Bài ký về chuyện chùa Thạch Thành ở Tân Xương trùng tu tháp thờ y bát của Trí Giả đại sư

Trí Giả đại sư chứng Pháp Thân đã lâu, [Ngài đã đạt đến địa vị] Thập Địa, Đẳng Giác, hay Diệu Giác đều chẳng thể suy lường được! Nương sức túc nguyện, thị hiện giáng sanh trong cõi đời này. Đêm Ngài giáng sanh, thần quang sáng rực bầu trời. Lông mày chia thành tám sắc, mắt sáng rực, có con ngươi kép. Do chất chứa đức phi thường nên hiện tướng phi thường. Ngài sanh vào năm Mậu Ngọ, tức năm Đại Đồng thứ tư (538) đời Lương Vũ Đế. Vừa mới thôi địu[1], hễ nằm liền chắp tay, hễ ngồi liền hướng về Tây, gặp tượng ắt lễ, gặp Tăng ắt kính. Ấy là vì Ngài muốn nêu gương mẫu cho cõi đời nên cẩn trọng từ lúc đầu vậy!

Tuổi nhược quan (20 tuổi) xuất gia, nghiên cứu trọn khắp kinh luận. Ba năm sau, tức năm Canh Thìn nhằm Thiên Gia nguyên niên (560) đời Trần Văn Đế, Ngài nghe nói Huệ Tư đại sư đang ở núi Đại Tô thuộc Quang Châu, liền đến đấy lễ yết. Ngài Huệ Tư vừa trông thấy Sư liền than rằng: “Xưa kia ở Linh Sơn cùng nghe kinh Pháp Hoa, túc duyên theo đuổi, nay lại đến đây”. Liền trao truyền đạo tràng Phổ Hiền, bảo Sư tu Pháp Hoa tam-muội. Ngài tụng kinh Pháp Hoa đến câu “Thị chân tinh tấn, thị danh chân pháp cúng dường Như Lai” (Đấy là chân tinh tấn, đấy gọi là pháp cúng dường Như Lai thật sự) trong phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự bèn hoát nhiên đại ngộ, lặng lẽ nhập định, đích thân thấy hội Linh Sơn nghiễm nhiên chưa tan, chứng được Tuyền (Triền) Đà La Ni[2].

Từ đấy về sau, soi thấu suốt kinh Pháp Hoa như mặt trời rạng rỡ chiếu soi muôn hình tượng, thấu đạt tướng của các pháp, khác nào gió mát lùa trên hư không; bèn dùng Ngũ Thời Bát Giáo để phán thích[3] những kinh pháp đã được giảng trong cả một đời Như Lai khiến cho kẻ nghe kinh biết được chỗ chỉ quy, chẳng đến nỗi dõi nhìn biển cả than dài, chẳng biết được bến bờ! Dùng Tam Chỉ, Tam Quán để truyền Phật tâm ấn khiến cho kẻ tu hành đích thân thấy được chân tâm tịch diệt thường trụ bất biến. Pháp tu của Ngài tuy hơi khác với Thiền Tông nhưng sở chứng quả thật đã rất giống với Thiền Tông trong thời hưng thịnh. Vì thế, các sách như Truyền Đăng Lục của nhà Thiền đều xếp ngài Trí Giả vào tiểu loại Ứng Hóa Thánh Hiền.

Hai chuyện Giáo và Hạnh như trên đây đã bao quát trọn hết Phật pháp, nhưng đều thuộc về đạo tự lực tấn tu, nếu là bậc thượng căn lợi trí thì cũng có thể hoàn tất ngay trong đời này, chứ nếu là hạng căn khí kém hơn một chút sẽ lại chẳng biết phải trải qua bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp mới hòng liễu sanh thoát tử được! Do vậy, Sư tùy thuận lòng Từ của đức Phật mà hoằng dương Tịnh Độ, sớ giải Thập Lục Quán (Quán Kinh), đoạn trừ mười món nghi, dùng khái niệm Lục Tức[4] để giải thích chữ Phật khiến cho hết thảy hành nhân đều biết một niệm tâm tánh của chính mình và Phật không hai, nhưng Phật thì công Tu Đức đến cùng cực nên Tánh Đức phô bày trọn vẹn, chứ chính mình chỉ sẵn có Tánh Đức, chứ chẳng có mảy may Tu Đức nào. Do Tánh Thể bất nhị nên “tuy chia thành sáu mà thường tức”. Do Sự tu (tu hành về mặt Sự) khác biệt nên “tuy tức mà thường sáu”. Biết “sáu mà thường tức” sẽ chẳng sanh lòng lui sụt, trên ngưỡng mộ chư thánh. Biết “tức mà thường sáu” sẽ chẳng sanh lòng Tăng Thượng Mạn, dưới trọng tánh linh của chính mình.

