GIA PHẢ PHẬT THÍCH CA

Sa-môn Thích Tăng Hữu Đời Lương soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 3

19. Chuyện về tinh xá Trúc Viên của Đức Thích-ca.
20. Chuyện về tinh xá Kỳ Hoàn của Đức Thích-ca.
21. Chuyện về tháp thờ răng tóc Phật Thích-ca
22. Chuyện về bốn ngôi tháp trên cõi trời thờ Phật Thích-ca
23. Chuyện vua Ưu-điền làm tượng Phật Thích-ca bằng gỗ chiênđàn.
24. Chuyện vua Ba-tư-nặc tạo tượng Phật Thích-ca bằng vàng.
25. Chuyện em vua A-dục xuất gia tạo tượng Phật Thích-ca bằng đá.
26. Chuyện lưu ảnh Phật Thích-ca trong hang đá.

 

19. CHUYỆN VỀ TINH XÁ TRÚC VIÊN CỦA ĐỨC THÍCH CA

(Xuất xứ từ Luật Đàm-vô-đức)

Vua nước Ma-kiệt là Bình Sa nghĩ rằng khi Phật đến ở thì phải bố thí làm Tăng-già-lam. Bấy giờ, trong thành Vương xá có vườn trúc Calan-đà là khu vườn đẹp nhất nước. Lúc đó, Phật biết ý vua bèn đến vườn trúc. Vua từ xa nhìn thấy Đức Thế tôn đến liền xuống voi, lấy nệm xếp thành bốn tầng thỉnh Phật đến ngồi. Phật ngồi xong, vua lấy bình vàng đựng nước thơm trao cho Phật, bạch rằng: Ở thành Vương xá có vườn trúc Ca-lan-đà đây là khu vườn bậc nhất, nay kính dâng lên Phật, xin Phật từ bi nạp thọ. Phật nói: Vua hiến khu vườn này cho Phật và Tăng bốn phương, nếu là vật sở hữu của Phật như phòng nhà, y bát, v.v… thì tất cả trời, người, ma phạm, Sa-môn, Bà-la-môn không thể dùng được, đều phải cung kính như chùa tháp. Đúng như lời Phật nói, nay con hiến cúng vườn trúc này lên Phật và Tăng bốn phương, xin từ bi nạp thọ. Lúc đó, Đức Thế tôn nói kệ khuyên dạy vua Bình-sa. Rồi chọn thợ giỏi mà xây cất điện đường, phòng xá, lầu gác và trang hoàng thật đẹp đẽ. Chung quanh có đào ao hồ, suối giếng, bến cầu. Mong Phật và chúng tăng sử dụng để chúng con được phước vô lượng.

 

20. CHUYỆN VỀ TINH XÁ KỲ HOÀN CỦA PHẬT

(Xuất xứ từ kinh Hiền Ngu).

