VÃNG SANH TỊNH ĐỘ SÁM NGUYỆN NGHI

Hán dịch: Đời Tống, Sa-môn Kỳ Sơn hiệu Tuân Thức soạn.

(Sa-môn Tuân Thức tuyển chọn từ kinh Vô Lượng Thọ và các kinh Đại thừa xưng tán pháp môn Tịnh độ khác mà lập ra phương pháp này, nhằm lưu truyền cho hậu thế để kết duyên với Tịnh độ).

Chư Phật vì thương xót chúng sinh mê muội, nên bày ra vô lượng phương tiện để dẫn dắt họ. Trong đó chỉ có pháp môn Tịnh độ cầu sinh Tây phương là thẳng tắt nhất, đáng nên hành trì nhất. Các kinh điển Đại thừa đều khai diễn tâm yếu này, Chư Phật khắp mười phương đều ngợi khen pháp môn này. Nếu bốn chúng xuất gia và chư thiện nam tín nữ, cùng những người khiếm khuyết sáu căn, như muốn được phá trừ ngay vô minh, muốn được vĩnh viễn diệt trừ tội ngũ nghịch thập ác, hay tội lỗi do phạm những giới trọng, cùng các tội lỗi nhỏ khác, thì nên tu tập pháp môn này. Nếu người nào muốn hoàn phục những giới luật lớn, nhỏ cho Thanh tịnh trở lại, muốn ngay trong hiện tiền chứng đắc niệm Phật Tam-muội, cùng viên mãn đầy đủ tất cả Ba-la-mật môn của Bồ-tát, thì nên học theo phương pháp này. Như người nào trong lúc lâm chung muốn được xa lìa mọi sự khiếp sợ, thân tâm được an lạc, vui mừng xem cái chết như sự trở về, có quang minh chiếu rực rỡ cả nhà, có mùi thơm, lạ cùng với âm nhạc, được Phật Di-đà cùng Quán Âm, Thế Chí hiện ra trước mắt trao cho đài Tử Kim, cầm tay tiếp dẫn về Cực lạc, đoạn dứt năm đường, vượt thẳng chín phẩm, giả từ Ta-bà khổ lụy, an trụ trong Cực lạc thanh lương, vừa lìa khỏi trần lao lên thẳng ngôi Bất

thoái, chẳng cần trải qua nhiều kiếp mà liền chứng đắc Vô Sinh, thì nên học theo pháp này. Nếu người nào muốn tu tập pháp nhỏ mà chiêu cảm được quả báo vi diệu, được Chư Phật khắp mười phương cùng ngợi khen, ngay hiện tiền được thọ ký, chỉ trong một niệm cúng dường vô lượng Chư Phật, liền trở về nước cùng Phật Di-đà thọ trai, cùng nghị luận với Quán Âm, cùng kinh hành với Thế Chí, mắt tai đều thấy nghe thông suốt, thọ mạng không cùng tận, bay đi tự tại giữa hư không, chứng đắc Túc mạng, thấy suốt năm đường như cảnh trong gương, niệm niệm thường chứng nhập vô lượng Tam-muội v.v… không thể kể hết, thì nên tu tập pháp môn thù thắng này.

Những điều vừa nêu đều chân thật không hư dối, Chư Phật trong mười phương dùng tướng lưỡi dài rộng ngợi khen việc này. Đó đủ chứng minh rằng những lời nói ấy không hề hư dối. Thế thì bọn chúng ta còn dám không tin Phật chăng?

Nay tôi dựa trên những bộ kinh nói về Tịnh độ mà lập ra phương pháp hành trì này. Nếu người nào muốn hiểu biết sâu rộng hơn thì nên tìn tất cả những kinh trên mà nguyên cứu. Sau đây tôi lập thành mười phần để tiện việc hướng dẫn.

– Phần thứ nhất: Làm trang nghiêm Thanh tịnh đạo tràng.

Phải chọn một ngôi nhà thật yên tĩnh, trước hết bỏ nền đất củ ấy đi, sau đó đến một nơi sạch sẽ nào đó lấy lại đất mới thay vào, nhưng phải là đất không có sỏi đá, và đất ấy trước đây chưa từng bị dơ uế. Dùng các thứ dầu thơm hòa trộn với đất để làm cho nó cực kỳ Thanh tịnh, kế đến treo một bảo cái mới ngay trên đất đó. Trong bảo cái đó lại treo những lá phan ngũ sắc và treo khắp nhà những thứ tơ luạ phan hoa. Chọn nơi trang nghiêm nhất an trí tượng Phật ở hướng Tây quay mặt về hướng Đông, Quán Âm Thế Chí đứng hầu hai bên. Trước tượng bày những thứ hoa thơm đẹp cùng hoa sen v.v… Nếu an trí được chín tượng vãng sinh càng tốt, nếu không có đủ cũng không ngại gì. Tùy khả năng của mình mà trang hoàng những thứ khác sao cho thật trang nghiêm. Kế đến dùng chiếu hoặc nệm trải khắp nền đất. Hành giả phải mặc y phục sạch, mới. Nếu không có đồ mới, thì cần phải giặt giũ thật sạch, tắm rửa sạch sẽ, mặc y phục sạch, mới được vào Đạo tràng. Khi vào, nên đi hai lối ở hai bên. Giày dép phải để ngay ngắn, không để bừa bãi. Khi đại tiểu tiện phải thay áo cũ. Xong việc phải rửa ráy thật sạch, mặc lại y phục sạch, ngày nào cũng phải làm đúng như vậy. Phải thành tâm đem tất cả phẩm vật của mình cúng dường Tam bảo, nếu không thật

tâm cúng, thì phương pháp hành trì không chí tâm, do đó tất không có cảm ứng. Như mình không có phẩm vật cúng dường, thì mới tìm cầu nơi người khác (Như mình không có, lại mua sắm không được, thiếu phẩm vật cúng dường cũng không hề chi). Một đạo tràng nhiều nhất là mười người trở lại, không được nhiều hơn, mỗi tháng phải ăn chay sáu ngày.

– Phần thứ hai: Pháp phương tiện.

Hành giả muốn vào đạo tràng, nếu thân tâm còn loạn động thì nên làm pháp phương tiện trước. Trong bảy ngày phải ở trong phòng riêng mà không được ở chung trong đạo tràng. Nếu không có phòng riêng thì mới cho phép ở chung. Cả ngày lẫn đêm cần phải tập thử trước, cùng đọc tụng trước những bài văn sám hối cho trôi chảy, đồng thời làm những việc như giặt giũ, may vá, nấu cơm, gánh nước… Còn những việc lo toan cuộc sống đời thường phải buông bỏ hết. Chỉ nhớ nghĩ rằng: Chẳng bao lâu ta chắc chắn được sinh về Tịnh độ, cần phải nhất tâm sám hối, chớ có khởi tâm biếng lười. Mỗi người phải tự ký hẹn cho mình, chẳng tiếc thân mạng, thì sở nguyện cầu sinh thành tựu tức khắc. Không được khởi niệm vướng víu trong năm trần, cần phải quở trách xa lìa những thứ ái dục, siêng năng đoạn dứt sân hận, ngu si. Mỗi người chúng ta đều có những thứ ác nghiệp đã được tích tụ từ vô thỉ kiếp, do đó cần phải gấp rút mà cầu xả ly, chớ nên cho rằng sự sám hối này làm chướng ngại tâm niệm xả ly ấy. Mỗi người tự nên quan sát ngay bản thân mình những tập khí nào nặng hơn, cần phải lập tức quở trách, rủ bỏ và điều phục nó, khiến cho thân tâm trở lại trạng thái bình thường, hớ để cho sự hành trì ấy luống công vô ích.

