LỜI PHẬT DẠY

CÔNG HẠNH VÀ TỪNG BƯỚC GIẢI THOÁT
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

 

CÔNG HẠNH VÀ TỪNG BỰC GIẢI THOÁT
(Trích Kinh Lời Vàng của Dương Tú Hạc soạn tập)
Cố Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch

Căn lành có ba thứ: một căn lành phước phần, hai căn lành giải thoát, ba căn lành đạt phần.

Phước phần là người hay tu nghiệp nhơn người, trời sanh về cõi người thì được giòng giàu sang hoặc vua chúa, sanh về cõi trời thì làm vị Đế Thích, Phạm Vương.

Giải thoát phần là hay tu nhơn giải thoát, quyết định chẳng trở lui mà đến Niết Bàn.

Đạt phần là hay tu nhơn, từ noãn pháp đến thế đệ nhứt pháp.

Người bố thí có một nắm cơm mà có thể được món căn lành giải thoát phần, lại có người cứ giáp năm năm mở một Đại hội bố thí mà chẳng được phần giải thoát. Hoặc có ngươi trì trai giới trong một ngày, có thể được phần giải thoát, mà người trì trai giới trọn đời chẳng được giải thoát. Hoặc có người tụng một bài kệ mà được phần giải thoát, lại có người lảu thông văn nghĩa Tam Tạng mà chẳng được món căn lành của phần giải thoát. Tại sao có sự trái ngược như thế? Nếu tu được các công hạnh như trên mà đem tâm dũng mạnh hồi hướng về Niết Bàn giải thoát thì hẳng lìa sanh tử, nếu chẳng đem hồi hướng như thế thời có bố thí trì giới và tu học cho đến trọn đời cũng chẳng được giải thoát gì cả. Luận Bà Ta

Giới, Định, Huệ, là con đường giải thoát. Giới là nghĩa oai nghi. Định là nghĩa bất loạn. Huệ là nghĩa trí giác, và giải thoát là nghĩa lìa trói buộc.

Lại nữa giới: diệt trừ ác nghiệp. Định: diệt trừ trói buộc. Huệ: diệt trừ kiến sử. Và còn ba món thiện sai biệt nữa: Giới là sơ thiện. Định là trung thiện. Huệ là hậu thiện. Tại sao giới là sơ thiện? Vì người có tinh tấn mới trì giới chẳng lui, bởi chẳng lui nên mới được mừng vui, và nhờ tâm vui mới được định nên gọi là sơ thiện. Rồi nhờ Định mà đối với tất cả pháp thấy biết đúng “Như thật” nên gọi là trung thiện. Còn Huệ mà gọi là Hậu thiện là đã thấy biết đúng như thật. Thời chẳng mê, do chẳng mê nên lìa dục; mà lìa dục là giải thoát chớ còn gì nữa. Luận Giải Thoát Đạo

Giới là thềm bực của tất cả pháp lành, mà cũng là cội gốc nữa. In như đất là chỗ sinh trưởng của tất cả cỏ cây muôn loài. Kinh Niết Bàn

Giới là gốc chánh thuận giải thoát, nên gọi là giải thoát giới bổn. Nhờ giới mơi?được sanh các thiền định và trí huệ diệt khổ, vậy nên các Tỳ kheo phải trì tịnh giới, đừng để thiếu khuyết. Nếu ai năng trì tịnh giới thì được pháp lành; bằng không tịnh giới, các thiện công đức không thể sanh được. Vậy nên phải biết giới là chỗ yên ổn công đức thứ nhứt vậy. Kinh Di Giáo

Năm giới là:

1. Chẳng sát sanh
2. Chẳng cho chẳng lấy
3. Chẳng tà dâm
4. Chẳng nói dối
5. Chẳng uống rượu.

Nếu ai thường tu trì năm giới là được quả báo sanh về cõi người cõi trời. Kinh Trung A Hàm

Tám giới là năm giới trước và thêm ba giới nữa là:

1.Ăn chẳng quá trưa
2.Chẳng ngồi nằm tòa cao giường rộng
3.Chẳng nhảy múa, đánh nhạc và thoa dầu thơm vào thân. Nên gọi là bát quan trai giới pháp của các Tỳ kheo Hiền Thánh vậy. Kinh Tăng Nhứt A Hàm

Mười pháp lành là: Thân có 3: chẳng sát, trộm, tà dâm. Khẩu có 4: chẳng nói dối, hai lưỡi, ác khẩu và nói thêu dệt. Ý có 3: chẳng khởi tham dục, giận dữ và tà kiến. Kinh Hải Long Vương

Mười món trọng cấm giới là:

1. Chớ vì vui sát sanh
2. Chớ cướp trộm của người
3. Chớ cùng với đàn bà mà hành dâm
4. Chớ cố ý nói dối
5. Chớ mua hay bán rượu
6. Chớ nói lỗi của tứ chúng
7. Chớ tự khen mình mà chê người
8. Chớ lẫn pháp với kẻ cầu pháp mà còn hủy báng nữa
9. Chớ chịu lời can rồi lại giận dữ khước lui mà chẳng tự ăn năn
10. Chớ bài báng Tam Bảo

Tỳ kheo phạm phải 10 giới này bị tội rất nặng. Kinh Phạm Võng

Hỡi các Tỳ kheo: Nếu ai nhiếp tâm thời tâm có định. Vì tâm có định mới có thể biết được pháp sanh diệt của muôn vật. Vậy nên các ngươi thường phải tinh tấn tu tập cắc định. Nếu ai được định thời tâm chẳng tán loạn; in như con nhà nông tiếc nước, khéo trị bờ cõi. Các ngươi cũng nên tiếc nước trí huệ, khéo tu các thiền định, chớ để lọt mất đi uổng lắm. Kinh Di Giao

Nhập định tu hành tuy có nhiều món, nhưng ai muốn vào chỉ có hai cửa này là dễ hơn, một là bất tịnh quán, hai là trì tức niệm.

Tu quán bất tịnh, chính vì trừ lòng tham dục, mà đối trị tham dục có hai phương pháp: một quán thây mình; hai quán thây người. Những kẻ sáng trí, quán thây mình từ dưới chân lên đầu quan sát cùng khắp khiến tâm ớn nhàm. Còn kẻ tối trí, phiền não quá mạnh, khó mà uốn dẹp được, phải nhờ sức bên ngoài mới đối trị nổi, thời cần quán thây kẻ khác. Khi quán thây người, phải khởi lòng từ trước đã. Rồi đi đến chỗ thây người chết nằm, do thấy tướng thây chết mà nghĩ đến tướng mình: nghĩ rằng tướng kia đã vậy thì tướng mình cũng sẽ như thế.

Tiếp theo cứ nương thây kia mà làm 8 pháp quán tướng để đối trị 4 thứ tham dục: Vì trị mê tham dục hình dung nhan sắc tướng người thời phải quán tướng xanh bầm và đen đỏ nơi thây chết; vì trị mê tham dục tướng mạo nơi người, thời phải quán tướng thây năm vóc rả rời và bị cầm thú giành ăn; vì trị mê về da láng, thời quán tướng thịt xương tan nát; vì trị mê ăn mặc xinh đẹp thời quán tướng thây sình chương hôi thúi. Rốt sau quán từng đốt xương nơi thây ấy. A? là tu bất tịnh quán vậy.

Phương pháp trì tức niệm là nghĩ nhớ hơi thở ra vào, chính vì để đối trị tư tưởng tán loạn. Chuyên tu pháp nầy có 6 thứ là: đếm hơi, tùy ý, ngừng hơi, quán hơi, chuyển và định hơi vậy:

1. Đếm hơi: Đếm hơi thở ra vào, đề phòng tâm chớ cho tụ hoặc tán cảnh khác. Phàm đếm hơi, trước phải bắt đầu từ hơi hít vào, vì con người khi mới sanh trước hít hơi thở vào; rồi khi chết hơi thở cuối cùng là thở ra. Thở ra mà chẳng hít vào là chết. Dùng phương pháp quan sát ngôi sanh tử như vậy, rồi tưởng đến cơn vô thường lần lần mới có thể tu tập.

