GIỚI TƯỚNG
Tỳ Kheo Thích Nhất Chân
QUYỂN 2
Trước khi khảo sát vào chi tiết phạm tội nặng nhẹ của bốn giới trọng, nguyên tắc chung của bốn giới được đưa ra như sau:
1) Về giới sát:
– giết người thượng tội
– giết phi nhân trung tội
– giết súc sinh hạ tội 2) Về giới trộm:
– trộm năm tiền thượng tội
– trộm ít hơn năm tiền trung tội
– trộm một tiền hạ tội 3) Về giới dâm:
– đúng đường dâm thượng tội – không phải đường dâm trung tội 4) Về giới vọng :
– đại vọng ngữ thượng tội
– tiểu vọng ngữ (gồm cả hai lưỡi, ác khẩu, ỷ ngữ) hạ tội
Giới sát
Giới sát cần phải có đủ năm duyên như sau mới thành phạm :
- cảnh là người
- có tâm tưởng cho đó là người
- có tâm muốn giết người ấy
- khởi phương tiện để giết
- người ấy vì thế mà chấm dứt mạng sống
Nếu thiếu một trong năm duyên ấy thì việc định tội sẽ như sau:
1- Thiếu duyên thứ nhất
Duyên thứ nhất là cảnh bị giết là người. Nếu thiếu duyên ấy, tức cảnh không phải là người nữa, mà là một trong ba cảnh khác thế vào là phi nhân, súc sinh và vật vô tri. Trong trường hợp này việc định tội sẽ tuỳ theo tâm rộng hẹp của người giết mà phán tội :
a. Nếu với tâm đại mạn mà giết:
1- Vật vô tri mà tưởng là người, trung tội (tội phương tiện giết người)
2- Vật vô tri mà tưởng là phi súc, hạ tội (tội phương tiện giết phi súc)
b. Nếu với tâm tiểu mạn mà giết :
1. Phi nhân mà tưởng là người, trung tội (tội phương tiện giết người)
2. Súc sinh mà tưởng là người, trung tội (nt)
- Vật vô tri tưởng là người, trung tội (nt)
c. Nếu với khắc tâm mà giết :
– B mà tưởng là A, thượng tội (đối với B) và trung tội (đối với A. Nếu là trường hợp lỡ lầm, thì chỉ có trung tội đối với A, còn với B thì vô tội)
– Phi nhân mà tưởng là A, trung tội (tội phương tiện giết A)
– Súc sinh mà tưởng là A, trung tội (nt)
– Vật vô tri mà tưởng là A, trung tội (nt)
2- Thiếu duyên thứ hai
Duyên thứ hai là tưởng đó là người. Thiếu duyên này có nghĩa là tưởng sai đi, cảnh là người mà tưởng không phải là người. Trong trường hợp này, ngoài tưởng sai ra, tâm của người giết còn có thể ở trong trạng thái nghi nữa. Nghi lại phân ra thành hai là trực nghi (nghi chắc đó là A) và hỗ nghi (nghi không chắc được đó là A hay
B). Cách phán tội cũng chiếu theo các tâm rộng hẹp mà phán :
a. Với tâm đại mạn mà giết:
Trường hợp thiếu tưởng hay tưởng sai:
- Người mà tưởng là vật vô tri, trung tội
- Phi nhân mà tưởng là vật vô tri, hạ tội
- Súc sinh mà tưởng là vật vô tri, hạ tội
Trường hợp trực nghi và hỗ nghi cũng không khác gì:
- Người mà nghi là vật vô tri, trung tội
- Phi nhân mà nghi là vật vô tri, hạ tội
- Súc sinh mà nghi là vật vô tri, hạ tội
- Người mà nghi không biết là người hay vật vô tri, trung tội
- Phi nhân mà nghi không biết là phi nhân hay vật vô tri, hạ tội
- Súc sinh mà nghi không biết là súc sinh hay vật vô tri, hạ tội
Trường hợp thiếu luôn cả duyên thứ nhất:
1. Cảnh sai là vật vô tri, tâm nghi chắc đó là vật vô tri, nếu cảnh là người, trung tội ; nếu cảnh là phi súc, đồng hạ tội
2. Cảnh sai là vật vô tri, tâm nghi không biết là người hay vật vô tri, trung tội ; nghi không biết là phi nhân hay vật vô tri, hạ tội ; nghi không biết súc sinh hay vật vô tri, hạ tội
c. Với tâm tiểu mạn mà giết:
Trường hợp thiếu tưởng hay tưởng sai: Người mà tưởng là:
- phi nhân, trung tội
- súc sinh, nt
- vật vô tri, nt
Trường hợp trực nghi hay hỗ nghi cũng không có gì khác :
Người mà nghi là:
- phi nhân, trung tội
- súc sinh, nt
- vật vô tri, nt hoặc người mà nghi không biết là :
- người hay phi nhân, trung tội
- người hay súc sinh, nt
- người hay vật vô tri, nt
- phi nhân hay súc sinh, nt
- phi nhân hay vật vô tri, nt
- súc sinh hay vật vô tri, nt
Nếu thiếu luôn cả duyên thứ nhất: Người mà nghi là:
- phi nhân, trung tội
- súc sinh, nt
- vật vô tri, nt hoặc người mà nghi không biết là:
- người hay phi nhân, trung tội
- người hay súc sinh, nt
- người hay vật vô tri, nt
- phi nhân hay súc sinh, nt
- phi nhân hay vật vô tri, nt
- súc sinh hay vật vô tri, nt
Trường hợp súc sinh hay vật vô tri làm cảnh sai mỗi thứ cũng gồm chín câu, tổng cộng là mười tám câu, giống như trên vậy.