– Phần thứ ba: Ý chánh tu.

Trong Đại tập kinh, Bồ-tát niệm Phật Tam-muội Phần, thì nói thời hạn là bốn mươi chín ngày; Cổ Am Vương và Đại Di-đà kinh thì nói mười ngày mười đêm; Thập Lục Quán kinh và Tiểu Bổn Di-đà thì nói bảy ngày bảy đêm, vậy chúng ta căn cứ vào ba thuyết đó, quyết không được giảm ít hơn nữa.

Thế nào là Ý chánh tu? Ngài Thiên Thân luận rằng: Thấu được nghĩa gì? Đó là quán thế giới Cực lạc, thấy được Phật A-di-đà, nguyện sinh về cõi ấy.

Vậy thế nào gọi là quán? Sao gọi là sinh tín tâm? Đó là những người tu thành tựu được Ngũ niệm môn, thì cuối cùng liền được sinh về Tịnh độ Cực lạc, thấy được Phật Di-đà. Vậy Ngũ niệm môn là gì? Đó là:

  1. Lễ bái.
  2. Ngợi khen.
  3. Phát nguyện.
  4. Quán tưởng.
  5. Hồi hướng.

Cùng với những thiện xảo phương tiện Hồi hướng của Bồ-tát.

Nghĩa là Bồ-tát đem tất cả thiện căn công đức tu tập Ngũ niệm môn. Không cầu lấy sự an vui cho chính bản thân mình, vì muốn cứu vớt mọi sự thống khổ cho chúng sinh, phát nguyện nhiếp thủ tất cả chúng sinh cùng sinh về thế giới Cực lạc. Đó gọi là thiện xảo phương tiện Hồi hướng của Bồ-tát. Nếu chúng ta khéo biết Hồi hướng như vậy, tất thành tựu được ba thứ tâm thuận với cửa ngõ vào đạo Bồ-đề:

  1. Tâm Thanh tịnh không nhiễm ô, vì chẳng cầu an lạc cho riêng mình.
  2. Tâm Thanh tịnh an ổn, vì cứu vớt tất cả sự thống khổ cho chúng sinh.
  3. Tâm Thanh tịnh an lạc, vì làm cho tất cả chúng sinh chứng đắc

Đại Bồ-đề, vì nhiếp thủ chúng sinh cùng sinh về Tịnh độ.

Vì vậy nay dùng cả đoạn văn trên làm phần chánh ý, chỉ thêm vào phần sám hối, vì để chúng sinh diệt trừ tất cả các chướng ngại trong việc vãng sinh. Muốn thuận tâm từ của Phật, mau chóng độ sinh, thì phải nhất tâm ý tu tập trọn đủ bốn mươi chín ngày cho đến bảy ngày. Mỗi một ngày đêm phải sáu thời lễ lạy Chư Phật khắp mười phương và Đức Phật Di-đà. Dù đi hay ngồi chớ để tâm tán loạn, không được nhớ nghĩ đến năm thứ dục lạc của thế gian, tiếp khách hay nói năng cười giỡn, dù chỉ trong giây lát. Lại cũng không được biếng nhác kéo dài việc tu tập, buông lung ngủ nghỉ. Phải ngay trong cái chớp mắt, hít thở, cuối xuống, ngưỡng lên mà định tâm chớ cho gián đoạn. Cần phải một lòng tinh tấn quyết cầu vãng sinh.

Hỏi: Phương pháp hành trì vốn nhiều như vậy, sao bảo là nhất tâm được?

Đáp: Có sự nhất tâm và lý nhất tâm.

1/ Lý nhất tâm: Khi vào đạo tràng cho đến lúc hết thời hạn tu tập, dù cũng làm muôn việc, nhưng đó đều Vô tánh,chẳng sinh chẳng diệt, nhất tướng của pháp giới đúng như pháp giới mà duyên theo.

2/ Sự nhất tâm: Như lúc lạy Phật, không nhớ nghĩ đến những việc khác, chỉ chuyên tâm lạy Phật mà thôi. Lúc tụng kinh hành đạo cũng như vậy.

– Phần thứ tư: Đốt hương tung hoa cúng dường.

(Đây còn gọi là dùng tam nghiệp mà cúng dường. Khi tam nghiệp của hành giả đã được Thanh tịnh rồi, thì việc đầu tiên khi vào Đạo tràng là niệm hương xong, phải đứng thẳng mà suy nghĩ như vầy: Con này vì tất cả chúng sinh pháp tâm Bồ-đề, nguyện sinh về Tịnh độ, nên lạy khắp Tam bảo, rộng tu pháp cúng dường, Tam bảo thọ cúng ắt nghĩ đến con, chứng minh sở nguyện của con.

Đây chỉ là lạy chung chứ chưa phải tùy mỗi phương tưởng niệm. lúc lạy xuống phải quán tưởng rằng: Thân con và Chư Phật khắp mười phương, lý thể của thật tướng vốn không có năng sở, nên không có người lạy Phật và Phật được lạy. Quán tưởng không có năng sở như vậy, gọi là Pháp giới hải. Nguyện cho tất cả chúng sinh đều được thấy lý này. Đó gọi là đồng nhập. Trước tiên phải xướng:

– Nhất thiết cung kính:

Nhất tâm kính lễ Thập phương pháp giới thường trụ Phật. Nhất tâm kính lễ Thập phương pháp giới thường trụ Pháp. Nhất tâm kính lễ Thập phương pháp giới thường trụ Tăng. Lạy xong, quỳ xuống dâng hoa lên, chủ lễ xướng:

– Thị chư chúng đẳng, các các hồ quỳ, nghiêm trì hương hoa, như pháp cúng dường.

Mỗi người tung hoa lên đồng xướng:

– Cúng dường Thập phương pháp giới Tam bảo.

Mỗi người cầm lò hương lên, vận tâm cúng dường, quán tưởng như sau:

Nguyện hương này tỏa mười phương

Làm thành đài quang minh vi diệu

Âm nhạc, hương báu các cõi trời

Vị ngon, y đẹp các cõi trời

Vi trần diệu pháp chẳng lường được.

