KINH BẢN NGUYỆN CÔNG ĐỨC
CỦA BẢY ĐỨC PHẬT DƯỢC SƯ LƯU LY QUANG
_QUYỂN HẠ_
Hán dịch: Đời Đường_Tam Tạng Sa Môn NGHĨA TỊNH dịch ở Phật Quang Nội Tự.
Phục hồi Phạn Chú và Việt dịch: HUYỀN THANH
Bấy giờ, Đức Phật bảo:”Này Mạn Thù Thất Lợi (Mañjuśrī) ! Nguyện lớn mà Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai (Bhaiṣaijya-guru-vaiḍurya-prabha-tathāgata) ấy khi hành Đạo Bồ Tát đã phát ra với Công Đức trang nghiêm của cõi Phật ấy thì Ta ở một kiếp hoặc hơn một kiếp, nói chẳng thể hết.
Cõi Phật ấy hoàn toàn trong sạch, không có các dục nhiễm, cũng không có người nữ với tiếng khổ não của ba nẻo ác, dùng Lưu Ly trong sạch mà làm đất ấy. Cổng thành, cung điện với các hành lang, mái hiên, cửa sổ, màn lưới… đều do bảy báu tạo thành, cũng như công đức trang nghiêm của Thế Giới Cực Lạc (Sukha-vati) ở phương Tây.
Ở trong nước ấy có hai vị Bồ Tát Ma Ha Tát, vị thứ nhất tên là Nhật Quang Biến Chiếu (Sūrya-prabha), vị thứ hai tên là Nguyệt Quang Biến Chiếu (Candraprabha) là bậc thượng thủ của vô lượng chúng Bồ Tát, đều hay giữ gìn Tạng báu Chính Pháp của Đức Phật ấy.
Thế nên Mạn Thù Thất Lợi ! Nếu kẻ trai lành, người nữ thiện có niềm tin trong sạch, cần phải nguyện sinh về Thế Giới của Đức Phật ấy.
Lại nữa, Mạn Thù Thất Lợi ! Nếu có chúng sinh chẳng biết thiện ác, chỉ ôm ấp tham lam, keo kiệt, chẳng biết ban cho (Huệ Thí) với quả báo của việc bố thí, ngu si, kém Trí, không có lòng tin, phần lớn lo cất chứa trân bảo, của cải, siêng năng cực nhọc để giữ gìn, thấy người đến xin thì sinh tâm chẳng vui. Giả sử chẳng được, phải đem ban cho thời như cắt thịt trên thân, rất là đau tiếc.
Lại có vô lượng hữu tình keo kiệt tham lam, gom chứa tiền của, tự mình còn chẳng thể dùng, huống chi là sẽ cung cấp cho cha mẹ, vợ con, đày tớ, người giúp việc với kẻ đến xin. Các hữu tình ấy từ chốn này chết đi, sẽ sinh trong nẻo quỷ đói, hoặc nẻo bàng sinh. Do xưa kia ở nhân gian, từng nghe tên của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, cho nên tuy ở tại nẻo ác, quay trở lại được nhớ nghĩ đến tên của Đức Như Lai ấy, nên liền ở chốn đó mất đi và sinh trong cõi người, được Túc Mệnh Trí, nhớ sợ nỗi khổ trong nẻo ác, chẳng ham thích dục lạc, ưa làm việc ban cho, khen ngợi người bố thí. Hết thảy tài vật không có tâm tham lam keo kiệt, dần dần còn có thể đem đầu, mắt, tay, chân, máu thịt, thân phần… cho người đến xin, huống chi là tài vật khác.
Lại nữa, Mạn Thù Thất Lợi ! Nếu lại có người quy y Đức Thế Tôn, thọ nhận các chỗ học nhưng phá hoại Giới, uy nghi với hoại Chính Kiến. Có người trì Giới, Chính Kiến nhưng chẳng cầu Đa Văn, đối với nghĩa sâu xa của Khế Kinh do Đức Phật đã nói chẳng thể hiểu rõ. Tuy có kẻ đa văn nhưng ôm ấp kiêu mạn, do tâm Mạn nên tự cho mình đúng còn kẻ khác là sai, nghi ngờ chê bai Chính Pháp, làm bạn đảng của Ma. Người ngu như vậy, tự hành Tà Kiến, lại khiến cho cho vô lượng trăm ngàn câu chi hữu tình bị đọa vào hố nguy hiểm lớn. Nếu từng nghe danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như lai này, do uy lực Bản Nguyện của Đức Như Lai ấy nên ở trong Địa Ngục nhớ danh hiệu của Phật, từ chốn đó chết đi, lại sinh trong nhân gian được Chính Kiến, tinh tiến, ý ưa thích sự điều hoà hiền lành, bỏ tục xuất gia, ở trong Phật Pháp thọ trì chỗ học không có hủy phạm, chính kiến đa văn, hiểu nghĩa thâm sâu, lìa nơi kiêu mạn, chẳng chê bai Chính Pháp, chẳng làm bạn của Ma, dần dần tu hành các Hạnh Bồ-tát, cho đến Bồ Đề.
Lại nữa, Mạn Thù Thất Lợi ! Nếu các hữu tình tham lam, keo kiệt, ganh ghét….tạo các nghiệp ác, khen mình chê người. Khi chết sẽ đọa vào trong ba nẻo ác, vô lượng ngàn năm chịu các nỗi khổ đau. Từ chốn ấy kết thúc xong, sinh vào Nhân Gian, hoặc làm bò, ngựa, lạc đà, lừa …luôn bị roi gậy đánh đập, đói khát ràng buộc tâm, thân thường phải chở nặng , khốn khổ cực nhọc. Nếu được làm người, thì sinh ở chốn hèn kém, làm đày tớ, nô bộc chịu sự sai khiến của kẻ khác, luôn luôn chẳng được tự tại. Do xưa kia trong cõi người, từng nghe danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, nhờ sức của căn lành này, nay lại nhớ niệm, chí tâm quy y, dùng Thần Lực của Đức Phật mà thoát khỏi mọi khổ, các căn thông lợi, Trí Tuệ đa văn, luôn cầu Thắng Pháp, thường gặp bạn lành, chặt đứt hẳn lưới Ma, đập nát vỏ vô minh, khô cạn sông phiền não, thoát khỏi tất cả sinh, già, bệnh, chết, lo buồn, khổ não, cho đến Bồ Đề.
Lại nữa, Mạn Thù Thất Lợi ! Nếu các hữu tình ưa thích sự ngang trái chia lìa, cùng nhau đấu tụng, não loạn ta người. Dùng thân miệng ý tạo các nghiệp ác, triển chuyển thường làm việc chẳng nhiêu ích, mưu hại lẫn nhau. Cáo triệu Thần của hàng núi, rừng, cây, gò mả…giết các chúng sinh, lấy máu thịt ấy cúng tế cho hàng Thần Dạ Xoa, La Sát. Viết tên của người oán hoặc làm hình tượng của họ, dùng Chú Thuật ác mà chú trớ, Yểm Mỵ, Cổ Đạo, Chú, Khởi Thi Quỷ… khiến cho chặt đứt mạng sống và phá hoại thân thể của người ấy. Các hữu tình đó nếu được nghe danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thì các duyên ác ấy đều chẳng thể gây hại, tất cả triển chuyển đều khởi tâm Từ Bi, lợi ích, an vui, không có ý gây tổn não với tâm nghi ngờ oán hận…. Đối với mình, hết thảy sinh niềm vui biết đủ.