d. Với khắc tâm mà giết:
Trường hợp thiếu tưởng hay tưởng sai: Người A mà tưởng là:
- người B, thượng tội
- phi nhân, trung tội
- súc sinh, nt
- vật vô tri, nt
Trường hợp trực nghi: Người A mà nghi là:
- người B, thượng tội
- phi nhân, trung tội
- súc sinh, nt
- vật vô tri, nt
Trường hợp hỗ nghi : Người A mà nghi không biết là :
- người B hay phi nhân, trung tội
- người B hay súc sinh, nt
- người B hay vật vô tri, nt
- phi nhân hay súc sinh, nt
- phi nhân hay vật vô tri, nt
- súc sinh hay vật vô tri, nt
Nếu thiếu cả duyên thứ nhất, tức trường hợp cảnh đâ sai mà tâm lại nghi chứ không có ý tưởng cho chắc chắn đó là một cảnh xác định nào hết, thì hoặc là B đến thế vào A hoặc là phi, súc, vật vô tri, đến thế vào A: Người B thế vào người A mà nghi là :
- người A, thượng tội
- phi nhân, trung tội
- súc sinh, nt
- vật vô tri, nt hoặc là hỗ nghi :
- người A hay phi nhân, trung tội
- người A hay súc sinh, nt
- người A hay vật vô tri, nt
- phi nhân hay súc sinh, nt
- phi nhân hay vật vô tri, nt
- súc sinh hay vật vô tri, nt
Nếu cảnh sai là phi nhân, súc sinh hay vật vô tri, thì cũng gồm mười câu như trên, như vậy tổng cộng là ba mươi câu, song tất cả đồng là trung tội.
3- Thiếu duyên thứ ba
Duyên thứ ba là có tâm sát. Thiếu duyên này là không có tâm sát, thì hoặc là :
1. như các trường hợp không phạm, vô tội
2. phạt người quá đáng làm chết, cho thuốc sai làm chết bệnh nhân, chăm bệnh nhân không cẩn thận làm chết, mụn nhọt chưa chín phá bừa làm chết hoặc không chữa trị đúng mức làm chết, tuy không có tâm sát, song các điều tắc trách đó cũng là các phương tiện đưa người ta đến chỗ chết nên bị trung tội. Nếu có tâm cẩn thận, song vì tai nạn hay rủi ro mà làm chết thì vô tội
4- Thiếu duyên thứ tư
Duyên thứ tư là khởi phương tiện. Thiếu duyên này là không phát động phương tiện để giết, mà chỉ có tâm giết, thì vô tội nếu chưa đến chỗ trùng duyên.
Hoặc tuy tâm đã duyên theo việc sát, song chưa kịp động thân thì đã hối nên ngưng lại, hạ tội
Hoặc do chán ngán, lười biếng, với tâm bỏ mặc, làm chết bệnh nhân, tuy không khởi phương tiện, song vẫn bị trung tội
5- Thiếu duyên thứ năm
Duyên thứ năm là chấm dứt mạng sống. Thiếu duyên này là mạng sống không dứt, tức bẩy trường hợp thiếu duyên, đều bị kết trung tội
Hoặc giết người ta mà người ta chưa chết thì người giết đã phát cuồng hoặc xả giới, thì ngay lúc phát cuồng hay xả giới ấy đã bị kết trung tội rồi. Còn đến khi người ấy chết, thì vì người giết không còn giới nữa nên không có tội đối với giới, song vẫn bị tội báo theo nghiệp đạo.
Các cách thức để giết
1-. Tự làm và bảo người khác làm
Theo Tứ phần luật, giết có hai loại : một là tự mình giết, hai là dạy bảo người ta giết. Tự mình giết gồm có tám cách như sau :
1. hoặc bằng thân, hăm dọa hay làm cách nào đó làm người ta chết (thân hiện tướng)
2. hoặc bằng miệng, ca ngợi sự chết (khẩu tán tử tướng) để thúc đẩy người ta chết, hay lớn tiếng la hét hăm dọa bắt người ta chết
3. hoặc đào hầm hố bẫy người ta chết (khanh hãm)
4. hoặc biết chỗ thường qua lại (ỷ bát) của người ta, rồi dùng dao gậy ra tay sát hại
5. hoặc xắp đặt các khí cụ giết người (án sát cụ) để khiến người ta chết
6. hoặc đưa thuốc (dữ dược) cho người ta uống để chết
7. hoặc chính mình tự ra tay giết (tự sát)
8. hoặc thân và khẩu đồng hăm dọa hay ca ngợi cho người ta chết (thân khẩu câu hiện tướng)
Trường hợp dạy bảo người ta giết (giáo tha) gồm có chín cách như sau :
1. hoặc bảo người kia ca ngợi sự chết (giáo thán)
2. hoặc bảo người kia sai người khác giết (giáo khiển sứ)
3. hoặc người nhận lời đi giết quay về rồi đi trở lại (vãng lai sứ)
4. hoặc sai hết người này đến người kia đi giết (trùng sứ)
5. hoặc sai người này, người này lại sai người khác, cứ thế sai truyền đi (triển chuyển sứ)
6. hoặc chọn người mạnh khoẻ để đi giết (cầu nam tử)
7. hoặc bảo người chọn người mạnh khỏe để đi giết (giáo cầu nam tử)
8. hoặc viết bằng thư khiến chết (khiển thư)
9. hoặc bảo người khác viết thư (giáo khiển thư)
10. hoặc tìm kẻ chuyên giết người (cầu trì đao nhân)
11. hoặc bảo người khác tìm kẻ chuyên giết người (giáo cầu trì đao nhân)
Hay dùng bất cứ phương tiện nào, chỉ miễn kẻ kia mất mạng đúng với ý mình, là người dạy bảo phạm trọng tội.
