PHẬT NÓI KINH BẤT TỰ THỦ Ý
Hán dịch: Đời Ngô, Ưu-bà-tắc Chi Khiêm, người nước Nguyệt chi.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộcnước Xá-vệ.

Phật gọi các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo vâng dạ.

Phật dạy:

–Hãy lắng nghe Ta nói về việc tự thủ hộ và không tự thủ hộ.

Các Tỳ-kheo chắp tay nghe lời Phật dạy.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Có bao nhiêu nhân duyên không tự thủ hộ? Nếu nhãn căn không được thủ hộ, mắt chạy theo sắc thì ý thức phóng túng, ý thức đã phóng túng thì sanh khổ, đã sanh khổ thì ý thức không định, đã không định thì ý thức không biết được sự việc đến như thật, đã không biết thì không thấy như thật; đã không biết, không thấy như thật thì không xả bỏ được mọi trói buộc và không vượt nghi, đã không xả bỏ trói buộc và không vượt được nghi thì tùy thuộc vào nhân duyên khác, bị dị kiến; đã có dị kiến thì bị khổ, không an ổn.  Tai, mũi, miệng, thân, ý cũng như vậy. Hành động như vậy là không tự thủ hộ.

Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

–Có bao nhiêu nhân duyên tự thủ hộ? Nếu nhãn căn tự thủ hộ, tịnh chỉ nhãn thức không chạy theo sắc thì ý không phóng dật, ý không phóng dật thì không nhiễm đắm, đã không nhiễm đắm thì định được ý, ý đã định thì biết rõ như thật, thấy rõ như thật, đã thấy biết rõ như thật thì không còn bị trói buộc và thoát khỏi nghi, chánh tín như thật, được trí tuệ, ý hoan hỷ an lạc; sáu căn cũng như vậy.

Như thế gọi là tự thủ hộ. Như vậy là giảng dạy về tự thủ hộ và không tự thủ hộ.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo đều hoan hỷ phụng hành.