Ba-tư-nặc là vua nước Xá-vệ có một vị Đại thần tên là Tu-đạt, nhà giàu có tiền của vô số, thích bố thí cứu giúp cho người nghèo thiếu, các cô nhi và người già cả cô độc. Do đó người đời đặt tên là Cấp Cô Độc. Lúc ấy, Trưởng giả Tu-đạt có bảy người con trai tuổi đã lớn khôn lần lượt cưới vợ đến người thứ sáu. Riêng người con trai thứ bảy thì rất khôi ngô ông rất thương yêu và muốn cưới cho một cô gái xinh đẹp nhất. Liền bảo các Bà-la-môn rằng: Quí vị thấy ai có con gái đẹp nhất xin cho biết để tôi đến cưới cho con. Các Bà-la-môn bèn đi hành khất tìm kiếm và đến thành Vương xá. Trong thành, có một đại thần tên là Hộ Di, giàu có vô lượng, lại kính tin Tam Bảo. Lúc đó Bà-la-môn bèn đến nhà xin ăn. Theo phép bố thí trong nước thì phải có cô gái trẻ cầm vật mà bố thí. Trưởng giả Hộ Di có một cô con gái nhan sắc tuyệt đẹp, bèn bảo đem thức ăn ra bố thí cho Bà-la-môn. Bà-la-môn thấy rồi thì lòng rất vui mừng bảo người ta tìm nay đã thấy. Bèn hỏi cô gái: Đã có người đến cầu hôn chưa, thì đáp là chưa. Hỏi: Cha cô còn không thì đáp là còn. Bà-la-môn bảo cô gái mời cha ra gặp tôi có việc muốn nói. Khi người cha ra gặp, vị Bà-la-môn chào hỏi xong bèn nói vua nước Xá-vệ có một vị đại thần Thừa tướng tên là Tu-đạt, giàu có bậc nhất, như Ngài có một cậu con trai út rất oai dũng, khôi ngô nhiều tài, muốn cưới con gái Ngài có được hay không, người cha đáp có thể được. Vị Bà-la-môn bèn viết thư nhờ một lái buôn đem về trao cho Tu-đạt trình bày mọi việc. Tu-đạt rất vui mừng đến nhờ vua cưới vợ cho con. Vua bằng lòng. Liền chở châu báu đến thành Vương xá, dọc đường cũng bố thí giúp đỡ kẻ nghèo thiếu. Rồi vào thành Vương xá đến nhà của Hộ Di để cầu hôn. Khi đến nơi thì Hộ Di mừng rỡ đón tiếp mời nghỉ đêm. Sáng ra thì tổ chức tiệc tùng thật linh đình. Tu-đạt bèn hỏi đây chắc là mời vua đại thần, quan khách và những người thân thích dự hôn lễ phải chăng, thì nói rằng không phải, chúng tôi thỉnh Phật và các Tỳ-kheo tăng. Tu-đạt nghe nói bỗng trong lòng rất vui mừng, hỏi Phật là ai xin cho biết. Trưởng giả Hộ Di nói: Ngài chẳng nghe con vua Tịnh Phạn tên là Tấtđạt. Ngày vị ấy sinh ra có nhiều điềm lành, có ba mươi hai muôn vị thần hộ vệ, đi bảy bước chỉ tay mà nói trên trời, dưới thế gian chỉ có ta là tôn quí nhất, thân mầu vàng ròng, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp đáng làm vua Kim luân trị vì bốn thiên hạ. Thấy khổ sinh, già, bệnh, chết không thích ở nhà, mà xuất gia tu đạo, sáu năm khổ hạnh, được Nhất thiết trí, kiết sở hết mà thành Phật, hàng phục mười tám ức muôn các ma, hiệu là Năng Nhân, mười lực vô úy, mười tám bất cộng, ánh sáng chiếu rực rỡ ba đạt soi sáng nên gọi là Phật. Tu-đạt hỏi thế nào là Tăng? Hộ di đáp: Phật thành Đạo rồi, phạm thiên khuyến thỉnh xoay bánh xe pháp, nên Phật đến vườn Nai nước Ba-la-nại xoay bánh xe bốn chân đế cho năm anh em Câu-lân, lậu hết kiết mở mà thành Sa-môn, sáu thông đầy đủ, bốn ý bảy giác tám Đạo đều luyện, trên hư không tám muôn các vị trời được quả Tu-đà-hoàn, vô lượng trời người phát Vô thượng Đạo ý. Kế độ cho anh em Uất-bệ Ca-diếp có cả ngàn người, được lậu hết ý giải, giống như năm vị trước. Kế đến Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên gồm năm trăm đồ chúng cũng được độ mà được Chân Ứng. Các vị ấy thần túc tự tại có khả năng làm ruộng phước cho chúng sinh, nên gọi là Tăng. Tu-đạt nghe việc hay như thế thì vô cùng mừng rỡ và kính tin, mong trời mau sáng để được gặp Phật. Vì quả thành khẩn nên thần ứng hiện đất sáng, bèn lần theo ánh sáng mà đi thì đến thành La-duyệt. Cửa thành này đêm mở ba lần: đầu hôm, nửa đêm và gần sáng. Nửa đêm ra khỏi thành thấy có đền trời thì đến lạy, bỗng quên niệm Phật thì tâm mắt thấy tối đen. Tự nghĩ đêm