Mỗi một trần hiện tất cả trần

Mỗi một trần hiện tất cả pháp

Triển chuyển không ngại thảy trang nghiêm

Hiện trước Tam bảo khắp mười phương

Trước mười phương pháp giới

Tam bảo Đều có thân con đang cúng dường.

Tất cả đều biến khắp pháp giới

Chẳng hề tạp nhiễm cùng chướng ngại

Cùng tận vị lai làm Phật sự

Xông khắp cả pháp giới chúng sinh

Nguyện rằng cùng phát Bồ-đề tâm

Đồng chứng vô sinh vào Phật trí.

Quán tưởng xong, đại chúng vẫn cầm lò hương, đọc lớn như vầy:

Nguyện hoa hương mầu này

Biến khắp mười phương cõi

Cúng dường tất cả Phật

Tôn pháp, chư Bồ-tát

Vô biên chúng Thanh văn

Để dựng đài quang minh

Cao hơn hằng sa cõi

Trong vô biên cõi Phật

Thọ dụng làm Phật sự

Xông khắp các chúng sinh

Đều phát tâm Bồ-đề.

Sau đó xướng rằng:

– Cúng dường dĩ, nhất thiết cung kính.

Lạy xuống, lạy chung và quán tưởng như phần trước. Sau đó tán thán ngũ hối, tam quy, cả thảy chín lạy.

– Phần thứ năm: Phương pháp lễ thỉnh.

Đốt hương, quỳ xuống, cầm lò hương, chí tâm trịnh trọng, thỉnh khắp Tam bảo quang lâm Đạo tràng, chớ có khinh suất. Cần phải chí thành khẩn thiết cầu khẩn. Nếu không chí tâm, thỉnh xuông chẳng lợi ích gì. Mỗi người đều quán tưởng, tất cả Như Lai trong khắp mười phương dẫn các quyến thuộc cùng vào Đạo tràng, đứng ngay trước mắt mình, đầy chật cả hư không, không được một phút một giây nào khởi tạp niệm. nghi thức thỉnh Phật này chỉ dùng trong ngày đầu tiên khi vào Đạo tràng, sau đó không phải dùng đến nữa. Chủ lễ xướng:

– Nhất tâm phụng thỉnh Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

Phật Thích-ca là Thầy của chúng ta. Ngài diễn nói các kinh Đại thừa làm cho ta nhận thức và tu tập pháp môn này, nên đầu tiên chúng ta phải thỉnh Ngài. Mỗi người phải vận tâm quán tưởng nhớ nghĩ đến ân đức sâu dày ấy của Ngài. Thỉnh ba lần như vậy, mỗi một lần thỉnh phải quán tưởng như vầy:

Tánh tam nghiệp (của) con như hư không

Thích-ca Như Lai cũng như vậy

Chẳng khởi chân tế, vì chúng sinh

Cùng đại chúng đến thọ cúng dường.

Mỗi một Đức Phật phải thỉnh đủ ba lần.

Nhất tâm phụng thỉnh: Nam-mô quá khứ cửu viễn kiếp trung Định Quang Phật, Quang Viễn Phật, Long Âm Phật đẳng, Ngũ thập tam Phật.

Năm mươi ba vị Phật này lần lượt nối nhau xuất thế trước khi Tỳ- kheo Pháp Tạng xuất gia. Vị Phật thứ năm mươi bốn chính là Phật Thế Tự Tại Vương cũng là Thầy của Pháp Tạng. Lúc thỉnh cần nên biết như vậy. Bài kệ quán tưởng cũng giống phần trước, chỉ đổi danh hiệu Phật mà thôi.

Nhất tâm phụng thỉnh: Nam-mô quá khứ cửu diệt Thế Tự Tại Vương Phật.

Thế Tự Tại Vương là Thầy của Pháp Tạng. Tỳ-kheo Pháp Tạng phát bốn mươi tám lời nguyện ngay trong Pháp hội của Phật này. Lúc thỉnh cần phải biết như vậy. Bài kệ quán tưởng cũng giống phần trước, đổi danh hiệu Phật là Thế Tự Tại Vương mà thôi. Đức Phật này cùng năm mươi ba vị Phật trước đồng diễn nói kinh Vô Lượng Thọ.

Nhất tâm phụng thỉnh: Nam-mô Thập phương hiện tại Bất động Phật đẳng, tận thập phương hà sa Tịnh độ nhất thiết Chư Phật.

Chư Phật trong khắp mười phương này đều dùng tướng lưỡi rộng dài che khắp Đại Thiên, xưng tán Cực lạc. Cho nên chúng ta phải thỉnh vì cầu Phật hộ niệm. Các Ngài đều cùng diễn nói kinh Xưng Tán Tịnh độ này. Lúc thỉnh chúng ta phải quán tưởng Chư Phật khắp mười phương ấy cùng quang lâm Đạo tràng. Đổi bài kệ thành như vầy: “Mười phương Chư Phật cũng như thế.” Ba câu kệ còn lại giống bài kệ trong phần trước.

Nhất tâm phụng thỉnh: Nam-mô Vãng thế thất Phật, vị lai hiền kiếp thiên Phật, tam thế nhất thiết Chư Phật.

Nhất tâm phụng thỉnh: Nam-mô Cực lạc thế giới A-di-đà Phật.

Di-đà là vị Phật đứng đầu trong những vị phát nguyện nhiếp thủ chúng sinh. Chúng ta cần quán tưởng Ngài thống lãnh vô biên quyến thuộc quang lâm đến Đạo tràng, nhiếp thọ hộ niệm chúng ta. Mỗi chúng ta chí thành khẩn thiết cầu thỉnh ba lần, thì nhất định Ngài đến. Ngài ngồi ngay giữa Đạo tràng, còn Chư Phật và Bồ-tát khác đều là những vị chứng minh. Đổi bài kệ quán tưởng giống như đoạn trước. Ngài là vị Phật được thỉnh sau cùng. Nghi thức thỉnh Phật này rút từ Phổ Hiền Sám pháp.

Nhất tâm phụng thỉnh: Nam-mô Đại thừa tứ thập bát nguyện Vô Lượng Thọ kinh, Xưng Tán kinh đẳng, cập bỉ Tịnh độ, Sở hữu kinh pháp, thập phương nhất thiết tôn kinh, thập nhị bộ chân tịnh pháp bảo. Phải quán tưởng pháp bảo của cả hai nơi: Đó là pháp bảo trong mười phương và pháp bảo của Tịnh độ. Lúc quán tưởng pháp bảo của Tịnh độ, phải quán tưởng khắp Chư Phật, Bồ-tát, nước, chim, nhạc, cây báu đều diễn thuyết diệu pháp. Tùy tâm tưởng thỉnh cầu của ta mà tất cả những thứ ấy đều hiện đủ trong Đạo tràng, làm cho Đạo tràng của ta giống hệt cõi Tịnh độ ấy. Quán tưởng như vầy:

Pháp tánh rỗng rang không thấy được

Pháp bảo hai nơi chẳng nghĩ bàn

Con dùng tam nghiệp như pháp thỉnh

Tức thời cùng hiện, nhận cúng dường.

