Chuyện của Xuyến
Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Xuyến, con gái của bạn tôi, một hôm đi chợ bỗng bị một bà chỉ vào mặt, lên tiếng:

– Lo mà về cúng vái các vong thai, kẻo không bị phá, nó sắp phá hai vợ chồng tàn mạt đấy!

Xuyến đã bỏ hai cháu sau. Do kinh tế không ổn nên vợ chồng đã đi đến quyết định này…

Mẹ nó liền thỉnh thầy cầu siêu giùm.

Khi thầy lập đàn cầu siêu. Xuyến quỳ giữa chính điện, thầy đọc kinh sám hối giải oan, khi thầy đọc chú phật, bắt ấn để trên đầu xuyến, xuyến oẹ lên một tiếng, gương mặt xinh đẹp của cháu bỗng biến thành mặt quỷ, nước da đen hù, mắt trắng dã lòi hẳn ra, môi xám xịt. Tôi chứng kiến giật mình, lòng bồi hồi thương cảm, nhận ra hai vong thai của xuyến đang ở trong cõi quỷ, ôm hận cao ngút.

Khi thầy đọc đến chú giải oan, hướng dẫn Xuyến sám hối thì gương mặt Xuyến dần dần sáng, xinh đẹp trở lại. Thầy khuyên Xuyến từ nay phải thường làm phúc, cúng dường chùa, tự thân phải tu niệm lễ sám cầu siêu cho vong linh các con.

Là tu sĩ nên tôi không hiểu thấu đáo những nỗi gian khổ nuôi con của cha mẹ. Đọc Kinh Vu Lan, tới chỗ Thế Tôn cùng tôn giả A Nan đi vào rừng, ngang qua núi xương (Bên Ấn Độ hay thường kéo xác người chết bỏ vào rừng có khi không thiêu, các thi thể chất đống tích tụ lâu ngày thành núi xương) Ngài đã ứa lệ giải thích rằng những thi thể trên núi xương này trong nhiều kiếp luân hồi,đã từng là cha mẹ của ngài, vì vậy mà ngài khấu đầu cúi lạy và còn chỉ A Nan cách phân biệt xương đàn ông trắng, xương đàn bà đen thâm – do nhọc nhằn sinh con… làm tôi thật xúc động. Phật là đấng chí tôn, giáo pháp ngài thuyết thường siêu việt tam giới, nhưng những lời ngài diễn tả về ân nghĩa cha mẹ, thật thiết tha, am tường… khiến người nghe phải rưng rưng.

Một chị bạn của tôi kể sơ về nỗi khổ nuôi trẻ. Bé mới sinh ra, suốt đêm khóc dạ đề, cả nhà không ai ngủ được. Người mẹ nếm đủ cơ cực. Vì mới cho bú xong là bé ọc sửa có vòi, phải lo lau dọn, vỗ lưng bé. Mới đặt nằm xuống thì bé ị. Vệ sinh xong thì bé lại khóc thét đòi bú, bú xong thì tè… cứ thế – qui trình ọc sửa, ị, tè, khóc đói… không ngừng lặp đi lặp lại suốt đêm, người mẹ phải lay hoay lau dọn, phục vụ, săn sóc đến đừ đẫn mệt khờ… hết ngủ! Chuyện này không xảy ra một, hai ngày mà suốt thời gian con còn thơ dại. Hồi ấy không có loại tả giấy tiện nghi như bây giờ (mà cho dù có thì những nhà nghèo cũng không với tới) nên mẹ luôn chịu cảnh cực khổ trăm bề, khi mang thai bị hành đủ điều, lúc lâm bồn đau đớn, con sinh ra muộn thì cơn đau càng kéo dài…
Có con, cha mẹ phải làm quần quật kiếm tiền để dưỡng nuôi cho đầy đủ. Chính vì nhiều lý do – kinh tế lẫn sức khoẻ – mà đa số các đấng sinh thành trẻ thời nay đã chọn giải pháp loại bỏ con ngay khi cháu bé vừa mới tượng hình, hầu dễ dàng lo cho đứa hiện tại và tránh được bao nhiêu khê rắc rối do trẻ sơ sinh mang đến.