Lại nữa, Mạn Thù Thất Lợi ! Nếu có bốn Chúng: Bật Sô, Bật Sô Ni, Cận Sự nam, Cận Sự nữ cùng với kẻ trai lành, người nữ thiện có niềm tin trong sạch khác… Nếu hay thọ trì tám chi Trai Giới, hoặc trải qua một năm, hoặc là ba tháng, thọ trì chỗ học. Dùng căn lành này, nguyện sinh về Thế Giới Cực Lạc ở phương Tây, thấy Đức Phật Vô Lượng Thọ (Amitāyus-buddha). Nếu nghe danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai nên lúc mạng chung thời có tám vị Bồ Tát nương Thần Thông đi đến, bày nơi đi đến ấy. Liền ở cõi đó, tự nhiên hóa sinh trong mọi loại hoa hoa báu đủ màu sắc.
Nếu có Nhân này sinh ở trên Trời, tuy sinh trong cõi Trời mà căn lành xưa kia cũng chẳng cùng tận, lại chẳng còn sinh vào các nẻo ác khác. Tuổi thọ ở trên cõi Trời chấm dứt, sanh trở lại Nhân Gian, hoặc làm vị Luân Vương, thống nhiếp bốn châu, uy đức tự tại, khuyến hoá vô lượng trăm ngàn hữu tình ở mười Thiện Đạo khiến họ tu tập.
Hoặc sanh vào nhà của Sát Đế Lợi, Bà La Môn, cư sĩ quý tộc… tài bảo rất nhiều tràn đầy kho chứa. Hình tướng đoan nghiêm, đông đủ quyến thuộc, thông minh, Trí Tuệ, mạnh cứng uy mãnh, có sức của thân to lớn (đại thân lực).
Nếu người nữ đó được nghe danh hiệu của Đức Dược Sư Như Lai, chí tâm thọ trì thì sau này chẳng còn thọ nhận thân nữ.
Lại nữa, Mạn Thù Thất Lợi ! Khi Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai được Bồ Đề thời do sức của Bản Nguyện quán thấy các hữu tình gặp mọi bệnh khổ, bệnh của nhóm gầy ốm, sốt rét, khô đét, vàng da, nóng sốt… hoặc bị trúng Yểm Mỵ, Cổ Độc hoặc bị chết yểu, hoặc bị chết đột ngột. Muốn khiến cho bệnh khổ của nhóm đó tiêu trừ, viên mãn điều cầu nguyện. Thời Đức Thế Tôn ấy nhập vào Tam Ma Địa tên là Diệt Trừ Nhất Thiết Chúng Sinh Khổ Não. Đã vào Định xong, ở trong nhục kế tuôn ra ánh sáng lớn, trong ánh sáng diễn nói Đại Đà La Ni Chú là:
“Nam mô bạc già phạt đế, tỳ sát xã cũ lỗ, bệ lưu ly bát lạt bà, hạt la xà dã, đát tha yết đa dã, a la hát đế, tam miểu tam bột đà dã .
Đát điệt tha: Án, tỳ sát thệ, tỳ sát thệ, tỳ sát xã, tam một yết đế, toa ha”
𑖡𑖦𑖺 𑖥𑖐𑖪𑖝𑖸 𑖥𑖹𑖬𑖹𑖕𑖿𑖧-𑖐𑖲𑖨𑖲-𑖪𑖹𑖚𑖲𑖨𑖿𑖧-𑖢𑖿𑖨𑖥-𑖨𑖯𑖕𑖯𑖧 𑖝𑖞𑖯𑖐𑖝𑖯𑖧 𑖀𑖨𑖿𑖮𑖝𑖸 𑖭𑖦𑖿𑖧𑖎𑖿𑖭𑖽𑖤𑖲𑖟𑖿𑖠𑖯𑖧
𑖝𑖟𑖿𑖧𑖞𑖯: 𑖌𑖼 _ 𑖥𑖹𑖬𑖹𑖕𑖿𑖧𑖸 𑖥𑖹𑖬𑖹𑖕𑖿𑖧𑖸 𑖥𑖹𑖬𑖹𑖕𑖿𑖧 𑖭𑖦𑖲𑖟𑖿𑖐𑖝𑖸_ 𑖭𑖿𑖪𑖯𑖮𑖯
Namo bhagavate bhaiṣaijya-guru-vaiḍurya-prabha-rājāya tathāgatāya arhate samyaksaṃbuddhāya
Tadyathā: Oṃ _ Bhaiṣaijye bhaiṣaijye bhaiṣaijya samudgate_ svāhā
Bấy giờ, trong ánh sáng nói Chú này xong thì đại địa chấn động, phóng ánh sáng lớn, tất cả bệnh khổ của chúng sinh đều được tiêu trừ, thọ nhận niềm vui an ổn.
Này Mạn Thù Thất Lợi! Nếu thấy người nam, người nữ có bệnh khổ thì nên nhất tâm vì người bệnh ấy súc miệng sạch sẽ. Hoặc thức ăn, hoặc thuốc men, hoặc nước không có trùng… chú vào 108 biến rồi cho người ấy ăn uống thì hết thảy bệnh khổ thảy đều tiêu trừ.
Nếu có mong cầu, chỉ dùng tâm niệm tụng đều được như ý, không có bệnh, sống lâu, sau khi chết được sinh về Thế Giới ấy, được Bất Thoái Chuyển, cho đến Bồ Đề.
Chính vì thế cho nên, Mạn Thù Thất Lợi! Nếu có người nam, người nữ đối với Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, nên chí tâm ân trọng, cung kính, cúng dường, thường trì Chú này, đừng để quên mất.
Lại nữa, Mạn Thù Thất Lợi! Nếu kẻ trai lành, người nữ thiện có niềm tin trong sạch được nghe hết thảy danh hiệu của bảy Đức Phật Như Lai Ứng Chính Ðẳng Giác như trên. Nghe xong, tụng trì, sáng sớm nhai nhấm Xỉ Mộc, tắm rửa, súc miệng sạch sẽ, đem các hương hoa, hương bột, hương đốt, hương xoa bôi, tấu các kỹ nhạc cúng dường hình tượng. Ðối với Kinh Điển này, hoặc tự mình viết, hoặc dạy người viết, một lòng thọ trì, lắng nghe nghĩa ấy. Đối với vị Pháp Sư ấy cần phải cúng dường, tất cả hết thảy vật dụng của thân này thảy đều đem cho đừng để thiếu thốn. Như vậy liền được chư Phật hộ niệm, đầy đủ mọi nguyện cầu, cho đến Bồ Đề”.
Bấy giờ Mạn Thù Thất Lợi Đồng Tử bạch Phật rằng:”Thế Tôn ! Con ở thời Mạt Pháp, thề dùng mọi loại phương tiện khiến cho các kẻ trai lành, người nữ thiện có niềm tin trong sạch…được nghe danh hiệu của bảy Đức Phật cho đến trong giấc ngủ cũng dùng tên của Phật, khiến cho họ giác ngộ.
