HÀNH TINH HẠNH PHÚC

Hạnh Đoan

 

Đan Tâm mệt mỏi đến ngồi cạnh gốc cây ven bờ suối. Khung cảnh thoáng mát yên tĩnh của thiên nhiên đã giúp cô bé hồi sức. Rời cung điện như trốn chạy để xa lánh những hình ảnh tương phản ngày càng gợi thêm chua xót trong cô. Người ta có kính trọng địa vị của cô trong hàng vương tộc đến mấy cũng không thể chối bỏ sự thật về cô. Đan Tâm tự nguyền rủa mình, sanh ra làm gì với một dung nhan xấu xí như vậy.

Đan Tâm nhớ lại nụ cười đắc thắng của thứ phi Diễm Châu, kế mẫu nàng. Bà luôn tìm mọi cách để trục xuất cô ra khỏi hoàng cung, từ lúc vua cha có ý định chọn người thừa kế vương gia. Thâm ý bà dì ghẻ muốn dành chiếc ngai vàng cho Thủy Tiên, con gái bà, cũng là em cùng cha khác mẹ với Đan Tâm.

Đan Tâm nhìn lại làn da sần sùi của mình, dòng suối kia có thể soi rõ nàng với khuôn mặt lấm tấm mụn, đôi môi thâm đen khô héo, cái dáng dấp thanh tao cũng không giúp nàng bớt giống cái xác chết, một cái xác biết cử động. Đan Tâm buồn bã kéo tấm khăn che mặt lại.

Nghĩ ngợi mãi, mệt nhọc, Đan Tâm thiếp đi, chẳng biết bao lâu, nhưng cô chợt mở mắt vì ánh sáng rực tỏa ra khắp khu rừng. Hoàng hôn đang xuống chậm, tạo nên nét mờ ảo nên thơ. Đan Tâm ngạc nhiên nhìn cô gái ngồi trước mặt. Chao ôi! Cô ta đẹp như một nàng tiên. Ánh sáng tỏa ra từ cô gái lạ, cô ta nhìn Đan Tâm chăm chú, môi hơi mỉm cười, nói: “Chị không nhìn ra em sao?” Cô ta đang nói? Hay Đan Tâm nghe bằng ảo tưởng của mình? Hay Đan Tâm nghe bằng cách đọc tư tưởng cô ta? chỉ biết rằng, có một cái gì gần gũi giữa cô gái lạ và Đan Tâm, lời hỏi như một câu ru nhẹ, Đan Tâm có cảm giác chơi vơi nhưng đành chịu, không biết cô gái là ai? Mà sao lạ chưa, tim nàng rung lên những xúc động khó diễn tả?…

Mặt cô gái thoáng buồn: “Chị quên em rồi phải không Tiểu Khiết? Chúng ta đã từng ở hành tinh hạnh phúc, từng là chị em của nhau. Em là Tiểu Tú của chị đây! Ơ! Sau chị cứ nhìn em như không quen biết? Chị quên hết thật rồi à?

Đan Tâm ngơ ngác: “Hành tinh hạnh phúc? Tôi chưa nghe đến bao giờ!… Một cái tên như là biểu trưng của niềm phúc lạc. Nếu tôi đã từng ở đó sao giờ tôi lại ở đây trong bất hạnh và tủi nhục?”

Tiểu Tú mỉm cười: “Tại vì chị muốn thế thôi! Chị đã từng tranh cãi với bà chủ quản Thiên Dung, người coi sóc chúng mình, rằng chị muốn đem hạnh phúc xuống trái đất này, muốn họ cùng chia sẻ niềm hạnh phúc và nền văn minh như chúng ta. Bà Thiên Dung đã bảo chị sẽ thất bại, chị cãi rằng chị sẽ thành công. Và chị đã đi niêm phong lâu đài của mình. Ngày chị rời hành tinh những đóa sen trắng trong hồ vọng nguyệt đều héo tàn, bao giờ chúng tươi trở lại có nghĩa là chị đã thành công. Trong thời gian này, chị sẽ chứng minh cho bà Thiên Dung thấy khả năng gieo hạnh phúc của chị… nhưng sao giờ chị lại quên hết rồi? Ồ! Thật là ngạc nhiên, em đã tìm gặp những người trong đoàn của chị, tất cả bọn họ không một ai nhớ được mình đã từng ở hành tinh Hạnh Phúc. Tiểu Khiết! Chị biết mà, ở hành tinh đó chúng ta không bao giờ biết sầu khổ, hay rơi lệ được… vậy mà chỉ thoáng chốc xuống đây em đã hiểu thế nào là cơn đau buồn, nhất là khi gặp người thân mà họ không nhìn. Tiểu Khiết! Thật sự chị không nhớ gì giữa chúng ta sao? Chị đã yêu thương em biết là bao, chị đã yêu cầu em theo dõi bước chị đi, xem chị hành động và nhắc chị nhớ. Em chỉ có thể đến gặp chị trong giấc mơ, trong giờ phút chị buồn tủi đau đớn nhất, vì không khí ở đây em không quen, thật nặng nề và khó thở, lại hăng hắc mùi khói. Tiểu Khiết! Chị đã ở đây hơn mười lăm năm rồi, chị chưa làm được gì và cũng chưa gặp lại bạn bè, những người cùng lý tưởng với chị đã đến đây và sinh ra ở trái đất này!?”

Đan Tâm cố gắng moi óc tìm chút dư ảnh quen thuộc như lời Tiểu Tú tả, nhưng vô phương. Cô đành nắm lấy bàn tay xinh đẹp của Tiểu Tú như ngầm bảo hãy thông cảm và đừng buồn cô. Điều Đan Tâm muốn hỏi nhất… nhưng cứ ngập ngừng. Cuối cùng cô cũng phải nói:

– Tiểu Tú, giờ thì tôi chưa nhớ được gì hết, nhưng tại sao… tôi xấu quá như vậy? Ở hành tinh hạnh phúc có phải dung mạo tôi cũng thế này?

Đột nhiên Tiểu Tú bật cười:

– Tại chị cả thôi! Trong lúc tranh cãi với bà Thiên Dung chị đã bực tức trốn đi, với cái tâm như vậy đáp xuống trái đất này chị mang ngay hình hài không đẹp chẳng qua là do tức giận. Ở hành tinh Hạnh Phúc mình không bị ảnh hưởng tư tưởng nhiều chứ ở đây… cơn giận của chị xì ra hơi độc tạo những mụn nhọt làm sần sùi da. Người địa cầu biến đổi hình dáng rất chậm đến mức họ tưởng như mình không hề thay đổi, đẹp là đẹp mãi, xấu là xấu hoài. Chứ họ không chú ý khi lòng họ trong sáng nhan sắc họ cũng sáng theo, còn chị chị vốn thuộc người của hành tinh, nên dung nhan chị thay đổi rất nhanh tùy tư tưởng chị. Đây cũng là một thử thách, vì chị cũng từng tuyên bố sẽ khởi sự từ những xấu xa, tồi tàn và biến chuyển chúng thành tốt đẹp. Khi chị xuống đây lôi kéo theo những người vì thương chị mà tìm xuống địa cầu này. Bà Thiên Dung rất bối rối và lo âu, bà cấm em đến gặp chị cho dù em đến bằng thân xác người hành tinh, bà cho rằng như thế sẽ làm rối loạn cuộc sống nơi đây, nên em chỉ có thể dùng tư tưởng liên lạc với chị trong phút chốc, nhưng cũng là trái luật hành tinh, em đã thố lộ nhiều rồi, em phải đi ngay, em không chịu được làn không khí ở đây. Cô gái nhìn Đan Tâm lưu luyến: “Giã biệt chị nhé!” rồi nàng vụt bay như làn chớp.

Đan Tâm hốt hoảng níu tay Tiểu Tú lại, nhưng nàng giật mình mở mắt vì tay nàng chạm phải thân cây rừng… thì ra là giấc mơ. Nhưng hương thơm dịu dàng của Tiểu Tú vẫn còn lẩn khuất đâu đây… Lòng xao xuyến bâng khuâng. Đan Tâm lẩm bẩm: “Hành tinh Hạnh Phúc”… và nàng hồi tưởng chuyện đã qua.

Nàng nhớ từ lúc chào đời đến nay, theo ý muốn của hoàng hậu. Đan Tâm phải luôn che mặt để dấu đi dung nhan không đẹp đẽ của mình. Bằng Phi, con trai của thượng tướng Bằng Sơn, người bạn thân thiết đã gắn bó với nàng từ tuổi ấu thơ vẫn chưa một lần được nhìn mặt nàng. Nói đúng hơn, trừ vua cha, tất cả triều thần ngay cả kế mẫu cũng không ai được biết mặt thật của nàng ra sao. Tuy vậy lời đồn đãi về dung nhan của nàng vẫn bay xa, tùy theo cách tưởng tượng và tình cảm của người ta dành cho nàng. Có người bảo Đan Tâm xấu như một con ác quỷ, dường như chính thứ phi Diễm Châu tung tin đó. Có người cho rằng Đan Tâm đẹp như một nàng tiên, nhất là những người chỉ được nhìn dáng dấp bên ngoài của Đan Tâm và thật có cảm tình với nàng.

Còn Bằng Phi, chàng không thể kết bạn mãi với người bạn không chân dung, đã có lần xin được chiêm ngưỡng mặt thật của nàng, nhưng Đan Tâm từ chối, vì đức vua đã thực hiện rất chu đáo lời hứa với hoàng hậu trước giờ phút lâm chung của bà, rằng không ai được quyền xem mặt thật của Đan Tâm ngoại trừ ông. Người mẹ với lòng yêu con cực độ đã muốn tránh con mình khỏi khổ tâm vì những lời bình phẩm của người khác. Đan Tâm chỉ cho Bằng Phi biết rằng nàng không đẹp. Thế là người bạn thân thiết của nàng, theo thời gian đã xiêu theo ý muốn của thứ phi Diễm Châu, người đã có lòng ái mộ Bằng Phi và sẵn sàng nhận chàng làm rễ đông sàng tương lai. Bởi, một chàng trai khôi ngô, văn võ song toàn như Bằng Phi rất xứng với Thủy Tiên, con gái yêu của bà.

