ĐỪNG LÀM VONG NHÂN CHỜ XÁ TỘI
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học
Ba má tôi là Phật tử thuần thành nên rất kỵ sát sinh. Điều này thành luật cho cả gia đình. Hồi nhỏ tôi thường xuyên ăn cơm với muối mà không biết thèm thịt cá, thét rồi quen. Đến nỗi trong trí óc tôi, thịt cá không phải là thức ăn, mà là xác chết của những con vật. Do vậy mà tôi hay bị dị ứng với đồ mặn, ngoại trừ trứng gà. Vì tôi thấy trại gà dượng tôi nuôi, đám gà mái nhốt riêng trong một chuồng, song ngày nào cũng đẻ trứng, nên chỉ có trứng không trống là tôi ăn tỉnh bơ, không chút ngại ngần; vì biết chẳng có mầm sống trong đó. Ba tôi thường bông đùa và khoe với mọi người rằng: tôi biết trường trai ngay từ thuở… mới sinh!
Năm lớp sáu thi chuyển cấp, tôi phải thi liên tục ba ngày liền, sáng lẫn chiều. Nhà xa trường nên tôi dỡ cơm theo, buổi trưa, tôi ngồi nghỉ tạm dưới bóng mát một tán cây trước Nha Hành chánh. Nhỏ bạn thấy đồ ăn của tôi chỉ là cơm với nước tương. Nó tội nghiệp, nhanh tay trút thịt quay, mắm nêm vào phần cơm của tôi. Tất nhiên tôi bị dị ứng, không thể dùng, phải bỏ nguyên suất ăn đó. Túi tôi đang rỗng, chẳng có lấy một xu để mua bánh mì không ăn đỡ. Tôi lại tự ái, không hề kể hoàn cảnh mình hay vay gì của bạn. Thế là đành chịu trận với cái bụng đói meo. Tôi ngồi ôn bài mà ruột sôi rồn rột, chỉ biết hớp nước lã cho đỡ đói. Còn nhỏ bạn thì bụng no căng, vì nó phải ăn luôn phần của tôi.
Đang đói xót xa thì bỗng thấy một chàng trai khôi ngô vận âu phục, tay cầm ổ bánh kem xinh xắn tiến vào trong công sở. Cô gái được chàng biếu bánh, mặt đỏ bừng… luống cuống chạy trốn. Các nữ nhân viên ở đấy đều cuời ồ. Còn chàng trai thì đứng ngẩn ngơ, lóng ngóng với ổ bánh trên tay…
Tôi không hiểu sao cô gái lại chạy trốn? Ổ bánh ngon như vậy, hấp dẫn như vậy?… Cớ chi cô lại không đón lấy? Chàng trai trông rất hiền, bụ bẫm (có vẻ là người tử tế). Mà… ăn mặc đàng hoàng, ôm ổ bánh… to như vậy đi biếu, thì chắc chắn là người… tốt rồi (?). Cảnh tượng trước mặt càng khiến cái bụng đói của tôi cồn cào… Thế là một tư tưởng xẹt lên trong óc tôi: “Sau này lớn lên, nếu ai cầu hôn một… ổ bánh kem… là tôi… ưng liền!”
Nhưng tôi không có thời gian để chờ ổ bánh kem. Bởi chưa thành niên tôi đã vào chùa.
Có lần nghe tôi kể chuyện ngày nhỏ của mình, một pháp lữ bảo tôi:
– Không riêng gì cưng nghĩ như vậy đâu, hồi chị 17-18 tuổi, thi đậu tú tài rồi mà vẫn thầm ước: “Ai mà cầu hôn… một hộp bánh, là chị ưng liền!”
Tôi trố mắt nhìn chị. Chị thuộc dòng dõi hoàng tộc, xuất thân gác tía lầu son, thuộc hàng giai nhân “lá ngọc cành vàng” chứ không phải… “lá cỏ” như tôi, vậy mà ước mơ còn bình dị hơn. (Hóa ra tôi cũng có đồng minh).
Chị kể nguyên do là mình hay bệnh, ăn uống khó tiêu nên người thân luôn canh chừng, bắt ép phải kiêng cử đủ điều… Chị thèm bánh quá mà gia đình chẳng cho ăn nên mới… ước như vậy.
Qua kinh nghiệm đó, đủ thấy tuối mới lớn rất dễ xao lòng, dễ dụ.
Hồi 15 tuổi, tôi cầm đồ đụng đâu vỡ đấy. Thứ mẫu tôi tình cờ đọc truyện cổ tích kể về hai cô công chúa, cô em khôn khéo, thông minh, nhưng xấu xí. Còn cô chị xinh đẹp, song ngu đần, vụng về; làm gì hư nấy. Thứ mẫu tôi thấm ý, bà cười ngặt ngoẽo, cười không nín được và luôn miệng bảo là công chúa chị sao mà giống tôi quá, (làm tôi thiệt tức).