Nhất tâm phụng thỉnh: Nam-mô Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát, Phổ Hiền Bồ-tát, Vô Năng Thắng Bồ-tát,Bất Hưu Tức Bồ-tát đẳng, nhất thiết Bồ-tát Ma-ha-tát.

Bài kệ quán tưởng giống như phần thỉnh Phật, chỉ đổi câu “Chư đại Bồ-tát cũng như vậy.” Lúc thỉnh phải quán tưởng Văn-thù, Phổ Hiền v.v… đều ở trong Tịnh độ, như Nguyện Vương kinh đã nói đến. Hai chữ nhất thiết trong bài thỉnh bao quát cả ba đời mười phương.

Nhất tâm phụng thỉnh: Nam-mô Cực lạc thế giới Quán Thế Am Bồ-tát Ma-ha-tát.

Quán tưởng vị Bồ-tát này ngồi trên tòa sen, hầu bên trái Phật. Oai đức và quang minh của Ngài đều vô lượng. Đổi câu kệ ấy thành “Quán Âm Bồ-tát cũng như vậy”.

Nhất tâm phụng thỉnh: Nam-mô Cực lạc thế giới Đại Thế Chí Bồ- tát Ma-ha-tát.

Quán tưởng vị Bồ-tát này ngồi trên tòa sen, hầu bên phải Phật. oai đức và quang minh như Quán Âm không khác. Đổi câu kệ thành “Thế Chí Bồ-tát cũng như vậy”.

Nhất tâm phụng thỉnh: Nam-mô Quá khứ A-tăng-kỳ kiếp Pháp Tạng Tỳ-kheo Bồ-tát Ma-ha-tát.

Đây là thân nhân của Phật Di-đà. Ngài tu hành bốn mươi tám nguyện nhiếp hóa chúng sinh, nên chúng ta phải nhớ nghĩ đến ân đức ấy. Đổi câu kệ thành “Pháp Tạng Tỳ-kheo cũng như vậy”.

Nhất tâm phụng thỉnh: Nam-mô Cực lạc thế giới tân phát đạo ý, Vô sinh bất thoái, Nhất sinh bổ xứ, chư Đại Bồ-tát Ma-ha-tát.

Đây là các vị Bồ-tát Ma-ha-tát thuộc giai vị Bất thoái và Nhất sinh bổ xứ. Lúc thỉnh cần phải biết như thế. Bài kệ không có gì thay đổi.

Nhất tâm phụng thỉnh: Nam-mô thử độ Xá-lợi-phất đẳng nhất thiết Thanh văn Duyên giác đắc đạo Hiền Thánh tăng.

Quán tưởng kháp pháp giới, thỉnh Hiền Thánh Tăng. Hai chữ nhất thiết ấy bao hàm cả mười phương ba đời. Lễ lạy quán tưởng giống như phần trước.

Nhất tâm phụng thỉnh: Thử độ Phạm Thích tứ vương nhất thiết thiên chúng, Ma-la thiên chủ, long quỷ chư vương, Diêm-la ngũ đạo, chủ thiện phạt ác, thủ hộ chánh pháp, hộ Già lam thần, nhất thiết Hiền Thánh.

Thỉnh ba lần như vậy, thì những vị này liền quang lâm mà thủ hộ.

Chỉ thỉnh mà không lạy.

Đức Phật Di-đà, Quán Âm Bồ-tát, Thế Chí Bồ-tát, hải chúng Thanh tịnh, tất cả hiền Thánh mà con vừa thỉnh, nguyện xin các Ngài chẳng bỏ bổn tâm đại Từ đại Bi, dùng tha tâm đạo, cùng với thiên nhãn, thấy nghe không ngại, thần thông tự tại giáng lâm Đạo tràng, an trụ pháp tòa, quang minh chiếu khắp, nhiếp thủ chúng con. Xót thương che chở, khiến chúng con đều cùng thành tựu hạnh nguyện Bồ-đề. Thích- ca Văn Phật, cùng Định Quang Phật, Thế Tự Tại Vương, mười phương ba đời tất cả Chư Phật; Văn-thù Bồ-tát, Phổ Hiền Bồ-tát, Thánh chúng tam thừa, ngưỡng mong tất cả chư vị quang lâm, từ bi nhiếp thọ, thủ hộ chúng con. Các hàng Chư thiên, ma, Phạm, Long vương, cùng chư quỷ vương, chư thần hộ pháp, tất cả Hiền Thánh, quang lâm Đạo tràng, an ủi che chở khiến cho chúng con, thành tựu sở nguyện cầu sinh Tịnh độ (3 lần)

– Phần thứ sáu: Pháp ngợi khen.

(Đứng chắp tay, tưởng mình đứng trước Di-đà và Chư Phật).

Sắc như vàng Diêm-phù

Mặt tợ trăng tròn đầy

Thân ngời trí tuệ sáng

Chiếu khắp vô biên cõi.

Hàng phục các ma oán

Khéo khai hóa trời người

Nương thuyền Bát chánh ấy

Vượt tất cả khổ nạn

Nghe tên chứng Bất thoái

Nên con quy mạng lễ.

(Lạy xong đứng dạy xướng rằng:)

Con nay nguyện đem công đức ngợi khen Phật này, cùng những thiện căn tu hành Đại thừa vô thượng, Hồi hướng cho Chư thiên long bát bộ, Đại phạm Thiên vương, Tam thập Tam thiên, Diêm-la ngũ đạo, Lục trai Bát vương, Hành bệnh quỷ vương, cùng chư quyến thuộc, và chư thổ thần ở trong cõi này, chư vị hộ pháp tăng chúng già Lam. Lại vì quốc vương, Đế chủ, nhân dân khắp trong cả nước, Thầy bạn cha mẹ, Thiện ác tri thức, Đàn-việt lập chùa, tín thí mười phương, lại vì chúng sinh trong khắp pháp giới, ngưỡng mong tất cả, nhờ thiện căn này, bình đẳng huân tu, thành tựu hai thứ, công đức trí tuệ, trang nghiêm pháp thân, đến lúc mạng chung, đồng sinh Cực lạc.

– Phần thứ bảy: Pháp lạy Phật.

Ngợi khen xong phải lạy Phật. Lúc lạy phải quán tưởng tất cả

Chư Phật là cha lành của ta hay khiến cho ta được sinh về Tịnh độ của Chư Phật.

Nhất tâm kính lễ Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật. Xướng xong lạy một lạy, quán tưởng như vầy:

Phật, chúng sinh tánh thường rỗng lặng

Đạo cảm ứng không thể nghĩ bàn

Đạo tràng con tựa như Đế châu

Thích-ca Như Lai hiện trong ấy

Thân con ảnh hiện trước Thích-ca

Cúi đầu đảnh lễ xin quy mạng.

Những Đức Phật kế tiếp sau đây cũng dùng bài kệ này.