Mỗi lúc sau này khi gặp Đan Tâm, Bằng Phi có vẻ bối rối, chàng nở nụ cười gượng gạo. Thoạt đầu Đan Tâm cảm thấy mất mát và cô đơn, luyến tiếc người bạn đã từng chia sẻ buồn vui, chí nghĩa, chí tình với nàng từ thơ bé, nhưng rồi đến tuổi trưởng thành, nàng đành chấp nhận mỗi người có quyền đi theo hướng riêng của mình.

Đan Tâm cảm thấy buồn và nàng thường lang thang vào rừng, điều đó làm thứ phi Diễm Châu rất hả hê. Bà đắc ý vì đã thành công trong việc làm con bé xấu xí đau khổ, bà cho rằng không gì qua được mãnh liệt nhan sắc, tuy thế bà cũng ngấm ngầm đau nhục, vì dù bà đẹp hơn hoàng hậu, nhưng đức vua vẫn sủng ái hoàng hậu hơn bà. Mặc dù, hoàng hậu mất rồi, bà vẫn thấy được vẻ luyến tiếc thầm kín trong đôi mắt đức vua, có phải vì hoàng hậu mà ông yêu Đan Tâm trội hơn Thủy Tiên? Hờn ghen với người đã chết, bà trút tất cả căm hận xuống Đan Tâm.

Đan Tâm đứng dậy lần theo lối mòn trở về hoàng cung, lòng nàng đã thay đổâi hẳn, lúc trước nàng rất mang ơn mẹ đã che mặt cho nàng. Nhưng giờ thì nàng không còn quan tâm đến nhan sắc nữa. Lời nhắc nhở của Tiểu Tú đã đánh thức nàng “chị mơ ước là sẽ đem hạnh phúc đến đây…” Bất giác Đan Tâm mỉm cười: “Vậy mà suýt chút nữa ta đã quên và tranh giành ngược lại”. Lần đầu Đan Tâm tìm được sự bình an, không phải nàng tin mình ở cõi hạnh phúc nhưng hướng sống của nàng đã thay đổi. Nàng đã hiểu rằng: Nếu nghĩ mãi về bản thân để ao ước và tìm cầu mọi điều cho nó thì chắc chắn nàng sẽ không thoát được sầu khổ.

Thứ phi Diễm Châu căm tức nhìn Đan Tâm. Mấy ngày nay bà ngấm ngầm theo dõi nàng, bà cảm thấy con bé dường như có điều gì vui lắm, đôi mắt nó sáng rực, long lanh niềm phúc lạc. Chả lẽ nó quên Bằng Phi nhanh chóng đến thế? Bà ghen hờn nhìn dáng đi uyển chuyển, thanh thoát của Đan Tâm, chắc chắn con bé không phải là giai nhân, nếu không bà sẽ chết vì tức không chịu nổi.

Thứ phi chợt nở nụ cười thâm độc, thế nào bà cũng tìm ra được cơ hội nhổ cây gai trước mắt, bà hy vọng ngày ấy không còn xa.

*
*       *
– Công nương ơi! Chúng ta ra ngoài dợt võ nhé!

Nghe giọng nói hớn hở của Tuyết Hoa, con gái võ sư lừng danh Lý An, Đan Tâm quay người lại mỉm cười. Tuyết Hoa, người hầu cận thân tín và rất mực trung thành với Đan Tâm. Dạo gần đây, thấy con buồn, đức vua đã cho vời Tuyết Hoa vào để bầu bạn với Đan Tâm và dạy võ cho nàng. Bởi Tuyết Hoa đã sớm nổi danh là tay cự phách về thuật sử dụng song kiếm. Trong mai hậu, tài năng Tuyết Hoa sẽ rực rỡ không kém gì cha nàng. Thật ra, đức vua có dụng ý sâu hơn, là ngầm để Tuyết Hoa để bảo vệ Đan Tâm, nhưng ông không nói ra.

Đan Tâm học võ một cách lơ là, hình như nàng chỉ chú trọng và sử dụng võ thuật như một môn thể dục. Mỗi lần Tuyết Hoa hờn trách, Đan Tâm mỉm cười đáp:

– Vô ích thôi Tuyết Hoa ạ, ta không nghĩ rằng có một ngày nào đó ta sẽ đâm mũi gươm này vào tim ai, ta không làm điều đó được đâu!

Tuyết Hoa dẩu môi:

– Thế khi người ta đâm vào tim công nương thì sao?

Đan Tâm không đáp, nàng quay lại nhìn Tuyết Hoa. Tuyết Hoa sững sờ, nàng cảm thấy tay chân mình như tê dại và mất hết ý chí tranh đấu trước tia nhìn dào dạt yêu thương của Đan Tâm, nàng lẩm bẩm:

– Ôi! Chắc chẳng ai nỡ làm hại công nương… mà nếu có thì Tuyết Hoa này không bao giờ để họ yên. Và nàng hỏi:

– Hoàng thượng đã chấp nhận cho công nương làm chuyến du hành xa rồi chứ?

Đan Tâm mỉm cười:

– Thoạt đầu cha ta không đồng ý, nhưng ta nằn nì mãi ông cũng xiêu lòng với điều kiện phải có đoàn quân bảo giá theo – Và Đan Tâm xịu mặt – Em xem, đi chơi mà kéo theo đám người rầm rộ thì có gì là thú vị? Ta chỉ xin đem theo một mình em thôi!

Tuyết Hoa sung sướng:

– Bao giờ mình đi hở công nương?

– Rạng sáng mai…

*
*       *
Thật ra thì đức vua không yên lòng khi để Đan Tâm đi xa mà chỉ có Tuyết Hoa kề bên, nhưng đã quen chìu con, ông không nỡ làm Đan Tâm buồn. Cứ mỗi lần nghe Đan Tâm cất tiếng nói là ông lại nhớ đến hoàng hậu, người vợ đã quá cố da diết, con bé giống mẹ từ dáng đi, giọng nói, giống cả tia nhìn diệu hiền thu hút. Đan Tâm lại có lý do chính đáng hơn, nàng muốn đi để biết rõ đời sống dân chúng, để một khi nối nghiệp của cha, nàng dễ dàng cai trị và giúp ích cho dân. Thế là đức vua đành nhìn con cải trang thường dân rời khỏi hoàng cung.

Buổi chia tay, hai cô gái nhỏ náo nức, còn nhà vua thì nao nao cả lòng.

*
*       *
Càng đi sâu vào cuộc sống của dân, Đan Tâm cảm thấy bấy lâu nay nàng chỉ là con ếch nằm đáy giếng. Tối ngày ru rú trong hoàng cung mà sầu muộn, thương vay khóc mướn cho nỗi khổ vô duyên về nhan sắc mình. Nàng đã quan trọng quá về mình nên khổ càng thêm khổ. Bây giờ tầm mắt nàng mở rộng hơn, Đan Tâm xấu hổ khi thấy nỗi sầu của mình chỉ là giọt nước giữa đại dương, so với nỗi khổ của dân chúng hiện thời.

Đêm nay, nơi quán trọ Bình Minh, Tuyết Hoa chợt đổi thái độ, nàng hầu hạ phục dịch Đan Tâm hết sức chu đáo: Ổ bánh kem thật to, rượu rót tràn ly, 17 cây nến thắp sáng rực, Tuyết Hoa chúc tụng: “Mừng sinh nhật công nương!…”

Đan Tâm giật mình, thật là bất ngờ, nàng cũng quên khuấy đi ngày sinh của mình. Nàng mỉm cười bảo Tuyết Hoa:

– Em làm ta cảm động quá! Kể ra làm dân thường mà còn ăn sinh nhật thì hơi sang đấy! – Đan Tâm khôi hài và nàng nói tiếp:

– Em thấy dân chúng sống ra sao?

Tuyết Hoa thưa:

– Bẩm công nương…

Đan Tâm cắt ngang:

– Dẹp cái lối xưng hô phiền toái ấy đi! Không khéo em làm lộ mất, cứ gọi bình thường như mọi lần.

– Vâng, thưa chị! Em thấy dân chúng thật là đáng thương.

Đan Tâm bảo:

– Ta nhớ những buổi sinh nhật ở hoàng cung, một bữa tiệc linh đình bằng đám dân nghèo ăn cả năm, những nữ trang ta đeo, có giá trị cứu đói cả làng. Em thấy chăng, đường xá gập ghềnh, đầy ổ gà làm di chuyển khó khăn? Triều đình ở xa, quan địa phương mặc tình vơ vét, sưu cao thuế nặng, dân khổ đủ điều! Nhất định sau này, ta sẽ chấn chỉnh lại tất cả những sai trái. Từ nay thay vì ăn mừng sinh nhật, ta sẽ đem số tiền đó ra giúp cho dân nghèo sinh sống, ta không muốn xa hoa khi mọi người còn đói khổ. Mừng ngày sinh nhật của mình mà làm gì, tốt hơn ta nên mừng bằng cách mỗi ngày sống thêm trên cuộc đời này. Tự hỏi xem mình đã giúp ích được gì cho mọi người xung quanh.

Tuyết Hoa ngước mắt nhìn Đan Tâm, thán phục. Càng gần gũi nàng cảm thấy Đan Tâm càng đáng yêu bội phần. Nàng nhìn công chúa lòng khát khao được chiêm ngưỡng dung nhan của thần tượng mình, nhưng nàng không dám nói. Nàng có nghe những lời đồn về nhan sắc Đan Tâm nhưng nàng cứ nghi ngờ! Bên ánh hồng lạp chập chờn, chiếc mạng phủ lên dáng dấp quý phái làm Đan Tâm trông giống như một giai nhân ẩn mật. Tuyết Hoa tha hồ tưởng tượng khuôn mặt của Đan Tâm, nhất là mỗi lần bắt gặp tia mắt vời vợi yêu thương của cô công chúa, Tuyết Hoa muốn ngâm mấy câu: “Nhất khán khuynh tâm, tái khán khuynh thành!” (Nhìn một lần điên đảo lòng, nhìn lại lần nữa nghiêng ngửa thành quách). Thật ra đó là một câu thơ khen ngợi “nụ cười” của giai nhân, Tuyết Hoa sửa lại thành “tia nhìn” (“Tái tiếu” thành “tái khán”) bởi vì có bao giờ nàng được nhìn thấy nụ cười của Đan Tâm đâu?

