Chương 6

Khuyên nhủ các thiện tín tại gia

Không nên phân đôi Khổng học và Phật học

Phải tận luân thường mới tận được bổn tâm

Nho học dạy người tận hiếu, tận trung

Phật học dạy người khai tâm, mở tánh

Việc lành thì theo, việc ác thì xa lánh

Kẻ bất nhân há dễ vào Phật đạo được sao.

Nền móng nhà suy sụp lại muốn xây cao

Tà tâm không sửa, mong chi thành Phật.

Trên đường đời, hiếu đạo là bậc nhất

Há xếp trang kinh liền hỗn láo với mẹ cha

Chánh báo [1] và y báo [2] cũng do ta

Chớ phiền trách, chớ đổ thừa mệnh số.

Khách gặp hôm nay do ta mời từ mấy thuở

Quả ác theo nhân ác, chẳng lầm sai

Đã vào chung một nhà, cẩn thận giữ hòa hài

Lòng từ ái sẽ chuyển xoay nhân quả

Pháp Phật dạy gồm thu chín pháp giới

Phật không thuyết lời kinh mà người chẳng thể thực hành

Chớ bảo rằng pháp Phật tận mây xanh

Pháp phàm tục mới dễ sanh, dễ sống.

Đã dễ sanh thì cũng là dễ diệt

Dễ sống thì cũng dễ chết vậy thay

Nên phát huy thiện căn, tánh đức mở khai

Dù trong thế tục cũng trọn đường thế tục.

Ngoài huyền cơ nương nhờ vào Phật lực

Phật dạy về nhân quả suốt ba đời

Đoạn Hoặc chứng Chân, viên mãn Bồ đề

Là những việc Nho giáo chưa hề nghe đến.

Huống chi là vô tu và vô chứng [3]

Là pháp thâm sâu Nho giáo lượng được sao

Nhưng phải đi cho vững trước khi muốn trèo cao

Muốn hiểu Phật Tổ, trước phải theo Hiền Thánh.

Kẻ trái nghịch luân thường thì dám cùng ai sánh

Lại chen vào cửa Phật nói chuyện thấp, cao

Cha hãy từ, con hãy hiếu, thì mới luận cạn, sâu

Học căn bản vững thì lo chi không đạt đạo.

Nho giáo là nền móng trải đường Phật đạo

Nguồn đã sạch thì nước hẳn trong veo

Muốn là chân Phật tử thì chân Nho phải học theo

Muốn thành Phật trước phải là quân tử.

Vua chọn trung thần từ trong hiếu tử

Kẻ tiểu nhân làm sao gánh được đạo Như Lai?

Làm sao nối tuệ mạng, hóa độ muôn loài?

Nên phải biết, pháp Phật gồm thu Tiểu, Đại.

Pháp thế gian, xuất thế gian, đều trong Phật pháp

Nhân đạo vẹn toàn thì Phật đạo mới viên dung

Nếu đối cha bất hiếu, đối vua bất trung

Lễ nghĩa liêm sỉ chẳng hề sáng tỏ

Thì dù có xây chùa cao, khua chuông, đánh mõ

Không tu tâm, Phật chẳng thể gia trì

Như người ngộ độc, uống thuốc bổ vào thì có ích chi

Trước phải ói ra cái độc, gọi là đoạn Hoặc.

 

Luận về giáo dục gia đình

Gia đình hưng thịnh cần gia quy nghiêm chỉnh

Tan nát gia đình bởi bỏ phế gia quy

Muốn con nên người, cha mẹ thận trọng mỗi hành vi

Tránh nhân ác, và dạy con trồng nhân thiện.

Giáo dục trong gia đình là điều khẩn thiết

Hãy dạy con từ lúc bế trong nôi

Khi lớn lên quen tánh thiện, bước vào đời

Đối cảnh, gặp người, biết câu nhân ái.

Không như kẻ ỷ vào thông minh, khinh người ngu dại

Dù tài cao, chí lớn, học rộng, biết nhiều

Không biết nghĩa nhân, mê lợi đánh liều

Hủy diệt đạo nghĩa, khinh thường nhân quả.

Đa phần người như vậy do gia đình buông thả

Lúc bé thơ hãy dạy tánh siêng năng

Hãy dạy con làm những việc vừa sức, vừa thân

Chớ cung cấp áo quần xa hoa, lòe loẹt.

