GIỚI TƯỚNG
Tỳ Kheo Thích Nhất Chân
doahong

QUYỂN 1

Các trường hợp trì giới và phạm giới, các nguyên tắc định tội nặng nhẹ, cùng các trường hợp miễn cho không phạm, gọi chung là giới tướng.

I- Chỉ trì & Tác trì

1) Có mấy trường hợp trì giới ?

Có hai trường hợp trì giới là chỉ trì  và tác trì.

2) Chỉ trì là gì ?

Chỉ là ngăn lại; trì là giữ chặt lấy không để cho mất đi. “Ngăn” các hành động của thân khẩu “lại” không để cho vi phạm vào các điều “ác” mà giới luật cấm đoán, nhờ đó mà giữ được giới không để cho mất đi, thì gọi là chỉ trì.

Tóm lại, chỉ trì là trì giới bằng cách “không làm” các điều “ác” mà giới luật cấm đoán.

3) Các giới nào thuộc về trường hợp chỉ trì này ?

Trọn năm giới tại gia và tám giới bát quan trai đều thuộc về trường hợp chỉ trì này.

4) Tác trì là gì ?

Tác là làm. Dùng thân khẩu “làm” các điều thiện mà giới luật bảo phải làm, nhờ đó mà giữ được giới không để cho mất đi, thì gọi là tác trì.

Tóm lại, tác trì là trì giới bằng cách “làm” các điều thiện mà giới luật bắt phải làm.

5) Có giới nào thuộc về trường hợp tác trì này không ?

Trong năm giới và tám giới, không có giới nào thuộc về  trường hợp tác trì này.

6) Vậy tác trì là trong trường hợp nào ?

Đối với người phật tử nào mà đã phát tâm thượng phẩm, tức Bồ đề tâm, để thọ giới pháp, thì vị ấy có đến ba tụ tịnh giới để trì giữ. Trong đó, hai tụ “nhiếp thiện pháp giới” và “nhiêu ích hữu tình giới” đều thuộc về trường hợp tác trì.

II. Tác phạm & Chỉ phạm

1) Có mấy trường hợp phạm giới ?

Có hai trường hợp phạm giới, là tác phạm và chỉ phạm.

2) Tác phạm là gì ?

Dùng thân khẩu “làm” các điều “ác” mà giới luật cấm đoán, do đó mà thành vi “phạm” vào các giới luật, làm tổn hoại giới thể, thì gọi là tác phạm.

Tóm lại, phạm giới bằng cách “làm” các điều “ác” mà giới luật cấm đoán, thì gọi là tác phạm.

3) Phạm các giới nào là thuộc về trường hợp tác phạm này ? Nếu phạm vào bất cứ giới nào trong năm giới tại gia và tám giới bát quan trai, thì đều thuộc về trường hợp tác phạm.

4) Chỉ phạm là gì ?

Không chịu sử dụng thân khẩu để làm các điều thiện mà giới luật bảo phải làm, do đó mà thành vi phạm vào giới luật, làm tổn hoại giới thể, thì gọi là chỉ phạm.

Tóm lại, phạm giới bằng cách không chịu làm các điều thiện mà giới luật bảo phải làm, thì gọi là chỉ phạm.

5) Phạm vào các giới nào thì thuộc về trường hợp chỉ phạm này ?

Nếu là một phật tử phát tâm thượng phẩm, tức Bồ đề tâm, để thọ giới, thì vị ấy có hai tụ tịnh giới phải làm là “nhiếp thiện pháp giới” và “nhiêu ích hữu tình giới”. Nếu vị ấy không chịu làm, thì tức là thuộc về trường hợp chỉ phạm này.

6) Tóm lại, các trường hợp trì và phạm trong năm giới và tám giới ra sao ?

Đối với năm giới và tám giới, khi trì thì chỉ thuộc về trường hợp chỉ trì, khi phạm thì chỉ thuộc về trường hợp tác phạm mà thôi.

Do đó, trong năm giới và tám giới không có các trường hợp tác trì và chỉ phạm. Hai trường hợp này chỉ có đối với các vị phật tử nào thọ giới bằng  Bồ đề tâm. Vì khi thọ giới bằng Bồ đề tâm, thì ngoài năm giới và tám giới ra, vị ấy còn phải thọ thêm hai tụ tịnh giới khác là “nhiếp thiện pháp giới” và “nhiêu ích hữu tình giới”. Và đối với hai tụ tịnh giới này, khi làm thì thuộc về trường hợp tác trì, khi không làm thì thuộc về trường hợp chỉ phạm.

III. Phạm tội nặng nhẹ

A- Các duyên cần phải có để thành tội

Các duyên cần phải có để kết thành tội căn bổn phạm giới sai khác nhau tùy theo tính chất phạm tội riêng biệt của mỗi giới.

Tính chất riêng của giới sát để thành tội căn bổn là hại sinh mạng của các loài, chứ không phải là riêng cá nhân chúng sinh nào. Tính chất riêng của giới trộm để thành tội căn bổn là làm tổn hại cho chủ nhân của vật bị trộm.

Tính chất riêng của giới dâm để thành tội căn bổn là phạm đúng vào đường dâm và tâm thích thú khi thọ dâm.

Tính chất riêng của giới vọng để thành tội căn bổn là làm tổn hại cho người tin nghe.

Giới Sát

  1. Giới sát cần có bao nhiêu duyên mới thành phạm giới ?

Muốn kết thành tội phạm giới sát, cần phải hội đủ năm duyên như sau :

1/ cảnh, tức là đối tượng để giết, phải là “người”

2/ trong tâm phải có ý “tưởng” cho đó là “người”

3/ phải khởi “tâm muốn giết”

4/ khởi lên các “phương tiện” để giết

5/ người bị giết “mất mạng”

2) Mạng sống ở đây có nghĩa thế nào ?

Mạng sống ở đây chỉ cho “thân” của hữu tình, vì hữu tình do nương vào thân ấy mà mới thành mạng sống. Tuy nhiên thân này phải được kể từ lúc thức của hữu tình mới nhập thai, tức phần tinh huyết của cha mẹ, đã được coi là mạng sống rồi, cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, tức là lúc thức thần đi khỏi thân tứ đại.

Giới Trộm

1) Kết thành tội phạm giới trộm, thì cần phải có bao nhiêu duyên ?

Gồm có sáu duyên như sau :

1/ cảnh, tức là vật để trộm, phải “có chủ”

2/ trong tâm phải có ý “tưởng” cho là vật “có chủ”

3/ phải có “tâm muốn trộm”

4/ vật để trộm phải “có giá trị” tối thiểu nào đó

5/ khởi lên “phương tiện” để trộm

6/ vật để trộm “xê dịch đi khỏi chỗ”

2) Giá trị tối thiểu của vật bị trộm là bao nhiêu ?

Theo trong luật là từ “năm tiền” trở lên. Nếu trộm vật có giá trị từ năm tiền trở lên, thì bị kết thành tội trọng.

3) Tại sao lại lấy năm tiền làm tiêu chuẩn ?

Vì khi đức Phật chế giới này, ngài căn cứ theo luật pháp của thành Vương Xá làm tiêu chuẩn, theo đó ăn trộm năm tiền trở lên sẽ bị tội tử hình, còn Phật chế là bị tội trọng.

4) Tiền mỗi nước một khác nhau, vậy có bắt buộc là phải đúng theo tiêu chuẩn giá trị của tiền Vương Xá hay không ?

Theo Nam sơn luật tông thì cứ tùy theo tiền của mỗi nước, chuẩn theo đúng năm tiền mà định tội, chứ không lấy giá trị của đồng tiền Vương Xá làm tiêu chuẩn định tội.

Giới  Dâm

1) Giới dâm có bao nhiêu duyên để kết thành tội phạm giới ? Phạm giới dâm có hai trường hợp : một là tự chính mình làm, hai là bị cưỡng bức.

Trường hợp tự chính mình làm thì phải đủ bốn duyên như sau mới kết thành tội phạm giới được :

1/ phải “đúng là cảnh” để dâm

2/ khởi “tâm ô nhiễm”

3/ khởi “phương tiện”

4/ “giao hợp” với cảnh

Trường hợp bị cưỡng bức lại gồm hai hoàn cảnh : bị ép phải dâm kẻ khác và bị kẻ khác bức dâm. Trong cả hai hoàn cảnh này nếu hội đủ bốn duyên như sau sẽ bị kết thành tội phạm giới dâm :

1/ phải “đúng là cảnh” để dâm

2/ bị “bức bách không thích”

3/ “giao hợp” với cảnh

4/ cảm thấy “thích thú”

2) Cảnh để dâm là gì ?

Là các “chỗ” để dâm nơi thân của hữu tình. Đối với người nam, người nữ có ba chỗ để dâm là nơi miệng, cùng với hai đường đại tiện và tiểu tiện. Trường hợp dâm cùng người nam, thì chỉ có hai chỗ là nơi miệng và đường đại tiện.

3) Thế nào là tà dâm?

Dâm phân ra là “chính” và “tà”. Phạm vào một trong bốn trường hợp sau đây thì bị gọi là “tà dâm” :

1/ dâm với người không phải là vợ hay chồng chính thức của mình

2/ dâm nơi đường miệng hay đường đại tiện

3/ dâm ở các nơi chốn không thích đáng, như ở ngoài phòng kín, các nơi công cộng, các chốn trang nghiêm v.v…

4/ dâm vào các lúc không thích đáng, như lúc đang mang thai, lúc cho con bú, trong thời gian thọ bát quan trai giới v.v…

Dâm mà không phạm vào một trong bốn trường hợp trên thì gọi là “chính dâm”.

4) Khi nào bị cấm không được tà dâm, và khi nào chính dâm cũng bị cấm luôn ?

Người thọ năm giới bị cấm “tà dâm”, nhưng được phép “chính dâm”. Nhưng khi thọ bát quan trai giới, thì phải đoạn hẳn dâm, nghĩa là cả “tà dâm” và “chính dâm” đều bị cấm.

Giới vọng ngữ

1) Phạm giới vọng ngữ gồm bao nhiêu duyên ?

Để kết thành tội vọng ngữ phải có đủ chín duyên như sau :

1/ cảnh trước mặt phải là “người”

2/ trong tâm có ý “tưởng” cho đó là người

3/ điều nói ra phải “hư dối”, không đúng với sự thật của mình

4/ “tự biết” là điều ấy hư dối, không đúng với sự thật của mình

5/ có tâm “muốn dối gạt” người ta

6/ điều nói ra là “thánh pháp” vượt quá khả năng người phàm

7/ tự nói là mình “đã chứng” pháp ấy 8/ lời “nói rành mạch” rõ ràng 9/ người đối diện “hiểu rõ” lời nói ấy

2) Vọng ngữ và nói dối khác nhau ra sao ?

Nói là mình đã chứng thánh pháp để dối gạt người ta, thì gọi là “vọng ngữ” hay là “đại vọng ngữ”. Còn ngoài ra mọi trường hợp nói láo khác hoặc nói không đúng thật, đều gọi chung là “tiểu vọng ngữ”.

Giới  uống rượu

1) Phạm giới uống rượu có bao nhiêu duyên ?

Có ba duyên:

1/ chất uống phải là “rượu”

2/ không phải vì bệnh cần phải uống

3/ uống nuốt vào

2) Cấm rượu là chỉ cấm uống thôi hay sao ?

Cấm rượu là cấm uống bất cứ loại rượu nào, ngay cả các thứ tuy không phải là rượu song lại có sắc, hương, vị của rượu. Hoặc ăn men rượu, cặn rượu, hay ăn các thứ nấu chung hay trộn chung với rượu v.v…, tất cả đều bị cấm.

Giới ăn phi thời

1) Giới ăn phi thời có mấy duyên thì bị phạm ?

Có bốn duyên :

1/ không đúng thời

2/ trong tâm có ý tưởng là không đúng thời

3/ đồ để ăn phải là đồ ăn đúng thời

4/ nuốt ực vào

2) Phi thời là vào lúc nào ?

Từ lúc mặt trời ở ngay giữa đỉnh cho đến khi ánh ban mai xuất hiện, suốt khoảng thời gian ấy được gọi là “phi thời”. Theo trong kinh ăn đúng thời là ăn vào giờ thìn (từ 7 đến 9 giờ sáng) hay tị (từ 9 đến 11 giờ sáng), qua khỏi 12 giờ trưa chừng một giây thôi cũng là thành phi thời.

Giới giường cao rộng

1) Thế nào là giường cao rộng ?

Quá khỏi thước tấc theo luật ấn định, thì bị gọi là giường cao rộng.

2) Thước tấc của luật ấn định ra sao ?

Chiều cao của giường là tám ngón tay của Phật, tức một thước sáu tấc tàu, khoảng 33cm. Chiều rộng ba khuỷu tay, tức khoảng 1,2m. Giường mà quá khỏi thước tấc ấy thời không được ngồi.

3) Miễn giường đúng thước tấc là hợp lệ hay sao ?

Tuy giường đúng thước tấc, song nếu thuộc vào tám loại giường cao quý như sau thì cũng không được leo lên :

1/ giường trang điểm bằng vàng
2/ giường trang điểm bằng bạc
3/ giường trang điểm bằng ngà
4/ giường trang điểm bằng sừng
5/ giường của Phật
6/ giường của sư trưởng
7/ giường của cha
8/ giường của mẹ

B- Các nguyên tắc phán tội nặng nhẹ

B1- Phán tội theo cảnh và tưởng

Khi phán tội phạm giới nặng nhẹ là dựa vào đâu mà phán ?