Tiếng nói của Đan Tâm cất lên phá tan dòng tư tưởng lan man của nàng:

– Em làm gì mà nhìn ta trân trối thế hở Tuyết Hoa?

Tuyết Hoa giật mình ấp úng:

– Tâu công… à! Thưa chị, chị làm em thán phục quá.

Tuyết Hoa buông lời tán thán Đan Tâm.

Đan Tâm mỉm cười:

-May mắn là em gần ta sau này, chứ em gặp ta trước đó thì em sẽ thất vọng, vì ta không dễ thương như em nghĩ đâu.

Tuyết Hoa sôi nổi:

– Em đã từng kề cận Thứ phi và công nương Thủy Tiên, em chỉ nghe bàn toàn nữ trang y phục, sắm sao cho đẹp cho sang, chứ có nghe họ nói giống công nương đâu!?…

– Ấy ấy! Em lại nói sau lưng người vắng mặt nữa rồi, đó là thói xấu của… bọn con gái chúng mình đó nhé!

Tuyết Hoa toét miệng cười, Đan Tâm nhắc:

– Đã bảo mà em cứ quên, trong suốt thời gian này không được gọi ta là công nương, nhớ chưa?

– Dạ, dạ em xin lỗi… chị, em nhớ rồi!

Họ lại tiếp tục cuộc du hành, trên đường đi Đan Tâm nói:

– Em còn nhớ gia đình mình ghé hôm trước không? Mấy chú bé dễ thương quá há?

– Vâng họ nghèo mà trông hạnh phúc quá, còn thằng bé Mi thật ngoan.

Công chúa có vẻ thích thú:

– Em thấy không, bé tí mà đã biết lo rồi, suốt quảng đường gần nhà bé Mi, không có lấy một cây gai, một chút rác…

Tuyết Hoa phá lên cười:

– Bé Mi cứ thấy gai, rác là lượm, lần đó mình tới chú bé bị chảy máu tay vì dẹp miểng chai giữa đường… Em hỏi tại sao bé hay lượm rác, bé nói: “Mẹ dạy còn nhỏ không giúp ích gì được cho ai thì ít ra cũng giúp được khách bộ hành đi không bị gai đâm”… bé còn khoe em một gói gai bé đã lượm, chú bé đáng yêu làm sao!

Tuyết Hoa nói thêm:

– Em còn lo điều này nữa…

Đan Tâm ngạc nhiên:

– Điều gì?

– Buổi sáng ra đi chị đã lén bỏ chiếc nhẫn vào nồi cơm của họ, thế nào họ cũng bị gãy răng cho mà xem. Và Tuyết Hoa cười khúc khích: cứ điệu này em sợ mình không còn tiền để về hoàng cung…

Đan Tâm cũng bật cười theo. Cứ thế hai người vừa đi vừa trò chuyện thật vui vẻ.

Một bữa nọ, khi gần tới rừng Hắc Lâm, Đan Tâm nghe đồn rằng cách đây ba tháng, nơi này còn là sào huyệt của bọn cướp khét tiếng. Nhưng nhờ có một chàng trai không biết ở đâu đến, thuyết phục khiến chúng bỏ nghề thảo khấu, sống đời lương dân. Thậm chí đám cướp còn bỏ công bắc cầu sửa đường cho dân đi. Trước đây con đường rất gập ghềnh, gò nổng, loang lổ rất khó đi. Nhờ họ mà đường sá đã quang đãng, dễ đi hơn trước nhiều. Dân chúng mang ơn thường đem đồ đến biếu.

Một bác nông dân già cười móm mém, nói:

– Thú thật hai cô cười, chứ giờ tôi lại ước ao có được một thằng rể trong bọn họ, từ lúc hoàn lương đến nay, không ngờ họ thay đổi thấy thương như vậy!

Đêm nay nay trăng lên, cô cứ lắng tai mà nghe, họ giã gạo và họ hát vang rân cả rừng.
Tuyết Hoa và Đan Tâm nhìn nhau cảm động. Lòng tò mò muốn biết mặt chàng trai đã chinh phục được bọn cướp. Nàng nói nhỏ với Tuyết Hoa:

– Thật là khó, mình là con gái, làm sao gặp chàng ta được?

Tuyết Hoa đã nghịch ngợm nhờ cụ già, ngỏ ý muốn gặp chàng trai anh hùng thầm lặng đó, nàng nói hai nàng là người thân của chàng. Khi cụ già ra đi làm sứ giả, Đan Tâm trách tuyết Hoa:

– Trời ơi! Em nói liều quá, khi người ta đến thấy mình lạ hoắc, có phải vô duyên và ê mặt không?

Tuyết Hoa cười:

– Phải quyền biến tùy thời công nương ạ, đường đột đòi gặp người ta, em thấy khó mở lời hơn. Thà trêu chút mà chả sao, ông ta… không trách đâu!

Chàng trai mà hai người mong đợi đã đến. Cụ già làm xong nhiệm vụ đã vội vã từ tạ vì bận việc. Đan Tâm lặng lẽ quan sát người mới đến.

Đó là một chàng trai có vóc dáng khôi ngô anh tuấn, gương mặt phản phất nét buồn sâu kín, chàng nhìn hai cô gái, vẻ mặt đầy bỡ ngỡ nhưng nụ cười chàng thật là đôn hậu dễ mến. Đan Tâm đã lấy lại phong độ của mình, nàng mở lời:

– Kính chào tôn ông! Xin lỗi đã nhận họ hàng không đúng chỗ, nhưng chỉ vì quá ngưỡng mộ tôn ông! Xin hãy cho chúng tôi được biết quý danh và làm thế nào người đã chinh phục được bọn cướp, giúp họ trở thành những con người tốt?

Chàng trai mỉm cười:

– Tôi tên là Thái Ân, cô nương khen quá lời! Chẳng qua là do may mắn thôi!

Dường như Thái Ân không muốn đề cập nhiều đến việc làm của mình. Không tiện gạn hỏi lâu, Đan Tâm thất vọng đành cáo từ. Nàng trao cho Thái Ân gói giấy nhỏ, gọi là chút quà biếu đám người hoàn lương, mong họ có kinh tế vững vàng để tiếp tục làm những điều cao đẹp như họ vừa làm. Nàng dặn khi nàng đi rồi Thái Ân mới có quyền mở gói giấy, vì nàng phải lên tận kinh thành để tìm người thân của mình. Nhưng Thái Ân không buồn quan tâm đến gói quà, chàng đang lo cho số phận hai cô gái trên đường xa đầy bất trắc, chàng có nhã ý hộ tống hai nàng. Đan Tâm cũng thấy chuyến du hành của nàng như thế đã quá đủ. Nàng sung sướng có thêm người bạn đồng hành như Thái Ân. Nhưng nàng e dè hỏi:

– Vậy ông đành bỏ rơi chốn này à? Người ta có bằng lòng không?

Thái Ân đáp:

– Đây đâu phải là quê tôi. Tôi chỉ ghé tạm thôi. Giờ các bạn của tôi đã sống yên ổn thì tôi có thể đi được rồi.

Buổi chia tay đầy quyến luyến giữa Thái Ân và đám cướp hoàn lương, họ chuẩn bị hành trang cho Thái Ân thật chu đáo, lương thực và xe. Nhưng Thái Ân từ chối, chàng trao gói giấy của Đan Tâm cho họ. Tên chúa đảng cũ – An Bình – ôm chàng, mắt rưng rưng lệ nói:

– Anh là người anh tốt nhất trên đời mà chúng em được gặp. Em không bao giờ quên anh. Em đã tìm được hạnh phúc trong cuộc sống hoàn lương. Chúng em sẽ sống xứng đáng để có ích cho xã hội. Đó là một lời hứa, anh có tin không?

– Anh tin.Thái Ân chớp mắt cảm động, anh xiết chặt tay tên chúa đảng cũ, bùi ngùi nói lời từ giã anh em trong đoàn.

Giờ chia tay đã đến. Bụi hồng đã che khuất người đi, nhưng những ánh mắt vẫn còn dõi theo lưu luyến…

*
*       *
Suốt lộ trình, Đan Tâm vàThái Ân trò chuyện rất tương đắc. Họ như đôi bạn tri kỷ quen biết từ lâu. Khi về gần đến hoàng thành, họ bị một đoàn người mặc đồ đen vây đánh. Thái Ân và Tuyết Hoa chống trả mãnh liệt. Đan Tâm bị thương nặng. Một người trong đoàn bịt mặt ôm nàng vượt khỏi vòng vây. Thái Ân vội tung người đuổi theo, nhưng đám quân cản đường quá đông khiến chàng chậm chân truy dấu…

Khi chàng vừa kịp tới nơi thì bóng đen đã vội vàng nói: “Công chúa bất tỉnh rồi! Hãy săn sóc và đưa nàng đến chỗ an toàn, để tôi đi đánh lạc hướng bọn giặc”.

Trong tình thế nguy ngập gấp rút, Thái Ân không thể nói gì hơn ngoài việc bế xốc Đan Tâm nhắm hướng ngược hoàng thành mà chạy. Tuyết Hoa đã đuổi theo kịp, nàng thở hổn hển bảo Thái Ân:

– Bọn giặc đã đi rồi, họ không đuổi theo nữa đâu!

