HƯ KHÔNG TẠNG BỒ TÁT NĂNG MÃN CHƯ NGUYỆN TỐI THẮNG TÂM ĐÀ LA NI CẦU VĂN TRÌ PHÁP
(Trích từ Phẩm Thành Tựu tất cả nghĩa trong Kinh Kim Cương Đỉnh)
Hán dịch: Đại Đường_ Trung Ấn Độ Tam Tạng THIỆN VÔ UÝ phụng cưếu dịch
Sưu tập Thủ Ấn, phục hồi Phạn Chú và Việt dịch: HUYỀN THANH
Bấy giờ Đức Bạc Già Phạm (Bhagavaṃ: Thế Tôn) nhập vào Tam Ma Địa Chư Ba La Mật Bình Đẳng Tính. Từ Định khởi xong, liền nói Năng Mãn Chư Nguyện Hư Không Tạng Bồ Tát Tối Thắng Tâm Đà La Ni là:
“Nam mâu (1) a ca xả (2) yết bà gia (3) An (4) a lợi (5) ca ma lợi (6) mộ lợi (7) toa phộc ha (8)”
NAMO ĀKĀŚA-GARBHĀYA _ OṂ ARI KAMARI MURI _ SVĀHĀ
Đức Bạc Già Phạm nói: “Đà La Ni này là chỗ mà tất cả chư Phật đời quá khứ hiện tại đồng nói. Nếu người hay thường tụng Đà La Ni này thì năm tội Vô Gián, tất cả tội chướng từ vô thuỷ đến nay thảy đều tiêu diệt, thường được tất cả chư Phật Bồ Tát cùng chung hộ niệm, cho đến chưa thành Phật thì nơi được sinh ra, luôn được Hư Không Tạng Bồ Tát (Ākāśa-garbha-bodhisatva) tuỳ thuận thủ hộ, khiến các hữu tình thường thấy nơi vui thích, Thiện Nguyện của các Hữu không có gì chẳng đầy đủ, tất cả tai vạ đau khổ thảy đều tiêu trừ, thường sinh làm Người, Trời chẳng bị rơi vào nẻo ác. Đời đời sinh ra thường nhớ Túc Mệnh, giả sử chẳng gia thêm Pháp chỉ hay thường tụng, đều được Phước như vậy.
Nếu người muốn tiến hành Pháp, trì Đà La Ni này cầu Văn Trì (nghe Giáo Pháp rồi ghi nhớ chẳng quên) thì nên ở trên vải lụa trắng tinh, hoặc trên tấm ván sạch, trước tiên vẽ mặt trăng đầy, ở trong vẽ tượng Hư Không Tạng Bồ Tát. Lượng ấy thấp nhất đến chẳng giảm hơn một khuỷu tay, hoặc lại vượt hơn điều này thì tuỳ theo sức mà làm, tăng giảm tượng Bồ Tát với mặt trăng đầy đặn cho tương xứng. Thân làm màu vàng ròng, ngồi Bán Già trên hoa sen báu, chân phải đè chân trái, dung nhan thù diệu, làm tướng vui vẻ ưa thích. Ở trên mão báu có năm tượng Phật ngồi Kiết Già. Bồ Tát: tay trái cầm hoa sen trắng, hơi pha màu hồng, ở trên đài hoa có viên ngọc báu Như Ý màu Phệ Lưu Ly, phát toả lửa sáng màu vàng. Tay phải lại tác Ấn ban cho các Nguyện (Dữ chư Nguyện Ấn), rũ năm ngón tay xuống dưới, hiện lòng bàn tay hướng ra ngoài. Đấy là tướng của Ấn Dữ Nguyện
Vẽ tượng xong rồi, nên ở chốn Không Nhàn (Araṇya) vắng lặng. Hoặc tại Tịnh Thất, Tháp, Miếu, đỉnh núi, dưới gốc cây…tuỳ ở một nơi, an trí Tượng ấy với mặt chính hướng về phương Tây, hoặc nên hướng về phương Bắc kèm theo vật che phủ. Riêng làm một Phương Mộc Mạn Trà La (Đàn bằng gỗ vuông vức), thấp nhất là một khuỷu tay, vượt hơn đây cũng có thể được. Bên dưới cái Đàn ấy an bốn cái chân, hoặc đem phụ bên cạnh, mặt bên trên cách đất vừa đúng bốn ngón tay
Tấm ván ấy, nếu dùng Đàn, Trầm làm thì thù thắng nhất. Chẳng được như thế, hoặc dùng gỗ có mùi thơm của nhóm cây Bách để làm cũng được. Như Pháp làm xong, để ở trước mặt Tượng.
