KIẾN ĐẠI
Thích nữ Hải Triều Âm

 

Kiến đại cũng như kiến tinh, đại diện cho cả sáu căn chứ không phải chỉ riêng cái thấy.

Tại sao gọi là đại? Bởi vì thể chất của nó là Như Lai Tạng ở khắp pháp giới. Hễ đủ nhân đủ duyên thì có thấy nghe hay biết.

Chánh văn:

Đại Thế Chí Bồ-tát cùng 52 vị đồng hạnh lễ chân Phật bạch rằng: Nhiều kiếp xa xưa có Phật Vô Lượng Quang. Mười hai Như Lai cùng nối ngôi nhau ra trong một kiếp. Vị cuối cùng hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang dạy con niệm Phật Tam Muội. Ví như hai người, một người chuyên nhớ, một người cứ quên. Hai người như thế dù có gặp nhau cũng như chẳng gặp. Dù có thấy nhau cũng như chẳng thấy. Vậy hai người phải cùng nhớ đến nhau rất là thâm thiết, kiếp này kiếp khác, như bóng với hình chẳng hề rời nhau. Mười phương Như Lai thương nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu con trốn chạy thì mẹ dẫu nhớ có làm gì được. Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, mẹ con đời đời chẳng rời xa nhau. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật niệm Phật, đời này đời sau quyết định thấy Phật, cách Phật chẳng xa. Chẳng nhờ phương tiện, tự được tâm khai. Như người ướp hương thân có hương thơm. Pháp này gọi là Hương Quang Trang Nghiêm. Chỗ bản nhân con dùng tâm niệm Phật vào Vô sanh nhẫn. Nay ở cõi này nhiếp người niệm Phật về Tịnh-độ. Phật hỏi Viên Thông, con không chọn lựa, nhiếp cả sáu căn, tịnh niệm nối tiếp, được Tam-ma-đề, đó là hơn cả.

Giảng nghĩa:

Trong 25 vị Thánh, duy nhất một mình ngài Đại Thế Chí tu về kiến đại, thâu nhiếp cả sáu căn chứ không tu riêng một căn nào. Ngài Văn Thù tuy ca ngợi đức Quán Thế Âm tu nhĩ căn viên thông nhưng cũng là riêng tu căn nghe.

Đại Thế Chí: Thế là thế lực, Chí là đến. Nghĩa là một bậc đại thế lực, đi đến đâu chấn động đến đó. Chấn động tất cả tám thức của loài hữu tình, khiến vô minh phải vỡ tan. Người ta thờ hình tượng Ngài in cái mũ thiên quang, trên có một cái bình, tiêu biểu cho trí tuệ. Ngài Đại Thế Chí tu pháp môn hết sức khó mà giảng hết sức giản dị dễ hiểu, đúng là bậc đại trí tuệ.

Vị cuối cùng hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang dạy con Niệm Phật Tam Muội.

Thế nào là Niệm Phật Tam Muội? Trong tông Tịnh-độ, niệm Phật có hai phần, Sự niệm và Lý niệm. Niệm đến lúc vô niệm là vào được chánh định.

Chúng ta tin chắc có Phật A Di Đà, có cõi Cực Lạc, rồi cứ Nam Mô A Di Đà Phật. Niệm với lòng tin như vậy mà được liên tục không gián đoạn gọi là Sự niệm Phật. Còn các vị có trí tuệ hơn, vừa niệm phần sự mà đồng thời hiểu phần lý. Khi niệm biết chắc mình đang ở trong tánh Vô lượng quang Vô lượng thọ thường trụ khắp mười phương, như thế thì lòng tin càng sâu và nguyện càng tha thiết.

Tu về lý dĩ nhiên quả vị cao hơn, chứng thẳng vào Pháp-thân. Còn các vị tu về sự thì phần nhiều chỉ thấy được Hóa-thân với Báo-thân của Phật.

Mười phương Như Lai thương nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu con trốn chạy thì mẹ dẫu nhớ có làm gì được.