Đêm đó nơi lữ quán, Thái Ân buồn rầu nhìn Đan Tâm nằm mê man, chàng định tháo chiếc khăn che mặt để theo dõi thần sắc nàng, nhưng Tuyết Hoa hốt hoảng ngăn lại:

– Đừng! Lệnh của hoàng gia không ai được nhìn mặt công nương.

Thái Ân lo âu:

– Vết thương nặng lắm!… Cô ta là công chúa à?

– Phải! – Tuyết Hoa đáp – công chúa cải trang đi du hành để tìm hiểu đời sống dân chúng. Có lẽ nàng bị đội quân của thứ phi ám hại để dành quyền lợi cho con bà. Thật may, nếu không có ông chắc chúng tôi đều chết trong trận này!

– Cũng có người trong bọn giặc phụ giúp chúng ta, cô có biết người ấy là ai không?

Tuyết Hoa lắc đầu. Thái Ân cau mày nhìn Đan Tâm nằm thiêm thiếp, chàng lẩm bẩm:

– Tất cả chỉ vì chiếc ngai vàng!

A! Tiểu Khiết, chị đã tỉnh rồi, chị có nhìn thấy em không? Đan Tâm mở mắt, khuôn mặt quen thuộc của cô gái hôm nào đang nhìn nàng trìu mến. Đan Tâm mừng rỡ nắm chặt tay cô gái như sợ nàng sẽ tan biến. Trong cơn mê sảng, nàng mơ thấy mình cùng các thiếu nữ tuyệt sắc, bay là là theo dải ngân hà đùa giỡn bằng cách chiếu vào mặt nhau những tia sáng chóa mắt. Và Tiểu Tú, cô gái này đã nghịch ngợm phủ vòng hoa thơm điếc mũi lên người nàng, miệng liến thoắng: “Chào nữ hoàng đẹp nhất hành tinh!” Đột nhiên Đan Tâm bùi ngùi. Tất cả đã tan biến, nhưng cô gái hãy còn đây, gợi cho nàng nỗi nhớ thương về một hành tinh mơ hồ. Đan Tâm nhìn Tiểu Tú đăm đăm. Ôi! Ta không hình dung được hành tinh hạnh phúc, nhưng ta nhìn nhận mình có thâm tình mật thiết khôn cùng. Ta không muốn xa em Tiểu Tú ạ! Em còn thấy khó thở khi đến đây không?

Tiểu Tú mỉm cười:

– Em có cảm giác như bị dìm xuống giếng sâu khi đến đây, có quyến luyến chị cho lắm em cũng khó ở lại nơi này, ta chỉ có thể hàn huyên với nhau trong chốc lát thôi! Sen trong hồ bắt đầu tươi rồi chị ạ! Em cũng vui mừng nghĩ đến ngày về của chị – Đột nhiên Tiểu Tú lo lắng hỏi – Chị có muốn trả thù những người đã làm hại chị không?

Đan Tâm lắc đầu. Vết thương vẫn còn hành hạ làm nàng đau nhức, nhưng nàng cảm thấy mình không thù ghét ai. Phải chăng đó là điều hạnh phúc nhất của nàng?

Tiểu Tú sung sướng nhìn Đan Tâm;

– Cuối cùng chị cũng trở lại là chị, như thuở nào chúng ta bên nhau. Ôi! Em mừng cho bản tánh hiền thiện của chị không mất, chỉ vì mang một thân xác không đẹp chị bị mờ mịt bởi bao muộn phiền. Chị đã thành công trong việc chuyển hóa mình, dần dần những đức tánh xa xưa đã phục hồi nơi chị. Chị thấy chăng, mình cũng rất dễ bị ảnh hưởng do bề ngoài của thể xác, và trong hoàn cảnh bức bách nhất còn giữ được sự diệu hiền là rất khó. Chỉ cần chị khởi ý niệm ác độc trong lúc bị thương, chị sẽ chết và trở lại hành tinh đón nhận sự chế nhạo của bà Thiên Dung, đó là sự trở về không vinh quang. Nhưng chị đã xứng đáng là trưởng tỷ của chúng em. Chị đã và sẽ gặp lại bạn bè, những người hết lòng yêu thương và trung thành với chị. Còn gì để em phải lo nữa?… Đã đến lúc em phải đi rồi, ta sẽ gặp lại nhau trong một ngày mọi việc ổn cả. Tiểu Tú nhìn Đan Tâm trìu mến: “Giã biệt chị nhé!”

Đan Tâm hốt hoảng ngăn lại, nhưng vô ích, Tiểu Tú vẫn bay vụt đi, bàn tay Đan Tâm chờn vờn và nàng đập trúng mặt Thái Ân đang ngồi canh bệnh. Đan Tâm mở mắt gọi:

– Tiểu Tú!

– Cô đã tỉnh rồi! Thái Ân mừng rỡ nói. Cô thấy trong người ra sao?

Đan Tâm ngơ ngác hỏi:

– Tôi nằm đây đã bao lâu?

– Hơn hai tuần. Thái Ân đáp. Cô thấy trong người thế nào?

– Tôi đã bớt đau nhiều. Cho tôi xin cốc nước… Tuyết Hoa đâu?

Thái Ân trao ly nước cho nàng đáp:

– Cô ấy về hoàng cung báo tin cho đức vua hay. Và sực nhớ, Thái Ân quỳ xuống:

– Xin công chúa tha tội thất lễ.

Đan Tâm ngăn lại:

– Hãy đứng lên. Nếu không có anh chắc gì tôi còn sống. Ơn ấy báo đáp không hết, có đâu anh lại xin lỗi tôi?

Thái Ân nói:

– Chỉ là việc bổn phận, công nương chớ lấy làm ân nghĩa.

Và chàng bỏ đi xuống nhà. Lát sau, mang lên bát cháo nghi ngút khói cùng chén thuốc vừa sắc xong. Chàng bảo Đan Tâm:

– Công nương dùng cháo rồi uống thuốc nhé!

– Cảm ơn anh – Đan Tâm đón lấy bát cháo, cảm động nói – Đừng gọi tôi là công nương nữa, nghe khách sáo lắm, anh hãy xem tôi như cô em gái nhỏ.

Thái Ân mỉm cười:

– Vậy thì cô đừng cảm ơn tôi nữa. Thật! mấy ngày nay khó mà theo dõi bệnh tình công… à… bệnh cô. Bởi không nhìn được sắc diện để đoán. Có lúc mạch đứng hẳn làm tôi lo chết người.

– Vậy tôi kéo khăn che mặt xuống nhé? – Đan Tâm nói.

Thái Ân ngăn lại:

– Không cần nữa, cô đã tỉnh rồi. Cứ giữ đúng lệnh hoàng gia. Thật ra đối với tôi dung nhan cô không quan trọng đâu!

Đan Tâm lặng lẽ nhìn Thái Ân, suốt thời gian lâm nạn, chàng luôn kề cận, chăm sóc nàng chu đáo. Trọn hành trình vẫn một cử chỉ ân cần, trước sau giống nhau, dù nàng là thường dân hay một công nương. Nhìn chàng con mắt trũng sâu, vẻ mệt mỏi, Đan Tâm nhủ thầm: “Vì ta mà chàng phải lụy theo. Thật là người bạn tốt đáng quý!” Nàng bảo:

– Anh cũng nên đi nghĩ cho lại sức, tôi tự lo lấy được rồi.

Thái Ân cười:

– Cô có cần gì nữa không?

– Cần anh đi nghỉ… Lỡ giặc tới mà anh đuối sức thì nguy!

Thái Ân vâng lời. Tội nghiệp! Vừa nằm xuống anh đã ngủ vùi.

*
*       *
Đã mấy ngày trôi qua, vẫn chưa có tin gì của Tuyết Hoa. Đan Tâm lo âu bảo Thái Ân:

– Liệu Tuyết Hoa có bị nguy không anh?

Thái Ân trấn an nàng:

– Không sao đâu! Với tài nghệ sẵn có, cô ấy đủ sức tự bảo vệ, có lẽ phai lo tránh tầm mắt của giặc nên hơi chậm thôi.

Và chàng thở dài:

– Ngai vàng và quyền lợi làm người ta điên như thế đấy!

Đan Tâm nhìn Thái Ân. Vẻ buồn trầm lặng lại phảng phất trên gương mặt anh tuấn. Gốc tích chàng vẫn còn bí ẩn, trong câu chuyện Thái Ân thường tránh nói về mình. Nhưng nhìn phong thái đĩnh đạc, dáng dấp quyền quý, nàng đoán chàng không thuộc giai cấp thường. Nàng đột ngột hỏi Thái Ân:

– Anh ở đâu? Anh có thể kể cho tôi nghe về anh không?

Thái Ân dịu dàng nhìn Đan Tâm, chàng nói:

– Giờ thì tôi không giấu cô làm gì nữa, tôi kể đây:

Tôi sinh ra ở xứ Sa Kỳ An, con của đức vua Nhật Lệ và thứ phi Bích Vân. Tôi lớn lên trong sự nuông chìu của mọi người. Tôi học hành đạt xuất sắc các môn võ thuật. Do đó, tôi rất tự phụ về tài năng của mình. Mẹ tôi rất hãnh diện về tôi. Sự cưng chìu của bà cũng biến tôi thành hư đốn, hung hãn. Không một ai dám trái ý tôi. Tôi thẳng tay trừng trị những người làm tôi phật lòng. Tôi muốn bất cứ điều gì là trời muốn.

