SỐ 271
KINH BỒ-TÁT HÀNH PHƯƠNG TIỆN CẢNH GIỚI THẦN THÔNG BIẾN HÓA
Dịch Phạn ra Hán: Đời Tống, Tam tạng Pháp sư Cầu-na-bạt-đà-la, người xứ Thiên Trúc
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN HẠ

Lại nữa, này Đại vương! Vị Sa-môn Cù-đàm này thành tựu mười tám pháp Phật bất cộng.

Thưa Đại vương! Những gì là mười tám pháp Phật bất cộng?

Thưa Đại vương! Đó là:

Đức Phật Như Lai không có thác loạn.
Miệng không lời nói.
Không có mất niệm.
Không có dị tưởng.
Không lúc nào chẳng định tâm.
Không lúc nào chẳng biết mình.
Bỏ dục không thoái giảm.
Tinh tấn không thoái giảm.
Niệm không thoái giảm.
Tuệ không thoái giảm.
Giải thoát không thoái giảm.
Giải thoát tri kiến cũng không thoái giảm.
Tất cả hành động của thân lấy trí tuệ làm đầu, theo trí tuệ mà hành động.
Tất cả hành động của miệng lấy trí tuệ làm đầu, theo trí tuệ mà hành động.
Tất cả hoạt động ý của lấy trí tuệ làm đầu, theo trí tuệ mà hành động.
Biết quá khứ tri kiến không ngăn ngại.
Biết vị lai tri kiến không ngan ngại.
Biết hiện tại tri kiến không ngăn ngại.

Đó gọi là Như Lai thành tựu mười tám pháp Phật bất cộng. Vậy nên Như Lai không lầm lỗi.

Rồi nói kệ rằng:

Thế Tôn không thác loạn
Miệng không có nói lời
Ngài luôn không thất niệm
Vậy nên không lỗi gì.
Lòng không có dị tưởng
Chánh trí không loạn tâm
Theo thời chẳng sinh, xả
Như Lai không lỗi lầm,
Xả dục, không thoái giảm
Thiện Thệ tiến không suy
Niệm Ngài không bị mất
Kia không thể hủy đi
Trí tuệ không tổn giảm
Giải thoát không thoái giảm
Giải thoát tri kiến nguyên
Trí kia không não phiền
Tất cả các thân nghiệp
Khẩu nghiệp và ý nghiệp
Lấy trí lực làm đầu
Trí cũng không lầm đâu
Biết đến đời quá khứ
Trí kia không ngại ngăn
Vị lai cũng không ngại
Hiện tại có gì ngăn
Có công đức như vậy
Chính Sa-môn Cù-đàm
Việc hơn thế vô vàn
Ta chẳng thể nói hết.

Lúc bấy giờ, vua Chiên-trà-bát-thọ-đề nghe các công đức chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai như vậy rồi thì rất là thích ý, vui mừng nhảy nhót, phát sinh lòng ái lạc đối với Tát-già Ni-kiền Tử. Nhà vua sở đắc vô lượng hoan hỷ, sở đắc không thể nghĩ bàn tưởng, sở đắc Thế Tôn tưởng, sở đắc Thiện tri thức tưởng, sở đắc thị Bồ-đề tưởng, sở đắc độ đáo bỉ ngạn Nhất thiết trí tưởng, sở đắc khải thỉnh tưởng, sở đắc niệm tưởng. Vua lại sở đắc cái tưởng của Bồ-tát bất khả tư nghì giải thoát. Vua sở đắc các tưởng tâm như vậy rồi, đem chuỗi ngọc chân châu trị giá hàng trăm ngàn, lại còn đem áo quý giá vô thượng để cúng dường Tát-già Ni-kiền Tử. Rồi ông tán thán lời như vầy:

–Lành thay, lành thay! Tát-già Ni-kiền Tử! Ông đã khéo nói pháp thứ lớp phương tiện.

Nhà vua lại nói:

–Này Tát-già! Ông đã nói pháp thuận Nhất thiết trí. Ông đã nói pháp đạt đến Nhất thiết trí. Ông đã nói pháp ra khỏi sinh tử. Ông đã nói pháp diệt hết dơ bẩn kết sử. Ông đã nói pháp có thể phá hoại núi ma. Ông đã nói pháp có thể làm khô biển ái. Ông đã nói pháp soi sáng rừng ngu si. Ông đã nói pháp khi giao hóa chúng sinh chẳng lầm lỗi.

Nhà vua nói như vậy rồi, Tát-già Ni-kiền Tử nói với nhà vua lời như vầy:

–Này Đại vương! Uy nghi của Bồ-tát không bao giờ lại không điều phục các chúng sinh, không có nói pháp trái ngược với Đại thừa. Nếu chẳng có thể tăng thêm Nhất thiết trí, nếu chẳng có thể hết tất cả kết sử, nếu chẳng có thể thị hiện lỗi hoạn sinh tử, nếu chẳng có thể đến với Niết-bàn, nếu chẳng có thể gần hạnh Bồ-tát, nếu chẳng có thể đạt đến tự lợi, lợi tha và đều có lợi cả… tất không hề có việc đó.

Này Đại vương! Nếu có, khi tất cả vừa phát khởi ý bèn đạt đến tự lợi, lợi tha và đều lợi cả.

Khi Tát-già Ni-kiền Tử nói việc này thì vua Chiên-trà-bát-thọđề đạt được đoạn nghi, rồi được bất hoại tín. Mười tám vương tử được cảnh giới của hoan hỷ tín hạnh. Tám ngàn Thiên tử thu hoạch được Tam-muội tên là Trang nghiêm Phật hạnh. Có một vạn ba ngàn Ni-càn ngồi ở trong cung vua này phát tâm đạo Vô thượng chánh chân. Tất cả đều cởi áo cúng dường Tát-già Ni-kiền Tử xong, nói lời như vầy:

–Chúng tôi nay được thiện lợi, được thấy Tát-già đại thiện nam tử, lại được nghe diễn thuyết pháp tùy thuận.

Họ lại nói:

–Thưa ngài Tát-già! Ngài nên cùng chúng tôi đến yết kiến Đức Thế Tôn. Đức Phật Như Lai này nay đang ở tại vườn của ta.

Tát-già đáp:

–Tất cả đều hòa hợp lại cùng đến.

Khi ấy, Đại vương cùng quyến thuộc, đại thần, thần dân thiết lập Đại trang nghiêm. Lúc bấy giờ Đại vương xướng lệnh đi khắp trong thành như vầy:

–Nếu ai không đến chỗ Đức Như Lai sẽ bị chết chém.