Dù trì giới hay phạm giới cũng không ngoài phạm vi của cảnh và tưởng. Cảnh là đối tượng để trì giới, mà nếu vi phạm vào cảnh ấy là thành phạm giới. Tưởng là tâm ý nhận thức đối với cảnh, cho rằng đó chính là cảnh hay nghi ngờ do dự không biết đó có phải là cảnh hay không ?

Nếu cảnh và tưởng tương ưng với nhau mà phạm vào cảnh ấy, thì đó là tội nặng.

Nếu đúng là cảnh, mà tưởng cho rằng đó không phải là cảnh, hoặc nghi ngờ chắc đó là cảnh, mà phạm vào cảnh ấy thì tội nhẹ hơn.

Nếu đó không phải là cảnh, mà tưởng lại cho rằng đó là cảnh, hay nghi ngờ cho đó không phải là cảnh, mà phạm vào cảnh ấy thì cũng vẫn là có tội, song là tội nhẹ hơn.

Do đó vấn đề trì phạm đều dựa vào cảnh và tưởng mà phán xét. Ngoài ra còn phải dựa theo tính chất phạm tội riêng của mỗi giới thì sự phán tội mới hoàn toàn chính xác được. Xem phần III Phạm Tội Nặng Nhẹ, đoạn A- Các Duyên Cần Có Để Kết Thành Tội

Giới dâm

1) Cách phán tội giới dâm theo cảnh và tưởng ra sao?

Theo như trong luật, giới dâm có năm trường hợp  như sau :  1/ Cảnh đúng là chỗ để dâm, mà trong tâm tưởng cũng cho đó chính là chỗ dâm. Nếu phạm vào là thượng tội.

2/ Cảnh đúng là chỗ để dâm, mà trong tâm nghi đó không phải là chỗ dâm. Nếu phạm vào cũng thượng tội.

3/ Cảnh đúng là chỗ để dâm, mà trong tâm tưởng không cho đó là chỗ dâm. Nếu phạm vào cũng thượng tội.

4/ Cảnh không phải là chỗ để dâm, mà trong tâm tưởng lại cho đó chính là đường dâm. Nếu phạm vào là trung tội.

5/ Cảnh không phải là chỗ để dâm, mà trong tâm nghi đó không phải là chỗ dâm. Nếu phạm vào cũng trung tội.

2) Trường hợp phán tội tà dâm thì như thế nào ?

Phán tội như trên là đúng theo tội chính dâm mà phán. Song những nguời tại gia thọ năm giới không thôi thì được miễn cho tội chính dâm, mà chỉ khi nào phạm vào tà dâm rồi thì mới căn cứ theo các nguyên tắc nêu trên mà phán tội. Các nguyên tắc về tà dâm xem phần A- Các Duyên Cần Có Để Thành Phạm, phần giới dâm, câu hỏi 3

Giới trộm

Giới trộm phán tội ra sao?

Giới trộm phân làm hai trường hợp: một là vật bị trộm giá trị quá năm tiền, hai là vật bị trộm giá trị dưới năm tiền. Mỗi trường hợp này được phán tội theo bốn cách thức như sau : a- Nếu vật bị trộm trên năm tiền :

1/ Cảnh là vật có chủ, mà trong tâm tưởng cũng cho đó là vật có chủ. Nếu phạm vào là thượng tội.

2/ Cảnh là vật có chủ, mà trong tâm nghi đó là vật có chủ. Nếu phạm vào là trung tội.

3/ Cảnh là vật không chủ, mà trong tâm tưởng cho đó là vật có chủ. Nếu phạm vào là trung tội.

4/ Cảnh là vật không chủ, mà trong tâm nghi đó là vật không chủ. Nếu phạm vào là trung tội.

b- Nếu vật bị trộm dưới năm tiền : Khi phán tội cũng theo bốn trường hợp như trên, song trường hợp thứ nhất chỉ bị phán là trung tội, còn ba trường hợp sau đồng là hạ tội.

Giới sát

Giới sát phán tội ra sao ?

Giới sát có năm trường hợp như sau :

1/ Cảnh đúng thật là người, mà trong tâm cũng có ý tưởng cho đó là người. Nếu phạm vào là thượng tội.

2/ Cảnh đúng thật là người, mà trong tâm nghi đó là người. Nếu phạm vào là trung tội.

3/ Cảnh đúng thật là người, mà trong tâm tưởng đó là phi nhân. Nếu phạm vào là trung tội.

4/ Cảnh vốn là phi nhân, mà trong tâm lại tưởng đó là người. Nếu phạm vào là trung tội.

5/ Cảnh vốn là phi nhân, mà trong tâm nghi đó là phi nhân. Nếu phạm vào là trung tội.

Giới vọng ngữ

Giới vọng ngữ phán tội ra sao ?

Giới vọng ngữ cũng gồm năm trường hợp như sau :

1/ Cảnh là người, mà trong tâm cũng tưởng đó là người. Nếu phạm vào là thượng tội.

2/ Cảnh là người, mà trong tâm nghi rằng đó là người. Nếu phạm vào là trung tội.

3/ Cảnh là người, mà trong tâm tưởng đó là phi nhân. Nếu phạm vào là trung tội.

4/ Cảnh là phi nhân, mà trong tâm tưởng đó là người. Nếu phạm vào là trung tội.

5/ Cảnh là phi nhân, mà trong tâm nghi đó là phi nhân. Nếu phạm vào là trung tội.

B2- Phán tội theo ba thời

1) Phải chăng chỉ ngay khi mà thân và khẩu vừa phạm vào các cảnh mà giới luật cấm không cho phạm vào, thì chính ngay lúc đó mới là phạm tội ?

Không phải vậy. Giới luật chia các hành động phạm giới ra làm ba giai đoạn, gọi là ba thời, rồi xét theo thái độ của tâm trong ba thời ấy để phán tội nặng nhẹ khác nhau.

2) Ba thời ấy là gì ?

Một hành động phạm giới được phân ra làm ba thời là : 1- lúc trước khi phạm giới gọi là tiền, có nghĩa là lúc trước; 2- đúng ngay vào lúc phạm gọi là trung, có nghĩa là lúc giữa; 3- ngay sau khi vừa phạm xong gọi là hậu, có nghĩa là lúc sau.

Đúng ngay lúc phạm giới, tức vào lúc trung, dĩ nhiên là có tội rồi. Song ngay cả vào lúc trước khi phạm, tức lúc tiền, và ngay cả vào lúc sau khi phạm, tức lúc hậu, cũng đều được coi là các yếu tố để kết thành tội.

Lúc giữa, tức lúc trung, chính là giai đoạn chính thức phạm tội, nên được gọi là căn bổn. Lúc trước và lúc sau, tức tiền và hậu, tuy không phải đúng là lúc thật sự phạm tội, song lại là các giai đoạn chuẩn bị để tiến tới chỗ phạm tội hoặc do vì thỏa mãn mà khuyến khích thêm hành động phạm tội, nên hai giai đoạn này đều được gọi là phương tiện. Song để phân biệt, giai đoạn tiền phương tiện vì đúng với nghĩa phương tiện nhất, nên thường được gọi là giai đoạn phương tiện. Còn giai đoạn hậu phương tiện là sau khi tội nghiệp đã thành tựu rồi, nên thường được gọi là giai đoạn đã thành (dĩ thành).

Tóm lại, ba thời là :

1/ tiền phương tiện hay phương tiện

2/ trung căn bổn hay căn bổn

3/ hậu phương tiện hay đã thành

3) Phương tiện và căn bổn có nghĩa là thế nào ?

Phương tiện ở đây chỉ cho các hoạt động của tâm do các động cơ tham sân si  mà thúc đẩy thân và khẩu tạo các nghiệp ác, tức các hành động phạm giới. Nói giản dị là hễ có tâm chuẩn bị để phạm giới tức thuộc vào tội “phương tiện”, dù chưa chính thức phạm giới. Còn khi chính thức phạm giới rồi thì gọi là tội “căn bổn”.

4) Phán tội theo ba thời là như thế nào ?

Là xét theo thái độ của tâm trong ba thời mà phán tội. Lại có hai trường hợp : 1- hoặc tâm phạm giới trong ba thời đó thay đổi lên xuống nặng nhẹ khác nhau; 2- hoặc trong ba thời đó có tâm phạm giới hay là không có tâm phạm giới.

5) Tâm trong ba thời nặng nhẹ là như thế nào ?

Nghĩa là tâm hoặc là trong cả ba thời đều nặng, thí dụ như giới sát, vào lúc phương tiện thật sự có tâm muốn giết, vào lúc căn bổn thì khởi tâm thích thú, vào lúc thành rồi thì khởi tâm thỏa mãn. Vì trong cả ba thời đều là tâm sát, thế nên cả ba thời tội đều nặng.

Hoặc là trong cả ba thời tâm đều nhẹ, như trường hợp phải hại mạng cha mẹ để cha mẹ khỏi bị bệnh khổ hành hạ, khi làm hành động sát ấy thì tâm trong ba thời đều đau khổ, nên cả ba thời tội đều nhẹ.

Hoặc trong lúc phương tiện thì tâm nặng, mà hai lúc kia thì tâm nhẹ; trong lúc phương tiện thì tâm nhẹ, mà hai lúc kia thì tâm nặng v.v…

6) Cách phán tội nặng nhẹ ra sao trong trường hợp tâm theo ba thời này ?

Phải nên nhớ rằng cách phán tội ở đây là dựa theo tâm mà phán. Chứ nếu đúng theo luật chế, thì không hề phân tâm theo ba thời mà định tội nặng nhẹ, mà hễ cứ có tâm như thế là coi như tội nặng vậy.

Có tám trường hợp tội từ nặng nhất cho đến nhẹ nhất như sau:

1/ tâm vào cả ba thời đều nặng

2/ tâm vào hai thời phương tiện và căn bổn thì nặng, vào thời thành rồi lại nhẹ

3/ tâm vào hai thời căn bổn và thành rồi thì nặng, song vào thời phương tiện ban đầu lại nhẹ

4/ tâm vào hai thời phương tiện và thành rồi thì nặng, mà ngay vào lúc căn bổn lại nhẹ

5/ tâm vào lúc căn bổn thì nặng, mà hai lúc phương tiện và thành rồi lại nhẹ

6/ tâm vào lúc phương tiện thì nặng, mà hai lúc căn bổn và thành rồi lại nhẹ

7/ tâm vào lúc thành rồi thì nặng, mà hai lúc phương tiện và căn bổn lại nhẹ

8/ tâm vào cả ba thời đều nhẹ

7) Còn trường hợp có tâm và không tâm trong ba thời, thì sự phán tội ra sao ?

Về trường hợp có tâm và không tâm trong ba thời, thì khi phán tội mỗi giới có khác nhau. Trong luật chiếu theo bốn giới trọng làm chuẩn mà phán tội, cũng theo tám trường hợp từ nặng nhất đến vô tội như sau :

1/ nếu trong ba thời đều có tâm, thì đối với cả bốn giới, nếu phạm vào đều thành trọng tội

2/ vào hai lúc phương tiện và căn bổn mà có tâm, thì lúc thành rồi dù không có tâm, đối với cả bốn giới, nếu phạm vào đều thành trọng tội

3/ vào hai lúc căn bổn và thành rồi mà có tâm, thì lúc ban đầu là phương tiện tuy không có tâm, đối với cả bốn giới, nếu phạm vào cũng đều thành trọng tội

4/ vào hai lúc phương tiện và thành rồi tuy không có tâm, song lúc căn bổn lại có tâm, thì đối với cả bốn giới, nếu phạm vào cũng đều thành trọng tội

5/ nếu hai lúc phương tiện và thành rồi đều có tâm, mà lúc căn bổn lại không có tâm, thì đối với giới dâm, nếu phạm vào là trọng tội; còn phạm ba giới kia thì vào lúc phương tiện bị trung tội, vào lúc thành rồi bị hạ tội

6/ nếu hai lúc căn bổn và thành rồi không có tâm, chỉ có lúc phương tiện là có tâm thôi, thì đối với giới dâm cũng vậy, nếu phạm vào là trọng tội; còn phạm ba giới kia thì bị phương tiện trung tội hoặc hạ tội

7/ nếu hai lúc phương tiện và căn bổn không có tâm, chỉ có lúc thành rồi là có tâm thôi, thì cũng vậy, nếu phạm vào giới dâm là trọng tội; còn phạm vào ba giới kia thì bị hạ tội vào lúc thành rồi

8/ nếu cả ba thời đều không có tâm, như đối với giới dâm là bị bức hiếp mà không hề có tâm thọ lạc, còn với các giới kia là như tâm cuồng loạn hay mê mờ trong cả ba thời mà phạm giới, thì đều là vô tội

B3- Phán tội theo ba tính

1) Ba tính là gì ?

Ba tính là tính thiện, tính ác và tính vô ký.

2) Từ đâu mà có ra ba tính này ?

Ba tính này không phải tự nhiên mà có, cũng không phải do ai hay truyền thống nào đặt ra, cũng không phải là bản thể tự nhiên của các pháp, mà ba tính này là do từ nơi tâm của chúng sinh mà có ra.

Do đó, khi chúng ta làm một việc thiện hay ác, thì không phải tự nhiên mà việc đó là thiện hay ác, cũng không phải do truyền thống tập quán v.v… mà việc đó là thiện hay ác, cũng không phải bản thể tự nhiên của việc ấy là thiện hay ác. Mà do tâm của chúng ta mà việc ấy sẽ mang nghĩa thiện hay ác. Nếu chúng ta làm việc ấy với tâm thiện, thì việc ấy có nghĩa là thiện; nếu chúng ta làm bằng tâm ác, thì việc ấy có nghĩa là ác.

