ĐẠI THỪA TRUNG QUÁN THÍCH LUẬN
Tác giả: Bồ-tát An Tuệ.
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Sa-môn Duy Tịnh.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 5

Phẩm 6: QUÁN PHÁP NHIỄM NGƯỜI NHIỄM

Lại nữa, có dị tông nói: Tánh và vô tánh của các giới, xứ… ở trong Thắng nghĩa đế có chỗ biết hiểu, do sự tạp nhiễm kia nên thành tánh “có” ấy. Như Phật dạy: Người nhiễm là vướng mắc vào pháp nhiễm nên làm tổn hại cho mình, làm tổn hại cho người, làm tổn hại cho cả mình và người, như vậy cho đến người ngu si vướng mắc vào pháp si, nghĩa ấy cũng vậy.

Luận giả nói: Trong đó chẳng phải không có đạo lý tạp nhiễm, tuy có mà như huyễn, nghĩa là vì thể của nhiễm là không thật, chỉ vì chỗ thành tựu của các hành tụ tập ngôn thuyết nơi thế gian, chẳng phải là Thắng nghĩa đế. Vì sao? Ở đây nói pháp nhiễm và người nhiễm là trước có hay là sau có, hay là pháp nhiễm và người nhiễm cùng sinh khởi đồng thời? Cả ba điều nầy đều không đúng. Cho nên tụng nói:

Nếu trước có người nhiễm
Sau có pháp nhiễm ấy
Vì sao lìa pháp nhiễm
Mà có người nhiễm sinh.

Thích: Ở đây nói đến tột cùng, nên biết nghĩa này được ngăn chặn mọi sự tách ly của chúng. Nếu pháp nhiễm không có “thể” thì người nhiễm cũng vậy. Dừng mọi tảo tác của nhiễm thì có quả, không quả thành thục, chẳng thành thục, nghĩa ấy có thể thấy. Nếu tách rời pháp nhiễm mà có người nhiễm thành thì như thế bèn phải có pháp nhiễm riêng khác. Đậy tức là người nhiễm có được nhờ pháp nhiễm. Nếu vậy thì vì sao người nhiễm vì có nhiễm nên pháp nhiễm liền thành? Vì pháp nhiễm có nên người nhiễm liền thành, sau đó khởi sinh việc nhiễm. Nghĩa nầy rõ ràng như quả thành thục. Nếu có cảnh ái tức pháp nhiễm liền thành, nếu không có cảnh ái thì làm sao có nhiễm? Cần phải ngăn phá lỗi lầm đã an lập, trong đó cũng chẳng phải trước có người nhiễm, sau mới khởi pháp nhiễm.

Có người nhiễm, lại nhiễm
Làm sao sẽ có được.

Thích: Vì pháp nhiễm vốn đã nương vào không có thể tánh nên như sự đã thành rồi. Lại nữa, tụng nói:

Hoặc có hoặc không nhiễm
Người nhiễm cũng là vậy.

Thích: Nếu trước có người nhiễm, sau có pháp nhiễm, tức tất cả xứ như thể của pháp nhiễm, cho nên trước không có đạo lý người nhiễm có trước.

Nay vì để chứng thành nghĩa nầy, nên tụng nói:

Người nhiễm trước có nhiễm
Lìa người nhiễm nhiễm thành.

Thích: Pháp nhiễm nếu không có “thể” của ái có thể tạo tác thì trong đó hoặc thấy có chỗ thành của nó, điều nầy chẳng hợp lý.

Có dị tông nói: Lìa người nhiễm kia là riêng có pháp nhiễm, lìa pháp nhiễm kia thì người nhiễm có thể lập.

Luận giả nói: Nếu lìa pháp nhiễm được có người nhiễm thì trong đây chẳng có. Vì sao? Nếu trước có pháp nhiễm sau có người nhiễm tức lìa người nhiễm bèn có pháp nhiễm. Trong đó pháp nhiễm không có, tức không có cảnh ái có thể thành đạo lý pháp nhiễm, vì cảnh ái sau mới có. Do như vậy nên nếu lìa tự tánh, thì riêng nhân nơi người nhiễm có được pháp nhiễm, tức nhân nơi pháp nhiễm kia người nhiễm được. Nếu vậy tức chẳng phải cảnh ái có thể thành pháp nhiễm, vì cảnh ái ở sau nên sự thành tựu không thể có được. Nếu người như vậy thì chẳng phải là lỗi lầm sao? Cũng chẳng phải trước có pháp nhiễm sau thành người nhiễm. Lại nữa, tụng nói:

Có nhiễm lại người nhiễm
Cũng làm sao sẽ được.

