KINH
CÔNG ĐỨC XUẤT GIA

Việt dịch: Thích Thiện Phước

 

Tôi nghe như vầy, một thuở đức Phật tại nước Tỳ Xá Ly, đến giờ ăn cơm Ngài vào thành khất thực. Lúc ấy, trong thành Tỳ Xá Ly có một người thuộc dòng Lê Xa Tử, tên là Bệ La Tiễn Na (Trung Hoa gọi là Dũng Quân) ví như thiên với các Thiên Nữ cùng nhau khoái lạc; khi ấy Vương tử với các thể nữ ở trên lầu gác cùng nhau hưởng thụ khoái lạc, đam mê sắc dục cũng lại như thế.

Bấy giờ, Thế Tôn dùng nhất thiết trí nghe âm thanh vui vẻ đó, Ngài liền bảo với A Nan rằng: “Ta biết người nầy, tham đắm vào năm thứ dục lạc chẳng bao lâu sẽ mạng chung. Như thế, bảy ngày sau sẽ bỏ quyến thuộc an vui, quyết chắc người đó phải chết. A Nan! Nếu như người nầy không chịu bỏ dục lạc, không chịu xuất gia, thì sau khi mạng chung sẽ là đoạ vào địa ngục”.

Lúc bấy giờ A Nan vâng lời Phật dạy, vì muốn lợi ích cho Vương tử nầy nên đến nhà ông.

Khi ấy, Vương tử nghe A Nan ở bên ngoài, ông liền ra gặp rồi đem lòng cung kính thỉnh A Nan vào toà ngồi. Tôn giả A Nan ngồi chưa được bao lâu, Vương tử khởi tâm cung kính bạch A Nan rằng : “Lành thay! Nay được thân hữu đến, thật là đúng lúc. Con nay thấy Ngài trong lòng hớn hở vui mừng. Xin Ngài tự hoan hỷ đem giáo pháp của Phật nói chỉ dạy, khiến cho con vui mừng”.

Bấy giờ Vương tử ba lần thỉnh như thế. A Nan vì muốn làm lợi ích cho Vương tử nên im lặng không nói. Vương tử lại thưa: “Bệ Đà A Mâu Ni Đại Tiên làm lợi ích cho tất cả chúng sanh có chi hiềm hận? Mà im lặng không nói nên lời, chẳng thấy có chút gì dạy bảo”.

 

Khi ấy vị thầy thứ ba giữ Pháp tạng của Phật, làm lợi lạc ở thế gian đau xót bảo rằng: “Bây giờ ông hãy nghe cho kỹ, bảy hôm nữa ông sẽ mạng chung. Do ông ở trong năm thứ dục lạc nầy mà chẳng được giác ngộ, nếu chẳng chịu xuất gia thì sau khi mạng chung sẽ đoạ vào trong địa ngục. Phật là bậc nhất thiết trí, lời Ngài nói chơn chánh bảo ông như thế. Ví như lửa đốt vật trọn không có hư dối bốc cháy, ông hãy nên suy nghĩ kỹ!”

Lúc bấy giờ Vương tử nghe lời nầy xong, ông sợ hãi vô cùng, sầu não không vui, bèn lãnh thọ lời A Nan dạy, và bạch rằng : “Con sẽ xuất gia. Nhưng cho con nán lại sáu ngày nữa để hưởng lạc, đến ngày thứ bảy con sẽ từ bỏ gia đình quyến thuộc, quyết định đi xuất gia”. Khi ấy A Nan bằng lòng.

Đến ngày thứ bảy, Bệ La Tiễn Na vì sợ sanh tử nên đến Phật cầu xin xuất gia. Phật liền cho ông xuất gia, trong một ngày một đêm tu trì tịnh giới, sau đó ông liền mạng chung. Khi Tôn giả A Nan cùng với quyến thuộc của Bệ La Tiễn Na thắp nhang xong cùng nhau đến bạch Phật rằng : “Bạch Đức Thế Tôn! Tỳ kheo Bệ La Tiễn Na nầy nay đã mạng chung, không biết thần thức sanh về chốn nào?”