3) Phán tội theo ba tính là như thế nào ?

Phá giới bị tội tùy theo tâm thiện hay ác mà thành nhẹ nặng bất định. Nếu với tâm “ác” mà phá giới, thì dù là giới nhẹ cũng thành tội nặng. Còn ngược lại, do vô ý không phải với tâm ác mà phá giới, thì tội nặng cũng trở thành nhẹ.

4) Tâm ác phá giới là những tâm nào ?

Trong luật kể ra các tâm như sau :

1/ không có tâm tàm, tức tâm hổ thẹn và sợ tội

2/ tâm tà kiến cho là không có nhân quả

3/ tâm bất tín không tin là Phật chế giới, không tin là phạm giới sẽ bị quả báo

4/ tâm nghi hoặc nghi không biết giới có chắc chắn là Phật chế hay không, phạm vào có bị quả báo hay không Ngoài ra trong luật còn kể ra bốn loại tâm thô ác như sau :

1/ tâm bị nhiễm ô nặng nề bởi tham sân si, 2/ tâm không tin nghiệp báo, 3/ tâm không biết tiếc quý giới mà mình đã thọ, 4/ tâm khinh thường lời Phật dạy. Do bốn tâm này mà cố tâm phạm giới thì sẽ bị quả báo nặng.

5) Tâm thiện phá giới là những tâm nào ?

Ngược lại với bốn tâm trên, tức là:

1/ có tâm tàm quý

2/ không có tâm tà kiến

3/ có tín tâm

4/ không có tâm nghi.

Ngoài ra các trường hợp như do không biết rõ về giới tướng mà thành phạm giới; hoặc thấy người khác chán sống, nên giúp phương tiện cho họ được chết; hoặc thấy người ta giết vật, tội cho nó mà bảo người ta cách giết để cho nó đỡ khổ v.v…, các trường hợp “từ tâm tạo tội” như thế, đều thuộc về trường hợp phạm giới bằng thiện tâm.

6) Như vậy phải chăng cứ đúng nguyên tắc mà phạm vào giới là thành phạm giới, chứ không kể gì đến tâm thiện hay ác ?

Đúng như vậy, nguyên tắc phạm giới của giới luật gồm các nhân duyên để thành phạm, cứ hội đủ các nhân duyên ấy là thành phạm giới, bất kể là tâm thiện hay ác.

Một người thọ giới rồi mà do vì không rõ giới tướng hoặc vì từ tâm mà phạm giới tạo tội, thì cũng đều bị kết thành tội trọng. Bởi vì bổn phận của người thọ giới rồi là phải biết rõ về giới tướng và trì giữ cho thanh tịnh các giới mà mình đã thọ nhận, nên không được viện cớ là do không rõ về giới tướng hay vì thiện tâm nào đó mà có thể phạm vào giới mà vẫn vô tội được.

7) Nếu vậy, tại sao ở đây lại phải chiếu theo tâm nặng nhẹ trong ba thời và ba tính của tâm để mà định tội ?

Vấn đề định tội trong Phật pháp được phân ra làm hai xu hướng : một là theo Chế giáo, hai là theo Hóa giáo.

Chế giáo tức là giới luật. Phán tội theo các nguyên tắc của giới luật do đức Phật chế định ra, được gọi là phán tội theo Chế giáo. Còn phán tội theo các nguyên tắc nhân quả theo nghiệp thiện ác, thì được gọi là phán tội theo nghiệp đạo hay heo Hóa giáo. Mà nghiệp đạo thời lấy tâm thiện ác làm căn bản của quả báo tội phúc, thế nên phán tội theo nghiệp đạo là phải dựa theo tâm mà phán.

Có nhiều khi theo Chế giáo là có tội, song theo nghiệp đạo thì lại là không tội, ví như trường hợp “từ tâm tạo tội” chẳng hạn. Có nhiều khi đối với Chế giáo là vô tội, song đối với nghiệp đạo vẫn là có tội, như trường hợp một người không thọ giới sát, nên người ấy có sát sinh đi nữa cũng không bị tội phạm giới, song đối với nghiệp đạo người ấy vẫn có tội, vì người ấy vẫn có tâm ác làm việc ác, nên vẫn phải chịu quả báo xấu trong tương lai như thường.

Tóm lại, phán tội theo Chế giáo là phán tội theo luật định; còn phán tội theo nghiệp đạo là phán tội theo nhân quả ác báo, mà tâm là gốc chính.

Do đó, khi muốn định tội cho chính xác, thì cần phải xét luôn cả hai trường hợp Chế giáo và nghiệp đạo hay Hóa giáo mà phán. Nghĩa là phải xét cả các nguyên tắc phạm giới lẫn cả các tâm phạm giới nữa.

Lại nữa, định tội không phải chỉ có nghĩa là phán xem có tội hay không có tội, mà còn phải phán xét luôn cả các trường hợp nặng nhẹ của tội lỗi nữa. Do đó nên cần phải xét rõ về tâm phạm tội qua ba thời và ba tính vậy.

8) Còn tâm vô ký là như thế nào ?

Luật phân ra làm hai loại tâm vô ký là : 1/ vô ký dửng dưng (phiếm nhĩ vô ký), 2/ vô ký mê mờ (hôn mê vô ký).

Trường hợp tạo tội bằng một tâm dửng dưng không thiện không ác, hay như không tác ý gì hết về việc mình làm, thì đó là trường hợp “vô ký dửng dưng”. Còn như trước tiên đã tạo nên các phương tiện tạo tội rồi, đến lúc thành quả thì tâm lại ở vào trạng thái vô ký như phát cuồng hay đang ngủ say, thì đó là trường hợp “vô ký hôn mê”.

9) Phán tội theo tâm vô ký ra làm sao ?

Cả hai trường hợp vô ký ở trên đều bị phán là có tội. Vì trường hợp “vô ký dửng dưng” vẫn phải bị cảm quả báo xấu trong tương lai. Trường hợp “vô ký hôn mê” là kể luôn cả lúc tạo ra các phương tiện trước đó mà kết thành tội phạm vậy.

B4- Phán tội theo cảnh

1) Cảnh của giới vốn vô lượng vô biên và phân thành nhiều loài, như vậy việc phán tội nặng nhẹ có theo đó mà phán định hay không ?

Đúng vậy, việc phán tội nặng nhẹ còn dựa trên sự phân loại của cảnh mà phán nữa. Thí dụ như giới sát : giết người, vật hay phi nhân, thì tội nặng nhẹ có khác nhau v.v…

2) Nguyên tắc phán tội nặng nhẹ theo cảnh ra sao ?

Phán tội theo cảnh cũng tùy theo mỗi giới mà khác nhau, đồng thời cũng khác nhau giữa Chế giáo và nghiệp đạo nữa.

Sau đây là cách thức phán tội dựa theo cảnh của bốn giới trọng :

Giới dâm

1) Phán tội theo giới dâm ra sao?

a- Theo Chế giáo mà phán, thì bất kể cảnh thuộc loài nào, hễ cứ phạm vào là thành trọng tội.

b- Theo nghiệp đạo mà nói, thì do cảnh mà nghiệp báo đưa lại không đồng, thế nên tội phân thành nặng nhẹ là tùy theo cảnh.

Cảnh đuợc phân theo từ nặng đến nhẹ như sau :

Trước hết theo loài (thú):

1/ người
2/ phi nhân
3/ súc sinh

Loài người lại phân ra nặng nhẹ như sa :

1/ người xuất gia
2/ người tại gia

Người xuất gia và tại gia lại phân thành nặng nhẹ như sau :

1/ tỳ khưu hay tỳ khưu ni trì giới
2/ tỳ khưu hay tỳ khưu ni phá giới
3/ thức xoa ma na trì giới
4/ thức xoa ma na phá giới
5/ sa di hay sa di ni trì giới
6/ sa di hay sa di ni phá giới
7/ tại gia thọ tám giới mà trì giới
8/ tại gia thọ tám giới mà phá giới
9/ tại gia thọ năm giới mà trì giới
10/ tại gia thọ năm giới mà phá giới
11/ tại gia không có thọ giới

Ngoài ra và cũng chi tiết hơn nữa, trong hàng trì giới lại phân ra nặng nhẹ theo thánh phàm như sau :

1/ bậc vô học (tức A la hán)
2/ bậc thánh thuộc ba quả ( tức A na hàm, Tư đà hàm và Tu đà hoàn)
3/ nội phàm
4/ ngoại phàm
5/ bạc địa

Tóm lại phạm dâm đối với bậc vô học là nặng tội nhất, cho đến loài súc sinh là nhẹ tội nhất.

2) Nội phàm, ngoại phàm và bạc địa là gì?

“Bạc” có nghĩa là bức bách, ở vào địa vị phàm phu bị đủ các khổ bức bách, giai đoạn này gọi là “bạc địa”.

Tu vào đến địa vị phương tiện gồm có bẩy tiến trình, gọi là “thất phương tiện vị”, thì ba tiến trình đầu gồm ngũ đình tâm quán, biệt tướng niệm trụ và tổng tướng niệm trụ được gọi là “tam hiền vị”, là thuộc về giai đoạn “ngoại phàm”, nghĩa là còn ở ngoài chưa vào được bên trong đạo, vì ở giai đoạn này hành giả vẫn chưa đắc được sự thấy biết gần đúng như thật (tợ giải).

Bốn tiến trình sau gồm noãn, đỉnh, nhẫn và thế đệ nhất được gọi là “tứ thiện căn vị”, là thuộc về giai đoạn “nội phàm”, nghĩa là đã vào được bên trong đạo rồi song vẫn chưa thật sự chứng thánh, tức là giai đoạn mà hành giả đã đắc được sự thấy biết gần đúng như thật. Vượt qua khỏi giai đoạn này là vào đến “kiến đạo”,tức mới là giai đoạn chứng thánh, thế nên từ giai đoạn này trở xuống đều vẫn còn là phàm phu vậy.

Giới trộm cắp

Phán tội theo giới trộm như sau:

a- Theo Chế giáo mà phán tội, thì chỉ đối với đồ vật của các loài (thú) là có nặng nhẹ khác nhau, đối với đồ vật của Tam bảo cũng có chút sai khác, ngoài ra thì đồ vật của phàm hay thánh mà phạm vào cũng đều thành tội trọng.

b- Theo nghiệp đạo mà nói, thì trộm cắp đồ vật của phàm hay thánh đều có quả báo sai khác nhau, thế nên tội được chiếu theo sự xấp loại các đồ vật của phàm hay thánh theo thứ tự như sau đây mà phán tội nặng nhẹ.

Trước hết phân nặng nhẹ theo loài (thú):

1/ vật của người
2/ vật của cõi trời (phi nhân)
3/ vật của súc sinh

Trong loài người lại phân nặng nhẹ theo phàm thánh :

1/ vật của bậc vô học
2/ vật của bậc thánh thuộc ba quả
3/ vật của nội phàm
4/ vật của ngoại phàm
5/ vật của hàng bạc địa

Lại trong chốn già lam vốn có các vật của Tam bảo, và có rất nhiều trường hợp lấy trộm vật của Tam bảo, thế nên tội trộm đối với vật của Tam bảo được phân thành nặng nhẹ theo thứ tự ba bảo như sau đây:

1/ vật của Tăng
2/ vật của Pháp
3/ vật của Phật

Nghĩa là trong Tam bảo, thì trộm vật của Tăng là nặng tội nhất, và trộm vật của Phật là nhẹ nhất.

Giới sát

Phán tội theo giới sát như sau:

a- Theo Chế giáo mà phán, thì tội sát chỉ phân nặng nhẹ theo loài (thú) mà thôi. Còn ngoài ra thì đồng với giới dâm, nghĩa là nếu cảnh là nguời, bất kể là hạng người nào, mà phạm vào sát, thì đều là tội trọng.

b- Theo nghiệp đạo mà nói, thì tội tùy theo cảnh mà có nặng nhẹ khác nhau. Phân cảnh thành nặng nhẹ, thời cứ chiếu theo trong phần giới dâm ở trên mà phán.

Giới vọng

Giới vọng không khác gì với giới sát, nghĩa là theo Chế giáo thì chỉ phân tội nặng nhẹ theo các loài (thú), còn hễ cứ phạm tội vọng đối với bất cứ hạng nào trong loài người là đồng một tội nặng. Về phương diện nghiệp đạo, thì thứ tự từ nặng đến nhẹ khi phạm tội đối với các loài (thú) không khác gì giới dâm và giới sát :

1/ người
2/ trời (phi nhân)
3/ súc sinh

Song thứ tự từ nặng đến nhẹ khi phạm tội đối với trong loài người, thì lại ngược hẳn lại, như sau :

1/ tại gia
2/ xuất gia

Trong xuất gia, thứ tự nặng nhẹ như sau :

1/ sa di và sa di ni
2/ thức xoa ma na
3/ tỳ khưu và tỳ khưu ni

Trong hàng tu đạo từ phàm đến thánh nặng nhẹ như sau :

1/ bạc địa
2/ ngoại phàm
3/ nội phàm
4/ ba thánh quả
5/ bậc vô học

Tóm lại, vọng ngữ đối với người phàm là nặng nhất, mà đối với bậc thánh là nhẹ nhất.

B5- Phán tội theo tâm rộng hẹp

1) Tâm rộng hẹp là như thế nào?

