Di Đà Bản Tánh, Tịnh Độ Duy Tâm
Trích Thiên Như Đại Sư Khai Thị Niệm Phật
HT Thích Thiền Tâm
Hỏi:– Sự nhiếp cơ của Tịnh Độ quả thật là rộng, ngu giả không còn dám luận bàn. Nhưng tôi thường nghe nói: ‘Di Đà bản tánh, Tịnh Độ duy tâm,’ trong ý cũng có trộm mừng! Đến chừng xem qua các kinh luận về tông nầy, thì Tịnh Độ là miền Cực Lạc ngoài muôn ức cõi. Di Đà là vị giáo chủ ở Liên Bang. Như vậy thì kia đây cách xa, ngoài nghĩa lý duy tâm bản tánh rồi! Thế là ý chỉ gì?
Đáp:– Chỗ hiểu ấy còn nông cạn hẹp hòi. Ông không biết rằng chân tâm của ông rộng rãi và sáng suốt vô cùng? Kinh Lăng Nghiêm nói: ‘Những non sông đất liền cho đến hư không ở ngoài sắc thân ta, đều là cảnh vật trong chân tâm mầu sáng.’ Lại nói: ‘Các pháp sanh hóa, đều là hiện cảnh của duy tâm.’ Thế thì đâu có cõi Phật nào ngoài tâm ta ư? Cho nên ý nghĩa của Tịnh Độ duy tâm là nói cõi Tịnh Độ ở trong chân tâm của ta, như biển cả nổi lên vô lượng bóng bọt, mà không có bóng bọt nào ở ngoài biển cả. Lại như những hạt bụi nơi đất liền, không có hạt bụi nào chẳng phải là đất; cũng như không có cõi Phật nào chẳng phải là tâm. Nên Tiên Thánh đã nói: ‘Chỉ một tâm nầy có đủ bốn cõi là: Phàm Thánh Đồng Cư, Phương Tiện Hữu Dư, Thật Báo Vô Chướng Ngại, và Thường Tịch Quang.’
Cõi Phàm Thánh Đồng Cư có hai: Đồng Cư Tịnh Độ và Đồng Cư Uế Độ. Đồng Cư Uế Độ là như cõi Ta Bà trong quốc độ nầy có phàm có thánh ở chung lẫn, mà phàm và thánh đều có hai hạng. Hai hạng của phàm là ác chúng sanh, tức bốn thú, và thiện chúng sanh, tức trời người. Hai hạng của thánh là thật thánh và quyền thánh. Thật thánh là các thánh nhơn thuộc bốn đạo quả, bậc Bích Chi Phật, bậc thất địa trong Thông giáo, thập trụ trong Biệt giáo, thập tín hậu tâm trong Viên giáo. Những vị nầy phần thông hoặc tuy dứt song sắc thân quả báo hãy còn, nên đều gọi là thật. Quyền thánh là các vị Bồ Tát trụ ở những cõi Phương Tiện, Thật Báo, Tịch Quang cùng bậc Diệu Giác (Phật) vì làm lợi lạc cho kẻ hữu duyên nên ứng sanh vào cõi Đồng Cư. Bởi tùy cơ thị hiện nên gọi là quyền. Những vị trên đây cùng với phàm phu đồng ở, nên gọi là Phàm Thánh Đồng Cư, và cảnh cư trú về phần khí thế giới, có hầm hố, gai gốc, bùn đất, cùng các tướng nhơ nhớp, về phần hữu tình giới có bốn ác thú, nên gọi là Uế Độ. Đồng Cư Tịnh Độ là như cõi Cực Lạc, tuy y báo chánh báo nơi đây trang nghiêm mầu nhiệm, không có bốn ác thú, song cũng gọi Phàm Thánh Đồng Cư vì chúng sanh sanh về cõi nầy không phải đều là bậc đắc đạo. Như trong kinh nói: ‘Hạng người phạm tội nặng, khi lâm chung chí tâm sám hối và niệm Phật, đều được vãng sanh.’ Do đó nên biết nơi cõi nầy chúng sanh còn hoặc nhiễm cũng có thể được ở. Thế Giới Cực Lạc cũng có hai hạng Thánh Cư và bởi y báo chánh báo đều sạch sẽ trang nghiêm, nên gọi là Tịnh Độ. Để nói rộng thêm, tuy gọi Tịnh Độ nhưng thật ra trong ấy có nhiều hạng hơn kém không đồng. Như thế giới Diệu Hỉ tuy là Tịnh Độ, song còn có nam nữ và núi Tu Di, và Tịnh Độ đã như thế, uế độ cũng như vậy.
