Bài sớ về ao phóng sanh chùa Pháp Vân ở sông Tam Xoa[1], Kim Lăng

Kim Lăng[2] là đất văn hiến, thường được gọi là Phật Quốc. Người xứ ấy đa phần có căn tánh Đại Thừa. Từ khi đại pháp truyền sang Đông, hơn một trăm bảy mươi năm chỉ ở phương Bắc. Đến năm Xích Ô thứ tư (241) đời Tôn Quyền nhà Ngô, tôn giả Khang Tăng Hội đến giáo hóa đất này, cảm được xá-lợi Phật giáng lâm, Tôn Quyền bèn cho dựng tháp lập chùa để hoằng pháp hóa. Đến đời Tấn, ngài Phật Đà Bạt Đà La[3] cũng dịch kinh Hoa Nghiêm ở nơi đây. Từ đời Tống, Tề, Lương, Trần trở đi, dịch kinh hoằng pháp có rất nhiều vị. Một là do thiện căn xưa kia un đúc khiến thành ra như thế; hai là núi cao, nước sâu, địa linh khiến thành ra như vậy. Đến thời Đường Túc Tông, Lỗ Công Nhan Chân Khanh trấn giữ đất này, vua hạ chiếu truyền các châu trong thiên hạ đều lập ao phóng sanh, sai Lỗ Công soạn bài văn, có câu: “Cả thiên hạ đều thành ao, trọn đất nước đều nhờ phước, chứ nào phải chỉ tính kế riêng cho loài vật mà thôi ư!” ấy là muốn cho [người đọc đến] phải cảm động vậy!

Đầm Ô Long dưới núi Thanh Lương chính là ao phóng sanh do Lỗ Công tự lập. Lỗ Công lòng tinh trung ngời nhật nguyệt, văn bút động gió mây, nhưng lại dốc lòng tin tưởng Phật pháp, cực lực bảo vệ sanh mạng loài vật. Đức hạnh tốt đẹp, lòng từ bao la ấy một ngàn trăm năm sau không ai chẳng kính ngưỡng! Gần đây, thế đạo nhân tâm suy kém đã đến độ cùng cực, thiên tai, nhân họa xảy ra liên miên. Người có lòng lo lắng cho đời đều cho rằng những nghiệp quả ấy đều do sát nghiệp tạo ra. Nếu biết được loài vật chẳng nên giết, chắc chắn không khi nào có người giết! Do vậy, những người ôm lòng từ thiện nâng đỡ lẫn nhau, sẽ tự có thể thay đổi phong tục, chiêu cảm được thiên hòa. Do vậy, các vị cư sĩ Phùng Mộng Lão, Vương Ấu Nông, Bàng Tánh Tồn, Ngụy Mai Tôn… tính lập ao phóng sanh để đề xướng đạo “ngưng giết, hành từ”, ngõ hầu đề cao phong tục “coi dân chúng như ruột thịt, coi loài vật như chính mình”.

Do nền cũ đầm Ô Long của Lỗ Công không thông ra sông, nên họ tìm riêng một cuộc đất rộng rãi hơn một trăm mấy mươi mẫu ở phía dưới bờ đập nhà họ Phương ở sông Tam Xoa, đủ để kiến lập đạo tràng, đào ao phóng sanh. May là chủ cuộc đất ấy là ông Phương Tuấn Sanh vốn là bậc quân tử thích làm lành, chỉ lấy nửa giá, cũng có thể nói là công đức hy hữu vậy! Bàn bạc vừa xong, nhằm đúng lúc tôi đến Kim Lăng, ông Ngụy đem chuyện này bảo với tôi, nhờ viết tờ sớ để xướng suất. Tôi thường đau đớn trước nỗi thảm sát kiếp trong thời gần đây, muốn vãn hồi nhưng không có sức. Nay do ông ta thỉnh, lòng xúc động, trước kia tôi từng soạn bài sớ cho ao phóng sanh chùa Cực Lạc ở Nam Tầm, đã trình bày đại lược chuyện chúng ta cùng loài vật vốn có đủ chân tâm, do tùy theo nghiệp mà thăng – trầm, cũng như quả báo do sát sanh hay phóng sanh trong hiện tại – tương lai, nên ở đây chỉ nói đại lược, không nhắc lại nữa.