Thế Tôn ! Nếu đối với Kinh này, thọ trì, đọc tụng,. Hoặc lại vì người khác diễn nói mở bày. Hoặc tự mình viết, hoặc dạy người viết, cung kính tôn trọng. Đem mọi loại hoa, hương, hương xoa bôi, hương bột, hương đốt, vòng hoa, Anh Lạc, phan, lọng, kỹ nhạc.. để làm cúng dường. Dùng tơ lụa ngũ sắc làm cái túi bao Kinh lại, rồi an trí tại cái toà cao ở chỗ đã được rưới quét sạch sẽ. Khi ấy bốn vị Ðại Thiên Vương và quyến thuộc của họ cùng với vô lượng trăm ngàn Thiên Chúng đều đến chỗ đó cúng dường thủ hộ.
Thế Tôn ! Nếu nơi chốn có Kinh báu này lưu hành với có người thọ trì. Dùng Công Đức Bản Nguyện của bảy Đức Phật Như Lai ấy với nghe sức uy thần của danh hiệu. Nên biết chốn đó không có nạn chết đột ngột cũng lại chẳng bị các Quỷ Thần ác cướp đoạt tinh khí. Giả sử đã bị cướp đoạt cũng được hoàn lại như cũ, thân tâm an vui”.
Đức Phật bảo Mạn Thù Thất Lợi:” Như vậy ! Như vậy! Như ông đã nói.
Này Mạn Thù Thất Lợi ! Nếu kẻ trai lành, người nữ thiện có niềm tin trong sạch muốn cúng dường bảy Đức Như Lai ấy thì trước tiên nên tạo hình tượng của bảy Đức Phật, an trên Toà thượng diệu ở chỗ trong sạch rồi rải hoa, đốt hương, dùng các phướng phan trang nghiêm chỗ ấy. Bảy ngày bảy đêm thọ Trai Giới, ăn thức ăn trong sạch, tắm rửa thân thể, mặc áo mới sạch, tâm không có cấu trược cũng không có giận hại. Đối với các hữu tình thường khởi tâm lợi lạc, Từ Bi Hỷ Xả, Bình Đẳng. Tấu nhạc, đàn ca, khen ngợi, nhiễu quanh tượng Phật theo bên phải. Niệm hết thảy Bản Nguyện của Đức Như Lai ấy, đọc tụng Kinh này, suy tư ý nghĩa, diễn nói mở bày thì tuỳ theo ước nguyện. Cầu sống lâu được sống lâu, cầu giàu có được giàu có, cầu quan vị được quan vị, cầu con trai con gái được con trai con gái, tất cả đều vừa ý.
Nếu lại có người chợt bị mộng ác, thấy các tướng ác, hoặc chim quái đến tụ tập, hoặc ở nhà hiện ra trăm điều quái dị… Nếu người này đem mọi loại vật dụng thượng diệu cung kính cúng dường chư Phật ấy thì mộng ác, tướng ác, các việc chẳng tốt lành thảy đều ẩn mất, chẳng thể gây tai vạ.
Hoặc có sự sợ hãi về nước, lửa, đao, chất độc, bị treo ở nơi cao ngất, lời đi nguy hiểm, voi ác, sư tử, cọp, sói, gấu heo, gấu chó, rắn, bọ cạp, rít… Nếy hay chí tâm nhớ nghĩ Đức Phật ấy, cung kính cúng dường thời tất cả sự sợ hãi đều được giải thoát.
Nếu bị nước khác xâm lấn quấy nhiễu, trộm cướp, phản loạn… Nghĩ nhớ cung kính Đức Như Lai ấy thì hết thảy oán địch thảy đều lui tan.
Lại nữa, Mạn Thù Thất Lợi ! Nếu kẻ trai lành, người nữ thiện có niềm tin trong sạch, cho đến trọn đời chẳng phụng thờ hàng Trời khác. Chỉ nên một lòng quy y Phật Pháp Tăng, thọ trì Cấm Giới, hoặc năm Giới, mười Giới, 24 Giới của Bồ Tát, 250 Giới của Bật Sô, 500 Giới của Bật Sô Ni. Ở trong các Giới, hoặc có hủy phạm, sợ bị đọa vào nẻo ác. Nếu hay chuyên niệm danh hiệu của Đức Phật ấy, cung kính cúng dường thì quyết định chẳng bị sinh trong ba nẻo ác.
Hoặc có người nữ ngay lúc sinh sản chịu sự cực khổ. Nếu hay chí tâm xưng tên, lễ tán, cung kính cúng dường bảy Đức Phật Như Lai ấy thì mọi khổ đều trừ. Đứa con được sinh ra có dung mạo đoan chính, người nhìn thấy đều vui vẻ, lợi căn, thông minh, ít bệnh, an ổn, không có bị Phi Nhân cướp đoạt tinh khí”.
Bấy giờ đức Thế Tôn bảo A Nan (Ānanda) rằng:” Như Ta khen ngợi hết thảy danh hiệu, Công Đức của bảy Đức Thế Như Lai ấy. Đây là cảnh giới thâm sâu của chư Phật, khó thể hiểu thấu. Ông đừng sinh nghi ngờ ”
A Nan bạch rằng:” Thế Tôn ! Con đối với nghĩa sâu xa của Khế Kinh do Đức Như Lai đã nói, chẳng sinh nghi hoặc. Tại sao thế ? Vì Nghiệp thuộc thân, miệng, ý của tất cả Như Lai đều không có hư dối.
Thế Tôn ! Mặt trời, mặt trăng này có thể khiến cho rơi xuống. Núi vua Diệu Cao (Sumeru) có thể khiến cho nghiêng động, nhưng lời của chư Phật đã nói, rốt ráo không có sai khác.
Thế Tôn ! Nhưng có chúng sanh chẳng đủ Tín Căn, nghe nói cảnh giới thâm sâu của chư Phật, khởi suy nghĩ này: “Làm sao chỉ niệm danh hiệu của bảy Đức Phật liền được chừng ấy Công Đức thắng lợi?”. Do đây chẳng tin, liền sinh phỉ báng, kẻ ấy ở trong đêm dài mất lợi lạc lớn, bị đoạ lạc trong các nẻo ác”.
Đức Phật bảo A Nan:” Các hữu tình ấy nếu tai được nghe danh hiệu của chư Phật mà bị đọa vào nẻo ác thì không có chuyện đó.Chỉ trừ Định Nghiệp thời chẳng thể chuyển được.
Này A-Nan! Đây là cảnh giới thâm sâu của chư Phật, khó thể tin hiểu. Ông hay tin nhận, nên biết đều là uy lực của Như Lai.
Này A Nan ! Tất cả hàng Thanh Văn với Độc Giác đều chẳng thể biết, chỉ trừ hàng Nhất Sinh Bổ Xứ Bồ Tát.
Này A Nan! Thân người khó được, ở trong Tam Bảo tin kính tôn trọng cũng khó có thể được. Được nghe danh hiệu của bảy Đức Phật Như Lai còn khó hơn điều đó.
Này A Nan ! Vô lượng Hạnh Bồ Tát, vô lượng phương tiện khéo léo, vô lượng Nguyện rộng lớn của các Như Lai ấy. Hạnh Nguyện, phương tiện khéo léo như vậy, Ta nếu một kiếp hoặc hơn một kiếp, nói chẳng thể hết”.