Khi con phí phạm vật dụng, nên răn đe, giải thích

Dạy con biết ơn người chế tạo, vun trồng

Khi con biết đọc, hãy cho con sách dạy đức ân

Gây dựng nền tảng từ thuở còn bé bõng.

Cha mẹ không dạy con đúng cách, khi con hư hõng

Không biết lỗi mình, chỉ biết chối bỏ con

Vừa thiếu lòng nhân mà trọng trách chẳng vuông tròn

Trách người dễ, trách chính mình chẳng dễ.

Dạy con như vậy, đứa có thiên tư xuất thế

Sẽ trở thành bậc anh kiệt, vĩ nhân

Đứa không sẵn thiên tư cũng sẽ có tình thương

Tánh vốn thiện, sẽ dạy người hướng thiện.

Không biết dạy con nên đứa thông minh dễ thành ngụy biện

Kênh kiệu với người bởi chẳng biết nhún nhường

Không biết thương người ngu dại, bởi thích phô trương

Không được dạy khuôn phép nên biết đâu đạo hiếu.

Cha mẹ thương con nên dạy câu Phật hiệu

Vun bồi phước tuệ, tăng trưởng thiện tâm

Từ ấu thơ, dạy không làm hại thú cầm

Khi khôn lớn ngại làm điều gian ác.

Dạy con thành nhân là việc làm bậc nhất

Mỗi việc làm đều theo dấu hiền nhân

Đó chính là dùng thế tục tu chân

Tình yêu mến nên mang màu bi trí.

Đứa nhỏ dại thường cận kề mẹ, chị

Nên vai trò phụ nữ chớ xem thường

Xưa Thái phu nhân sinh hạ Văn Vương[4]

Đức lớn rộng dạy con thành bậc thánh.

Muốn dựng nước, con gái là điểm chánh

Là người sinh thành và ảnh hưởng bậc trượng phu

Nếu thuở bé thơ không được dạy toàn chu

Khi làm vợ biết đâu là chánh đạo.

Sinh con cái, nếu không phải do hiền mẫu

Bước vào đời, biết thành bại ra sao

Giúp chồng, dạy con, là trách nhiệm bậc nữ lưu

Chớ bương bãi theo cành mà bỏ gốc.

Ấn Quang tôi thường nói,

Nữ nhân chính là bậc tề gia trị quốc

Tự bên trong rường cột của lương tri

Đời nay lắm kẻ chỉ lo trau chuốt mặt mày

Lòng bất thiện, dạy con lời bất thiện.

Mẹ là hiền mẫu thì hiền nhân xuất hiện

Giáo dục gia đình chuyển cộng nghiệp đó thôi

Tai họa liên miên bởi giáo dục suy đồi

Chẳng lo thất đức mà chỉ lo thất nghiệp.

Muốn có con hiền, hãy nên bồi đức

  1. Biết đạo trời thì gầy dựng được thế gian.

 

Khuyên nên tại gia hoằng pháp

Học Phật là để khôi phục bản tâm

Không phân biệt còn tóc hay cạo tóc

Với cư sĩ, nhà chính là trường học

Pháp quyến không ngoài cha mẹ, vợ con

Tự tu hành, khuyên nhủ bạn đồng môn

Cùng quy hướng trì danh cầu Cực Lạc.

Khuyên cha mẹ tu hành là con đại hiếu

Biết lạc về đâu khi cha mẹ mất thân

Xưa vua Đại Vũ là bậc thánh nhân

Vẫn không thể cứu khi cha đầu thai làm thú.[5]

Với người chung quanh, lòng hằng khuyên nhủ

Một người cầu vãng sanh tức thêm một Phật viên thành

Đây mới chính là ý nghĩa độ sanh

Tâm hằng tư lự, lo chúng sinh không tin nhận.

Bỏ mất cơ hội đời đời không thấy Phật

Đức từ bi thể hiện tại nơi đây

Hằng nhắc nhở người hết dạ tu trì

Nhớ nỗi khổ luân hồi trong sáu ngã.

Người thế gian dễ theo đời sa đọa

Khi biết tu hành lại cầu phước báu nhân thiên

Cầu thần thông, cầu tuổi thọ thần tiên

Không biết nguyện được sinh về Lạc quốc.

 

Chữ Hiếu của thế gian thường theo cành, bỏ gốc

Dạy chăm lo, cung cấp vật cần dùng

Dạy quạt Hè, ấp lạnh lúc trời Đông

Dạy thành đạt, làm rạng danh tiên tổ.