Cả thành, tất cả nam tử, nữ nhân, đồng nam đồng nữ nghe lệnh vua rồi, ai nấy đều mang các thứ hoa thơm, hương xoa, bột hương, các thứ kỷ nhạc… ra đến bên ngoài thành Ưu-thiền rồi đưng hướng về khu vườn mà đợi Đại vương.

Lúc bấy giờ, vua Bát-thọ-đề cùng với Tát-già Ni-kiền Tử, các Đại thần, vương tử, binh chúng, thể nữ nội cung, thần dân trong nước… cỡi xe vây quanh. Đại vương Uy Đức, vua Đại Thần Lực, Vua Đại Biến Hóa, vua Đại Du Hý, tràng phan bảo cái giương lên, trăm ngàn thứ âm nhạc, ca múa, xướng kỹ, sáo địch nhịp nhàng, tạo ra các thứ diệu âm. Voi ngựa mua vui, trăm ngàn bình tốt đẹp xếp hàng ở phía trước. Xe voi, xe ngựa dùng vàng mạ trang trí. Chín mươi tám ức dân chúng vây quanh, tự hướng về khu vườn để đến chỗ Đức Thế Tôn.

Đến nơi, họ đảnh lễ dưới chân Đức Phật, đi quanh bên phải ba vòng, rồi đứng qua một bên. Tát-già Ni-kiền Tử cùng quyến thuộc đảnh lễ dưới chân Đức Phật rồi đều đi quanh vô lượng trăm ngàn vòng xong, họ đứng thẳng, chắp tay nhìn Đức Phật không nháy mắt.

Lúc bấy giờ, Xá-lợi-phất thấy Tát-già Ni-kiền Tử đứng trước Đức Phật, nhìn Đức Phật không chớp mắt liền suy nghĩ: “Tát-già Nikiền Tử vì nhân duyên gì đến đây?” Nghĩ như vậy rồi nói với Tátgià Ni-kiền Tử:

–Này Tát-già! Ông vì duyên cớ gì mà đến chỗ Đức Như Lai? Vì muốn gặp Đức Như Lai hay vì muốn nghe pháp?

Tát-già Ni-kiền Tử đáp:

–Thưa Đại đức Xá-lợi-phất! Ta nay chẳng thấy Phật, chẳng vì nghe pháp. Thưa Đại đức Xá-lợi-phất! Ta nay chẳng dụng tất cả pháp nên đến chỗ Đức Như Lai. Vì sao vậy? Thưa Đại đức Xá-lợiphất! Vì thấy sắc chẳng gọi là thấy Như Lai, thấy thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng gọi là thấy Như Lai. Chẳng thấy địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại thì gọi là thấy Như Lai. Chẳng thấy bằng ngã mới gọi là thấy Như Lai. Chẳng thấy chúng sinh, chẳng thấy thọ mạng, chẳng thấy dưỡng dục mới gọi là thấy Như Lai. Chẳng thấy trượng phu mới gọi là thấy Như Lai. Chẳng thấy “ngã thắng”, “ngã sở thắng” mới gọi là thấy Như Lai. Chẳng thấy tướng mới gọi là thấy Như Lai.

Này Đại đức Xá-lợi-phất! Chẳng thấy tất cả tướng ấy mới gọi là thấy Như Lai. Chẳng thấy chấp trước mới gọi là thấy Như Lai. Thấy không có vật mới gọi là thấy Như Lai. Thấy được tánh nên gọi là thấy Như Lai. Thấy đến bản tế nên gọi là thấy Như Lai. Mắt thấy sắc lìa dục mới gọi là thấy Như Lai. Tai nghe tiếng không bị sai khiến mới gọi là thấy Như Lai. Mũi ngửi hương chẳng hòa hợp mới gọi là thấy Như Lai. Lưỡi nếm vị không biết mới gọi là thấy Như Lai. Thân chạm xúc không đắm trước mới gọi là thấy Như Lai. Thấy pháp, ý không phân biệt mới gọi là thấy Như Lai.

Xá-lợi-phất nói:

–Bằng những tướng như thế để thấy Như Lai thì làm sao thấy được Như Lai?

Tát-già đáp:

–Thưa Đại đức Xá-lợi-phất! Không phải dùng ‘chủng’ nên đến với Như Lai, chẳng dùng tánh nên đến với Như Lai. Phi tướng, phi vô tướng; phi pháp, phi vô pháp; phi thật, phi bất thật; phi cảnh giới, phi bất cảnh, phi tư duy, phi bất tư duy; phi phân biệt, phi bất phân biệt; phi hữu vi, phi vô vi; phi vật, phi bất vật; phi tụ, phi tán; phi sắc, phi thọ; phi tưởng, phi hành, phi thức; phi thủ, phi bất thủ, nên gọi là thấy Như Lai.

Xá-lợi-phất nói:

–Này Tát-già! Ông dùng những tướng như vậy để thấy Đức Như Lai. Này thiện trượng phu, vậy làm sao thấy được Như Lai?

Tát-già đáp:

–Thưa Đại đức Xá-lợi-phất! Tôi chẳng phải dùng sắc để thấy được Như Lai, chẳng rời khỏi sắc để thấy được Như Lai, cũng chẳng hủy hoại sắc để thấy được Như Lai. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Không phải nhờ đến thức để thấy được Như Lai, chẳng rời khỏi thức để thấy được Như Lai, cũng chẳng hủy hoại thức để thấy được Như Lai. Không phải phần hiện thế thấy Như Lai; không phải phần quá khứ thấy Như Lai. Không phải dùng phần ấm thấy Như Lai, không phải dùng phần giới để thấy Như Lai. Ta dùng như vậy thấy được Như Lai. Ta thấy tất cả lời nói không phải lời nói gọi là thấy Như Lai. Ta không phải thấy, không phải chẳng thấy; không phải “hữu”, không phải chẳng “hữu”; không phải phân biệt, không phải chẳng phân biệt; không phải nhớ tưởng, không phải tranh, không phải não, không phải khởi, không phải lấy, không phải bỏ, không phải hý luận, không phải tác tưởng, không phải chẳng tác tưởng, không phải tác vật, không phải chẳng tác vật, không phải động phát, không phải chẳng động phát; không phải tác kiến, không phải không tác kiến; không phải cảnh giới kiến, không phải chẳng cảnh giới kiến; không phải ngôn ngữ, không phải chẳng ngôn ngữ để thấy được Như Lai. Rời khỏi tất cả sở hữu lời nói, đàm luận, âm thanh gọi là thấy được Như Lai, cũng không có sở kiến.