Theo trong luật, khi chúng ta muốn phán một người là có tội hay không có tội, hay nặng nhẹ thế nào, thì điều cần thiết là chúng ta phải dựa vào tâm phạm tội của người ấy mà xét xem nó có trải rộng ra đối với mọi loài (thú) hay chỉ thu hẹp vào một loài nào hay cho đến chỉ đối riêng với một người nào mà thôi.

Trong luật kể ra ba trường hợp tâm phạm tội từ rộng nhất cho đến hẹp nhất như sau:

1- tâm bất kể (đại mạn) loài nào : nghĩa là tâm làm ác đối với mọi loài. Thí dụ như trộm cắp, dù là vật của người, của cõi trời, của phi nhân hay súc sinh bất kể, cũng đều trộm cắp không tha, thì gọi là “tâm bất kể loài nào” (đại mạn).

2- tâm hạn hẹp (tiểu mạn) vào một loài mà thôi : nghĩa là tâm làm ác chỉ đối với một loài nào đó thôi. Như trộm cắp, chỉ trộm cắp vật của loài người mà thôi, còn vật của cõi trời, phi nhân hay súc sinh thì không trộm.

3- tâm có chủ ý (khắc tâm) đối với một cá nhân nào đó thôi : nghĩa là tâm chỉ làm ác đối với một người, một thiên, một phi nhân hay một súc sinh nào đó thôi. 2) nguyên tắc phán tội ở đây ra sao ?

Thí dụ như khi ăn trộm, nếu với “tâm bất kể” (đại mạn) loài nào thì cứ ăn trộm là coi như phạm tội căn bổn. Về tội căn bổn coi câu hỏi số 3 phần B6 ở dưới

Nếu với “tâm hạn hẹp” (tiểu mạn) nơi một loài thôi, như loài người chẳng hạn, thì khi vật của loài khác mà lại tưởng là vật của loài người nên lấy, thì vì không cố ý lấy mà do tưởng lầm, nên vô tội. Song đối với loài người thì vẫn bị tội phương tiện. Về tội phương tiện coi câu hỏi số 3 phần B6 ở dưới

Với “tâm có chủ ý” (khắc tâm) chỉ đối với cá nhân nào đó thôi thì nguyên tắc cũng giống như trường hợp “tâm hạn hẹp”, song phải tuỳ theo tính chất của mỗi giới mà xét. Cách phán tội về bốn giới trọng như sau:

Giới dâm

Đối với giới dâm bất kể là tâm có chủ ý (khắc tâm) hay không có chủ ý, tức tâm bất kể hay hạn hẹp (mạn tâm), hễ cứ phạm vào cảnh với tâm thích thú, thì đều thành tội trọng. Như trong luật nói : Hễ cứ có tâm ô nhiễm thích thú là thành phạm, dù trước tiên ý muốn cảnh này mà sau lại hội với cảnh kia; hoặc cảnh nam hay nữ; hoặc người khác thế vào; hoặc loài người loài vật v.v…; hoặc tưởng khác đi hay có nghi ngờ; chỉ cần giao hội với cảnh là thành tội trọng.

Giới trộm

Với tâm bất kể loài nào (đại mạn), thì cứ trộm vật có chủ là thành phạm, dù chủ là người, phi nhân hay súc sinh.

Với tâm hạn hẹp vào loài người thôi (tiểu mạn), thì trộm vật của người mới phạm tội, nếu lại sai đi thành vật của loài khác (dị thú) thì không phạm.

Với tâm có chủ ý (khắc tâm), thì trộm đúng vật của người mình chủ ý muốn trộm mới thành phạm tội, còn sai đi thành vật của người khác hay bất cứ loài nào khác cũng đều không thành phạm. Ở đây phải lưu ý là nếu lại chỉ có chủ ý riêng đối với vật nào thôi, mà lại sai đi thành vật khác thì cũng không thành phạm.

Giới sát

Với tâm bất kể loài nào (đại mạn), thì cứ giết loài hữu tình là thành phạm.

Với tâm hạn hẹp nơi loài người (tiểu mạn), thì chỉ có giết loài người mới thành phạm; còn sai đi thành phi nhân hay súc sinh thì không phạm.

Với tâm có chủ ý (khắc tâm) đối với một người nào đó, thì hễ cứ giết đúng loài người là đều thành phạm trọng, bất kể là lầm lẫn không đúng là người mình có chủ ý giết hay không, chỉ trừ trường hợp “lỡ tay” là không phạm. Trường hợp lỡ tay, xem phần B6 Phán Tội Theo Lầm Lỡ ở dưới Hoặc cảnh sai đi thành phi nhân hay súc sinh cũng đều không phạm đối với phi nhân hay súc sinh.

Giới vọng

Với tâm bất kể loài nào (đại mạn), thì cứ vọng ngữ là thành phạm. Với tâm hạn hẹp nơi loài người (tiểu mạn), thì khi vọng ngữ mà cả ba loài đều có mặt, và đều hiểu rõ lời vọng ngữ, thì đối với hai loài kia tuy không có ý vọng, song vì loài người có mặt nơi đó, nên vẫn  thành phạm như thường. Chỉ khi nào đối trước mặt chỉ có một loài thôi, thì lúc ấy nếu là loài người là thành phạm, còn nếu là loài khác mới không thành phạm.

Truờng hợp tâm có chủ ý (khắc tâm) không khác gì với trường hợp tiểu mạn ở trên.

B6- Phán tội theo lầm & lỡ

1) Lầm và lỡ là gì ?

Lầm (ngộ) và lỡ (thác) đều là trường hợp cảnh phạm tội không đúng theo ý muốn (cảnh sai). Hai trường hợp này giống nhau ở chỗ là đều có hai cảnh làm đối tượng, một là cảnh chính đúng theo ý muốn (bổn cảnh), hai là cảnh khác ngoài ý muốn (dị cảnh) song mình lại lầm hay lỡ mà phạm vào.

Còn khác nhau là ở chỗ : với lỡ (thác) thì hai cảnh đều có cùng một lúc ngay trước mặt mình, và chúng ta đều có tâm nhận rõ được hai cảnh phân minh; song đến khi ra tay thì hai cảnh chuyển qua đổi lại mà thành ra “lỡ tay” phạm vào cảnh ngoài ý muốn. Còn lầm (ngộ) thì gồm hai lúc trước và sau, song mỗi lúc chỉ có một cảnh duy nhất đối trước mặt mình mà thôi, lúc đầu là đối trước cảnh A, và có tâm tưởng biết đó là cảnh A; sau đó đối trước cảnh B mà vẫn tưởng đâu đó là cảnh A, do đó khi ra tay hành động định phạm vào cảnh A mà hoá lại phạm “lầm” vào cảnh B.

2) Cách phán tội theo lỡ lầm ra sao?

Tuỳ theo mỗi giới mà cách phán tội theo lỡ lầm có khác nhau. Sau đây cũng theo bốn giới trọng làm chuẩn mà phán xét:

Giới dâm

Theo tính chất phạm tội của giới dâm thời cứ đúng là đường dâm và khởi tâm ô nhiễm thích thú là thành phạm trọng bất kể là lỡ hay lầm.

Giới trộm

Với tâm bất kể loài nào (đại mạn) mà trộm thì đều thành phạm, vì với tâm này thì không có các trường hợp lỡ hay lầm nữa.

Với tâm hạn định vào một loài thôi (tiểu mạn) mà trộm lầm hay lỡ vật của loài khác, thì vì không có tâm trộm vật của loài ấy cho nên không phạm. Song sau khi biết mình lầm hay lỡ rồi thì phải trả lại, nếu không trả lại mà khởi tâm trộm luôn thì mới thành phạm.

Với tâm có chủ ý (khắc tâm) muốn trộm vật của A mà trộm lầm hay lỡ thành vật của B, thì không phạm song cũng phải trả lại như trường hợp tiểu mạn ở trên.

Lại nếu tâm chủ ý trộm vật A mà lại trộm lầm hay lỡ thành vật B, thì dù là cùng một chủ song cũng không thành phạm, nhưng cũng phải trả lại như trên.

Giới sát

Với tâm bất kể các loài (đại mạn) thì lầm lỡ gì cũng thành phạm. Với tâm hạn hẹp nơi một loài (tiểu mạn) thì nếu giết lỡ hay lầm thành loài khác, vì không có tâm giết loài ấy nên không thành phạm.

Với tâm chủ ý (khắc tâm) muốn giết A, song B cũng có ngay đó, khi ra tay giết A, thì A và B giao qua xen lại mà vô tình lại thành giết phải B. Đó là trường hợp “lỡ tay”, vì ngoài ý muốn nên không thành phạm.

Cũng với tâm có chủ ý muốn giết A, song A đi mất, lại có B đến thế vào A; nếu tưởng đâu B đó là A mà ra tay hại, thì lúc đó tuy là giết “lầm” song vẫn thành tội trọng như thường, vì đã biết đó là người mà vẫn cố ý ra tay giết, nên vẫn thành tội sát trọng vậy.

Giới vọng

a- Với tâm bất kể loài nào (đại mạn) thì không có lý do gì để nói là lỡ hay lầm nữa, thành ra hễ cứ vọng ngữ là phạm.

Với tâm hạn hẹp nơi một loài (tiểu mạn) thì dù chỉ có ý vọng ngữ với loài người, song loài khác (dị thú) xen vào mà thành “lỡ lời” vọng ngữ với loài ấy, thì vẫn thành phạm như thường, vì loài người vẫn có mặt tại đó. Trái lại, nếu loài người đi khỏi, loài khác đến sau thế vào mà vẫn tưởng đâu là loài người, nên “lầm tưởng” mà vọng ngữ, thì lại không phạm.

Với tâm có chủ ý (khắc tâm) thì không kể lỡ lầm gì hết, hễ cứ vọng ngữ là thành phạm, vì ý nghĩa chính của vọng ngữ là làm tổn hại cho “loài người” nói chung ở chỗ làm ra vẻ thánh để lấy sự cung kính và lợi dưỡng nơi “loài người”, nên có lỡ hay lầm vọng ngữ với ai đi nữa, thì cũng là mưu “hại” loài người, do đó đều thành phạm. b- Trường hợp lỡ lầm nằm nơi lời vọng ngữ, tức nói lộn hay nói sai, thời gồm hai trường hợp : một là muốn nói mình là thánh mà lại nói lộn thành phàm, thì miễn không bị phạm; hai là muốn nói mình chứng đến mức độ thánh này mà lại nói lộn thành mức thánh khác, thì đều thành phạm trọng.

B7- Phán tội  theo bảo & sai

1) Bảo và sai khác nhau ra sao?

Bảo (giáo) là chỉ dạy, xúi biểu hay khuyến khích người khác làm một điều gì đó cho chính họ. Còn sai (khiển) là sai khiến, ra lệnh người khác làm một điều gì đó cho chính mình.

2) Phán tội theo bảo và sai ra làm sao?

Với giới dâm thì phải chính tự mình thọ nhận mới thành tội trọng. Nếu bảo (giáo) người khác làm cho chính họ, người kia làm với tâm ô nhiễm thì người ấy bị phạm, còn mình không tham dự vào thì không bị cùng phạm. Còn nếu sai khiến (khiển) người ta dâm với mình, thì vì chính mình thọ dâm nên thành tội trọng.

Với giới vọng thì vì bảo (giáo) người khác nói họ chứng thánh, danh lợi tụ về người đó nên người đó bị phạm, còn mình không hưởng gì hết nên không phạm. Nếu sai khiến (khiển) người khác nói mình chứng thánh để thâu lợi về cho mình, thì chính mình thành phạm trọng chứ không phải người kia.

Với giới sát thì mình làm hay bảo (giáo) người khác làm, mục tiêu cũng là làm tổn hại cảnh để thỏa mãn tâm tư mình, thế nên cả mình và người ấy đều phạm. Trừ khi người kia làm theo ý của họ chứ không đúng theo ý mình, thì người kia phạm chứ mình không phạm.

Nguyên tắc của giới trộm không khác gì với giới sát.

Vì sai khiến (khiển) là bắt người khác làm đối với chính mình, thế nên hai giới sát và trộm không có nghĩa sai khiến này.

B8- Phán tội theo các trường hợp thiếu duyên

1) Các trường hợp do thiếu duyên nên không thành tội nghiệp căn bổn có bị kết thành tội hay không?

Nếu do thiếu duyên mà không thành tội căn bổn, thì vẫn bị kết thành tội phương tiện, chứ không phải là không có tội.

2) Các trường hợp thiếu duyên ra sao?

Có bẩy trường hợp thiếu duyên như sau:

1/ thiếu duyên (khuyết duyên)
2/ cảnh mạnh (cảnh cường)
3/ duyên không thuận lợi (duyên sai)
4/ cảnh khác thế vào (cảnh sai)
5/ tưởng không đúng (tưởng sai)
6/ tâm nghi ngờ (nghi tâm)
7/ do tâm thiện mà ngưng làm tội lại (thiện tâm tức)

3) Tội căn bổn và tội phương tiện là như thế nào ?

Tội căn bổn là khi có đủ hết mọi nhân duyên để buộc tội, như tội sát sinh chẳng hạn, phải có đủ hết năm duyên từ “cảnh là người”… cho đến “người bị giết mất mạng”, hễ người bị giết vừa tắt thở, là người giết bị kết thành tội căn bổn liền.

