GIA PHẢ PHẬT THÍCH CA

Sa-môn Thích Tăng Hữu Đời Lương soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 2

10. Truyện về em họ Phật là Điều-đạt xuất gia
11. Truyện về em họ Phật là A-na-luật-bạt-đề xuất gia
12. Truyện về em họ Phật là Tôn-đà-la-nan-đà xuất gia
13. Truyện về con Phật là La-vân xuất gia
14. Truyện về Di mẫu Phật là Đại Ái Đạo xuất gia
15. Truyện về cha Phật vua Tịnh Phạn nhập Nê-hoàn
16. Truyện về mẹ Phật là Ma-da phu nhân
17. Truyện về Di mẫu Phật là Đại Ái Đạo nhập Nê-hoàn
18. Truyện về Phật Thích-ca diệt nghiệp đời trước.

10. DI MẪU PHẬT LÀ ĐẠI ÁI ĐẠO XUẤT GIA

Khi Phật về nước Ca-duy-la vệ, Đại Ái Đạo Cù-đàm-di đảnh lễ Phật bạch rằng: Con nghe nói người nữ tinh tấn sẽ được bốn đạo quả của Sa-môn, con nguyện được thọ giới luật của Phật mà xuất gia hành đạo. Phật nói; Hãy thôi! Ta không muốn người nữ vào pháp luật của ta, vì người nữ mặc pháp y thì sẽ không suốt đời thanh tịnh, rốt ráo phạm hạnh. Cù-đàm-di lại tha thiết cầu xin như thế ba lần. Nhưng Phật không cho bèn đảnh lễ lui ra. Thời gian sau, Phật đến Duy-la-vệ thì Cù-đàm-di vẫn nài nở xin xuất gia như trước, nhưng Phật vẫn không cho. Phật cùng các Tỳ-kheo ở đó ba tháng mùa mưa rồi ra đi, Đại Ái Đạo và các lão bà v.v…đều đi theo Phật chợt dừng lại bên bờ sông, Đại ái, Đạo bèn bước đến ra đảnh lễ và xin xuất gia như trước. Phật nói Hãy thôi ! Vẫn không cho như trước. Bà bèn lễ Phật đi nhiễu mà lui. Rồi đứng ở trước cửa, y phục rách rưới, mặt mày ủ dột khóc lóc. A-nan thấy thế, bèn hỏi thì đáp vì ta là người nữ không được xuất gia nên tự buồn khổ. A-nan liền vào bạch Phật hỏi duyên cớ. Phật nói: ta không muốn người nữ vào pháp luật ta làm Sa-môn. Vì như ở đời, nhà nào sinh nhiều con gái ít con trai thì sẽ suy, nay người nữ xuất gia sẽ làm cho đạo phạm hạnh thanh tịnh của Phật ở đời chẳng lâu. Ví như ruộng tốt có lộn giống xấu sẽ có hại cho lúa. A-nan lại thưa: Đại Ái Đạo có nhiều thiện ý, đã nuôi nấng Phật từ lúc mới sinh đến lớn khôn. Phật nói: Đúng thế, Đại Ái Đạo có ân lớn với ta, nhưng ta đã đáp lại bằng cách truyền cho ba qui y, năm giới cấm, hiểu rõ bốn đế, có năm căn năm lực, v.v… So với việc cấp dưỡng y phục, thuốc men, ăn uống trọn đời thì cũng không bằng ân này. Phật bảo A-nan: Nếu người nữ muốn vào pháp ta làm Sa-môn thì phải giữ tám điều cung kính, cũng như phòng nước lũ lụt phải đắp đê điều chắc chắn, không để rò rỉ, nếu được như thế thì mới được xuất gia. A-nan bèn thuật lại lời Phật nói thì Di mẫu vô cùng mừng rỡ vâng theo. Bấy giờ, Đại Ái Đạo được xuất gia thọ đại giới làm Tỳ-kheo ni, vâng giữ pháp luật mà được Ứng chân. Về sau vào lúc khác, Đạo Ái Đạo cùng các Trưởng lão Ni đều đến chỗ A-nan hỏi rằng: Các Trưởng lão ni đều tu phạm hạnh đã lâu, đều đã thấy Đế, sao lại phải lạy các Tỳ-kheo nhỏ tuổi? A-nan vào hỏi Phật, Phật bảo: hãy thôi! Nên cẩn thận chớ hỏi việc ấy. Ông chẳng biết bằng ta, nếu không cho người nữ xuất gia thì ngoại đạo dị học, tất cả người hiền, sẽ cúng dường bốn thứ cần dùng, trải tóc lót đất mời bước lên, như thờ Nhật nguyệt, như thờ Thiên thần, chánh pháp của ta sẽ một hưng thạnh ngàn năm. Nếu độ cho người nữ thì chỉ còn năm trăm năm và dần dần suy yếu. Vì sao, vì người nữ có năm việc không làm được: 1/ không được làm Như lai, 2/ không được làm vua Chuyển Luân, 3/ không được làm vua trời Đao-lợi thứ hai, 4/ không được làm Ma vương tầng trời thứ sáu, 5/ không được làm Phạm Thiên vương thứ bảy Đại Ái Đạo v.v… nghe xong thì rất vui mừng vâng theo.

Tăng Hữu xét thấy: Chư Phật ba đời có đủ bốn bộ, mà Kiều-đàmdi cầu pháp lại bị từ chối, chính là vì người nữ chướng nặng, là con sâu trong Đạo. Cho nên phải kỹ càng răn đe để khuyến tấn tương lai.

 

11. VUA TỊNH PHẠN CHA CỦA ĐỨC PHẬT THÍCH CA NHẬP NÊ HOÀN

(Xuất xứ từ kinh Tịnh Phạn Vương Nê-hoàn)