Nếu người được bảo giết mà là người có thọ giới, thì cũng bị phạm tội.
2-. Dùng lời nói phá nước
Như Tỳ khưu hay Ưu bà tắc biết về bói toán, rồi nói ra mà tạo thành việc chinh phục cướp bóc nước khác, thời bị phạm cả hai tội sát và trộm.
3-. Ca ngợi sự chết
Nếu nói lời ca ngợi sự chết để xúi một người chết, song người đó lại không hiểu, mà người bên cạnh lại hiểu rồi nghe theo mà chết, thì không phạm.
Sự Sao nói : có người tự thiêu thân, nếu người có giới mà lại đi ca ngợi làm người kia thích thú mà làm, thì đều như Luật kết trọng tội.
4-. Tự sát
Có nhiều người vì Đạo mà hủy hoại thân mình cho đến tự sát. Theo Luật ngũ phần và tứ phần thì tự sát là trung tội, nghĩa là bị kết thành tội phương tiện. Tại sao ? Vì khi người ấy chết rồi thì Giới thể mất theo, thế nên người ấy khi chết rồi không còn có tư cách để phạm giới nữa, song lúc trước khi chết vẫn còn đầy đủ mọi nhân duyên phạm giới, thế nên trước khi chết vẫn bị tội phương tiện.
Tổ Linh Chi nói nhân luân hồi chưa tận diệt thì tự sát vô ích, trái lại cần phải giữ gìn thân mạng mà chăm tu ba học, phát triển tứ hoằng, tụng trì đại thừa phương đẳng, cột niệm vào danh hiệu của chư Phật, hy vọng Long Hoa sẽ được độ, lấy An Dưỡng làm chỗ quay về, thâm thiết chán ngán sinh tử, thấu triệt nhân quả, có thế mới trừ được gốc khổ
Theo Luật thập tụng thì người có thọ giới không được tự làm tổn thương hủy hoại thân thể mình, cho đến cắt ngón tay, đều phạm tội. Tổ Linh Chi giải thích : tương truyền là hạ tội.
5- .Về súc sinh
Nếu giết súc sinh có trí hiểu được tiếng người, hoặc có thể biến hình thành người, trung tội. Nếu súc sinh không biến hình được, thì nếu giết là hạ tội. Tổ Linh Chi giải thích là khi súc biến thành người, thì do tướng đã giống người rồi, cho dù biết đó là súc sinh biến thành người mà giết, thì tâm ấy vẫn nặng nên bị kết trung tội ; còn khi súc sinh tuy có trí hiểu tiếng người, song vì không biến thành người được, nên khi sát hại chỉ cho đó là súc sinh thông thường, nên chỉ kết hạ tội.
Giới trộm
Làm tổn hại cho người khác mà không đúng theo lý lẽ là trộm (phi lý tổn giả vi đạo)
Lấy của của người ta một cách công khai là cướp (công bạch thủ giả viết kiếp)
Lén lấy sợ chủ hay biết là ăn cắp (uý chủ giác tri vi thâu)
Trong ba nghĩa ấy, nghĩa trộm bao quát luôn cả hai nghĩa kia, thế nên danh xưng trộm được dùng để đại biểu cho cả ba nghĩa.
Đối tượng của trộm
Đối tượng của trộm tức cảnh phạm, là các vật có chủ thuộc về cả sáu trần và sáu đại, những gì của người ta mà người ta tiếc quý giữ gìn. Nếu mình không đúng theo lý mà làm tổn hại các vật ấy, là thành phạm tội trộm.
Sáu duyên thành phạm
Giới trộm do năm duyên sau đây mà thành phạm :
- cảnh trộm là vật có chủ (hữu chủ vật)
- trong tâm tưởng cho đó là vật có chủ (tưởng hữu chủ)
- vật ấy có giá trị năm tiền trở lên (trọng vật)
- có tâm muốn trộm (hữu đạo tâm)
- nhấc vật ấy lên khỏi chỗ (cử ly bổn xứ)
Tại sao giới trộm này không có duyên khởi phương tiện? Có thêm duyên ấy cũng được, song theo tổ Đạo Tuyên giải thích trong Giới Sớ : Cứ làm hao tổn tài vật của người ta là thành phạm tội, nếu xác nhận là phải có khởi phương tiện lên, thời e có kẻ lạm dụng duyên này. Thế nên cho dù là vô ý hoặc không biết mà làm hao tổn tài vật của người khác, cũng đều thành phạm tội.
Nếu thiếu một trong năm duyên như trên, thì việc định tội như sau:
1. Thiếu duyên thứ nhất
Nếu với tâm tiểu mạn, tức chỉ giới hạn lấy vật của loài người thôi :
- vật của phi nhân tưởng của người, trung tội (tội phương tiện trộm vật của người)
- vật của súc sinh tưởng của người, nt
- vật vô chủ tưởng của người, nt
Nếu với khắc tâm, như vật của B mà tưởng là của A, cũng bị trung tội, tức tội phương tiện trộm vật của A.
Trường hợp tâm đại mạn, thì không còn phân biệt là vật của loài nào nữa, mà cứ lấy là thành phạm.