Còn khi chỉ đủ có bốn duyên đầu là “cảnh là người”, “tưởng đó là người”, “có tâm muốn giết”, “khởi phương tiện”, mà thiếu mất duyên sau cùng là “người bị giết mất mạng”, thì vì tội chỉ đến chỗ “khởi phương tiện” là ngưng, thế nên tuy không thành tội căn bổn, song phải chịu tội phương tiện vậy.

Tóm lại, tội căn bổn là khi tội lỗi đã đầy đủ các duyên phạm tội và hoàn tất đâu đó rồi ; còn tội phương tiện là khi hoặc các duyên phạm tội không hội đủ hay chỉ mới hoàn tất xong giai đoạn phương tiện để thực hiện tội lỗi, thì vì các nhân duyên nào đó mà tội lỗi đứng khựng lại ở mức phương tiện ấy, chứ không đi đến kết quả cuối cùng để thành tội căn bổn, thế nên bị gọi là tội phương tiện.

Về nặng nhẹ, thì tội căn bổn bị phán là trọng tội, tức tội nặng nhất; còn tội phương tiện bị phán là trung tội, tức tội nặng kế đó.

Các nhân duyên làm cho tội lỗi đứng khựng lại ở mức độ phương tiện, chứ không đi đến chỗ hoàn tất được căn bổn nghiệp tội, chính là bẩy trường hợp thiếu duyên kê ra ở trên.

4) Khi nói tội phương tiện, thì chữ “phương tiện” này có nghĩa là thế nào ?

Chữ “phương tiện” ở đây là chỉ cho giai đoạn thứ nhất “tiền phương tiện” trong ba thời 1. tiền phương tiện, 2. trung căn bổn, 3. hậu phương tiện tức chỉ cho giai đoạn khởi tâm muốn phạm tội làm ác, nó bao gồm luôn cả mọi hoạt động của thân khẩu xắp đặt các cách thức để tạo tội v.v…

Trong luật chia giai đoạn phương tiện này thành ba tiến trình :

1/ phương tiện xa (viễn phương tiện) tức là lúc trong tâm mới khởi lên ý tưởng tạo tội

2/ phương tiện thứ (thứ phương tiện) là lúc đã bắt đầu phát động thân và khẩu, song chưa tiến đến cảnh

3/ phương tiện gần (cận phương tiện) là lúc hành động đụng đến cảnh cho đến khi trước lúc thành tựu tội nghiệp

Do đó đủ thấy tội phương tiện được kết thành ngay từ lúc vừa phát tâm tạo tội. Nếu chỉ khởi lên tâm tạo tội mà không hề hành động, tức tâm dừng lại ở chỗ phương tiện xa, chứ không tiến lên thêm đến phương tiện thứ, thì lúc ấy đối với Đa tông thời không có tội, song đối với Nam sơn tông thì vẫn bị phương tiện trung tội hoặc phương tiện hạ tội.

5) Ngay vào lúc nào thì thành tội căn bổn ?

Theo bốn tội trọng mà nói, nếu đã đủ hết các duyên để phạm tội rồi, thì ngay khi :

1/ người bị giết vừa tắt thở là thành tội sát căn bổn

2/ vật bị trộm vừa xê dịch đi khỏi chỗ là thành tội trộm căn bổn

3/ vừa hợp vào với đường dâm một chút chừng khoảng đầu lông thôi là thành tội dâm căn bổn

4/ người nghe vừa nhận hiểu lời vọng ngữ là thành tội vọng căn bổn

1- Thiếu duyên  (khuyết duyên)

1) Trường hợp thiếu duyên do “thiếu duyên” là như thế nào ?

Đây là chỉ cho trường hợp một người có thọ giới trong khi đang tạo phương tiện phạm tội, chứ chưa đạt đến kết quả, thì bị xả mất giới thể hoặc bị phát cuồng lên. Để kết tội một người là phạm giới, thì người ấy phải có giới, nghĩa là bản thể của người ấy phải là Ưu bà tắc. Nay tội quả chưa tác thành mà người ấy đã không còn tư cách là Ưu bà tắc nữa, nên thiếu “duyên bà tắc” để mà kết tội căn bổn, song trong giai đoạn phương tiện thì người ấy vẫn còn có giới, nên vẫn bị kết tội phương tiện.

2) Như thế nào là xả giới ?

Có bốn trường hợp xả giới là :

1/ mạng chung, là khi đã chết rồi

2/ xả giới, là tuyên bố trước một người làm chứng tỉnh táo và hiểu rõ ràng lời nói của mình là mình không giữ giới nữa

3/ tà kiến, là phát sinh tà kiến bác bỏ nhân quả

4/ phát sinh hai “hình”, là bỗng nhiên phát sinh hai căn nam nữ một lúc

Cả bốn trường hợp trên là cả bản thể và hình tướng của Ưu bà tắc đều bị huỷ hoại. Còn trường hợp phát bệnh cuồng si, thì bản thể Ưu bà tắc vẫn còn đủ, chỉ có hình tướng bị huỷ hoại mà thôi.

2- Cảnh mạnh (cảnh cường)

Trường hợp thiếu duyên do cảnh mạnh (cảnh cường) là khi chúng ta muốn phạm giới, phương tiện đã đầy đủ, nhưng đến khi đối trước cảnh để hành động phạm tội, thì cảnh để phạm giới lại mạnh thế hơn chúng ta, nên làm cho sự phạm tội không tiến đến tội nghiệp căn bổn được, mà đứng dừng lại ở mức độ phương tiện. Do đó mà chúng ta không bị tội căn bổn, song phải chịu tội phương tiện.

Như vậy “cảnh mạnh” ở đây chỉ có tác dụng là làm cho chúng ta thiếu duyên để bị kết thành tội trọng căn bổn mà thôi, còn về phương diện phương tiện thì chúng ta vẫn có đủ duyên để bị kết thành phương tiện trung tội. Các trường hợp thiếu duyên khác cũng theo cùng một nguyên tắc này mà phán tội.

3- Duyên không thuận lợi (duyên sai)

1) Trường hợp thiếu duyên do “duyên không thuận lợi” là thế nào?Duyên không thuận lợi (duyên sai) là trường hợp phương tiện đã chuẩn bị đâu đó rồi, song đến khi ra tay thực hiện căn bổn tội nghiệp thì các sự việc không thuận lợi xẩy ra, làm cho tội lỗi không đi được đến chỗ căn bổn mà đứng khựng lại ở mức độ phương tiện, nên kết thành phương tiện trung tội.

2) Các sự việc không thuận lợi là như thế nào ?

Thí dụ như định giết hay trộm chẳng hạn, trong luật đưa ra bốn trường hợp “duyên không thuận lợi” như sau :

1/ gặp phải cảnh khác

2/ sợ có chuyện gì bất trắc gây bất lợi cho mình

3/ các phương tiện [để trộm hay để giết] bị hư hoại

4/ chưa đúng lúc mình mong đợi

4- Cảnh khác thế vào  (cảnh sai)

1) Trường hợp thiếu duyên do “cảnh khác thế vào” là như thế nào?Cảnh khác thế vào (cảnh sai) là trường hợp một cảnh khác (dị cảnh) mà đối với cảnh ấy mình không hề có tâm ý muốn phạm tội lại đến thay thế vào cảnh gốc (bổn cảnh) mà mình vốn có tâm ý muốn phạm. Như cảnh muốn giết là anh A, mà anh B lại đến thế vào để bị giết thay cho anh A v.v…

Về cảnh sai của mỗi giới thì phải căn cứ theo nguyên tắc về cảnh của mỗi giới mà phán định, chứ không căn cứ theo cảnh thực tế. Như giới sát thì cảnh đúng là người, nếu cảnh không phải người thì là cảnh sai ; giới trộm cảnh đúng là vật có chủ, nếu cảnh là chủ khác hoặc không có chủ thì đó là cảnh sai ; giới dâm cảnh đúng là đường dâm, nếu cảnh không phải đường dâm thì đó là cảnh sai v.v…

2) Vấn đề kết tội ra sao trong trường hợp thiếu duyên “cảnh khác thế vào” này ?

Đây là trường hợp tội nghiệp đã hoàn tất, song đối tượng để làm tội lại không đúng như ý muốn. Thế nên vấn đề kết tội ở đây có đến hai cảnh để kết tội. Đối với cảnh khác “thế vào” (dị cảnh), thì tuỳ theo tính chất của mỗi giới mà sự phán tội có khác nhau; còn đối với cảnh “gốc” (bổn cảnh) mà [mình] muốn phạm mà lại không phạm được, thì do vì có tâm phạm tội đối với cảnh ấy, nên luôn luôn bị kết tội phương tiện. 3) Cảnh khác được thế vào có mấy loại ?

Luật chia “cảnh khác thế vào” (dị cảnh) ra làm hai loại để phán tội là :

1/ cảnh khác thuộc loài người (nhân dị cảnh) 2/ cảnh khác thuộc các loài khác (dư dị cảnh) 4) Phán tội theo cảnh khác thuộc loài người như thế nào ?

Trong luật  đưa giới sát ra làm thí dụ như sau : tâm “có chủ ý” là chỉ giết người A mà thôi, song người B lại thế vào làm cảnh khác đi. Lúc ấy người giết tưởng đâu người B là người A, nên ra tay giết. Cách phán tội như sau :

3) Đối với người A mà mình muốn giết, thì rốt cuộc người ấy lại không chết, thế nên không thành được tội căn bổn, song vì có tâm muốn giết người ấy, tức là có “phương tiện” giết người [ấy], thế nên bị kết tội phương tiện.

4) Đối với người B mình không có ý giết, mà rốt cuộc lại bị giết chết, thì trường hợp này, đối với giới sát, người giết vẫn bị căn bổn trọng tội như thường. Bởi vì theo luật, trường hợp này vẫn có đủ năm duyên để kết thành tội trọng. Về năm duyên, xem trong phần III Phạm Tội Nặng Nhẹ, phần giới sát

Tóm lại, theo luật, trong giới sát, khi chúng ta giết anh A thì đúng ra là chúng ta bị tội giết một con người, thế nên cho dù anh B có thế vào, song một khi trong tâm chúng ta đã có ý tưởng cho rằng đó là một con người mà vẫn ra tay giết, thì dù chúng ta có tưởng lầm anh B là anh A đi nữa, chúng ta vẫn bị trọng tội là đã cố ý giết “một người”, bất kể là anh A, anh B hay anh C… Chỉ trừ các trường hợp vô tình không cố ý hoặc “lỡ tay” mà thôi. 5) Phán tội theo cảnh khác thuộc loài khác thì như thế nào ? Các loài khác là gồm luôn cả vật vô tri. Kể đủ ra là : phi nhân, súc sinh và vật vô tri. Cách phán tội như sau :

5) Đối với cảnh gốc (bổn cảnh), tức người mình muốn giết, thì vì người ấy không chết, nên không bị tội trọng căn bổn, song phải chịu phương tiện trung tội.

6) Đối với các cảnh khác thế vào (cảnh sai) thuộc phi nhân, súc sinh hay vật vô tri, thì vì không có tâm sát hại các cảnh ấy, nên hoàn toàn vô tội.

7) Như vậy, phải chăng việc phán tội trong trường hợp “cảnh khác thế vào” này luôn luôn là phải theo cả hai cảnh là cảnh khác và cảnh gốc mà phán tội ?

Đúng vậy, vì theo luật, nếu cảnh gốc (bổn cảnh) mà chúng ta muốn giết là người, cảnh khác (dị cảnh) thế vào là súc sinh, một khi chúng ta có tâm “tưởng” cho cảnh khác đó là người mà giết, thì tội bị phán theo cảnh gốc là phương tiện trung tội, còn theo cảnh khác kia mà phán thì là vô tội. Song nếu chúng ta có tâm “nghi” không rõ đó là người hay đó là súc sinh mà ra tay giết, thì phán theo cảnh gốc chúng ta bị phương tiện trung tội, còn phán theo cảnh khác kia thì chúng ta bị căn bổn hạ tội v.v… Do đó chúng ta sẽ có đến hai tội.

8) “Tưởng” và “nghi” trong trường hợp “cảnh khác thế vào” này khác với tưởng và nghi trong trường hợp thông thường ra làm sao? Trong trường hợp thông thường, chúng ta chỉ có một cảnh duy nhất làm đối tượng để tưởng và nghi mà thôi. Thí dụ cảnh là người A, mà tôi có ý tưởng cho chắc chắn đó là người A, hoặc tôi nghi rằng hình như đó là người A. Ở đây tưởng luôn luôn đúng với cảnh, còn nghi là dụ dự không biết có phải đúng là cảnh ấy hay không.

Trong trường hợp “cảnh khác thế vào”, thì chúng ta có đến hai cảnh làm đối tượng cho tưởng và nghi. Thí dụ cảnh trước tôi là người B, mà tâm tưởng tôi cho rằng đó chắc chắn là người A, hoặc tôi nghi rằng không biết đó là người A hay người B. Ở đây tưởng luôn luôn không đúng với cảnh, còn nghi thì do dự không biết đó là cảnh A hay cảnh B.

9) Trường hợp cảnh sai đối với các giới khác ra sao ?

Cứ căn cứ theo các trường hợp nói trên về giới sát, lấy đó làm chuẩn mà luận về các giới kia.

5- Tưởng không đúng  (tưởng sai)

1) Tưởng không đúng là như thế nào ?

Tưởng không đúng (tưởng sai) là trường hợp tâm tưởng về cảnh lại không đúng với cảnh (tâm sai cảnh). Như cảnh là A mà tâm lại tưởng đó chính là B.