Vua nước Xá-di (Xá-vệ) tên là Tịnh Phạn. Dùng chánh pháp trị nước, giáo hóa bằng nhân nghĩa, thường có từ tâm. Bấy giờ, bị bệnh nặng. Trong thân bốn đại bất an, khiến mình mẩy gân xương rả rời, hơi rã thở bất định như ngựa lội nước. Quan Phụ tướng ra lệnh cho các thầy thuốc giỏi trong nước đều vào cung chữa trị, nhưng bệnh vẫn không thấy giảm bớt. Vua càng lo buồn như cá thiếu nước. Các phu nhân, thể nữ thấy vua như thế càng buồn khổ. Lúc đó, các vua Bạch Phạn và Hộc Phạn, các quan đều nói nay nếu vua băng thì nước sẽ suy yếu. toàn thân Vua run lên bần bật. Môi khô miệng ráo nói không ra lời nước mắt đoanh tròng. Lát sau, thều thào bảo các vua và các quan rằng: Ta có mất đi cũng không khổ, chỉ tiếc là không gặp được Tất-đạt con ta, cũng không gặp Nan-đà con kế vì đã dứt trừ các dục tham dâm thế gian. Cũng hận vì không gặp cháu ta là Nan-đà con vua Hộc Phạn hiện đang giữ kho Phật pháp một lời cũng không mất. Ngay cả cháu nội ta là Lavân tuổi tuy còn nhỏ mà thần túc đầy đủ, giới hạnh hoàn toàn. Nếu gặp được các con cháu ta thì bệnh dẫu nặng cũng chưa hẳn chết, cũng không khổ lắm. Các vua và các quan nghe lời ấy thì đều than khóc buồn thương. Vua Bạch Phạn nói: Tôi nghe Đức Thế tôn đang ở trên núi Kỳ-xà-quật trong thành Vương xá, cách đây hơn năm mươi do-tuần. Nếu vua sai sứ đi mời thì đường sá xa xôi, chậm trễ vô ích. Nay mong Đại vương bớt sầu lo, thương nhớ các con cháu. Bấy giờ, vua Tịnh Phạn nghe khuyên thì rơi lệ đáp rằng: Các con cháu ta tuy xa xôi cách trở nhưng ý vẫn không lìa ta. Vì sao? Vì con ta đã thành Phật, thường dùng tâm đại bi và thần thông, mắt trời thấy suốt, tai trời nghe suốt mà cứu giúp chúng sinh. Kẻ đáng độ trăm ngàn muôn ức chúng sinh đang bị nước cuốn nhận chìm thì liền dùng tâm thương xót mà làm thuyền bè để cứu thoát, không hề cực nhọc gì. Nay ta mong gặp Đức Thế tôn cũng giống như thế. Ắt ngày đêm Đức Thế tôn thường nhập vào tam-muội dùng mắt trời nhìn thấy chúng sinh những ai đáng được cứu độ thì liền dùng tâm thương xót như mẹ thương con. Khi ấy, Đức Thế tôn đang ở núi Linh Thứu dùng tai trời mà nghe lời các vua nói, lại dùng mắt trời mà thấy Đức vua bệnh nằm trên giường, thần thể ốm gầy mạng sắp mất. Lại biết ý Đức vua đang mong gặp các con cháu, liền bảo Nan-đà rằng: Cha đang bị bệnh nặng, chúng ta nên về, để lúc còn sống mà nhìn thấy nhau cho cha mãn nguyện. Nan-đà thưa đúng thế, cha sinh ra Thánh vương lợi ích thế gian, nay phải về mà báo ân nuôi nấng. A-nan chấp tay thưa vua là bác con, cho con xuất gia làm đệ tử Phật thì con phải về thăm. La-vân cũng thưa: Thế tôn là cha con, bỏ nước cầu đạo, con được ông nội nuôi dưỡng thành người mà được xuất gia, vậy cho phép con cùng về thăm nội. Rồi tất cả bèn dùng thần túc bay trên hư không, phút chốc đến nước Ca-duy-la-vệ mà phát ra ánh sáng rực rỡ. Người dân trong nước thấy Phật đến thì buồn bã, khóc thương cho vua Tịnh Phạn sắp mất. Có người thương quá bứt bỏ chuỗi anh lạc, có người lại lấy bùn đất trét lên mặt, lên mình v.v… Phật thấy thế thì khuyên can rằng: Vô thường chia lìa xưa nay đều có, các người nên biết sinh tử là khổ, chỉ có Đạo là chân. Rồi Đức Thế tôn dùng mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng pháp mà phát ra ánh sáng rực rỡ, lại hiện ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp mà phát ra ánh sáng rực rỡ, lại đem công đức đã tu từ vô lượng A-tăng-kỳ kiếp mà phát ra ánh sáng rực rỡ. Ánh sáng rực rỡ chiếu suốt trong ngoài khắp cõi nước rồi chiếu lên mình vua thì vua liền hết bệnh. Vua lấy làm lạ hỏi ánh sáng ấy thì đâu chiếu đến, là ánh sáng của mặt trời, mặt trăng hay ánh sáng của các vị trời, khiến các bệnh khổ của ta đều dứt. Đại Xưng vương từ ngoài vào cung tâu vua rằng: Đức Thế tôn và các đệ tử A-nan, La-vân… đã bay trên hư không mà về tới, cả cung điện đều vui mừng. Vua cha nghe báo thì hết sức mừng rỡ bất giác tự ngồi dậy được. Phật cũng vừa vào đến. Vua cúi mình vái chào, và nói xin Như lai lấy tay rờ vào thân tôi để các bệnh khổ đều chấm dứt. Mạng tôi sắp mất cũng sẽ sống lại. Tôi cuối cùng được thấy Thế tôn thì các buồn khổ đã dứt hết rồi. Phật nói xin vua cha chớ nên buồn khổ nữa, vì đạo đức của cha rất đầy đủ. Phật đưa tay mầu vàng như hoa sen xoa vào trán cha thưa: Vua cha là người giới hạnh thanh tịnh, tâm cấu đã lìa, nay nên vui mừng chớ nên buồn lo, hãy nghĩ nhớ nghĩa các kinh pháp, ở chỗ không bền chắc mà nghĩ về các gốc lành bền chắc. Lúc đó, Đại Xứng vương tâu vua Tịnh Phạn rằng: Phật là con vua, thần lực đầy đủ không ai sánh bằng, Nan-đà cũng là con vua đã dứt sinh tử, bốn Đạo vô ngại. A-nan con vua Hộc Phạn cũng đã uống pháp phục vị. Pháp Phật nói ra không quên một câu. Cháu nội vua là La-vân thì đạo đức đầy đủ, chứng các Thiền định, thành bốn Đạo quả. Họ đều đã phá lưới ma. Vua nghe xong rất vui mừng, nắm tay Đức Thế tôn để lên ngực mình, rồi vua nằm xuống chấp tay xá Phật. Phật vẫn để tay mình trên tim vua. Bấy giờ, vô thường bỗng đến hơi thở nhẹ dứt, những người trong dòng họ Thích, các quan thấy vua đã qua đời đều gào khóc thảm thiết đấm ngực bứt tóc, than vua băng rồi thì nước mất oai thần). Lúc đó, dòng họ Thích dùng nước thơm gội rửa thân vua rồi liệm bằng lụa là gấm vóc quí đẹp, đặt vào quan tài đặt trên tòa sư tử, trang nghiêm bằng bảy báu, màn che trướng phủ bằng chân châu và rải hoa xông hương. Phật và Nan-đà đứng ở đầu quan tài, A-nan và La-vân đứng ở cuối. Phật vì làm gương hiếu kính cha mẹ cho chúng sinh nên cả bốn thầy trò cùng khiêng quan tài đưa tang. Bấy giờ, cả Tam thiên Đại thiên thế giới đều rung chuyển sáu cách. Tất cả các tầng trời cõi Dục cùng vô số trăm ngàn quyến thuộc đều đến đưa tang. Thiên Vương ở phương Bắc là Tỳ Sa-môn dẫn trăm ngàn muôn ức các Dạ-xoa quỉ thần đến đưa tang. Thiên Vương ở phương Đông là Duy-đề-lại-đà dẫn trăm ngàn muôn ức các quỉ thần kỹ nhạc đến đưa tang. Thiên Vương phương Nam là Tỳ-lâu-lặc-xoa dẫn trăm ngàn muôn ức các quỉ thần Cưu-bàntrà đến đưa tang. Thiên Vương phương Tây là Tỳ-lưu-bà-xoa dẫn trăm ngàn muôn ức các rồng thần đến đưa tang. Đều cùng buồn bã, khóc lóc. Lúc đó, bốn vị Thiên Vương nghĩ rằng: Phật vì muốn dạy chúng sinh ở tương lai phải hiếu kính cha mẹ nên đích thân khiêng quan tài vua cha, bèn cùng quì trước Phật bạch rằng: Chúng con là đệ tử Phật được nghe pháp Phật mà chứng quả Tu-đà-hoàn nên chúng con thay nhau khiêng quan tài Đức vua. Phật chấp thuận cho bốn vị Thiên Vương bèn biến thành bốn người thường thay Phật cùng các đệ tử mà khiêng quan tài rất nhẹ nhàng. Tất cả người dân đều khóc lóc đưa tang. Bấy giờ, oai quang của Phật rực sáng như trăm muôn mặt trời cùng hiện, Như lai đích thân tay bưng lư hương đi trước ở núi Linh Thứu có một ngàn vị A-la-hán từ trên hư không bay đến lạy Phật, thưa bây giờ chúng con phải làm gì. Phật bèn sai mau ra biển lớn tìm các gỗ thơm ngưu đầu chiên đàn đem về. Phút chốc thì liền có gỗ thơm. Phật và Đại chúng chất gỗ thơm trên quan tài Đức vua rồi châm lửa. Lửa bùng cháy mạnh mẽ thơm phức. Phật liền bảo bốn chúng rằng: Thế gian vô thường, khổ không chẳng phải thật thân, không có bền chắc, chỉ như huyễn hóa. Như cái nóng mùa hè, như trăng trong nước, mạng sống không lâu, mọi người nên cố gắng cầu lìa sinh tử mới được yên ổn lớn. Khi lửa thiêu thân vua xong thì các vua và Đại thần đem năm trăm bình sữa đến tưới tắt lửa. Rồi thâu hài cốt để vào bình vàng, đem về xây tháp miếu cúng dường. Đại chúng cùng hỏi Phật rằng: Nay vua Tịnh Phạn đã qua đời thì thần thức sinh về đâu? Phật bảo đại chúng rằng: Vua cha Tịnh Phạn là người thanh tịnh sẽ sinh lên cõi trời Tịnh Cư.

Tăng Hữu xét thấy: Vô thường biến đổi, vật có thân đều không tránh khỏi, kể cả trời cũng không thể kéo dài mãi được. Chắp tay ngang ngực mà không thể cứu, báo hết thì vô thường liền đến. Do đó, bậc Thánh tu thuật sống lâu mà không nuôi dưỡng thân bọt bèo.

12. MẸ PHẬT THÍCH CA LÀ PHU NHÂN MA-HA-MA-DA

(Xuất xứ từ kinh Phật Thăng Đao-lợi Thiên Vị Mẫu Thuyết Pháp).

Phật ở trên cung trời Đao-lợi trong vườn Hoan Hỷ, an cư ba tháng dưới cây ba-lợi-chất-đa. Bấy giờ bốn chúng vây quanh Như lai, lỗ chân lông phát ra trăm ngàn tia sáng chiếu khắp Tam thiên Đại thiên thế giới. Mỗi tia sáng có hoa sen ngàn cánh, trong mỗi hoa đều có hóa Phật, chiếu sáng rực rỡ không thể so sánh. Các vị trời không biết vì sao có ánh sáng ấy. Phật bảo Văn-thù hãy đến chỗ mẹ, nói có Phật ở đây, xin mẹ đến kính Tam bảo. Văn-thù liền đến thưa với Ma-da phu nhân. Bà nghe thì sữa tự chảy ra, bèn nghĩ rằng nếu ta sinh Tất-đạt-đa thì xin sữa nầy đến miệng Tất-đạt-đa, nghĩ đoạn thì hai luồng sữa trắng phun ra như hoa sen trắng, rót vào miệng Như lai. Bà thấy rồi thì vui mừng tươi như hoa nở. Khắp cõi Đại thiên đều rung chuyển, các hoa quả quí không đúng (mùa) đều chín. Bà bảo Văn-thù rằng: Từ khi ta làm mẹ con với Phật đến nay thì nay là lúc ta an vui chưa từng có. Liền cùng Văn-thù đến chỗ Như lai. Đức Thế tôn trông thấy mẹ từ xa đến tướng như núi Tu-di bèn dùng Phạm âm thưa với mẹ rằng: Thân đã trải qua nhiều khổ vui phải nên tu Niết bàn mà dứt hẳn các khổ vui. Ma-da phu nhân bèn lạy xuống mà chuyên tâm chánh niệm, các kiết sử liền tiêu hết. Phật liền nói pháp cho mẹ nghe. Nghe xong thì bà liền biết được Túc mạng gốc lành, phá tan mười tám ức kiết sử, chứng quả Tu-đà-hoàn, liền bạch Phật rằng: Ngục sinh tử bền chắc nay đã chứng giải thoát. Lúc đó, chúng hội nghe xong liền đồng thanh nói rằng: Nguyện tất cả chúng sinh đều được giải thoát. Suốt trong ba tháng Phật ngự ở cõi trời Đao-lợi đều nói pháp lợi ích mọi người. Hết ba tháng thì trở về. Sai Cưu-ma-la xuống Diêm-phù-đề báo tin rằng: Không bao lâu Như lai sẽ nhập Niếtbàn. Lúc đó, chúng sinh nghe tin thì rất buồn khổ bảo rằng: chúng ta không biết Như lai ở đâu, nay ở cung trời Đao-lợi mà nhập Niết bàn, sao khổ như thế. Mắt thế gian sắp nhắm lại rồi. Chúng con thân tội nghiệp nặng nề khó có thể lên trời mà kính thỉnh Như lai mau về với chúng con. Nhờ Tôn giả thỉnh giúp. Bấy giờ, Đức Thế tôn bèn phát ra ánh sáng năm mầu sắc rực rỡ. Lúc đó, trời Đế-thích biết Phật sắp xuống trần, liền khiến quỉ thần làm ba đường thềm báu, đường giữa bằng vàng diêm-phù-đàn, bên trái bằng lưu ly, bên phải bằng mã não, hàng rào chạm khắc rất đẹp đẽ. Phật bảo Ma-da, pháp sinh tử hội họp thì có chia lìa, nay con xuống Diêm-phù-đề không bao lâu sẽ nhập Niết-bàn, Mada khóc lóc nói kệ. Đức Thế tôn từ biệt mẹ bước lên thềm báu, Phạm Thiên cầm lọng, Bốn Thiên Vương đứng hầu hai bên, bốn bộ đại chúng đọc tụng khen ngợi, trời trỗi nhạc vang khắp hư không, đốt hương rải hoa dẫn đường đi trước. Ở Diêm-phù-đề, vua Ba-tư-nặc cùng đại chúng nhóm họp ở thềm báu, cúi đầu đón rước Phật về Kỳ-hoàn ngồi trên tòa sư tử, bốn chúng vui mừng vây quanh.