Mà thanh minh làm sao được? 16 tuổi, tôi về miền Tây chơi. Thấy người ta bày hàng, chất từng ổ bánh mì con con thành tháp cao nghệu, trông rất đẹp. Tôi ngắm mê mải rồi thích chí đến mua.
Vừa mới đưa tay sờ vào một ổ thì cả tháp bánh mì liền đổ kềnh, rơi tung tóe… Chị Phượng (chị kế tôi), thấy vậy bụm miệng cười. Còn tôi thì đỏ mặt tía tai, lắp bắp xin lỗi chủ tiệm, lời như muốn cà lăm. Chị bán hàng dịu dàng bảo: – Không sao đâu! Và chị từ tốn sắp lại hết.
Về chợ Giồng, tôi đi dạo quanh chợ, thấy bà hàng bọc chuối trong bột khoai mì (mài) chiên (hồi ấy, gạo khan hiếm nên người ta không dùng bột gạo). Nhìn từng miếng chuối chiên chắc nụi, săn cứng, chất cao; nằm chiếm hết nửa cái mâm tròn kê trên ghế đẩu. Tôi thấy lạ và nảy ý muốn mua vài miếng làm quà biếu Sư bà. Tôi bước tới (tất nhiên là cẩn thận không dám sờ vào bánh). Khi tôi nghiêng mình, vừa đưa tay chỉ vào những chiếc bánh mình muốn mua, thì ngay lập tức, túi xách đeo trên vai tôi bỗng rớt xuống, phóng thẳng vào khoảng trống trên mâm, khiến cái mâm văng tưng lên, hất bánh rơi xuống… gần hết. Những chiếc bánh rơi trên mặt đường nhựa còn đỡ, nhưng rơi nhằm chỗ đất cát thì thảm hơn, do bánh ướt dầu nên cát bám đầy…
Tôi đứng như trời trồng, lỡ khóc lỡ cười, không biết làm sao để bù đắp, chuộc tội… Chắc mặt tôi thê lương dữ lắm nên bà hàng không nỡ bắt đền, bà chỉ lượm bánh lên phủi bụi từng chiếc và dịu dàng trấn an tôi:
– Không sao! Không sao đâu!
Thật là may khi lúc đó tôi gặp toàn những người bán hàng cực kỳ tử tế và hiền như… bụt. Đúng lý tôi phải đền hết cả mâm bánh, nhưng nếu bị bắt đền, tôi chẳng thể nào đền nổi. Bà hàng gói cho tôi mấy chiếc bánh sạch sẽ còn nằm trên mâm. Tôi mang về dâng Sư bà (không biết là răng Sư bà yếu xìu). Sư bà cười bảo tôi:
– Cái con nhỏ này, mua gì không mua, lại mua mấy cái bánh cứng ngắc, chọi… chó cũng… lỗ đầu. Làm sao tui ăn được đây? Lần sau muốn mua quà cho tôi, đừng có mua như vầy mà hãy mua…
Thấy Sư bà dừng hơi lâu, tôi thắc mắc, nghếch mặt hỏi:
– Thưa, con sẽ mua gì ạ?
– Mua mía ấy!
Tôi toét miệng cười.
Tuổi vị thành niên là thế đó. Vì vậy mà có con ở tuổi mới lớn, ba mẹ đều lo. Có con gái thì phải nhắc nhở chúng giữ mình, trau giồi công ngôn dung hạnh… Có con trai thì nơm nớp sợ chúng giao du bạn xấu, rồi rơi vào hút chích, đua xe, kết bè kết đảng, làm điều không hay… Do vậy mà sự giáo dưỡng của người lớn ở thời điểm này, cực kỳ nghiêm khắc, khó khăn; càng khiến tuổi mới lớn cảm thấy kém vui, tù túng, mất tự do…
Đang độ tuổi lắm mộng nhiều mơ, lúc đó sống trong gia đình thấy hình như chẳng có ai biết “coi trọng” mình, rồi khi bước ra ngoài, bỗng gặp “ai đó” bày tỏ lòng ngưỡng mộ, ưu ái mình đặc biệt, như thể đất trời này chỉ có mình là nhất, là “số dzách” trong mắt họ, coi bộ tình người ta dành cho mình (mênh mông) hơn… cả tình ba má dành cho? – Thậm chí đối tượng còn xác nhận họ… thương mình hơn bản thân họ nữa kìa… (Thế mà người lớn không biết, không thấu hiểu, cứ cấm cản)… Mà nếu như mình đây đã gặp (tình nương, tình lang) tri kỷ rồi, thì lẽ nào lại không “hy sinh” vì nhau?… (Quên béng rằng cha mẹ rứt ruột đẻ mình ra, hẳn phải thương mình nhất, còn tình thương người “dưng” mới gặp, bộc lộ ngó “ồ ạt” vậy, chứ thời gian lâu dài nó thường không bền và dễ “bốc hơi”). Do vậy mà tuổi trẻ dễ chết cho tình yêu, sẵn sàng xả thân vì tình.
