CÂU CHUYỆN VỀ LÒNG BIẾT ƠN MẸ
Một chàng trai trẻ học xong bậc đại học rất xuất sắc. Chàng nộp đơn xin vào một chức vụ quản trị viên trong một công ty lớn. Chàng ta vượt qua được đợt phỏng vấn đầu tiên. Đến lượt Ông giám đốc công ty đích thân thực hiện cuộc phỏng vấn cuối cùng để có quyết định chót.
Ông giám đốc nhận thấy trong học bạ của chàng trai trẻ kết quả học hành tất cả đều rất tốt, liên tục từ bậc trung học cho tới các chương trình nghiên cứu khi lên đại học và sau nữa. Không một năm học nào mà anh chàng này không hoàn thành tốt đẹp.
Ông giám đốc hỏi: “Anh có được hưởng học bổng nào khi còn theo học hay không?” Chàng trai trẻ trả lời “Thưa không!”
“Như vậy là Cha anh trả học phí cho anh đi học hay sao?” Chàng đáp: “Thưa Cha tôi đã qua đời khi tôi vừa mới được một tuổi. Chính Mẹ tôi mới là người trả học phí cho tôi.”
Ông giám đốc lại hỏi: “Thế Mẹ của anh làm việc ở nơi nào?” Chàng đáp: “Thưa Mẹ tôi làm công việc giặt giũ quần áo để kiếm sống.”
Ông giám đốc bảo chàng trai trẻ đưa đôi bàn tay của chàng cho ông xem. Chàng đưa cho ông ta coi thấy cả hai bàn tay chàng đều mịn màng và toàn hảo.
Ông giám đốc hỏi: “Vậy thì từ trước tới nay anh có bao giờ giúp Mẹ anh giặt giũ các áo quần không?”
Chàng trai trẻ đáp: “Thưa chưa bao giờ. Mẹ tôi luôn luôn bảo tôi phải lo học hành cho chăm chỉ và phải đọc sách vở thêm cho nhiều. Hơn nữa, mẹ tôi giặt giũ quần áo nhanh hơn tôi.”
Ông giám đốc nói: “Tôi có một yêu cầu thế này nhé! Hôm nay khi trở về nhà, anh hãy tới giúp Mẹ anh lau đôi bàn tay của bà cho sạch sẽ, và rồi sáng ngày mai anh đến gặp lại tôi.”
Chàng trai trẻ có cảm tưởng là mình có rất nhiều hy vọng sẽ được tuyển dụng vào làm chức vụ này. Khi quay trở về nhà, chàng ta sung sướng chỉ muốn xin được lau rửa đôi bàn tay của bà Mẹ. Mẹ chàng cảm thấy lạ lùng và có cảm giác vừa vui sướng mà cũng vừa lo ngại, bà đưa đôi bàn tay cho con trai.
Chàng trai trẻ chậm rãi lau sạch đôi bàn tay của Mẹ mình, vừa lau vừa nhỏ đôi dòng nước mắt. Ðây là lần đầu tiên chàng mới có dịp nhận thấy đôi bàn tay của bà Mẹ chàng quá nhăn nheo và đầy những vết bầm tím. Một vài vết bầm tím gây ra đau nhức mạnh khiến cho bà phải rùng mình khi được lau rửa bằng nước.
Đây là lần đầu tiên mà chàng trai trẻ nhận thức ra được và cảm thông rằng từ bao lâu nay chính đôi bàn tay giặt giũ quần áo hằng ngày này đã giúp trả tiền học hành cho chàng. Những vết bầm tím trong đôi tay của Mẹ là cái giá mà Mẹ chàng đã trả cho chàng được tốt nghiệp, trả cho những kết quả học hành xuất sắc của chàng và có lẽ cho cả cái tương lai sẽ tới của chàng nữa.
Sau khi lau sạch đôi bàn tay của Mẹ mình, chàng trai trẻ lặng lẽ lo giặt hết phần quần áo còn lại thay cho Mẹ. Đêm hôm đó, bà Mẹ và chàng con tâm sự với nhau thật là lâu.
Sáng sớm ngày hôm sau, chàng trai trẻ đi tới văn phòng của Ông giám đốc. Ông giám đốc nhận thấy những giọt nước mắt còn chưa ráo hết trong mắt của chàng. Ông hỏi: “Anh có thể nói cho tôi biết vào ngày hôm qua ở nhà, anh đã làm những gì và đã học được những điều gì hay chăng?”