nên tối đen, nếu ta đi đến thì sẽ bị ác quỉ thú dữ làm hại. Bèn vào thành mà đợi sáng rồi sẽ đến. Có người bạn thân chết rồi sinh lên cõi trời Tứ Thiên, thấy ông muốn hối hận thì bảo rằng: Cư sĩ chớ hối ông đến gặp Phật sẽ được lợi ích vô lượng, dẫu được trăm xe đầy châu báu cũng không bằng một lần đến chỗ Phật thì được lợi hơn nhiều. Cư sĩ chớ hối hận, nếu có được châu báu đầy bốn thiên hạ cũng không bằng một lần đến chỗ Phật thì lợi hơn nhiều gấp trăm ngàn muôn lần hơn. Tu-đạt nghe vị trời nói thế thì càng vui mừng kính tin Đức Thế tôn. Trời tối liền sáng, bèn tìm đường đến chỗ Thế tôn. Khi ấy, Đức Thế tôn biết Tu-đạt đến bèn ra ngoài đi kinh hành. Tu-đạt từ xa trông thấy Đức Thế tôn như núi vàng oai nghiêm rực rỡ gấp ngàn muôn lần lời Hộ-di miêu tả, thì không biết lễ nghi bèn chạy đến hỏi không biết Cù-đàm ở đâu, Đức Thế tôn bèn mời ông ngồi ghế. Bấy giờ, trời Thủ-đà-hội ở xa thấy Tu-đạt tuy gặp Thế tôn mà không biết lễ bái cúng dường, bèn hóa thành bốn người sắp thành hàng đến lễ bái Đức Thế tôn mà thăm hỏi, đi nhiễu bên phải ba vòng rồi đứng sang một bên. Bấy giờ, Tu-đạt thấy thế bèn nghĩ pháp cung kính phải như thế, liền làm y như bốn người kia. Phật bèn nói pháp cho nghe bốn Đế mầu nhiệm, khổ không vô thường. Nghe pháp vui mừng liền nhễm thánh pháp mà thành Tu-đà-hoàn. Ví như bông gòn trắng sạch dễ nhuộm mầu. Bèn quì xuống chấp tay hỏi Phật trong thành Xá-vệ người nghe pháp dễ nhiễm như con có hay không? Phật bảo ít có ai như ông. Trong thành Xá-vệ phần nhiều đều tin tà, khó nhiễm Thánh giáo. Tu-đạt nói cúi mong Đức Thế tôn hãy đến xá-vệ khiến chúng sinh ở đấy bỏ tà theo chánh. Thế tôn bảo pháp xuất gia khác với thế tục nên chỗ ở cũng có khác. Ở đó không có tinh xá làm sao đến được. Tu-đạt thưa đệ tử xin xây cất, Đức Thế tôn im lặng chấp nhận. Tu-đạt bèn từ giã Phật, lo việc cưới vợ cho con. Xong việc liền đến Bạch Đức Thế tôn: con về nước sẽ xây cất tinh xá, nhưng không biết cách thức, xin Thế tôn sai một vị biết rõ cùng đi với con. Đức Thế tôn suy nghĩ ở thành Xá-vệ có nhiều Bà-la-môn tin theo khiến chấp tà Đảo, chỉ có xá-lợi là dòng dõi Bà-la-môn, lại thông minh thần túc gồm đủ, đi sẽ có lợi, bèn sai đi với Tu-đạt. Tu Đạt hỏi Thế tôn một ngày đi mấy dặm. Xá-lợi-phất nói mỗi ngày đi nửa do-tuần cũng bằng với vua Chuyển Luân. Tu-đạt bèn ở trên đường cứ hai mươi dặm thì lập một nhà dừng chân, chứa đủ đồ ăn thức uống cho người coi ngó. Ông và Xá-lợi-phất từ thành Vương xá trở về nhà mình ở nước Xá-vệ tìm xem chỗ nào đất đai bằng phẳng rộng rãi thì xây tinh xá. Đi khắp nơi vẫn không có chỗ nào vừa ý. Chỉ có khu vườn của Thái tử Kỳ-đà đất đai bằng phẳng, cây cối xinh tươi. Xá-lợi-phất nói ở đây có thể xây cất tinh xá, nếu ở cách khu dân cư xa quá thì đi khất thực sẽ khó, nếu ở gần quá thì ồn ào khó hành đạo. Tuđạt vui mừng bèn đến chỗ Thái tử nài mua khu vườn để xây cất tinh xá cúng dường Phật. Thái tử nói ta không thiếu tiền, khu vườn này đẹp đẽ dùng để tiêu dao dưỡng chí, giá cao lắm ông không mua nổi đâu. Nếu ông đem vàng ròng lót kín hết đất thì ta bán cho. Tu-đạt nói tôi chịu giá ấy. Thái tử nói ta chỉ nói chơi thôi. Tu-đạt nói Thái tử nói lời dối gạt làm sao nối ngôi mà trị nước. Tu Đạt muốn kiện ra triều đình. Bấy giờ, trời Thủ-đà-hội muốn xây cất tinh xá cúng dường Phật, sợ các đại thần bênh vực Thái tử liền hóa thành một người phê bình rằng Thái tử không được nói dối, đã hứa thì không rút lời, rồi quyết đoán như thế. Tu-đạt vui mừng sai người đem voi chở vàng đến, tám mươi chỗ đã đầy vàng chỉ còn một ít đất. Tu-đạt suy nghĩ nên lấy vàng ở kho nào mà không dư không thiếu. Kỳ-đà hỏi gièm rằng: Sợ đắt quá phải không? Đáp: không phải, mà là tôi đang lựa ở kho vàng nào cho tiện lợi. Kỳ-đà