Thêm vào đó, báo chí, truyện, phim… cũng hùa vào cổ vũ điều này. Hồi học lớp chín tôi thấy bạn bè chuyền tay nhau quyển tiểu thuyết “Chết cho tình yêu” và đọc say sưa. Tôi vốn mê đọc sách nhưng cái tựa tôi không hợp, nên chẳng để mắt đến.
Dạo ấy phim tình cảm Việt Nam đang nở rộ. Tan trường về, dọc đường tôi luôn bắt gặp các tấm áp phích quảng cáo ghi rất xôm: “Mời bạn hãy đón xem phim tình cảm xã hội Việt Nam hay nhất, tuyệt nhất, cảm động… đến se thắt lòng người! Hãy đến xem, để khóc và thương cho mối tình đẹp như thơ của đôi lứa yêu nhau không thành… đây là một phim cực kỳ hấp dẫn mà bạn không thể nào bỏ qua! – Nếu ở Pháp có chuyện tình Romeo và Juliet; Trung Hoa có Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà… thì Việt Nam cũng có chuyện tình Lan và Điệp… Hãy đến xem để thấy chuyện tình tha thiết, lôi cuốn, thu hút… như thế nào! Bỏ qua rất uổng… Hãy đón xem! Đón xem!”…
Vậy đó, toàn là những ca ngợi chết vì tình, tuổi mới lớn nhận định còn mơ hồ, dễ tiêm nhiễm. Nếu cứ tiếp thu, gặp hòai những văn hóa quảng bá kiểu này, tất nhiên là lối sống cũng bị ảnh hưởng theo.
Vì vậy mà khi nghe tin tài tử Lý Tiểu Long (tuốt bên Tàu) đột tử, thì ở Việt Nam, một thiếu nữ cũng quyên sinh theo, để lại thư tuyệt mạng: “Chết vì chàng”…
Cách đây khá lâu, báo chí có đăng tin một cặp tình nhân trẻ thương nhau, gia đình phản đối kịch liệt; họ liền dẫn nhau nhảy sông tự tử.
Những chuyện tình kiểu Romeo Và Juliet này luôn xảy ra nhan nhản, bất kể thời điểm nào. Nạn nhân thường ở tuổi mới lớn hoặc thanh xuân, ít thấy người 40-50 tuổi rủ nhau chết vì tình, nếu có thì là – chết vì tiền, vì nợ nần, phá sản! – Tuổi trẻ là dễ hủy mình nhất – Thi rớt cũng chết, thất tình cũng chết, bị coi thường cũng chết… có đủ lý do để họ tự hủy diệt mình không chút ngại ngần.
Nhưng… chết rồi, có hạnh phúc hay không, mới là điều đáng nói!
Sư bà tôi nghe tin cặp tình nhân nhảy sông chết, liền cảm thán:
– Tội nghiệp hết sức, họ chết nổi trên sông mà hai chéo áo còn buộc chặt lấy nhau…
Ai cũng nghĩ là đôi tình nhân trẻ cùng “qua bên kia thế giới” như vậy, chắc sẽ được ở cạnh nhau, thực tế có đúng vậy không?
Thời nay, đã có không ít những nhà ngoại cảm như Bích Hằng, nên không lạ gì về cõi bên kia. Gần đây, tình cờ, tôi đọc một bài viết diễn tả tình cảnh “hậu quyên sinh” thật não lòng:
“Chị Nguyễn Thị C 20 tuổi, ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Hiệp huyện Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng. Trước năm 1975, chị quen một anh lính trẻ. Hai người yêu nhau thắm thiết nhưng bị gia đình phản đối, ngăn cấm, không cho cưới… nên C và người yêu quyết định cùng chết, qua bên kia thế giới để mãi mãi bên nhau.
Thế là đôi tình nhân cùng xuống hầm trú ẩn cá nhân, người yêu C cho nổ lưu đạn để cùng tự sát, kết quả: Cả hai đều chết thảm, thi thể không toàn vẹn.