Chuyện loại bỏ con quá dễ đã sản sinh nhiều hệ luỵ kèm theo, không kể nơi các cặp vợ chồng chính thức mà cả những đôi tình nhân qua đường. Họ “yên tâm” quan hệ dễ dãi, phóng túng trước hôn nhân, vì nghĩ lỡ có con thì cứ nạo bỏ và lý luận: Chỉ là cục máu, có gì phải bận tâm? Thực tế việc này gây nguy hại cho sức khoẻ người mẹ, di chứng vô sinh, là căn nguyên của nhiều bệnh nan y.

Sư Tuyên Hoá nói, thai bị phá sẽ ôm lòng hận, rắp tâm báo thù. Nó có thể làm mẹ ung thư, cha bịnh nan y, cả gia đình bất an…

Có tiếp chuyện với các y tá, bà mụ, bác sĩ phụ sản… mới biết họ cực kỳ phẫn uất vì giới trẻ thời nay quan hệ tình dục phóng túng, phá thai bừa bãi. Có khô môi khuyên nhủ rầy la, thì các cô cũng chẳng quan tâm.

Cũng có chùa từ bi, mở lễ hội cầu siêu cho các anh nhi, tạo cơ hội cho các bà mẹ huỷ thai được dịp ăn năn, sám hối…

Nhưng không thể cứ phá thai để rồi sám hối, nghĩ cầu siêu cho bé như vậy là xong – Vì lầm lỗi tương đương giết một mạng sống, mà dựa vào một lời xin lỗi, liệu có được tha thứ?

Ngày xưa các sĩ tử đi thi, trước khi bắt đầu, nhà trường thường đọc to, mời: “báo oán nhập” trước, rồi mới thỉnh “báo ân” đến sau. Có nghĩa là giây phút sĩ tử làm bài, chờ bước chân vào chốn quan trường thì những oan thân trái chủ tha hồ đến báo oán, và những vong khuất mặt cũng có dịp đến tạ ân. Như vậy ai tạo phúc đức nhiều thì vận khí sẽ may mắn …

Chúng ta sống trong dòng đời, cũng luôn gặp cảnh « báo oán nhập, báo ân lai »… cho dù không có ai rao, nhưng chuyện này vẫn âm thầm xảy ra.

Khi một người phạm tội, toà kêu án, và cho quyền bị cáo được bắt đền, phạt vạ nguyên cáo. Tuy trong Luật nhân quả không có quan toà phán xử, nhưng quả báo vẫn rất sít sao.

Khi các em quan hệ phóng túng, phá thai bừa bãi… tức là đã nhuộm đen tương lai mình. Cuộc sống kể từ đó lúc nào cũng có báo oán nhập… nên cả đời sẽ không được bình thường suôn sẻ như thuở chưa phạm lỗi…

Bởi không thể cứ nạo thai rồi phó thác chùa cầu siêu cho. Lời xin lỗi kiểu này, không đủ xoá tan lòng oán hận. Cho dù chùa có cầu siêu dùm, cũng chỉ là gỡ gạc, nếu bản thân người mẹ, người cha không thành tâm hối cải, ăn năn lỗi trước dứt trừ lỗi sau. Phải chính tự thân đương sự biết tu tỉnh, làm phúc, cúng dường, hành muôn điều lành hồi hướng cho con. Có vậy thì may ra mới xoa dịu được lòng oán, chuyển dữ thành lành, thu được kết quả tốt, chứ nếu cứ phó mặc, ỷ y đã có quý thầy cô lãnh việc siêu độ giúp cho mình, thì không bảo đảm…

Đây là lý do chúng ta thấy có rất nhiều phụ nữ thất thường, hậu quả của tiền án nạo bỏ thai.