2. Tùy ý: Theo dõi hơi thở ra vào, chuyên tâm ghi nhớ nó ra vào dài hay ngắn.

3. Chỉ tức: Theo dõi hơi thở ra vào mà chuyên nhớ nó dùng đậu ở chỗ nào, khi nó dừng đậu ở chỗ nào, chẳng hạn như ta muốn nó dừng đậu ở chỗ sống mũi, hoặc giữa chặng lông mày, hoặc dưới ngón chân tùy ý mà an trụ thời tâm đắc các chỗ ấy.

4. Quán tức: Quán hơi thở ở trong thân như sợi dây chỉ luồng trong lòng hột chuỗi vậy.

5. Chuyển tức: Quán cả vật chất lẫn tinh thần nghĩa là bốn món đại chủng tạo sắc: “tức là đất, nước, gió, lửa” và tâm vương cùng tâm sở đều quán cả.

6. Tịnh tức: Từ địa vị thế đệ nhứt thăng tiến mãi cho tới kiến đạo tận trí v.v… gọi là tịnh tức. Tu hai pháp quán này là tâm được định. Luận Câu Xá

Đức Phật dạy: Này các Tỳ kheo! Kẻ giác ngộ là hiểu bốn đạo lý Tứ đế đúng như sự thật.
Biết Khổ đế đúng như sự thật, là biết 8 món khổ: sanh, già, đau, chết, xa lìa kẻ ân ái, gặp gỡ kẻ oán thù, cầu muốn chẳng đặng và năm ấm bức bách.

Biết Khổ Tập đế: đúng như sự thật, là biết tâm ái trước hiện tại rồi phải chịu lấy thân và lòng tham dục ở vị lai, là vì có thân và dục nên tìm lấy các món khổ quả.

Biết Khổ Diệt đế là biết ái, dục và các món khổ quả khiến dứt hẳn không còn gốc sanh tử nữa.

Biết Khổ Đạo đế là biết tám món Chánh đạo.

Này các Tỳ kheo! Cần phải biết 4 món Khổ, Tập, Diệt rồi mới tu 8 món Chánh đạo của Đạo đế là chứng được Đạo quả vậy. Kinh Trung A Hàm

Tám món Chánh đạo là:

1. Thấy biết chơn chánh
2. Suy nghĩ chơn chánh
3. Nói lời chơn chánh
4. Nghề nghiệp chơn chánh
5. Lối sống chơn chánh
6. Tinh tiến chơn chánh
7. Nghĩ nhớ chơn chánh
8. Thiền định chơn chánh

Thấy biết chơn chánh là tinh tu bố thí, lễ kính sa môn, đạo nhơn, cúng dường Phật, và hiếu thuận cha mẹ, tu mọi pháp lành đời sau được phước.

Suy nghĩ chơn chánh là nghĩ nhớ đến Đạo, chẳng giận dữ, tu nhẫn nhục chẳng lấn nhau.

Nói lời chơn chánh là chẳng phạm lỗi nói dối thêu dệt, ác khẩu, hai lưỡi.

Nghề nghiệp chánh, là chẳng trộm cướp, chẳng sát sanh, chẳng mãi dâm.

Lối sống chánh, là đối với uống ăn giường nằm v.v… chẳng tham, xa lìa phi pháp.

Tinh tiến chánh, là tu hạnh tinh tiến.

Nghĩ nhớ chánh là ý chẳng nghĩ bậy.