Bấy giờ trong Chúng có vị Bồ Tát Ma Ha Tát tên là Cứu Thoát, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng:” Thế Tôn ! Ở đời Mạt Thế sau này, lúc Tượng Pháp chuyển, nếu có các chúng sanh bị các bệnh khổ dày vò, thân hình gầy ốm, chẳng thể ăn uống, miệng cổ khô ráo, mắt nhìn đều mờ tối, tướng chết hiện trước mặt, cha mẹ, thân thuộc, bạn bè, Tri Thức vây quanh khóc lóc. Thân nằm tại chỗ của mình, thấy Sứ của Diêm Ma Pháp Vương (Yama-dharma-rāja-ceṭa) dẫn Thần Thức ấy, đến chỗ của vua Diêm Ma. Xong các hữu tình có vị Thần Câu Sinh, tùy theo người ấy đã làm nghiệp Thiện Ác thảy đều biên chép đủ, rồi trao cho vị vuia ấy. Vua liền y theo Pháp hỏi việc người ấy đã làm, tùy theo tội phước mà phân xử.
Lúc đó thân thuộc tri thức của người bệnh, nếu hay vì người ấy, quy y chư Phật, dùng mọi thứ trang nghiêm, như Pháp cúng dường thì Thần Thức của kẻ ấy hoặc trải qua 7 ngày, hoặc 14 ngày, cho đến 49 ngày… như từ mộng tỉnh dậy, phục hồi tinh thần của mình, đều tự nhớ biết quả báo đã được của nghiệp Thiện, Bất Thiện. Do tự mình chứng thấy nghiệp báo chẳng hư dối cho đến bị mất mạng cũng chẳng tạo ác nữa. Chính vì thế cho nên kẻ trai lành, người nữ thiện có lòng tin trong sạch đều nên thọ trì danh hiệu của bảy Đức Phật, tuỳ theo sức làm được mà cung kính cúng dường”.
Khi ấy Cụ Thọ A Nan hỏi Cứu Thoát Bồ Tát rằng:”Thiện Nam Tử! Cung kính cúng dường bảy Đức Như Lai ấy thì Pháp đó như thế nào ?”
Cứu Thoát Bồ Tát nói:” Ðại Đức! Nếu có người bệnh với bị tai ách khác, muốn khiến cho thoát khỏi, nên vì người ấy, bảy ngày bảy đêm giữ tám Trai Giới. Nên đem thức ăn uống với vật dụng khác, tuỳ theo sức mà cúng Phật với Tăng, ngày đêm sáu thời cung kính lễ bái bảy Đức Phật Như Lai ấy, đọc tụng Kinh này 49 biến, thắp 49 ngọn đèn, làm bảy pho hình tượng của Đức Như Lai ấy, trước mỗi một Tượng đều để bảy ngọn đèn, bảy ngọn đèn ấy có dạng tròn như bánh xe, cho đến 49 đêm, ánh sáng chẳng dứt, làm 49 cành Phan đủ màu, mỗi cái dài 49 xích (thước tàu), thả 49 loài chúng sinh. Như vậy liền hay lìa tai ách nạn, chẳng bị các tai vạ Quỷ ác bắt giữ.
Đại Đức A Nan ! Đây là Pháp thức cúng dường Như Lai.
Nếu có người ở trong bảy Đức Phật này, tuỳ chọn một Đức Phật rồi xưng tên, cúng dường đều được vô lượng công đức như vậy, viên mãn điều nguyện cầu, huống chi là hay cúng dường đầy đủ.
Lại nữa, Đại Đức A Nan ! Nếu hàng Sát Đế Lợi Quán Đỉnh Vương, lúc có tai nạn xảy ra, nghĩa là chúng dân bị nạn bệnh dịch, nạn nước khác xâm bức, nạn phản nghịch ngay trong nước, nạn Tinh Tú biến ra nhiều điềm quái dị, nạn Nhật Thực Nguyệt Thực, nạn mưa gió chẳng đúng thời, nạn quá thời tiết không mưa. Vị Sát Đế Lợi Quán Đỉnh Vương ấy lúc đó nên đối với tất cả hữu tình, khởi tâm Từ Bi, phóng đại ân xá, tha cho chúng sinh bị giam cầm ở chỗ u tối khổ não, như Pháp Thức lúc trước, cúng dường chư Phật.
Do căn lành này với sức Bản Nguyện của Đức Như Lai ấy khiến cho quốc giới của vị vua ấy liền được an ổn, mưa gió đúng thời, lúa mạ được mùa. Trong nước, chúng sinh không có bệnh được an vui, tất cả tướng ác thảy đều ẩn mất. Vị Sát Đế Lợi Quán Đỉnh Vương ấy đều được tăng thêm lợi ích, sống lâu, sắc đẹp, mạnh khỏe, không có bệnh, được tự tại ”
Đại Đức A Nan ! Nếu Đế Hậu, Phi Chủ, Trữ Quân, Vương Tử, Đại Thần, Phụ Tướng, Trung Cung Nữ, trăm quan, người dân bị bệnh gây khổ với ách nạn khác…cũng nên kính làm hình tượng của bảy Đức Phật, đọc tụng Kinh này, thắp đèn, làm Phan, thả các sinh mệnh, chí thành cúng dường, rải hoa liền được tiêu trừ bệnh khổ, thoát khỏi mọi nạn”
Bấy giờ, Cụ Thọ A Nan hỏi Cứu Thoát Bồ Tát rằng:”Thiện Nam Tử! Vì sao mạng sống đã hết mà có thể tăng thêm ích lợi ?”
Cứu Thoát Bồ Tát nói:” Đại Đức ! Ngài há chẳng nghe Đức Như Lai nói có chín cách chết đột ngột sao ? Do đó Đức Thế Tôn nói Chú, thuốc tuỳ theo việc mà cứu chữa, thắp đèn, làm Phan tu các nghiệp Phước. Do tu Phước cho nên được kéo dài thọ mạng”.
A Nan hỏi rằng:”Thế nào là chín cách chết đột ngột ?”
Cứu Thoát Bồ Tát nói:
_Thứ nhất là: Có các hữu tình bị bệnh tuy nhẹ nhưng không có Y Dược với người chăm sóc bệnh, giả sử có gặp người làm thuốc chẳng trao cho thuốc ấy, thật chẳng chẳng đáng chết mà liền chết đột ngột. Lại tin Thầy của yêu nghiệt, Ngoại Đạo, Tà Ma trong thế gian, vọng nói hoạ phước, liền sinh sợ hãi. Tâm chẳng tự chính, bói hỏi tốt xấu, giết các chúng sinh, cầu Thần giải tấu, hô gọi các Võng Lượng, thỉnh xin Phước, cầu ban cho sự ham muốn (ân dục), cầu sống lâu.., cuối cùng chẳng thể được. Ngu mê, kiến thức không đúng (đảo kiến) liền khiến bị chết đột ngột, vào ở Địa Ngục không có kỳ ra.
Thứ hai là bị giết chết bởi Vương Pháp.
Thứ ba là: đi săn bắn, vui chơi, ham dâm thích rượu, phóng dật không có độ nên chết đột ngột vì bị Phi Nhân cướp đoạt tinh khí.
Thứ tư là: chết đột ngột vì bị lửa thiêu đốt.