Anh tôi, thái tử Bảo Ân rất hiền đức, nhưng tài nghệ thì kém xa tôi. Mẹ tôi âm mưu dành ngai vàng cho tôi. Bà sai người bí mật theo dõi anh Bảo Ân trong lúc anh đi vãn cảnh, rồi ra tay hạ sát anh nơi bìa rừng. Lúc ấy tôi đang ở hoàng cung, tự dưng thấy ruột gan nóng như lửa đốt, tôi không hiểu tại sao? Tôi nhảy lên con tuấn mã và phóng như điên vào rừng vừa kịp lúc anh tôi bị ám hại. Thoáng thấy bóng tôi, hung thủ đã bỏ chạy, còn anh tôi thì nằm bất tỉnh với vết tử thương. Tôi vội bế xốc anh lên, đi tìm vị đạo sĩ có phong cách thoát tục mà trong một dịp tình cờ, tôi đọ sức với ông và bị chiến bại. Tôi tin chắc ông ta có khả năng cứu anh tôi. Nhưng ông đạo sĩ ra điều kiện hết sức khó khăn, rằng tôi phải tìm cho được máu của người chưa từng lầm lỗi đem đến, mới có thể chữa trị cho anh tôi. Tôi và anh Bảo Ân rất thương nhau, tôi thương anh vì sự hiền đức và điều đó cũng giúp tôi nhiều. Ngay từ nhỏ anh Bảo Ân luôn nhường tôi mọi việc. Trong giây phút nhìn anh oằn oại với vết thương, tim tôi cũng nhức nhối theo. Tôi van lạy vị đạo sĩ xin ông tìm cách cứu mạng anh và cứu luôn tội của mẹ tôi. Nhưng ông thản nhiên đáp:

– Anh hãy làm thế nào cho tôi phát tâm trị bệnh mới được…

Tôi khóc bảo ông ta rằng:

– Không thể nào tìm được máu của người chưa hề lầm lỗi, bởi từ sinh ra, lúc còn thơ bé cũng đã dễ vướng lỗi lầm. Và trong thời điểm gấp rút đó, tôi đã quỳ xuống tuyên thệ với trời đất rằng tôi sẽ hoàn toàn sửa đổi để sống có ích cho mọi người, tôi cầu mong máu của tôi sẽ cứu được mạng anh tôi. Lập tức vị đạo sĩ tươi cười bảo tôi:

– Khi biết ăn năn hối cải chừa bỏ hành vi lầm lỗi của mình, cũng được xem như người chưa từng lầm lỗi. Bởi từ đó về sau họ đã sống một đời trong sạch. Ông nói tiếp:

– Lẽ ra nếu con cứ giữ tính tàn khốc, con sẽ lãnh lấy hậu quả thê thảm gấp trăm lần anh con. Nhưng lòng thương anh và quên mình đã khiến con thay đổi. Hãy nhớ lấy lời thề của mình. Giờ con hãy hiến máu đi và yên lòng rằng tội lỗi mẹ con đã được cứu chuộc, nhờ con.

Tôi cầm dao cắt tay, ông đạo sĩ bắt đầu công việc chữa trị, tôi ngã xuống ngất đi vì máu ra nhiều quá.

Khi tôi tỉnh dậy thì anh Bảo Ân đã được cứu sống, đội quân của phụ vương tìm đến, hộ tống anh em tôi về. Dĩ nhiên hoàng hậu nhất định xử tử mẹ tôi, nhưng anh tôi ngăn cản. Mẹ tôi chỉ bị trục xuất ra khỏi vương tộc, bà được an trí nơi một lâu đài biệt lập để ăn năn tội lỗi của mình. Sự khoan hồng đó được xem như là nghĩ đến tình tôi. Còn tôi, tôi đã rời bỏ hoàng cung để quên đi kỷ niệm u buồn. Và như cô thấy, tôi đã tìm mọi cách để đem hạnh phúc đến cho mọi người như lời thề. Việc chinh phục bọn cướp đối với tôi không có gì khó, bởi tôi hiểu lòng chúng như hiểu sự hung dữ tiềm ẩn trong tôi. Tôi biết nếu chúng chịu hoàn lương chúng sẽ là những con người xứng đáng. Chỉ vì chúng không có bạn tốt và tôi đã làm bạn chúng suốt ba tháng ròng. Tôi đã tặng chúng xâu chuỗi ngọc hoàng tộc của tôi để chúng làm vốn sống. Và cô thấy đó, bọn cướp đã không phụ lòng tin của tôi. Ngày hoàn lương, tên chúa đảng đã đặt cho mình cái tên An Bình, có nghĩa là hắn sẽ đem sự bình an đến cho hắn và mọi người.

Đan Tâm cảm động:

– Anh kể chuyện cứ như là mơ! Qua câu chuyện tôi không sao mường tượng được anh là một kẻ dữ… Anh có tự chê mình quá không? Nhìn vào bề ngoài của anh ai cũng thấy toát ra vẻ cao thượng đôn hậu.

Thái Ân mỉm cười:

– À! Suýt nữa thì quên, trước khi xảy ra chuyện anh Bảo Ân bị ám sát tôi thường vào rừng giải khuây và hay gặp ông đạo sĩ ấy. Nói cô không tin chứ lúc trước tôi xấu lắm. Một hoàng tử vừa xấu vừa kiêu! Nhưng có lần nằm mộng, tôi thấy mình bay trên tinh cầu đầy hạnh phúc và các bạn tôi bảo tôi: “Đến giờ phút này vẫn chưa chuyển biến được gì!” Không hiểu sao lúc ấy tôi lại nghĩ mình là người của tinh cầu ấy, và tôi có thể thay đổi hình dạng theo ý muốn mình bằng cái tâm tốt lành. Khi thức thức dậy nỗi buồn sầu ghét ghen của tôi tiêu tan. Tôi đã cố gắng thay đổi tâm tính mình, tôi ngờ rằng giấc mơ của tôi cũng có bàn tay vị đạo sĩ nhúng vào, vì tôi thường bắt gặp tia nhìn kỳ lạ và nụ cười bí ẩn của ông. Dường như ông đã khuất phục tôi, biến tôi thành con cừu non trước ông. Ông làm như vô tình gặp tôi, nhưng tôi vẫn cảm thấy ngấm ngầm rằng dường như ông muốn nhắc tôi điều gì đó.

Đan Tâm hơi giật mình: Sao chuyện Thái Ân cũng có điểm giống nàng? Nàng hỏi tiếp:

– Ông đạo sĩ ấy hiện giờ ở đâu?

– Tôi không biết tin ông. Hình như ông đã ẩn dật, không muốn giao tiếp với con người nữa.

– Bây giờ anh có thấy hạnh phúc chưa?

– Rất! Dù tôi không còn là hoàng tử, nhưng tôi lại thấy mình như sống trong lòng mọi người. Có thể chia sẻ buồn vui với họ tôi cảm thấy hạnh phúc càng tỏa rộng hơn. Có thể nói bây giờ tôi sướng hơn ông hoàng, dù hiện tại tôi là một người lang thang.

Trầm ngâm giây lâu Thái Ân nói tiếp:

– Đôi lúc những chuyện xưa đeo đẳng và gợi lại nỗi buồn trong tôi. Nhất là chuyện của cô hiện thời.

Đan Tâm dịu dàng nói:

– Hãy quên những điều đáng tiếc xảy ra đi anh. Tôi nghĩ mình nên cảm ơn những lỗi lầm, vì những chua cay trong cuộc sống đôi khi nó cũng mang đến cho ta bài học quý, bởi nhờ đó mà mình trưởng thành và biết cách sống hơn.

Thái Ân nhìn Đan Tâm cảm mến:

– Vâng! Cô nói đúng! Tôi cũng nghĩ như vậy.

Đến lượt Đan Tâm thổ lộ ẩn tình của nàng:

– Anh có biết tại sao tôi luôn che mặt không? Bởi tôi không đẹp. Khi tôi lớn lên ở cái tuổi bắt đầu biết mơ mộng, tôi khổ đau rất nhiều khi thấy mình thua kém mọi cô gái đồng trang lứa. Càng khổ sầu tôi lại càng xấu. Nhiều đêm ưu tư đến mất ngủ, mỗi sáng soi gương tôi giật mình vì làn da mình sạm màu hơn, môi tôi thâm thêm và màu mắt tôi lại đục nhiều. Thế là tôi cảm ơn mẹ tôi đã ban hành lệnh đeo mặt để không ai được thấy tôi xấu. Tôi đã giam hãm mình trong ngục sầu khổ rất lâu cho đến khi tôi không nghĩ về mình nữa. Tôi cũng có giấc mơ hạnh phúc giống anh và tôi hiểu rằng, muốn đem hạnh phúc đến cho mọi người mình phải hoàn thiện nhân cách từ nơi mình trước nhất. Tôi biết mình là con gái, là chúa của những thói xấu tị hiềm ghét ghen, ích kỷ và tôi tìm cách loại bỏ chúng ra khỏi lòng mình! Và từ đó tôi an ổn. Tôi ngủ yên hơn và thấy lòng thanh thản rất nhiều. Tôi đã thề với lòng rằng không bao giờ làm điều gì có hại đến người cũng như không sống dối trá. Vì tôi hiểu phẩm cách của mỗi người thể hiện trong mãnh lực tinh thần. Sau này dù giận tức đến đâu tôi cũng mừng là đã thoát khỏi những hành động đáp trả thô lỗ. Và lần đầu tiên tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc khi bị xúc phạm khiếm nhã mà mình vẫn giữ được lễ độ. Dĩ nhiên tôi không tha thứ cho mình những ý niệm xấu trong tâm, có thể mình không làm khổ người bằng dao kiếm, đó là chuyện rất dễ dàng! Nhưng đôi khi những lời nói không đúng sự thật với dã tâm thêu dệt cũng đủ giết chết người. Mình có thể lên án gắt gao những lỡ lầm của người mà không hiểu rằng tận đáy lòng, mình với người vẫn giống nhau! Và tôi cảm thấy mình luôn có những lý lẽ rất huyền diệu để bênh vực cho điều quấy của mình! Tôi đã cảm nhận hạnh phúc không phải ngồi trên chiếc ngai vàng, trên tiền của danh vọng, mà là ở chỗ mình đã điêu luyện được mình!…

Tiếng cười của đôi bạn trẻ vang lên. Họ đã thông cảm nhau sâu sắc và họ cảm thấy gần nhau hơn bao giờ hết. Thái Ân chợt hỏi Đan Tâm:

– Cô định giải quyết thế nào về chuyện vừa qua?