Sợ mất giống nên gã chồng, dựng vợ

Sợ lúc qua đời không có kẻ khói hương

Sợ mất bàn thờ mà chẳng sợ lỡ mất Tây phương

Dù chu đáo nhưng vẫn là thế sự.

Đối với giải thoát không mảy may ích lợi

Dù được xem là hiếu tử, tiếng lưu đời

Cũng chỉ là câu khen ngợi nhất thời

Sao sánh được với tấm lòng từ mẫn.

Đạo hiếu xuất thế gian lìa tâm vương vấn

Vượt thế tình, lo sinh tử của mẹ cha

Khuyên cầu Tây phương như giục mẹ về nhà

Khuyên tìm bổn tánh như tìm gia tài chôn kín.

Kinh Địa Tạng nói về kẻ ngu si hiếu kính

Lúc cha mẹ lâm chung lại giết hại heo, gà

Mang lên bàn thờ như kết chặt mối oan gia

Khiến cha mẹ càng khó khăn siêu độ

Người đại hiếu vẹn hai đường lớn, nhỏ

Cả thế gian và cả xuất thế gian.

Thường chăm nom nhưng khéo léo khuyên can

Dùng thân chính mình nêu gương đạo hạnh

Khuyên niệm Phật, ăn chay, cầu sinh cõi Tịnh

Không tạo thêm tội thì đới nghiệp vãng sinh.

Chín phẩm sen vàng an trú tánh linh

Nơi đất Phật sẽ viên thành quả Phật.

Nếu cha mẹ đã bỏ thân, ngày ngày truy tiến [6]

Luôn tu hành mong hồi hướng Tây thiên

Nếu chưa vãng sinh thì sẽ được vãng sinh

Nếu đã vãng sinh, nâng cao phẩm vị

Được như vậy tức làm bốn lời nguyện thệ [7]

Cũng hoàn thành pháp tự lợi, lợi tha

Không những là báo đáp hiếu mẹ cha

Mà công đức chính mình thêm thù thắng.

Đó là kẻ biết dùng thân thuyết pháp

Lục đạo chúng sinh là quyến thuộc lâu xa

Độ chúng sinh tức trả hiếu mẹ cha

Nên Phật dạy, hiếu thuận là chí đạo.[8]

Nên phải biết,

Một chữ hiếu trả cho tứ sinh[9], lục đạo[10]

Trong luân hồi đã thay mặt, đổi tên

Gặp lại nhau chẳng biết để đáp đền

Việc nhỏ nhất là trường chay, không giết hại.

Với người không tin, chẳng nên tranh cãi

Làm hết phận mình theo thuyết chính danh[11]

Không nên ép người niệm Phật vãng sanh

Chẳng khác kẻ đè đầu bò cho gặp cỏ.

Thời nay pháp nhược ma cường, người tại gia nên hỗ trợ

Chuyên trì ngũ giới, niệm Phật Di Đà

Tự mình tu hành, khuyên nhủ gần xa

Phải biết rằng, đó là việc chung của tứ chúng [12]

Thân tâm đoan chánh, người người vâng phục

Không khiến sai mà người tự y theo

Như gió thổi qua, cỏ nép thuận chiều

Giữa phố thị, nói, làm, theo chánh kiến.

Nên Ấn Quang tôi viết câu đối liễn:

“Đường tắt Tây phương nếu chẳng biết dùng

Pháp Phật trong chín cõi, đâu là chỗ viên dung?

Bỏ pháp Tịnh độ, Phật mười phương không độ khắp”.

 

Khuyên nên ở nơi trần thế học đạo

Hàng cư sĩ có trăm điều lo tính

Cha mẹ, vợ con, công sở, cửa nhà

Nên tùy phận mình mà tu tập tại gia

Chẳng thể bỏ tất cả, ngồi yên mong nhập định.

Cho nên, niệm Phật là pháp môn cứu cánh

Khẩu niệm hay tâm niệm cả mọi thời

Lúc đến đi, khi ngủ nghỉ, đứng ngồi

Tâm luôn giữ lấy một câu Phật hiệu.

Muốn học pháp xuất thế, thân không cần xuất thế

Sống giữa chợ đời, nương pháp Phật chuyên cần

Đi đứng, nằm ngồi, nói nín, uống ăn

Nhất cử nhất động đều thuận theo Phật trí.