Tiếp theo nên bày biện năm loại vật cúng để trang nghiêm là: hương xoa bôi, các hoa, hương đốt, thức ăn uống, đèn sáng.
Hương xoa bôi (Gandha: Đồ hương) thì mài Bạch Đàn mà làm
Hoa (Puṣpa) thì tuỳ theo mùa, được sinh ra từ cỏ thuốc. Nếu không có hoa mùa thì nên dùng gạo tẻ hoặc thiêu đốt Kiều Mạch, hoặc lấy lá của nhóm cây quýt cây bách, hoặc dùng Đinh Hương làm hoa
Hương đốt (Dhūpa: thiêu hương) chỉ dùng Trầm, Đàn, Long Não…tuỳ theo mà dùng.
Thức ăn thì trừ bỏ loại huân uế, mỗi thứ nên mới sạch.
Đèn (Āloka, hay Dīpa) thì dùng bơ dầu của bò cũng được.
Ngay lúc muốn bày biện đủ các vật này, ắt nên vào buổi sáng sớm, lau mặt rửa tay, hộ Tịnh như Pháp
Bày biện vật cúng xong thì để bên cạnh Đàn, sau đó đi ra ngoài. Lại dùng nước sạch rửa tay một lần nữa, liền tác Thủ Ấn dùng lòng bàn tay chứa nước sạch, tụng Đà La Ni ba biến, rồi uống vào.
Tướng của Thủ Ấn ấy là trước tiên duỗi năm ngón tay của bàn tay phải, co ngón trỏ cùng với ngón cái vịn nhau, dạng như vịn hương.
Đây là Hư Không Tạng Bồ Tát Như Ý Bảo Châu Thành Biện Nhất Thiết Sự Ấn.
Lại dùng Ấn này, như lúc trước chứa nước, tụng Đà La Ni ba biến xong, dùng rưới lên đỉnh đầu với thân, tức khiến cho trong ngoài tất cả trong sạch.
Tiếp theo nên đến chỗ của Tượng, chí Tâm lễ bái, hướng mặt về Bồ Tát, ngồi Bán Già, nhấc bỏ vật che phủ trên Tượng.
Tiếp theo, liền nên tác Hộ Thân Thủ Ấn. Tướng của Thủ Ấn ấy là: Trước tiên nâng bàn tay phải, sau đó đem ngón trỏ cùng với ngón cái vịn nhau, dạng như vịn hương, co lóng thứ hai của ngón trỏ, khiến lóng thứ nhất ấy thẳng đầu ngón, mới bắt đầu tướng Ấn.
Như Pháp làm Ấn này xong, để ở trên đỉnh đầu, tụng Đà La Ni một biến. Tiếp đến vai phải, lại tụng một biến. Vai trái, trái tim, cổ họng đều như vậy
Làm Pháp Hộ Thân này xong thì tất cả chư Phật với Hư Không Tạng Bồ Tát nhiếp thọ thân này, tất cả tội chướng liền đều tiêu diệt, Thân Tâm trong sạch, Phước Tuệ tăng trưởng, tất cả các Ma (Māra) với Tỳ Na Dạ Ca (Vināyaka) đều chẳng được dịp thuận tiện gây hại.