Thứ năm là: chết đột ngột vì bị nước cuốn chìm.
Thứ sáu là: chết đột ngột vì bị mọi loại thú ác ăn nuốt .
Thứ bảy là: chết đột ngột vì bị rơi từ vách núi.
Thứ tám là: chết đột ngột vì bị thuốc độc, Yểm Đảo, Chú Trớ, Khởi Thi Quỷ…gây hại.
Thứ chín là: bị đói khát vây khốn, chẳng được ăn uống mà liền chết đột ngột.
Ðây là Đức Như Lai lược nói chết đột ngột có chín loại này. Ngoài ra còn có vô lượng các cách chết đột ngột, khó thể nói đủ “.
Lại nữa, A Nan! Vua Diêm Ma (Yama-rāja) có sổ sách ghi chép hết thảy danh tịch trong thế gian. Nếu các hữu tình bất hiếu, ngũ nghịch, hủy nhục Tam bảo, hoại phép vua quan, phá hoại giới cấm… thì Diêm Ma Pháp Vương (Yama-dharma-rāja) tùy theo tội nặng nhẹ, khảo xét mà trị phạt. Chính vì thế cho nên nay Ta khuyên các hữu tình thắp đèn, làm phan, phóng sanh, tu phước để vượt qua khỏi khổ ách, chẳng còn gặp mọi nạn”
Lúc đó trong Chúng có mười hai vị Đại Tướng Dược Xoa đều ngồi ngay trong Hội, tên các vị ấy là: Ðại Tướng Cung Tỳ La (Kumbhīra), Đại Tướng Bạt Chiết La (Vajra), Đại Tướng Mê Xí La (Mihira), Đại Tướng Át Nể La (Andira), Đại Tướng Mạt Nễ La (Majira), Đại Tướng Sa Nể La (Śandira), Đại Tướng Nhân Ðà La (Indra), Đại Tướng Ba Di La (Pajra), Đại Tướng Bạc Hô La (Makura), Đại Tướng Chân Ðạt La (Siṇḍura), Đại Tướng Chu Ðỗ La (Catura), Đại Tướng Tỳ Yết La (Vikarala).
Mười hai vị Đại Tướng Dược Xoa này, mỗi một vị đều có bảy ngàn Dược Xoa dùng làm quyến thuộc, cùng lúc cất tiếng bạch với Đức Phật rằng:” Thế Tôn ! Nay chúng con nương vào uy lực của Đức Phật, được nghe danh hiệu của bảy Đức Phật Như Lai nên chẳng còn sợ hãi nẻo ác nữa. Tướng Soái chúng con đều đồng một lòng, cho đến hết đời quy y Phật Pháp Tăng, thề sẽ gánh vác tất cả hữu tình để làm các việc nghĩa lợi, nhiêu ích, an vui. Tùy theo những chỗ nào, thành, ấp, làng xóm,Không Nhàn, trong rừng … Nếu có Kinh này lưu bố, đọc tụng hoặc lại có người thọ trì danh hiệu của bảy Đức Phật, cung kính cúng dường thì quyến thuộc của chúng con đều hộ vệ người đó, đều khiến cho thoát khỏi mọi nạn. Hết thảy nguyện cầu đều khiến cho đầy đủ. Hoặc có tật ách, cầu vượt thoát cũng nên đọc tụng Kinh này, dùng sợi tơ năm màu kết danh tự của con. Được như nguyện xong, sau đó mở gút kết”
Bấy giờ Đức Thế Tôn khen các Đại Tướng Dược Xoa rằng:”Lành thay ! Lành thay Đại Dược Xoa Tướng ! Các ông nhớ báo ân đức của bảy Đức Phật Như Lai thường nên như vậy làm lợi ích an vui cho tất cả hữu tình”.
Khi ấy trong Hội có nhiều Thiên Chúng có Trí Tuệ yếu kém, suy nghĩ như vầy:”Làm sao mà cách đây hơn Hằng Hà sa các Thế Giới Phật chỉ tạm nghe tên của Như Lai hiện tại liền được vô biên Công Đức thù thắng?”.
Bấy giờ Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai biết tâm niệm của các Thiên Chúng, liền nhập vào Cảnh Triệu Nhất Thiết Như Lai Thậm Thâm Diệu Định. Vừa vào Định xong, tất cả ba ngàn Đại Thiên Thế Giới chấn động theo sáu cách, tuôn mưa hoa màu nhiệm của cõi Trời với hương bột của cõi Trời.
Bảy Đức Như Lai ấy thấy tướng đó xong, đều từ nơi nước của mình đi đến Thế Giới Sách Ha (Saha-loka-dhātu) cùng với Đức Thích Ca Như Lai thăm hỏi lẫn nhau.
Thời Đức Phật Thế Tôn do sức Bản Nguyện của đời trước nên mỗi mỗi đều từ trên Tòa Sư Tử được trang nghiêm bằng vật báu của cõi Trời, tùy theo chỗ mà ngồi yên. Các chúng Bồ Tát, tám Bộ Trời Rồng, Người, Phi Nhân, quốc vương, vương tử, Trung Cung Phi Hậu và các đại thần, Bà La Môn, Trưởng Giả, Cư Sĩ trước sau vây quanh để nghe nói Pháp. Khi các Thiên Chúng thấy Đức Như Lai ấy đều đã vân tập, sinh hiếm có lớn, liền trừ nghi hoặc
Thời các Đại Chúng khen:”Thật chưa từng có ?” rồi đồng thanh khen rằng:”Lành thay ! Lành thay ! Đức Thích Ca Như Lai làm lợi ích cho chúng để trừ niệm nghi ngờ, khiến Như Lai ấy đều đến nơi này”.
Lúc đó, các Đại Chúng đều tùy theo sức của mình, đem hương hoa màu nhiệm và mọi Anh Lạc, kỹ nhạc của chư Thiên cúng dường Đức Như Lai, nhiễu quanh theo bên phải bảy vòng, chắp tay, lễ kính, khen rằng:” Thật hiếm có ! Thật hiếm có ! Cảnh giới thâm sâu của chư Phật Như Lai chẳng thể nghĩ bàn. Do sức Nguyện, phương tiện khéo léo trước kia mà cùng hiện ra tướng khác lạ như vậy”
Khi ấy Đại Chúng mỗi mỗi đều phát Nguyện :”Nguyện cho các chúng sinh đều được Như Lai Thắng Định như vậy”.
Lúc đó Mạn Thù Thất Lợi liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính, nhiễu quanh Đức Phật bảy vòng, lễ hai bàn chân của Đức Phật rồi bạch rằng:”Thế Tôn ! Lành thay ! Lành thay ! Sức Ðịnh của Như Lai chẳng thể nghĩ bàn. Do sức Bản Nguyện, phương tiện khéo léo thành tựu chúng sinh. Nguyện xin vì con nói Đại Lực Thần Chú hay khiến cho chúng sinh Phước mỏng đời sau bị bệnh não ràng buộc, hết thảy ách nạn về mặt trời, mặt trăng, Tinh Tú, bệnh dịch, oán ác với đi đường nguy hiểm gặp các điều đáng sợ… để làm nơi nương tựa khiến cho được an ổn. Các chúng sinh ấy đối với Thần Chú này, hoặc tự mình viết, hoặc dạy người viết, thọ trì, đọc tụng, rộng vì người khác nói thì thường được chư Phật hộ niệm. Đức Phật tự hiện thân khiến cho Nguyện đầy đủ, chẳng bị đọa vào nẻo ác, cũng không có chết đột ngột”.