Nhất tâm kính lễ quá khứ cửu viễn kiếp trung Định Quang Phật, Quang Viễn Phật, Long Âm Phật đẳng, ngũ thập tam Phật, ngũ thập tam Phật.

Năm mươi ba vị Phật này đã nói rõ trong phần lễ thỉnh. Chúng ta nên quán tưởng thân này như huyễn như hóa, tự thấy ở trước Chư Phật đó, đảnh lễ tất cả Chư Phật. Bài kệ giống như trước, chỉ sửa câu “Năm mươi ba Phật hiện trong đó, Thân con ảnh hiện trước Chư Phật”.

Nhất tâm kính lễ quá khứ cửu diệt Thế Tự Tại Vương Phật.

Nhất tâm kính lễ Đông Phương Bất Động Phật đẳng, tận Đông phương hà sa Tịnh độ nhất thiết Chư Phật.

Chư Phật từ đây xuống đến mười phương đều dùng tướng lưỡi rộng dài xưng tán Cực lạc, phải quán tưởng thân ta đối trước Chư Phật trong hằng sa Tịnh độ.

Nhất tâm kính lễ Đông Nam phương Tối thượng quảng đại Vân Lôi Âm Vương Phật đẳng, tận Đông Nam phương hà sa Tịnh độ nhất thiết Chư Phật.

Nhất tâm kính lễ Nam phương Nhật Nguyệt Quang Phật đẳng, tận Nam phương hà sa Tịnh độ nhất thiết Chư Phật.

Nhất tâm kính lễ Tây Nam phương Tối thượng Nhật Quang Danh Xưng Công Đức Phật đẳng, tận Tây Nam phương hà sa Tịnh độ nhất thiết Chư Phật.

Nhất tâm kính lễ Tây phương Phóng Quang Phật đẳng, tận Tây phương hà sa Tịnh độ nhất thiết Chư Phật.

Nhất tâm kính lễ Tây Bắc phương Vô Lượng Công Đức Hỏa Vương Quang Minh Phật đẳng, tận Tây Bắc phương hà sa Tịnh độ nhất thiết Chư Phật.

Nhất tâm kính lễ Bắc phương Vơ Lượng Quang Nghiêm Thông Đạt Giác Tuệ Phật đẳng, tận Bắc phương hà sa Tịnh độ nhất thiết Chư Phật.

Nhất tâm kính lễ Đông Bắc phương Vô số bách thiên Câu-chi Quảng Tuệ Phật đẳng, tận Đông Bắc phương hà sa Tịnh độ nhất thiết Chư Phật.

Nhất tâm kính lễ Thượng phương Phạm Âm Phật đẳng, tận Thượng phương hà sa Tịnh độ nhất thiết Chư Phật.

Nhất tâm kính lễ Hạ phương thị hiện nhất thiết diệu pháp chánh lý thường phóng Hoả vương Thắng Đức Quang Minh Phật đẳng, tận Hạ phương hà sa Tịnh độ nhất thiết Chư Phật.

Nhất tâm kính lễ Vãng cổ lai kim tam thế Chư Phật, thất Phật Thế Tôn, Hiền kiếp thiên Phật.

Nhất tâm kính lễ Cực lạc thế giới A-di-đà Phật.

Nên lạy ba lần, sửa bài kệ rằng: “Vì cầu vãng sinh xin đảnh lễ”.

Nhất tâm kính lễ Cực lạc thế giới Phật Bồ-tát đẳng sở thuyết kinh pháp, nãi chí thủy, điểu, nhạc, thọ nhất thiết pháp âm, Thanh tịnh Pháp Tạng.

Quán tưởng pháp bảo của Tịnh độ hiển hiện trong Đạo tràng. Bài kệ quán tưởng:

Pháp tánh chân không như hư không

Pháp Bảo thường trụ không nghĩ bàn

Thân con ảnh hiện trước Pháp Bảo

Cúi đầu quy mạng lạy tất cả.

Nhất tâm kính lễ Đại thừa Tứ thập bát nguyện Vô Lượng Thọ

kinh, Xưng Tán kinh đẳng, thập phương nhất thiết tôn kinh, Thập nhị bộ chân tịnh pháp tạng.

Đây là đảnh lễ pháp bảo trong cõi này như trước.

Nhất tâm kính lễ Cực lạc thế giới Quán Thế Âm Bồ-tát Ma-ha-tát.

Quán tưởng vị Bồ-tát này hầu bên trái Phật, ngồi trên tòa sen. Bài kệ giống như lạy Phật, chỉ đổi Phật thành Bồ-tát mà thôi.

Nhất tâm kính lễ Cực lạc thế giới Đại Thế Chí Bồ-tát Ma-ha-tát. Quán tưởng Bồ-tát hầu bên phải Phật, giống như Quán Âm.

Nhất tâm kính lễ quá khứ A-tăng-kỳ kiếp Pháp Tạng Tỳ-kheo Bồ-tát Ma-ha-tát.

Nhất tâm kính lễ Cực lạc thế giới Nhất sinh bổ xứ Chư Đại Bồ-tát Ma-ha-tát.

Nhất tâm kính lễ Cực lạc thế giới Vô sinh bất thoái Chư Đại Bồ- tát Ma-ha-tát.

Nhất tâm kính lễ Cực lạc thế giới tân phát đạo ý Bồ-tát, cập thập phương lai sinh Tịnh độ nhất thiết Bồ-tát Ma-ha-tát.

Nhất tâm kính lễ Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát, Phổ Hiền Bồ-tát, Di-lặc Bồ-tát, Thường Tinh Tấn Bồ-tát đẳng, tận thập phương nhất thiết Chư Đại Bồ-tát Ma-ha-tát.

Nhất tâm kính lễ Đại trí Xá-lợi-phất, A nan trì pháp giả, Chư Đại Thanh văn Duyên giác, nhất thiết đắc đạo Hiền Thánh tăng.

Quán tưởng bài kệ xong, quỳ nguyên như vậy vận tâm sám hối như sau đây:

– Phần thứ tám: Pháp sám hối phát nguyện.

Phần này gồm năm pháp, nay chỉ nêu pháp đầu pháp cuối, nên gọi tắt là sám nguyện.

1/ Pháp sám hối.

Khi sám hối cần vận dụng đủ sự và lý. Nếu là sự sám hối, thì phải chí thành tam nghiệp, chẳng tiếc thân mạng, nhỏ máu rơi lệ phơi bày tội lỗi, không dám che giấu. Nếu là lý sám hối, thì phải quán thật tướng của tội lỗi, năng sám sở sám (người sám hối và Chư Phật Bồ-tát) đều tịch diệt. Khi đầy đủ sự, lý như vậy, cần phải chuyên tâm khắp vì tất cả chúng sinh mà khẩn thiết sám hối. Quán tưởng như vầy:Con và chúng sinh từ vô thỉ kiếp nay thường bị những trọng tội do sáu căn tam nghiệp gây ra ngăn che, không thấy được Phật, không biết cách ra. Chỉ trôi theo sinh tử mà chẳng biết diệu lý xuất thế. Nay con tuy biết Phật,

nhưng vẫn bị tội nặng ngăn che như bao chúng sinh khác. Con xin đối trước Phật Di-đà cùng Chư Phật khắp mười phương. Ngưỡng mong Chư Phật gia hộ, khiến cho nghiệp chướng tiêu trừ. Quán tưởng như vậy xong, xướng rằng:

  • Con nay khắp vì tất cả chúng sinh trong pháp giới, nguyện đoạn trừ ba chướng, chí thành xin sám hối.