2. Thiếu duyên thứ hai
Thiếu duyên thứ hai thời sẽ có đến chín trường hợp phán tội thuộc về chuyển tưởng, nghi tâm và thiếu cả hai duyên (song khuyết). Chuyển tưởng là trước hết là vật của người mà tưởng đó là vật của người (nhân tưởng), cho đến lúc muốn lấy thì lại nghĩ lại cho rằng đó là vật của phi nhân. Nếu căn cứ vào tâm sau khi chuyển này thì chỉ bị kết thành hạ tội. Song trong Luật lại căn cứ theo tâm trước khi chuyển mà kết là trung tội như sau : Vật của người mà tưởng là vật…
- của phi nhân, trung tội
- của súc sinh, nt
- vô chủ, nt (nếu trước sau trong tâm đều cho là vật vô chủ thì không có tội; còn nếu trước đó cho là vật có chủ rồi sau mới chuyển tưởng cho là vô chủ thì trung tội )
Kế đến là tâm nghi : đối trước vật của người nghi ngờ không biết là vật của người…
- hay của phi nhân, trung tội
- hay của súc sinh, nt
- hay vật vô chủ, nt
Thiếu cả hai duyên cùng lúc (song khuyết) là trường hợp cảnh đã không đúng mà tâm lại sinh nghi chứ không có ý tưởng cho chắc đó là một cảnh xác định nào hết, thời gồm có ba câu tuỳ theo vật của phi,súc hay vô tri thế vào :
1. nếu là vật của phi nhân thế vào mà nghi không rõ là vật ấy của người hay của phi nhân, trung tội
2. nếu là vật của súc sinh thế vào mà nghi không rõ là vật ấy của người hay của súc sinh, nt
3. nếu là vật vô chủ mà nghi không rõ là vật có chủ hay vô chủ, nt
3. Thiếu duyên thứ ba
Duyên thứ ba là vật để trộm có giá trị từ năm tiền trở lên. Trường hợp cảnh để trộm là vật có giá trị từ năm tiền trở lên. Song khi trộm lại tưởng đâu là vật giá trị dưới năm tiền (trọng vật tác khinh tưởng) mà trộm, thì lúc ấy sẽ theo tâm tưởng muốn lấy trộm vật dưới năm tiền mà kết thành phương tiện trung tội.
4. Thiếu duyên thứ tư
Duyên thứ tư là có tâm trộm. Trường hợp không có tâm trộm, tức thiếu tâm, thì dĩ nhiên là không phạm. Song lại có một trường hợp khác là trước đó khởi tâm trộm rồi đến khi lấy thì không có tâm trộm nữa, trường hợp này vẫn được coi là thiếu tâm, song lại bị kết hạ tội theo tâm muốn trộm đi trước đó.
Tổ Linh Chi giải thích đó là trường hợp có tâm mà thiếu phương tiện. Tâm ở đây là chỉ cho giai đoạn phương tiện xa (viễn phương tiện) nên mới bị kết là hạ tội, và thiếu phương tiện ở đây là thiếu hai giai đoạn thứ và cận phương tiện vậy. Còn một khi mà tâm trộm đã thúc đẩy thân khẩu hoạt động để trộm, tức đã vào đến giai đoạn thứ phương tiện và cận phương tiện rồi, thì không coi là thiếu tâm hay thiếu phương tiện nữa.
5. Thiếu duyên thứ năm
Duyên thứ năm là vật bị trộm lìa khỏi chỗ. Trường hợp vật chưa lìa khỏi chỗ thời vẫn thành trung tội phương tiện. Trung tội ở đây lại gồm hai loại, tức thuộc thứ phương tiện và cận phương tiện.
Các trường hợp chi tiết
I . Về vật có chủ
1. Vật thuộc Tam bảo
Tổng quát mà nói : vật của Tam bảo (Tam bảo vật) mà có người thủ hộ, tức coi như vật có chủ, nếu trộm đúng giá năm tiền trở lên đều thành tội cực nặng ; nếu không có ai thủ hộ mà trộm, thì vẫn bị thượng tội, vì bị coi là làm hoại mất phúc đức của thí chủ vậy. Như tràng phan lọng che v.v. nơi tháp Phật do thí chủ cúng dường, ngày nào còn có đó là phúc đức của thí chủ còn có đó, nếu lấy đi là làm cho phúc đức của thí chủ bị chấm dứt tại đó.
Vật của Tam bảo rất khó mà gìn giữ. Phật có nói trong Kinh : .”Vật của Tăng khó mà quản lý, còn vật của Phật và Pháp thì không ai làm chủ hết. Ta cho phép hai hạng người quản lý vật của Tam bảo : một là A la hán, hai là Tu đà hoàn. Ngoài ra là phải hai hạng người như sau : một là người trì giới hoàn toàn thanh tịnh, biết rõ về nghiệp báo ; hai là người biết sợ nghiệp báo đời sau, có tàm quý và hối tâm.”.Thế nên người học cần phải hết sức lưu tâm vậy.
Vật của Phật
Vật của Phật (Phật vật) có bốn loại như sau : 1. vật do Phật thọ dụng (Phật thọ dụng vật), 2. vật thuộc về Phật (thuộc Phật vật), 3. vật cúng dường Phật (cúng dường Phật vật), 4. vật hiến cho Phật (hiến Phật vật).
1. Vật do Phật thọ dụng (Phật thọ dụng vật) như phòng ốc, y phục; hoặc vàng, đá, đất v.v…thuộc vật thọ dụng của Phật tượng. Nếu gìn giữ không để sai sót và cúng dường các vật ấy, thì sẽ sinh phúc đức lớn trong thế gian. Luật có nói : “Nếu là vườn tược, tọa cụ v.v. của Phật, thì người trời cũng phải cúng dường y như cúng dường tháp của Phật vậy.” Tổ Đạo Tuyên nói tất cả các thứ ấy đều là tướng và cũng chính là thể của pháp thân, nên không được coi thường vậy. Tổ Linh Chi giải thích pháp thân vốn vô tướng phải tuỳ theo vật để mà hiển ra, nên các vật ấy là thể của pháp thân.
