gieo ít nhiều nhân duyên, phát sinh lòng kính tín. Trong ấy, hoặc có người được xuất gia, nghe các kinh Ta nói sẽ phát khởi hạnh thù thắng, hoặc có người đối với Thanh văn thừa, đối với Duyên giác thừa, đối với Đại thừa mà Bát-niết-bàn. A-nan, Ta vì các người thiện nam, thiện nữ trong đời vị lai mà phó chúc cho ông kho pháp bảo lớn vô thượng đây của Ta tu tập trong trăm ngàn ức na-do-tha a-tăng-kỳ kiếp. Vì sao vậy? vì các chúng sinh đó, nếu không được nghe chánh pháp chân đạo này thì sẽ thoái mất. Do vậy, nay Ta vì người thiện nam… trong đời vị lai mà phó chúc cho ông kho pháp bảo vĩ đại này. Nếu họ được nghe pháp đây thì không thoái mất. Vì nhân duyên này nên Ta nói thí dụ. A-nan, ví như Chuyển luân vương mở rộng kho chứa lớn, ra lệnh cho các vị trượng phu chủ quản: Các ông thường phải nên cúng dường cho tất cả Sa-môn, Bà-la-môn, bố thí cho người bần cùng xin ăn và cho các người đi đường. Tùy theo chỗ cần dùng của họ mà chu cấp: cần ăn cho ăn, cần uống cho uống, cần xe cho xe, đem đủ các loại tràng hoa, hương xoa, hương bột, y phục, đồ nằm, phòng nhà thanh tịnh, cúng dường, bố thí những thứ cần dùng cho sự sống. Các vị chủ quản coi kho đã được Chuyển luân vương dạy như vậy, nhưng họ không thi hành. A-nan, ý ông nghĩ sao, ai là người có lỗi? A-nan bạch: Thưa Đại đức Bà-già-bà! Các vị giữ kho có lỗi, chẳng phải Chuyển luân vương. Phật nói: A-nan, đúng vậy, đúng vậy. Ta làm Pháp vương, trong ức na-do-tha a-tăng-kỳ kiếp đã tích tập kho tàng pháp bảo vĩ đại như vậy. Tự mình đã giác ngộ, lại muốn khai thị hiển nói pháp ấy làm cho lưu truyền rộng khắp trong các cõi trời người, nên Ta mới khai thị cho ông. Vì tất cả các Samôn, Bà-la-môn, phàm phu kính tín muốn cầu pháp nghĩa, đều khiến cho họ được nghe, cho nên A-nan, nay Ta đem tạng pháp bảo vĩ đại đã rộng mở hiển nói này, phó chúc cho ông. Nếu ông không phân biệt, nói rộng pháp nghĩa ấy vì các Sa-môn, Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ, tịnh tín và các phàm phu vui thích pháp nghĩa thì ông sẽ có lỗi với Như Lai. Vì sao vậy? A-nan, vì Ta làm Vô thượng pháp Chuyển luân vương, có nhiều kho tàng pháp bảo công đức, nhiều loại trợ đạo, thất giác, pháp tài, mười lực vô úy đều đã đầy đủ. Ta ở trong các pháp được tự tại nên gọi là pháp vương. Ông giữ tám vạn bốn ngàn chánh pháp bảo tạng đây của ta, vì các Sa-môn, Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ, phàm phu tịnh tín và các pháp sư muốn cầu pháp nghĩa thì ông phải diễn nói đầy đủ, chớ sinh tâm khác biệt, chớ để cho pháp nhân giữa chừng diệt mất. Do vậy A-nan, nếu ông đem pháp bảo Bồ-đề vô thượng của Ta tu tập trong ức na-do-tha a-tăng-kỳ kiếp, thường vì bốn chúng diễn nói thì không có các lỗi đối với Như Lai. Nếu không nói thì ông có lỗi lớn vậy.