Hỏi: Hoặc lìa pháp nhiễm có người nhiễm ấy, tức có lỗi lầm về đối đãi vậy, trong đó hai pháp người nhiễm và pháp nhiễm đồng khởi sinh mà thành tựu chăng?

Cho nên tụng đáp:

Nếu đồng sinh như vậy
Cũng chẳng hợp đạo lý
Pháp nhiễm và người nhiễm
Đây phải dụng thế nào?

Thích: Nghĩa là tánh lìa nhau của hai pháp: người nhiễm và pháp nhiễm giúp nhau mà có sự trái nhau. Hoặc pháp chưa sinh, cả hai đều không có tánh, hoặc chỗ tạo tác của pháp đã sinh không có “thể”. Chỉ do cảnh ái thành tựu pháp nhiễm nên có người nhiễm, nhưng cảnh ái kia và chỗ khởi pháp nhiễm cũng đều ngăn phá.

Hỏi: Pháp nhiễm và người nhiễm kia là một tánh có thể hòa hợp hay là khác tánh mà hòa hợp?

Cho nên tụng đáp:

Pháp nhiễm, người nhiễm kia
Chẳng một tánh hòa hợp.

Thích: Điều nầy vì sao? Vì chẳng phải một tánh kia mà có thể hòa hợp, nếu có hai pháp hòa hợp tức rất thành tựu. Trong đó phải biết, là Đề Bà Đạt Đa khởi nhiễm, chẳng phải Đề Bà Đạt Đa kia là nhân của người nhiễm. Nếu nói một tánh kia hòa hợp, điều nầy chẳng hợp lý.

Lại nữa, khác tánh cũng không thể hòa hợp, nên tụng bác bỏ:

Khác tánh nếu có hợp
Sao sẽ có thể được.

Thích: Tánh khác, pháp khác nếu có hòa hợp tức trái nhau mà chẳng phải một xứ. Đạo lý có hai pháp sinh có thể được, phần sau sẽ ngăn phá.

Lại nữa, tụng nói:

Nếu một tánh hòa hợp
Lìa bạn cũng phải hợp.

Thích: Đây nói hòa hợp là lấy đồng thể làm nghĩa. Phàm nói một tánh tức là nghĩa nhân. Nếu một tánh nầy nhất định có hòa hợp thì như trước đã nói, nghĩa hòa hợp Đề Bà Đạt Đa cần phải thấy. Cho nên không có đạo lý nhân một tánh có thể hợp. Tuy đối với nhân một tánh không hợp có thể thành, nhưng nếu ngăn nghĩa hợp ấy thì phải biết là có lỗi.

Lại nữa, tụng nói:

Khác tánh nếu có hợp
Lìa bạn cũng phải hợp.

Thích: Chỗ thuyết giảng trong đây ví như bình, áo, tánh khác của những vật kia không thể hợp. Nếu lập hòa hợp thì chẳng có nhân tương hợp của tánh khác, tức có lỗi đối đãi như trước. Khác tánh nếu hòa hợp có chỗ có được thì những vật kia chẳng phải là tánh khác cũng phải được hòa hợp. Điều nầy há không có lỗi!

Lại nữa, tụng nói:

Nếu khác tánh có hợp
Nhiễm, người nhiễm dùng gì.

Thích: Trong đó nói đạo lý hợp và không hợp. Vì sao? Hai pháp như vậy, mỗi một đã thành tự thể riêng biệt, tức không có nghĩa được tạo thành bởi pháp riêng. Trong đó cũng không chỗ thành tựu có thể được. Cho nên biết khác tánh không có diễn giải thành. Hoặc chấp tánh khác có được sự hòa hợp, nên tụng bác bỏ:

Nếu nhiễm và người nhiễm
Tự thể mỗi một thành
Hai nầy nếu có hợp
Trước cũng phải được hợp.

Thích: Hai pháp kia nay ông nói thế nào? Đây nói thể của mỗi một được thành. Nếu hoặc pháp nhiễm và người nhiễm, ông dùng nghĩa gì để phân biệt tự thể mỗi một của hai pháp khiến cho thành sự hòa hợp ấy? Trong luận nói hoặc là, ở đây nói nghĩa hợp. Nếu lúc khởi phân biệt, quả lợi rỗng không, tự thể của những pháp kia không có tánh được tạo thành. Nếu nói là hợp thì trong đó người nhiễm không có một ít phần pháp nhiễm có thể làm pháp nhiễm, cũng chẳng phải cái có được của người nhiễm.