Thiền định chánh, là giữ gìn ý thức đừng cho phạm lỗi vậy. Kinh Bát Chánh Đạo

Dùng trí huệ quan sát nguyên do của sanh tử: bởi “sanh” có già chết, sanh làm trợ duyên cho “già chết”; sanh bởi “hữu” mà khởi, hữu làm trợ duyên cho sanh; hữu bởi “thủ” mà khởi, thủ làm trợ duyên cho hữu; thủ bởi “ái” mà khởi, ái làm trợ duyên cho thủ; ái bởi “thọ” mà khởi, thọ làm trợ duyên cho ái; thọ bởi “xúc” mà khởi, xúc làm trợ duyên cho thọ; xúc bởi “lục xứ” mà khởi, lục xứ làm trợ duyên cho xúc; lục xứ bởi “danh sắc” mà khởi, danh sắc làm trợ duyên cho lục xứ; danh sắc bởi “thức” mà khởi, thức làm trợ duyên cho danh sắc; thức bởi “hành” mà khởi, hành làm trợ duyên cho thức; hành bởi “si” mà khởi, si làm trợ duyên cho hành.

Bởi vì duyên “si” mới có “hành” duyên hành mới có “thức” duyên thức mới có “danh sắc” duyên danh sắc mới có “lục xứ”, duyên lục xứ mới có “xúc” duyên xúc mới có “thọ” duyên thọ mới có “ái” duyên ái mới có “thủ” duyên thủ mới có “hữu” duyên hữu mới có “sanh”, và duyên sanh mới có “lão bệnh tử”, và “ưu bi khổ não” vậy.

Lại cũng dùng trí huệ mà quan sát: không có “sanh” thời không có “lão tử”, không có “hữu” thời không có sanh, không có “thủ” thời không có hữu, không có “ái” thời không có thủ, không có “thọ” thời không có ái, không có “xúc” thời không có thọ, không có “lục xứ” thời không có xúc, không có “danh sắc” thời không có lục xứ, không có “thức” thời không có danh sắc, không có “hành” thời không có thức, và không có “si” thời không có hành.

Vậy nên “si” diệt thời “hành” diệt, hành diệt thời “thức” diệt, thời “danh sắc” diệt, danh sắc diệt thời “lục xứ” diệt, lục xứ diệt thời “xúc” diệt, xúc diệt thời “thọ” diệt, thọ diệt thời “ái” diệt, ái diệt thời “thủ” diệt, thủ diệt thời “hữu” diệt, hữu diệt thời “sanh” diệt, sanh diệt thời lão tử và ưu bi khổ não cũng diệt hết.

Chính lúc Bồ tát suy nghĩ và quan sát như thế, thời phát sanh ra nào là: trí kiến, pháp nhãn, giác ngộ, sáng tỏ, thông suốt, trí huệ và chứng đạo.

Bồ tát dùng trí quan sát 12 nhơn duyên bằng cách: thuận đi và nghịch về, (thuật ngữ lưu chuyển “đi” và hoàn diệt “vê”) đúng như thật mà hiểu biết và đúng như thật mà thấy biết xong, tức thì chứng được quả chánh đẳng chánh giác cao tột. Kinh Trường A Hàm

Nếu hành giả chuyên tu “chỉ” thời tâm chím lặn, hoặc sanh trễ nhác, chẳng ưa các việc lành, xa lìa lòng đại từ, vậy nên cần phải tu “quán” nữa. Hành giả tu quán: cần phải quan sát các pháp hữu vi trong thế gian, chẳng đặng dừng lâu, giây lát biết hoại, vì tất cả hành nghiệp của tâm sanh diệt từng mỗi niệm, cho nên bị khổ, nên quán các pháp đã nghĩ niệm thời quá khứ mường tượng như chiêm bao, nên quán các pháp đang nghĩ niệm hiện tại như điện chớp nhoáng; nên quán các pháp nghĩ niệm ở vị lai như mây bỗng nhiên sanh khởi, và nên quán tất cả thân thể người thế gian thảy đều bất tịnh không chút đáng ưa. Và nên nghĩ như vậy: Tất cả chúng sanh từ hồi nào đến giờ, bởi vô minh xông ướp thành thói quen, nên khiến tâm sanh diệt tất cả thân lẫn tâm thời quá khứ đã bị nhiều khổ não hiện tại đang có khốn ngặt không lường; còn khổ ở vị lai cũng không ngằn mé, khó bỏ khó rời mà nào hay biết! Những chúng sanh như thế rất là đáng thương. Suy nghĩ như vậy, liền nên mạnh mẽ lập đại thệ nguyện: nguyện cho tâm ta, xa lìa phân biệt, khắp cùng mười phương tu hành tất cả các công đức lành; tận cùng vị lai dùng vô lượng phương tiện cứu vớt tất cả chúng sanh khổ não, khiến cho chứng được vui Niết Bàn đệ nhất nghĩa.