Cõi Phương Tiện Hữu Dư là chỗ ở của bậc Nhị Thừa và ba hạng Bồ Tát đã chứng Phương Tiện Đạo. Những vị nầy do tu hai môn quán, dứt phần thông hoặc, phá hết trần sa, bỏ thân phân đoạn thọ thân pháp tánh, tự tại ở ngoài ba cõi; nhưng vì họ chưa đoạn được biệt hoặc vô minh nên còn có sự biến dịch sanh tử. Sở dĩ gọi phương tiện vì đó là cảnh giới của hành nhơn tu chứng Phương Tiện Đạo. Gọi hữu dư là bởi họ chưa đoạn được vô minh. Cho nên trong Thích Luận nói: ‘Ngoài tam giới có cõi Tịnh Độ, đây là chỗ của hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật cư trú, thọ Pháp Tánh thân, không còn sự phân đoạn sanh tử.’
Cõi Thật Báo Vô Chướng Ngại là nơi không có hàng Nhị Thừa, chỉ thuần là bậc pháp thân Bồ Tát ở. Những vị nầy phá từng phần vô minh, chứng từng phần pháp tánh, được quả báo chân thật. Song vì họ chưa đoạn hết vô minh nên còn nhuận vô lậu nghiệp, thọ báo thân pháp tánh, và cảnh giới nầy cũng gọi là Quả Báo Độ. Kinh Nhân Vương nói: ‘Ba hiền mười thánh trụ quả báo’ là chỉ cho sự việc trên đây. Sở dĩ gọi Thật Báo, vì các Đại Sĩ ấy do quán thật tướng, phát được chân vô lậu thọ hưởng quả báo chân thật. Gọi Vô Chướng Ngại là bởi chư Bồ Tát đây, tu chân không định, sắc cùng tâm không ngăn ngại lẫn nhau. Trong Kinh Hoa Nghiêm thuyết minh thế giới Nhân Đà La Võng, chính là cảnh nầy.
Cõi Thường Tịch Quang là chân lý pháp giới như như, sáng suốt cùng cực của bậc Diệu Giác. Đây là Phật Tánh Chân Như, tức độ là thân, tức thân là độ, thân và độ không hai, là trụ xứ của Đức Tỳ Lô Giá Na, cũng gọi là Pháp Tánh Độ. Thường chính là đức pháp thân. Tịch là đức giải thoát. Quang là đức bát nhã , như chữ Y (() có ba điểm, không thể cách lìa, một tức là ba, ba nguyên vẫn một. Đây cũng gọi là Bí Mật Tạng, là cảnh giới du hóa của Như Lai, cứu cánh chân thường, thanh tịnh cùng cực.
Hai cõi trước là chỗ ở của Ứng Thân Phật. Cõi thứ ba cũng thuộc về Ứng cũng thuộc về Báo, mà chánh thức là chỗ ở của Báo Thân Phật. Cõi thứ tư không phải Ứng và Báo mà kiêm cả Ứng, Báo, là chỗ ở của Pháp Thân Phật.