nghĩ Phật phải là người có Đức lớn lắm nên khiến người này coi thường vàng bạc. Bèn bảo: thôi đủ rồi đừng lấy vàng nữa, đất vườn thuộc ông, còn cây thuộc ta, cùng xây cất tinh xá mà cúng dường Phật, Tu-đạt bằng lòng. Nhóm sáu vị giáo chủ ngoại đạo nghe việc bèn tâu vua rằng: Trưởng giả Tu-đạt mua khu vườn của Thái tử Kỳ-đà để xây cất tinh xá cho Sa-môn Cù-đàm. Vậy nay cho đồ chúng của họ thi tài với các Sa-môn, nếu họ thắng thì được xây cất, nếu không thắng thì thầy trò Sa-môn Cù-đàm về ở tại thành Vương xá, còn thầy trò chúng tôi ở đây. Vua gọi Tu-đạt đến cho biết sự việc trên. Tu-đạt về nhà áo quần xốc xếch mặt mày buồn khổ, lo rầu. Sáng hôm sau, Xá-lợi-phất đắp y mang bát đến thấy Tu-đạt không vui bèn hỏi duyên cớ. Tu-đạt kể lại việc nhóm sáu vị giáo chủ ngoại đạo đòi thi tài, nếu thắng mới được xây cất tinh xá. Xá-lợiphất nói nhóm sáu vị giáo chủ ngoại đạo khắp Diêm-phù-đề số đông như tre trúc, không thể đụng đến chân lông của tôi, nay muốn thi tài thì lo gì. Tu-đạt mừng rỡ tâu vua tổ chức thi tài. Nhóm sáu vị giáo chủ ngoại đạo bảo người trong nước bảy ngày nữa ở ngoài thành trên bãi đất rộng sẽ thi tài với thầy trò Cù-đàm. Trong thành Xá-vệ có mười tám ức người. Nước này có thông lệ nghe đánh trống thì phải nhóm họp, như đánh trống đồng thì có mười hai ức người nhóm họp, đánh trống bạc thì có mười bốn ức người nhóm họp, đánh trống vàng thì tất cả đều nhóm họp. Đến ngày hẹn thì đánh trống vàng nhóm họp mọi người. Nhóm sáu vị giáo chủ ngoại đạo có ba ức muôn người. Có hai tòa cao, một bên dành cho vua và nhóm sáu vị, một bên dành cho Tu-đạt và Xá-lợi. Bấy giờ, Xá-lợi-phất đang ngồi nhập định dưới một gốc cây, nghĩ rằng hội này mọi người đều quen thói tà đã lâu, kiêu mạn tự cao, phải dùng ba đức mà hàng phục, thệ rằng nếu con từ vô số kiếp đến nay đã từ hiếu với cha mẹ, kính trọng Sa-môn, Bà-la-môn, v.v… thì cho con khi mới vào hội tất cả mọi người sẽ kính lễ con. Bấy giờ, sáu vị thấy chúng đã nhóm họp, chỉ có Xá-lợi-phất là chưa đến thì cho là Xá-lợ-phất sợ, bèn lên tâu vua. Vua hỏi Tu-đạt đệ tử Cù-đàm bỏ cuộc rồi ư? Ngay lúc ấy Xá-lợi-phất y phục ngay ngắn, Ni-sư-đàn vắt trên vai trái hùng dũng như sư tử đầu đàn đi vào hội trường. Mọi người thấy dáng vẻ uy nghiêm pháp phục khác lạ cả thầy trò sáu vị giáo chủ đều bất giác đứng dậy kính chào. Bấy giờ, Xá-lợi-phất bay lên đài cao, sáu vị giáo chủ có đệ tử tên là Lao Độ Sai, biết ảo thuật, ở trước đại chúng đọc chú hóa ra một cây to cành lá sum suê che mát cả chúng hội, có hoa quả rất lạ, mọi người đều khen ngợi. Khi ấy, Xá-lợi-phất dùng thần lực tạo ra gió, gió núi nổi lên lập tức thổi bật gốc cây ấy nát ra thành bụi. Chúng càng ngợi khen sẽ thắng. Lao Độ Sai hiến ra một cái ao bốn bên đều có bảy báu, trong ao có các hoa đẹp. Xá-lợi-phất bèn hóa thành một con voi trắng sáu ngà, mỗi ngà đều có bảy hoa sen, trên mỗi hoa có bảy ngọc nữ, Voi ấy đến bờ ao hút hết nước thì ao biến mất. Mọi người đều khen Xá-lợiphất thắng rồi. Lao Độ Sai lại hóa ra một ngọn núi bảy báu rất trang nghiêm, ao suối cây cỏ hoa trái sum suê. Xá-lợi-phất bèn hóa thành Kim Cương Lực Sĩ dùng chày kim cương ở xa mà chỉ thì núi ấy liền sụp đổ tan tành. Lao Độ Sai lại biến ra một con rồng dữ mình có mười đầu bay trên hư không rải xuống các vật báu như mưa, sấm chớp vang động làm mọi người sợ hãi. Xá-lợi-phất bèn hóa thành một con chim cánh vàng đầu đàn bay lên mổ ăn rồng ấy. Lao Độ Sai lại hóa thành một con trâu khổng lồ rất khỏe mạnh chỉa ra đôi sừng bén nhọn, đào đất rống to, chạy nhảy ở trước, Xá-lợi-phất bèn hóa ra một con sư tử đầu đàn đến xé xác trâu to. Lao Độ Sai lại biến thân mình thành quỉ Dạ-xoa thân hình to lớn trên đầu lửa cháy, mắt đỏ như máu, móng răng dài