Khi ấy, Thế Tôn là bậc thầy của Trời người, là bậc nhất thiết trí, Ngài dùng Đại Phạm Âm và các thứ âm thanh mầu nhiệm như tiếng sấm lớn, như tiếng Ca Lăng Tần Già, dùng tám loại âm thanh mà bảo A Nan : “Tỳ kheo Bệ La Tiễn Na nầy vì sợ sanh tử địa ngục, nên xả bỏ ngũ dục mà đi xuất gia chỉ trong vòng một ngày đêm, do ông ấy trì tịnh giới thanh tịnh, vì thế khi bỏ thân đời nầy rồi, thì liền sanh lên cõi Trời Tứ Thiên Vương làm Tỳ Sa Môn Thiên Vương ở phương Bắc; thỏa lòng hưởng thụ năm thức dục lạc tham nhận ngũ dục, cùng nhau vui đùa với các thể nữ, sống 500 tuổi, khi hết 500 tuổi liền mạng chung, chuyển sanh vào tầng trời thứ 33 làm vị trời Đế Thích, cùng với thể nữ đẹp đẽ ở cõi trời mà hưởng thụ đắm say ngũ dục tột bậc ở cõi Trời. Thỏa lòng 1000 năm, khi thọ mạng hết thì sanh vào cõi Diệm Thiên, làm vị Diệm Thiên Vương, tự phóng túng hưởng thọ sắc thinh hương vị xúc của cõi trời, trong lòng rất vui thích năm thứ dục. Ở cõi Trời thọ 2000 tuổi xong  sau khi mạng chung sanh lên cõi Đâu Xuất Thiên Vương, thỏa lòng thọ năm thứ dục lạc, mắt thấy tướng dục, tâm tự chán đủ, thường nói pháp ngữ giải thoát trí huệ, sống lâu nhất trong các cõi Trời.  Khi mãn 4000 tuổi rồi, thì mạng chung sanh lên cõi Tự Tại Thiên, làm vị Thiên Vương hưởng thụ năm thứ dục và các thứ vui mầu nhiệm, ở trong thể nữ thỏa lòng ứng hoá phóng ý 8000 năm, khi mãn 8000 tuổi xong, mạng chung sẽ sanh lên cõi Tha Hoá Tự Tại Thiên, làm vị Thiên Vương. Đây là tầng trời thứ sáu, dục lạc trong cõi nầy, năm cõi Trời trước không thể bì kịp. Ở đây, hưởng thọ cái vui rất mầu nhiệm ở trong các thứ vui xong, khi thọ dục lạc nầy lòng rất say mê, hưởng thọ đầy đủ các thứ vui mầu nhiệm thù thắng trọn một vạn sáu ngàn năm. Ở trong sáu cõi Trời dục, qua lại bảy lần hưởng thọ các thứ vui như thế. Ông Bệ La Tiễn Na nầy, do vì một ngày một đêm xuất gia mà mãn 20 kiếp không bị đoạ vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, thường sanh vào cõi Trời, người tự nhiên được hưởng phước. Trong kiếp sau cùng làm người sanh vào nhà giàu có, vui vẻ, đầy đủ trân bảo, thời kỳ tráng niên đã qua, các căn chín mùi vì sợ hoạn nạn sanh lão bệnh tử nên chán đời đi xuất gia, cạo bỏ râu tóc thân mặc pháp phục, siêng tu tinh tấn, giữ bốn oai nghi, thường hành chánh niệm, quán soi năm uẩn, khổ không vô ngã, vì hiểu rõ pháp nhân duyên mà thành Phật quả Bích Chi, tên gọi là Tỳ Lưu Đế. Ở trong lúc ấy phóng ra ánh sáng lớn, có nhiều trời người sanh ra căn lành, khiến cho các chúng sanh gieo trồng nhơn duyên giải thoát ba thừa”.

Khi ấy, Tôn giả A Nan chắp tay bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Nếu như có người khuyên người khác xuất gia. Nếu lại có người phá huỷ nhơn duyên xuất gia của người khác, thì mắc tội báo gì? Cúi mong Thế Tôn chỉ bày đầy đủ”.