Hoằng Nhất luật sư trích Luật giải thích thêm : không để sai sót là tuy các vật của Phật có mục nát hư hoại cũng không được phép bán đi hay chế lại vật khác để cúng dường Phật. Chỉ nên chế ra các vật mới cúng Phật thọ dụng, còn các vật hư nát kia vẫn phải giữ lại mà thờ phụng, không được phá bỏ hay đem đi bán. Như kinh Bảo Lương có nói : “Cho dù bị gió rạc mưa sờn, các vật báu cúng dường không được đem bán.”
2. Hai là vật thuộc về Phật (thuộc Phật vật), tức các vật như vàng, báu, ruộng vườn, người, súc vật v.v., có thể tuỳ nghi mà bán buôn, để mua lấy các đồ cúng dường mà cúng dường vậy. Do vì các vật ấy không thọ dụng được mà chỉ có nghĩa là thuộc về mà thôi, nên mới gọi là vật thuộc về Phật. Khi thí chủ thí riêng cho Phật thì thành vật của Phật, tuy cho phép bán đi, song những gì đổi lại vẫn thuộc về Phật, không được lạm dụng.
3. Ba là vật cúng dường (cúng dường vật) như hương, hoa, phướn v.v., các thứ này có thể đổi chác, bán đi được giống như các vật thuộc về Phật. Tuy nhiên, như phướn thì chỉ biến đổi được, chứ không bán đi để đổi mua thứ khác được. Như biến đổi phướn thành lọng, tràng, cờ, màn che…
4. Bốn là vật hiến cho Phật (hiến Phật vật), tức các đồ ăn uống, trái cây v.v., thì các người hầu, dù là đạo hay tục đều được phép ăn. Ngày nay là như các ông từ giữ chùa, các vị quản lý tháp miếu v.v. đều được sử dụng các vật ấy sau khi cúng dường lên Phật rồi.
Vật của Pháp
Vật của Pháp (Pháp vật) cũng gồm có bốn loại : 1. vật do Pháp thọ dụng (Pháp sở thọ dụng vật), 2. vật thuộc về Pháp (thuộc Pháp vật), 3. vật cúng dường Pháp (cúng dường Pháp vật), 4.vật hiến cho Pháp (hiến Pháp vật).
Vật do Pháp thọ dụng (Pháp sở thọ dụng vật), như giấy, lụa, trúc, gỗ, có ghi chép Kinh ở trên ấy, hoặc hộp, thùng, đồ đựng, vải bọc, để cất chứa giữ gìn Kinh. Các vật ấy vĩnh viễn phải duy trì gìn giữ, không được đổi thay thứ khác. Các vật ấy được coi trọng vô giá y như thánh Giáo, vì đó là nơi y cứ và duy trì của chân lý Niết bàn vậy. Nếu duy trì gìn giữ kính trọng thì phát sinh phúc đức vô lượng như cúng dường Pháp, còn nếu ngược lại coi thường làm tổn hoại thì cũng phải chịu vô lượng tội khổ.
Nhiều người cho rằng các Kinh cũ hư rách có thể thiêu hủy được, gọi là “hỏa tịnh”, và cho là làm thế có phúc đức. Đó là điều sai lầm. Kinh điển dù chỉ nửa bài kệ thôi cũng có thể giúp cho người tu hành giác ngộ, trong Kinh Niết Bàn nói chỉ hai chữ thôi còn diệt trừ hoặc được (lưỡng tự trừ hoặc), nên lỗi đốt hủy Kinh càng sâu nặng vậy. Vả lại người ghi chép ấn loát ra Kinh có công đức vô lượng, mà ngày nào Kinh còn thì phúc đức của người ấy vẫn còn kéo dài (sự tại phúc), hủy mất kinh là hủy mất phúc đức của người ta, tức thuộc giới trộm vậy.
Ba loại vật còn lại đều giống như trường hợp vật của Phật ở trên, nên cứ dựa theo trên mà xét, nghĩa là hai loại trước có thể chuyển đổi được và loại cuối thì người phụng sự có thể hưởng được.
Vật của Tăng
Vật của Tăng (Tăng vật) gồm có bốn loại : 1. vật thường trụ cố định của chúng tăng (thường trụ thường trụ vật, còn gọi là tứ phương tăng vật), tức các vật cố định tại chỗ, của chúng Tăng nói chung, chứ không phải của riêng chư tăng tại chỗ, nên bất cứ cá nhân nào, dù là tri sự, cũng không được tự ý đem ra sử dụng phân phát; 2. vật thường trụ của chúng tăng khắp mười phương (thập phương thường trụ vật, còn gọi là hiện tiền thường trụ vật), tức các vật thường trụ ở trên mà vào lúc chính thức được đem ra phân chia cho chúng Tăng nói chung thọ dụng, nghĩa là bất cứ một vị tăng ở đâu đến cũng có phần thọ dụng của mình trong đó; 3. vật hiện tiền của chư tăng có mặt ngay tại chỗ (hiện tiền hiện tiền vật, còn gọi là đương phận hiện tiền vật), tức các vật riêng tư của cá nhân mỗi vị tăng đang có mặt tại chỗ, các vật này thuộc về cá nhân của mỗi vị tăng có mặt tại chỗ, chứ không thuộc về chúng tăng nói chung hay chư tăng tại chỗ; 4. vật hiện tiền của chúng tăng khắp mười phương (thập phương hiện tiền vật), tức các vật riêng tư của một vị tăng đã quá cố, lúc ấy các vật này thuộc về của chúng Tăng nói chung, chứ không phải chỉ thuộc về chư tăng tại chỗ, nên bất cứ vị tăng nào đến trú xứ đó cũng đều có phần thọ hưởng các vật ấy. Hai loại trước vì vĩnh viễn cố định ở một chỗ, nên được gọi là thường trụ, song loại đầu tiên hết không có nghĩa phân chia được nên gọi là thường trụ thường trụ, loại sau có thể phân chia được cho chúng tăng nói chung, nên gọi là thập phương thường trụ. Hai loại sau tức các vật cúng thí cho tăng, gọi chung là hiện tiền, song loại đầu thì chỉ thuộc về cá nhân mỗi vị tăng ngay tại chỗ, nên gọi là hiện tiền hiện tiền, loại sau thì cả chư tăng ngay tại chỗ và chúng tăng khắp mười phương đều có phần thừa hưởng, nên gọi là thập phương hiện tiền.