Tăng Hữu xét thấy: Phật sinh bảy ngày thì mẹ sinh lên trời Đaolợi, ba đời Như lai đều như thế. Ma-da phu nhân do chứa nhóm nhiều nhân lành mà thác hóa thành thánh, cho nên nay đã làm thầy cõi trời mà vẫn uống sữa. Khi sắp nhập Niết-bàn thì càng chí kính muốn báo ân đức mẹ hiền như thế.

 

13. DI MẪU PHẬT THÍCH CA LÀ ĐẠI ÁI ĐẠO NHẬP NÊ HOÀN

(Xuất xứ từ kinh Phật Mẫu Nê-hoàn)

Ở tại tinh xá Vương viên, Tỳ-kheo Ni Đại Ái Đạo là di mẫu của Phật sắp diệt độ bảo rằng: Ta không nỡ thấy đời không có Như lai Vô Sở Trước Chánh Chân Đạo Tối Chánh Giác và các Ứng chân diệt độ nên ta phải dứt thần thức trước mà trở về với bổn vô. Phật là bậc Nhất Thiết Trí thấy rõ các tâm niệm, liền bảo A-nan rằng: Đại Ái Đạo nói ta không nỡ thấy Thế tôn và các Ứng chân Nê-hoàn nên muốn diệt độ trước. A-nan nghe Phật nói thì cúi đầu bạch rằng: Nay con nghe Đức Thế tôn dạy thì tứ chi bủn rủn, tâm trí bị mê mờ, không còn biết tên gọi bốn phương, Phật bảo A-nan: Đại Ái Đạo diệt độ rồi thì cả giới định tuệ giải thoát độ tri kiến chủng, bốn ý chỉ cho đến tám phẩm Đạo hạnh đều bỏ hết chăng? A-nan đáp: thưa không, nhưng Phật sinh ra bảy ngày thì mẹ qua đời, Di mẫu là mẹ đã có ân lớn với Phật. Phật nói: ân nặng mẹ hiền nuôi nấng khó báo đền thì ta đã báo đền rồi, ta cũng có công ân rất nhiều với mẹ như ta chỉ dẫn qui y Tam bảo, do ta mà khổ tập đã dứt, mắt đạo sáng suốt, dứt hết các kiết, được không đắm trước. Nếu người nào làm ngộ được các mê lầm của người ngu, khiến vào chánh chân, khổ tập dứt hết mà được Đạo thì ân to hơn núi Tu-di. Cho nên, này Anan, ân của ta đối với Đại Ái Đạo là vô lượng. Lúc đó, Đại Ái Đạo cùng năm trăm vị Tỳ-kheo ni đến chỗ Phật, lễ Phật và bạch rằng: chúng con không nỡ thấy Phật và các Ứng chân diệt độ nên muốn Nê-hoàn trước. Phật yên lặng chấp thuận. Đại Ái Đạo lấy tay sờ vào chân Phật, đây là lần cuối cùng nhìn thấy Như lai Tối Chánh Giác, từ nay sẽ không còn thấy nữa, năm trăm vị Tỳ-kheo-ni cũng bạch lời từ biệt như trên. Phật cũng chấp thuận. Phật nói pháp cho nghe, rằng thân là hoạn nạn, diệt độ là yên tịnh. Các Tỳ-kheo-ni đều rất vui mừng đi nhiễu Phật ba vòng rồi lui ra. Khi về đến tinh xá thì bày năm trăm chỗ ngồi, mỗi vị đều đến chỗ ngồi. Đại Ái Đạo hiện các thần túc từ chỗ ngồi mà ẩn mất, rồi từ phương Đông đến, ở trên hư không hiện ra mười tám biến, tám phương, trên dưới đều như thế và phát ra ánh sáng rực rỡ chiếu đến những nơi tối tăm và chiếu sáng lên các tầng trời. Năm trăm vị Tỳ-kheo-ni cũng biến hóa như thế, rồi đồng thời cùng Nê-hoàn.

Phật bảo A-nan: Sáng mai ông vào thành, đến nhà Gia-du-lý bảo rằng: Di mẫu và năm trăm Tỳ-kheo-ni lão túc đều đã diệt độ. Phật khuyên Du-da-lý làm năm trăm giường chất đầy hương hoa dầu mè, gỗ thơm và trỗi nhạc để cúng dường. Vì sao? Vì năm trăm Tỳ-kheo-ni đều là bậc sáu thông bốn đạt, được không bất nguyện vô tưởng tịnh định, nay đã Nê-hoàn, được Phật khen ngợi, hễ cúng dường thì được phước vô lượng. A-nan vâng lời. Sáng sớm vào thành đến nhà Da-du-lý bèn hỏi duyên cớ, thì A-nan kể rõ lời Phật. Ưu-bà-tắc nghe báo thì gieo mình xuống đất khóc lóc than rằng: Từ nay tinh xá Duy-gia-lê sẽ trống vắng, đường sá sẽ không còn thấy các Tỳ-kheo-ni đi khất thực nữa, thật là đau đớn. A-nan đáp rằng: Phật nói trời đất tuy lâu dài nhưng cũng có lúc bắt đầu và kết thúc, ba cõi vô thường như huyễn như mộng. Sống thì cầu chẳng chết, hợp thì mong chẳng lìa, nhưng không bao giờ được. Du-da-lý hiểu rõ nên vui mừng. A-nan bèn đến các nhà Phạm Chí đang hội họp nghị luận, bảo rằng: Phật khuyên các hiền giả rằng: Ngày mai năm trăm Tỳ-kheo-ni đều diệt độ. Các Phạm Chí nghe nói đều gieo mình xuống đất màgào khóc. A-nan nói: ba cõi như huyễn đều là vô thường, thân là chỗ chứa nhóm các khổ, chỉ có Nê-hoàn là yên vui. Mọi người đều nghe theo mà sắm đủ đồ lễ tang rồi cùng đến tinh xá. Lúc đó, cửa vườn còn đóng, mọi người muốn vào giảng đường thì có ba nữ Sa-di, một vị đã được quả Bất hoàn, người kế quả Tần lai, người thứ ba là Giảng hạng bảo mọi người rằng: Thầy tôi ngồi thiền, nay được tịch định, cẩn thận chớ làm ồn. Đáp rằng: Thầy đã diệt độ, không phải tịch định đâu. Sa-di-ni nghe xong thì ngất xỉu, giây lâu tỉnh dậy, than rằng: Ai sẽ dạy dỗ chúng con, lời dạy của bậc Thánh đã hết. Mọi người buồn bã bảo Sa-di-ni rằng: Phật đã nói thương yêu gặp gỡ rồi phải xa lìa, chỉ nên lập chí mạnh mẽ chứng được Ứng chân. Làm lễ trà-tỳ xong thì đem xá lợi về chỗ Phật. Phật bảo A-nan: thầy xoay về hướng Đông chắp tay quỉ gối phải, nói rằng: Ai có trực tín trực nghiệp, ba thần sáu trí, Đạo linh đã đủ, đều hãy đến đây. Vì sao? Vì Di mẫu Phật và năm trăm vị Tỳ-kheo-ni đều đã diệt độ, nay ở pháp hội bốn phương đều như thế. Do đó, bốn phương đều có hai trăm năm mươi vị Ứng chân dùng thần túc bay đến lạy Phật. Phật đến chỗ xá-lợi của Đại Ái Đạo thì một ngàn vị Tỳ-kheo đều theo đến tòa. Phật bảo A-nan dùng bát đựng đầy xá lợi quì xuống trao cho Phật. Phật đưa hai tay bưng lấy, bảo các Tỳ-kheo rằng:

Xá-lợi này vốn là thân nhơ nhớp ngu si, dữ dằn ganh ghét, mưu mô làm hư hoại đạo đức. Nay Di mẫu dứt hết xấu nhơ tội ác của người nữ thực hành hạnh người nam mà được Đạo Ứng chân, dời linh vốn không thể mạnh mẽ như thế. Phật bảo các Tỳ-kheo và các Ưu-bà-tắc phải cùng nhau lập miếu cúng dường. Do đó, bốn chúng trời, người, rồng, quỉ nơi nơi đều lập miếu cúng dường các thứ.

Tăng Hữu xét thấy: Di mẫu ân đức sinh ra nên phải long trọng làm lễ trà tỳ để báo đền ân đức mà khuyên răn kẻ vô ân bất hiếu sau này.

 

14. DÒNG HỌ THÍCH CA DIỆT NGHIỆP ĐỜI TRƯỚC

(Xuất xứ từ kinh Trường A-hàm)

Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc mới lên ngôi nghĩ rằng: Ta sẽ lấy một cô gái dòng họ Thích. Rồi bảo một vị đại thần rằng: Người đến thành Catỳ-la đến nhà dòng họ Thích xứng danh ta mà nói: Vua Ba-tư-nặc chúc quí vị an khang, gia đình hưng thạnh vô lượng. Lại bảo ta muốn cưới một cô gái dòng họ Thích để nối dõi tông đường. Nếu ai trái lệnh, ta sẽ dùng binh lực đánh dẹp. Quan Đại thần bèn làm theo lệnh vua. Các người dòng họ Thích nghe tin thì nổi giận bảo ta là dòng họ lớn đâu thể kết thân với kẻ tôi tớ. Mọi người bàn luận có người bảo nên, có người bảo không nên kết thân. Lúc đó, Ma-ha-nam nói với mọi người rằng: Quí vị chớ giận dữ, Ba-tư-nặc là người bạo ác có thể đánh phá nước ta. Để tôi đích thân đến gặp mà xử sự. Lúc đó trong nhà Ma-ha-nam có một gái hầu rất đẹp, bèn trang điểm cực kỳ diễm lệ mà dắt đến vua Batư-nặc bảo là con gái mình để thành thân. Vua Ba-tư-nặc vừa thấy thì bằng lòng bèn phong làm Hoàng hậu. Về sau, sinh một con trai vô cùng khôi ngô không ai bằng. Các thầy tướng tâu vua rằng: Khi cầu hôn các người dòng họ Thích tranh cãi, có người nói không nên kết thân, khiến kia đây chia lìa, nay nên đặt tên là Lưu-ly. Từ đó vua càng yêu thương Lưu-ly. Khi Lưu-ly lên tám tuổi, vua Ba-tư-nặc bảo hãy đến Ca-tỳ-lavệ mà học thuật bắn tên. Rồi sai sứ giả cỡi voi đến ở nhà Ma-ha-nam (ông ngoại) mà học, Ma-ha-nam bèn chọn năm trăm đứa trẻ dòng họ Thích cho cùng theo học. Lúc đó, trong thành Ca-tỳ-la-vệ có xây một giảng đường rất đồ sộ lộng lẫy. Các người họ Thích muốn thỉnh Phật và các Tỳ-kheo tăng đến để cúng dường cầu phước rồi mới ở. Bèn trang hoàng đồ ngồ, cờ phướn, lọng báu, lụa là gấm vóc, rưới nước thơm, xông hương quí đốt đèn đuốc và bày một tòa sư tử rất oai nghiêm dành riêng cho Phật. Lúc đó Thái tử Lưu-ly đến giảng đường thấy tòa sư tử cao đẹp bèn leo lên ngồi. Các người trong dòng họ Thích thấy vậy rất tức giận lôi cổ xuống kéo ra ngoài đánh cho một trận tơi bời, mắng là con nhà hèn hạ sao dám vô phép. Lúc đó, Lưu-ly ngó quanh quất chỉ thấy có một người bạn nhỏ tên Hảo Khổ con của một Phạm Chí cùng theo học bắn cung, thì bảo dòng họ Thích làm nhục ta, khi ta lên ngôi ngươi nên nhắc ta mối thù này. Sau đó, vua Ba-tư-nặc qua đời, bèn truyền ngôi cho Lưu-ly. Lúc đó, Hảo Khổ đến nhắc lại mối nhục xưa. Lưu-ly bèn kéo binh đến nước Ca-tỳ-la-việt. Bấy giờ, có nhiều Tỳ-kheo nghe Lưu-ly đem binh đánh dòng họ Thích bèn bạch lên Đức Thế tôn. Đức Thế tôn bèn đến ngồi kiết già dưới một gốc cây khô không cành lá. Lưu-ly kéo quân đi ngang, bèn xuống ngựa đến hỏi Phật vì sao không ngồi dưới gốc cây có cành lá mà ngồi dưới gốc cây khô, thì Đức Thế tôn bảo nhờ ân đức của thân tộc nên thắng người ngoài. Lưu-ly nghĩ hôm nay vì Đức Thế tôn là thân thích, ta không nên đến đánh, rồi trở về nước. Lúc đó, Hảo khổ lại nhắc lại mối nhục xưa. Vua nổi giận mà kéo binh đến Ca-tỳ-la-vệ nữa. Đại Mục-kiền-liên bạch Phật rằng: Nay vua Lưu-ly muốn đánh dòng họ Thích, con có thể khiến vua Lưu-ly và binh lính rơi vào thế giới khác. Phật hỏi thầy có khả năng đem nghiệp duyên đời trước của dòng họ Thích cho rơi vào thế giới khác hay chăng? Mụcliên đáp không thể. Mục-liên nói con có khả năng dời thành Ca-tỳ-laviệt lên hư không. Phật hỏi thầy có thể dời nghiệp duyên đời trước của dòng họ Thích lên hư không hay chăng? Thì đáp không thể. Mục-liên lại nói: Con có khả năng dùng lồng sắt chụp lên thành Ca-tỳ-la-việt. Phật hỏi: Thầy có thể dùng lồng sắt chụp lên nghiệp duyên đời trước của dòng họ Thích hay chăng? Lại đáp không thể. Phật bảo nghiệp duyên đời trước của dòng họ Thích nay đã chín muồi, nay phải chịu quả báo. Vua Lưu-ly bèn kéo quân đến Ca-tỳ-la-việt. Dòng họ Thích cũng đem quân ứng chiến. Trong vòng một do-tuần quân dòng họ Thích bắn tên phá hư hại cả xe cộ, tòa ngồi, dây cung, áo giáp v.v… nhưng người của quân Lưu-ly không hề hấn gì, thậm chí bắn trúng cả tai, mũi, đầu mà các cơ quan vẫn nguyên vẹn, người vẫn không chết. Vua Lưu-ly lấy làm lạ hỏi tên từ đâu tới. Các quan nói tên của dòng họ Thích cách đây từ một do-tuần bắn đến. Vua nói: Nếu họ có ý hại ta ắt ta chết rồi. Vậy phải kéo quân về Xá-vệ. Phạm Chí Hảo khổ bèn tâu vua rằng: Vua chớ sợ, người dòng họ Thích đều giữ giới, con sâu còn không giết, huống chi là hại người, nay cứ tiến lên đánh phá dòng họ Thích. Vua Lưu-ly tiến lên, dòng họ Thích đều rút vào thành. Vua hét phải mau mở cửa thành ra, nếu không ta giết sạch. Lúc đó có một cậu bé dòng họ thích mới mười lăm tuổi tên là Xá-ma mặc áo giáp cầm gậy một mình tiến ra đánh với vua Lưu-ly. Lúc đó, Xá-ma giết hại nhiều người liền bỏ chạy hò hét bảo nhau rằng: Đó là người trời hay quỉ thần mà, ở xa nhìn như một đứa bé. Vua Lưu-ly sợ quá chui trốn dưới hố đất. Bấy giờ dòng họ Thích bảo Xá-ma rằng: cậu bé kia sao làm nhục chúng ta, há không biết rằng dòng họ Thích chúng ta tu hành, con sâu còn không giết, huống chi là giết người. Chúng ta mỗi người có khả năng chống chỏi cả muôn người, nhưng nghĩ rằng giết người thì chết rồi sẽ bị đọa vào địa ngục, nếu sanh làm người thì phải chết yểu. Cậu đi đi, chớ ở đây. Lúc đó, vua Lưu-ly lại đến cửa thành bảo mở cửa mau chớ chậm trễ. Các người dòng họ Thích bảo nhau ta không nên mở cửa. Bấy giờ ,Ma Ba-tuần hiện ra một người họ Thích bảo mở cửa mau chớ chịu khốn chung như thế. Người dòng họ Thích bèn mở cửa thành. Vua Lưu-ly bảo các quan rằng, người dòng họ Thích rất đông không dao kiếm nào giết hết. Hãy xô chúng xuống đất rồi cho voi dày đạp, các quan y lời làm theo. Vua Lưu-ly lại bảo: Chọn bắt năm trăm gái đẹp cho ta. Các quan y lời làm theo. Lúc đó, Ma-ha-nam đến chỗ vua Lưu-ly bảo rằng: Hãy làm theo lời tôi. Vua hỏi làm gì? Ma-ha-nam nói tôi sẽ lặn xuống nước tùy thời gian lâu mau thì thả người dòng họ Thích chạy đi, cho đến khi tôi trồi lên mặt nước thì lại tiếp tục tùy ý chém giết. Vua Lưu-ly bằng lòng. Ma-ha-nam liền nhảy xuống nước lấy tóc mình buộc vào gốc cây mà chết. Bấy giờ, người dòng họ Thích từ cửa Đông chạy ra thị lại vào cửa Tây, từ cửa Nam chạy ra thì lại vào cửa Bắc. Lát sau, Lưu-ly nói sao Ma-ha-nam ở lâu dưới nước thế, bèn cho người xuống tìm thì thấy đã chết. Vua bỗng hối hận bảo ông ngoại ta đã chết vì yêu dòng họ. Nếu biết vậy, ta không bao giờ đánh dòng họ Thích. Kể ra, vua Lưu-ly đã giết hại chín ngàn chín trăm chín mươi chín muôn người, máu chảy thành sông. Rồi đốt thành Ca-tỳ-la-việt mà đến vườn Ni-câu-lưu. Lúc đó, vua Lưu-ly bảo năm trăm cô gái dòng họ Thích rằng: Các nàng chớ buồn lo, ta là chồng của các nàng, các nàng là vợ ta. Bấy giờ, vua Lưuly bắt ra một nàng. Nàng hỏi muốn làm gì ta. Vua nói muốn giao tình. Nàng bảo nay ta làm sao có thể cùng kẻ do tôi tớ sinh ra mà giao tình được ư? Vua nổi giận ra lệnh chặt hết tay chân rồi vất xuống hầm sâu. Các nàng kia cũng đều mắng nhiếc như thế va đều bị hình phạt như thế.

Vua Lưu-ly phá thành Ca-tỳ-la-việt xong thì trở về Xá-vệ. Bấy giờ, Thái tử Kỳ-đà vào cung sâu đùa vui với các kỹ nữ. Vua nghe tiếng nhạc bèn sai người hầu quay voi về, còn vua một mình đến chỗ Thái tử. Đến nơi, người giữ cửa tâu vua rằng: Vua đi nhẹ nhẹ chớ quấy rối, Thái tử đang ở trong cung đùa vui. Vua bèn rút kiếm giết chết người giữ cửa.

Thái tử Kỳ-đà liền ra gặp vua. Vua hỏi: Chẳng lẽ con không biết ta đánh nhau với dòng họ Thích? Kỳ-đà thưa con có nghe. Vua hỏi: sao vẫn ở trong cung vui chơi mà không đi giúp ta? Thái tử Kỳ-đà đáp: Vì con không thể giết người. Vua liền rút kiếm giết chết Kỳ-đà. Khi ấy, Đức Thế tôn dùng mắt trời thấy Kỳ-đà chết rồi được sinh lên tấng trời ba mươi ba. Lúc đó, năm trăm cô gái dòng họ Thích bảo nhau: Như lai ở nơi này xuất gia học Đạo mà sau thành Phật, nay bị khổ này sao Thế tôn không nhớ. Đức Thế tôn do tai trời mà nghe rõ lời oán trách của các cô gái. Bèn dẫn các Tỳ-kheo đến Ca-tỳ-la-việt. Năm trăm cô gái thấy Thế tôn và các thầy Tỳ-kheo đến thì rất hổ thẹn. Bấy giờ, Thích-đềhoàn-nhân bèn dùng áo trời phủ lên người các cô gái, thiên vương Tỳ Sa-môn thì đem cơm trời cho các cô gái ăn đều no đủ. Đức Thế tôn bèn nói pháp mầu nhiệm: khổ tập hết thì Đạo hết. Bấy giờ các cô dứt sạch bụi nhỏ mà được mắt pháp thanh tịnh, đều ở đấy mà qua đời và đều được sinh lên cõi trời.