Ngày xưa, nam nữ giao tế cẩn thận, nhân cách, nhân phẩm, tiết hạnh luôn được giữ gìn, đề cao. Đứa con thường được đón nhận bằng niềm hoan hỉ khát khao, yêu thương chờ đợi. Hồi xưa dù có nhiều cô gái lỡ lầm, bị tình phụ, bị luờng gạt, vẫn không dám phá thai mà âm thầm ẩn nhẫn nuôi con. Nên cuộc sống họ dù cơ cực, nhưng có thể an nhiên giữa giòng đời. Còn những người mẹ trẻ thời nay, tuy có thể vào viện phụ sản xử lý hậu quả các cuộc tình lưu lại, nhưng kể từ đó đời các cô không được yên, nếu để ý sẽ thấy cả chuỗi dài bất hạnh luôn đến với mình, chưa kể mắc phải bịnh chứng nan y, cá tính thất thường mà không ai hiểu vì sao.

Ông quả khanh trong một bài tự thuật đã kể rằng khi đi ngang các bệnh viện phụ sản hay nơi phá thai, ông thấy vông trẻ đứng đầy trên nóc, mặt dầy sát khí, phẫn hận căm thù.
Ông dự biết chúng sẽ báo oán khi cơ hội đến.

Chuyện tiếp theo:

KHÔNG NÊN PHÁT NGÔN BỪA BÃI KHI ĐI NGANG MỘ HAY BÀN THỜ VONG

Hồi tôi mười tuổi, dì tôi cứ dặn đi dặn lại:

– Này con, có đi chơi đâu, mà thấy mộ hay chỗ thờ cốt nào có chưng hình vong trẻ đẹp, chớ dại mồm buột miệng khen, hay lên tiếng bảo người ta « xinh quá quá mà chết uổng »… nghe không? Nguy hiểm lắm đấy!

– Sao ạ?

Dì giải thích:

– Có những vong chưa siêu còn bám víu quanh hài cốt, nghĩa trang, một khi nghe con khen họ sẽ đeo theo ám…

Tôi là chúa sợ ma, vừa nghe dì nói vậy là đã bủn rủn hết hồn, tất nhiên phải “khắc cốt ghi tâm” lời này. Có lẽ nhờ vậy mà tôi không bị xui xẻo. Có hai câu chuyện thật xảy ra từng ám ảnh tôi, vì người trong cuộc không được ai nhắc nên đã rước khổ luỵ.

Mai, (chị của bạn tôi) vào khoảng năm 1973 mới mười chín tuổi, khi đi ngang khu nghĩa trang sĩ quan, thấy hình anh lính chưng trên mộ mặt mày thanh tú, liền buột miệng nói:

– Trời đất ơi! Thằng cha này “đẹp trai” quá cỡ! Phải mà “thằng chả” còn sống tao “cua” liền!

Sau đó, Mai về nhà, vu quy. Đêm động phòng, sức con gái, nhưng Mai đạp chú rể bay xuống giường. Người nhà tra hỏi, dáng Mai tự dưng cứng đờ, mắt đỏ rực, cử chỉ như đàn ông, cô nghiêm giọng nói:

– Tôi đang ở yên chỗ của mình, mắc mớ gì lên đó trêu ghẹo tôi? Vậy thì tôi theo luôn…

Từ đó Mai sống thất thường, khốn đốn…

*

Còn câu chuyện thứ hai do người trong cuộc kể lại cho chị bạn tôi nghe như sau:

Hùng là một thiếu niên vừa tròn mười bảy, em mộ đạo, phát tâm lìa tục, được chùa thu nhận vào ở tập sự hành điệu, chờ ngày xuất gia.

