KIM CANG TÔNG THÔNG
Nam Nhạc Sơn Trương Kim Giản
Tăng Phụng Nghi Thuấn Trưng Thiết Đề
THÍCH NHUẬN CHÂU chuyển ngữ Việt văn

 

Tựa

Kinh Kim Cang Là bộ Kinh quan trọng của tư tưởng Đại thừa. Từ tư tưởng chủ đạo của Kinh nầy mà hình thành nên những tông phái như Trung quán, Duy thức, Tam luận tông. Những pháp môn tu tập như Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật tông… đều rút tỉa những tư tưởng chính trong Kinh để hành trì nhằm nhận ra chân tâm, hàng phục vọng tâm và an trụ trong bản tâm. Và chính là qua Kinh nầy mà giáo lý Bát-nhã được nghiên cứu cũng như hành trì sâu rộng.

Chúng ta biết được sự truyền thừa của kinh nầy qua việc ấn chứng từ Ngũ tổ Hoằng Nhẫn cho ngài Huệ Năng. Trước đó, từ Sơ tổ Bồ-đề Đạt-ma truyền cho ngài Huệ Khả, ngài truyền Kinh Lăng Già để làm tâm ấn.

Nhưng từ Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, Thiền tông đã khởi sắc và phát triển theo một chiều hướng mới để thích nghi với căn cơ và nền tảng văn hóa Trung Hoa, nên Ngài mới dùng Kinh Kim Cang để truyền thừa thay vì kinh Lăng-già. Từ đó, Kinh Kim Cang đã đóng một vai trò đặc biệt rất then chốt trong sự lan toả mạnh mẽ của Phật giáo cũng như Thiền tông Trung Hoa và sau đó lan rộng ra các nước Đông Nam Á.

Khi Thiền tông đã đưa Phật giáo Trung Hoa đến đỉnh cao nhất thì cũng là lúc Kinh Kim Cang được chú ý đến nhiều nhất của mọi giới, từ giới hành trì tu chứng cho đến giới trí thức học giả chuyên nghiên cứu Phật giáo. Trào lưu nầy đã đẩy mạnh việc phiên dịch Kinh Kim Cang đến chỗ hoàn chỉnh nhất với sáu bản dịch từ tiếng Sanskrit sang Hán văn. Và số bản dịch ấy, cho đến ngày nay vẫn không tăng thêm một bản nào được xem là có giá trị ngang tầm với 6 bản đó, đã chứng thực cho nhân định nầy.

Sáu bản dịch đó, được sắp xếp theo thời gian như sau:

1. Cưu-ma-la-thập (s: Kumārajīva): nhan đề Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật Kinh, được dịch đầu thế kỷ 5 (Đại Chính Tạng, tập 8).

2. Bồ-đề Lưu-chi (s: Bodhiruci): Nhan đề Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật Kinh. Dịch đầu thế kỷ 6–Niên hiệu Vĩnh Bình nguyên niên –508)

3. Chân Đế (s: Paramārtha; 499-569. Nhan đề Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật Kinh. Dịch vào giữa thế kỷ 6–

4. Cấp-đa, (s: Dharmagupta, (590-619), Hán dịch Pháp Mật). Tên kinh Kim Cang Năng Đoạn Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh. Dịch vào cuối thế kỷ 6

5. Huyền Tráng: Tên kinh Năng Đoạn Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh, Dịch vào giữa thế kỷ 7.

6. Nghĩa Tịnh (635-713). Tên kinh Phật Thuyết Năng Đoạn Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh. Dịch vào đầu thế kỷ 8. Dịch từ Sanskrit sang tiếng Anh: Có 1 bản dịch: của Edward Conze, Luân đôn, 1957. Bản dịch Việt của Lệ Pháp.

Còn nhiều bản dịch tiếng Anh của nhiều tác giả khác, nhưng phần nhiều đều dịch từ bản tiếng Hán của ngài Cưu-ma-la-thập.

Chỉ có bản của dịch của Edward Conze là dịch từ tiếng Sanskrit, có tính nguyên uỷ hơn, và tất nhiên được giới nghiên cứu căn cứ nhiều hơn.

Khi một bản Kinh đã có sự định hướng cũng như khơi động rất mạnh tận chiều sâu tâm thức con người như vậy, tất sẽ có các pháp môn tu tập hình thành từ Kinh Kim Cang, từ đó phải cần có những luận giải, chú thích, giảng luận về bộ kinh nầy để đáp ứng cho việc hành trì. Chính Lục tổ Huệ Năng, đương thời cũng đã dùng Kinh Kim Cang để giảng giải và sau nầy, môn đệ đã ghi chép lại thành một tập, nhan đề là Kinh Kim Cang Khẩu quyết.

Các bản luận giải tạm ghi nhận như sau:

*Tiếng Sanskrit:

– Bát thập kệ của Bồ-tát Di-lặc. Còn gọi Di-lặc Bồ-tát tụng.

– Kim cang Bát-nhã Luậncủa Ngài Vô Trước.

– Kim cang Bát-nhã Ba-la-mật-đa Kinh Luận của Ngài Thế Thân.

– Kim cang Bát-nhã Ba-la-mật-đa Kinh Phá thủ tướng Bất hoại Giả danh Luận của ngài Công Đức Thi

*Tiếng Hán:

-Kim cang kinh chú của ngài Tăng Triệu, đời Hậu Tần.

– Kim cang Kinh nghĩa sớcủa ngài Cát Tạng. Đời Tuỳ.

– Kim cang Kinh sớ của ngài Trí Khải. Đời Tuỳ.

– Kim cang kinh Chú sớ của ngài Huệ Tịnh. Đời Đường.

– Kim cang Kinh Lược sớ, của ngài Trí Nghiễm, Đời Đường.

– Kim cang kinh toản thuật, của ngài Khuy Cơ, Đời Đường.

– Kim cang kinh giải nghĩa, Kim Cang Kinh Khẩu Quyết, của Lục tổ Huệ Năng, Đời Đường.

– Kim cang Kinh Sớ luận Toản yếu, của ngài Khuê Phong Tông Mật, Đời Đường.

– Kim cang Bát-nhã ba-la-mật kinh giảng kí, của ngài Ấn Thuận, thời cận đại.

Về các luận giải từ tiếng Sanskrit, chúng ta thấy một điều đặc biệt là các nhà tạo luận đều là tị tổ của Du-già hành tông (Yogācāra), hay còn gọi là Duy thức hay Pháp tướng tông. Cho chúng ta thấy qua cái nhìn của các vị nầy, từ khởi thuỷ của nền học thuật và tư tưởng trên chính mảnh đất quê hương Ấn Độ, Kinh Kim Cang đã có một vai trò rất lớn trong Du-già hành tông. Nên chẳng ngạc nhiên gì khi ngài Huyền Trang đã có một bản dịch rất đắc sắc về kinh nầy. Và sau đó, môn đệ của ngài là Khuy Cơ cũng góp phần bằng một bản luận giải. Nhưng điều đáng chú ý là Khuy Cơ đã không dùng bản dịch của ngài Huyền Trang, thầy mình, mà lại dùng bản dịch của ngài Cưu-ma-la-thập để chú giải.