– Đoàn quân đó ta không rõ tung tích, mà tôi không muốn làm rối rắm thêm.

– Cô có nghĩ rằng chính kế mẫu cô cho người hại cô không?

Đan Tâm ngước cặp mắt sáng long lanh nhìn Thái Ân, trong giây phút Thái Ân cũng giật mình vì tia nhìn thu hút của nàng. Giọng Đan Tâm dịu dàng:

– Thật ra thứ mẫu cũng đáng thương! Bà ấy có nỗi khổ của người mẹ quá yêu con và gặp toàn chuyện bất như ý… Anh Thái Ân, anh thương mẹ lắm phải không? Tôi đọc thấy điều đó trong mắt anh. Tôi tin rằng mẹ anh sẽ được sung sướng vì việc làm của con trai bà. Còn chuyện của tôi… Hãy cứ xem như là một rủi ro trên đường về, do bọn cướp gây ra thôi…

– Trong đám giặc có người đã đối xử tốt với chúng ta, cô biết ai không?

– Làm sao tôi đoán ra được? Nhưng… có một người tốt trong bọn họ cũng đủ để mình an lòng rồi!

Giọng Thái Ân trở nên lo lắng:

– Dù sao cô cũng phải hết sức cẩn thận mới được!…

*
*       *
Đan Tâm được đón về triều với đoàn quân cứu giá rầm rộ. Đức vua hết sức vui mừng khi gặp lại con. Ông lập tức ban hành lệnh truy tìm thủ phạm, nhưng Đan Tâm quyết liệt can ngăn, xin vua cha hãy bỏ qua chuyện đó và nên mừng nàng đã bình an trở về.

Thật ra đức vua rất lấy làm băn khoăn về tai nạn của Đan Tâm, nhưng chứng tích không rõ ràng khó có thể buộc tội ai! Đúng ra theo dự tính, khi Đan Tâm tròn mười tám tuổi ông sẽ truyền ngôi cho nàng. Nhưng sau chuyện này ông cảm thấy phải gấp rút làm lễ phong vương. Ông truyền lệnh mở yến tiệc, triệu tập quần thần đông đủ, tuyên bố ý định của mình. Giữa triều thứ phi Diễm Châu kịch liệt phản đối. Bà nói:

– Tâu bệ hạ! Làm chủ muôn dân phải có đức có tài. Ngay mặt thật của Đan Tâm cả triều không ai biết thì làm sao nhận ra nữ hoàng của mình?… Chỉ có người tâm địa đen tối u ám mới luôn che mặt. Thần thiếp muốn tất cả mọi người phải được thấy mặt thật của Đan Tâm. Và xin hãy cho tân vương lên ngôi trong sự công bằng, trong sự đồng ý ủng hộ của triều đình. Chưa hẳn là các quan đã ủng hộ Đan Tâm. Thiếp yêu cầu bệ hạ hãy thực hiện sự bình đẳng. Giữa Thủy Tiên và Đan Tâm, ai được sự đồng ý của đa số, sẽ chính thức lên ngôi.

Đức vua bối rối, Đan Tâm vội thưa:

– Tâu phụ vương, con nghĩ ý kiến của thứ mẫu là chính đáng. Con không muốn lên ngôi trong sự bất bình của bao người. Con cũng muốn biết có ai ủng hộ con. Nếu con không xứng đáng, thì con xin nhường ngôi cho Thủy Tiên. Xin phụ vương hãy ban lệnh.

Đức vua thở dài. Con nào cũng là con. Đã đến nước này thì phải chìu theo lòng người thôi!

Ngài tuyên bố:

– Để được vô tư trong việc bầu chọn tân vương, ta đề nghị bỏ thăm kín.

Thứ phi phản đối:

– Dưới ánh sáng mặt trời không có gì phải che dấu, thần thiếp muốn được thấy các quan công khai bày tỏ lòng mình.

Đức vua nhíu mày:

– Thôi được! Ta cũng không muốn Đan Tâm lên ngôi trong sự bất mãn của triều thần. Nào! Bây giờ trong các khanh, ai ủng hộ Đan Tâm xin bước về bên phải. Còn ai chọn Thủy Tiên xin bước về bên trái.

Lập tức một số quan kỳ cựu lão thần bước về bên phải. Một nửa của số còn lại bước về bên trái. Dĩ nhiên họ là những người được thứ phi mua chuộc và cũng là vây cánh của bà. Họ đã được phong chức cao trước khi giấc mơ làm nữ hoàng của Thủy Tiên đạt thành.
Số còn lại đứng bối rối, trong đó có Bằng Phi. Thật ra nhóm quan trẻ đa số đều thuộc cánh của Thứ phi, bà đã cực nhọc biết bao trong việc quyến dụ và vận động cho con gái. Những tước quan cao sang đã được bà ngầm phong tặng, chỉ cần đám quan đứng lơ ngơ kia bước về phía trái là phần thắng nằm trong tay bà. Bà chiếu đôi mắt sắc và lạnh vào Bằng Phi, chàng rể tương lai tin yêu của bà “Hay nó sợ cha nó? Một lão thần nghiêm nghị và khó tính?” Lão Bằng Sơn đang đứng bên phải và ngạc nhiên nhìn con. Nhưng lần lượt các quan trẻ còn lại đều bước chầm chậm về bên phải, và đôi chân của Bằng Phi lại bước về cùng hướng với cha chàng.

Thứ phi tái mặt. Dường như lũ quan ngu này cố tình trêu cợt bà, chúng vờ bối rối phân vân, để rồi tặng cho bà một “cú” đến xây xẩm mày mặt.

Tiếng nhà vua vang lên:

– Như vậy ngôi báu thuộc về Đan Tâm.

Thứ phi tức giận nói:

– Xin bệ hạ hãy cho chúng thần chiêm ngưỡng dung nhan Đan Tâm!

Đức vua nhìn con, xót thương.

Đan Tâm hướng về thứ phi, nàng đưa tay gở mạng che mặt, cả triều thần “ồ!” lên sửng sốt.

Trước mặt họ là một nàng công nương kiều mị, nét mặt đoan trang dịu hiền vô tả. Môi nàng đỏ thắm như son với nụ cười thật khả ái, đôi mắt trong xanh như nước hồ thu mà tia nhìn đằm thắm có thể làm đứng tim các chàng trai trẻ, da nàng mịn, xinh như cánh hồng đào. Đan Tâm trông giống như một nàng tiên rực rỡ nhưng không kiêu sa, một nàng công chúa đẹp nhất trên đời nếu nói đúng sự thật.

Đức vua nhìn Đan Tâm kinh ngạc, cả triều đình đứng yên như phỗng đá và các chàng trai trẻ nhìn nàng như mất hồn.

Thứ phi Diễm Châu gầm lên:

– Giả mạo! Đích thị ngươi là kẻ giả mạo Đan Tâm vào đây chiếm ngôi báu. Quân! Bắt lấy hắn…

Đức vua nhìn Đan Tâm lòng xiết đỗi hoang mang… Thật sự từ lúc hoàng hậu mất đến nay, ngài ít khi nhìn mặt thật của Đan Tâm. Nàng đã trở nên quá quen thuộc, chỉ cần nhìn dáng nàng xuất hiện, nghe tiếng nói là ông đã nhận ra. Sao giờ đây lại có chuyện lạ lùng thế này? Và kỳ lạ hơn, nhìn sang thứ phi Diễm Châu, ông càng sửng sốt khi thấy bà tựa như một xác chết bên cạnh Đan Tâm, màu mắt đỏ ngầu hằn những tia hung ác, làn da xám xịt sần sùi, đôi môi thâm tím trên khuôn mặt tái nhợt vì tức giận. Dung nhan của bà xấu xí hơn cả Đan Tâm thuở xưa. Thứ phi vẫn chưa biết sự thay đổi của mình, đang gay gắt buộc tội Đan Tâm thì Thủy Tiên đã thét lên:

– Mẹ! Sao mẹ biến hình kỳ dị thế này?

Diễm Châu ngạc nhiên, bà liếc nhanh mình qua cốc nước và ôm mặt rú lên bỏ chạy, Thủy Tiên cũng đuổi theo.

Còn lại Đan Tâm và quần thần, đức vua hỏi nàng:

– Có phải con là Đan Tâm thật chăng?

Đan Tâm quỳ xuống thưa:

– Cha không nhận ra con sao?

Đức vua nhìn con, rõ ràng là Đan Tâm. Vẫn tiếng nói dịu êm xưa cũ, tiếng nói đã bao lần làm ông nao lòng và không thể không chìu nàng, vẫn dáng dấp thanh thoát trang nhã. Ông bảo Đan Tâm:

– Đúng thật là con gái của ta! Nhưng con hãy giải thích sự kiện vừa xảy ra.

Đan Tâm mỉm cười nói:

– Con nghĩ rằng mỗi người sẽ mang dung nhan thích hợp với mình. Chẳng qua vì yêu con mà mọi người thấy con đẹp và do thái độ quá mức của thứ mẫu mà chúng ta thấy bà không đẹp!… phải không cha?

Đức vua im lặng, nhất định là có lý do sâu kín. Nhưng chắc chắn giai nhân đứng trước mặt là đứa con yêu của ông. Đặt tay lên đầu con gái, ông xúc động nói: “Ngày mai con sẽ chính thức nhậm chức và ta sẽ đặt vương miện cho con.”

Lẽ ra đức vua có thể tiến hành đại lễ, nhưng chuyện xảy ra làm ông thấm mệt. Niềm vui và nỗi buồn nối tiếp nhau, ông cần được nghỉ ngơi yên tĩnh để tổ chức lễ đăng quang của con cho chu đáo, trang trọng. Còn đây mới chỉ là một cuộc hội ý, một cuộc trưng cầu ý kiến và tuyên bố người thừa kế chính thức.

Và đức vua ban hành lệnh bãi triều.