Vì đã thành lập thệ nguyện như thế nên với tất cả thời, tất cả xứ có bấy nhiêu điều lành, tùy sức kham năng của mình, chẳng bỏ tu học, tâm không trễ nhác. Duy trừ lúc tọa thiền chuyên tu niệm về “chỉ” mà thôi, kỳ dư tất cả thời, thảy đều quan sát việc nên làm, việc chẳng nên làm… Luận Đại Thừa Khởi Tín

Những khi đi, đứng, ngồi nằm và đứng dậy cần nên “chỉ quán” cùng tu một lúc đã có chỗ dạy: tuy nghĩ, tự tánh các pháp chẳng sanh mà lại liền nghĩ: Nhơn duyên hòa hiệp thời nghiệp lành dữ quả báo khổ vui v.v… chẳng mất chẳng hư vậy. Tuy nghĩ nhơn duyên lành dữ nghiệp báo mà cũng liền nghĩ tánh nó chẳng khá được. Nếu tu “chỉ” thời đối trị phàm phu tham đắm thế gian và có thể bỏ kiến chấp của bực nhị thừa khiếp sợ. Nếu tu “quán” thời đối trị bực nhị thừa chẳng phát khởi lòng đại bi là bởi vì tâm yếu ớt và xa lìa phàm phu chẳng tu căn lành. Vì những nghĩa ấy nên “chỉ quán” hai món chẳng bỏ rời nhau. Nếu “chỉ quán” chẳng cùng tu một lúc thời không thể nào vào được Đạo Bồ đề. Luận Đại Thừa Khởi Tín

Này các Tỳ kheo! Người có trí huệ thì không tham đắm, nên cần tự tĩnh đừng để mất chánh niệm, là ở trong pháp Ta được Đạo quả giải thoát. Nếu bỏ mất trí huệ đã chẳng phải người Đạo lại phi kẻ tục, chẳng biết gọi tên chi cho trúng. Kẻ thật có trí huệ tức là con thuyền bền chắc vượt qua biển lão bệnh tử; mà cũng là ngọn đèn sáng vĩ đại soi chỗ tối vô minh; lại cũng chính là vị thuốc hay chữa lành mọi chứng bệnh; rồi nó cũng là cái búa bén hạ các cây phiền não.

Vậy nên các ngươi phải lấy ba món huệ là: văn, tư, tu mà tự lợi ích. Nếu người chỉ có ánh sáng trí huệ, tuy chưa có thiên nhãn, nhưng cũng là kẻ minh kiến vậy. Kinh Di Giáo

Vì sao gọi văn, tư, tu là ba huệ? Văn huệ là khi nghe được pháp, tâm thường vui mến chẳng nhàm mỏi vậy. Tư huệ là với tất cả pháp “hữu vi” đúng như thật tướng mà nghĩ nhớ quan sát nhận biết: vô thường, khổ, không, vô ngã biết nó sanh diệt từng mỗi niệm. Chẳng bao lâu bị bại diệt mà sanh lòng nhàm lìa, mới quyết lấy Phật trí huệ vậy. Tu huệ là thật ly dục, vì dục là pháp bất thiện, rồi mới lần lữa chứng vào Đạo vậy. Luận Phát Bồ Đề Tâm

Có bốn pháp làm nhơn gần cho Đại Niết Bàn:

1. Gần gũi bạn lành
2. Chuyên tâm nghe pháp
3. Chuyên niệm suy nghĩ
4. Đúng như pháp tu hành. Vì nếu chỉ nghe suông thì chẳng được Đại Niết Bàn, nên phải có tu tập mới được Đại Niết Bàn. Thí như người bệnh tuy được Thầy thuốc nói cho nghe tên món thuốc, nhưng bệnh chưa thể lành, muốn bệnh lành trước phải uống thuốc. Kinh Niết Bàn