Thưa Đại đức Xá-lợi-phất! Bồ-tát thấy Như Lai như thế, ta cũng như thế thấy Như Lai.

Xá-lợi-phất nói:

–Ông dùng như thế để thấy Như Lai. Ông lại nghe thuyết pháp như thế nào vậy?

Tát-già đáp:

–Này Đại đức Xá-lợi-phất! Nếu ta nghe Đức Như Lai nói pháp mà phát sinh pháp tưởng thì không phải là pháp tưởng. Vì sao vậy? Này Đại đức Xa-lợi-phất! Tất cả lời nói sở hữu của Bồ-tát đều phát xuất từ pháp nhưng không chấp trước, cũng chẳng sinh trưởng. Vì sao? Vì rời pháp tưởng vậy.

Xá-lợi-phất hỏi:

–Này Tát-già! Nay ông chẳng cầu nghe pháp thì đến với Như Lai làm gì vậy?

Tát-già đáp:

–Thưa Đại đức Xá-lợi-phất! Tôi không phải cầu pháp, không phải chẳng cầu pháp mà lại đến với Như Lai ư? Vì sao? Thưa Đại đức Xá-lợi-phất! Phàm cầu pháp ấy gọi là chẳng cầu đến tất cả các pháp.

Này Đại đức Xá-lợi-phất! Phàm cầu pháp thì chẳng chấp trước nơi Phật mà cầu, chẳng chấp trước nơi Pháp mà cầu, chẳng chấp trước nơi Tăng mà cầu, chẳng biết khổ cầu, không phải đoạn tập cầu, không phải tu đạo cầu, không phải chứng diệt cầu. Không phải qua Dục giới, qua Sắc giới, Vô sắc giới cầu. Không phải sinh tử cầu, không phải Niết-bàn cầu.

Này Đại đức Xá-lợi-phất! Đại đức phải biết đối với tất cả các pháp toi đều chẳng cầu, nên tôi đến chỗ Đức Như Lai.

Xá-lợi-phất hỏi:

–Vì nhân duyên gì nên ông nói như vậy?

Tát-già đáp:

–Thưa Đại đức Xá-lợi-phất! Tất cả các pháp không nhân duyên nên ta nói như vậy. Hơn nữa, pháp giới tánh không có nhân duyên, không phải không nhân duyên, đều không thể nắm bắt được vậy.

Xá-lợi-phất hỏi:

–Nay ông lưu chuyển ở các đường vậy ư?

Tát-già đáp:

–Này Đại đức Xá-lợi-phất! Nếu có đường thì tôi lưu chuyển, nếu có sinh thì tôi có sinh, nếu có chết thì tôi có chết.

Này Đại đức Xá-lợi-phất! Tất cả các pháp khong mất đi, không sinh tử.

Xá-lợi-phất hỏi:

–Này Tát-già! Như Đức Phật đã nói: “Này các Tỳ-kheo, sinh lão bệnh tử” thì sao?

Tát-già đáp:

–Thưa Đại đức Xá-lợi-phất! Tất cả chúng sinh y chỉ nơi “hữu đạo” và kiêu mạn vay. Vì phá cái y chỉ đó nên Đức Như Lai Thế Tôn nói ra như thế. Tánh chân như của pháp không có sinh, lão, bệnh, tử như vậy.

Xá-lợi-phất nói:

–Lành thay, lành thay! Này ông Tát-già! Ông nói nghĩa Đại thừa biết phân biệt.

Tát-già đáp:

–Thưa Đại đức Xá-lợi-phất! Nay tôi có thể biết thế nào là nghĩa, thế nào là phân biệt chăng?

Xá-lợi-phất nói:

–Này thiện nam! Ta không nói mà ta nay muốn nghe thôi. Này thiện nam! Ông phải diễn thuyet cho chúng ta nghe thế nào là nghĩa, thế nào là phân biệt.

Tát-già đáp:

–Thưa Đại đức Xá-lợi-phất! Nghĩa ấy là không lời nói. Nếu có lời nói thì gọi là phân biệt. Lại nữa, nghĩa ấy là chẳng thể nói, nếu có lời noi thì gọi là phân biệt. Lại nữa, nghĩa ấy gọi là mặc nhiên, nếu có lời nói gọi là phân biệt. Lại nữa, nghĩa ấy là không lay động, không các hý luận, không có phân biệt, không có trang nghiêm, không phải hữu, không phải vật, không có ngã tưởng, không phải dũng, chẳng thể lấy, chẳng thể thấy, không có chỗ ở, rời xa tất cả chỗ ở, lời nói. Lại nữa, phân biệt ấy nghĩa là sổ quán không lường đến tận lòng kẻ khác. Lại nữa, nghĩa ấy gọi là biện nghĩa. Phân biệt ấy nghĩa là biện pháp, biện từ, ưa biện thuyết. Này Đại đức Xá-lợi-phất! Đó gọi là lược nói về nghĩa và phân biệt.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn tán thán Tát-già Ni-kiền Tử:

–Hay thay, hay thay! Này thiện nam, đúng như lời ông đã nói!

Khi ông Tát-già nói pháp này thì ba ngàn Thiên tử đắc được Vô sinh pháp nhẫn. Hai vạn chúng sinh nghe được Đại biện này đã phát đạo tâm Vô thượng chánh chân.

Lúc bấy giờ, Đại đức Mục-liên bạch Đức Thế Tôn:

–Thiện nam Tát-già này mặc y phục ngoại đạo Ni-kiền Tử đó đã hóa độ được bao nhiêu chúng sinh rồi?

Đức Phật bảo Mục-liên:

–Nếu nghe việc này thì tất cả trời, người đều sẽ mê hoặc, chỉ trừ những vị Đại Bồ-tát.

Này Mục-liên! Ông hãy lắng nghe, ta nay diễn thuyết về việc Tát-già Ni-kiền Tử giáo hóa một phần chúng sinh dưới đủ các hình thức ăn mặc và dáng vẻ oai nghi.

Này Mục-liên! Tát-già thiện nam tử này đã ăn mặc y phục ngoại đạo giáo hóa chúng sinh nhiều như số vi trần, khiến họ phát đạo tâm Vô thượng chánh chân.

Thiện nam tử này mặc y phục dưới dạng Di-lặc hóa độ được số chúng sinh nhiều như vi trần trong bốn thiên hạ, phát đạo tâm Vô thượng chánh chân. Bằng hình tướng xuất gia ở các đạo khác, thiện nam tử này đã hóa độ được số chúng sinh nhiều gấp tám mươi tư lần số cát sông Hằng, khiến họ phát đạo tâm Vô thượng chánh chân.