bén nhọn, miệng phun lửa rượt chạy khắp nơi. Xá-lợi-phất bèn hóa thân mình thành thiên vương Tỳ-sa-môn, Dạ-xoa trông thấy sợ hãi liền bỏ chạy, bốn bề lửa dậy không có chỗ thoát thân, chỉ có chỗ của Xá-lợi-phất thì mát mẻ không có lửa. Bèn khuất phục được mà lạy sát đất xin tha mạng. Nhục tâm đã sinh thì lửa liền tắt. Mọi người đều khen ngợi Xá-lợi-phất là người thắng cuộc. Bấy giờ, Xá-lợi-phất bay lên hư không hiện bốn oai nghi đi đứng ngồi nằm, hoặc trên thân phun ra nước, dưới thân phun ra lửa, Đông lặn thì hiện ra ở Tây, Bắc mất thì hiện ra ở Nam, hoặc hiện thân lớn đầy khắp hư không, hoặc hiện thân rất nhỏ, hoặc một thân hiện ra trăm ngàn muôn ức thân, hoặc thân đi qua đất nước, gồ đá, v.v… đại chúng thấy thần lực như thế đều vui mừng khen ngợi. Bấy giờ, Xá-lợiphất tùy cơ nói pháp, tùy bản hạnh túc duyên mà giúp cho đều được đạo tích, hoặc Tu-đà-hoàn, hoặc Tư-đà-hàm cho đến A-la-hán. Nhóm sáu vị giáo chủ ngoại đạo và ba ức đệ tử đều xin xuất gia học Đạo, bốn chúng đều về chỗ của mình. Bấy giờ, Trưởng giả Tu-đạt cùng Xá-lợi-phất đến khu vườn đo đạc tính toán. Xá-lợi-phất mỉm cười. Tu-đạt hỏi lý do, Xálợi-phất nói: Trong sáu tầng trời trời cõi Dục cung điện đã thành Tu-đạt hỏi trong sáu tầng trời cõi Dục thì tầng trời nào vui nhất? Xá-lợi-phất đáp: ba cõi trời dưới thì sắc dục sâu dày còn hai cõi trời trên thì kiêu mạn, mặc tình vui chơi. Chỉ có cõi trời thứ tư thì thường có một vị Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ sinh ở đời sau pháp huấn không dứt. Tu-đạt nói con sẽ được sinh lên tầng trời thứ tư. Nói xong thì các cung điện kia đều biến mất chỉ còn cung điện ở cõi tầng trời thứ tư. Bấy giờ, Xá-lợi-phất lại có sắc buồn. Hỏi lý do thì đáp: Ông có thấy các con kiến dưới đất trong khu vườn chăng? Đáp: có. Xá-lợi-phất nói ở quá khứ thời Phật Tỳ-bà-thi, tại khu đất này ông cũng đã xây cất tinh xá cho Đức Phật ấy, các con kiến này cũng đã sinh trong thời ấy. Đến thời Phật Thi-khí, thời Phật Tỳ-xáphù, thời Phật Câu-lưu-tôn, thời Phật Ca-na-hàm-mâu-ni, thời Phật Ca152 diếp, v.v… thì ông cũng ở trên đất này mà xây cất tinh xá cho các Đức Phật ấy và các con kiến ấy cũng lại sinh ra trong các thời Phật ấy và ở đấy. Cho đến nay đã chín mươi mốt kiếp rồi mà vẫn là thân kiến chưa được giải thoát. Sinh tử dài lâu, chỉ có phước là chẳng thể không gieo trồng. Tu-đạt nghe xong cũng rất thương xót. Đo đạc xong thì xây cất phòng xá cho Phật và một ngàn hai trăm năm mươi Tỳ-kheo cư trú. Tuđạt liền tâu vua thỉnh Phật đến ngự. Vua bèn sai Sứ đến thành thỉnh Phật và tăng chúng. Bấy giờ, Phật dẫn bốn chúng phát ra ánh sáng rực rỡ chấn động trời đất mà lên đường về nước Xá-vệ, trên đường đi gặp nhà dừng thì tạm nghỉ rồi độ vô số người. Khi Phật về đến còn ở ngoài thành thì mọi người nhóm họp đem vật cúng dường đến dâng lên Thế tôn và chúng Tăng. Phật phát ra ánh sáng rực rỡ chiếu suốt Tam thiên Đại thiên thế giới, dùng ngón chân ấn xuống đất thì mặt đất rung chuyển, trong thành chuông trống tự kêu, nhạc tự trỗi. Kẻ mù thấy được, người điếc nghe được, người câm nói được, kẻ què đi được, các bệnh đều dứt hết. Mọi người nam nữ già trẻ thấy các điềm lành đều vui mừng đến chỗ Phật, mười tám ức người. Bấy giờ, Đức Thế tôn tùy bệnh cho thuốc, tùy cơ nói pháp mầu. Người có duyên đời trước đều được dấu Đạo, hoặc quả chứng Tu-đà-hoàn, hoặc Tư-đà-hàm, hoặc A-na-hàm, hoặc A-lahán, có người gieo nhân Bích-chi Phật, có người phát Đạo ý chánh chân Vô thượng, thảy đều vui mừng vâng làm. Phật bảo A-nan rằng: Khu vườn này Tu-đạt đã mua, cây cỏ hoa lá là của hai vị đồng tâm xây dựng tinh xá, nên gọi là vườn cây Kỳ-đà đất Cấp Cô Độc, hay vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc, truyền mãi đến đời sau.