Đức Phật bảo Ngài Đại Huệ: Này Đại Huệ! Bồ Tát phải khéo léo quán sát hai tướng vô ngã: thường gọi người là tướng không ta và pháp tướng không ta. Người tướng không ta là uẩn, xứ, giới nó là cái ta và những sự vật bị có của cái ta. Do vô minh ái nghiệp sanh khởi, mắt tai các thức mà lấy tướng sắc v.v… thành chấp trước. Thân thể và thế giới đều là vật bị hiển hiện của tạng tâm, nối nhau từng giây lát rất ngắn, biến hoại chẳng dừng như giòng nước chảy, như hột giống chuyển mình sanh mộng, như ngọn đèn mãi sanh diệt, như đám mây bay lơ lửng, nó nhảy động chẳng yên như con khỉ, nó thích ăn đồ dơ như loại ruồi lằng, nó chẳng biết nhàm đủ như lửa dữ, vì bởi tập khí nên ở trong các loài trôi lăn chẳng dứt như bánh xe lấy nước. Nhưng có những oai nghi động tịnh nơi thân, giống như thây chết được cử động là nhờ sức thần chú; cũng như người gỗ nhờ máy mà cử động. Nếu ai biết rõ được các tướng ấy là đã được vô ngã trí.

Đại Huệ! Pháp vô ngã trí là biết đúng như sự thật, phân biệt uẩn, xứ, giới là tánh vọng chấp mà có. Bồ tát biết các món ấy không có cái ta và vật bị có của cái ta, chỉ bởi chất chứa dây nghiệp ái rồi trói buộc lẫn nhau mà thay nhau sanh khởi, vì là nhơn duyên sanh, nên biết nó vô ngã là không có kẻ năng tác.

Này Đại Huệ! Uẩn xứ, giới v.v… lìa đồng tướng, dị tướng. Phàm phu ngu si phân biệt bậy bạ cho là có thật, mà các bậc Thánh chẳng cho là có. Quán sát tất các pháp như vậy, thời gọi là Bồ tát được pháp vô ngã trí. Sau khi được trí ấy, mới biết cảnh giới không thật có, tu hạnh tịch tịnh, chẳng bao lâu chứng được bậc Sơ hoan hỉ địa, rồi lần lữa tiến tới chúng đến pháp vân địa. Kinh Lăng Già

Bồ tát ở chỗ các đức Phật nghe pháp, thọ trì, gần Thiện tri thức phụng sự chẳng mỏi, thường ưa nghe pháp, tâm không nhàm đủ, theo pháp đã nghe đúng lý mà suy nghĩ. Kinh Hoa Nghiêm

Khi mà Đạo trí đến, in như mặt trời mọc, các chỗ tối chẳng biết được. Kinh A Xà Thế Vương

Đức Phật nói: Này Xá Lợi Phất! Thân tâm Như Lai đã được công đức khó tu khó chứng, cũng khó ngộ vào. Trí hiểu biết tự tại đối với ngoại cảnh, chẳng vọng chấp tốt xấu mà sanh lòng ưa ghét. Lúc ý thức duyên các pháp, cùng với thắng trí tương ưng rõ biết cảnh sở quán, được yên lặng cao thượng. Thân tâm của Như Lai, nhờ định trí mà thành tựu vậy. Khi ý thức duyên các pháp, cùng với thân không khác, lìa phân biệt phải quấy. Tri ấn của Như Lai chẳng phải chỉ riêng có Ta mới có chứng được, mà tất cả chúng sanh nào có tâm đại thừa, cầu mong chẳng nhàm chán thời được thiền định cao tột; đem sức thắng định này mà mong cầu Phật tri ấn, thì đạt được thể vô sở đắc. Phàm phu đến khi chết, chỉ thấy việc thân này, mà chẳng thấy việc đời sau. Kẻ có thể thấy quả báo đời sau, chẳng phải cảnh giới phàm phu. Luận Đại Trang Nghiêm Kinh

Có người Bà la môn tên là Thân Giao nói với ngài Kiều Thi Ca rằng: Phật nói trong tất cả pháp, đều không có cái ta sao?