Lại nữa, tụng nói:

Khác tướng không thành hợp
Ông muốn cầu hợp thành
Tướng hợp nếu đã thành
Lại muốn thành (tướng) khác ấy.

Thích: Tánh hợp không thành, nghĩa kia cực thành. Tánh khác của một pháp hòa hợp không thể có được, vì tánh khác cực thành không thành nghĩa hợp nên không có hai pháp là người nhiễm và pháp nhiễm đồng thời. Hoặc tánh khác lần lượt có thể sinh, cũng lại càng là tánh tách lìa nhau, do đó trong đây không có đạo lý hòa hợp. Nay theo quán sát trên, như ý ông muốn thì những gì là tánh khác có thể sinh khởi tuần tự, hoặc lại đồng thời.

Nay để chứng thành nghĩa nầy, nên tụng bác bỏ:

Nhiễm, người nhiễm như vậy
Chẳng hợp, không hợp thành
Các pháp cũng như nhiễm
Chẳng hợp, không hợp thành.

Thích: Trong đó vì sao? Nghĩa là chẳng phải chỉ có pháp nhiễm và người nhiễm, chẳng phải hợp, không hợp, mà các pháp cũng vậy.

 

Phẩm 7: QUÁN HỮU VI

Phần 1

Lại nữa, hoặc có người nói: Vì trong Thắng nghĩa đế có các pháp tạp nhiễm như tham… kia, vì do hữu vi, ví như mắt…

Luận giả nói: Nếu nói như vậy thì tức là chỗ thành tựu hiện bày khắp cho nên lập thí dụ không đúng. Vì sao? Trong Thắng nghĩa đế nếu có mắt… thì phải có các tướng hữu vi như sinh… Nếu không có các tướng hữu vi ấy thì như sừng thỏ… cũng phải có các tướng hữu vi kia. Cho nên các tướng hữu vi ở trong Thắng nghĩa đế quyết định không thành thì làm sao tướng hữu vi: sinh… có thể thành lập?

Ở đây cần hỏi: Các pháp sinh… kia do chổ tạo tác tăng thượng mà có là hữu vi hay là vô vi? Cả hai đều không đúng.

Nên tụng đáp:

Nếu sinh là hữu vi
Tức phải có ba tướng.

Thích: Ví như tướng chủ thể, trong đó tướng chủ thể hữu vi như vậy không đúng thì làm sao là các tướng hữu vi? Sở thuyết trong đó, hai pháp hào hợp vì ba tướng biến hành nên trong đó ba tướng cũng đều ngăn phá tự tướng pháp kia.

Lại nữa, tụng nói:

Nếu sinh là vô vi
Không tạo tướng hữu vi.

Thích: Chỗ thành tựu như vậy cần phải ngăn phá lỗi an lập. Vì sao? Vì tự thể vô vi cũng là không có tánh, ví như pháp diệt. Pháp nầy quyết định như vậy, có lỗi lầm như vậy, nương trú và vô thường như vậy. Pháp khác cũng vậy, đều đồng pháp sinh.

Luận giả nói: Tướng tức là pháp của lý, chấp giữ làm tánh. Chỗ đã nêu như vậy, vì sao sự sinh… lại là lìa nhau, có nghiệp dụng kia mà có thể chuyển chăng, hoặc không xa lìa chăng?

Lại nữa, tụng nói:

Ba pháp: sinh… lìa nhau
Túc nghiệp dụng không tướng.

Thích: Vì sao các pháp hữu vi như sinh… tuần tự có thể chuyển? Nếu thể của pháp chưa sinh, tức hai pháp: trú và diệt không thể làm tướng hữu vi kia, vì do chưa sinh. Đó tức là tướng chủ thể không có đối tượng biểu hiện diễn giải. Nếu tự thể của pháp đã diệt hết, tức là tướng chủ thể không “thể” nên không có hai pháp sinh và trú. Vì pháp diệt kia chính nó không có tánh nên đã sinh tức là không có trú, không có trú tức là không sinh diệt, cũng là không có tánh. Nếu nói vô thường chạy theo pháp trú, tức không thể tạo tướng hữu vi. Nên tụng của Bách Luận nói:

Trú sao có tướng diệt
Vô thường sao có trú
Nếu có pháp trú trước
Sau không cần phải có.
Nếu thường có vô thường
Có trú không có thường
Hoặc trước có thường ấy
Sau tức không có thường.
Vô thường đồng với trú
Nếu có thể của nó
Có thường tức tà vọng
Hoặc có trú cũng vọng.