Thị hiện hình dáng Thanh văn, thiện nam tử này đã hóa độ được số chúng sinh nhiều bằng mười lần số cát sông Hằng. Thị hiện Thanh văn thừa rồi, sau đó mới hóa độ, khiến họ phát đạo tâm Vô thượng chánh chân. Làm dáng vẻ Duyên giác, thiện nam tử này đã hóa độ được số chúng sinh lại nhiều hơn thế. Ăn mặc hình thức Bồtát, thiện nam tử này giáo hóa số chúng sinh nhiều hơn thế nữa.

Thiện nam tử này còn làm dáng vẻ Đế Thích, dáng vẻ Phạm vương, dáng vẻ Chuyển luân vương, dáng vẻ bốn vua hộ thế, dáng vẻ Khẩn-na-la, dáng vẻ A-tu-la, dáng vẻ Ca-lâu-la, dáng vẻ Mahầu-la, dáng vẻ người, dáng vẻ không phải người, dáng vẻ người nam, dáng vẻ người nữ, dáng vẻ đồng tử, dáng vẻ đồng nữ, dáng vẻ Địa thiên, dáng vẻ Tức hóa sinh thiên, dáng vẻ người tiên, dáng vẻ Bà-la-môn tuổi trẻ, dáng vẻ Tỳ-kheo, dáng vẻ Tỳ-kheo-ni, dáng vẻ Ưu-bà-tắc, dáng vẻ Ưu-bà-di…

Này Mục-liên! Thiện nam Tát-già như thế giáo hóa được chúng sinh rất nhiều.

Lúc bấy giờ, ngài Mục-liên bạch Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Tát-già Ni-kiền Tử phụng sự cúng dường bao nhiêu Đức Như Lai vậy?

Đức Phật bảo Mục-liên:

–Giả sử hư không kia còn có biên giới, nhưng không thể có được giới hạn các loại hình cúng dường phụng sự các Đức Phật Như Lai của thiện nam Tát-già.

Này Mục-liên! Giả sử khiến ta có được biên giới của địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, chúng sinh giới, nhưng không thể có được giới hạn việc thiện nam Tát-già này phụng sự cúng dường các Đức Phật Như Lai.

Lúc bấy giờ, Đại đức Ca-diếp nói với thiện nam Tát-già:

–Này thiện nam! Ông phụng sự cúng dường nhiều các Đức Phật, công đức của ông thành tựu đầy đủ, vì cớ gì mà ông không thành đạo Vô thượng chánh chân?

Tát-già đáp:

–Thưa Đại đức Ca-diếp! Nếu có Bồ-đề, có người giác ngộ Bồđề thì ta sẽ giác đạo Vô thượng chánh chân.

Đại đức Ca-diếp nói với Tát-già:

–Hằng hà sa số các vị Đại Bồ-tát đều phát nguyện Bồ-đề, giác ngộ đạo Vô thượng chánh chân. Họ đã giác ngộ, đang giác ngộ và sẽ giác ngộ.

Tát-già đáp:

–Thưa Đại đức Ca-diếp! Vì chúng sinh kiêu mạn nên kể ra như vậy. Nhưng trong “Đệ nhất nghĩa” thì không có Bồ-đề, không có người giác ngộ Bồ-đề. Vì sao vậy? Thưa Đại đức Ca-diếp! Bồđề là vô vi, lìa tất cả số. Bồ-đề không phải sắc, không thể thấy vậy. Bồ-đề chẳng phải xanh, chẳng phải vàng, chẳng phải đỏ, chẳng phải trắng, chẳng phải tía, chẳng phải màu pha lê (trong suốt); không có hình tượng, không tướng không mạo, vượt qua tất cả tướng, không có chỗ đến, dứt tất cả chỗ đến; không phải hữu; lìa tất cả hữu; không phải tướng lìa tất cả tướng. Không có lời nói, khẩu nghiệp bất cập vậy. Chẳng phải thấy, chẳng phải trụ, cũng chẳng phải có vật. Chẳng phải tối, chẳng phải sáng, không hình không thể. Chẳng có thể nói lời, không phải chẳng thể nói. Chẳng phải xúc, chẳng phải tri, chẳng phải nghe, chẳng phải tiếng, chang phải câu, chẳng phải trói, chẳng phải buộc, chẳng phải mở. Chẳng phải nhiễm, chẳng phải sân, chẳng phải si, chẳng phải tất cả các việc. Chẳng phải giả danh, chẳng phải chẳng giả danh.

Thưa Đại đức Ca-diếp! Đó là tánh Bồ-đề. Lại nữa, Bồ-đề không phải sở giác của thân. Lại nữa, Bồ-đề không phải sở giác của tâm. Vì sao vậy? Thưa Đại đức Ca-diếp! Thân si không trí giống như cỏ cây, tường vách, khối đất. Vậy nên chẳng có thể giác ngộ được tâm Bồ-đề không sắc. Lại chẳng thấy được, cũng chẳng thể giác ngộ được Bồ-đề.

Thưa Đại đức Ca-diếp! Tất cả pháp tánh thảy đều như vậy. Đại đức làm sao nói được đạo Vô thượng chánh chân? Đại đức làm sao thành tựu được đạo Vô thượng Chánh chân?

Lúc bấy giờ, chúng Bồ-tát, chúng Đại Thanh văn, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di và Đế Thích, Phạm vương, bốn vua trời Hộ thế suy nghĩ như vầy: “Đức Thế Tôn biết lòng chúng sinh như thật, theo đó mà cởi mở sự hiểu biết. Đức Như Lai sẽ đoạn dứt lòng do dự, nghi hoặc của chúng ta. Đức Như Lai sẽ nói lời ký cho thiện nam Tát-già bao nhiêu lâu nữa ông sẽ thành đạo Vô thượng chánh chân. Thế giới của ông ấy tên là gì? Đắc đạo Bồ-đề rồi, danh hiệu ông ấy là gì? Ông ấy trụ thọ bao nhiêu năm? Có bao nhiêu đại chúng?”

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn biết ý niệm trong lòng của các Bồtát, Thanh văn, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di và Đế Thích, Phạm vương, bốn vua trời Hộ thế nên liền bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Thiện nam Tát-già đó khi kiếp Hiền này qua rồi, về sau trải qua một số kiếp nhiều không tính toán được sẽ được làm Phật hiệu là Thật Ý Tướng Vương Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri. Thế giới của vị Phật đó tên là Thiện quán xưng, kiếp tên là Diệt thứ.