1. Vật thường trụ thường trụ như nhà cửa, điện đường, ruộng vườn, người vật, lúa gạo. Các vật này chỗ của chúng cố định, nên không thể phân cắt ra. Nếu muốn phân cấp cho chùa khác, thì phải đồng ý với nhau qua pháp yết ma rồi mới được cho, nếu tự động cho thì coi như là trộm làm hao tổn (đạo tổn) tăng vật. Ở đây người quản lý hay tri sự được coi là chủ của các vật ấy. Nếu người quản lý hay tri sự mà tự ý cho thì có nghĩa là tự trộm, vì các vật này vì không phân chia được, nên giá trị vẫn tính theo mọi trường hợp thông thường, nên cứ lấy đủ giá trị năm tiền là thành tội trọng. Trường hợp người không phải tri sự mà tự động lấy cho thì có nghĩa trộm theo trường hợp thông thường, tức trộm vật có chủ.
2. Vật thường trụ của thập phương tăng như cơm, bánh v.v., tức các vật thường trụ thường trụ mà đã được nấu chín lên để ăn. Luật định rằng mười phương tăng nghe tiếng báo hiệu thì đồng đến ăn cơm, nên đó là các vật chia xẻ được cho mười phương tăng. Hễ trộm các vật này thì nếu không phải là người quản lý sẽ thành tội trọng trộm vật có chủ, nếu xét theo chỗ chủ là mười phương tăng thì bị trung tội, vì vật ấy phân chia cho mười phương tăng nên không bao giờ đủ giá trị năm tiền. Có người cho rằng cứ vật thường trụ nào mà chín là coi như của thập phương tăng. Song không phải vậy, mà dù là sống hay chín mà chưa đúng vào lúc đem ra cúng tăng thì vẫn thuộc về vật thường trụ thường trụ, còn hễ đã đem ra để thọ dụng trong ngày là đều thuộc về vật thường trụ của thập phương tăng.
Khi tiếng chuông báo hiệu giờ cơm, thập phương tăng đều có quyền dùng chung, vậy người làm và súc vật của chùa khác có được dùng hay không ? Không được, vì chư Tăng có đủ lục hòa nên ở đâu cũng đều là một như nhau. Còn người và súc vật là của riêng mỗi nơi khác nhau, thuộc quyền sai sử riêng theo mỗi nơi, nên vấn đề ăn cũng như vậy. Lại nữa, ý thí chủ là cúng cho Tăng ngay chỗ ấy chứ không phải cúng cho các loài không thuộc về phúc điền. Nếu là người hay súc vật của tăng chùa khác mà ăn đồ chùa này thì bị hạ tội. Song đó là người làm hay súc vật làm công quả chung với tăng thì mới bị hạ tội, còn người hay vật riêng tư của vị tăng nào đó mà ăn thì bị trọng tội.
3. Vật hiện tiền của hiện tiền tăng là các vật tín thí cúng dường cho Tăng ngay tại chỗ như quần áo, thuốc men, phòng ở, đồ dùng v.v… Các vật này thuộc về riêng chư tăng hiện tiền ngay tại chỗ và không thuộc về một chỗ cố định, nên mới gọi là vật hiện tiền của hiện tiền tăng.
4. Vật hiện tiền của thập phương tăng là các vật của năm chúng xuất gia có được do tín chủ thí cho và sau khi mất đi để lại. Các vật này tuy là vật của hiện tiền tăng, song thập phương tăng đều được thừa hưởng chung, nên gọi là vật hiện tiền của thập phương tăng.
Trong các vật của Tam bảo, thì trộm vật của Tăng là nặng tội nhất. Bởi vì ngay Phật cũng ở trong số Tăng, như trong luật Ngũ Phần có ghi : phần nhiều có ai thí vật cho Phật, Phật đều nói “hãy thí cho Tăng, ta cũng ở trong số Tăng, nên thí cho Tăng sẽ được quả báo lớn”. Lại trong các kinh có nói : “năm nghịch bốn trọng ta cũng cứu được, song trộm vật của Tăng ta không thể cứu” như các kinh Nhật Tạng và Tăng Hộ có nói rõ.
2. Vật của người
Người quản lý làm mất
Đây là trường hợp vật có hai chủ : một là chủ vật, hai là người giữ vật. Nếu người có trách nhiệm giữ gìn tài vật cho chủ với hết tâm cẩn thận, thì kẻ trộm lén lấy được hay bức bách mình mà lấy, lúc ấy kẻ trộm phạm tội trọng trực tiếp đối với chủ vật. Trong trường hợp này người giữ vật không phải đền bù, vì sự mất mát ngoài khả năng gìn giữ của người ấy, nếu người chủ vật đòi người giữ vật đền bù, thì người chủ vật lại thành trộm vậy. Bằng ngược lại, do vì lơ là khinh suất mà để mất, thì trong trường hợp này chính người giữ vật làm mất vật, nên người giữ vật phải đền lại cho chủ vật, không đền là thành tội trộm. Còn kẻ trộm tuy không có tội trộm đối với chủ vật, song do vì trộm lấy vật của người giữ vật, nên nếu không trả lại cho người giữ vật, thì sẽ thành phạm tội.