Phật bảo A Nan: “Nếu như ông mãn một trăm năm mà hỏi ta việc nầy, ta dùng vô tận trí huệ, suốt trong một trăm năm, trừ lúc ăn uống mà rộng nói về công đức của người nầy vẫn không thể nói hết. Như thế người nầy thường sanh trong hàng Trời người, thường làm vị Quốc Vương, được trời người ưa mến. Còn nếu có người ở trong pháp Sa Môn này, bảo người xuất gia giúp đỡ nhơn duyên xuất gia, người ấy ở trong sanh tử thường được vui vẻ, nếu Ta mãn 100 năm mà nói phước đức đó cũng chẳng thể cùng tận. Thế nên, A Nan: Ông mãn 100 năm suốt đời mà hỏi ta, ta nói ra công đức ấy cho đến khi ta nhập Niết Bàn cũng không thể hết”.

Phật bảo A Nan: Nếu lại có người phá hoại nhơn duyên xuất gia của người khác, thì liền bị cướp đoạt vô lượng kho tàng thiện tài phước đức, phá hoại nhân lành 37 pháp trợ Bồ Đề và nhân Niết Bàn. Nếu có người muốn hoại nhân duyên xuất gia của người khác, thì phải khéo quán xét sự việc như thế. Vì sao vậy? Vì nhân duyên tội nghiệp nầy mà đoạ trong địa ngục, thường bị mù loà không có mắt, chịu khổ vô cùng. Nếu được làm súc sanh thì cũng thường đui mù. Nếu sanh vào ngạ quỷ thì cũng thường đui mù, chịu khổ ở trong ba đường ác, lâu lắm mới được khỏi; còn khi được sanh làm thân người, thì ở trong bụng mẹ thọ thai thường bị đui mù. Nếu ông suốt 100 năm luôn hỏi nghĩa ấy, Ta dù ở trong 100 năm, đem vô tận trí huệ, mà nói tội báo đó cũng không thể hết. Người ấy ở trong bốn đường, sanh ra thường bị đui mù, ta trọn không biết người nầy lúc nào mới được giải thoát. Sở dĩ là sao? Là đều do huỷ hoại nhơn duyên xuất gia của người, cho dù có thành tựu vô biên công đức, nhưng vì phá huỷ nhơn duyên lành đó mà chịu vô lượng tội. Do người xuất gia, ở trong tấm gương trí huệ thanh tịnh nầy, mà được giải thoát các thiện pháp. Nếu thấy người xuất gia tu trì tịnh giới, hướng đến chỗ giải thoát, làm khó để phá nhơn duyên xuất gia của họ, do nhơn duyên đó, sanh ra thường bị mù, không thấy Niết Bàn, do vì cố huỷ hoại người xuất gia thường quán si v.v… 12 nhơn duyên, đáng được giải thoát, nhưng do vì phá huỷ con mắt trí huệ, phá huỷ nhơn duyên xuất gia, che lấp huệ nhãn của người khác, nên từ đời nầy sang đời khác, thường mù không mắt, không thấy ba cõi, vì làm nhơn duyên ngăn ngại người xuất gia. Vì xuất gia nên tiến đến chánh đạo, thấy được 5 ấm, 20 ngã kiến. Do phá nhơn duyên xuất gia, và hoại chánh kiến, nên sanh ra thường bị mù, không thấy chánh đạo. Người xuất gia nên thấy tất cả các pháp, nhóm các thiện pháp vào một chỗ, nên quán pháp thân thanh tịnh của Chư Phật, do vì phá nhơn duyên lành của người xuất gia, nên sanh ra thường bị mù mắt, không thể thấy được pháp thân của Phật. Do vì được xuất gia, nên đầy đủ hình mạo của Sa Môn, cho đến phước điền trì giới thanh tịnh, gieo nhơn duyên Phật đạo. Vì phá người xuất gia, nên đoạn hết tất cả thiện pháp, do tội nghiệp nhơn duyên đó, mà sanh ra thường bị mù. Người xuất gia thường hay quán sát tất cả thân tâm đều là khổ, vô thường, vô ngã, bất tịnh. Nếu gây khó dễ để phá huỷ nhơn duyên người xuất gia, thì tức là phá huỷ huệ nhãn nầy. Vì phá huỷ huệ nhãn nầy cho nên cũng không thấy bốn đạo, bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám chánh đạo và con đường dẫn đến thành Niết Bàn. Do vì tội duyên đó nên sanh ra thường bị mù, cho đến không thấy: không, vô tướng, vô tác, pháp lành thanh tịnh và hướng của thành Niết Bàn. Thế cho nên người dùng trí huệ, biết người khác muốn xuất gia, nên phải thành tựu thiện pháp cho họ, mà không nên phá hoại nhân duyên thiện pháp để mắc tội như thế. Nếu ai phá hoại nhân duyên người khác xuất gia như thế, thì trọn không thể thấy được thành Niết Bàn, khi sanh ra thường bị mù. Nếu lại có người trong 100 kiếp xuất gia ở phương khác mà tu trì tịnh giới, hoặc có người ở trong cõi Diêm Phù Đề nầy mà xuất gia, dù chỉ một ngày một đêm, cho đến xuất gia thanh tịnh trong chốc lát, người 100 kiếp xuất gia ở phương khác ấy, trong 16 phần không bì kịp một. Nếu có người điên đảo, cùng với chị em gái đẹp, ở chỗ không đáng dâm mà cưỡng hành xan tật, thì tội báo trong đây không thể kể hết. Nếu có một người hay chánh tư duy, có tâm xuất gia, muốn bỏ các điều ác, mà sanh tâm phá hoại nhơn duyên xuất gia của họ, khiến  họ chẳng được mãn nguyện thì duyên tội báo đó tăng trưởng gấp 100 kiếp như trước.