Thời các Như lai khen Mạn Thù Thất Lợi rằng:”Lành thay ! Lành thay ! Sức uy thần của chúng ta như vậy khiến cho ông khuyến thỉnh, thương xót chúng sinh lìa các khổ nạn mà nói Thần Chú. Ông hãy lắng nghe ! Hãy khéo suy nghĩ ! Ta sẽ vì ông mà nói.
Này Mạn Thù thất Lợi ! Có Đại Thần Chú tên là Như Lai Ðịnh Lực Lưu Ly Quang. Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện viết chép, đọc tụng, cung kính cúng dường, đối với các Hàm Thức khởi Tâm Đại Bi thời hết thảy nguyện cầu đều được đầy đủ. Chư Phật hiện thân để hộ niệm, lìa chướng não, sẽ sinh vào cõi Phật”.
Thời bảy Đức Như Lai dùng một âm thanh, liền nói Chú là:
“Ðát điệt tha: Cụ mê cụ mê, khánh ni mê, nị hứ, mạt để mạt để, cấp đa đát tha yết đa, tam ma địa, át để sắt sỉ đế, át đế, mạt đế, ba lệ ba bả, du đãn nễ, tát bà ba bả, na thế giả, bột thê, bột đồ xướng đáp mê, ổ mê, củ mê, phất đạc khí đát la, bát lý du đãn nễ, đàm mê, nật đàm mê, mê lỗ mê lỗ, mê lư thi khiết lệ, tát bà ca la, mật lật đổ, ni bà lại nễ, bột đề, tô bột thê, phật đà, át đề sắt sá nê na, hạt lạc xoa, đổ mê, tát bà đề bà, tam mê, át tam mê, tam mạn noa, Hán lan đổ, mê, tát bà phật đà, bồ đề tát đỏa, thiêm mê thiêm mê, bát lạt thiêm mê mạn đổ, mê, tát bà y để, ổ ba đạt bà, tát bà tỳ hà đại dã, tát bà tát đỏa nan giả, phủ lan nê, phủ lan nê, phủ lan dã mê, tát bà a xá, bệ lưu ly dã, bát lợi để bà tế, tát bà ba bả, trước dương yết lệ, toa ha”.
𑖝𑖟𑖿𑖧𑖞𑖯: 𑖎𑖲𑖦𑖸 𑖎𑖲𑖦𑖸 𑖂𑖡𑖰𑖦𑖸 𑖜𑖰𑖮𑖰 _ 𑖦𑖝𑖰 𑖦𑖝𑖰_ 𑖭𑖢𑖿𑖝-𑖝𑖞𑖯𑖐𑖝-𑖭𑖦𑖯𑖠𑖰 𑖀𑖠𑖰𑖬𑖿𑖙𑖰𑖝𑖸
Tadyathā: kume kume _inime ṇihi _ mati mati_ sapta-tathāgata-samādhi adhiṣṭhite
𑖀𑖝𑖸 𑖦𑖝𑖸 𑖢𑖨𑖰𑖢𑖯𑖢 𑖫𑖺𑖠𑖡𑖸_ 𑖭𑖨𑖿𑖪 𑖢𑖯𑖢 𑖡𑖯𑖫𑖧
Ate mate paripāpa śodhane_ sarva pāpa nāśaya
𑖤𑖲𑖟𑖿𑖠𑖸 𑖤𑖲𑖟𑖿𑖠-𑖄𑖝𑖿𑖝𑖦𑖸 𑖄𑖦𑖸 𑖎𑖲𑖦𑖸 𑖤𑖲𑖟𑖿𑖠-𑖎𑖿𑖬𑖝𑖿𑖨 𑖢𑖨𑖰𑖫𑖺𑖠𑖡𑖸
Buddhe buddha-uttame ume kume buddha-kṣatra pariśodhane
𑖠𑖨𑖿𑖦𑖸 𑖡𑖰𑖠𑖨𑖿𑖦𑖸 𑖦𑖸𑖨𑖺 𑖦𑖸𑖨𑖺 𑖦𑖸𑖨𑖲𑖫𑖰𑖏𑖨𑖸 _ 𑖭𑖨𑖿𑖪 𑖎𑖯𑖩-𑖦𑖴𑖝𑖿𑖧𑖲 𑖡𑖰𑖪𑖯𑖨𑖜𑖰
Dharme nidharme mero mero meruśikhare _ sarva kāla-mṛtyu nivāraṇi
𑖤𑖲𑖟𑖿𑖠𑖰𑖬𑖲 𑖤𑖲𑖟𑖿𑖠𑖸 𑖤𑖲𑖟𑖿𑖠- 𑖀𑖠𑖰𑖬𑖿𑖙𑖡𑖸𑖡 𑖨𑖎𑖿𑖬 𑖝𑖲𑖦𑖸
Buddhiṣu buddhe buddha- adhiṣṭhanena rakṣa tume
𑖭𑖨𑖿𑖪 𑖟𑖸𑖪𑖯 𑖭𑖦𑖸 𑖀𑖭𑖦𑖸 _ 𑖭𑖦𑖡𑖿-𑖪𑖯-𑖮𑖨𑖡𑖿𑖝𑖲 𑖦𑖸
Sarva devā same asame _ saman-vā-harantu me
𑖭𑖨𑖿𑖪 𑖤𑖲𑖟𑖿𑖠 𑖤𑖺𑖠𑖰-𑖭𑖝𑖿𑖪 𑖫𑖦𑖸 𑖫𑖦𑖸 𑖢𑖿𑖨𑖫𑖦𑖿𑖧𑖡𑖿𑖝𑖲 𑖦𑖸
Sarva buddha bodhi-satva śame śame praśamyantu me
𑖭𑖨𑖿𑖪 𑖃𑖝𑖱 𑖄𑖢𑖠𑖯𑖪
Sarva ītī upadhāva
𑖭𑖨𑖿𑖪 𑖪𑖿𑖧𑖯𑖠𑖡 𑖭𑖨𑖿𑖪 𑖭𑖝𑖿𑖪𑖯𑖡𑖯𑖽𑖓 𑖢𑖳𑖨𑖜𑖸 𑖢𑖳𑖨𑖜𑖸 𑖢𑖳𑖨𑖧 𑖦𑖸
Sarva vyādhana sarva satvānāṃca pūraṇe pūraṇe pūraya me
𑖭𑖨𑖿𑖪 𑖁𑖫𑖯 𑖪𑖹𑖚𑖲𑖨𑖿𑖧-𑖢𑖿𑖨𑖥𑖯𑖭𑖸
Sarva āśā vaiḍurya-prabhāse
𑖭𑖨𑖿𑖪 𑖢𑖯𑖢 𑖎𑖿𑖬𑖧𑖽-𑖎𑖨𑖸 _ 𑖭𑖿𑖪𑖯𑖮𑖯
Sarva pāpa kṣayaṃ-kare _ svāhā
Khi bảy Đức Phật nói Chú này thời ánh sáng chiếu khắp, đại địa chấn động, mọi loại Thần Biến đều hiện ra cùng một lúc. Thời các Đại Chúng thấy việc này xong, mỗi mỗi đều tùy theo sức, đem hoa thơm, hương xoa bôi, hương bột của cõi Trời, dâng lên Đức Phật ấy, đều cùng xướng lên: “Lành thay!”, rồi nhiễu quanh theo bên phải bảy vòng.