Được như vậy, một niệm gồm thu ba ngàn cảnh giới[13]

Huống chi là việc đoạn Hoặc chứng Chân

Liễu thoát tử sinh, ngự cõi Liên bang

Xưa cũng vậy mà ngày nay cũng vậy.

Có khác chi Duy Ma [14], Bàng cư sĩ [15]

Đệ tử Như Lai phải đâu tất cả phải vào chùa

Sống tại gia nhưng việc ác ngăn ngừa

Giữ câu Phật hiệu, thân tâm hằng kiểm thúc.

Ngày cũng như đêm, năm canh, sáu khắc

Giữ chân tâm như giữ tuệ mạng Như Lai

Đến một ngày, phát hiện Thực Tướng Không Hai

Sánh vai bậc xuất gia đâu thua kém.

Vẫn hơn kẻ cạo đầu nương cửa Phật

Chuông mõ lơ là, kinh kệ qua loa

Yên phận dần dà, mặc ngày tháng lại qua

Chưa ngộ được đạo, huống chi là chứng đạo.

Sống đời tại gia nhưng biết lấy khổ làm pháp bảo

Bổn phận viên toàn, đủ đức hiếu sinh

Có tiền tài thì cứu giúp kẻ lênh đênh

Có trí tuệ thì khuyên người nên niệm Phật.

Như thuyền xuôi dòng, căng buồm trên sóng nước

Chẳng nhọc công lao liền đến bờ kia

Nếu lãm thông thì Thiền Tịnh song tu

Nhưng phải lấy Tịnh môn làm rường cột.

Nếu là kẻ trung căn thì không cần thông kinh luận

Nhưng luôn ghi lòng việc ác không làm

Luôn trì danh hiệu Phật, hướng Liên bang

Tuy nhàn hạ nhưng bên trong ngầm thông Phật trí.

Cán cân công phu nghiêng về người chánh tín

Được lợi ích thâm sâu hơn kẻ đa văn

Bởi đa văn nên cứ mãi tính toan

Dùng tri kiến thế gian mà luận nghị.

Nếu biết buông xả trăm lo ngàn nghĩ

Sẵn thông minh sẽ triệt ngộ, không lầm.

Tín-Hạnh-Nguyện song hành sẽ vào được bản tâm

Nếu chẳng vậy, tri thức kia chỉ để dành phỏng đoán.

Kẻ tham thiền nếu không minh-tâm-kiến-tánh

Suy luận nọ kia thì chỉ là mớ kiến thức tả tơi

Mang tiếng tham thiền nhưng chỉ là tham chữ, chuộng lời

Càng nghiền ngẫm càng sa vào bế tắc.

Người diệu ngộ là ngộ ra tánh Phật

Nào phải đâu chỉ giải được nghĩa văn chương

Thấy tánh rồi, thực chứng mới phi thường

  1. Nếu chẳng được vậy, phải gia công quán chiếu.

—————————————————————-

[1] Giáo pháp của Phật chủ trương chánh báo và y báo hay tất cả thân thể và sở hữu của chúng sanh đều do tâm của họ biến hiện

[2] # 42.

[3] Tông Thiên Thai gọi là Vô Tác Tính Đức, chỉ cho bậc chân nhân. Xem kinh Tứ Thập Nhị Chương.

[4] Vua lập ra nhà Chu.

[5] Cha vua là Cổn, đầu thai làm một giống rùa.

[6] Làm việc lành hồi hướng cho cha mẹ.

[7] Tứ Hoằng Thệ Nguyện.

[8] Kinh Phạm Võng, Hiếu thuận là pháp chí đạo. Hiếu gọi là giới.

[9] Bốn cách sinh: Thai, nõan, thấp, hóa.

[10] Trời, người, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

[11] Nho giáo, cha tròn bổn phận của cha, con tròn bổn phận của con.

[12] Tăng, ni, cư sĩ nam, nữ.

[13] Nhất niệm tam thiên, Thiên Thai Trí Giả (538-597)

[14] Cư sĩ Duy Ma Cật, thời Phật tại thế.

[15] Bàng Long Uẩn, một cư sĩ nổi tiếng. Đây là những bài kệ nổi bậc của ông: “Thập phương đồng tụ hội cá cá học vô vi. Thử thị tuyển Phật trường Tâm không cập đệ qui.” (Mười phương đồng tụ hội Mỗi người học vô vi Đây là trường thi Phật Tâm không thi đậu về).