Chúng sanh đời Mạt sức Định – Huệ yếu ớt, chẳng cậy vào Phật lực thì làm sao yên được? Hơn nữa, có được lời giải thích hay tuyệt như thế, ai lại chịu bỏ hạt châu sẵn có trong chéo áo để qua xóm nghèo lê la xin ăn ư? Do vậy, tông phong lẫy lừng, cả nước khâm phục, tôn sùng. Trên từ hoàng đế, hoàng hậu, đại thần, cho đến dưới là thiện nam thiện nữ có lòng tin trong sạch không ai chẳng nghe tiếng bèn nương theo giống như cỏ rạp theo gió lùa. Từ khi pháp được truyền sang Chấn Đán (Trung Hoa), đức nghiệp hưng thịnh không ai hơn được Ngài.

Đến năm Ngài ba mươi tám tuổi mới vào núi Thiên Thai, đấy chính là năm Ất Mùi nhằm niên hiệu Đại Kiến thứ bảy (575) đời Trần Tuyên Đế. Đến nơi, Ngài thấy cảnh núi và gặp vị tăng tên Định Quang giống hệt như cảnh đã được đến và người đã được gặp khi thần thức ngao du trong lúc lễ Phật phát nguyện thuở mới được mười bảy tuổi. Do vậy, biết là trước kia đã từng có nhân duyên lớn với núi này; từ đấy về sau, hoặc hoằng pháp trong núi, hoặc tùy cơ ứng duyên, suốt hơn hai mươi năm hoằng dương pháp hóa lớn lao. Trong truyện ký của Ngài đã chép đầy đủ nên ở đây chẳng cần phải trình bày rườm rà.

Năm Khai Hoàng 17 đời Tùy Văn Đế, tức năm Đinh Tỵ (597), Tổng Quản Dương Châu là Tấn Vương Dương Quảng sai sứ đón Sư sang Dương Châu. Sư cùng đi với sứ giả, đến chùa Thạch Thành ở Tân Xương (huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang) biết duyên trụ thế đã tận, bèn lược nêu pháp yếu để dạy bảo đại chúng. Nói xong, xướng danh hiệu Tam Bảo [rồi viên tịch] như nhập tam-muội. Lúc ấy nhằm giờ Mùi ngày Hai Mươi Bốn tháng Mười Một, thọ sáu mươi tuổi, Tăng hạ (Tăng lạp) bốn mươi năm. Ngài có để lại di mạng, dặn đưa linh cữu về Phật Lũng[5]. Các đệ tử do thấy thầy nhập diệt nơi đây (tức chùa Thạch Thành) bèn lập một tòa tháp thờ y bát để làm kỷ niệm khiến cho tứ chúng đời sau người thấy kẻ nghe đều cùng gieo thiện căn.

Từ xưa đến nay, một ngàn bốn trăm năm, theo thời gian, cuộc đất thay đổi, chẳng còn thích nghi [để đặt tháp] cho lắm. Vị tăng trong chùa là Nhữ Ngu bàn bạc với hàng Tăng – tục, dời tháp sang phía Bắc của Đại Phật Nham, nơi đấy quả thật là chỗ mạch chính của cả rặng núi dồn tới, là chỗ mấu chốt của dãy núi, địa thế cao, tầm nhìn được xa, [lập tháp nơi ấy] ngõ hầu phát khởi được thiện tâm nơi kẻ thấy người nghe. Do vậy, tôi bèn trần thuật những nét đại lược.