Một hôm, khi lau dọn bàn thờ vong, thấy hình bé gái mới biết bò, trông rất bụ bẩm kháu khỉnh, Hùng buột miệng:

– Trời, con nhà ai mà dễ thương quá! Còn nhỏ thế mà yểu mạng…

Hai tháng sau, sư cụ trụ trì thấy Hùng ngày càng xanh xao nhợt nhạt, đôi mắt thất thần lờ đờ. Cụ liền cho gọi chú đến, tra gạn:

– Này, con có xúc phạm vong hay chọc phá mộ ai không, mau nói cho thầy rõ.

Mới đầu Hùng còn giấu, nhưng sau đó ngày càng suy sụp, Hùng khai thật với thầy, chú chỉ tỉnh cờ buột miệng thương tiếc tấm hình bé gái biết bò trên bàn vong, nhưng kể từ đó tối nào cũng thấy một thiếu nữ đến qua đêm với mình.

Sư cụ trầm ngâm hồi lâu, rồi bảo:

– Thầy cho con bài chú Phật, đêm nay thấy cô gái đến thì bảo cô ta hãy để yên cho con tu, nếu cô không nghe thì con hãy đọc chú…

Hùng vâng lời. làm y như thầy dạy. Tất nhiên cô gái không chịu từ bỏ, phản ứng rất dữ dội, Hùng đành phải tụng chú.

Bài chú vừa đọc lên, Hùng trố mắt nhìn cô gái từ hình hài thiếu nữ bỗng biến nhỏ dần, nhỏ đến bằng bé gái biết bò rồi cuối cùng biến thành con bướm, bay chập chờn trong mùng. Hùng vội vén mùng lên, con bướm liền chui ra, một con chó chực sẵn ở ngoài há miệng táp ngay con bướm…

Kể từ đó Hừng hết bị khuấy phá. Tuần sau, chú được thầy làm lễ xuất gia cho, và tu an ổn đến già.

Cô Thi là nhà ngoại cảm nên cô thấy và giao tiếp được người cõi âm. Có lần đến thăm chùa, đi ngang qua chỗ phơi quần áo, cô bảo tôi: – Trời ơi họ bu đen nghịt ở đây!

– Sao lạ vậy cô?

– Vì các vong rất thích hít quần áo người sống để hưởng lây dương khí ấm áp, nên hễ chiều buông là phải mau lấy đồ vào, đừng để y phục bị người âm bám hít, mặc vào rất dễ bị bịnh.

Kể từ đó, mặt trời vừa xế là tôi đã lo quơ đồ vào cất, hết dám phơi đến tối mịt.

*

Đối với tôi, viết ra những điều này thật khó khăn. Tôi hoàn toàn không có ý muốn dùng ngòi bút của mình tường thuật các chuyện hoang đường, nhảm nhí không đâu. Thú thật, tận đáy lòng, tôi rất băn khoăn, thậm chí rất âu lo. Tôi không muốn tiếp tục nghe lời báo động của các nhà ngoại cảm về tiếng khóc than của các vong thai, không muốn nghe những câu thắc mắc đáng buồn từ các nhân nhân của người phá thai, không muốn trong cuộc sống tiếp tục có những phụ nữ tinh thần bất thường và chứng kiến cảnh sống của người cha, người mẹ lỡ lầm gặp nhiều bất hạnh … 
Xin hãy đọc những dòng này một cách khách quan, độc giả có thể suy gẫm và tự rút kết luận riêng cho mình. Xin hiểu cho những gì tôi viết ra đều phát xuất từ lòng yêu thương, thực tâm muốn chia sẻ – nhưng không hề đòi hỏi, bắt buộc ai phải tin theo.

Tôi chỉ mong các bạn trẻ sẽ giao lưu cẩn trọng hơn, không nạo bỏ thai bừa bãi, biết gìn lời khi đứng trước mộ, hình vong; biết tự bảo vệ bản thân mình theo phương cách tốt nhất. Xin hãy hiểu và thông cảm, tha thứ cho người viết – nếu những lời này vô tình mang đến tổn thương cho người đọc – Hạnh Đoan Viết xong tháng 8 năm 2006