ĐẠI THỪA LỤC TÌNH SÁM HỐI

(SÁM HỐI SÁU CĂN THEO ĐẠI THỪA)

SỐ 1908

MỘT QUYỂN

Thích Nguyên Hiểu soạn.

Nếu y pháp giới bắt đầu du hành, ở bốn oai nghi không một đường du, nghĩ nhớ đức không nghĩa bàn của chư Phật, thường nghĩ thật tướng tiêu tan nghiệp chướng, khắp vì vô biên chúng sinh sáu đường mà quy mạng vô lượng chư Phật mười phương. Chư Phật chẳng khác mà cũng phải chẳng một, một tức tất cả, tất cả tức một. Tuy không chỗ trụ mà không chỗ nào chẳng trụ, tuy không chỗ làm mà không chỗ nào chẳng làm. Mỗi tướng hảo, mỗi mỗi lỗ chân lông, khắp vô biên thế giới, hết cả đời vị lai, không chướng không ngại, không có khác nhau. Giáo hóa chúng sinh không hề ngừng nghỉ. Vì sao? Vì mười phương ba đời, một trần một niệm, sinh tử Niết-bàn không hai không khác.

Đại Bi Bát-nhã chẳng lấy chẳng bỏ, vì được pháp Bất cộng tương ưng. Nay ở thế giới Liên Hoa tạng này, Phật Lô-xá-na ngồi trên đài hoa sen phát ra vô biên ánh sáng, nhóm hợp vô lượng chúng sinh, chuyển bánh xe pháp Đại thừa không thể chuyển, Bồ-tát đại chúng đầy đủ khắp hư không, nhận Đại thừa pháp lạc không thể nhận, mà nay chúng con đồng lòng ở chỗ Tam-bảo nhất thật không lỗi này, chẳng thấy chẳng nghe như đui như điếc không có Phật tánh. Vì sao? Vì Vô minh điên đảo vọng làm ngoại trần, chấp ngã, ngã tạo ra các thứ nghiệp. Do đó che lấp chẳng được thấy nghe, cũng như quỷ đói đến bờ sông chỉ thấy lửa. Nên nay con rất tủi thẹn phát tâm Bồ-đề, thành tâm sám hối. Con và chúng sinh từ vô thủy đến nay do vô minh khiến cho say mê mà tạo vô lượng tội, năm nghịch mười ác không gì chẳng tạo, tự làm xúi giục người làm, thấy làm vui theo. Như thế các tội chẳng thể kể hết. Chư Phật, Thánh Hiền đều chứng biết tội đã làm nên càng rất hổ thẹn, việc chưa làm thì chẳng dám làm. Các tội này thật không hề có, các duyên hòa hợp giả gọi là Nghiệp, tức duyên không nghiệp, lìa duyên cũng không, chẳng trong chẳng ngoài, chẳng ở khoảng giữa. Quá khứ đã mất, vị lai chưa sinh, hiện tại không trụ. Cho nên việc làm vì không trụ nên cũng không sinh.

Trước có chẳng sinh, trước không thì cái gì sinh. Nếu nói xưa không mà nay có, hai nghĩa hòa hợp gọi là sinh, khi xưa vốn không thì không có nay có, cái nay đang có chẳng phải có xưa không. Trước sau chẳng kịp, có không đều chẳng được. Hai nghĩa không hợp thì chỗ nào có sinh. Nghĩa hợp đã mất thì tán cũng chẳng thành, chẳng hợp chẳng tan, chẳng có chẳng không. Lúc không, không đối với gì làm không? Lúc có, không không, đối với cái gì làm có. Trước sau có không đều chẳng thành. Phải biết nghiệp tánh xưa nay không sinh, từ xưa đến nay chẳng thật có sinh, thì ở chỗ nào mà có được không sinh. Có sinh, không có sinh đều chẳng thật có. Nói chẳng thật có cũng chẳng thật có. Nghiệp tánh như thế, chư Phật cũng thế. Như kinh nói: Thí như chúng sinh gây ra các nghiệp hoặc thiện hoặc ác, chẳng trong chẳng ngoài, nghiệp tánh như thế chẳng có chẳng không cũng giống như thế.

Xưa không nay có chẳng phải không có nhân sinh, không làm không chịu, thời tiết hòa hợp cho nên được quả báo. Người tu nếu thường suy nghĩ như thế mà thật tướng sám hối bốn tội trọng năm tội nghịch, không có năng làm và sở làm, cũng như hư không chẳng bị lửa đốt. Như nguời buông lung không biết hổ thẹn, chẳng thể suy nghĩ nghiệp thật tướng, tuy không tội tánh mà sẽ vào Nê-lê, cũng như cọp huyễn an thịt huyễn sư. Cho nên ở trước, chư Phật mười phương rất hổ thẹn mà thực hành sám hối, khi thực hành sám hối chớ cho là làm, tức phải suy nghĩ sám hối trước Phật tướng, tội sở hối đã không thật có thì làm sao có năng sám hối được. Năng hối sở hối, đều chẳng thật có, thì chỗ nào có pháp sám hối. Đối với các nghiệp chướng mà sám hối như thế rồi cũng phải sám hối sáu căn buông lung. Con và chúng sinh từ vô thỉ đến nay chẳng hiểu các pháp xưa nay không sinh, vong tưởng điên đảo chấp ngã, ngã sở, trong lập sáu căn y theo đó mà sinh ra thức, ngoài làm sáu trần chấp là thật có.

Chẳng biết đều là tâm mình tạo ra, như huyễn như mộng, không bao giờ có. Ở trong đó mà vọng chấp các tướng nam nữ, khởi các phiền não để tự cột trói mình, mãi lặng chìm trong biển khổ, chẳng cầu thoát ra. Khi tịnh lự thì thật đáng sợ. Cũng như khi ngủ, vì ngủ che tâm nên vọng thấy thân mình bị nước lớn cuốn trôi, chẳng biết chỉ là tâm mộng làm ra, bảo là thật bị trôi chìm mà rất kinh sợ. Khi chưa thức lại làm mộng khác, bảo chỗ ta thấy là mộng chẳng phải thật. Tâm tánh thông minh nên trong mộng biết là mộng, tức ở chỗ trôi chìm mà không sợ, mà chưa biết thân mình đang nằm trên giường lắc đầu quơ tay mong cầu thức dậy. Khi thức rồi thì tìm duyên mộng trước nước và dòng sông, thân mình đều không, chỉ thấy trước nay mình nằm im trên giường. Mộng lớn cũng giống như thế, bị vô minh che tâm, vọng có sáu đường trôi lăn trong tám khổ. Trong nhờ sự huân tập bất tư nghì của chư Phật, ngoài y Đại Bi nguyện lực của chư Phật, phảng phất tin hiểu mình và chúng sinh chỉ ngủ say trong giấc mộng lớn mà vọng chấp là thật, trái thuận sáu căn, hai tướng nam nữ đều là ta mộng thấy, hoàn toàn không thật. Sao lại lo mừng, sao lại tham sân, thường luôn suy nghĩ như thế mà quán mộng, sẽ dần dần tu được như mộng Tam-muội. Do tam-muội này mà được Vô sinh nhẫn. Từ giấc mộng lớn bỗng nhiên tỉnh dậy, liền biết xưa nay vốn không trôi lăn. Chỉ là một tâm nằm trên giường như một. Nếu lìa được như thế, thường luôn suy nghĩ, tuy duyên với sáu trần mà chẳng cho là thật phiền não, hổ thẹn chẳng thể tự dứt. Đó gọi là Sám hối sáu căn theo Đại thừa.