Bấy giờ, Đức Thế tôn đến cửa thành Đông thì thấy trong thành bị lửa khói thiêu rụi trống không, bèn đến ngồi trong vườn Ni-câu-lưu bảo các Tỳ-kheo rằng: xưa Ta ở đây nói pháp cho các Tỳ-kheo nghe mà nay trống vắng chẳng có ai. Sau này, Như lai sẽ không đến đây nữa. Rồi đứng dậy đi về vườn Kỳ thọ cấp-cô-độc ở nước Xá-vệ, bảo các Tỳ-kheo rằng: bảy ngày nữa vua Lưu-ly và quân lính đều sẽ chết. Vua Lưu-ly nghe nói thì sợ hãi bảo các quan rằng: Như lai nói ta bảy ngày nữa cùng quân lính đều chết. Các ông hãy xem ngoài nước không có giặc cướp, cũng không có tai ương nước lửa đe dọa, vậy là sao. Như lai không nói hai lời. Bấy giờ, Phạm Chí Hảo Khổ tâu vua chớ lo sợ. Ngày nay ngoài nước trong thành đều không có giặc giã, cũng không có nạn nước lửa đe dọa, nay vua hãy vui chơi thỏa thích. Vua nói Phạm Chí nên biết Phật không nói sai lời. Vua sai người đếm ngày, thì đã qua ngày thứ nhất vua rất mừng, dẫn binh lính và các thể nữ đến bờ sông A-chỉ-la dạo chơi. Bỗng mây đen sấm sét nổi lên, gió bão mưa dữ kẻo đến. Lúc đó, vua Lưu-ly và binh lính đều bị nước cuốn trôi mà chết hết. Chết rồi bị đọa vào địa ngục A-tỳ. Lại có lửa trời cháy tan cung điện. Bấy giờ, Đức Thế tôn dùng mắt trời thấy vua Lưu-ly và bốn binh chủng đều chết và đều đọa địa ngục. Các Tỳ-kheo bạch rằng: dòng họ Thích đã gây ra nhân duyên gì mà nay phải bị vua Lưu-ly giết hại như thế? Phật bảo thuở xa xưa trong thành La-duyệt có một làng bắt cá, lúc đó nhằm đời đói kém, người phải ăn rau cỏ, một đấu gạo đổi một đấu vàng. Làng ấy có hồ lớn lại có nhiều cá. Lúc đó, người dân trong làng La-duyệt đến hồ bắt cá.

Lúc ấy, trong nước có hai con cá, một con tên là Câu-tỏa, hai tên là Đathiệt. Chúng bảo nhau rằng chúng ta ở đây chẳng có lỗi lầm gì, chúng ta tánh ở nước không ở trên đất khô, loài người đều đến đây bắt ăn. Nếu người đời trước có ít phước đức thì sẽ theo báo oán. Lúc ấy, trong làng có một cậu bé tám tuổi không bắt cá, cũng chẳng giết hại sinh mạng, nhưng lại lượm cá ở trên bờ. Đứa bé thấy cá thì rất vui mừng. Các Tỳkheo nên biết, lúc đó trong số người dân của thành La-duyệt đâu phải ai khác, chính là những người trong dòng họ Thích, còn con cá Câu-tỏa nay chính là vua Lưu-ly, con Đa-thiệt nay là Hảo khổ, đứa bé thấy cá mà mừng vui nay chính là ta. Các người dòng họ Thích vì bắt cá ăn nên vô số kiếp bị khổ ở địa ngục, nay phải chịu báo này. Còn ta thấy cá mà vui nên nay đầu bị đau nhức giống như bị đá đè, cũng như đầu đội núi Tu-di. Vì sao Như lai không bị các hình phạt? vì Như lai đã bỏ các hành nên vượt qua các ách nạn. Do nhân duyên ấy mà dòng họ Thích phải bị quả báo vậy.

-Tăng Hữu xét thấy: Đại thánh nói kinh có Ức Dương Trừng Khuyến, Phàm bậc Chánh giác thì muôn lụy đều dứt đã lâu, lạy nhiều kiếp mà bày dư bào, để nói lên việc dòng họ Thích bị giết không phải tự sức mình mà khỏi được. Đây thật là giới sâu về giới cấm sát sinh. Cẩn thận với quy luật rõ ràng về nghề nghiệp.

 

15. EM HỌ CỦA PHẬT LÀ ĐIỀU ĐẠT XUẤT GIA

(Xuất xứ từ kinh Trung Bản Khởi)

Khi Nhà vua đến chỗ Phật, thấy có ngàn người thuộc nhóm Cadiếp, thân thể xấu xí thì tâm rất bất bình. Các thầy Tỳ-kheo này chỉ cần tâm tánh chuyên mà không nghĩ biểu hiện về dung mạo bên ngoài, vua muốn khuyên các tông thất ưa thích vô vi (đi xuất gia) nên khiến các Tỳ-kheo chọn những người có hình dung đẹp đẽ ăn mặc ngay ngắn. Rồi ra lịnh cho các tông thất hôm sau hội họp ở điện. Vua bào các tông thất rằng: Thầy tướng đoán nếu Phật không xuất gia thì sẽ làm vua, thống lãnh khắp bốn phương thiên hạ, kẻ hầu hạ thảy đều xinh đẹp. Nay các đệ tử Phật có một số người không xinh đẹp lắm. Vậy muốn phù hợp với

Đạo tôn thì nghi dung phải đầy đủ, để tăng thêm tăng số và làm oai vệ Thế tôn. Tất cả tôn thất đều tán thành và vâng lịnh, hẹn bảy ngày nữa sẽ thi hành (làm lễ xuất gia). Điều-đạt liền bảo các hành giả (người cùng đi) rằng: Bọn ta là đệ tử Phật, vốn là hàng vương tộc, nay bỏ đời vinh hoa mà xuất gia tu đạo, phải sửa sang y phục cực kỳ đẹp đè, dùng ngựa voi, xe cộ giá trị ngàn vàng. Đến ngày thi hành lịnh trên (làm lễ xuất gia) người ra xem đầy đường, bỗng khăn mão của Điều-đạt tự nhiên rơi xuống đất, các voi ngựa đều té nằm ngổn ngang kêu hý inh ỏi. Thầy tướng xem quẻ đoán rằng: Mọi người đều đắc đạo chỉ có một người không tốt. Rồi cùng đến chỗ Phật xin làm Sa-môn, hàng phục cang cường, đều rất vui vẻ. Điều-đạt cũng có tên là ¬Đề-bà-đạt-đa, Hán dịch là Thiên nhiệt, vì khi lúc sinh ông thì tâm trời người đều kinh hãi, nóng nảy bứt rứt, do đó mà đặt tên ấy.

Kinh Tăng Nhất A-hàm nói: Đề-bà-đạt-đa bạch Phật xin xuất gia tu Đạo. Phật nói: ông nên ở tại gia mà lo bố thí, làm Sa-môn thật chẳng phải dễ, cả ba lần thưa xin Phật đều bảo không nên xuất gia, vì vậy Đềbà-đạt-đa sinh thù hận nghĩ rằng: Sa-môn này có tâm ganh ghét, ta phải tự cạo đầu mà khéo tu phạm hạnh, đâu cần làm Sa-môn. Đề-bà-đạt-đa sau phạm tội năm nghịch có tâm ác muốn đến hại Như lai. Vừa bước chân xuống thì đất có lửa lớn, gió mạnh nổi lên đốt cháy Đề-bà-đạt-đa, ông ấy hối lỗi niệm Nam-mô Phật, nhưng không thật sự rốt ráo nên khi vừa niệm thì liền bị rơi vào địa ngục. A-nan buồn thương hỏi Phật rằng Đề-bà-đạt-đa phải ở trong địa ngục bao lâu? Phật nói: phải trải qua một Đại kiếp, sau đó sinh lên cõi trời Tứ Thiên Vương, rồi lần lượt sinh lên Trời Tha Hóa Tự Tại trải sáu mươi kiếp không bị đọa vào ba đường ác, thân cuối cùng được làm Bích-chi-phật tên là Nam-mô, vì khi chết miệng xưng niệm Nam-mô. Lúc đó, Đại Mục-kiền-liên thưa con muốn xuống địa ngục A-tỳ để an ủi Đề-bà-đạt-đa. Phật nói: Người tội ở địa ngục A-tỳ không hiểu tiếng người nhân gian. Mục-liên thưa: con dùng sáu mươi bốn thứ tiếng mà nói với người ở đấy. Phút chốc Mục-liên từ trên hư không xuống đến địa ngục A-tỳ, hỏi Đề-bà-đạt-đa ở đâu? Ngục tốt hỏi: Ở đây có Đề-bà-đạt-đa thời Phật Câu-lưu-tôn, thời Phật Ca-diếp,… vậy Ngài muốn hỏi người nào? Mục-liên nói tôi tìm Đề-bàđạt-đa là em chú bác với Phật Thích-ca. Ngục tốt đang khều than đốt thân thì khiến Đề-bà-đạt-la tỉnh dậy, bảo: “Ngó lên trời đi” thì Đềbà-đạt-đa thấy Mục-liên đang ngồi trên hoa sen báu, bèn hỏi rằng: vì sao Tôn giả đến đây? Mục-liên nói: Phật bảo vì ông muốn hại Thế tôn nên phải bị đọa vào địa ngục A-tỳ, cuối cùng được thành Bích-chi-phật hiệu là Nam-mô. Nghe xong, thì Đề-bà-đạt-đa vui mừng bảo: nay Tôi nằm nghiêng bên hông phải trong địa ngục A-tỳ suốt một kiếp, không hề mệt mỏi. Mục-liên hỏi có đau đớn khổ sở lắm không? Đề-bà-đạt-đa đáp: Tôi bị xe sắt nóng nghiền nát thân, lại bị chày sắt gõ đập, có voi đen hung dữ chà đạp thân, lại có núi lửa đè lên mặt. Áo ca-sa xưa nay biến thành lá sắt nóng thường đốt cháy. Nay nhờ Ngài nói tôi kính lạy Thế tôn, lạy Tôn giả A-nan. Mục-liên bèn bay về chỗ Thế Tôn. Luận Đại Trí Độ nói: Đề-bà-đạt-đa chê bai Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, chết rồi bị đọa vào ngục hoa sen, tức là Cù-hòa-ly¬.