Chàng trai trẻ trả lời: “Tôi đã lau rửa sạch sẽ đôi bàn tay của Mẹ tôi, và cũng đã giặt giũ hết phần quần áo còn lại.”
Ông giám đốc hỏi: “Hãy nói cho tôi biết cảm tưởng của anh ra sao?”
Chàng trai trẻ thưa:
“Thứ nhất, tôi hiểu ra được thế nào là ý nghĩa của lòng biết ơn. Không có Mẹ tôi, tôi không thể là một con người thành đạt được như ngày hôm nay.
Thứ hai, tôi biết cách hợp tác cùng làm việc với Mẹ tôi, và chỉ tới giờ đây tôi mới nhận thức được rằng thật gian khó và khổ nhọc để hoàn tất một công việc gì đó.
Thứ ba, tôi hiểu được ra cái tầm mức quan trọng và cái giá trị của mối liên hệ gia đình.”
Ông giám đốc nói: “Ðây là những gì mà tôi cần đấy! Tôi muốn tuyển dụng vào chức vụ quản lý một người phải biết quý trọng sự giúp đỡ của những người khác, một người cảm thông sự khó nhọc của những người khác để hoàn thành nhiệm vụ, và một người không chỉ nghĩ đến tiền bạc như là mục tiêu duy nhất trong cuộc đời. Em được tuyển nhận!”
Về sau này, chàng thanh niên trai trẻ này làm việc rất hăng say, và được các nhân viên dưới quyền của chàng kính trọng. Tất cả nhân viên làm việc siêng năng và hợp tác với nhau. Công ty mỗi ngày một phát đạt thêm rất nhiều.
*
Một đứa trẻ được che chở và có thói quen muốn thứ gì được thứ đó thời đứa trẻ sẽ phát triển “trạng thái tâm lý quyền lực” và nó sẽ luôn luôn chỉ nghĩ đến bản thân nó trước hết. Nó sẽ không màng tới các nỗ lực của cha mẹ nó.
Khi khởi sự làm việc, nó cho rằng mọi người phải nghe theo lời nó; và khi nó trở thành một quản trị viên, nó có thể sẽ không bao giờ biết đến sự gian khó của các nhân viên dưới quyền và luôn luôn trách cứ người khác.
Ðối với hạng người này, họ có thể đạt được kết quả tốt, có thể gặt hái được sự thành công trong một thời gian ngắn, nhưng cuối cùng thật sự họ sẽ không bao giờ cảm nhận được ý nghĩa của sự thành tựu. Họ sẽ càu nhàu, chất đầy oán ghét và đấu tranh để có được nhiều thêm nữa.
Nếu chúng ta thuộc vào loại cha mẹ chuyên bao che cho con cái như thế này, xin nghĩ lại phải chăng chúng ta đang thương yêu đứa trẻ hay là đang hủy hoại chúng?
Bạn có thể cho con cái bạn sống trong một căn nhà to lớn, ăn uống đầy đủ ngon lành, lại học chơi cả đàn dương cầm, xem TV với màn ảnh rộng. Nhưng khi bạn cắt cỏ ngoài vườn, xin bạn vui lòng cho chúng cùng biết cách tham gia làm công việc đó. Sau một bữa ăn, hãy để chúng tự rửa bát đĩa của chúng nó cùng với các anh chị em khác nhé!.
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(phóng tác theo “STORY OF APPRECIATION, tác giả vô danh)
Không phải vì bạn không có tiền để mướn người làm trong nhà, nhưng bởi vì bạn nên yêu thương con theo một cách đúng đắn..
Bạn muốn chúng hiểu ra rằng dù cho cha mẹ chúng giàu có tới cỡ nào, một ngày kia tóc chúng rồi cũng sẽ bạc như mẹ của chàng thanh niên trai trẻ kia. Ðiều quan trọng nhất là con cái của bạn cần học hỏi để hiểu cách tỏ lòng biết ơn về những nỗ lực và rút kinh nghiệm về những gian khó và học hỏi khả năng cộng tác làm việc với người khác hầu cho mọi công việc được hoàn thành tốt đẹp.