BỐN ĐIỀU PHẬT KHÔNG THỂ LÀM

Hiển Mật Đỗ Hữu Trạch

 

Một đệ tử hỏi Phật rằng: “Ngài có thần thông, lại từ bi muốn giúp chúng sinh, nhưng vì sao vẫn còn những kẻ chịu khổ vậy?”

Phật rằng: “Ta tuy có thần thông rất lớn, nhưng có bốn điều vẫn không thể thực hiện được, là:

1. Nhân quả không thể hoán đổi, tự gieo nhân thì tự nhận quả, người khác không thể nhận thay.

2. Trí tuệ không thể cho được, muốn có trí tuệ thì phải tự mình tu học.

3. Tột cùng của Diệu Pháp không thể diễn tả và bản thể chân thực của vũ trụ không thể dùng ngôn ngữ để cắt nghĩa cho người khác hiểu được, chỉ có thể dựa và thực chứng mà thôi.

4. Không có duyên thì không thể độ. Người không có duyên thì không bao giờ chịu nghe những lời chúng ta chia sẻ. Trời mưa tuy lớn, nhưng cây không có rễ, khó mà ngấm nước. Phật môn tuy rộng mở, nhưng khó độ người vô duyên.

LỜI BÌNH

Bài này rất hay và rất đúng, nhưng nó không liên quan đến việc NIỆM PHẬT DI ĐÀ CẦU SINH CỰC LẠC của chúng ta. Tại sao? Để tôi giải thích cho các bạn rõ:

1. Phật dạy: “Nhân quả không thể hoán đổi, tự gieo nhân thì tự nhận quả, người khác không thể nhận thay!”

Lời bình:  Người tu Tịnh Độ không cầu Phật rửa tội hay lãnh nghiệp cho mình, mà chỉ xin mang theo những nghiệp chưa giải trừ được, sinh về Cực Lạc. Do đó, lời dậy thứ nhất không liên quan đến chúng ta.

2. Phật dạy: “Trí tuệ không thể cho được, muốn có trí tuệ thì phải tự mình tu học.”

Lời bình: Lời dậy thứ hai cũng không liên quan đến chúng ta, vì người tu Tịnh Độ không xin trí tuệ, mà chỉ cầu Phật giúp mình giải trừ nghiệp chướng, được sinh Cực Lạc. Rồi tại Cực Lạc, họ sẽ tu học để khai mở trí tuệ.

Nói như vậy, tất có người thắc mắc, không biết chư Phật giúp chúng ta giải nghiệp như thế nào? Chư Phật giúp chúng ta giải nghiệp, như thầy giáo giúp học trò học bài, như bác sĩ giúp bệnh nhân chữa bệnh, như ngân hàng cho chúng ta vay tiền!

Như thầy giáo giúp học trò học bài, chư Phật có thể giúp chúng ta đọc bài kinh hay bài chú mà chúng ta muốn đọc, nhưng vì nghiệp chướng quá nặng, nên không có công năng đọc tụng bài kinh hay bài chú ấy. Học đọc kinh chú, gọi là HỌC ĐẠO.

Như bác sĩ giúp bệnh nhân chữa bệnh, chư Phật có thể giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, nhưng chúng ta phải lắng nghe và thực hành lời khuyên của chư Phật liên quan đến việc khắc phục khó khăn ấy. Thực hành lời khuyên của chư Phật, gọi là TU ĐẠO.

Như ngân hàng cho chúng ta vay tiền để thực hiện một ước mơ cấp bách, chư Phật có thể cho chúng ta mượn công đức, nhưng chúng ta phải hứa trả món nợ ấy, bằng cách:

– Hoặc NGUYỆN LÀM TỪ THIỆN mà đặc biệt là: bố thí tài vật để giúp người nghèo khó, bệnh tật; bố thí vô uý để giúp người đang lo, đang sợ; bố thí Chính Pháp để giúp người tìm cầu Chân Lý.

– Hoặc NGUYỆN TRỒNG CÔNG ĐỨC, rồi đem hồi hướng cho pháp giới chúng sinh đồng sinh Cực Lạc, thành Phật Đạo.

3. Phật dạy: “Tột cùng của Diệu Pháp không thể diễn tả và bản thể chân thực của vũ trụ không thể dùng ngôn ngữ để cắt nghĩa cho người khác hiểu được, chỉ có thể dựa vào thực chứng mà thôi!”

Lời bình: Người tu Tịnh Độ không cầu Phật dậy về tột cùng của Diệu Pháp hoặc giảng về bản thể của vũ trụ, mà chỉ xin Phật đón về Cực Lạc tu học. Vì vậy, lời dậy thứ ba cũng không liên quan đến chúng ta.

4. Phật dạy: “Không có duyên thì không thể độ. Người không có duyên thì không bao giờ chịu nghe những lời chúng ta chia sẻ. Trời mưa tuy lớn, nhưng cây không có rễ, khó mà ngấm nước. Phật môn tuy rộng mở, nhưng khó độ người vô duyên.”

Lời bình: Phật nói rất rõ ràng rằng: “Không có duyên thì không thể độ. Vì sao? Vì người vô duyên không chịu nghe lời khuyên dậy của Phật! Không nghe lời Phật dậy, giống như cái cây không có rễ thì khó ngấm được nước mưa!” Trái lại, người tu Tịnh Độ nghe lời Phật dậy, tránh ác, làm lành, niệm Phật Di Đà, cầu sinh Cực Lạc, vậy họ không phải là kẻ vô duyên. Vì không vô duyên, nên họ sẽ được Phật A Di Đà hiện ra, tiếp dẫn vào lúc lâm chung. Vậy, lời dậy thứ tư cũng không liên quan đến chúng ta.

Tóm lại, những gì người tu Tịnh Độ trông mong ở Phật, đều KHÔNG PHẢI LÀ NHỮNG ĐIỀU PHẬT KHÔNG LÀM ĐƯỢC. Nói một cách khác, Phật có đầy đủ khả năng để giúp đỡ người tu Tịnh Độ và người tu Tịnh Độ cũng có đầy đủ nhân duyên để nhận lãnh sự giúp đỡ của Phật. Tại sao?

Ví như người có đứa con hư, bỏ nhà đi hoang. Bỗng nhiên, hối lỗi, sửa mình, xin trở về nhà. Các bạn nghĩ xem: người ấy có vui lòng đón nhận con mình không?

Hiển Mật
Viết ngày 17 tháng 1 năm 2017
Cập nhật ngày 24 tháng 6 năm 2017