Trộm vật bị trộm
Một vật bị lấy rồi sẽ coi như có hai chủ : một là chủ vật, hai là chủ trộm. Nếu ai lấy vật ấy, thì vấn đề định tội sẽ được xét theo bốn trường hợp sau đây, dựa trên tâm của hai chủ ấy mà phán định :
1. Nếu tâm của chủ vật coi như vật ấy đã mất luôn không còn tưởng nghĩ hay hy vọng là sẽ tìm lại được vật ấy nữa, thì gọi là tuyệt, đồng thời tâm chủ trộm đã dứt khoát coi vật ấy là của mình, thì gọi là định, lúc ấy chủ trộm chính thức được trở thành chủ của vật ấy. Và do đó nếu ai lấy vật ấy, trong Luật gọi là ăn cướp của ăn cướp (tặc phục đoạt tặc), thì sẽ phải chịu tội trộm đối với chủ trộm.
2. Nếu tâm chủ vật vẫn định chứ chưa tuyệt, nghĩa là vẫn coi vật đó là của mình và còn hy vọng sẽ lấy lại được, đồng thời tâm chủ trộm vẫn còn dụ dự chưa dám coi vật đó là của mình, nghĩa là bất định, thì lúc ấy có thể lấy vật đó mà không bị tội trộm. Bởi khi lấy vật đó là lấy của chủ trộm chứ không phải lấy của chủ vật, mà tâm của chủ trộm còn chưa quyết định coi mình là chủ, thế nên vật ấy coi như tương đương với vật vô chủ vậy.
3. Ngược lại, nếu tâm của chủ vật lưỡng lự (trì nghi) mà tâm của chủ trộm lại định, thì lấy vật ấy là thành trộm của chủ trộm.
4. Nếu tâm của cả hai chủ đều bất định, thì vật ấy coi như tương đương với vật vô chủ nên lấy được không bị tội.
Các cách thức trộm & các đối tượng bị trộm
1. Sáu căn đều là phương tiện để trộm, như trong Giới Sớ kể ra : Có các thầy thuốc chuyên chữa rắn cắn gọi là hung hành sư. Ai bị rắn cắn, các vị ấy viết bùa cho người ta nhìn vào là dứt nọc để lấy tiền công. Người có thọ giới bị nọc rắn, lén coi bùa để khỏi và không trả tiền công, là coi như phạm tội trộm, dù thầy thuốc kia không bị tổn hại gì. Tất cả các phương thuốc bí mật, các kỹ thuật trọng yếu v.v., mà người ta không truyền, mình lại dùng mắt học lén, thì đều bị coi là ăn cắp bằng mắt (nhãn đạo)
Cũng như tụng chú để trị bệnh, muốn học phải trả công, người có thọ giới dùng tai lén nghe học lóm, đều thành phạm trọng vậy. Trộm bằng cách ngửi, nếm, xúc chạm, cũng chiếu theo đó mà hiểu. Khi học các phương pháp, kỹ thuật này nọ mà phải trả công, người có thọ giới thọ học đạt được kết quả mà không trả công, là ăn trộm bằng ý căn, đều thành phạm trọng.
Trong các trường hợp trên đều phạm trọng mà không cần phải tính theo trị giá năm tiền trở lên.
2. Sáu giới đất, nước, lửa, gió, không và thức đều là đối tượng để trộm. Vì ba giới trước dễ hiểu, nên trong Luật chỉ đưa ra các trường hợp trộm về ba giới sau như sau : như quạt có bôi thuốc hay có chú vào đó, nếu quạt vào ai sẽ có công dụng trị bệnh cho người đó, người có thọ giới lén quạt mà không trả đúng giá là coi như “trộm gió” (đạo phong).
Nếu cất lầu xiên lệch sang bên phía người ta làm người ta không xây cất lên được, thì gọi là “trộm không” (đạo không).
Kiến thức nghề nghiệp thuộc về thức giới, nếu một người dạy kiến thức lại cho mình để lấy tiền công, người có thọ giới học rồi mà không trả tiền công, thì gọi là “trộm thức” (đạo thức).
3. Về tâm trộm
Nói về tâm trộm thời rất phức tạp, Sự Sao có nói người có thật đức còn chưa tránh khỏi tâm trộm này (thật đức chi nhân vị miễn), vì nhiều khi dù là tâm tốt vô vụ lợi mà vẫn bị coi là tâm trộm như thường, như trường hợp người chủ chùa với tâm tốt mà dùng lẫn lộn vật của Tam bảo, đều bị coi là phạm trọng, và được gọi là phạm vì không biết gì hết về luật lệ và ý nghĩa của giới luật (ngu si phạm hay là ngu giáo phạm). Theo Luật Tứ Phần có mười loại tâm trộm (tặc tâm) như sau :
1. tâm hắc ám (hắc ám tâm) nghĩa là tâm mù mịt không biết gì về giáo pháp, những điều mình phải học phải biết thì hoàn toàn mù tịt (sinh khả học mê), phạm bằng tâm này đều kết trọng tội
2. tâm tà (tà tâm) nghĩa là tâm tham tài lợi, do tà mệnh mà nói pháp, do tài lợi mà vướng mắc
3. tâm hờn giận mưu toan (khúc lệ tâm) tức tâm sân : được ít thì hờn giận, làm vẻ giận giỗi để được tài lợi, hoặc làm vẻ dữ dằn để có được tài lợi, hễ được là phạm trọng
4. tâm gây hoảng sợ (khủng khiếp tâm) như la hét áp bức, hoặc nói cho người ta phát sợ mà lấy (thuyết pháp bố thủ), hoặc tự mình nghi ngờ làm người ta sợ mà lấy tài vật (tự hoài nghi bố nhi thủ)
5. tâm luôn muốn trộm vật của người ta (thường hữu đạo tha vật tâm)
6. tâm quyết định lấy (quyết định thủ), nội tâm đã trù tính, phương tiện đã xong, ắt chắc chắn là đưa đến quả, hễ di chuyển vật là thành phạm
7. tâm lấy vật gửi (ký vật thủ), hoặc lấy trọn hết, hoặc chỉ hoàn lại chút ít
8. tâm lấy bằng cách gây khiếp đảm (khủng khiếp thủ) nghĩa là dùng thân khẩu làm vẻ nạt nộ khiến người ta sợ hãi mà đưa vật cho mình
9. tâm thấy tiện lợi mà lấy (kiến tiện thủ), tức rình mò sơ hở của người ta mà lấy
10 .tâm ỷ thế mà lấy (ỷ thác thủ), hoặc ỷ thế của mình hoặc ỷ thế của thân hữu bạn bè, hoặc dựa vào lời lẽ biện luận, ăn nói trau chuốt, mà lấy.