Này Văn-thù-sư-lợi! Thế giới Thiện quán xưng đó đoan nghiêm, rất đáng yêu thích. Hàng trăm ngàn bảy báu trang nghiêm giáp vòng. Tường cao, tường thấp trang nghiêm bằng bảy báu. Có hàng trăm ngàn hào sâu, trong đó đầy nước thơm của bảy loại hương. Lại có hàng trăm ngàn đài quan sát cao lớn làm bằng bảy thứ lưu ly rất quý. Có hàng trăm ngàn van lưới bằng vàng Diêm-phù-đàn dùng để trang nghiêm khắp nơi trên cõi ấy. Có hàng trăm ngàn vạn tiên báu ma-ni xen lẫn trong các đài quan sát. Có hàng trăm ngàn vạn ngọc sư tử ma-ni báu hơn dùng trang nghiêm cửa sổ. Có hàng trăm ngàn vạn ngọc báu ma-ni sư tử tràng dùng trang nghiêm bảo tòa. Có hàng trăm ngàn vạn ngọc báu Ma-ni Đại tràng chiếu sáng tất cả. Có hàng trăm ngàn vạn lưới chuông rung phát ra những âm thanh nhiệm mầu, êm dịu, hài hòa, thích hợp khắp trong cõi ấy. Lủng lẳng giữa không trung là hàng trăm ngàn vạn lưới vàng trân báu. Dựng đứng lên hàng trăm ngàn vạn loại tướng tràng.

Này Văn-thù-sư-lợi! Thế giới Thiện quán xưng này đất bằng phẳng như bàn tay, cây báu bao phủ khắp, mọc cỏ mềm mại. Cỏ cõi ấy đều xoay về bên phải, màu như màu cổ chim Khổng tước Nan-đê-bạt-đán. Cỏ này mọc khắp cõi Thiện quán xưng. Có hàng trăm ngàn vạn ngôi vườn để trang nghiêm cõi ấy. Mỗi một ngôi vườn ấy lại dùng trăm ngàn vạn ngôi vườn nhỏ vây quanh để trang nghiêm. Cõi đó có trăm ngàn vạn ao trang nghiêm khắp mọi nơi. Mỗi một cái ao này xen lẫn vào bằng ngọc báu Ma-ni tám cạnh, thềm bậc làm bằng vàng Diêm-phù-đàn, đáy hồ trải cát vàng, chứa đầy nước tám vị. Hoa báu lan cùng khắp, có ngỗng, nhạn, uyên ương cùng hòa điệu hót.

Này Văn-thù-sư-lợi! Ở thế giới Thiện quán xưng ấy có trăm ngàn vạn quốc độ, thành ấp, thôn xóm đều rất trang nghiêm. Trong mỗi đại thành ấy lại có trăm ngàn vạn thành nhỏ cũng rất trang nghiêm. Các thôn xóm, tụ lạc ở cõi ấy cũng như vậy. Đó là thế giới mà các quốc độ, thành ấp, làng mạc có số lượng người sinh sống cực kỳ sung mãn.

Này Văn-thù-sư-lợi! Trong thế giới Thiện quán xưng đó có bốn hạng người đều có tên là “Thích ý kiến” hết sức đặc thù, rất mực đoan trang, rất giàu có và con cháu rất đông đúc. Như Lai Thật Ý Tướng Vương Ứng Cúng Chánh Biến Tri đang trụ thế ở đó.

Này Văn-thù-sư-lợi! Như Lai Thật Ý Tướng Vương ấy xuất thân từ trong dòng họ Bà-la-môn. Thân mẫu tên là Dũng Mãnh, như Ma-gia mẹ ta ngày nay; thân phụ tên là Phạm-ma-bà-tú, như phụ vương ta nay tên là Tịnh Phạn vậy. Con tên là Biến Thanh, như nay con ta tên La-hầu-la vậy. Vợ tên là Đại Ý, như hiền thê của ta nay là người con gái thuộc dòng họ Thích có tên là Cù-bà-già vậy. Nhũ mẫu có tên là Đại Xứng, như nhũ mẫu của ta nay tên là Ma-ha Ba-xà-ba-đề Cù-đàm-di vậy. Đức Phật ấy có người thị vệ tên là Thường Thuận Hành, như thị vệ của ta nay có tên là Xiển-đà vậy. Đức Phật Như Lai ấy có đại Mã vương tên là Đại Lực, và Đức Thật Ý Tướng Vương đã cỡi nó để đi xuất gia, như Mã vương của ta nay có tên là Kiền-trì-ca vậy. Đức Phật Như Lai ấy có đạo tràng tên là Pháp dũng, và Đức Phật ấy đã thành tựu đạo Vô thượng chánh chân tại đạo tràng đó. Xung quanh đạo tràng ấy có đến tám mươi ức cây Bồ-đề bao bọc rất trang nghiêm.

Này Văn-thù-sư-lợi! Bấy giờ chỗ Đức Phật ấy không còn chúng Ma và Thiên ma quấy nhiễu nữa.

Này Văn-thù-sư-lợi! Vào thời vị lai, khi Đức Thật Ý Tướng Vương ấy thành tựu đạo quả Vô thượng chánh chân thì tất cả chúng sinh ở cõi Phật đó liền mang vô số hương hoa và nhạc cụ, trỗi lên vô số các thứ âm nhạc và cùng nhau đi đến chỗ đạo tràng Pháp dũng ay. Trên từ chúng trời A-ca-nị, thảy đều đến tập hội. Tất cả chúng Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầula-già cũng đều đến tập hội. Tất cả chúng Đại Bồ-tát khắp bốn phương Đông, Tây, Nam, Bac thảy đều về tập hội.

Này Văn-thù-sư-lợi! Lúc Đức Thật Ý Tướng Vương vừa chứng quả Bồ-đề, thì liền ở trong hội chúng đó mà thuyết giảng kinh Bồ-tát Hành Phương Tiện Cảnh Giới Thần Thông Biến Hóa này, cùng vô lượng trăm ngàn ức các kinh khác nữa.

Này Văn-thù-sư-lợi! Khi Đức Như Lai Thật Ý Tướng Vương giảng nói kinh này thì có hằng hà sa số các chúng sinh đều được không thoái chuyển đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Văn-thù-sư-lợi! Đức Thật Ý Tướng Vương Như Lai chẳng nói đến pháp Tam thừa vì cõi Phật này không có Thanh văn và Duyên giác chỉ có chúng sinh Nhất thừa diệu giải sinh ở thế giới ấy thôi.