Kinh Tạp A-hàm nói: Trưởng giả Cấp Cô Độc bị bệnh, Phật đến thăm, thọ ký rằng: Sẽ chứng được quả A-na-hàm, khi chết rồi thì được sinh lên trời Đâu-suất làm Thiên tử, tự nghĩ rằng: Ta ở đây không lâu phải đến gặp Thế tôn, bèn trong phút chốc ở trời Đâu-suất mà hiện trước Phật, lễ Phật xong, liền phát ra ánh sáng rực rỡ chiếu khắp vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc mà nói kệ khen ngợi rồi biến mất.

Tăng Hữu xét thấy: Chỗ ở dứt tâm gọi là tinh xá. Trúc Lâm, Kỳ Thọ là các tinh xá đầu tiên, từ đó mà nối truyền xây dựng cho đến ngày nay. Còn việc Tu-đạt được quả mầu thì có thể thấy rõ ràng.

 

21. CHUYỆN VỀ THÁP THỜ MÓNG TÓC CỦA PHẬT THÍCH CA

(Xuất xứ từ Luật Thập Tụng).

Phật đến các nước rất lâu mà không trở về, Tu-đạt nhớ Phật muốn gặp. Bèn bạch Đức Thế tôn rằng: Cho con ít vật để thường cúng dường. Phật bèn cho ít tóc và móng tay. Bạch Phật: Con xin xây tháp thờ. Phật nói: được. Lại bạch Phật: Cho con làm mái che, đặt lan can dùng lụa màu, vẽ nhiều màu trang trí các thứ trang nghiêm. Phật đều chấp thuận.

 

22. CHUYỆN VỀ BỐN NGÔI THÁP THỜ PHẬT THÍCH CA TRÊN CÕI TRỜI

(Xuất xứ từ Tập Kinh Sao)

Ở cõi trời Đao-lợi về phía thành Đông trong vườn Chiếu Minh có tháp thờ tóc Phật, ở phía Nam thành trong vườn Thô sáp có tháp thờ y Phật, ở phía thành Tây trong vườn Hoan hỷ có tháp thờ bát Phật, ở phía thành Bắc trong vườn Giá ngự có tháp thờ răng Phật luận Đại Trí nói: Trời Đế Thích lấy tóc Bồ-tát ở ngoài cửa thành Đông mà xây tháp thờ tóc. Lại lấy bảo y của Bồ-tát mà ở ngoài cửa thành Đông xây tháp thờ y.

Tăng Hữu xét thấy: Ở cõi người có bốn ngôi tháp lớn. Tháp ghi nhớ chỗ sinh ở nước Ca-tỳ-la-vệ (vườn Lâm-tỳ-ni). Tháp ghi nhớ chỗ thành Đạo ở nước Ma-kiệt-đề. Tháp ghi nhớ xoay bánh xe pháp là vườn Nai ở nước Ba-la-nại. Tháp ghi nhớ nhập Niết bàn ở nước Câu-di-nakiệt.

Tăng Hữu xét thấy: Bậc chí nhân ở đời làm lợi ích rộng lớn thì tóc móng y bát đều là pháp sự, nên lập chùa tháp mà rộng độ trời người, đây là nguồn gốc xây tháp không phải chỉ là để tán thân mà thôi.

 

23. VUA ƯU ĐIỀN TẠO TƯỢNG GỖ PHẬT THÍCH CA BẰNG CHIÊN ĐÀN

(Xuất xứ từ kinh Tăng Nhất A-hàm)

Thích Đề Hoàn Nhân thỉnh Phật lên tầng trời ba mươi ba nói pháp cho mẹ nghe, Đức Thế tôn nghĩ rằng: bốn bộ chúng phần nhiều lười biếng chẳng thích nghe pháp. Nay ta khiến bốn chúng khát ngưỡng đối với pháp mà chẳng bảo bốn chúng đến hầu hạ ta. Liền nhanh chóng bay lên tầng trời ba mươi ba. Lúc đó, ở cõi người không thấy Đức Thế tôn rất lâu. Bấy giờ, vua Ưu-điền đến chỗ A-nan hỏi rằng: Như lai hiện đang nay ở đâu? A-nan đáp hiện giờ tôi cũng chẳng biết ở đâu. Vua Ưuđiền, vua Ba-tư-nặc đều nghĩ nhớ Như lai nên rất buồn khổ. Bấy giờ, vua bảo: Các thợ giỏi trong nước rằng: Ta muốn tạc tượng Như lai. Rồi vua Ưu-điền bèn dùng gỗ ngưu đầu chiên đàn mà tạc tượng Như lai cao năm thước.

 

24. VUA BA TƯ NẶC TẠO TƯỢNG PHẬT THÍCH CA BẰNG VÀNG

(Xuất xứ từ kinh Tăng Nhất A-hàm).

Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc nghe vua Ưu-điền tạo tượng Như lai để cúng dường thì liền cho vời các thợ giỏi trong nước, bèn tự nghĩ nên dùng chất báu nào làm tượng. Thân Như lai như mầu vàng ròng. Do đó vua Ba-tư-nặc bèn dùng vàng ròng mà tạc tượng Như lai. Từ đó, cõi Diêm-phù-đề có hai thứ tượng Như lai.

 

25. EM VUA A DỤC XUẤT GIA TẠO TƯỢNG PHẬT THÍCH CA BẰNG ĐÁ

(Xuất xứ từ kinh Cầu Ly Lao Ngục).