*
*       *
Đêm đã khuya, đức vua vẫn chưa chợp mắt, ngài nhớ đến thứ phi Diễm Châu.

Ngày đầu tiên tuyển bà vào cung, ông quý trọng hai bà hoàng như nhau. Diễm Châu đẹp lộng lẫy đến độ người trong cung mỗi lần muốn khen ai, đều nói rằng: “Đẹp như thứ phi!”. Lời nói đó đã thành câu ví von thông dụng để ca ngợi người đẹp. Theo thời gian ông bắt đầu lạnh nhạt với Diễm Châu vì không chịu nổi những muộn phiền bà trút cho ông. Tiếng nói du dương của buổi đầu đã nhường chỗ cho những lời càu nhàu hằn học, khuôn mặt xinh như hoa phù dung không còn quyến rũ, bởi tia nhìn ngún lửa ghen hờn và nét mặt luôn cau có. Tai đức vua luôn phải nghe những lời than vãn và bực tức người khác, mỗi lần ông kề cận bên bà. Ngay cả những lúc ông mệt mỏi việc triều chính, Diễm Châu vẫn không ngừng tạo ra giông tố. Ông không còn thấy bà là giai nhân mà đích thị là một cô gái hay nhăn. Trong khi ấy, Hoàng hậu vẫn luôn là người bạn thân thiết của ông, luôn quan tâm đến sức khoẻ và sớt chia gánh nặng cùng ông. Ông chỉ thấy niềm an ủi bên cạnh vị chánh phi hết lòng lưu tâm đến buồn vui của chồng, bà luôn tránh cho ông mọi sự phiền lòng, và không bao giờ thốt lên một lời than vãn nào với ông về người khác.
Ông đã đến với Diễm Châu vì bóng sắc rực rỡ của bà, nhưng sự ghanh ghét, nết cau có hằn học của Diễm Châu đã giết chết tất cả. Ông chịu đựng Diễm Châu như một tật tánh không sửa được, ông cũng không thể xử tệ với bà, vì ông đã cưới bà… Nhưng giờ đây Diễm Châu đã bỏ đi biệt dạng. Đức vua tự nhìn lại mình và ngậm ngìu thương xót cho người vợ thứ bất hạnh.

Thật ra, lúc đầu ông có thể đến với tướng mạo bên ngoài, nhưng khi sống bên nhau, chính nét đẹp tâm hồn mới có khả năng lưu giữ được tất cả! Ông đã nhận ra điều đó ở hoàng hậu, người vợ dịu dàng khả ái luôn lấy niềm vui của ông làm của bà. Hoàng hậu mất đã lâu mà đến giờ ông vẫn không thể nào nguôi thương nhớ.

Còn Thủy Tiên tánh thụ động thích chưng diện đua đòi, không quan tâm đến ai. Tất cả trang sức được trưng bày trên người là nét đẹp mà nàng ngưỡng mộ. Đối với nàng, càng đeo nhiều nữ trang càng tốt, trang sức, y phục tiệc tùng… đó là những điều nàng lưu tâm nhất. Đức vua buồn rầu nghĩ đến Thủy Tiên, ông thầm mong dần dà Thủy Tiên sẽ ảnh hưởng đức tánh nhân ái của chị nàng.

Ông đã chịu đựng một nhan sắc đẹp nhưng chứa đầy nọc độc, do thuở thiếu thời vì mê đắm sóng mắt giai nhân, nên giờ ông ước ao con gái ông sẽ đẹp từ thể chất đến tâm hồn.

Ông yêu Đan Tâm một phần do hoàng hậu, nhưng chính đức hạnh nàng mới thật sự làm ông vui sướng. Đó là lý do ông chọn Đan Tâm kế vị mình. Ông không có con trai để nối dõi, nhưng cần gì? Ông chỉ cần một tấm lòng nhân đức giàu trí tuệ tiếp nối sự nghiệp của ông. Ông đã tìm được điều đó ở Đan Tâm và bạn bè của nàng. Các lão quan, dũng tướng trong triều đều yêu mến Đan Tâm, ngay cả lúc chưa biết mặt nàng. Ông còn ước mơ gì hơn? Vua hiền, tôi sáng!… Bất giác ông nhớ tới gương mặt khôi ngô của Thái Ân, tài đức của chàng rất đáng cho ông kỳ vọng. Đức vua mỉm cười hài lòng và mãi suy nghĩ miên man ông đã đi vào giấc ngủ lúc nào không hay…

*
*       *
Lễ đăng quang được cử hành trọng thể. Các quan vẫn giữ nguyên chức cũ, ngay cả những người đã ủng hộ Thủy Tiên. Đan Tâm trong bộ nhung phục lộng lẫy của nữ hoàng, sau khi thuật lại những nghĩa cử của Thái Ân và Tuyết Hoa. Nàng đã trang trọng thi lễ với Thái Ân, xin nhận chàng làm bảo huynh và xin Thái Ân hãy cùng giúp nàng trong việc cai trị nước. Chàng trai trẻ thích vui gót lang thang trong phút giây đó đã cảm động bảo Đan Tâm.

– Khi rời hoàng cung, tôi nghĩ không ai có thể làm tôi dừng gót phiêu bồng, nhưng tôi không ngờ chỉ một cô em gái nhỏ thôi, đã đủ uy lực kéo tôi ở lại.

Đan Tâm mỉm cười nghịch ngợm:

– Thế… bảo huynh có cần kiếm thêm bảo tẩu không?

Thái Ân vội vã lắc đầu:

– Ấy! Xin vương muội đừng đùa. Ta thích được tự do mãi mãi.

Khỏi phải nói, chúng ta cũng biết Thái Ân giúp Đan Tâm rất đắc lực trong việc chấn chỉnh mọi sai trái, phụ nàng cai trị dân rất tuyệt. Cả hai không quên những chàng trai hoàn lương nơi rừng Hắc Lâm. Đan Tâm đã cho vời họ về, và dưới sự huấn luyện tài ba của Thái Ân, họ trở thành đoàn quân thiện chiến, trung thành như những cảm tử quân.

Nhưng dưới triều vương nữ Đan Tâm, khi mà khoé mắt nụ cười của nàng có công năng bẻ gãy mọi gươm đao, làm tê liệt ý xâm lấn của mọi mưu đồ chinh chiến, thì nhóm An Bình đành thất nghiệp, (vì mối giao hảo hòa hiếu của nữ vương với nước láng giềng, nàng đã biến những kẻ xâm lăng thành người bạn thân thiết) nên họ không có cơ hội để tỏ lòng “cảm tử”.

Nhóm An Bình lại tiếp tục công việc ngày nào là san bằng mọi chướng ngại trên đường đi, mong đem lại tươi mát cho bàn chân của khách bộ hành! Dĩ nhiên họ được sự ủng hộ nhiệt tình của nữ vương và dân chúng. Còn Tuyết Hoa, làm sao nàng có thể rời xa nữ vương? Nàng giữ chức nguyên soái huấn luyện đội quân lừng danh, thừa hưởng đủ đức tính của nàng: can đảm, trung thành, có pha lẫn chút ngang tàng và bướng bỉnh. đó có lẽ là đặc tính của các cô con gái con nhà võ?

Thủy Tiên vẫn sống êm ấm dưới trướng của chị mình. Còn Bằng Phi, chàng giữ chức quan Bộ lang trong triều, nhưng chính chàng là người buồn nhất trong cung.

Vì bóng đen Thái Ân thắc mắc không ai khác hơn là Bằng Phi. Chàng đã nghe lời phủ dụ ngon ngọt của thứ phi Diễm Châu, bà đã vẽ ra một viễn ảnh vàng son sáng rực, rằng nếu Thủy Tiên được kế vị ngai vàng, nàng sẽ nhường ngôi cho chồng và Bằng Phi sẽ nghiễm nhiên trở thành hoàng đế. Dưới sự chỉ đạo của Thứ phi, chàng cùng các tướng lãnh khác đã thực hiện việc ám sát hụt vừa qua. Thật ra, ngay khi bế Đan Tâm mang đi, sứ mạng của chàng là phải giết chết Đan Tâm và thủ tiêu luôn xác nàng. Thứ phi Diễm Châu rất hả hê với ý nghĩ mượn chính tay người bạn thân xưa của Đan Tâm hạ sát nàng. Nhưng trong giây phút Thái Ân chậm chân truy đuổi đó, Bằng Phi đã do dự, ngập ngừng khi hành động… và tò mò chàng đã xem mặt nàng. Chính Bằng Phi là người diện kiến dung mạo Đan Tâm trước nhất, khi chiếc mạng được vén lên, sắc đẹp diễm ảo nhưng quá đỗi diệu hiền của Đan Tâm có một uy lực vô hình làm chàng buông rơi tay kiếm, đồng thời đã bắn mạnh vào tim chàng một mũi tên yêu say đắm… Và như chúng ta đã thấy, Bằng Phi không thể làm gì khác hơn ngoài việc phụ Thái Ân đánh lừa đám tàn quân.

Trở về cung chàng càng đau khổ hơn, làm sao dám nhận mình ở trong đám người phản loạn? Khi mà hình bóng Đan Tâm luôn ngự trị và không ngớt dày vò trái tim chàng.

Đan Tâm dường như đã quên tất cả kỷ niệm tình bạn thuở xưa, nàng cũng không còn là một cô gái hay sầu muộn để chàng có dịp an ủi nữa. Mỗi lần đối diện nữ vương, chàng xót đau vì gần nhau trong gang tấc mà cách xa nghìn trùng. Sau lưng Đan Tâm chàng dệt biết bao mộng mơ để rồi khi chạm mặt chẳng bao giờ dám nói, trước tia nhìn trong sáng trang nghiêm của nữ vương, chàng thấy mình trở nên thấp hèn không xứng đáng. Nàng thanh khiết như một loài hoa vô nhiễm khiến chàng phải kính trọng. Nàng vẫn đối xử với chàng như bao người khác, bằng tấm lòng từ ái đồng đẳng. Biết bao lần Bằng Phi chết lặng vì tia nhìn dịu hiền của nàng? Khoảng cách không là bao mà sao xa vời vợi! Bằng Phi chỉ còn cách biến khối tình si câm nín của mình thành tấm lòng tận trung báo quốc. Phải nói rằng nữ vương Đan Tâm rất hạnh phúc với triều thần đoanh vây trung thành, nhất là những chàng trai trẻ.