Xướng xong lạy một lạy. Mỗi người đều chắp tay, trước tiên vận dụng mười thứ tâm nghịch thuận. Trước kia do trái với chân, chạy theo vọng, nên gọi là mười tâm thuận. Còn nay trái với vọng, trở về chân, nên gọi là mười tâm nghịch. Mười thứ tâm thuận nghịch này đều có sự lý, chúng ta cần phải suy xét kỹ.

Từ đầu đến tâm bác không nhân quả là thuận. Thế nên từ tâm tin chắc trở đi đến ngày hôm nay là nghịch. Lúc phơi bày tội lỗi để sám hối cũng phải vận dụng đến hai thứ thuận nghịch này. Quán tưởng rằng: Từ vô thỉ đến nay, con và chúng sinh do ái kiến mà bên trong chấp trước ngã nhân, bên ngoài thì:

      1. Kết thêm bạn ác.
      2. Chẳng tùy hỉ với phước thiện của người khác.
      3. Tam nghiệp tạo mọi tội lỗi.
      4. Việc làm không nhiều nhưng ác tâm có khắp.
      5. Ngày đêm nối nhau chưa hề gián đoạn.
      6. Che đậy tội lỗi không muốn cho ai biết.
      7. Chẳng sợ bạn ác.
      8. Chẳng biết hổ thẹn
      9. Bác không nhân quả.

Cho nên ngày nay tin chắc nhân quả:

– Sinh đại tàm quý.

– Sinh đại khiếp sợ.

– Phát lồ sám hối.

– Đoạn tâm tương tục.

– Phát tâm Bồ-đề đoạn ác tu thiện.

– Chuyên cần tam nghiệp trừ bỏ những tội nặng ấy.

– Tùy hỷ phước thiện của cả Phàm Thánh.

– Niệm Phật khắp mười phương, được đại phước tuệ, cứu lấy thân con, cùng chư chúng sinh từ hai biển chết qua bờ ba đức.

– Từ vô thỉ đến nay chẳng hay biết rằng bổn tánh của các pháp vốn không tịch, mà lại tạo mọi tội lỗi. Nay biết các pháp vốn không tịch, vì cầu Bồ-đề, vì chư chúng sinh, mà rộng tu thiện nghiệp, đoạn tất cả ác.

– Ngưỡng mong Chư Phật khắp mười phương cùng Di-đà Thế Tôn từ bi nhiếp thọ, nhận lời sám hối này của con:

– Đệ tử chúng con tên là… chí tâm sám hối. Chư Phật mười phương thấy biết chân thật. Con cùng chúng sinh, vốn tánh Thanh tịnh, chỗ của Phật ở là Thường tịch quang, có khắp trong sát-na cùng tất cả pháp. Thế mà con lại không hề hay biết, vọng chấp nhân ngã, trong pháp bình đẳng lại khởi phân biệt, trong tâm Thanh tịnh lại sinh nhiễm trước. Do nhân duyên ngũ dục điên đảo như vậy, nên sống chết xoay vần, ở khắp ba cõi, cứ thế luân hồi chẳng hề ngừng dứt, chẳng hề nhớ nghĩ đến ngày thoát ly. Lại ở trong đó tạo tội cực ác, tứ trọng ngũ nghịch cùng nhất Xiển-đề, hủy báng Đại thừa, chê bai Tam bảo, phủ nhận Chư Phật, đoạn học Bát-nhã. Lạm dụng phẩm vật của Tăng khắp mười phương, cùng vật dụng để xây tháp Phật, ô phạm người Phạm hạnh, gần gũi thật hành ác pháp. Lại thường khen ngợi những kẻ phá giới, mắng chửi hủy nhục đạo nhân Tam thừa. Bên trong thì che đậy lỗi lầm, bên ngoài lại trá hiện oai nghi, thường dùng năm thứ tà mạng để quyên góp tứ sự cúng dường. Thuyết pháp bất tịnh, dạy người trái luật, theo Phật xuất gia trở lại phá Phật, trái nghịch Sư trưởng, chẳng nghe dạy bảo, phóng túng tham sân, chẳng hề xấu hổ. Do nhân duyên đó cùng sức mạnh của các ác nghiệp, đến lúc mạng chung phải đọa địa ngục A-tỳ, lửa dữ thiêu đốt ngàn vạn ức kiếp chịu khổ khôn cùng, chẳng biết ngày nào mới được giải thoát.

Ngày nay tỏ ngộ, sinh đại hổ thẹn cùng tâm khiếp sợ. Chư Phật mười phương cùng A-di-đà vốn đã từ lâu sinh tâm đại Từ đối với chúng con. Trong vô lượng kiếp, muốn độ chúng con, tu đạo Bồ-đề chẳng tiếc thân mạng. Nay Ngài thành Phật, viên mãn đại Bi, đúng thật là người cứu vớt che chở tất cả chúng sinh. Nay con tạo ác tất đọa Tam đồ, xin Phật xót thương cho con sám hối. Tội nặng tiêu diệt, ác nghiệp không còn, cho đến sinh nhân trong cõi Ta-bà vĩnh viễn đoạn tận. Như nguyện được sinh ở trong Tịnh độ của tất cả Phật, ngay lúc mạng chung tất không hề còn ác nghiệp chướng ngại.

(Đứng dây xướng).

Sám hối rồi, chúng con xin quy mạng đảnh lễ Phật A-di-đà cùng tất cả Tam bảo (Lạy xong, dập đầu xuống đất ba lần, biểu thị lạy Phật khắp ba nơi: Phật Di-đà, Tam bảo của Tịnh độ, Tam bảo khắp mười phương, để thích nghi với ba bài văn sám hối. Nếu có thời gian thì thực hành hết, nếu thiếu thời gian nên lược bớt phần hai, phần ba).

2/ Pháp khuyến thỉnh.

Quán tưởng quỳ trước tất cả Chư Phật khắp mười phương, khuyến thỉnh Chư Phật, có hai nghĩa:

– Từ khi mới thành đạo đến lúc chuyển pháp luân gọi là thỉnh thuyết pháp.

– Chư Phật khuyến thỉnh dưới đây đã diệt độ từ lâu. Mười phương Chư Phật dùng đạo nhãn thấy nghe chúng ta khuyến thỉnh, nguyện xin Chư Phật cửu trụ thế gian để chuyển pháp luân.