Kính mong chư vị đàn-việt[4] cùng phát thiện tâm, cùng bỏ ra tịnh tài khiến cho việc này mau được thành công, ngõ hầu muôn vật loài nào loài nấy sống yên; công đức lợi ích ấy vô lượng, vô biên, há nào phải chỉ trong hiện đời vạn họa băng tiêu, ngàn sự tốt lành nhóm đến như mây, mà trong đời vị lai những người đền ân báo đức cũng chẳng biết là bao nhiêu ngàn vạn ức! Phải biết phóng sánh vốn là kiêng giết, kiêng giết phải khởi đầu từ việc ăn chay! Nếu ai nấy đều kiêng giết, ai nấy đều ăn chay thì nhà nhà tập thói từ thiện, người người giữ trọn lễ nghĩa, phong tục tốt đẹp tinh thuần, thời thế hòa bình, được mùa, nào đến nỗi có chuyện đao binh kiếp khởi, đây – kia đánh lẫn nhau! Đấy chính là chuyện trọng yếu, là “nguồn trong gốc chánh” để vãn hồi thiên tai nhân họa vậy! Phàm những ai muốn cho cửa nhà yên ổn, thân tâm khỏe mạnh, yên vui, thiên hạ thái bình, nhân dân an lạc, xin hãy cầu từ nơi kiêng giết phóng sanh, ăn chay, niệm Phật thì cầu gì mà chẳng được!

***

[1] Sông Tam Xoa nằm phía Nam Kim Lăng, do sông hợp nhánh cùng với sông Tần Hoài ở phía Đông và Thanh Giang tại phía Nam cùng đổ ra biển, có hình dáng giống như cái chĩa ba nên có tên như vậy.

[2] Kim Lăng là tên cũ của Nam Kinh. Nam Kinh còn có tên khác là Giang Ninh. Đây là kinh đô của nhiều triều đại trong lịch sử, thường được biết đến dưới tên gọi Lục Triều Cổ Đô. Năm Vĩnh Lạc 19, Minh Thành Tổ dời đô lên Bắc Kinh; do vậy, đổi Kim Lăng thành Nam Kinh.

[3] Phật Đà Bạt Đà La (359-429), tiếng Phạn là Buddhabhadra, dịch nghĩa là Giác Hiền hoặc Phật Hiền. Ngài là vị cao tăng, người thành Na Ha Lợi, Bắc Ấn, là hậu duệ của Cam Lộ Phạn Vương thành Ca Tỳ La Vệ. Xuất gia năm mười bảy tuổi, tu hành tinh tấn, đọc rộng các kinh sách, tinh thông Thiền, Luật. Sau Ngài cùng đồng học là Tăng Già Đạt Đa qua Kế Tân học Thiền với ngài Phật Đại Tiên. Rồi ngài nhận lời thỉnh của sư Trí Nghiêm, đến Trường An vào năm Hoằng Thỉ thứ 10 (408) nhà Hậu Tần để hoằng truyền Thiền học. Do không quen tập tục ở Trường An, lại không hợp với ngài Cưu Ma La Thập nên cùng những đệ tử như Huệ Quán v.v… hơn 40 người rời Trường An, sang cư ngụ ở Lô Sơn với ngài Huệ Viễn mấy năm, dịch kinh Đạt Ma Đa La Thiền Kinh. Năm Nghĩa Hy thứ 11 (415), Sư đến Kiến Khang, nay là Nam Kinh, ở lại chùa Đạo Tràng, chuyên chú dịch thuật. Ngài cùng đại sư Pháp Hiển hợp dịch Ma Ha Tăng Kỳ Luật, Đại Bát Nê Hoàn Kinh, lại dịch bộ Hoa Nghiêm sáu mươi quyển một mình. Ngài tịch diệt năm Nguyên Gia thứ sáu nhà Lưu Tống, thọ 71 tuổi. Đời gọi Ngài là Thiên Trúc Thiền Sư.

[4] Đàn-việt (danapati): Thí chủ, người đứng ra bố thí.