Lại nữa A-nan, nếu Tỳ-kheo A-la-hán lậu tận, chứng đạo vô vi mà chẳng có khả năng vì kẻ khác phân biệt hiển nói thì người này chẳng có ích lợi đối với Như Lai đạo sư, cũng chẳng hộ trì được chánh pháp của Ta. Do đó, nay Ta phó chúc pháp cho ông. Vì sao vậy? Anan, ví như có người tay cầm ngọn đuốc cỏ qua chỗ tối mịt được trở về nhà. Lại có nhiều người muốn qua chỗ tối, nhưng người cầm đuốc ấy nương ánh sáng của đuốc vượt qua chỗ tối mịt trờ về nhà mình, đến nhà rồi dập tắc ngọn đuốc không cho kẻ khác mượn. A-nan, ý ông nghĩ sao? Người này đã biết đuốc chưa tắt và biết còn nhiều người muốn qua chỗ tối, nhưng đã dùng đuốc rồi mà không cho kẻ khác mượn thì có thể gọi là người tốt không?

A-nan thưa:

–Không tốt, thưa Bà-già-bà. Không tốt, thưa Tu-già-đà.

Phật nói:

–Đúng vậy, đúng vậy. A-nan, nếu có Tỳ-kheo đắc quả A-la-hán, đã chứng vô vi pháp, cũng biết nhiều người qua biển sinh tử mù mịt, mà lại không vì họ phân biệt hiển nói thì Tỳ-kheo này chẳng gọi là người dẫn đường lợi ích, chẳng gọi là người gìn giữ chánh pháp của Ta, vì trong a-tăng-kỳ kiếp, Ta tu tập pháp bảo muốn làm cho tăng trưởng rộng khắp. Do vậy A-nan, nay Ta đem pháp bảo của Ta tu tập trong ức na-do-tha a-tăng-kỳ kiếp này phó chúc cho ông. Ông hãy giữ gìn kỹ lưỡng và vì kẻ khác giảng nói, chân đạo như vậy chớ để nó đoạn bị mất, chớ làm cho pháp nhân sau cùng bị diệt mất. A-nan, nếu có Tỳkheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di đối với pháp bảo đây, tự thân được an trụ, chắc chắn họ có thể vì người khác mà phân biệt hiển nói pháp bảo của ta tu tập trong ức na-do-tha a-tăng-kỳ kiếp. Ông phải nên trao phần pháp ấy cho những người đó. Vì vậy A-nan, pháp lành của Ta tu tập trong ức na-do-tha a-tăng-kỳ kiếp này, một lần nữa Ta phó chúc cho ông, vì các chúng sinh đời vị lai. Ông chớ làm cho các chúng sinh đó thoái mất vì họ không được nghe lại giáo pháp.

Lại nữa A-nan, ví như trưởng giả giàu lớn quyền quý, có các kho chứa ma-ni, trân châu, san hô, ngọc bối, đời sống vật chất sung túc đầy đủ. Trưởng giả này lại có những người oán và thân hữu của người oán ấy ở chỗ trưởng giả thường thích làm những điều không lợi ích. Có người không an vui thì trưởng giả làm cho an vui, có người không yên ổn thì trưởng giả làm cho yên ổn. Vậy mà một hôm, có oan gia thiêu đốt kho báu ấy, những oan gia như vậy thấy lửa dữ thiêu đốt kho báu, thời bỏ lơ, mặc nhiên không dập tắt lửa. Trưởng giả đó có lòng thân thiện thường muốn thương xót, muốn làm lợi ích cho người, muốn làm cho người được yên ổn. Vậy mà bọn họ thấy kho bị cháy, bỏ lơ không muốn dập tắt. A-nan, ý ông nghĩ sao? Người thân như vậy, có thể gọi là phù hợp với lẻ phải không?

A-nan bạch:

–Không, thưa Bà-già-bà. Không, thưa Tu-già-đà.

Phật nói:

–A-nan, những người thân đó thấy lửa dữ thiêu đốt kho báu, bỏ lơ không cứu chữa, lại gia tăng thêm lửa muốn thiêu rụi tất cả kho báu, phải vậy không A-nan?

A-nan thưa:

–Đúng vậy, thưa Bà-già-bà, Đúng vậy, thưa Tu-già-đà.