Theo luật thì cứ dựa theo nguyên tắc phạm tội về cảnh đúng của mỗi giới mà phán định về trường hợp tưởng sai này :

1/ như giới sát, thì cảnh đúng phải là “người”, nếu tưởng đó là người thì là tưởng đúng; nếu tưởng đó là phi nhân v.v… thì là tưởng sai

2/ như giới trộm, thì cảnh đúng là vật “có chủ”, nếu tưởng đó là vật có chủ thì là tưởng đúng; nếu tưởng đó là vật không chủ thì là tưởng sai

3/ như giới dâm, thì cảnh đúng là “đường dâm”, nếu tưởng đó là đường dâm thì là tưởng đúng; nếu tưởng đó không phải là đường dâm thì là tưởng sai

4/ như giới vọng cũng cảnh đúng là người, nếu tưởng đó là phi nhân v.v.. là tưởng sai

2) Như vậy, đối với trường hợp cảnh khác thế vào, như B thế vào A, mà mình lại tưởng B đó là A, thì so với trường hợp tưởng không đúng ở đây khác nhau ra sao ?

Vấn đề cảnh sai và tưởng sai cứ việc chiếu theo các nguyên tắc của cảnh và tưởng trong phần các nhân duyên cần có để kết thành tội phạm giới mà xét xem phần III Phạm Tội Nặng Nhẹ. Vấn đề sai hay đúng là sai hay đúng đối với cảnh và tưởng mà các nguyên tắc nhân duyên phạm tội của mỗi giới đề ra. Ví dụ như giới sát, nhân duyên thứ nhất để phạm giới là “cảnh là người”, thì nếu cảnh cứ đúng là người thì đó là cảnh đúng, nếu cảnh không phải là người thì đó là cảnh sai. Nhân duyên thứ hai để phạm giới là “tưởng đó là người”, thì nếu cứ có ý tưởng cho đó là người thì gọi là tưởng đúng, nếu tưởng đó không phải là người thì là tưởng sai. Thế nên trong trường hợp muốn giết người, thì dù cảnh là phi nhân, song tâm lại tưởng đó là người, thì lúc đó tuy tâm không đúng với cảnh song tâm vẫn là đúng, mà cảnh lại là sai. Ngược lại đã muốn giết người, thì dù tâm tưởng cảnh là phi nhân trong khi cảnh đó lại đúng thật là người, thì lúc đó tuy cảnh không đúng với tâm song cảnh vẫn là đúng, mà tâm tưởng mới là sai. 3) Trường hợp tưởng sai này phán tội ra sao ?

Do có tưởng đối với cảnh, thì rồi mới khởi lên ý muốn phạm tội đối với cảnh, do đó ý muốn phạm tội luôn luôn tuỳ thuộc nơi tưởng. Thế nên tưởng là căn bản của ý muốn phạm tội, nếu tưởng là cảnh nào thì ý muốn phạm tội sẽ là phạm với cảnh ấy. Song tưởng trong trường hợp này là chuyển tưởng, nghĩa là “đổi ý” vậy, như cảnh là người mà tâm cũng cho rằng đó là người và ra tay giết, nhưng đang khi giết thì lại “đổi ý” cho đó là phi nhân. Lúc ấy, nếu người ấy mà chết thì thành ra là tưởng sai. Và như thế là thiếu mất duyên thứ hai để kết thành tội sát căn bổn, nên chỉ còn là tội phương tiện mà thôi. Song phải lưu ý là với giới dâm và giới rượu thì phải theo cảnh thật mà phán chứ không xét theo tưởng sai mà phán.

Luật có đưa ra bốn trường hợp như sau:

1/ Tưởng sai mà thành tội phương tiện: tức trường hợp “cảnh đúng” là người và cũng tưởng đó là người rồi ra tay giết. Song trong lúc ra tay hành động thì lại chuyển tưởng cho đó là phi nhân. Thế nên khi người ấy chết thì tâm lại không cho đó là người, nên không bị tội căn bổn; song trong lúc khởi tâm hành động thì vẫn có tâm tưởng cho đó là người, thế nên bị tội phương tiện giết người vậy.

2/ Tưởng sai mà thành tội căn bổn : tức trường hợp của giới dâm và giới rượu, khi cảnh đúng là đường dâm, đúng là rượu, mà tâm lại tưởng hay nghi là không phải đường dâm và không phải rượu, nếu phạm vào dù là tưởng sai song vẫn thành căn bổn trọng tội.

Trường hợp ba và bốn là tưởng sai mà cảnh cũng sai :

3/ cảnh và tưởng đều sai mà thành tội phương tiện : tức trường hợp muốn giết người A mà người B thế vào, thì đó là cảnh sai, khi ấy tâm lại chuyển tưởng cho đó là phi nhân, thì đó là tưởng sai, nếu ra tay giết thì cũng như trường hợp đầu tiên, không bị tội căn bổn mà chỉ là tội phương tiện giết người.

4/ cảnh và tưởng đều sai mà thành tội căn bổn : tức trường hợp muốn giết người A mà người B thế vào, đó là cảnh sai, rồi lại chuyển tưởng người B đó là người C, thì đó là tưởng sai, song nếu ra tay giết thì sẽ bị tội căn bổn giết người.

4) Đặc điểm chính của trường hợp tưởng sai này là gì ?

Nguyên nhân thông thường của tưởng sai là do nơi chuyển tưởng, nghĩa là đang tưởng cảnh A là A thì bỗng nhiên lại chuyển tưởng cảnh ấy thành B, cho nên mới thành tưởng sai. Trong trường hợp này tưởng gồm hai giai đoạn đều thuộc giai đoạn phương tiện : lúc đầu thì tưởng vẫn đúng, sau đó trước khi thành tội căn bổn thì lại chuyển tưởng mà thành sai đi.

Do vì như thế nên có nhiều khi từ nhẹ mà chuyển thành nặng, như trường hợp giết hay trộm của súc sinh mà lại chuyển tưởng là người hay của người.

Có nhiều khi từ nặng mà lại thành nhẹ, như trường hợp ngược lại với trường hợp trên.

Có nhiều khi chuyển tưởng thế nào đi nữa cũng vẫn là nặng, đó là trường hợp của giới dâm và giới rượu, hễ cảnh đã đúng rồi thì chuyển tưởng làm sao đi nữa cũng vẫn bị tội trọng.

6- Tâm nghi  (nghi tâm)

1) Trường hợp thiếu duyên do tâm nghi là như thế nào ?

Muốn thành tựu tội nghiệp căn bổn, thì trong tâm phải có ý tưởng dứt khoát về cảnh là A hay là B, còn như một khi tâm đã nghi không dứt khoát được đó có phải là A hay không hoặc nghi không biết chắc đó là A hay là B, thì lúc ấy có thể chỉ bị kết thành tội phương tiện mà thôi. Điều chúng ta cần phải lưu ý là không phải tất cả mọi trường hợp tâm nghi đều là tội phương tiện, mà tuỳ theo tính chất phạm tội của mỗi giới mà có khi là tội phương tiện, có khi vẫn là tội căn bổn.

Về giới vọng thì trường hợp tâm nghi này có đến hai phía, một là mình nghi người khác, hai là người khác nghi mình.

2) Cách phán tội trong trường hợp thiếu duyên do tâm nghi này ra làm sao ?

Có tám trường hợp như sau :

1/ tôi nghi người khác (ngã nghi tha) mà bị tội phương tiện, như trường hợp người mà nghi là phi nhân thuộc giới sát

2/ người khác nghi tôi (tha nghi ngã) mà bị tội phương tiện, như trường hợp vọng ngữ bằng thân mà người đối diện nghi ngờ không không rõ là tôi có phải là thánh hay không  3/ người khác nghi tôi mà thành tội căn bổn; và :

4/ tôi nghi người khác mà thành tội căn bổn. Cả hai trường hợp ba và bốn này đều thuộc về giới vọng ngữ bằng ngữ nghiệp, nghĩa là chính miệng mình nói lên lời vọng ngữ một cách rõ ràng minh bạch, thì dù mình nghi người ta hay người ta nghi mình cũng đều thành tội căn bổn

5/ mình và người đều nghi (tự tha câu nghi) mà thành tội phương tiện, như thân vọng ngữ thay khẩu

6/ mình và người đều nghi mà thành tội căn bổn, như vọng ngữ bằng lời lẽ rành mạch rõ ràng

7/ mình và người đều không nghi mà chỉ thành tội phương tiện, như trường hợp làm thân phật chảy máu

8/ mình và người đều không nghi mà thành tội căn bổn, đó là tất cả mọi trường hợp phạm giới thành tội căn bổn

7- Do tâm thiện mà ngưng làm ác lại (thiện tâm tức)

Đây là trường hợp ngay khi sắp đạt đến chỗ tội căn bổn, thì bỗng nhiên phát sinh thiện tâm nên ngưng không tiến hành tội lỗi nữa, làm cho tội nghiệp bị “thiếu duyên” không tiến được đến chỗ căn bổn mà dừng lại ở giai đoạn phương tiện, nên chỉ bị tội phương tiện mà thôi.

Tổng kết

Bẩy trường hợp thiếu duyên trên đều có thể xẩy ra đối với người tự thân hành tiến đến cảnh ra tay làm tội; còn nếu chỉ sắp đặt dụng cụ để giết chứ không tự thân hành ra tay giết, thì sẽ không có hai trường hợp tưởng sai và tâm nghi.

Ba trường hợp cảnh sai, cảnh mạnh và duyên sai là dựa theo cảnh mà luận về thiếu duyên; còn bốn trường hợp kia thiếu duyên bà tắc, tưởng sai, tâm nghi và thiện tâm sinh là dựa theo tâm mà luận. Bốn trường hợp thiếu duyên bà tắc, tưởng sai, tâm nghi và cảnh sai là khi tội nghiệp hoàn tất rồi, tức có làm tội rồi. Song ba trường hợp trước là do vì trước khi tội căn bổn thành tựu, thì bị mất đi tư cách thọ giới, hoặc chuyển tưởng sai đi, hoặc tâm nghi ngờ không dứt khoát rõ ràng, nên làm cho tội căn bổn không thành tựu được. Còn truờng hợp thứ tư là do vì cảnh khác thế vào, nên cũng không thành tựu được tội căn bổn.

Ba trường hợp cảnh cường, duyên sai và thiện tâm sinh là khi tội nghiệp chưa hoàn tất thì đã phải ngưng lại, nên chỉ thành tội phương tiện mà thôi, chứ không thành được tội căn bổn.

C- Phạm giới qua các nghiệp

Thân khẩu hỗ tương phạm giới

Tuy trong luật thuờng phân bốn giới trọng ra theo hai nghiệp : sát, đạo, dâm thuộc thân nghiệp; vọng ngữ thuộc khẩu nghiệp. Song hai nghiệp này vẫn có thể hỗ tương qua lại thế nhau mà phạm giới, nghĩa là khẩu nghiệp có thể phạm giới sát và thân nghiệp có thể phạm giới vọng được như thường. Phạm bốn giới trọng qua hai nghiệp thân và khẩu được nhận xét như sau :

1- Giới  dâm

Giới dâm chỉ có thể phạm bằng thân nghiệp, chứ không thể phạm bằng khẩu nghiệp được. Tuy nhiên trong luật có nói, bảo người khác hành dâm, nếu người ấy làm, người bảo làm bị trung tội, nếu người ấy không làm, người bảo làm bị hạ tội.

2 & 3- Giới sát và trộm

Hai giới này dĩ nhiên chính yếu là phạm bằng thân nghiệp, song cũng có thể dùng khẩu nghiệp bảo người ta phải chết hay bảo người ta phải đưa vật của người ta cho mình. Trong trường hợp này, có ý kiến cho rằng do vì khẩu nghiệp chỉ là phụ mà thân nghiệp mới là chính, nghĩa là phải đợi đến khi người ta tự chết hay tự đưa vật của người ta cho mình, lúc bấy giờ mới thành tội căn bổn, cho nên lời nói không thôi thật sự không thành phạm tội căn bổn được. Do đó hai nghiệp thân và khẩu không hỗ tương phạm giới được.

Song theo Nam sơn luật tông và Thành thật luận thì không những hai nghiệp thân khẩu, mà cả ba nghiệp thân khẩu và ý đều hỗ tuơng phạm giới được. Thí dụ như dùng miệng bảo người ta phải chết, ca ngợi sự chết để người ta tự chết hay tụng chú để giết; còn như trong kinh Hòa Lợi có nói ngoại đạo thần tiên do chỉ khởi tâm sân lên mà làm cả nước Na La chết hết, đó là trường hợp ý nghiệp sát sinh.

4- Giới vọng

Giới vọng là do vì cầu danh lợi nên tự xưng mình chứng thánh, thế nên phải có lời nói mới thành phạm được. Song cũng có thể dùng thân tướng oai nghi để làm ra vẻ như bậc thánh, nếu người đối diện tin mình là thánh thì coi như mình thành phạm giới.

Trùng phạm giới

Phạm giới là phạm riêng từng giới hay mỗi lần phạm là phạm nhiều giới một lúc ?

Phạm giới là phạm riêng từng giới, chứ không phải phạm giới này là thành phạm luôn giới khác.

Theo Thập tụng luật của Đa tông thời phạm giới trọng sẽ chiếu theo đồng loại mà phán, nghĩa là bốn giới trọng được coi là cùng loại, phạm một giới trọng thì coi như phạm cả bốn giới. Tổ Linh Chi gọi đó là trùng phạm giới theo tội “đồng danh”, vì cả bốn giới đồng có tên là “giới trọng”.