Bốn cõi trên đây tùy theo chỗ tu chứng mà phân chia, song kỳ thật vẫn là một. Cho nên chân tâm bao trùm muôn tượng, vô biên quốc độ như vi trần ở khắp mười phương, chính là cảnh giới trong tâm ta, hằng sa chư Phật trong ba đời, cũng là các Đức Phật trong tâm ta; tất cả không ngoài bản tâm mà có. Hiểu được lý nầy thì biết không có cõi nào chẳng nương nơi tâm ta mà kiến lập, không có vị Phật nào chẳng nương nơi tánh ta mà xuất sanh. Thế thì miền Cực Lạc ngoài mười muôn ức cõi há chẳng phải là cảnh Tịnh Độ của duy tâm ư?
Thế Giới Cực Lạc đã như thế, thì vị giáo chủ ở cõi ấy cũng là Đức Di Đà của bản tánh. Nên biết chỉ một tâm nầy bao trùm đủ mười giới, thân và độ dung thông, trùng trùng không ngại. Lại nên biết tâm, Phật, chúng sanh, ba chính là một, đồng thể không khác nhau, chúng sanh và Phật hỗ hiện, mỗi niệm giao tham. Cho nên cổ đức nói: ‘Chúng sanh trong tâm chư Phật, mỗi trần đều là Cực Lạc, chư Phật trong tâm chúng sanh, mỗi niệm chính thật Di Đà. Mười phương tịnh uế gom về trong khoảng sát na. Một niệm sắc tâm, bủa khắp gồm thâu pháp giới.’ Xem thế thì biết tất cả đều sẵn đủ trong thể thiên chân, không phải do duyên khởi mới thành lập. Một tâm niệm đã như thế, một điểm trần lại khác chi? Vì vậy nên mới có thể: ‘Trong mỗi mỗi trần tất cả cõi. Trong mỗi mỗi tâm tất cả tâm. Mỗi mỗi tâm trần lại khắp nhau. Trùng trùng không tận không chướng ngại. Đồng thời hiện rõ không ẩn hiển. Tất cả viên thành chẳng kém hơn.’ Cảnh giới chân tâm bao hàm vô biên quốc độ trên đây, như lưới báu Thiên Châu của trời Đế Thích, bóng và ánh sáng của bao nhiêu hạt châu đều gom hiện vào một hạt châu, bóng và ánh sáng của một hạt châu lại hiện khắp vào tất cả các hạt châu khác. Tuy mỗi mỗi hạt châu giao hiện lẫn nhau, nhưng hạt châu nầy không thể là hạt châu kia, hạt châu kia không thể là hạt châu nầy, xen mà không tạp, lìa mà chẳng phân, mỗi mỗi khắp bày, vẫn không sở tại! Thế giới Cực Lạc cho đến mười muôn ức cõi mỗi miền cũng như một trong các hạt châu. Nói tinh tế hơn khắp mỗi cõi từ tam thừa thánh nhơn cho đến trời, người, tu la, súc sanh, ngạ quỉ, địa ngục, mỗi mỗi lại cũng như một trong các hạt châu. Và Đức A Di Đà cũng là một trong các hạt châu. Cho nên, thấy một vị Phật, tức thấy mười phương chư Phật, mà cũng là thấy chín giới chúng sanh ở khắp mười phương. Cõi Phật vô biên, mười phương kim cổ toàn thể là một hải ấn đốn viên, không còn pháp chi khác nữa!
Như thế thì, thần trải qua mười muôn ức cõi, chính hóa sanh trong bản tâm ta; chất gởi nơi chín phẩm hoa sen, há cách biệt ngoài chân như Phật? Những lời dẫn giải trên đây đều là những minh huấn của Phật, Tổ, Thánh, Hiền đã tuyên dương vậy. Hiểu được lý này tất sẽ thấy thế giới Cực Lạc là duy tâm, mỗi cõi Phật mỗi điểm trần đều là duy tâm; Đức Di Đà là bản tánh, mỗi vị Phật mỗi chúng sanh cũng đều là bản tánh. Như thế lại còn chi phải nghi ngờ?