Đệ tử chúng con chí tâm khuyến thỉnh:

Thế gian đăng trong khắp mười phương

Vừa mới thành tựu đạo Bồ-đề.

Con nay khuyến thỉnh khắp Chư Phật

Chuyển pháp luân tối thắng vi diệu

Chư Phật như muốn nhập Niết-bàn

Con nay chí thành xin khuyến thỉnh

Xin Phật trụ thế sát trần kiếp

Lợi lạc cho tất cả chúng sinh.

Khuyến thỉnh xong quy mạng đảnh lễ Phật A-di-đà cùng tất cả Tam bảo.

3/ Pháp tùy hỷ.

Dù một mảy may phước thiện của phàm Thánh khắp mười phương con đều tùy hỷ. Thiện căn phước đức hay khiến chúng sinh phát tâm tùy niệm, con nay tùy hỷ theo họ.

Đệ tử chúng con chí tâm tùy hỷ:

Tất cả chúng sinh khắp mười phương

Nhị thừa hữu học cùng vô học

Tất cả Như Lai và Bồ-tát

Bao nhiêu công đức đều tùy hỷ.

Tùy hỷ xong quy mạng đảnh lễ Phật A-di-đà cùng tất cả Tam bảo.

4/ Pháp Hồi hướng.

Dù mảy may phước thiện từ vô thỉ đến nay đã Hồi hướng trong ba cõi. Hôm nay tỏ ngộ nguyện xin Hồi hướng thệ cầu đạo Bồ-đề.

Đệ tử chúng con chí tâm Hồi hướng:

Phước thiện cúng dường, lạy khen

Phật Cầu xin Phật trụ thế chuyển pháp luân.

Thiện căn sám hối tùy hỷ ấy

Hồi hướng chúng sinh cùng Phật đạo bảo.

Hồi hướng xong quy mạng đảnh lễ Phật A-di-đà cùng tất cả Tam

5/ Pháp phát nguyện.

Cốt yếu phải diệt trừ tội chướng, phát bốn hoằng thệ nguyện, tùy thuận Bồ-đề cầu sinh Tịnh độ. Lúc xướng quán tưởng đối trước Phật A- di-đà cùng Chư Phật Bồ-tát, cầu Phật chứng minh.

Đệ tử chúng con chí tâm phát nguyện  Nguyện cùng hành giả tu Tịnh hạnh, Nguyện đem tất cả phước thiện của tam nghiệp

Nguyện trang nghiêm Tịnh độ, cầu phước trí hiện tiền, nguyện được Phật A-di-đà, cùng Quán Âm Thế Chí từ bi nhiếp thọ, hiện thân trước con, phóng ánh hào quang, chiếu đến thân con khiến cho chúng con, các căn vắng lặng, ba chướng tiêu trừ, thân tâm thư thái, thích tu Tịnh độ. Niệm niệm chẳng mất, thiện căn Tịnh độ cho đến khi ngủ, thường thấy vô số, các món trang nghiêm trong cõi Cực lạc, khiến cho tâm con vui mừng tinh tấn; đến lúc mạng chung thêm tăng trưởng, thân không bệnh khổ, tâm không đảo điên gặp Phật Di-đà cùng chư quyến thuộc sinh tâm vui ưa. Chỉ trong sát-na liền được vãng sinh về cõi Cực lạc. Đến rồi liền được sinh trong hoa sen, được Phật thọ ký. Đã thọ ký rồi hóa thân tự tại ở trong vi trần cõi nước Chư Phật, tùy thuận chúng sinh lợi ích cho họ khiến cho chúng sinh trần số cõi Phật phát tâm Bồ- đề, tức thời lìa khổ, cùng được vãng sinh về cõi Cực lạc của Phật Di-đà; niệm niệm hiện tiền hạnh nguyện như thế, tận đời vị lai liên tục chẳng dứt, thân nghiệp khẩu nghiệp cùng với ý nghiệp thường làm Phật sự. Phát nguyện xong quy mạng đảnh lễ Phật A-di-đà cùng tất cả Tam bảo.

– Phần thứ chín: Pháp tụng kinh nhiễu Phật.

Lạy xong đứng dậy, chỉnh đốn y phục, đứng yên một lát, thường phải quán tưởng Phật cùng Hiền Thánh đầy chật Đạo tràng, ngồi trên pháp tòa, tưởng thấy thân của mình nhiễu quanh tất cả pháp tòa, cứ an tường mà đi như vậy, rồi niệm sau rằng:

Nam-mô Phật. Nam-mô Pháp. Nam-mô Tăng.

Nam-mô Thích-ca Mâu-ni Phật.

Nam-mô Thế Tự Tại Vương Phật.

Nam-mô A-di-đà Phật.

Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát.

Nam-mô Đại Thế Chí Bồ-tát.

Nam-mô Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát.

Nam-mô Phổ Hiền Bồ-tát.

Nam-mô Thanh tịnh Đại Hải Chúng Bồ-tát Ma-ha-tát.

Niệm đủ ba niệm như vậy, phải tụng kinh Di-đà, hoặc Thập Lục Quán kinh. Tụng xong niệm danh hiệu trên ba lần. Trong lúc tụnh niệm không nên buộc tâm trong ngôn ngữ văn cú, giống như chim bay ngang hư không, chẳng để lại dấu vết gì. Tam nghiệp chỉ như bóng, như tiếng vang, như ánh sáng, tuy đều không thật nhưng ngay đó có đầy đủ cảm ứng. Tự thấy thân mình nhiễu quanh pháp tòa. Nhiễu xong tụng tiếp:

Tự quy y Phật, đương nguyện chúng sinh

Thể giải đại đạo, phát vô thượng tâm.

Tự quy y Pháp, đương nguyện chúng sinh

Thâm nhập kinh tạng, trí tuệ như hải.

Tự quy y Tăng, đương nguyện chúng sinh

Thống lý đại chúng, nhất thiết vô ngại.

HÒA NAM THÁNH CHÚNG.

Lạy một lạy, chủ lễ quỳ gối xướng:

– Bạch đại chúng! Tôi từng nghe, những bài kệ cuả Như Lai trong kinh, sao vẫn chưa thấy đủ. Lẽ tự nhiên của việc tu tập là mỗi người phải siêng năng tinh tấn nỗ lực mà tự cầu. Được như vầy tất sẽ vãng sinh về Cực lạc một cách mau chóng. Đoạn hẳn năm đường ác thì ngõ ác tự nhiên đóng, chứng đắc đến tận cùng diệu đạo, tuy dễ vãng sinh nhưng ít người đến được. Thế sao không chịu vứt bỏ hết việc đời, siêng cầu đạo nghiệp, để mỗi người chúng ta mãi mãi trường sinh, an vui không cùng tận.

– Phần thứ mười: Pháp tọa thiền.