Còn theo Nam sơn tông thì giới nào phạm riêng giới ấy, nghĩa là phạm một giới trọng thì chỉ có tội với giới trọng ấy, còn đối với ba giới trọng kia thì vẫn hoàn toàn trong sạch. Thế nên trùng phạm giới ở đây chỉ là phạm nhiều lần đối với một giới nào đó thôi, tổ Linh Chi gọi là trùng phạm theo tội “đồng chủng”. Cũng chính vì thế mà các giới này được gọi là “biệt giải thoát”.

IV- Các trường hợp không phạm

1- Giới sát

Theo Luật:

1/ Quăng dao, ném gậy, ngói, đá, cây, gỗ… lỡ trúng người làm thiệt mạng.

2/ Đỡ bế chăm sóc người bệnh thế nào đó mà lỡ làm chết; hoặc do chăm sóc cho ăn uống thế nào đó mà lỡ làm chết; hoặc do chăm sóc qua lại vào ra thế nào đó mà lỡ làm chết.

Các trường hợp như trên do không có tâm làm hại nên không phạm. Tóm lại là tất cả các trường hợp lỡ làm chết người mà không có chút tâm làm hại thì đều không phạm.

2- Giới trộm

Theo Luật:

1/ Tưởng là người ta cho mình nên lấy

2/ Tưởng là của mình nên lấy

3/ Tưởng là vật bỏ đi nên lấy

4/ Có ý tưởng chỉ lấy tạm thôi rồi sẽ mang trả lại

5/ Lấy với tình thân mật không phân biệt vật mình vật người Các trường hợp trên hoàn thoàn không có tâm trộm nên không phạm.

Luật lại giải thích về tình thân mật theo bẩy nghĩa như sau :

1/ Những việc rất khó làm mà vì nhau mà làm được (nan tác năng tác)

2/ Những vật rất khó cho mà cho nhau được (nan dữ năng dữ)  3/ Những việc rất khó nhẫn mà nhẫn cho nhau được (nan nhẫn năng nhẫn)

4/ Những bí mật riêng đều cho nhau biết (mật sự tương cáo)

5/ Che đậy những lỗi lầm cho nhau (hỗ tương phú tàng)

6/ Gặp hoạn nạn không bỏ nhau (tao khổ bất xả)

7/ Nghèo hèn không khinh chê nhau (bần tiện bất khinh)

3- Giới dâm

Theo Luật:

1/ Do trong lúc ngủ say nên không cảm biết gì hết

2/ Tỉnh táo song không cảm nhận thích thú gì hết

Các trường hợp hoàn toàn không có ý dâm và phải không cảm thấy thích thú chút nào như trên thì không phạm.

4- Giới vọng

Theo Luật:

1/ Nói đùa giỡn (hí tiếu)

2/ Nói lướt qua thật mau (tật tật thuyết)

3/ Nói một mình nơi kín đáo (bình xứ độc thuyết)

4/ Muốn nói điều này mà lại lộn thành điều kia

Các trường hợp như trên đều không phạm đối với người thọ năm giới tại gia, còn đối với người xuất gia thì chỉ không phạm trọng tội mà thôi song phải chịu hạ tội, bởi vì nói năng như trên không phải là phép tắc của người xuất gia tu đạo. Trừ trường hợp người tăng thượng mạn, nghĩa là người tưởng đâu mình thật sự chứng thánh rồi, mà thật ra lại chưa thật chứng. Trường hợp này, người ấy bị tội mạn, Phật phán là hạ tội.

5- Giới rượu

Theo Luật:

1/ Do bị bệnh, các thuốc khác chữa không khỏi mà phải dùng đến rượu làm thuốc.

2/ Hoặc chỉ dùng để bôi vết thương ngoài thân. Các trường hợp như trên đều không phạm.

6- Giới ăn phi thời

Theo Luật:

1/ Món thạch mật đen hoà với gạo nếp (nhu mễ ?).

2/ Hoặc có bệnh, nấu lúa mạch, đậu, ngũ cốc, đừng cho nứt vỏ, lọc lấy chất nước đó mà uống.

3/ Hoặc trong cổ họng tiết ra mà nuốt vào lại.

Các trường hợp như trên được dùng vào lúc phi thời mà không bị phạm.

Thạch mật đen là dùng đường mía trộn với gạo nếp mà nấu thành,  cứng như đá nên gọi là “thạch”.

V- Sám hối

1) Sám hối có nghĩa là gì?

Sám (ksamayati) có nghĩa là hối lỗi. Hối là hối hận, lấy làm tiếc về những điều không phải mà mình đã làm.

2) Sám hối có phân ra theo Hoá giáo và Chế giáo hay không?

Có. Sám hối theo Hoá giáo là:

1/ chung cho cả người tại gia và người xuất gia

2/ chung cho cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa

3/ chung cho cả tội lỗi trong ba thời

4/ chung luôn cho cả thập thiện, nghĩa là bao trọn hết tất cả mọi tội lỗi thuộc ba nghiệp

5/ gồm có lý sám và sự sám

Còn theo Chế giáo thì tội lỗi là có tội đối với Giới thể được thọ, làm ô uế Giới thể và  vì thế làm ô nhiễm lây cả chúng là tội, trị phạt tội ấy cho giới thể thanh tịnh lại và chúng được thanh tịnh và hoà hợp là sám, thế nên sám hối theo Chế giáo:

1/ chỉ cục hạn nơi chúng xuất gia

2/ chỉ riêng cho Tiểu thừa

3/ chỉ thuộc về tội lỗi trong hiện tại

4/ chỉ theo đúng tội nào thì sám tội ấy

5/ hoàn toàn thuộc về sự sám

Sám hối theo chế giáo: Bố tát

Sám hối theo Chế giáo là sám hối theo giới luật, xét xem mình đã phạm các điều giới nào khiến làm hoen ố Giới thể thì phải phát lộ mà sám, và sám theo đúng cách thức như trong Luật thường gọi là Bố tát. Thế nên ai không thọ giới thì không có lối sám này, và vì người tại gia dù thọ Năm giới làm Ưu bà tắc, song vẫn không được kể là chúng xuất gia tu đạo, nên cũng không có loại sám này. Bồ tát được coi là một chúng tu đạo riêng, thế nên thọ Bồ tát giới có pháp sám Bố tát này.

1) Tại sao phải là một chúng tập thể thì mới có lối sám Bố tát này?

Bởi vì chúng tập thể ở đây chính là Tăng già (Samgha), là nơi nương tựa của chúng sinh, thế nên cần phải có một sự hòa hợp thanh tịnh trên nền tảng của Giới luật. Nếu một phần tử nào trong chúng mà phạm giới trở thành bất tịnh, thì sẽ làm hoen ố chúng và chúng sẽ không còn đủ tư cách làm nơi quy y cho chúng sinh nữa. Lại nữa dù phần tử nào trong chúng cũng thanh tịnh hết, song không có sự hòa hợp trong thanh tịnh với nhau thì cũng không còn đúng nghĩa là một tập thể thanh tịnh cho chúng sinh quy y về. Do đó nghi thức sám Bố tát vừa là để củng cố sự thanh tịnh của chúng vừa là để thắt chặt sự hòa hợp thanh tịnh đồng tu của Tăng qua sự sám tội cho thanh tịnh của từng cá nhân thành viên trong Tăng chúng.

2) Bố tát có nghĩa là gì ?

Bố tát (posadha) có nghĩa là “ở gần” (cận trụ), ý muốn nói là thực hành pháp thức Bố tát này là coi như chúng ta được đặt để gần sát ngay bên cạnh mức thanh tịnh giải thoát của các bậc thánh.

3) Pháp thức Bố tát là pháp thức nào?

Pháp thức Bố tát chính là pháp thức thuyết giới, chính là nói giới hay đọc giới bổn ra cho chúng cùng nghe để kiểm điểm xem mình có phạm vào điều giới nào hay không.

4) Nếu phạm thì phải làm sao ?

Trong khi đang đọc giới thì không thể bước ra phát lộ thú tội được, thế nên có thể nói riêng với người bên cạnh hay tự niệm trong tâm rằng : “Tôi bồ tát… phạm tội… chờ Chúng thuyết giới xong, tôi sẽ sám hối”. Hoặc nếu nghi ngờ không biết mình phạm hay không phạm, thì niệm trong tâm như sau : “Tôi bồ tát… đối với điều… còn nghi ngờ. Chờ khi nào hết nghi ngờ tôi sẽ như pháp sám hối”.

Song thông thường ra, thì mọi người phải kiểm điểm xem mình có phạm điều giới nào hay không và nếu có thì phải sám hối cho thanh tịnh trước ngày Bố tát, để đến khi thực hành Bố tát thuyết giới là chúng được hòa hợp và thanh tịnh trọn vẹn.

5) Ngày Bố tát là những ngày nào?

Chúng xuất gia thì chỉ có hai ngày là 15 và 30 (hoặc 29 nếu tháng thiếu) mỗi tháng. Còn bồ tát tại gia thì có thể nhiều hơn cho đến tám ngày là 7, 8, 14, 15 và 22, 23, 29, 30 (hoặc 28, 29 nếu tháng thiếu), nhưng hai ngày chính vẫn là ngày 15 và 30. 6) Ngày Bố tát có bắt buộc phải cố định hay không ?

Không. Có thể dời ngày, nhưng theo Luật thì bắt buộc phải cách ngày Bố tát kế đến một ngày, tức Bố tát của ngày 15 chỉ được quyền dời đến ngày 28, phải cách ngày 30 một ngày, để có một ngày kịp thì giờ cho ai có tội được sám hối trước khi vào Bố tát ngày 30, và người ở xa có thì giờ tập họp về. 7) Có thể tự Bố tát thuyết giới lấy được không ?

Nếu ở xa chúng và không về được thì có thể tự Bố tát lấy, gọi là tâm niệm thuyết giới. Tự mình nói ba lần như sau : “Hôm nay là ngày 15 tháng trắng (hoặc đen) là ngày chúng bồ tát thuyết giới.

Con bồ tát… thanh tịnh”. Sau đó tự nói hay đọc giới bổn lấy.

6) Cách thuyết giới ra làm sao?

Nguời thuyết giới đọc lên giới bổn bằng giọng nói bình thường, không được theo giọng ca ngâm hay giọng tán tụng, phải đọc lớn tiếng, rõ ràng, không quá nhanh hay quá chậm, để mọi người có thể nghe rõ hết mọi chi tiết.

7) Tháng trắng hay tháng đen có nghĩa là gì?

Đó là cách nói theo truyền thống bên Ấn độ. Từ ngày mùng 1 cho đến ngày 15 là tháng trắng (bạch nguyệt, suklapaksa), từ ngày 16 cho đến ngày 30 cuối tháng là tháng đen (hắc nguyệt, krsnapaksa). Ngày mùng 1 cho đến ngày 15 được gọi là ngày 1 cho đến ngày 15 của tháng trắng, còn từ ngày 16 cho đến ngày 30 thì được gọi là ngày 1 cho đến ngày 15 của tháng đen.

8) Thọ Tám giới có pháp thức Bố tát này hay không?

Vì thọ Tám giới thời hạn chỉ trong vòng có một ngày một đêm, mục tiêu là gieo chủng tử hay huân tập nhân xuất gia để đi theo con đường Giới thanh tịnh viên mãn, thế nên không có vấn đề sám Bố tát này. Tuy nhiên, vì Tám giới đoạn hẳn dâm và thực hành không ăn quá ngọ, nên Tám giới cũng được gọi là “cận trụ”, nghĩa là ở ngay bên cạnh bờ giải thoát thanh tịnh, tức là ý nghĩa của Bố tát. Do đó bản thể của Tám giới chính là ý nghĩa Bố tát vậy.

A- Sám hối theo hoá giáo

B1- Sự sám

1) Thế nào là sự sám?

Chúng sinh vì chưa thấy được thật lý của tội và phúc vốn là không tịch, nên khi đã tạo tội rồi thì không thể nào dựa theo lý ấy mà quán tưởng sám trừ được. Do đó chỉ còn cách là trang nghiêm thanh tịnh đạo tràng, xưng tán ngưỡng tín Tam bảo, hoặc bằng cách lễ bái hoặc bằng cách trì tụng kinh chú, chân thành nhiễu vòng lễ kính, tâm duyên thắng cảnh là Tam bảo. Nhờ đó mà sám trừ được tội lỗi.

Nói tóm lại là phải dùng đến ba nghiệp thân khẩu ý, lấy Tam bảo là cảnh hay phương tiện để duyên theo đó mà rửa sạch nghiệp cấu, quy kính về Tam bảo mà thực hành sự quy y theo ba nghiệp, nhờ lực của Tam bảo và tâm tha thiết chân thành quy y của mình, mà tội nghiệp được tiêu trừ.

2) Tại sao quy y về Tam bảo lại sám trừ được tội chướng?

Do vô minh nên khởi lên tất cả mọi tội lỗi mà thành chướng ngại cho sự giải thoát. Phá tan vô minh thì gọi là giác ngộ, và lúc ấy tất cả mọi tội chướng đều tận diệt. Tam bảo lại chính là hiện thân đích thực của giác ngộ, thế nên chúng sinh mà căn bổn là vô minh mà không quy y về Tam bảo thì không tội lỗi nào mà không gồm đủ, và chỉ có quy y về Tam bảo thì mới bất cứ tội lỗi nào cũng đều được tiêu trừ.

3) Tại sao lại phải dùng đến ba nghiệp để sám hối?