Tác Ấn lúc trước, dùng lòng bàn tay chứa nước, tụng Đà La Ni một biến, rưới vảy các vật cúng của nhóm hương xoa bôi, kèm với Đàn, và đất gần bên Đàn
Lại như trước, tác Ấn Hộ Thân để trên hương xoa bôi, tụng Đà La Ni một biến, các nhóm hoa, hương khác cho đến Mộc Đàn (cái Đàn bằng gỗ) thảy đều như vậy.
Làm Pháp này xong thì vật của nhóm hoa hương liền được trong sạch.
Lại tác Thủ Ấn Hộ Thân, chuyển theo bên phải ba vòng, kèm chỉ bên trên bên dưới. Chỉ vận Ấn ấy, thân chẳng dao động, tụng Đà La Ni một biến, tùy theo Tâm của mình, xa gần, số lượng nhiều ít đã phân chia rõ ràng (phân tễ) kết mười Phương Giới
Tiếp theo, nên nắm mắt suy nghĩ Chân Thân của Hư Không Tạng Bồ Tát liền cùng với Tượng này ngang bằng không có khác. Lại dùng Ấn Hộ Thân tác ý thỉnh Hư Không Tạng Bồ Tát, tụng Đà La Ni 25 biến xong, liền nâng ngón cái hướng vào bên trong chiêu vời một lần, ngón trỏ như cũ.
Lại tác Ấn này, tụng Đà La Ni ba biến vào hoa sen bên trên mảnh lụa dùng làm Toà ngồi.
Lại tưởng Bồ Tát đến ngồi ở Hoa này, tức liền mở mắt nhìn thấy Bồ Tát xong, sinh Tâm hiếm có, làm Chân Thân thông suốt
Lại tụng ba biến, Thủ Ấn như lúc trước, tác lời Niệm này: “Ngày nay, Bồ Tát đi đến chốn này, là sức của Đà La Ni, chẳng phải là khả năng của con. Nguyện xin Tôn Giả trụ tạm ở đây”
Tiếp theo, lấy hương xoa bôi, tụng Đà La Ni một biến, dùng xoa bôi cái Đàn ấy Tiếp theo, lại lấy hoa, cũng tụng một biến, rải bày trên Đàn.
Hương đốt, thức ăn uống, đèn sáng…lấy theo thứ tự, đều tụng một biến, cầm lấy cúng dường, để ở bên cạnh Đàn.
Lại tác lời Niệm: “Tất cả chư Phật Bồ Tát, Phước Tuệ huân tu đã sinh phan, lọng, hương hoa trong sạch, vật của mọi báu…thảy đều nghiêm tốt”
Lại tác Thủ Ấn, tụng Đà La Ni một biến, như trước tưởng niệm thì các vật cúng dường đều được thành biện. Liền cầm cúng dường tất cả Như Lai với các Bồ Tát.
Vận Tâm như vậy là hơn hết trong Cúng Dường (Pūja), như người ấy chẳng thể sắm sửa vật cúng dường của nhóm hương xoa bôi, chỉ tác vận Tâm cúng dường thì Pháp cũng thành tựu.
Liền dùng Thủ Ấn nắm tràng hạt, tụng Đà La Ni, ghi rõ biến số. Lúc tụng thời nhắm mắt, tưởng trên trái tim của Bồ Tát có một mặt trăng đầy, rồi chữ của Đà La Ni đã tụng hiện trong mặt trăng đầy, đều làm màu vàng ròng. Chữ ấy lại từ mặt trăng đầy tuôn ra, rưới rót đỉnh đầu của Hành Nhân. Lại từ miệng phát ra nhập vào bàn chân của Bồ Tát, như tự phát ra lời thưa hỏi dưới bàn chân của Bồ Tát.