Lúc bấy giờ A Nan lại bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, Bệ La Tiễn Na nầy trước đã trồng căn lành gì, mà sanh vào chỗ tôn quý, được hưởng thọ phước vui vì đời quá khứ có thiện hạnh, hay vì nhờ công đức xuất gia một ngày một đêm, mà hôm nay được phước như vậy?”

Phật bảo A Nan: “Ông không nên xem nhơn duyên đời quá khứ vì ở trong một ngày một đêm mà xuất gia thanh tịnh, gieo trồng căn lành nầy mà ở trong sáu tầng trời cõi dục trở lại hưởng phước vui bảy lần, trong 20 kiếp thường được cái vui ở thế gian. Trong kiếp sau, cũng được sanh vào nhà phươc lạc, thời kỳ tráng niên đã qua, khi các căn lành sắp hoại, vì sợ cái khổ sanh tử mà xuất gia trì giới, thành quả Phật Bích Chi.

Phật bảo A Nan: Ta nay nói ví dụ, ông nên lắng nghe cho kỹ! Ví như trong bốn thiên hạ, Đông Phất Bà Đề, Nam Diêm Phù Đề, Tây Cù Da Ni, Bắc Uất Đan Việt, A La Hán đầy khắp trong đó, nhiều bằng số lúa mè, lùm rừng nếu có người sống trong 100 năm, hết lòng cúng dường các vị A La Hán, các thứ như: y phục, đồ ăn uống, thuốc men để trị bệnh gầy, phòng nhà, ngoạ cụ cho đến khi các vị ấy nhập Niết Bàn, hoặc xây dựng tháp miếu, dùng các thứ trân bảo, hoa hương, anh lạc, phan lọng, kỷ nhạc, ca hát, treo các linh báu, rưới nước thơm, dùng các kệ tụng để khen ngợi cúng dường, người ấy được rất nhiều công đức. Nhưng nếu có người vì Niết Bàn mà xuất gia thọ giới, cho đến một ngày một đêm, thì công đức của vị ấy tu tập sánh với công đức trước trong 16 phần không bì kịp một phần. Do nhân duyên nầy mà thiện nam tử nên phải xuất gia tu trì tịnh giới.

Các thiện nam tử: Các vị nên tu công đức đó, cầu thiện pháp đó, tự thọ pháp đó, không nên ngăn cản người khác xuất gia, mà phải nên siêng năng dùng phương tiện để khiến được thành tựu.

Lúc bấy giờ, đại chúng nghe Phật nói điều ấy xong, tất cả đều chán cõi đời mà xuất gia trì giới, có người được quả Tu Đà Hoàn, cho đến quả A La Hán, người có trồng căn lành, được quả Phật Bích Chi, có người phát tâm Bồ Đề vô thượng. Tất cả đều rất vui mừng đảnh lễ Phật và vâng theo.

        Phật nói kinh công đức xuất gia.