4. Vật thuộc tội trọng
Bất kể là vật gì, chỉ miễn đáng giá năm tiền trở lên mà trộm là đều bị kết trọng tội.
Theo trong Luật nói, trộm tiền lớn thì năm đồng là thành tội trọng, còn nếu tiền nhỏ thì phải đến tám mươi tiền mới thành trọng tội. Vì tiền trong Luật nói là tiền thành Vương Xá. Một đồng tiền này lại chia thành mười sáu đồng tiền nhỏ, thế nên khi trộm tiền nhỏ thì phải đủ tám mươi tiền mới bằng năm tiền lớn mới thành trọng tội.
Về vấn đề con số năm tiền là dựa trên tiền của xứ nào làm tiêu chuẩn, thời theo luận của Tát bà đa tông, có ba thuyết như sau : 1) dù là ở bất cứ xứ nào cũng phải lấy tiền của thành Vương Xá làm tiêu chuẩn; 2) tuỳ theo xứ nào có Phật pháp, thì cứ lấy ngay tiền của xứ mình mà làm chuẩn, nghĩa là năm tiền của xứ mình là tiêu chuẩn để định tội trọng; 3) tuỳ theo mỗi xứ có Phật pháp, nơi ấy trộm đến bao nhiêu tiền bị tội tử hình, thì cứ theo số ấy mà làm chuẩn. Trong ba thuyết này, các luận gia chấp nhận thuyết thứ ba. Trong khi tổ Đạo Tuyên chấp nhận thuyết thứ hai, vì nếu theo hai thuyết kia thì con số năm (tiền) ở mỗi nước sẽ không còn được đồng nhất, và người các xứ qua lại với nhau rất dễ lạm dụng sự khác biệt ấy.
Tuy Luật phán trộm năm tiền là trọng tội, song cho đến cỏ lá Luật cũng cấm trộm.
Ngoài ra, về vấn đề giá trị của tiền hay đồ vật thay đổi lên xuống, thời theo các Luật và Luận gồm có sáu trường hợp như sau :
1. Giá trị của tiền có lúc cao có lúc thấp. Vào lúc giá trị tiền lên cao thì trộm một tiền thôi cũng thành trọng tội. Ngược lại khi giá trị tiền xuống thấp, thì có khi phải trộm đến cả trăm, cả ngàn, mới thành tội trọng.
2. Trộm vật ở chỗ có giá cao, bán lại ở chỗ có giá thấp, song vật ấy vẫn được phán theo giá ở nguyên gốc. Trường hợp ngược lại cũng theo giá chỗ trộm mà làm chuẩn.
3. Khi trộm thì giá cao, lúc bán thì giá xuống thấp, song vật ấy vẫn được phán theo giá lúc trộm. Trường hợp ngược lại cũng cứ theo giá lúc trộm làm chuẩn.
4. Trường hợp trộm rất nhiều đến đâu đi nữa cũng không thành trọng tội, là trường hợp trộm rất nhiều lần, mà mỗi lần chỉ trộm từ bốn tiền trở xuống, và mỗi lần trộm xong là dứt ngay tâm tại đó. Hoặc có trường hợp không lấy được vật mà thành tội trộm như đốt, chôn, làm hư hoại, dạy bảo người khác v.v…
5. Trường hợp trộm không đến năm tiền mà phạm trọng tội, là trường hợp nhiều người sai một người trộm năm tiền rồi chia nhau, tuy mỗi người chỉ được ít tiền, song vẫn bị trọng tội. Hoặc nhiều người hợp sức lại trộm đủ năm tiền, thì tất cả đều bị kết chung tội trọng. Ngược lại trường hợp trộm quá năm tiền mà chỉ bị tội khinh, là trường hợp đảng cướp đông đảo, nên tuy vật bị trộm quá năm tiền, song nếu chia ra thì mỗi tên không được đến năm tiền để thành tội trọng.
6. Trường hợp trộm của năm người, mỗi người một tiền thôi, vẫn bị kết tội trọng trộm đủ năm tiền. Như có năm người, mỗi người đưa một tiền cho người quản lý giữ, nếu trộm năm tiền ấy, sẽ xét theo người quản lý mà kết tội trọng trộm đủ năm tiền. Hay như thầy muốn trộm sáu tiền, nên bảo ba đệ tử rằng: “Thằng lớn lấy ba, hai thằng nhỏ mỗi đứa lấy một, còn thầy lấy một.” Vị thầy ở đây theo như trong Luật sẽ bị kết thành hai tội: một là sai người ta trộm đủ năm tiền, nên bị một thượng tội; hai là chính mình tự trộm không đến năm tiền, thì bị một trung tội.