Cả pháp giới chúng sanh, đứa nào chư Phật cũng nhớ được thân thiết. Còn Thầy chỉ nhớ được một thôi, lúc nhớ A thì quên B, lúc nhớ B thì quên A, không làm sao mà Thầy nhớ được cả hai, huống chi cả pháp giới hữu tình.

Bởi vì chúng ta sống bằng niệm, mỗi khi khởi niệm như mây che mặt trăng, mất cái sáng. Vì vậy khi nhớ đến A, bóng của A nổi lên che hết tất cả người khác. Còn Phật thì không phải thế, tâm của Ngài không gọi là thức thứ tám mà gọi là Đại viên kính trí. Trí này viên, chỗ nào cũng có mặt. Cho nên tổ kiến kia có một tỷ con kiến, Ngài đều có mặt ở trong thân một tỷ con kiến đó. Chẳng những Ngài biết đến con kiến, mà nó đang nghĩ gì, ước mong gì, mỗi mỗi đều hiện hết ở trong Đại viên kính trí.

Tâm như mặt trăng, cứ mỗi một niệm là luồng mây. Chúng ta niệm suốt ngày, vọng tưởng triền miên từ lịch kiếp đến giờ. Lại còn bao nhiêu nghiệp ác, bao nhiêu cố chấp trong tạng thức nữa, thành đám mây đen kịt phủ Đại viên kính trí của mình. Dù vẫn ở trong tâm Phật mà mình xoay lưng lại với Phật, bội giác hợp trần nên chư Phật có thương xót cũng không làm gì được.

Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, mẹ con đời đời chẳng rời xa nhau. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật niệm Phật, đời này đời sau quyết định thấy Phật, cách Phật chẳng xa.

Niệm Nam Mô A Di Đà Phật có hai lợi ích, vừa niệm Phật vừa niệm Pháp. Niệm Pháp, tức vào thẳng được tánh Vô lượng quang Vô lượng thọ, minh tâm kiến tánh thành Phật. Còn niệm Phật A Di Đà sẽ được Ngài hộ trì, tiêu trừ nghiệp chướng, gặp những duyên lành dễ tiến lên quả vị Phật. Ngài có nguyện hễ ai nhớ tới danh hiệu A Di Đà, Ngài sẽ tiếp dẫn người này tu hành cho tới ngày đắc đạo.

Mẹ nhớ con chỉ trong một đời, còn chư Phật thương nhớ chúng ta vĩnh kiếp. Chỉ cần chúng ta buông cảnh trần, trở về tâm Thường tịch quang, nhớ Phật niệm Phật thì quyết định sẽ thấy Phật, được Phật tiếp dẫn vãng sanh.

Chẳng nhờ phương tiện, tự được tâm khai.

Ngài Đại Thế Chí nói minh bạch, cứ chuyên niệm Phật, không cần phải mượn pháp nào khác, sẽ tự được tâm khai. Sao chùa chúng ta lại mượn giới luật, Tứ Niệm Xứ, Lăng Nghiêm, rồi mới vào được kinh Di Đà. Vậy mình tu có lan man không?

Ở đây nói những người đã buông hết rồi, chỉ chuyên một việc niệm Phật thôi thì những vị ấy không cần phương tiện nào khác.

Còn chúng ta gặp nhau trái ý liền nổi sân, chê hết cảnh này đến cảnh kia, nay đòi đi Đà Lạt mai đi Sài Gòn, tâm ham thích đủ thứ. Như vậy làm sao tu niệm Phật. Cho nên phải học luật để đừng đọa lạc; học Tứ Niệm Xứ tỉnh ra, biết cái gì cũng hư vọng. Trong tâm mát mẻ ở với ai cũng được, ở hoàn cảnh nào cũng được. Bởi vì không trụ ở người, không trụ ở cảnh mà trụ ở Tứ Niệm Xứ. Thế mới chuyên niệm Phật được. Rồi học Lăng Nghiêm hiểu tự tánh Di Đà duy tâm Tịnh-độ, không cố chấp sự tướng. Chứ niệm Phật mà chấp tướng thì dễ bị lôi cuốn bởi bọn ma.