Đức Phật Thế Tôn ấy đồng thanh xướng lên rằng:”Các ông ! Tất cả Đại Chúng Trời Người nên biết như vậy. Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện, hoặc vua, vương tử, phi hậu, đại thần, quan lại, lê dân… nếu đối với Chú này mà thọ trì, đọc tụng, lắng nghe, diễn nói. Đem hương hoa màu nhiệm cúng dường quyển Kinh, mặc áo sạch mới, ở nơi thanh tịnh, giữ gìn tám Trai Giới. Đối với các Hàm Thức thường sanh lòng thương xót, cúng dường như vậy được vô lượng Phước.
Hoặc lại có người có điều cầu nguyện, cần phải làm hình tượng của bảy Đức Phật này, đặt ở chỗ sạch sẽ. Đem các hương hoa, treo lụa màu, phan, lọng, thức ăn uống thượng diệu với các kỹ nhạc để làm cúng dường kèm cúng dường Bồ Tát, chư Thiên. Ở trước tượng Phật ngồi ngay thẳng tụng Chú, ở trong bảy ngày giữ gìn tám Trai Giới, tụng đủ một ngàn lẻ tám biến (1008) thì các Đức Như Lai với các Bồ Tát ấy thảy đều hộ niệm. Chấp Kim Cương Bồ Tát và các hàng Thích, Phạm, bốn vị Thiên Vương… cũng đến hộ vệ người này, hết thảy năm tội Vô Gián và tất cả nghiệp chướng thảy đều tiêu diệt, không có bệnh, sống lâu, cũng không bị chết đột ngột với các bệnh dịch. Trộm cướp ở nơi khác muốn đến xâm lăng, đấu tranh, chiến trận, kiện cáo, thù hằn, thiếu ăn, hạn hán…. những việc đáng sợ như vậy , tất cả đều trừ hết, cùng nhau khởi tâm hiền lành giống như cha mẹ. Hết thảy nguyện cầu không có gì chẳng vừa ý.
Bấy giờ Chấp Kim Cương Bồ Tát (Vajra-dhāra-bodhisatva), Thích (Indra), Phạm (Brahma), bốn vị Thiên Vương (Caturdeva-rāja), từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính, lễ bàn chân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Śākyamuṇi-buddha) rồi bạch rằng:” Thế Tôn! Ðại Chúng chúng con đều đã được nghe Bản Nguyện, Công Đức thù thắng của chư Phật với thấy chư Phật Từ Bi đến nơi này, khiến cho con với chúng sinh gần gũi nương theo cúng dường.
Thế Tôn ! Nếu ở chốn nào có Kinh Điển này với tên, Đà La Ni Pháp của bảy Đức Phật lưu thông, cúng dường cho đến viết chép thì chúng con thảy đều nương theo uy lực của Đức Phật liền đến chốn ấy ủng hộ nơi ấy. Chẳng để cho quốc vương, đại thần, thành ấp, làng xóm, người nam, người nữ…bị mọi khổ với các bệnh tật gây não loạn, thường được an ổn, đầy đủ tiền của thức ăn. Tức là chúng con báo ân của chư Phật.
Thế Tôn! Chúng con gần gũi ở trước mặt Đức Phật, tự lập lời thề trọng yếu: “Nếu kẻ trai lành, người nữ thiện có niềm tin trong sạch, nhớ nghĩ đến con, nên tụng Chú này”.
Liền nói Chú là:
“Ðát điệt tha: Ác lâu, mạt lâu, đát la lâu, ma ma lâu, cụ sái, ha hô hề, mạt la mạt la mạt la, khẩn thọ sái, bố sái, toa ha”.
𑖝𑖟𑖿𑖧𑖞𑖯: 𑖀𑖎𑖲 𑖦𑖎𑖲 𑖝𑖨𑖎𑖲 𑖦𑖦𑖎𑖲 𑖎𑖲𑖨𑖸 _ 𑖮 𑖮𑖺 𑖮𑖸_ 𑖦𑖨 𑖦𑖨 𑖦𑖨 _ 𑖢𑖲𑖓𑖲𑖨𑖸 𑖢𑖲𑖨𑖸 _ 𑖭𑖿𑖪𑖯𑖮𑖯
Tadyathā: Aku maku taraku mamaku kure _ ha ho he_ mara mara mara _ pucure pure _ svāhā
Nếu kẻ trai lành, người nữ thiện có niềm tin trong sạch, quốc vương, vương tử, đại thần, phụ tướng, trung cung cung nữ…. tụng tên của bảy Đức Phật với Thần Chú này, đọc tụng, viết chép, cung kính cúng dường thì ngay đời này đều được không có bệnh, sống lâu, lìa mọi khổ não, chẳng bị đọa trong ba nẻo ác, được Bất Thoái Chuyển, cho đến Bồ Đề, tùy ý thọ sinh về cõi nước của chư Phật ấy, thường thấy chư Phật, được Túc Mệnh Trí, Niệm, Định, Tổng Trì…..không có gì chẳng đầy đủ.
Nếu bị bệnh Quỷ, bệnh sốt rét…. nên viết Chú này cột buộc phía sau khuỷu tay. Nếu bệnh khỏi rồi thì để ở chỗ sạch sẽ”.
Khi ấy Chấp Kim Cương Bồ Tát đi đến chỗ của bảy Đức Phật, nhiễu quanh theo bên phải ba vòng, đều duỗi thân lễ kính, rồi bạch rằng:”Thế Tôn! Nguyện xin Từ Bi hộ niệm cho con. Nay con vì muốn lợi ích cho người nam, người nữ ở đời vị lai gìn giữ Kinh này. Con sẽ vì họ nói Đà La Ni Chú”
Thời bảy Đức Phật khen Chấp Kim Cương rằng:”Lành thay! Lành thay! Chấp Kim Cương ! Ta gia hộ cho ông có thể nói Thần Chú để hộ giúp người trì Kinh ở đời vị lai, khiến cho không có mọi khổ não, được đầy đủ việc mong cầu “.
Thời Chấp Kim Cương Bồ Tát liền nói Chú là:
“Nam ma cấp đa nam, tam miệu tam phật đà nam.
Nam ma tát bà bạt chiết la đạt la nam
Đát điệt tha: Án, bạt chiết sái, bạt chiết sái, mạc ha bạt chiết sái, bạt chiết la ba xả, đà lại nễ, tam ma tam ma, tam mạn đa, a bát lại để hát đa, bạt chiết sái, thiêm ma thiêm ma, bát la thiêm mạn đổ mê, tát bà tỳ a đại dã, củ lỗ củ lỗ, tát bà yết ma, a phạt lại noa nễ xoa dã, tam ma dã, mạt nô tam mạt la, bộ già bạn bạt chiết la ba nễ, tát bà xá mê bát lý bô lại dã, toa ha”.