Em vua A-dục tên là Thiện Dung vào núi đi săn thấy các Phạm Chí để trần truồng, cầu thành thần tiên, hoặc ăn lá cây, hoặc hít thở không khí, hoặc nằm trên tro dơ, hay trên gai gốc v.v… làm các thứ khổ hạnh để cầu phước trời, thân hình khổ sở mà không được gì. Thiện Dung hỏi các Phạm Chí hành đạo ở đây có khó khăn gì mà việc không thành. Các Phạm Chí đáp: Ở đây thường có bầy nai tụ tập động duc, chúng tôi nhìn thấy bị động tâm, không thể tự chế. Bấy giờ, Thiện Dung có ý nghĩ xấu rằng: Các Phạm Chí ở đây hít thở không khí thân hình tiều tụy, khí lực suy kém, cũng còn có dâm dục khó có thể dứt trừ huống chi là các Thích tử Sa-môn ăn uống thơm ngon đầy đủ, nằm giường cao rộng, ướp hoa xông hương thì chẳng lẽ không dâm dục. Vua A-dục nghe em thắc mắc thì lòng rất lo buồn: Ta chỉ có một người em trai duy nhất lại sinh tà kiến sợ rằng sẽ bị đọa lạc chốn mê. Ta phải tìm cách dẹp bỏ ý nghĩ xấu ác ấy. Liền trở về cung khuyên các kỹ nữ phải trang điểm thật đẹp đến chỗ Thiện Dung mà đùa vui. Vua ra lệnh cho các đại thần rằng: Khi ta ra lệnh thì các ngươi giết chết Thiện Dung. Các quan can ngăn nên đợi bảy ngày nữa. Khi Thiện Dung đùa vui với các kỹ nữ không bao lâu thì vua bỗng đích thân đến hỏi Thiện Dung rằng: Thê thiếp của ngươi, ngươi tự do đùa giỡn, nay sao dám xâm phạm đến kỹ nữ của ta. Bèn giận dữ bảo các đại thần rằng: Ta không già yếu cũng không bị giặc trong ngoài xâm phạm, ta cũng nghe ngạn ngữ xưa có nói: Hễ là người có phước thì bốn biển đều qui phục. Nếu phước hết đức mỏng thì tay chân trái nhau. Nay ta tự xét chưa có biến này, nhưng em ta là Thiện Dung lại dụ dỗ kỹ nữ hầu thiếp của ta mà mặc tình đùa vui, xem như không có ta. Vậy hãy đem ra chợ mà chém bỏ. Các Đại thần can ngăn rằng: Vua chỉ có một người em trai, lại không có người nối dõi. Xin vua hoãn lại bảy ngày hãy hành quyết. Vua chấp thuận và gia ân cho Vương tử hãy ăn mặc giống ta, vào cung ta mà tự do đùa chơi với các kỹ nữ của ta. Lại sai một vị đại thần mặc áo giáp, mang gậy đeo kiếm bén, mỗi ngày đến nhắc nhở Thiện Dung rằng: Hạn kỳ là bảy ngày, Ngài hãy cố gằng vui chơi năm dục, sau chết rồi có tiếc cũng vô ích. Nay một ngày đã qua còn sáu ngày nữa. Cứ thế nhắc mãi còn năm, còn bốn v.v… Đến ngày thứ bảy vua sai Sứ hỏi Hoàng đệ ý chí ham vui năm dục thế nào? Thiện Dung đáp: Không cảm thấy gì là vui cả. Vua hỏi: Sao mặc áo ta, vào cung ta, ăn thức ăn ngon, tự do vui thú với kỹ nữ của ta lại bảo là không cảm thấy gì là vui? Hoàng đệ nói: Người bị tội chết tuy chưa chết nhưng nào có khác gì đã chết, còn tình ý gì với vui năm dục nữa. Vua nói: Nói sao ngu thế, nay ông một thân lo liệu trăm thứ, một thân chết rồi đối với dục chẳng vui, huống chi là các Sa-môn Thích tử lo lắng ba đời, một thân chết rồi lại chịu thân khác, trăm kiếp ngàn đời các thân chịu khổ, vô lượng nạn tai sầu khổ, tuy ra làm người đua tranh với người, hoặc sinh vào nhà nghèo hèn thiếu thốn, cho đây là khổ sở bèn xuất gia hành Đạo mà cầu vô vi để độ đời. Nếu không siêng năng thì nhiều kiếp lại bị khổ sở. Bấy giờ, Hoàng đệ Thiện Dung tâm khai ý giải, liền thưa với vua rằng: Nay được vua chỉ dạy mới được tỉnh ngộ, sinh già bệnh chết thật đáng nhàm chán sợ hãi, lo âu khổ não trôi giạt mãi mãi không dừng. Xin Đại vương cho em vì đạo cẩn thận tu hành. Vua nói “thật biết đúng lúc”. Hoàng đệ từ giã vua xuất gia làm Sa-môn, giữ gìn giới cấm ngày đêm siêng năng chứng được quả A-la-hán, sáu thông trong suốt không quái ngại.