Như người ướp hương thân có hương thơm. Pháp này gọi là Hương Quang Trang Nghiêm.

Chỉ niệm Nam Mô A Di Đà Phật mà đủ cả phần tuệ và phần hương, nên gọi là Hương Quang Trang Nghiêm.

Niệm Phật là nhớ đến đức A Di Đà. Ngài đã hoàn toàn sống với tánh Vô lượng quang Vô lượng thọ. Chúng ta mỗi niệm buông vô minh, nhận lấy tánh Vô lượng quang thọ của mình. Đó là mượn ánh sáng trí tuệ của Phật để khai ánh sáng trí tuệ của mình. Như mượn cây đuốc của Phật mồi cây đuốc của mình cháy lên.

Còn ở đây nói mượn hương thơm của Phật mà ướp vào mình. Tâm Phật thanh tịnh gọi là thơm. Mùi thơm này không có hôi nhơ của sát đạo dâm vọng. Người chuyên niệm Phật, buông hết chuyện thế gian, nhiếp tâm trừ hết các vọng hoặc, năm ấm dần tiêu, được năm phần hương: Giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương.

Chỗ bản nhân con dùng tâm niệm Phật vào Vô sanh nhẫn. Nay ở cõi này nhiếp người niệm Phật về Tịnh-độ. Phật hỏi Viên Thông, con không chọn lựa, nhiếp cả sáu căn, tịnh niệm nối tiếp, được Tam-ma-đề, đó là hơn cả.

Ngài Đại Thế Chí thâu nhiếp cả sáu căn, sáu căn đã nhiếp thì nhiếp luôn cả sáu trần sáu thức, ba thứ không hiện hành được nữa, từ đó vào tánh viên thông.

Niệm Phật để nhớ tánh Vô lượng quang Vô lượng thọ thì còn phải khởi niệm. Bởi vì số đông sống với niệm đã từ lịch kiếp tới nay, bây giờ buông hẳn ý thức không niệm thì làm không nổi. Như dòng sông đang chảy xiết kia mà ngay lập tức bảo dừng lại, liệu có dễ không? Dòng tâm niệm của chúng ta cũng thế. Nếu dừng ngay thì cũng bị nhiều phản ứng bức xúc. Nên phải dùng pháp môn niệm Phật như đào một cái kênh cho nó chuyển hướng. Mọi khi nó chảy về địa ngục ngã quỷ bàng sanh, bây giờ cho nó chảy về cảnh giới Phật, từ từ những niệm lặng dần, rồi trở về an định.

Một khi đã niệm đến nhất tâm bất loạn, tức là vào được Tam muội, thì biết “niệm là vô niệm”. Khi đó hiển nhiên mình là tánh viên thông, không cần phải ra vô gì cả. Vì thế Ngài nói pháp môn niệm Phật là hơn cả.

Nói về việc cầu vãng sanh Tịnh-độ, thoát luân hồi sanh tử, về cõi Phật tiếp tục công phu tu hành cho đến ngày thành Phật, thì pháp môn của đức Đại Thế Chí là hơn cả. Còn nói chuyện vào được căn bản trí để sớm thành Phật thì pháp môn của đức Quán Thế Âm là hơn.

Ngài Đại Thế Chí là ông Tổ đứng đầu về pháp môn Tịnh-độ, nguyện ở cõi này nhiếp người niệm Phật về Tịnh-độ. Về sau Tổ Huệ Viễn mới y theo đó mà lập ra các đạo tràng niệm Phật ở cõi nhân gian này.

Chúng ta nên nhớ ngài Đại Thế Chí nói “nhiếp người niệm Phật về Tịnh-độ”, chứ không phải chỉ riêng về cõi Phật A Di Đà. Cho nên những chúng sanh tu các pháp môn niệm Phật khác, như niệm đức Dược Sư cầu về cõi Tịnh Lưu Ly, Ngài đều có thể tiếp dẫn.