Kiều Thi Ca đáp: Ta thấy trong Phật pháp, sanh tử không ngằn mé, vì tất cả pháp vô ngã, nếu ai chấp có ngã, thời không thể được đạo quả giải thoát. Nếu biết vô ngã thì không tham dục, liền được giải thoát.

Bấy giờ Thân Giao lý luận với Kiều Thi Ca rằng: Có kẻ bị trói mới có mở trói, mà Ngài nói không có ngã, tức không ai bị trói, thời ai được giải thoát!

Kiều Thi Ca đáp: Tuy vô ngã, không trói mở, nhưng có thứ phiền não nó che khuất, nên bị trói buộc; dứt thứ phiền não ấy thời được giải thoát. (Từ đây trở đi được giải thoát từng bực). Kinh Đại Trang Nghiêm

Thập thiện về bậc thượng, dùng trí huệ tu hành, nhưng còn sợ hãi ba cõi, vì tâm lượng còn hẹp yếu và thiếu tâm đại bi, chỉ nghe tiếng thuyết pháp của kẻ khác mà được rõ biết, nên gọi là Thanh văn thừa. Kinh Hoa Nghiêm

Thanh Văn có bậc hữu học và vô học hữu học là ba quả: Tu đà hoàn, Tư đà hàm và A na hàm; vô học là quả A la hán. Luận Bà Ta

Quả Tu đà hoàn còn trải qua 8 muôn kiếp; Tư đà hàm 6 muôn kiếp; A na hàm 4 muôn kiếp; và quả A la hán 2 muôn kiếp, mới chứng được quả vô thượng chánh đẳng chánh giác. Tức quả Phật vậy. Kinh Niết Bàn

Tịnh tu thượng phẩm thập thiện, chẳng nhờ kẻ khác dạy, chỉ tự giác ngộ lấy mình, những đại bi phương tiện chưa đủ, chỉ hiểu rõ pháp nhơn duyên thấm sâu, nên gọi là Duyên giác thừa. Kinh Hoa Nghiêm

Hỏi: Kẻ tu pháp quán sanh diệt 12 nhơn duyên, lấy cái gì làm phương tiện?

Đáp: Kẻ ấy mùa xuân thấy cỏ cây xinh đẹp như ngọc lưu ly; thấy dòng sông chảy sanh bọt nước nổi lênh đênh mà trôi đến bờ; nhận thấy các ngoại vật này quán là “sanh”.

Lại đi vào trong làng xóm, nhận thấy kẻ trai người gái cùng nhau múa hát giỡn cười, rồi quán các kẻ này đều cũng là “sanh”.

Sang qua mùa thu thấy cỏ cây đều bị phong sương làm điêu tàn; thấy dòng nước khô cạn, không còn chảy nữa; nhận thấy các ngoại vật này mới khỏi ra quán “diệt”.

Rồi cũng trở vào làng xóm, thấy trai gái ngã lăn ra chết, những kẻ còn sống xúm lại khóc kể om sòm. Thấy vậy rồi quán “diệt”.

Kẻ tu hành thấy các thướng như thế rồi mới quán thân mình và suy nghĩ rằng: trai gái trẻ già đều bị vô thường chết mất, không một ai tránh khỏi được. Luận Bà Ta

Duyên giác thừa còn trải qua 10 ngàn kiếp, mới chứng được quả vô thượng chánh đẳng chánh giác. Kinh Niết Bàn

Tịnh tu thập thiện thượng phẩm, tâm rộng lớn vô lượng, đầy đủ lòng thương xót, dùng phương tiện phát khởi đại nguyện, chẳng bỏ một chút sanh, cầu đại trí chư Phật, trải qua các địa vị Bồ tát, tu các món Ba la mật. Có thể mới thành tựu hạnh rộng lớn của Bồ tát. Kinh Hoa Nghiêm