Tụng Đà La Ni chưa ngừng, liền đến. Chữ đã tưởng tuần hoàn qua lại liên tục chẳng dứt, như chuyển bánh xe. Nếu thân tâm mệt mỏi, liền nên ngừng nghỉ, chí thành chiêm ngưỡng, liền ngồi lễ bái, nhắm mắt lại quán Bồ Tát trong vành trăng đầy thật rõ ràng xong, nên vận Tâm khiến dần dần lớn lên, vòng khắp Pháp Giới. Lại dần dần quán thu nhỏ lại, khi lượng như cũ xong thì mới bắt đầu ra khỏi Quán.
Lại tác Thủ Ấn lúc trước, tụng Đà La Ni ba biến xong, nâng ngón cái Phát Khiển Bồ Tát, tác lời Niệm này: “Nguyện xin Từ Bi ban cho vui vẻ. Sau gặp việc Pháp lại rũ thương giáng phó”
Như vậy tụng Đà La Ni, tuỳ theo sức có thể làm, hoặc một ngày một lần dâng lên, hoặc một ngày hai lần dâng lên, từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc, mỗi mỗi như ngày đầu tiên, biến số nhiều ít cũng như lúc dâng lên ban đầu chẳng được thêm bớt, trước sau tính toán thông suốt, đủ một trăm vạn biến. Số ấy kết thúc rồi, cũng không có thời hạn, nhưng ở khoảng trung gian, chẳng được gián đoạn thiếu sót.
Về sau, vào lúc Nhật Thực hoặc Nguyệt Thực thời tuỳ theo sức buông xả, bố thí thức ăn uống, tài vật, cúng dường Tam Bảo. Liền dời Bồ Tát với Đàn đến chỗ sạch sẽ ở vùng đất lộ thiên, an trí. Lại lấy một lượng Ngưu Tô chứa đầy trong vật khí bằng đồng đã tôi luyện, kèm lấy bảy cái lá của cây có sữa (?nhựa) với một cành nhánh, để ngay bên cạnh Đàn. Vật của nhóm hoa hương tăng thêm gấp đôi số thường dùng. Pháp cúng dường mỗi mỗi đồng với lúc trước.
Cúng dường xong rồi, lấy lá cây lúc trước, xếp lớp trong Đàn. Lại ở trên cái lá, an trí vật khí chứa bơ. Quay lại tác Thủ Ấn, tụng Đà La Ni ba biến, hộ trì bơ này. Lại dùng cành cây khuấy bơ, không được dừng tay. Mắt quán mặt trời, mặt trăng kèm theo cũng nhìn vào bơ, tụng Đà La Ni không có hạn định biến số. Bắt đầu ăn (lúc mặt trời mặt trăng bị ăn khuyết dần), sau đó thoái lui, chưa tròn trịa. Từ lúc này trở đi, bơ ấy liền có ba loại tướng hiện ra, một là bốc hơi, hai là bốc khói, ba là bốc lửa. Đay là ba phẩm Hạ, Trung Thượng trong Tướng, tuỳ được một loại Pháp liền thành tựu. Được tướng này xong liền thành thuốc Thần
Nếu ăn thuốc này, liền được Văn Trì, một lần đi qua tai mắt, nghe giải thích câu nghĩa thì ghi khắc ở Tâm, vĩnh viễn không có quên mất.
Các Phước Lợi còn lại nhiều vô lượng vô biên. Nay chỉ lược nói chút phần Công Đức như đi đến, thoái lui, tròn đầy . Từ lúc này trở đi, ba Tướng nếu không có Pháp thì chẳng thành tựu. Lại nên liền từ lúc đầu lấy mà làm, cho đến bảy lần. Giả sử có tội chướng cực nặng của nhóm năm Nghịch cũng đều tiêu diệt. Pháp quyết định thành tựu.
HƯ KHÔNG TẠNG BỒ TÁT NĂNG MÃN CHƯ NGUYỆN
TỐI THẮNG TÂM ĐÀ LA NI CẦU VĂN TRÌ PHÁP
_Hết_