Tại vì nghiệp chính là năng lực. Năng lực vừa có nghĩa là nhân, vì một công năng để sinh quả thì gọi là nhân; năng lực lại vừa có nghĩa là dẫn quả, vì nhờ công năng này chuyển biến liên tục mà từ nhân  mới chuyển biến trở thành quả được; năng lực này lại vừa có nghĩa là mãn quả, tức làm cho quả hiện hữu và duy trì quả ấy còn mãi cho đến bao giờ hết hiệu lực.

Mà thân khẩu ý là ba chỗ để phát nghiệp, tức phát lực để thành nhân, và để chuyển biến mà thành quả hiện hữu ra đó. Phạm tội lỗi là do thiếu lực của Đạo, nay dùng ba nghiệp để phát lực đạo tiêu trừ tội lỗi vậy.

4) Nếu vậy sám hối theo ba nghiệp ở đây chỉ là để trừ tội hay là để gieo nhân cho một kết quả thanh tịnh thuộc về Tam bảo mà không liên hệ gì đến tội lỗi kia hết ?

Tuy hành động quy y là để gieo nhân thanh tịnh cho một kết quả hoàn toàn thanh tịnh, nhưng chính vì kết quả này hoàn toàn thanh tịnh, nên nó có tác dụng là tiêu trừ hết mọi tội chướng. Do đó mà khi gieo nhân ấy thì cũng chính là thực hành sám hối vậy.

5) Nếu vậy sám hối ở đây là sám trừ tất cả mọi tội lỗi chứ không riêng gì một tội danh đích xác nào đó ?

Đúng vậy. Sám hối theo Hoá giáo nói chung là sám trừ tất cả mọi tội lỗi bằng cách xả bỏ vô minh ngã chấp (tức gốc rễ của mọi tội lỗi) để quay về với giác ngộ (tức bản thể của Tam bảo), chứ không phải là sám hối riêng một tội lỗi nào đó.

6) Vậy chúng ta có thể sám riêng một tội danh nào đó được không?

Dĩ nhiên là được. Theo các sớ giải về giới có ghi năm điều như sau thuộc về sám pháp:

1/ thỉnh Phật và chư Bồ tát chứng minh

2/ phúng tụng kinh chú

3/ nói lên tội danh của mình

4/ lập thệ nguyện

5/ cầu các tướng minh chứng là mình hết tội như trong các kinh giáo diễn tả

Song dù là sám một tội danh riêng biệt nào đó, thì theo Hoá giáo đó cũng là một nhân duyên tốt để phát tâm sám trừ tất cả mọi tội lỗi; phá tan đi cái vô minh không biết đến Tam bảo hay không quay về với Tam bảo hay không chân thành nương tựa vững chắc vào Tam bảo, nên là nguồn gốc của tất cả mọi tội lỗi; và phát tâm hoàn toàn quy y về Tam bảo, tức ý muốn thành tựu sự giác ngộ viên mãn của đức Phật.

7) Sám hối theo sự sám như thế có chắc chắn là tiêu trừ được hết tội hay không?

Tội nghiệp có nặng có nhẹ, có định và bất định khác nhau. Nên khi sám hối sẽ có trường hợp diệt hết tội không thọ báo nữa, có trường hợp quả báo chuyển thành nhẹ, có trường hợp sám vẫn không hết. Song đó là nhìn theo phạm vi ngắn hạn trong vòng một đời này hay đời sau mà nói, chứ nhìn về lâu về dài thì tội nào rồi cũng tiêu trừ, và chỉ có phương pháp sám hối mới trừ được tội chướng.

8) Các tội lỗi nào được coi là nặng?

1/ năm tội nghịch là : giết cha, giết mẹ, giết A la hán, làm thân Phật chẩy máu, phá hoà hợp Tăng

2/ huỷ báng chính Pháp

3/ lạm dụng vật của chư Tăng v.v…

Các tội lỗi thuộc các loại như trên là tội nặng, các tội khác ngoài các tội ấy là các tội nhẹ. Tuy thế, nhưng dù là các tội nhẹ mà trong ba thời làm tội đều khởi tâm mạnh mẽ (mãnh tâm) thì cũng đều trở thành tội nặng.

9) Ba thời là gì ?

Sự thực hành một tội ác được chia làm ba giai đoạn như sau:

1/ Khởi tâm làm ác, thúc đẩy thân khẩu hoạt động dùng cách này cách kia để thực hiện tội ác, gọi là thời phương tiện.

2/ Ra tay hành động đạt đến cứu cánh của tội lỗi đúng như ý muốn, gọi là thời căn bổn.

3/ Thực hiện xong tội ác, chấm dứt mọi hành động, gọi là thời thành rồi (thành dĩ).

10) Tâm mạnh mẽ trong ba thời ấy là như thế nào?

1/ Trong thời phương tiện khởi tâm rất muốn làm hại (vưu hại tâm).

2/ Ngay thời căn bổn khởi tâm rất là thích thú (vưu khoái tâm).

3/ Đến thời thành rồi khởi tâm hài lòng thỏa mãn (tuỳ hỉ tâm).

11) Còn tội nghiệp có định và bất định nghĩa là gì ?

Nói định và bất định là dựa trên tâm làm ác có hay không có, mạnh hay không mạnh trong ba thời ấy, từ đó mà xét nếu khi làm tội, tâm trong ba thời đều mạnh, thì tội báo cố định phải trả, nên gọi là định nghiệp; còn tùy theo ba thời không nặng hết, thì có thể sám hối tiêu trừ được, nên gọi là bất định nghiệp. Có bốn trường hợp về thời và báo định hay bất định như sau :

1/ Ba thời đều có tâm làm ác mạnh mẽ, nên định chắc là phải trả quả báo, gọi là thời báo đều định. Trường hợp này có sám hối cũng vẫn phải trả quả, song có thể chuyển báo nặng thành nhẹ.

2/ Trong ba thời đều có tâm,song có thời thì tâm ác mạnh, có thời thì tâm lại nhẹ hay chần chừ. Trường hợp này sám hối có thể chuyển được tội báo, thế nên tội báo bất định. Gọi chung là thời định mà báo bất định.

3/ Không phải cả ba thời đều có tâm, song thời có tâm thì lại là tâm ác mạnh. Trường hợp này so với các trường hợp trên coi như nghiệp nhẹ và dễ sám trừ hơn, thành ra báo nhẹ mà thôi. Gọi chung là thời bất định mà báo định.

4/ Không phải ba thời đều có tâm, mà thời có tâm cũng không phải là tâm ác mạnh. Trường hợp này nghiệp nhẹ dễ sám trừ và có thể không phải thọ quả báo. Gọi chung là thời báo đều bất định.

B2- Lý sám

1) Lý sám là như thế nào?

Lý sám là dùng trí huệ quán sát thật tính của nghiệp tội kia, nếu thấy rõ ra chân lý của nghiệp tội, tội theo đó sẽ được điều phục và tiêu diệt, nên mới gọi là sám. Như trong Luật sớ nói : Do vọng che đậy tâm, nên kết thành vọng nghiệp. Phải hiểu nghiệp vọng kia bổn tính vốn không sinh. Rồi trong từng niệm một quán tâm không sinh, vọng từ đâu khởi ? Nghiệp tuỳ theo đó mà dứt trừ.

2) Muốn lý sám thì phải dụng tâm ra sao ?

Muốn lý sám thì không đợi phải đến khi tạo tội rồi mới ra sức quán, mà thường phải thực hành vận tâm quán tưởng tất cả mọi việc mình làm đều không có thật tính (vô tính), thế nên cái ngã kia không có chỗ nào để nương vào nữa. Do đó mọi việc đâu phải do ngã sinh, dù là nghiệp tội hay nghiệp phúc cũng đều không có chủ. Cứ thế dần dần thấy ra chân lý từng phần một và đoạn trừ phiền não từng phần một, cho đến giai đoạn như người tỉnh thức hoàn toàn không còn say ngủ nữa. Trong Luật sớ có nêu rõ ra ba cách quán tưởng.

3) Ba quán là như thế nào?

1/ Quán các pháp là tính không vô ngã : Đối tượng hay cảnh để quán là tất cả các pháp từ vô tình cho đến hữu tình, từ vô lậu cho đến hữu lậu; tính không vô ngã là pháp hay lý do trí năng quán vận tưởng mà quán nhận tất cả các pháp dù tội hay phúc cũng đều do duyên mà sinh chứ vốn không có tự tính. Duyên gồm có tâm và cảnh hư vọng hoà hợp mà thành nghiệp. Do đó tính của nghiệp này vốn tự là không chứ không phải do ai làm ra thành không hết. Do cứ chấp chặt vào các nghiệp ấy vọng cho là có thật tính, có thật ngã làm chủ nên phải chịu luân chuyển. Nay chỉ cần phá vọng chấp ấy đi thì không sao tìm ra tội được. Cái chỗ tội không sao có được này cưỡng gọi là không lý. Quán tính không ở đây là phân tích tháo gỡ tâm và cảnh ra đến tận cùng để thấy rõ là không, chứ không thấy không ngay nơi các pháp mà khỏi cần phân tích. Cách quán này thuộc về căn tính tiểu thừa.

2/ Quán các pháp bổn tướng là không : cảnh là tất cả các pháp, còn trí năng quán là áp dụng pháp hay lý tướng không, thấy rõ các pháp không có tướng (vô tướng), y như huyễn hoá, kẻ mê muội cho là chân thật, hay như hoa ở trong không do mắt có bệnh mà cho là có thật. Nên thấy là có tội có phúc chỉ là do vọng tình mà thấy có ra vậy thôi. Đây là cách quán thuộc căn tính “tiểu bồ tát”. Cách quán này chưa thấy đến tột cùng chỗ gốc gác của tất cả các pháp chính là tâm, mà chỉ mới thấy tất cả mọi trần cảnh đều là không như huyễn. Căn tính này do hâm mộ Phật thừa nên mới quán không ngay nơi sự tướng, nên gọi là Bồ tát; vì còn ưa thích tịch tĩnh, nên quán tướng không rồi chiếu soi trong tâm cũng không luôn, nên vẫn còn là “tiểu”.

3/ Quán các pháp bên ngoài hoàn toàn không có mà chỉ duy có thức mà thôi (ngoại trần bổn vô thật duy hữu thức) : Cảnh bên ngoài không có gồm hai nghĩa : một là do cảnh chính tức là tâm, hai là do hư vọng mà thấy dường như là có cảnh. Nói duy là phủ nhận ngoại cảnh không thật có, nói thức là biểu lộ ra nội tâm là thật có. Lý này rất thâm sâu thuộc về căn tính các đại Bồ tát từ sơ địa trở lên, nhằm thực hành để đi đến Phật quả.

Thực hành quán pháp này chia làm bốn thứ bậc như sau: 1) Tín lạc vị tức gồm hết 40 địa vị gia hành (thập tín, thập trụ, thập hành, thập hồi hướng), là khi tâm tin nhận ưa thích hoàn toàn vào lý ấy. 2) Kiến vị tức sơ địa là khi thông đạt được lý ấy. 3) Tu vị tức từ địa thứ hai cho đến địa thứ bẩy là khi có thể theo lý ấy mà đối trị được mọi chướng ngại. 4) Cứu cánh vị tức từ địa thứ tám đến Phật địa là khi đã ra khỏi hết mọi chướng cấu.

Tín lạc vị thuộc về giai đoạn chưa thật chứng được duy thức lý mà vẫn còn dùng tâm phân biệt để tín và quán lý ấy, nên được gọi là “ảnh tượng duy thức” quán; còn ba vị sau vì đã thâm nhập được vào thật lý rồi, nên được gọi là “chân duy thức” quán.

4) Người tu lý sám có cần phải lễ Phật tụng kinh hay không?

Sự và lý vốn không hai. Vì người phàm thường chưa thể tỏ rõ lý mà quán được, thế nên phải phương tiện mà phân hai để họ có thể nương theo sự mà hành sám được. Người đã thể nhập lý mà còn phân hai ra thì chắc chắn không khỏi bị tà lệch (thiên tà), lý và sự phải như nhất thì mới là chân tu tập. Thế nên Luật sớ mới phân ra bốn trường hợp như sau : 1) Được lý mà mất sự (đắc lý thất sự), dù nhất tâm thiền quán mà ngoài thiếu trang nghiêm tu tập lễ bái, thì như có mắt mà không có chân không sao tiến bước lên được. 2) Theo sự mà mê lý (trục sự mê lý), lo việc công phu, phân thời khóa hành trì, mà không rõ gĩ hết về lẽ duyên sinh, thì như có chân mà không có mắt biết hướng về đâu mà đi đây. 3) Sự và lý hoạt động cả hai (sự lý song vận), như vừa có mắt lại vừa có chân trợ giúp lẫn nhau, thì vạn hạnh sẽ tu tròn, chắc chắn đến bờ bên kia (bỉ ngạn). 4) Sự và lý đều mù mịt (sự lý câu muội), như mù mà lại không chân, chính là các kẻ ngu si biếng nhác mà lại kiêu mạn, thì rốt cuộc không có ngày thoát khỏi tội báo.

Các bậc cổ đức có câu nói như sau : “Thật tế lý địa bất thọ nhất trần, Phật sự môn trung bất xả nhất pháp”. Có nghĩa là người tu hành đối với lý chân thật thì không thấy có một pháp nào hết để mà tu, nhưng vào sự thực hành thì pháp nào cũng thực hành hết, một pháp thôi cũng không bỏ.

Trang: 1 2