Này Văn-thù-sư-lợi! Đức Thật Ý Tướng Vương Như Lai Thế Tôn mở hội thuyết pháp lần đầu sẽ có hằng hà sa số Bồ-tát đạt được địa vị không thoái chuyển. Đức Phật mở hội thuyết pháp lần thứ hai có tám mươi na-do-tha Bồ-tát sẽ chứng được bậc Nhất sinh và mở hội thuyết pháp lần thứ ba sẽ có sáu mươi tần-bà-la số Bồ-tát. Từ đó về sau sẽ có số Bồ-tát nhiều không tính toán được, an trụ không thoái chuyển nơi đạo Vô thượng Chánh chân.

Này Văn-thù-sư-lợi! Đức Thật Ý Tướng Vương Phật thành đạo rồi thọ được sáu mươi trung kiếp. Sau khi Đức Phật Niết-bàn, chánh pháp trụ thế tám mươi ức trăm ngàn na-do-tha năm. Xá-lợi của Đức Phật sẽ lưu bố rộng rãi, đã điều hóa số chúng sinh nhiều như trước.

Này Văn-thù-sư-lợi! Khi Đức Phật kia sắp diệt độ thì thọ ký cho Đại Tướng Bồ-tát xong rồi mới diệt độ. Vị Đại Tướng Bồ-tát này xếp ở sau ta và sẽ thành đạo Vô thượng chánh chân hiệu là Đại Trang Nghiêm Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri. Khi ấy, đại chúng ở đây lòng sinh kinh nghi là ai lúc ấy là Đại Tướng Bồ-tát, kế tiếp sau Đức Thế Tôn kia sẽ thành đạo Vô thượng chánh chân hiệu là Đại Trang Nghiêm Như Lai Ứng Cúng Chanh Biến Tri đây?

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn biết được lòng đại chúng nên liền bảo Văn-thù-sư-lợi Đồng tử:

–Đó chính là Tiểu đồng tử ngoại đạo ngồi trước thiện nam Tátgià, tên là Thật Hoan Hỷ, hơn hẳn các đồng tử khác. Đồng tử ấy sẽ thành Phật hiệu là Đại Trang Nghiêm Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri. Việc trang nghiêm thế giới Đức Phật kia giống như thế giới Đức Phật Thật Ý Tướng Vương Như Lai không khác.

Mọi người ở đây nghe uy đức của cõi Phật Công đức trang nghiêm kia thì trong pháp hội có sáu mươi ức trăm ngàn na-do-tha các vị Bồ-tát phát tâm nguyện sinh vào cõi Phật ấy, nên bạch Đức Phật rằng:

–Bạch Thế Tôn! Khi Đức Thật Ý Tướng Vương được thành đạo, chúng con sẽ nguyện sinh vào cõi Phật kia.

Đức Thế Tôn liền thọ ký cho họ sẽ sinh vào cõi đó. Có tám mươi ức các Ni-càn đồng thanh xướng lên:

–Thưa Thế Tôn! Chúng con sẽ sinh vào cõi Phật kia.

Đức Phật thọ ký cho tất cả sẽ sinh vào cõi Phật kia. Khi ấy ở trên không trung có chín mươi ức trăm ngàn na-do-tha các Thiên tử nói lên như vầy:

–Thưa Thế Tôn! Khi Đức Phật Thật Ý Tướng Vương kia đắc đạo Bồ-đề, chúng con sẽ sinh trong thế giới Thiện quán xưng kia để sẽ chứng kiến được công đức trang nghiêm như vậy.

Đức Phật liền nói lời ký:

–Này các Thiên tử! Các ông cũng sẽ sinh vào cõi Thiện quán xưng kia để phụng sự Đức Phật đó.

Này các Thiên tử! Các ông cũng sẽ ở tại cõi Thiện quán xưng kia mà thành đạo Vô thượng chánh chân. Mỗi người có tên khác nhau nhưng thọ mạng bằng nhau.

Ngay khi ấy, khắp tam thiên đại thiên thế giới liền có sáu thứ chấn động. Tự nhiên trên mặt đất ấy mọc ra vô lượng trăm ngàn ức na-do-tha hoa sen báu lớn, cánh sen bằng vàng Diêm-phù-đàn, đài sen bằng ngọc biếc lưu ly ma-ni, tua sen bằng xa cừ, cành sen bằng lưu ly. Trong các hoa sen có các vị Bồ-tat hiện ra ngồi kiết già, thân tướng hảo trang nghiêm cung kính lễ Phật, đem các thứ chuỗi ngọc như lưới mây để cúng dường Đức Phật Thế Tôn. Tất cả đều nói:

–Chúng con mỗi người đều ở tại các cõi Phật khác nhau xa nghe Phật thuyết giảng kinh Công Đức Bồ-Tát chẳng thể nghĩ bàn này nên đi đến đây yết kiến Đức Thế Tôn, cung kính làm lễ đi quanh bên phải Đức Phật. Chúng con cũng vì muốn gặp gỡ thiện nam Tátgià và các đại chúng nữa.

Tất cả lại nói:

–Thưa Thế Tôn! Có vô số chúng sinh trong các cõi Phật nhiều không thể nghĩ bàn, nghe kinh này rồi đều không thoái chuyển đối với đạo Vô thượng chánh chân.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn muốn trùng tuyên ý nghĩa kinh này nên nói kệ rằng:

Nghe ta nói nghĩa này
Lắng lòng chớ tán loạn
Lời Như Lai không dối
Điều Ngự chẳng nói sai
Phật Tát-già ra đời
Hơn ức kiếp về trước
Hiệu Thật Ý Tướng Vương
Kiếp thanh tịnh chẳng cấu
Không có hại dâm dục
Không có các tội ác
Cùng các nghiệp ngu si
Không có trong kiếp đó.
Thế giới Thiện quán xưng
Nhiều sắc đẹp trang nghiêm
Trời người xem hoan hỷ
Cõi Phật ấy hiện có
Đài cao báu dạo xem
Thảy đều rất nghiêm tịnh
Lưới vàng bủa hư không
Rung lên tiếng vi diệu
Có bảo tràng sư tử
Mắc trên lưới báu vàng
Thành trân bảo cao ngất
Trong có cung điện trời
Có sông, hồ và giếng
Tất cả đều trang nghiêm
Sen xanh vàng mọc khắp
Nước đầy đủ tám vị
Bốn hạng người cõi đó
Tên là Thích Ý Kiến.
Phật ấy vốn xuất thân
Dòng giỏi Bà-la-môn
Mẹ tên là Dũng Mãnh Cha:
Phạm Ma-bà-tú
Con tên là Biến Thanh
Như La-hầu con ta,
Phật ấy có vợ đẹp
Nàng tên là Đại Ý
Như Cù-bà vợ ta,
Nhũ mẫu tên Đại Xưng
Như nhũ mẫu ta nay
Là Cù-đàm-di vậy
Thị vệ tên Thuận Hành
Theo hầu Đức Phật ấy
Cung phụng Bậc Thiện Thệ
Như Xiển-đà của ta
Phật ấy cỡi Mã vương
Có tên là Đại Lực
Vượt thành đi xuất gia
Như Kiền-trắc của ta.
Đạo tràng của Phật ấy
Có tên là Pháp Dung
Tám mươi ức trăm ngàn
Cây Bồ-đề bao bọc
Đức Thế Tôn ngồi đó
Thật Ý chẳng ai bằng
Đạo vô thượng vô ưu
Dưới cây chứng đạo lành
Không có các chúng ma
Trọn không còn ma nghiệp
Cõi Phật đó nhu hòa
Chỉ gồm bậc Trượng phu
Chúng sinh ở cõi đó
Đủ công đức trời, người
Mang hoa và kỹ nhạc
Đến đạo tràng Phật ấy
Phật rõ biết chúng hội
Tâm tánh đều thanh tịnh
Nên thuyết kinh vương này
Cùng ức kinh khác nữa.
Khi nghe Đức Thế Tôn
Thuyết giảng Thắng kinh này
Hằng sa ức chúng hội
Được Phật trí không thoái,
Không cầu nghe Hạ thừa
Cùng với Duyên giác thừa
Kiện toàn Bồ-tát tuệ.
Thế giới của Phật ấy
Mở pháp hội lần đầu
Có hằng sa chúng hội
Được công đức không thoái
Đều gọi là Bồ-tát.
Mở pháp hội lần hai
Tám mươi na-do-tha
Chúng hội trụ Nhất sanh.
Trong pháp hội thứ ba
Sáu mươi tần-ba-la
Bồ-tát được lợi ích.
Đức Phật ấy thọ mạng
Trong sáu mươi trung kiếp
Khi Phật diệt độ rồi
Chánh pháp vẫn lưu bố
Đến tám mươi ức ngàn
Na-do-tha năm nữa.
Rộng lưu bố xá-lợi
Điều phục khắp chúng sinh.
Lúc Phật ấy diệt độ,
Truyền Đại Tướng Bồ-tát
“Ông đời sau thành Phật
Hiệu là Đại Trang Nghiêm”
Đại Trang Nghiêm cũng vậy
Vì lợi ích chúng sinh
Thực hành đạo Vô thượng
Của Phật Đại Chánh giác.
Ta tri kiến vô thượng
Biết rõ vô lượng kiếp
Dù loài nào hiện ra
Trí nhất thiết đều rõ.
Hãy vững tin lời ta
Lời Như Lai chẳng dối
Ai ở trong đạo ta
Nên nhớ điều ta dạy.
Nghe Thế Tôn giảng xong
Đại chúng rất hoan hỷ
Đối với cõi Phật kia
Đều nguyện sanh về đó
Đức Thế Tôn dạy rằng
Muốn sanh cõi vô cấu
Cac ông nên ngộ đạo
Rộng lợi ích chúng sinh.
Khi thuyết kinh vương này
Sáu lần đất rung chuyển
Trong hoa hiện Bồ-tát
Chắp tay lễ Điều Ngự:
“Lành thay! Bậc Trượng Phu
Khéo nói pháp bất đoạn
Phật thuyết, chúng con nghe
Xa đến đây vì pháp.”

Vào lúc bấy giờ, tất cả đại chúng rất vừa ý kinh ấy nên vui mừng nhảy nhót, ái lạc, thọ trì. Họ chỉ lưu lại trên người một manh áo, bao nhiêu áo còn lại đều đem dâng lên cúng dường Đức Phật. Họ nói lời như vầy:

–Đức Thế Tôn ra đời chuyển pháp luân một lần nữa, ở thành Ba-la-nại lần đầu chuyển pháp luân, nay lại chuyển tối Đại pháp luân nữa.

Tất cả đều nói rằng:

–Thưa Thế Tôn! Nay chúng con nguyện thường không rời Pháp bảo như thế này, cũng thường không rời thiện trượng phu này.

Khi ấy trên không trung tấu lên các thứ Thiên nhạc, mưa các hoa sen lớn xanh, vàng, đỏ, trắng xuống trước Đức Phật. Áo trời của chư Thiên ở giữa hư không bay đi bay lại, họ xướng lên lời như vầy:

–Quả là bậc Thiện trượng phu trong đời đương lai thành tựu công đức chẳng thể nghĩ bàn. Được gọi thế, nếu có thọ trì kinh này như đọc tụng thông lợi, vì người khác thuyết giảng rộng rãi.

Nói lời đó rồi, Văn-thù-sư-lợi bạch Đức Phật:

–Thưa Thế Tôn! Vậy những thiện nam, thiện nữ… biên chép kinh này, thọ trì đọc tụng cho thông lợi, rồi vì người khác thuyết giảng rộng rãi thì được bao nhiêu công đức?

Hỏi như vậy rồi, Đức Phật nói:

–Này Văn-thù-sư-lợi! Nếu có một thiện nam hay thiện nữ đối với tất cả chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới, trong các cõi hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng mà có chúng sinh giới, chỉ có Đức Phật mới có thể biết các “hữu” tất cả, chưa được làm thân người, đều được làm thân người, đã thành đạo Vô thượng chánh chân, mà một thiện nam hay thiện nữ đó cung kính cúng dường, tôn trọng lễ bái họ như là tất cả Phật, bố thí cho họ các điều kiện sống an lạc, kéo dài thọ mạng trong một kiếp.

Này Văn-thù-sư-lợi! Ý ông như thế nào? Người thiện nam hay thiện nữ này do cái nhân duyên đó được phước nhiều chăng?

Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Rất nhiều, thưa Thế Tôn! Rất nhiều, thưa Đấng Thiện Thệ.

Nhiều đến nỗi không có thể tính toán, đo lường được.

Đức Phật bảo:

–Này Văn-thù-sư-lợi! Người thiện nam hay thiện nữ chép ta, thọ trì, đọc tụng thông lợi, vì người khác thuyết giảng rộng rãi kinh này, phước nhiều hơn người thiện nam hay thiện nữ cúng dường các Đức Phật kia.

Ngài Văn-thù-sư-lợi thưa:

–Thưa Thế Tôn! Thật chưa từng có vậy! Đức Thế Tôn đã vì lợi ích cho tất cả thế gian mà thuyết giảng kinh này. Thưa Đức Thế Tôn! Kinh này sẽ lưu bố ở cõi Diêm-phù-đề trong bao lâu?