𑖡𑖦𑖺 𑖭𑖢𑖿𑖝𑖯𑖡𑖯𑖽-𑖭𑖦𑖿𑖧𑖎𑖿𑖭𑖽𑖤𑖲𑖟𑖿𑖠
Namo saptānāṃ-samyaksaṃbuddha
𑖡𑖦𑖺 𑖭𑖨𑖿𑖪 𑖪𑖕𑖿𑖨-𑖠𑖯𑖨𑖯𑖜𑖯𑖽
Namo sarva vajra-dhārāṇāṃ
𑖝𑖟𑖿𑖧𑖞𑖯: 𑖌𑖼_ 𑖪𑖕𑖿𑖨𑖸 𑖪𑖕𑖿𑖨𑖸 𑖦𑖮𑖯-𑖪𑖕𑖿𑖨𑖸 _ 𑖪𑖕𑖿𑖨-𑖢𑖯𑖫-𑖠𑖯𑖨𑖜𑖰 _ 𑖭𑖦 𑖀𑖭𑖦 𑖭𑖦𑖡𑖿𑖝 𑖀𑖢𑖿𑖨𑖝𑖰𑖮𑖝 𑖪𑖕𑖿𑖨𑖸_ 𑖫𑖦 𑖫𑖦 𑖢𑖿𑖨𑖫𑖦𑖦𑖿𑖧𑖡𑖿𑖝𑖲 _ 𑖭𑖨𑖿𑖪 𑖪𑖿𑖧𑖯𑖠𑖧 𑖎𑖲𑖨𑖲 𑖎𑖲𑖨𑖲_ 𑖭𑖨𑖿𑖪 𑖎𑖨𑖿𑖦 𑖀𑖢𑖿𑖨𑖯𑖜𑖡𑖱 𑖎𑖿𑖬𑖧 𑖭𑖦𑖧𑖦𑖿-𑖀𑖡𑖲𑖭𑖿𑖦𑖨 _ 𑖥𑖐𑖪𑖽 𑖪𑖕𑖿𑖨-𑖢𑖯𑖜𑖰 _ 𑖭𑖨𑖿𑖪 𑖁𑖫𑖯 𑖦𑖸 𑖢𑖨𑖰𑖢𑖳𑖨𑖧 _ 𑖭𑖿𑖪𑖯𑖮𑖯
Tadyathā: Oṃ_ vajre vajre mahā-vajre _ vajra-pāśa-dhāraṇi _ sama asama samanta apratihata vajre_ śama śama praśamamyantu _ sarva vyādhaya kuru kuru_ sarva karma aprāṇanī kṣaya samayam-anusmara _ bhagavaṃ vajra-pāṇi _ sarva āśā me paripūraya _ svāhā
Thế Tôn! Nếu lại có người trì tên của bảy Đức Phật, nhớ nghĩ Bản Nguyện, Công Đức của Đức Phật ấy kèm trì Chú này, đọc tụng, diễn nói thời con khiến cho ước nguyện của người ấy được đầy đủ, không có chỗ thiếu thốn.
Nếu muốn thấy con để hỏi việc Thiện Ác, cần phải viết chép Kinh này, làm hình tượng của bảy Đức Phật và tượng của Chấp Kim Cương Bồ Tát đều an Xá Lợi của Phật trong thân tượng, ở trước mặt tượng này làm mọi loại cúng dường như trên đã nói; lễ bái, nhiễu quanh. Đối với chúng sinh xứ, khởi Tâm Từ Bi, thọ nhận tám Trai Giới, mỗi ngày chia làm ba thời, tắm gội sạch sẽ, ba thời mặc áo riêng, từ ngày mồng tám của kỳ Bạch Nguyệt cho đến ngày mười lăm, mỗi ngày tụng Chú 108 biến, tâm không có tán loạn thời con ở trong giấc mộng liền tự hiện thân nói chuyện với người đó, tùy theo việc mong cầu đều khiến cho đầy đủ”.
Thời trong Đại Hội có các Bồ Tát thảy đều xướng lên rằng:”Lành thay ! Lành thay Chấp Kim Cương ! Đà La Ni chẳng thể nghĩ bàn, thật là khéo nói”.
Lúc đó bảy Đức Như Lai nói lời như vầy:”Chúng ta hộ giúp Thần Chú mà ông đã nói, vì muốn nhiêu ích cho tất cả chúng sanh đều được an vui, đầy đủ việc cầu nguyện, chẳng để cho Chú này ẩn mất nơi đời”.
Bấy giờ bảy Đức Phật bảo với các Bồ Tát, Thích, Phạm, bốn vi Thiên Vương rằng:”Nay Ta nay đem Thần Chú này giao phó cho các ông kèm với quyển Kinh này ở đời vị lai sau 500 năm, khi Pháp sắp diệt thời các ông nên hộ trì Kinh này. Uy lực của Kinh này lợi ích rất nhiều, hay trừ mọi tội, nguyện lành đều vừa ý. Đừng đối với chúng sinh Phước mỏng, phỉ báng Chính Pháp, chế diễu Hiền Thánh mà trao cho Kinh này, khiến cho Chính Pháp mau diệt.
Khi ấy, Bảy Đức Phật Thế Tôn ở phương Ðông thấy Đại Chúng này đã làm xong việc cần làm, cơ duyên đã đầy đủ, không còn tâm nghi ngờ nên đều quay trở lại cõi nước của mình, ở trên tòa ấy đột nhiên chẳng hiện.
Bấy giờ Cụ Thọ A Nan Ðà liền từ chỗ ngồi đứng dậy, lạy hai bàn chân của Đức Phật, quỳ gối phải sát đất, chắp tay cung kính rồi bạch Phật rằng:”Thế Tôn! Nên dùng tên gì gọi Kinh này ? Chúng con thọ trì như thế nào?”
Đức Phật bảo:”Này A Nan Đà ! Kinh này có tên gọi là Thất Phật Như Lai Ứng Chính Đẳng Giác Bản Nguyện Công Đức Thù Thắng Trang Nghiêm, cũng có tên là Mạn Thù Thất Lợi Sở Vấn, cũng có tên là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bản Nguyện Công Đức, cũng có tên là Chấp Kim Cương Bồ Tát Phát Nguyện Yếu Kỳ, cũng có tên là Tịnh Trừ Nhất Thiết Nghiệp Chướng, cũng có tên là Sở Hữu Nguyện Cầu Giai Đắc Viên Mãn, cũng có tên là Thập Nhị Đại Tướng Phát Nguyện Hộ Trì. Danh tự như vậy, ông nên phụng trì”.
Khi Đức Bạc Già Phạm nói Kinh đó xong, thời các Đại Bồ Tát với chúng Thanh Văn, Trời (Deva), Rồng (Nāga), Dược Xoa (Yakṣa), Kiện Thát Bà (Gandharva), A Tô La (Asura),Yết Lộ Trà (Garuḍa), Khẩn Na La (Kiṃnara), Mạc Hô Lạc Già (Mahoraga), Người (Manuṣya), Phi Nhân (Amanuṣya), tất cả Đại Chúng…. nghe điều Đức Phật đã nói đều rất vui vẻ, tin nhận phụng hành.
KINH BẢN NGUYỆN CÔNG ĐỨC
CỦA BẢY ĐỨC PHẬT DƯỢC SƯ LƯU LY QUANG
_QUYỂN HẠ_
Hiệu chỉnh xong một Bộ gồm hai quyển vào ngày 17/01/2012