Phật nói:

–Đúng vậy, đúng vậy. Này A-nan, khi pháp bảo thiện căn vô thượng của Ta tu tập trong ức na-do-tha a-tăng-kỳ kiếp bị hoại diệt, thì có các Tỳ-kheo tâm không kính tín, hủy phá tịnh giới, làm các pháp ác, ở chỗ ca múa cho là bậc nhất, không thích ly dục để tu hạnh thiền định, tâm luôn tán loạn, dãi đãi biếng nhác, ít lắng nghe pháp, không thích đọc tụng, làm sao có thể vì người khác mà phân biệt hiển nói khiến cho họ được nghe, gìn giữ pháp bảo.

Lại nữa A-nan, ví như quán đảnh Sát-lợi đại vương có một người

con đi ở phương xa. Sát-lợi vương đó thân bị bệnh nặng, vì bệnh nặng khó qua khỏi nên Sát-lợi vương đem các kho bảo vật trao gửi cho đại thần trưởng giả và nói thế này: Khi con của ta trở về, ông nên trang trí vưong vị thỉnh nó lên làm vua và đem các kho báu trao cho nó. Các đại thần trưởng giả, mỗi người đều nhận vật vua gửi. Trao gửi vật xong, vua liền mạng chung. Sau khi vua mạng chung người con trở về liền lên ngôi vua. Thái tử lên ngôi được đầy đủ tự tại, mà các đại thần trưởng giả không trả lại kho tàng bảo vật và thưa thế này: Đại vương vạn tuế, cha của ngài đem bảo vật đây tặng cho chúng tôi. A-nan, ý ông nghĩ sao? Đại thần trưởng giả nhận giữ bảo vật của vua ấy, đối với vua họ có lỗi chăng?

A-nan thưa:

–Đúng vậy, thưa Bà-già-bà. Đúng vậy, thưa Tu-già-đà. Họ có lỗi. Phật bảo A-nan:

–Đi ở phương xa là dụ cho năm cõi của chúng sinh, bệnh là dụ cho Phật muốn nhập Niết-bàn, nhiều kho bảo vật là dụ cho ba mươi bảy trợ đạo thiện pháp, đại thần trưởng giả là dụ cho các A-la-hán, trao gửi bảo vật là dụ Ta đem pháp bảo của Ta tu tập trong ức na-do-tha atăng-kỳ kiếp phó chúc cho ông và cho các đệ tử đời vị lai. A-nan, đời vị lai có các chúng sinh xưa kia ở chỗ Ta đã thành thục, nhưng vì nghiệp ác nên đọa trong địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ. Sau khi Ta diệt độ, những chúng sinh đó ở nơi ấy mạng chung, sinh trong loài người có các căn thành thục tăng trưởng, ở trong pháp ta tâm sinh kính tín, có người được xuất gia, có người tại gia, có người đắc quả Tu-đà-hoàn, cho đến có người đắc quả A-la-hán; có người ở học địa mà mạng chung, có người đối với Phật địa mà khởi lòng tin sâu sắc, có người gieo các căn lành cõi trời, người. A-nan, họ sẽ được đầy đủ lợi ích như vậy. A-nan, có người được tâm kính tín, nói thế này: Đức Từ Phụ của thế gian khéo phó chúc cho chúng ta, làm cho chúng ta tăng trưởng thêm lòng kính tín. A-nan, Ta vì những chúng sinh đó nên đem pháp bảo này phó chúc cho ông, ông nên làm cho những chúng sinh đó được nghe tạng pháp bảo đây vậy. Do đó A-nan, ông nên đem tạng pháp bảo vĩ đại của Ta làm cho những người thiện nam, thiện nữ tịnh tín… được nghe pháp vậy. A-nan, nếu ông không làm cho những chúng sinh đó được nghe pháp thì ông sẽ có lỗi với Như Lai. Vì sao vậy? A-nan, vì những người thiện nam, thiện nữ đó nếu được nghe tạng pháp bảo vĩ đại này thì có người được thành tựu hạnh thù thắng, hoặc có người hết lòng vui thích, hoặc có người nghe thường rơi lệ, xúc động toàn thân. A-nan, nếu có người nghe pháp môn này, niệm công đức của Phật vui mừng rơi lệ, xúc động toàn thân thì Ta thọ ký những chúng sinh đó, vì căn lành đây đều đắc Niết-bàn.

Pages: 1 2 3 4 5