Thực hành những phương pháp trên xong ngồi trên giường quay mặt về hướng Tây để dễ quán tưởng. Ngồi trong tư thế Kiết già cổ và xương sống ngay thẳng, không được quán ngã người ra trước hoặc sau, điều hòa hơi thở, an định tâm ý.

Các cách quán trong kinh luận nói đến rất nhiều. Phàm phu sơ tâm chưa thể nào hành trì hết. Nay cần phải đi từ cách quán tưởng cơ bản dễ thực hành nhất, đơn cử như hai cách dưới đây. Trong hai cách này hành giả nên lược chọn cách nào thích nghi với mình mà thực hành, chứ không nên dùng cả hai. Đối những người quán chiếu thuần thục, thì nên dùng hết. Nhưng điều quan trọng là không được lìa pháp môn Tịnh độ, thì nên tu tập.

1/ Ý quán khăp: ngồi ngay thẳng, ngay lúc quán tưởng phải biết công năng hành trì của mình đã đủ để sinh về Cực lạc, ngồi kiết già trong hoa sen. Kế đến kết hợp với cách quán tưởng hoa sen nở ra. Ngay lúc hoa nở, có năm trăm màu hào quang chiếu đến thân ta. Tưởng khi ta mở mắt, liền được thấy Phật Bồ-tát và cõi nước Cực lạc, ngồi ngay trước Phật nghe giảng diệu pháp. Nghe được tất cả âm thanh đều là những tiếng diễn nói pháp mà mình ưa nghe. Những điều mình muốn nghe ấy phải khế hợp với mười hai bộ kinh. Lúc quán tưởng như vậy, cần phải giữ tâm cho kiên cố, tuyệt đối không để tán loạn. Tâm tưởng phải rõ ràng, như thấy trước mắt. Quán tưởng như vậy cho thật lâu, sau đó đứng dậy.

2/ Quán tưởng Phật Di-đà cao một trượng sáu, ngồi trên hoa sen, cần phải buộc tâm mình vào tướng lông trắng giữa chặng mày của Phật. Tướng lông trắng này dài một trượng năm thước. Chu vi năm tấc, bên ngoài có tám góc, bên trong rỗng xoay vòng bên phải nằm giữa hai chân mày, sáng sạch đẹp đẽ không thể kể xiết, sáng vàng cả khuôn mặt, đường nét rõ ràng. Lúc quán tưởng như vậy cần phải định tâm chú ý đừng để tâm trống rỗng. Lại phải quán tưởng những điều được thấy dù đã thành hay chưa thành đều phải tưởng niệm nhân duyên, tánh tướng vốn không thật, tất cả đều rỗng rang như vạn vật trong gương, như bóng trăng dưới nước, như mộng như huyễn tuy rỗng rang nhưng có thể thấy được. Nó đều do tâm tánh hiện khởi, những thứ ấy chính là tự tâm. Tâm chẳng tự biết tâm. Tâm chẳng tự thấy tâm. Tâm còn tưởng tức là si, không còn tưởng tức là Niết-bàn. Tâm có tâm không đều gọi là có tưởng, đều gọi là si, chẳng thấy được pháp tánh. Các pháp do nhân duyên sinh tức không, tức giả, tức trung, chẳng phải một, chẳng phải khác, chẳng phải ngang, chẳng phải dọc, chẳng thể nghĩ bàn, tâm tưởng vắng lặng thì hay thành tựu được niệm Phật Tam-muội. Quán tưởng thật lâu như vậy rồi mới đứng dậy.

Hỏi: Niệm Phật Tam-muội phải thực hành thời gian lâu mới thành tựu, những người tu sám hối trong mười ngày bảy ngày thì làm sao thành tựu được?

Đáp: Duyên có duyên mới sinh, duyên thuần thục, sự hành trì cũng có lâu hoặc phát tâm. Nếu quá khứ đã từng hành trì, đến đời này

đã có sự hành trì rồi, nên khi thực hành pháp sám hối, dù tu ít nhưng liền thành tựu. Nếu quá khứ chưa từng tu tập đến lúc gần sám hối mới tu học thì tất nhiên rất khó thành tựu. Nhưng dù không thành tựu cũng phải nương pháp này mà buộc tâm, đó gọi là ngồi thiền quán cảnh.

Kinh chép: Dù thành tựu hay không thành tựu đều diệt trừ được tội sinh tử trong vô lượng kiếp, đều được sinh trước Phật. Lại nói:

– Chỉ nghe tên gọi của tướng lông trắng mà đã diệt được vô lượng tội huống gì là chú tâm quán tưởng. Những người muốn tu hành chớ sinh tâm nghi sợ, chớ tự cho rằng mình không có phần. Chư Phật kia vốn đã có nguyện lực từ nhều kiếp, nên hay khiến những người tu tập Tam- muội này đều được thành tựu cả.

Kinh Ban-châu Tam-muội thì cho rằng phải nương vào ba lực sau đây mới được thành tựu. Đó là oai lực của Phật, lực của Tam-muội và lực công đức của chính mình.

Quán Kinh thì cho rằng chỉ nghe danh hiệu của Phật Vô Lượng Thọ và hai vị Bồ-tát Quán Âm Thế Chí đã hay diệt trừ tội sinh tử trong vô lượng kiếp, huống gì là nghĩ nhớ, niệm. Nếu có người nào thích tu những cách quán khác thì phải tự lường biết khả năng của mình. Dù ngồi hay đứng tùy ý mà làm Phật sự, hoặc muốn tu quán, thì ngồi trở lại cũng không sao. Nếu không quen ngồi thì có thể vừa đi vừa niệm. Được như vậy thì trong giấc ngủ cũng thường thấy Phật Di-đà. Như trong kinh có nói rất đầy đủ.

LỜI BẠT

Phương pháp hành trì này từ lúc tôi biên soạn đến nay đã qua hai lần sửa chữa bổ sung. Bản trước, Tăng Khế Ngưng đất Việt đã cho khắc bản lưu hành. Bản sau, trong phần tựa có nói:

– Tôi tự thấy mình vượt quá giới hạn và những lời của Thầy tổ… là thế.” Quả vị Thánh vốn đã cao xa, mà phương pháp lễ lạy của hành giả dễ sinh lao nhọc, nên pháp sám hối, tọa thiền là những việc xua đuổi sự mệt nhọc ấy đi, do đó chỉ bổ sung hai phương pháp này, còn các phương pháp khác vẫn giữ nguyên như cũ.

Nay thì đã đủ tất cả phương pháp từ cạn đến sâu, hành giả cứ kết hợp thực hành tất cả, chẳng cần nghi hoặc, chọn lựa. Phần sám nghi này đã san định, bổ xung rất kỹ, hành giả chẳng còn có lý do gì mà phải lựa chọn.

Ngày 2 tháng 2 năm Ất Mão, niên hiệu Đại Trung Tường Phù thứ

(Tức năm thứ 1 đời vua Tống Chân Tông. Chân Tông có năm lần đổi niên hiệu, Đại Trung Tường Phù là niên hiệu thứ 3).