Đức Phật nói:

–Này Văn-thù-sư-lợi! Sau khi ta vào Niết-bàn, xá-lợi của ta sẽ lưu bố rộng rãi. Lúc bấy giờ tám vị vua sẽ dùng hòm báu chứa đựng xá-lợi của ta. Xá-lợi của ta được chia làm tám phần, rồi ở mỗi nước tự kiến tạo đại tháp. Vua A-xà-thế lấy phần xá-lợi thứ tám của ta đựng trong cái hộp hương báu. Ở ngoài thành Vương xá, nhà vua cho đào xuyên qua đất để giấu kín xá-lợi, đặt để đủ thứ các loại diệu hương, dựng lên đủ loại tràng phan bảo cái, tung các hoa báu, thắp đèn giữ trăm năm. Nhà vua cất giữ hòm xá-lợi để đợi vua A-thúc-ca. Kinh vương này viết trên lá bằng vàng, cất giữ theo hòm xá-lợi đó. Này Văn-thù-sư-lợi! Sau khi ta vào Niết-bàn một trăm năm, sẽ có vua A-thúc-ca, vua này xuất thân từ dòng Mộ-sát-lợi, làm vua Diêmphù-đề, được tự tại ở bốn cõi chuyển luân. Lúc bấy giờ vị vua kia tu niệm theo hạnh của ta, ở trong Phật pháp, ông được tâm thanh tịnh.

Lúc bấy giờ, có Tỳ-kheo tên Nhân-đà-xá-ma, đắc đại thần thông, có đại uy đức, nhiếp trì chánh pháp, thọ trì kinh Phương đẳng, xuất gia từ dòng vua, thường ra vào trong cung của Đại vương Athúc-ca.

Này Văn-thù-sư-lợi! Vì lưu bố rộng rãi xá-lợi của ta nên đại vương tự trong uy đức, đem theo rất nhiều các quý nhân…, đem theo các hoa mạn, bột thơm, hương xoa, các thứ kỹ nhạc đến thành Vương xá, thiết Đại lễ cúng dường, đào vỡ chỗ đất ấy, lấy hòm xá-lợi.

Trong bảy ngày, nhà vua thiết đủ thứ lễ cúng dường, dùng tất cả hoa hương, tất cả vòng hoa, tất cả bột thơm, tất cả hương xoa, tất cả kỹ nhạc làm Đại lễ cúng dường như vậy rồi, sau đó theo từng chỗ dân chúng cư trú đông đúc, trong một ngày, một giờ, cho khởi dựng tám muôn bốn ngàn tháp. Lúc bấy giờ Pháp sư Nhân-đà-xá-ma từ nơi hòm báu đã lấy ra quyển kinh này. Pháp sư đem an trí kinh này ở phương Bắc, một trụ xứ có nhiều người. Kinh này lại không nhiều người hiểu biết, không nhiều người giải được, không nhiều người thọ được, nên ít người thọ trì đọc tụng kinh này.

Này Văn-thù-sư-lợi! Kinh này ẩn lâu ở trong cái hòm nhỏ. Tại sao vậy? Vì không người nhận vậy. Chẳng phải pháp khí của họ vậy.

Này Văn-thù-sư-lợi! Ông phải biết kinh này khó giải, khó tin, khó được chỗ thâm áo của kinh. Không phải là chỗ người thường có thể tín thọ, không phải kẻ phàm thấp hèn mà có thể đọc tụng, có thể thâm nhập được.

Này Văn-thù-sư-lợi! Sau thời gian năm mươi năm, nếu lại có người nghe kinh điển này tín giải, cung kính.

Này Văn-thù-sư-lợi! Ông chẳng nên nghi ngờ mà phải biết đây là người đã cúng dường nhiều Đức Phật, giỏi hành trì kinh điển Đại thừa này, là người có chân thật khí. Nếu có ai biên chép, thọ trì kinh này, đọc tụng thông lợi thì những chúng sinh đó nên phải tự biết rằng chúng ta đã thấy hằng hà sa số các Đức Phật Như Lai đã phụng sự cúng dường đi nhiễu bên phải, lễ bái; và cũng thấy ta khi thuyết giảng kinh này tại trong vườn đây.

Lúc bấy giờ Đức Phật bảo A-nan:

–Ông thọ kinh này, đọc tụng thông lợi. Hãy thận trọng, chớ thuyết giảng kinh này trước kẻ thấp hèn, chẳng biết căn vậy. Vì sao? Vì đây là Như Lai nói thuần túy không tạp pháp. Đây là ấn Như Lai, đây là kiên pháp Như Lai. Đây là thắng tài của Như Lai.

Này A-nan! Ông phải kiên trì, chớ đem cho người bừa bãi trừ trưởng tử của ta, người giữ Pháp tạng của ta, người hộ Pháp tạng của ta mà thôi.

A-nan bạch Đức Phật:

–Con đã giữ kinh này rồi. Thưa Thế Tôn! Kinh này tên là gì? Thọ trì ra sao?

Đức Phật bảo A-nan:

–Kinh này tên là kinh nói về Bồ-tát Hành Phương Tiện Cảnh Giới Thần Thông Biến Hóa. Cũng có tên là Như Lai Mật Xứ, cũng có tên là Như Lai Thuyết Thuần Vô Tạp Pháp, cũng có tên là Như Lai Thuyết Xuất Nhất Thừa, cũng có tên là Văn-thù-sư-lợi Sở Vấn, cũng có tên là Tát-đà Thọ Ký, cũng có tên là Tát-đà Phẩm. Cứ như vậy mà thọ trì.

Khi Đức Như Lai diễn thuyết kinh pháp này, có ba mươi na-dotha các chúng sinh… vốn chưa từng phát tâm thọ Vô thượng chánh chân thì nay đều phát tâm hết. Có sáu vạn Bồ-tát đạt được Vô sinh pháp nhẫn. Có vô lượng chúng sinh đều định được nơi đạo Vô thượng chánh chân.

Đức Phật thuyết kinh đó xong, Đại đức A-nan hoan hỷ thích ý, Đồng tử Văn-thù-sư-lợi, tất cả Bồ-tát, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bàtắc, Ưu-bà-di, Đế Thích, Phạm vương, trời Hộ thế và người đời nghe Đức Phật thuyết giảng xong thảy đều hoan hỷ tín thọ.

***

 Xem bản dịch của thầy Thích Như Điển

Pages: 1 2 3