Truyện A-dục Vương nói: Vua A-dục nghe em được Đạo thì rất vui mừng, cúi đầu kính lễ xin cúng dường mãi mãi. Người em đã nhàm chán cuộc đời đau khổ, chẳng ưa thích cõi nhân gian thề nương chốn núi rừng mà nuôi mạng sống thừa. Vua A-dục bèn khiến quỉ thần ở trong thành tạo ra núi, ao, suối cấm người ngoài tới lui. Bèn theo lệnh vua mà tạo một pho tượng đá thân cao trượng sáu, để trong hang núi mà cúng dường. Núi và tượng ấy ngày nay vẫn còn.

Tăng Hữu xét thấy: Vẽ tượng đầu tiên xuất phát từ Giác Chế, bấy giờ tượng vàng đá và gỗ thơm đúc khuôn chạm khắc điều nhiều và đẹp, dáng vẻ lại giống với tượng do Ưu-điền tạo ra và thần lực hóa ra.

 

26. CHUYỆN PHẬT THÍCH CA LƯU LẠI ẢNH HÌNH TẠI HANG ĐÁ

(Xuất xứ từ kinh Quán Phật Tam-muội).

Bấy giờ, vua thỉnh Phật vào thành. Long vương giận dữ bảo rằng: Ngươi đoạt lợi của ta thì ta sẽ tiêu diệt nước ngươi. Phật bảo vua nên về nước trước. Phật tự biết lúc, rồi vì Long vương và nữ La-sát mà nói ba qui y, năm giới cấm thì đều rất vui mừng. Quyến thuộc Long vương trăm nghìn các rồng đều từ ao bay lên. Phật khiến Mục-liên trao cho giới pháp. Bấy giờ, Long vương bạch Phật rằng: Xin Đức Thế tôn thường ở chốn này nếu không ở đây thì chúng con khởi tâm ác sẽ không do đâu mà thành Đạo. Hết lòng xin lưu lại thần thức mãi ở chốn này. Lúc đó, Phạm Thiên vương và trăm ngàn các Phạm cũng đến khuyến thỉnh rằng: Xin vì tất cả chúng sinh chớ không riêng vì một loài rồng ở đây. Phật mỉm cười miệng phát ra ánh sáng, vô lượng hóa Phật và Bồtát làm người hầu. Long vương ở trong ao dâng đài bảy báu lên Như lai. Phật nói ta, không cần đài này, ngươi chỉ cần lấy hang đá La-sát cho ta. Các trời nghe nói liền cởi áo báu mà quét hang. Phật nhiếp thần túc một mình vào hang đá, trải đồ ngồi khiến hang đá tạm có bảy báu. Lúc đó, nữ La-sát và Long vương vì bốn vị đệ tử lớn và A-nan mà tạo ra năm hang đá. Bấy giờ, Thế tôn ngồi yên trong hang đá mà nhận lời vua thỉnh vào thành Na-căn-ha và các nước, chỗ nào cũng đều thấy Phật trên hư không, trong tòa hoa có đầy hóa Phật. Long vương vui mừng phát thệ nguyện rộng lớn rằng: Nguyện con đời sau được Phật như đây. Phật nhận lời vua thỉnh. Sau bảy ngày vua sai một người cỡi voi đi tám ngàn dặm, đem đồ cúng dường đi khắp tất cả các nước mà cúng dường chúng tăng. Nơi nơi đều thấy Phật, trở lại tâu vua rằng: Phật Thích-ca chẳng những chỉ ở nước này, mà các nước khác cũng có, đều nói khổ không vô thường, sáu Ba-la-mật vua nghe thì được rỗng rang ý giải mà được Vô sinh nhẫn. Bấy giờ, Đức Thế tôn lại nhiếp thần túc từ hang đá mà ra cùng với các Tỳ-kheo, dạo khắp các nơi, rồng đều theo hầu. Lúc đó, Long vương nghe Phật trở về nước thì khóc và bạch rằng: Này vì sao Thế tôn bỏ chúng con, chúng con không thấy Phật sẽ làm việc ác, mà đọa đường ác. Bấy giờ, Như lai an ủi Long vương rằng: Ta nhận lời ngươi thỉnh mà ngồi trong hang của ngươi một ngàn năm trăm năm. Lúc đó Long vương chắp tay khuyến thỉnh Phật lại vào ngồi trong hang mà hiện mười tám biến, thân đi vào đá giống như gương sáng, ở trong đá lại chiếu sáng ra ngoài, ở xa thì thấy, gần thì không thấy. Trăm ngàn các vị trời cúng dường hình bóng Phật. Hình bóng ấy cũng nói pháp. Hang đá cao một trượng tám tấc, sâu hai mươi bốn bước, đá màu xanh nhạt.

Tăng Hữu xét thấy: Pháp thân vô hình tùy ứng mà hiện, tuy hư ảnh mà lại có rõ ràng tức là Như lai, cho nên vô lượng rồng quỉ nói pháp với các vị trời. Do đó, kinh nói là các Hóa Phật đều là chân thật.

Pages: 1 2 3 4 5