Lời phụ:
Pháp giới chân tâm là một thể rộng rãi vô biên, bao hàm vi trần thế giới, chư Phật và chúng sanh. Trong thể nhất chơn ấy, phần thế giới chúng sanh luôn luôn biến đổi, thuộc về sanh diệt môn; phần tịch quang lặng mầu sáng suốt và thường hằng, gọi là chân như môn. Chân tâm là một thật thể chung, gồm hai môn hữu vi và vô vi đó. Tất cả những danh từ: Chân Tâm, Bản Tánh, Bản Thể, Phật Tánh, Như Lai Tạng, Pháp Giới, Pháp Tánh, Thật Tướng, Niết Bàn, Pháp Thân, Vô Cấu Bạch Tịnh Thức, Như Lai A Lại Da Thức, Bản Lai Diện Mục, Bát Nhã, Chân Không, đều là chỉ cho thật thể ấy. Để trở về thật thể nầy, giáo môn của Phật chia làm hai. Các tông như: Thành Thật, Tam Luận, Thiên Thai, Thiền, Thai Tạng Bộ của Mật Giáo, từ nơi không môn mà đi vào. Còn các tông: Câu Xá, Pháp Tướng, Luật, Hoa Nghiêm, Tịnh Độ, và Kim Cang Bộ của Mật Giáo, lại do nơi hữu môn mà thể nhập. Cho nên những vị hiểu sâu về lý Bát Nhã của Thiền, hay lý huyền môn của Hoa Nghiêm, đều nhận rõ sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc chính là không, không chính là sắc. Trái lại, các vị học chưa thấu đáo, nếu không chấp có tất cũng chấp không. Nhưng chấp có thì còn biết kiêng sợ nhân quả, lánh dữ làm lành, đời sau hưởng phước nhân thiên, hoặc chuyên niệm Phật lại có thể sanh về Tịnh Độ. Đến như chấp không tất sẽ đi đến chỗ bài nhân quả, bác Phật Thánh, tương lai bị đọa xuống tam đồ. Cho nên tiên đức đã răn bảo: ‘Thà chấp có như non Tu, chớ chấp không như hạt cải!’
Vị thiền giả trên, vì chưa nhận rõ chân tâm, nên nghe nói ‘duy tâm Tịnh Độ, bản tánh Di Đà’, vội hiểu lầm rằng tâm mình thanh tịnh đó là Tịnh Độ là Di Đà rồi, chớ không có cõi Cực Lạc hay Đức Di Đà nào khác nữa. Phật Pháp dù ở xứ nào, Trung Hoa hay Việt Nam cũng có hạng người tà kiến chấp không ấy. Đại khái họ bác không có Di Đà, Cực Lạc, không có địa ngục, thiên cung, hoặc như nói Địa Tạng là tâm địa tánh tạng, chớ không có Đức Địa Tạng nào cả. Như người đeo cặp kiến đen thì thấy nơi nào cũng tối tăm, những kẻ ấy dù có giảng thuyết bao nhiêu lời, diễn dịch bao nhiêu kinh sách, kết cuộc cũng lạc vào bịnh không chấp. Những kẻ chấp không thường tự cao tự mãn, cho mình là cao siêu, bác người là chấp tướng. Xét ra khi diễn dịch kinh, họ cũng có tâm muốn hoằng dương Phật Pháp, không dè ngược lại thành ra kết quả hủy báng Tam Bảo; tự mình đã sai lầm, khiến cho bao nhiêu người khác bị lầm lạc theo. Ví như kẻ dung y đem tâm muốn cứu đời, chẳng ngờ sự học hiểu về y dược không rành, trở lại làm cho nhiều người thêm bịnh.
Cho nên sự dịch kinh, thuyết pháp, vị tất là có phước, là hoằng dương Phật Giáo nếu hành giả lạc vào tà kiến, không hiểu ý kinh.