Tăng Hữu xét thấy: Đề-bà-đạt-đa đã nhiều kiếp hiện làm thân thích với Phật mà kết oán thù, đâu phải để nêu rõ thiện ác ảnh hưởng đến Bí giáo ư? Cho nên kinh nói: Nếu nói Đề-bà-đạt-đa gây ra năm tội nghịch mà đọa địa ngục A-tỳ thì không có việc đó. Đây là cảnh giới của Chư Phật, hàng Nhị thừa không thể nào đoán biết được.

 

16. VIỆC EM HỌ CỦA PHẬT LÀ A NA LUẬT BẠT ĐỀ XUẤT GIA

(Xuất xứ từ kinh Luật-đàm-vô-đức)

Có hai anh em dòng họ Thích, một người tên Ma-ha-nam, người kia tên A-na-luật. Mẹ A-na-luật rất thương con, thương không xa rời, bà làm điện ba mùa và cung cấp đầy thể nữ. Ma-ha-nam nói dòng họ Thích có nhiều người xuất gia chỉ có nhà ta là không có. Anh lo việc nhà thì em phải xuất gia, nếu không em lo việc nhà còn anh thì xuất gia. A-na-luật cho việc nhà là phiền phức bèn xin xuất gia. Đến chỗ mẹ ba lần xin cho xuất gia đều không được, bà dùng mọi cách mà bác bỏ, bảo dòng họ Thích có Bạt-đề, nếu mẹ nó cho nó xuất gia thì ta cho. Na-luật bèn tìm đến Bạt-đề, tìm đủ mọi cách thuyết phục nói: nay Ta xuất gia được hay không chỉ do một mình ông. Bạt-đề bèn về xin mẹ xuất gia. Bà mẹ cũng nói khi nào mẹ Na-luật cho nó xuất gia thì ta cho. Mãi đến bảy năm hưởng các vui năm dục rồi mới xuất gia. Na-luật nói: Mạng người vô thường khó thể giữ gìn, không nên nấn ná, rồi hẹn nhau một năm sau, cho đến bảy ngày thì Na-luật chịu. Tới ngày hẹn thì tám người dòng họ Thích, cả Ưu-ba-ly là thứ chín đều ăn mặc đẹp đẽ ngồi xe voi ngựa báu mà ra khỏi thành Ca-tỳ-la-vệ. Rồi cùng cởi y phục báu và voi ngựa mà trao cho Ưu-ba-ly đem về dùng, còn bọn ta đi xuất gia. Sau đó Ưu-ba-ly cũng muốn xuất gia bèn treo y phục báu ấy trên cành cây, có ai đến lấy thì cho. Rồi đến chỗ Phật thưa rằng: Cha mẹ con đã cho xuất gia, xin Phật độ con trước vì để dứt trừ tâm kiêu mạn. Bấy giờ, Đức Thế tôn độ cho sáu người: Ưu-ba-ly trước, kế độ cho Na-luật rồi Bạt-đề, Nan-đề, Kim-tỳ-la, Nan-đà, v.v… Ưu-ba-ly thọ đại giới trước làm Thượng tọa. Lúc đó, có Thượng tọa Tỳ-la-trà độ riêng A-nan-đà, kế đến Bạt-nan-đà và Điều-đạt. Bấy giờ, bạt-đề một mình dưới cây trong bãi tha ma, suy nghĩ đến hơn nửa đêm, lớn tiếng nói vui quá. Các Tỳ-kheo bạch Phật, Phật gọi Bạt-đề hỏi lý do. Bạt-đề nói: Lúc con còn ở tại gia lúc nào cũng có người cầm dao gậy theo hộ vệ khiến con luôn sợ sệt, âu lo. Nay ngồi giữa bãi tha ma một mình không sợ sệt, con nghĩ cái vui xuất ly nên nói vui quá. Phật khen tốt lắm!

Tăng Hữu xét thấy: Thấy người thế tục chấp mắc khó mở mà pháp duyên thì dễ cảm, đạo Thích và ngoại đạo khắc ý thật sâu, cho nên lúc đầu đều lấp mà sau thì cả hai cùng mở. Hễ khổ bức không sinh thì gọi là rất vui, trong rừng mà kêu lên thì đâu phải thích ở ngoài.

 

17 EM HỌ CỦA PHẬT LÀ TÔN ĐÀ LA NAN ĐÀ XUẤT GIA

(Xuất xứ từ kinh Phổ Diệu)

Khi Phật ngự trong vườn Ni-câu-loại nước Ca-duy-la-việt cùng thị giả A-nan vào thành khất thực, Nan-đà ở trên lầu cao nhìn thấy liền xuống đến bên Phật hỏi rằng: Phật vốn dòng họ Chuyển Luân sao lại chịu nhục mà ôm bát khất thực. Bèn đỡ lấy bát của Phật đi vào nhà múc đầy thức ăn ngon quí. Phật bảo: A-nan khi Nan-đà đem bát ra chớ nhận, bảo phải tự mình đem bát đến Như lai. Rồi Phật về trước. Khi Nan-đà đem bát ra thì phải làm theo. Người vợ ra bảo Nan-đà hãy mau trở lại. Nan-đà vừa đến chỗ Phật thì vợ lại sai người thúc dục trở về vì sợ Nanđà xuất gia. Nan-đà gặp Phật hai tay dâng bát: Xin Phật nhận cho, con phải trở về. Phật bảo: Ông đã đến đây rồi thì phải cạo bỏ râu tóc mặc ba pháp y, sao lại về. Rồi dùng thần lực ép Nan-đà phải cạo tóc xuất gia nhốt trong tịnh thất. Một thời gian sau thì phân công làm việc chùa. Nan-đà tự nghĩ khi nào rảnh thì chạy trốn về nhà. Bấy giờ, Nan-đà làm các việc đều tươm tất, nhưng có thiên thần theo giữ ngầm, khiến cho hễ xách nước đầy lu thì lại lưng, vừa quét dọn sạch cỏ thì cỏ lại mọc, vừa đóng cửa xong thì cửa lại tự mở v.v… tự nghĩ nhà ta có nhiều tiền của nếu có mất mát gì thì sẽ bồi thường. Rồi bỏ ngang theo đường nhỏ trốn về nhà, nếu đi đường lớn sẽ gặp Phật. Đi được một lúc thì bỗng gặp Như lai, bèn chạy núp sau cây lớn. Phật dùng thần lực khiến cây bay lên không. Nan-đà bèn nhảy xuống hố sâu mà trốn. Phật tìm đến hỏi vì sao ở dưới hố, thì xấu hổ làm thinh. Phật ba lần hỏi ông muốn đi đâu thì đáp: Con muốn về nhà gặp vợ, Phật nói vợ ông có nhiều dục tâm, không sợ tai họa đời sau thân bị thiêu đốt hay sao? Ta nay dẫn ông lên cõi trời dạo xem chớ sợ. Rồi dùng thần lực đưa Nan-đà lên cõi trời. Đến một cung điện rất trang nghiêm nhiều của báu, lại có rất đông ngọc nữ đẹp đẽ mà đều không có chồng. Nan-đà hỏi Phật đây là cung trời nào mà có nhiều thứ vui chơi, xưa nay chưa từng thấy lại không có đàn ông như thế? Phật bảo đến hỏi xem, Nan-đà đến hỏi thì các tiên nữ bảo: Ông không biết sao? ở nước Ca-duy-la-việt có Nan-đà là em của Phật, sau sẽ sinh lên đây làm chồng chúng tôi. Nan-đà nghe xong thì thích quá, bèn kể lại với Phật. Phật bảo ông phải mau tu phạm hạnh chẳng bao lâu sẽ sinh lên đó mà hưởng phước trời. Đức Thế tôn lại dùng thần lực dẫn Nan-đà xuống địa ngục, trên đường đi vào núi Thiết-vi thì gặp một con khỉ cái. Phật hỏi Nan-đà: vợ ông là Tô-đà-lợi sao giống khỉ như thế? Nan-đà bảo chớ nói thế, vợ con đẹp nhất trong số người nữ, hơn họ gấp trăm ngàn vạn lần. Phật nói: Các thiên nữ cũng đẹp hơn Tôn-đàlợi gấp trăm ngàn muôn lần. Phật dẫn Nan-đà đi sâu vào các ngục thấy các đau khổ. Có một vạc dầu lớn, ngục tốt vây quanh dầu sôi sùng sục không thấy có ai trong đó. Nan-đà hỏi Phật sao không thấy người tội? Phật bảo: Ông tự hỏi xem, Nan-đà liền đến hỏi thì ngục tốt đáp ở cõi Diêm-phù-lợi có con vua chân tịnh ược thành Phật Đạo, lại có em họ là con vua Cam-lộ tên là Nan-đà là người buông lung dâm dục, tự cậy giàu có khinh chê mọi người, chết rồi sẽ đọa vào vạc dầu sôi này. Nghe xong thì Nan-đà thất kinh hồn vía chạy mau đến Phật xin cứu hộ cho mau ra khỏi địa ngục. Phật nhân đó lần lượt nói các pháp mầu nhiệm vô vi an ổn.

