CHUYỆN BÊN KIA
Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Đây là câu chuyện có thực nhưng khó tin ( xảy ra năm 1988) năm 2010 tôi mới viết kể ra, ( và hiện tại sau một hồi cân nhắc , do dự ; tôi quyết định post lên) vì nghĩ là sẽ có ích cho người đọc. Người khó tính có thể cho là tác giả gieo rắc mê tín. Nhưng nếu có ai nhờ câu chuyện này được lợi ích thì đó là niềm an ủi cho tôi. 
Hạnh Đoan

*****

Một buổi chiều trung tuần tháng 7, trời âm u, tôi đang ngồi chơi với với vài người bạn nơi Tuệ Tĩnh Đường thì đột nhiên một cơn gió lạnh ùa tới, lá rụng ào ào. Tôi rùng mình, còn Diệu An thì ngã vật người ra ngất xỉu. Tôi và cô Thi (một thầy thuốc trị bịnh) cùng lo cứu tỉnh Diệu An.

Mặc tôi xoa đầu, bắt gió, Diệu An cứ nhắm nghiền đôi mắt, lệ tuôn đầm đìa, lẫm bẩm:

– Bốn chục lít xăng! Một cái hòm!

Cô Thi vỗ về:

– Có gì thống khổ cứ nói hết ra đi, chúng tôi sẽ giúp đỡ cho!

– Tôi tên là Mai Hữu Phúc, anh của Mai Thu Nga!

Tôi ngơ ngác nhìn cô Thi, thì thầm hỏi: – Thu Nga là ai?

Cô Thi chỉ vào Diệu An. Ra là vậy! – Là pháp lữ, nhưng không ở chung chùa, thường thì chúng tôi chỉ biết pháp danh nhau chứ hiếm khi biết đến thế danh. Giờ tôi mới rõ Diệu An có tên ở đời là Mai Thu Nga. Lầnđầu tôi chứng kiến vong người anh về dựa xác em, đang lên tiếng kể chuyện mình:

“Tôi sinh năm 1952, chết năm 1980, tốt nghiệp đại học kinh tế. Tôi bị đau tim và chết trên bàn mổ. Tôi đói lắm, đói suốt bảy tám năm nay…

Tôi ngạc nhiên hỏi: – Tai sao lại đói? Không ai cúng cho anh ăn à?

-Tôi đạo Chúa nên người nhà không có cúng…

Thêm một điều lạ nữa, giờ tôi mới biết Diệu An đạo chúa, do mến mộ Phật mà xuất gia (Hoá ra bên Chúa không cúng cho người quá cố ăn như bên đạo Phật).

– Vậy làm sao để anh hết đói?

– Cứ cúng đồ ăn, vái tên tôi là tôi ăn được.

Phúc kể rằng hồi mới mang thai anh, cha mẹ anh cố phá, nhưng không thành, vì vậy mà sau khi sinh ra, trong vô thức, anh luôn tiềm ẩn niệm oán hậncha mẹ. Lớn lên anh trở thành nghịch tử, chuyên làm ba mẹ khổ tâm. Anh đặt làm chìa khoá giả trộm tiền ba mẹ, phá phách đủ điều. Bởi vậy mà sau khi anh chết đi, ba mẹ không thương, không thèm làm đám. Chỉ có người em gái Thu Nga, thương và tội nghiệp anh nên đã đứng ra làm ma chay chu toàn.

Do tội bất hiếu, anh không được đầu thai, phải sống kiếp u hồn đói khát vất vưởng, anh chẳng biết nương ai nên cứ đeo theo Thu Nga, dựa vào em mình cho bớt lạnh lẽo.

Tôi khuyên phúc hãy quy y Tam bảo, Anh đồng ý. Chúng tôi thỉnh quý thầy làm lễ quy y, truyền U minh giới cho Phúc, rước anh về chùa Tăng.

Ngày hôm sau, khi đã quy y xong, Phúc đến (qua thân xác Thu Nga) mỉm cười từ giã tôi. Thực chất tôi rất nhát, cực chẳng đã mới đàm thoại với người âm, vì vậy mà khi Phúc chào, tôi đã vội đưa tay vẫy lia lịa như xua đuổi, không che giấu được nhiệt tình “tống tiễn” mong anh đi cho lẹ.

Thu Nga bình thường phong cách yểu điệu, mảnh mai. Nhưng khi Phúc gá vào, thì vóc dáng ngoại hình biến đổi như đàn ông: mạnh mẽ, đầy nam tính, lại còn ưa chọc ghẹo các cô gái. Tôi nhắc:

– Đã quy y rồi, anh không được như thế!

Phúc cười: – Tôi chỉ giữ giới không tà dâm, chứ đâu có giữ giới “không chọc gái?”…

Tôi vội đưa tay xua xua, tỏ dấu từ giã. (Phúc biết tỏng ý tôi rất muốn anh đi cho lè lẹ, đi cho mau, vì đâu hứng thú gì khi mình tiếp xúc với vong dang mượn xác), nhưng bản tính vốn tinh nghịch nên anh cứ điềm nhiêm bước ra cửa, nhưng ra tới cửa anh đột ngột xoay người lại,(cố tình kéo dài giây phút đứng trước tôi), anh mỉm cười chỉ lên bàn làm việc của tôi, nói:

– Mấy cái bánh ít đó ngon quá hả?

– Anh ăn không? –

Tôi đẩy bánh về phía Phúc. Nhưng anh lắc đầu, khoe:

-Tôi ăn rồi, chiều qua được quý cô cúng ăn no nê, tôi còn cho bạn bè ăn nữa đó!

Và lần này Phúc vẫy tay chào từ biệt thực sự, còn tự xưng pháp danh:

Thôi Chánh Tâm đi nghe! Cô ở lại… vui vẻ.

Tôi thở phào nhẹ nhõm, nhìn theo dáng Phúc, mừng cho một vong linh hết vất vưởng.

Đó là chuyện 23 năm xưa. Bây giờ tôi thường xuyên gặp những câu hỏi khiến
tim mình đau lòng, đại loại như: – Thưa cô, Cháu gái con ai cũng nói là đang bị người âm dựa, con có nên đem đến đền thánh mẫu cúng vái, không cô?

Tôi trả lời – Không, tuyệt đối không! –

Tôi chỉ là người phàm mắt thịt, nhưng tôi cảm nhận được sự khác nhau giữa môi trường thiện lành và những nơi tối tăm đầy âm khí. Cũng vậy, rất dễ phân biệt một người bình thường minh mẫn với người bị vong theo – Vì cử chỉ họ rất bất thường.

Người bị vong theo đa phần là nữ, nhất là những người từng làm mẹ nhưng hay phá thai. Căn cứ vào chuyện của Phúc, do bị cha mẹ phá không thành, được sinh ra mà còn ôm hận như vậy, huống nữa là bị phá thành công? Những vong bị tước đi mạng sống khi vừa mới tượng hình, dù chỉ là cục máu, nhưng thần thức đã có, nên niệm phẫn hận cũng phát sinh mạnh mẽ.
Theo luật nhân quả, họ có quyền báo oán, được phép theo ám, báo, trả thù những ai đã tước đoạt quyền sống của họ.

Câu chuyện này rất dài và phức tạp, tất nhiên tôi chỉ có thể kể những gì đơn giản. (Tất cả Tên trong truyện đều đã được thay đổi khác với tên thật).
Hạnh Đoan – Viết xong tháng 7 -2010