Người ta tán thán rằng dưới triều nữ vương Đan Tâm, nhà nhà được no ấm, đêm ngủ cửa thường mở ngỏ, giao thông tiện lợi vì có nhóm An Bình. Người ta cũng đồn rằng các cô gái lo sửa mình ráo riết để được một sắc đẹp giống như Đan Tâm và các chàng trai mơ ước họ sẽ tài dũng như Thái Ân để có cơ hội trở thành “người trong mộng” của các cô gái.

Có lẽ bạn đọc sẽ hỏi tại sao Đan Tâm và Thái Ân không cưới nhau? Bởi vì trong tim hai người đó đã dành tất cả tình yêu cho người quanh mình, họ không còn chỗ để chứa tình yêu riêng nhỏ bé. Người ta nói rằng những người ở hành tinh Hạnh Phúc khi đến địa cầu sẽ có khả năng thay đổi hình dạng theo ý muốn. Bởi vì Đan Tâm và Thái Ân đã có ý sẽ bắt đầu từ cái xấu chuyển thành tốt đẹp nên họ phải mang lấy dung nhan xấu cho đến khi họ thành công trong việc sửa đổi. Không biết là bao lâu họ về lại hành tinh nhưng cũng có thể giữa địa cầu họ vẫn như sống ở hành tinh vì họ không bị chi phối bởi khổ đau do những tham vọng ích kỷ cho bản thân. Họ đã sống bằng trái tim nhân ái nên họ mãi mãi hạnh phúc.

Người ta cũng nói rằng cho đến nay những người ở hành tinh Hạnh Phúc không ngừng đến với địa cầu mang theo những sáng kiến khoa học và nền văn minh của đất nước họ, cống hiến cho nhân loại, họ cũng không tự nhớ được mình là người hành tinh đến đây với ước mơ phụng hiến. Có người quên hẳn và biến dạng như thứ phi Diễm Châu. Bà đã đi sai đường hướng của hành tinh nhưng vì bà thuộc người hành tinh nên dung nhan bà thay đổi rất nhanh.

Triều đại của nữ vương Đan Tâm đã trôi qua, nhưng người ta vẫn nhắc nhở đến để luyến tiếc một thời vàng son rực rỡ của lòng nhân ái. Sau này khi gặp ai đem đời mình phụng sự cho ích lợi mọi người, họ đều bảo nhau “Đó là người của hành tinh Hạnh Phúc”. Lòng ngưỡng mộ khiến họ thường kể cho trẻ em nghe về chuyện của hành tinh Hạnh Phúc dù rằng những chuyện xa xưa đó giờ đây được xem như một huyền thoại.

*
*       *
Khi tôi đọc xong câu chuyện, bé My thắc mắc:

– Không biết chuyện “Hành tinh Hạnh Phúc” có thiệt không há?

Bé Diễm chen vào:

– Em nghĩ là chuyện hoang đường! Làm gì đang xấu mà biến thành đẹp được nếu không nhờ thẩm mỹ viện?

Bé Khánh thầm thì:

– Chắc ông Tư say rượu kế bên là người của hành tinh Hạnh Phúc đấy. Lúc không say ông ấy đi đứng đàng hoàng, gặp ai cũng vui vẻ, thích giúp đỡ họ. Mà lúc ổng say ấy hả, trời ơi! Dòm thấy ghê! Tóc tai bù xù, hai con mắt đỏ ngầu, gặp ai cũng đòi đánh. Đi cà xiêu, cà xiêu, còn xấu hơn Khánh nữa là…

Tôi bật cười đưa bịch kẹo lên, nói:

– Vậy bé nào kể câu chuyện chứng minh tánh tình ảnh hưởng đến dung mạo sẽ được món quà này!

Dũng đưa tay lên: “Em!”

Và nó hóm hỉnh kể:

“Có một nhà họa sĩ tài ba được người ta nhờ vẽ bức tranh thánh. Để bức tranh được sống thực, ông đi khắp nơi tìm người mẫu mà chẳng thấy ai đạt tiêu chuẩn. Cho đến một hôm, khi đi qua đồi cỏ gặp đứa bé chăn cừu, ông sững sờ vì cậu bé đẹp quá! Nét đẹp không bút mực nào tả được. Vầng trán tinh anh không gợn chút bụi trần, đôi mắt sáng trong xanh biểu lộ một tâm hồn chưa ô nhiễm, nụ cười hồn nhiên, vóc dáng thanh thoát,… cả con người cậu tỏa ra một nét thanh khiết đẹp lạ lùng khiến người nhìn có thể ngất ngây và phát sinh lòng kính trọng. Khuôn mặt sáng rỡ đó như một biểu hiện của sự bình an và niềm phúc lạc. Cậu bé hiện diện nơi đồi cừu giống như một thiên thần nhỏ làm rực sáng một vùng cỏ xanh… Thế là nhà họa sĩ hân hoan yêu cầu cậu làm người mẫu và khởi sự vẽ.

Vẽ xong, ông tặng thù lao cho cậu bé hậu hĩ. Ông đem bức tranh về và lần đó ông nổi tiếng với họa phẩm tuyệt tác đã trở thành vô giá trước sự ngưỡng mộ của hàng triệu người.

Bẵng đi một thời gian, lần này người ta không cần vẽ bức tranh thánh, mà lại yêu cầu ông vẽ một bức tranh quỷ, để răn đe những kẻ tha hóa trụy lạc, mất phẩm chất con người.

Dĩ nhiên, nhà họa sĩ kén chọn lại khăn gói lên đường đi tìm người mẫu. Lần này quả thật vất vả, bởi gương mặt quỷ làm sao kiếm được trong cõi người? Mà ông không thể vẽ thay vào bằng gương mặt những con thú, người ta sẽ lầm tưởng ông nghiên cứu động vật mất…

Và “cùng tắc biến!”… Trong giây phút tuyệt vọng ông chợt nảy ra một tư tưởng kỳ diệu… “Sao mình không thử vào nhà giam tìm nhỉ?” Ông nhủ thầm và cảm thấy phấn khởi.

Với tư cách một họa sĩ lừng danh, có phẩm tước và địa vị, ông được phép vào thăm bất cứ nhà giam nào ông muốn. Nhà họa sĩ đi qua rất nhiều nhà giam, gặp biết bao tù nhân mà vẫn chưa tìm được người đúng ý.

Cho đến khi ông vào một nhà lao nổi tiếng chỉ chứa tử tù, phải trưng tất cả giấy tờ chứng minh gốc quý tộc và nghề nghiệp mình, ông mới được phép vào. Ông sung sướng muốn điên vì đã tìm được một tội nhân làm người mẫu thích hợp.

Ông ngỏ ý mời tử tù làm người mẫu giúp ông. Dĩ nhiên đôi mắt tội nhân nhìn ông sáng rực. Hắn thích mê đi!

Vẽ xong, nhà danh họa xoa tay hài lòng. Thật, ông chưa thấy bức tranh nào sống động hơn. Vẻ tăm tối của khuôn mặt, đôi mắt hung dữ đầy dục vọng u ám, nét tha hóa trụy lạc, những cạnh khoé hiểm độc của các vết nhăn. Ôi! Một bức tranh quỷ thật tương xứng. Và lần này, để an ủi tử tù, ông tặng tiền thù lao gấp bội phần!

Đột nhiên anh tử tù bật khóc.

– Tại sao anh khóc? Ông họa sĩ hỏi.

Anh tử tù nhẹn ngào:

– Vì xưa kia, khi vẽ bức tranh thánh, ông đã nài nỉ bảo tôi làm người mẫu, rồi giờ đây ông cũng mượn chính tôi làm nhân vật cho ông vẽ… người trong bức tranh thật là xấu, xấu khủng khiếp! Chính tôi còn không nhận ra, tôi có cảm tưởng ông vẽ quỷ chứ không phải thánh…

Ông họa sĩ bàng hoàng:

– Chính anh là cậu bé ngày xưa đây ư? Trời ơi! Tại sao? Tại sao anh đến nông nỗi này?!…

Tử tù sụt sùi:

– Tại vì những đồng tiền của ông! Thuở còn là cậu bé ngây thơ bên đồng cỏ, tôi chưa biết thế nào là tiêu tiền. Món tiền thù lao của ông đã dạy tôi tiêu xài và quen thói, tôi trộm cắp… rồi đi đến cướp giật. Mái nhà của tôi bắt đầu từ những sòng bài, từ những chỗ ăn chơi nức tiếng, cần sa, xì ke, ma túy,… không thứ nào tôi mà không biết. Tôi tuột đến cuối dốc sa đọa và lần này để có tiền xài, tôi đã tạo những tội khiến người ta phải tuyên án tử hình!…

Bây giờ nhìn bức tranh, tôi đau đớn lắm. Bởi ông là nhà danh họa rất trung thực. Hãy nhận lại số tiền của ông, nó đã trở nên vô nghĩa với kẻ sắp bước lên đoạn đầu đài và hãy xem như tôi tặng ông tác phẩm cuối cùng của đời tôi, “một kẻ bất hạnh đã hai lần đi vào họa phẩm, với hai cuộc sống khác xa nhau”.

Dũng vừa dứt lời, lũ trẻ vỗ tay lốp bốp:

– Hoan hô anh Dũng! Chuyện hay quá! Bây giờ trông anh có duyên và đẹp như người hành tinh…

Tôi trao bịch kẹo cho Dũng:

– Vậy em là người xứng đáng nhận phần quà này!

Dũng khôi hài:

– Người hành tinh không thể hưởng một mình, xin mời, tất cả cùng ăn kẹo!

-Hết-