Kinh Tạp Bảo Tạng nói: Phật ở nước Ca-tỳ-la-vệ vào thành khất thực đến nhà Nan-đà, gặp lúc Nan-đà đang trang điểm chỗ giữa hai đầu chân mày cho vợ, nghe Phật đến muốn ra ngoài gặp Phật. Vợ nói: Tôi cũng muốn ra ngoài gặp Như lai nhưng chấm điểm trên trán chưa khô, vậy hãy ra gặp rồi vào. Nan-đà ra gặp Phật, ôm lấy bát Phật đem vào nhà múc đầy thức ăn ngon rồi đem ra dâng Phật. Nhưng Phật không nhận, đưa A-nan cũng từ chối. A-nan nói: Ông nhận bát ai thì trả người ấy. Rồi cùng Phật trở về trước. Nan-đà phải ôm bát đi theo Phật đến tinh xá Ni-câu-lâu. Phật bảo thợ cạo râu tóc cho Nan-đà, Nan-đà không chịu đòi đánh. Người thợ không dám, Phật và A-nan bèn cạo bỏ râu tóc cho. Tuy đã cạo tóc nhưng vẫn thường muốn về nhà. Phật thường dắt đi mà chẳng dám cãi. Một hôm, ở lại một mình định trốn về nhà. Phật và chúng Tăng đi rồi liền nghĩ phải xách nước đầy lu để Phật về tắm. Nhưng đổ đầy thì lại lưng, nhiều lần như thế liền bỏ ngang, định chạy ra đóng các cửa rồi về. Nhưng đóng cửa này thì cửa kia mở ra, đóng hoài vẫn không được. Liền nghĩ nhà ta giàu có nếu có mất mát thì đủ sức bồi thường đâu có sao. Rồi lén theo đường nhỏ mà trốn về nhà, nghĩ rằng ra đi đường lớn sẽ gặp Phật. Đi một hồi bỗng gặp Phật trở về. Liền chạy đến núp dưới một gốc cây to. Phật dùng thần lực thì cây bay lên hư không lộ nguyên hình Nan-đà đứng đó. Phật bèn dẫn về hỏi rằng ông nhớ vợ phải không? Đáp: nhớ lắm. Phật lại dẫn Nan-đà lên núi A-naba thì gặp một con khỉ cái già. Phật liền hỏi vợ ông là Tôn-đà-lợi sao mặt mũi giống con khỉ nầy như thế? Nan-đà nói: Không, không, vợ đệ tử đẹp nhất trần gian, đâu có xấu xí thế này. Phật lại dẫn Nan-đà lên cung trời Đao-lợi, đi xem các cung trời thì thấy các vị trời và thiên nữ đùa vui. Lại thấy có một cung có năm trăm thiên nữ đẹp đẽ vô cùng mà không có Thiên tử. Bèn đến hỏi Phật. Phật bảo tự đến hỏi xem. Nan-đà đến hỏi thì đáp ở Diêm-phù-đề có em Phật là Nan-đà, Phật ép đi xuất gia nên chết rồi sẽ sinh lên đây mà làm chồng chúng em. Nan-đà liền muốn ở lại cõi trời nầy luôn. Các thiện nữ nói chúng em là trời, chàng là người, phải chết rồi mới sinh lên đây ở được. Liền bạch lại với Phật, Phật hỏi vợ ông đẹp hơn các thiên nữ ở cõi trời này chăng? Nan-đà đáp vợ con so với các thiên nữ này thì như con khỉ mà so với vợ con thôi. Phật bèn dẫn Nan-đà trở về Diêm-phù-đề, bảo rằng Nan-đà muốn sinh lên trời thì phải siêng năng tu trì giới luật. Khi ấy, A-nan nói kệ rằng:

Như dê thiến đấu nhau
Phải bỏ các việc trước
Nếu ông muốn giữ giới
Việc cũng phải như thế.

Phật lại dẫn Nan-đà xuống địa ngục, thấy các vạc dầu đều có nấu người, chỉ có một vạc dầu sôi để trống, bèn hỏi Phật. Phật nói ông hãy đến hỏi xem. Đến hỏi thì các ngục tốt nói: Vạc dầu này để trống vì ở cõi Diêm-phù-đề có em Phật là Nan-đà, nếu xuất gia công đức sẽ được sinh lên cõi trời nếu vì dâm dục mà bỏ Đạo thì chết rồi phải đọa xuống địa ngục này mà bị nấu trong vạc đó. Nan-đà nghe nói toàn thân nổi ốc, sắc mặt biến đổi, đến chỗ Thế tôn bạch rằng: bạch Đức Thế tôn, Thế tôn là Đại sư Đại hộ của ba cõi, nay con thấy cảnh tượng nầy quá ghê sợ, muốn lìa địa ngục, xin nói cho con nghe về nê-hoàn. Phật nhân đó mà lần lượt nói pháp mầu cho nghe, chỉ trong bảy ngày thì chứng A-la-hán. Các Tỳ-kheo vui mừng nói rằng: Thế Tôn ra đời có rất nhiều đặc biệt. Phật nói không phải chỉ ngày nay mà từ thời quá khứ xa xưa cũng như thế. Các Tỳ-kheo hỏi quá khứ cũng thế, việc ấy thế nào xin Phật kể rõ. Phật nói thuở xưa vua nước Ca-thi tên là Mãn-diên. Ở nước Tỷ-đề-hy có một dâm nữ đẹp lạ lùng, lúc đó hai nước thường oán ghét nhau. Lúc đó có nịnh thần đến vua Ca-thy khen nói ở nước kia có một dâm nữ đẹp lạ lùng trên đời ít có, vua nghe liền mê mệt. Bèn sai Sứ đến đòi nhưng nước kia không cho. Lại sai Sứ nói cho gặp nhau bốn, năm ngày thì sẽ

trả lại. Bấy giờ, vua nước kia gọi dâm nữ đến bảo: Ngươi trang điểm cho thật lộng lẫy, lại học các nghề khéo khiến cho vua Ca-thy phải mê mệt, phút chốc sẽ không rời ngươi. Rồi cho mượn bốn, năm ngày. Sau lại nói có cúng tế lớn cần người nữ ấy về. Khi cúng tế xong thì sai Sứ đến đòi, vua ấy nói ngày mai sẽ đến. Rồi lần lựa hẹn mãi. Vua đã đắm mê cùng cực định dẫn vài người cùng đến nước ấy. Các quan đều can ngăn mà không nghe. Lúc đó trong núi tiên có một con khỉ đấu đàn thông minh nhưng vợ chết bèn lấy một con khỉ cái khác. Bầy khỉ đều giận ghét bảo con khỉ cái ấy là của chung sao lấy làm vợ riêng. Bấy giờ khỉ đầu đàn dắt khỉ cái đến nước Ca-thy vào chỗ vua ở. Bầy khỉ bèn đuổi theo tìm kiếm lật ngói phá tường, phá phách đủ thứ không thể ngăn được. Vua Ca-thy nói với khỉ đầu đàn rằng: Sao không trả khỉ cái cho bầy khỉ. Khỉ đầu đàn nói vợ tôi đã chết, nay tôi không vợ, sao lại bảo tôi trả. Vua nói nay bầy khỉ phá loạn nước ta, chẳng trả sao được? Khỉ đầu đàn nói việc này không tốt chăng? Vua đáp không tốt. Cả ba lần đều nói là không tốt. Khỉ đầu đàn nói ở trong cung của Ngài có tám vạn bốn ngàn người nữ sao Ngài không yêu thích lại muốn một dâm nữ ở nước thù địch. Nay tôi không có vợ, lại chỉ có con khỉ cái này sao Ngài cho là không tốt. Mọi người đều nhìn ông mà sống, sao vì một dâm nữ mà bỏ đi? Ngài nên biết việc dâm dục vui ít khổ nhiều, như cầm đuốc đi ngược gió, người ngu không bỏ phải bị cháy tay. Dục là bất tịnh như đống cứt đái, dục hiện bên ngoài da mỏng bao bọc, dục như rắn độc trong phân, dục như giặc cướp giả làm người thân, dục như thiếu nợ phải trả, dục thật đáng ghét như nhà xí mọc hoa, dục như phong cùi hơ lửa càng gãi càng ngứa dữ, dục như cho gân xương khô, nước miếng với đàm mà bảo là ngon, môi răng hư hết mà không chán. Dục như người khát uống nước muối, càng uống càng khát. Dục như cục thịt các chim giành nhau mổ, dục như cá thú tham mồi, gây nạn lớn chết chóc. Khỉ đầu đàn lúc ấy nay là ta, còn vua Ca-thy lúc ấy nay là Nan-đà, dâm nữ lúc ấy nay là Tôn-đà-lợi. Lúc ấy ta ở trong bùn nhơ mà cứu Nan-đà ra khỏi, nay cũng cứu Nan-đà ra khỏi khổ sinh tử.

 

18. CON CỦA ĐỨC THÍCH CA LÀ LA VÂN XUẤT GIA

(Xuất xứ trong kinh Vị Tằng Hữu)

