chuyển biến

Phật Quang Đại Từ Điển

(轉變) Hàm ý là chuyển hóa đổi khác. 1. Chuyển biến. Tức phiếm chỉ cái tướng chuyển hóa biến đổi của các pháp. Thuyết chuyển biến (Phạm: pariịàmavàda) và thuyết Tích tập (Phạm:àrambhavàda) là tư tưởng trung tâm của Áo nghĩa thư mà các phái triết học Ấn độ phần nhiều thu dụng, trong đó, lấy thuyết Chuyển biến của học phái Số luận làm đại biểu điển hình. Học phái này cho rằng, bản tính của cái nhân vật chất của muôn vật đều có tính chuyển biến. Các học phái khác, như phái Du già cũng thu dụng thuyết này. Lại trong học phái Phệ đàn đa, thuyết Chuyển biến của La ma nô già (Phạm: Ràmànuja) và thuyết Hóa hiện (Phạm: Vivarta-vàda) của Thương yết la (Phạm: Saíkara) đối lập nhau. Trong Phật giáo, Thuyết nhất thiết hữu bộ chủ trương, trong vòng nối tiếp của các pháp hữu vi, từ khoảng sát na trước đến khoảng sát na sau, thể của chúng không có sự đổi khác (tự thể chuyển biến), nhưng đối với sự không khởi động, đang khởi động hoặc sắp khởi động của tác dụng, thì về mặt biến hóa của vị lai, hiện tại và quá khứ, thừa nhận có chuyển biến (tác dụng chuyển biến). Tông Duy thức chủ trương thuyết Thức chuyển biến (Phạm: Vijĩàna-pariịàma), thuyết này đứng về phương diện nhân tính và quả tính mà khảo sát sự chuyển biến của thức, và cho rằng nhân chuyển biến là y vào thức hiện hành, trong thức A lại da có các tập khí đẳng lưu và dị thục – quả chuyển biến là từ tập khí dị thục trong thức A lại da sản sinh các thức A lại da chúng đồng phận khác, rồi lại từ tập khí đẳng lưu mà sản sinh thức hiện hành. Như vậy, thuyết Thức chuyển biến, một mặt thuyết minh mối quan hệ nhân quả giao thoa của thức A lại da và thức hiện hành, mặt khác lại hiển bày cái tình hình thức A lại da nối tiếp sinh diệt từng sát na, không gián đoạn. Trong luận Thành duy thức quyển 7, từ chuyển biến được dịch là Năng biến, do đó, có những giải thích như sau: cái gọi là chuyển biến (khái niệm tác dụng) tức là năng biến (khái niệm thể tính). Luận Thành duy thức quyển 7 (Đại 31, 38 hạ), nói : Các thức ấy, nghĩa là thức Tam năng biến và tâm sở kia như đã nói ở trước, đều hay biến ra hai phần Kiến và Tướng, cho nên đặt tên là chuyển biến. Kiến phần sở biến, gọi là Phân biệt, vì hay nhận lấy tướng – Tướng phần sở biến, gọi là Sở phân biệt, vì do Kiến nhận lấy. Ý nghĩa trên đây, tức là hai phần Kiến, Tướng được hiện trong các thức đều gọi là chuyển biến, bất luận là Kiến phần năng thủ hay Tướng phần sở thủ, đều là do thức biến hiện. Tông Duy thức lấy đó mà thành lập nghĩa Hết thảy đều do thức, là tư tưởng trung tâm của tông này. [X. Duy thức nhị thập luận – Duy thức tam thập tụng – Thế thân duy thức nguyên điển giải minh]. (xt. Nhân Năng Biến, Quả Năng Biến). II. Chuyển biến. Là một trong mười tám biến. Có nghĩa là Phật và Bồ tát dựa nơi sức định mà có thể chuyển biến tính chất của muôn vật một cách tự tại. Thuyết này có xuất xứ từ luận Du già sư địa quyển 37. (xt. Thập Bát Biến).