***

[1] Nguyên văn “cưỡng bão” (襁褓), ta thường dịch là cái địu, tức là một tấm vải có gắn dây buộc ở bốn phía, người Trung Hoa thường dùng để buộc con vào sau lưng trong khi người mẹ làm việc. “Thôi địu” nghĩa là trẻ không cần phải địu nữa, thường là khi đã lên hai tuổi, có thể tự đi lại được, không cần phải ẵm.

[2] Tuyền Đà La Ni là một trong ba môn Đà La Ni được nói đến trong phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát của kinh Pháp Hoa, hàm nghĩa: Xoay chuyển cái tâm phàm phu chấp trước vào tướng Có của các pháp để thấu đạt được trí lực nơi lý Không. Đây là kết quả của Không Quán.

[3] Phán thích: Phán định, giải thích một kinh thuộc thời nào trong Ngũ Thời, thuộc giáo nào trong Ngũ Giáo. Nói cách khác, phán thích là vận dụng lập luận nhằm giải thích, biện minh cho sự phân loại, hệ thống hóa kinh điển đã được đức Phật giảng dạy trong suốt một đời.

[4] Ngài Trí Giả đã đem Phật chia thành sáu địa vị (tức sáu mức độ chứng đắc) gọi là Lục Tức Phật, nghĩa là:

1) Lý Tức Phật (còn gọi là Tác Lý Phật) chỉ hết thảy chúng sanh. Do hết thảy chúng sanh đều sẵn có Phật tánh, chẳng hai, chẳng khác gì với hết thảy chúng sanh nên xét về Lý thì chúng sanh đều là Phật. Do vậy gọi là Lý Tức Phật.

2) Danh Tự Tức Phật (còn gọi là Danh Tự Phật): Nghe thiện tri thức giảng nói, hoặc do đọc kinh điển liền hiểu rõ “Lý Tánh chính là tên gọi khác của Phật”. Những người này thông đạt hiểu rõ về mặt danh tự “các pháp đều là Phật pháp”, tức là nhận thức và “chứng đắc” Phật quả chỉ qua sự hiểu biết danh tự nên gọi là Danh Tự Tức Phật.

3) Quán Hạnh Tức Phật: Đã hiểu rõ hết thảy pháp đều là Phật pháp, y giáo tu hành để đạt đến mức hiểu rõ tâm, lý huệ tương ứng, lời nói phù hợp với việc làm và sự tu tập nên gọi là Quán Hạnh Tức Phật. Nếu hiểu chi tiết hơn thì từ địa vị này lại chia làm năm phẩm, tức Tùy Hỷ Phẩm, Độc Tụng Phẩm, Thuyết Pháp Phẩm, Kiêm Hành Lục Độ Phẩm, và Chánh Hành Lục Độ Phẩm.

4) Tương Tự Tức Phật: Bậc đã đạt đến mức lục căn thanh tịnh, đoạn trừ Kiến Hoặc, Tư Hoặc, chế ngự được vô minh.

5) Phần Chứng Tức Phật (còn gọi là Phần Chân Tức Phật): Đoạn vô minh, chứng Trung Đạo nhưng chỉ được một phần, chưa trọn vẹn.

6) Cứu Cánh Tức Phật: Chứng đắc Phật Quả Toàn Giác.

Sáu địa vị này xét về Lý không tách rời Phật Tánh sẵn có trong tự tâm, nên gọi là “tuy sáu mà thường tức”, tùy theo mức độ mê ngộ sâu hay cạn, công phu tu hành sâu hay cạn, mà sự chứng đắc khác biệt nên nói “tuy tức mà thường sáu”.

[5] Phật Lũng là ngọn núi cao nhất ở phía Nam rặng Thiên Thai, chính là nơi ngài Trí Giả trụ tích. Do vậy, đôi khi đại sư còn được gọi là Phật Lũng Thiền Sư. Trong chùa Chân Giác trên ngọn Phật Lũng hiện vẫn còn tháp thờ nhục thân Trí Giả đại sư.