Bấy giờ, Đức Thế tôn bảo Mục-liên rằng: Thầy hãy đến thành Ca-tỳ-la mà thăm hỏi cha ta là vua Duyệt-đầu-đàn và Di mẫu ta là Baxà-ba-đề và chú ta là vua Hộc Phạn, v.v… lại an ủi mẹ của La-hầu-la-là Gia-du-đà-la, để nàng dứt yêu thương mà cho La-hầu-la xuất gia làm Sa-di, tu tập Thánh đạo. Vì sao? vì mẹ yêu thương chỉ vui chốc lát mà chết rồi phải đọa địa ngục, mẹ và con chẳng còn biết nhau, mịt mù chia lìa nhau, chịu nhiều đau khổ, sau có hối cũng không kịp. La-hầu-la được đạo rồi thì trở về độ mẹ mà cắt dứt hẳn gốc rễ sinh già bệnh chết, được quả A-la-hán như ta ngày nay. Mục-liên vâng lệnh liền đến ngay chỗ vua Tịnh Phạn nước Ca-tỳ-la, hết lòng hỏi thăm Đức vua, chú là vua Hộc Phạn và Di mẫu Ba-xà-ba-đề lúc ấy Gia-du-đà-la nghe Phật sai Sứ về đến chỗ vua chưa biết ý thế nào, bèn sai người hầu đến thăm dò tin tức. Hồi lâu về báo Thế tôn sai sứ về độ La-hầu-la làm Sa-di. Nghe nói xong Da-du-đà-la liền dắt La-hầu-la lên lầu cao, sai giám quan đóng cửa lại thật chắc. Bấy giờ, Mục-liên đến cung vua thì không vào được vì chẳng gặp ai, bèn dùng thần thông bay lên lầu cao đến trước mặt Gia-du-đà-la. Nàng bất đắc dĩ phải mời ngồi và hỏi Mục-liên rằng: Thế tôn vẫn bình yên và việc giáo hóa chúng sinh vẫn không khó khăn nhọc mệt phải chăng, Đức Thế tôn sai Tôn giả đến đây có việc chi? Mục-liên nói: Thái tử La-hầu-la nay đã chín tuổi nên cho xuất gia để tu học Thánh đạo. Vì sao? vì mẹ con yêu thương nhau lúc nhỏ như ý nhưng một khi chết rồi thì phải đọa vào ba đường ác, yêu thương phải chia lìa mịt mờ mẹ chẳng biết con, con không biết mẹ. La-hầu-la được đạo rồi sẽ trở về độ mẹ dứt hẳn cội gốc sinh già bệnh chết, được Niết bàn như Phật ngày nay. Gia-du-đà-la đáp rằng: Đức Thích-ca Như lai khi còn làm Thái tử cưới tôi làm vợ, tôi hầu hạ Thái tử như thờ thiên thần, tôi chưa từng có một lỗi lầm nào, làm vợ chồng chưa đầy ba năm thì bỏ vui năm dục vượt thành vào chốn rừng sâu, vua đích thân đến đón trái lệnh chẳng theo, sai Xa-nặc dắt ngựa trắng trở về, thề mình thành Đạo mới trở về, rồi mặc áo da nai như kẻ điên khùng, ẩn dật chốn núi rừng, siêng năng khổ nhọc sáu năm mới thành Phật mà trở về nước. Đều chẳng thấy người thân, bỗng quên ân cũ xem như người lạ, để mẹ con tôi côi cút một mình. Nay lại sai người về bắt con tôi về với người, tàn khốc nào bằng: Thái tử thành đạo rồi tự nói là từ bi. Đạo Từ bi phải đem an vui cho chúng sinh, nay lại chia rẽ tình mẹ con còn khổ nào hơn, suy ra thì khác nào khổ yêu thương mà phải chia lìa. Nay lại chia rẽ mẹ con thì còn từ bi gì nữa, Ngài hãy đem lời tôi vừa rồi mà trình bày với Phật. Bấy giờ, Đại Mục-kiền-liên dùng đủ mọi cách khuyên can giải thích để Gia-du-đà-la hiểu nhưng nàng dứt khoát không nghe, đành phải từ biệt lui về chỗ vua Tịnh Phạn, trình bày mọi việc cho vua nghe. Vua bèn bảo bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề rằng: Con ta Tất-đạt sai Mục-liên đến đón La-vân về cho vào đạo tu học thánh pháp nhưng Gia-du-đà-la là người ngu si chưa hiểu pháp yếu, tâm ý bền chắc ôm chặt tình ân ái không buông. Khanh nên trở về khuyên can khiến tâm cô ấy ngộ ra. Khi ấy, Di mẫu Phật bèn cùng năm trăm gái hầu tức tốc về cung, ba lần khuyên căn nhưng Gia-du-đà-la vẫn không nghe, thưa rằng: Khi con còn ở nhà, tám vị vua đến tranh cưới nhưng cha mẹ con không chịu. Vì sao? vì Thái tử Thích-ca tài giỏi hơn người nên cha mẹ con gả con cho Thái tử, khi ấy biết mình xuất gia học Đạo sao lại còn cưới con lập làm vương phi, cùng hưởng hoan lạc và nối dõi tông đường làm gì? Thái tử đi rồi sao lại còn bắt La-hầu cho xuất gia học Đạo làm dứt tuyệt dòng vua thì còn nghĩa lý gì? Di mẫu nghe xong thì nín thinh chẳng biết trả lời ra sao. Bấy giờ, Đức Thế tôn liền hóa ra một người ở trên hư không bảo Gia-du-đà-la rằng: Nàng có nhớ lời nguyện xưa chăng? khi ta còn làm Bồ-tát đã đem năm trăm đồng tiền vàng mua năm cành hoa sen của nàng, lúc ấy là thời Phật Định Quang, nàng đã ước hẹn đời đời làm vợ chồng với ta. Ta chẳng muốn thế bèn bảo nàng rằng: Tôi là Bồ-tát nhiều kiếp tu hạnh nguyện vô tướng tất cả chẳng trái ý ai, nàng bằng lòng và chịu làm vợ ta. Nàng thề rằng: Đời đời sinh ra tất cả vợ con thành quách và thân thể tùy chàng cho biếu, không hề hối tâm, sao nay nàng lại mến tiếc La-hầu, không cho xuất gia học đạo Thánh. Nghe xong, Gia-du-đà-la chợt nhớ lại nghiệp nhân đời xưa thì lòng thương con tự nhiên dứt hết. Bèn quì xuống sám hối Mục-liên, dắt La-hầu trao tận tay Tôn giả, rồi ứa nước mắt mà từ biệt con thơ. La-hầu thấy mẹ buồn khổ bèn quỳ xuống thưa rằng: Xin mẹ chớ buồn, con đến thăm Đức Thế tôn rồi lại trở về, gặp mẹ mà thôi. Bấy giờ, vua Tịnh Phạn muốn an ủi làm vui lòng Gia-du-đà-la, bèn nhóm họp các Tiểu vương, các quan đại thần và các nhà giàu sang trong nước, chọn con cháu mình được năm mươi cậu bé cùng La-hầu đến chỗ Phật học đạo. Phật sai A-nan cạo tóc, Xá-lợi-phất làm Hòa-thượng, Mục-kiền-liên làm A-xà-lê trao cho mười giới làm Sa-di. Khi ấy, La-vân cùng năm mươi Sa-di nghe Phật nói về các tội của Phiến-đề-la thì rất sợ sệt. Bèn bạch Phật rằng: Chúng con nghe việc Phiến-đề-la thì rất sợ, vì các bậc Đại Trí Phước Đức đáng nhận thức ăn ngon của người trong nước cúng dường, còn chúng con còn bé ngu si đâu có phước đức mà nhận thức ăn ngon quí cúng dường, nếu nhận thì đời sau sẽ phải chịu tội báo như Phiến-đề-la, nay chúng con xin trở về nhà để khỏi bị tội. Phật bảo các con nay sợ tội mà xin về nhà là không đúng. Vì sao? Ví như có hai người đói khát bỗng gặp người giàu có cho ăn các thức ngon quí, người đói tham ăn quá no. Nhưng trong hai người có một người trí và một người ngu. Người trí tự biết ăn nhiều quá thì thân thể nặng nề, đi đứng khó khăn liền đến thầy thuốc thì được cho thuốc ma-đàn-đề, uống vào liền nôn ra hết thức ăn hôm qua, sau đó hơ ấm thì khỏi các bệnh mà được sống lâu. Còn người ngu kia không biết do lỗi ăn uống nên giết súc sanh cúng tế quỉ thần cầu cứu mạng, thức ăn trong bụng hôm qua sinh độc khiến phải chết mà đọa địa ngục. Con sợ tội mà trở về nhà thì như người ngu kia. Con trước có gốc lành mà gặp được ta, như gặp thầy thuốc cứu bệnh mà khỏi chết, nay con sao bỏ sáng mà vào tối. La-hầu thưa: Trí tuệ Chư Phật rộng sâu như biển lớn, tâm con như hạt bụi nhỏ đâu thể nhận được trí tuệ của Như lai. Phật bảo như trời mưa giọt sau không nối liền giọt trước nhưng rồi cũng đầy bình lớn. Tu học trí tuệ cũng như thế, bắt đầu từ nhỏ mà cuối cùng thành lớn. Như thế lần lượt sẽ đầy vô lượng bình mà lợi mình, lợi người, gọi là Đại sĩ như ta ngày nay. Nghe xong thì nhóm La-hầu-la mở rộng kiến giải.

Kinh Phổ Diệu nói Phật trở về cung, ngồi trên điện cao. Cù-di dẫn La-vân đến lạy Phật và thăm hỏi. Bấy giờ, các quan quyến thuộc đều nghi ngờ rằng: Thái tử bỏ nước ra đi đã mười hai năm sao lại có con? Phật bảo các quan rằng Cù-di thủ tiết tinh khiết, không chút tì vết. Nếu vua không tin thì sẽ hiện chứng. Bấy giờ, Thế tôn hóa phép các Tỳkheo đều giống y như Phật. La-vân lúc đó bảy tuổi. Cù-di trao cho chiếc vòng ấn tín bảo con hãy đem đến cho cha con, thì La-vân liền đem vòng đến đúng Đức Phật. Vua và các quan đều mừng rỡ khen lành thay, thật là con Phật. Phật bảo vua và các quan từ nay chớ có ngờ vực. Đây là con ta do ta hóa ra, chớ trách lỗi Cù-di. Vua bèn chứng đạo, Cù-di cũng trì giới tịnh tu phạm hạnh.

Luật Di-sa-tắc nói: Phật đến cung vua Tịnh Phạn. Lúc đó, mẹ của La-hầu-la dắt con lên lầu cao, xa thấy Phật đến liền hỏi con thấy Samôn ấy chăng? Đáp rằng thấy, lại nói đó là cha con hãy đến xin Phật cho con tài sản còn lại của cha. Phật vào cung ngồi giữa sân. La-hầu-la chạy xuống lễ Phật và núp dưới bóng Phật rất thích, xin Phật cho con tài sản còn lại của cha. Phật hỏi con có muốn được chăng? Đáp rằng muốn được, rồi Phật dắt về bảo Xá-lợi-phất độ cho thọ giới làm Sa-di. Vua Tịnh Phạn nghe Phật độ cho La-hầu-la thì rất buồn khổ đến chỗ Phật bảo rằng: Phật xưa đi xuất gia còn có Nan-đà nên ta không buồn khổ như nay. Nay Nan-đà đã xuất gia rồi, tình yêu gởi hết vào đứa bé này. Nay nó lại xuất gia thì dòng họ từ nay dứt mất. Phật bảo: Tỳ-kheo nào độ trẻ em mà cha mẹ không cho thì không được xuất gia. Phật bèn nói pháp cho vua Tịnh Phạn nghe rồi nhóm họp Tỳ-kheo đặt ra điều cấm trên.

Tăng Hữu xét thấy: Luật này nói việc La-hầu-la xuất gia khác xa với kinh Vị Tằng Hữu. Vì lúc đó tình cảm bất đồng nên có hai thuyết khác nhau như thế. Tăng Hữu xét thấy: Dòng họ Thích ân nặng khắp thấm tuy pháp tục có khác nhưng chỗ được Đạo thì đồng. Nan-đà bỏ tục theo Đạo, La-vân bỏ ngôi mà học pháp, chiên-đàn vây quanh, rồng voi thành bầy, không thân không sơ, tùy chỗ đáng độ mà độ. Chỗ tốt đẹp của Đấng Điều Ngự có thể thấy ở chỗ này.

Pages: 1 2 3 4 5