Ý của bài tụng như vầy: Nếu pháp hữu vi không lìa nhau thì làm sao dùng một vật thể ở trong một thời gian mà được hòa hợp?

Nên tụng bác bỏ:

Không ở trong cùng lúc
Sinh, trú, diệt hòa hợp.

Thích: Vì do trái ngược lẫn nhau. Hoặc có người nói: Có tánh nhân đồng chủng loại kia trong cùng một lúc mà có thể sinh, hoặc chỗ tạo tác tuần tự được thành tựu.

Luận giả nói: Điều nầy lại thế nào? Hoặc ở trong có “thể” kia mà được chăng, hoặc lìa tướng chủ thể và đối tượng có chỗ có được chăng? Nếu có “thể” mà được thì chẳng phải ở trong có “thể” có được tánh của “thể” thật sinh, cũng chẳng phải do tạo tác riêng có nhân ấy. Nếu là không thể thì đây tức cũng không có được sự cùng sinh, cho nên ở trong thể không có quyết định sinh… như vậy. Như tự tướng sinh, cũng là vì sao tuần tự mà có thể thành?

Lại nữa, tụng nói:

Các tướng sinh, trú, diệt
Riêng có tướng hữu vi
Có tức là vô cùng
Không chẳng phải hữu vi.

Thích: Nếu lìa sinh… riêng có pháp sinh mà có thể thành thì pháp sinh kia tức nhất định có pháp khác có thể lập. Như vậy bèn có lỗi vô cùng, vì tướng hữu vi, vô vi nên chẳng hòa hợp.

Lại nữa, sư Độc Tử Bộ nói: Các pháp sinh… tuy là hữu vi, tại sao có thể nói là vô cùng?

Tụng của tông kia nói:

Chỗ sinh của sinh sinh
Chỉ sinh nơi bản sinh
Chỗ sinh của bản sinh
Lại sinh nơi sinh sinh.

Ý tụng nầy là: lúc các pháp sinh cùng với tự thể của pháp có mười lăm pháp cùng thành tựu pháp sinh, tức là có đầy đủ các pháp: sinh, trú, dị, diệt kia như vậy, pháp nầy như vậy, không có sai khác. Nếu phân biệt có sai khác thì có mười lăm pháp: một là sinh. Hai là trú. Ba là diệt. Bốn là nếu pháp bạch tức sinh chánh giải thoát. Năm là nếu pháp hắc tức sinh tà giải thoát. Sáu là nếu chẳng phải pháp xuất ly tức chẳng sinh pháp xuất ly. Bảy là nếu pháp xuất ly tức sinh pháp xuất ly. Tám là sinh sinh. Chín là trú trú. Mười là diệt diệt. Mười một là quyến thuộc chánh giải thoát. Mười hai là quyến thuộc tà giải thoát. Mười ba là chẳng phải quyến thuộc của pháp xuất ly. Mười bốn là quyến thuộc của pháp xuất ly, trừ tự thể bản sinh là thành mười bốn pháp. Nếu cùng với pháp bản sinh thì tổng cộng là mười lăm. Hai pháp sinh sinh và bản sinh là ý ban đầu, trong đó, chỗ sinh của sinh sinh chỉ có bản sinh sinh, lại không có chỗ sinh của biệt pháp bản sinh trở lại sinh ra sinh sinh. Như vậy mới sinh ra các pháp khác, ở đây tức không rơi vào lỗi vô cùng.

Luận giả nói: Chỗ nêu như vậy đều chẳng hợp đạo lý.

Cho nên tụng bác bỏ:

Nếu cho là sinh sinh
Năng sinh nơi bản sinh
Sinh sinh từ bản sinh
Năng sinh nào bản sinh.

Thích: Vì tự thể không có tánh như vậy.

Tụng lại bác bỏ:

Nếu cho là bản sinh
Năng sinh nơi sinh sinh
Bản sinh từ sinh kia
Năng sinh nào sinh sinh.

Thích: Vì tự thể không có tánh như vậy.

Lại có người nói: lúc sinh ra sinh sinh tức phải là chủ thể sinh, vì không có riêng biệt.

Lại nữa, tụng lại phá bỏ:

Nếu cho lúc sinh sinh
Năng sinh là bản sinh
Sinh sinh nếu chưa sinh
Năng sinh nào bản sinh?

Thích: Sinh sinh nếu chưa sinh, lúc sinh tức không có “thể”, không có “thể” tức không sinh. Có năng lực nơi chủ thể sinh nào là bản sinh? Nếu không có năng lực tức không có biểu hiện diễn giải.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9