Qua thế giới bên kia xong, C không thấy người yêu mình nữa, không thể tìm ra chàng và cũng không biết chàng đang ở đâu? Trong khi cảm giác đau đớn của cái chết không ngớt dày vò hành hạ, hệt như nỗi khổ của địa ngục vô gián. C bơ vơ, cô đơn, vội quay về nhà thăm thì thấy cha mẹ đang tức giận cấm không cho ai cúng kiến thờ phượng mình. Vừa đói khát lẫn đau đớn; ôm nỗi khổ thống thiết bi ai… C chỉ biết quanh quẩn tới lui từ gia đình ra đến chỗ mình và người yêu người từng tự tử.
Do tội tự tử nên C phải sống vất vưởng, đói khát, thống khổ triền miên mà không siêu thóat… Phải mấy mươi năm sau, C hiểu ra – Muốn thóat khổ phải quy y Tam bảo – và theo khẩn cầu của C, các tu sĩ đã làm lễ quy y, truyền U-minh giới cho – từ đây C lẩn quẩn quanh chùa nghe kinh thính pháp, lo tu sửa tâm tính để hóa giải khổ đau”…
Còn một chuyện thật khác nữa như sau:
“Có một thiếu niên thi rớt đại học, buồn quá em quyên sinh. Từ đó em thành oan hồn sống lang thang vất vưởng ngót mấy mươi năm, chỉ biết lẩn quẩn quanh người thân mà vẫn không hết khổ”…
Như vậy đủ thấy, tự kết thúc đời mình để… qua “cõi bên kia” không bao giờ hạnh phúc mà thực chất còn khổ hơn.
Hồi nhỏ, mỗi lần xem kinh, trong đó Phật tả tỉ mỉ cảnh giới ngạ quỷ, rồi thấy mỗi chiều vẫn có thời khóa riêng dành để cúng cơm bố thí cho các cô hồn uổng tử… Tôi thật cảm kích vì lòng từ bi của Phật quá tha thiết bao la, không những Ngài quan tâm đến người sống mà còn rất lo cho người mất.
Giáo lý Phật nhằm giúp con người tự tạo hạnh phúc cho mình từ cõi sống đến cõi chết. Vì hiện tại an thì tương lai mới an.
Nếu tâm tư đang rối loạn mà mưu tính hạnh phúc, thì hạnh phúc đó cũng nằm trên nền tảng bất an. Tự tử còn phạm vào một trong những tội thập ác – Không đủ phúc để thác sinh vào cõi lành –
Cho nên, tôi muốn nhắn gởi đến lứa tuổi mới lớn hay thanh xuân… (những ai đang tính toán muốn làm… vong nhân) rằng:
Khoan khoan đừng chết em ơi
Sống cho hết số… thọ rồi hãy “đi” .
Bởi vì một niệm khổ trong tâm thức hiện tại tuy nó có đấy, nhưng chỉ hành ta một giây thôi, nhưng do ta cứ nuôi dưỡng và giữ niệm khổ đó suốt ngày đêm nên ta càng sa lầy và chìm sâu trong mê cung khổ… đến độ bị nó dụ dỗ phải… quyên sinh. Nhưng, hiện tại ta sống khổ thì tương lai cũng khổ, thậm chí còn khổ thống thiết hơn – Nếu ta phạm tội hủy mình! – Hạnh phúc chỉ tới khi nào ta hóa giải được niệm khổ đang hành hạ, đang dẫn dụ đó… Hóa giải niệm khổ không có nghĩa là ta ráng sức đẩy, nôn nóng mong cho niệm khổ đó phải tan ngay, phải biến mất liền cho ta. (Làm vậy chỉ càng khiến cái khổ gia tăng thêm). Chỉ cần đừng để ý, đừng thèm đếm xỉa tới những niệm khổ đang diễn hành làm chi. Tâm ta giống như bầu trời trong quang đãng mà những niệm khổ đó giống như mây đen đang giăng phủ. Nhưng mây rồi sẽ phải tan. Vì vậy ta đừng nôn nóng đòi mây tan gấp, hãy cho nó thời gian, đừng nôn nóng xua đuổi bất cứ niệm khổ hay cảm giác khó chịu nào đang hiện ra trong tâm, mà hãy lặng lẽ quan sát các vọng niệm đó… hình thành và tan biến, (không đồng hóa, không hòa nhập hay lao theo)… thì ta sẽ thóat khỏi tầm chi phối của chúng.
Được mang thân người là rất hi hữu, vì vậy hãy sống cho xứng với phúc duyên hi hữu này. Ta có thể lợi dụng tháng ngày còn hít thở đây để điều phục thân tâm, để từ bỏ những cái xấu, phát huy hạnh lành. Khi tâm ta thuần thiện, nó sẽ trở nên trong trẻo, và tất nhiên ta được hạnh phúc. Chỉ khi đó ta mới có thể xây dựng nên một cuộc sống tốt đẹp cho mình và người.