Bài ký về việc trùng tu tháp viện của Đại Từ Lão Nhân

(năm Dân Quốc 19 – 1930)

Xem rộng khắp những bậc anh hiền lỗi lạc xưa nay, tài năng tót vời, tại gia thì lập đại công, dựng đại nghiệp, thờ vua giúp dân, nêu gương cho hậu thế, xuất gia thì triệt ngộ tự tâm, thâm nhập kinh tạng, dạy dỗ lợi lạc trời – người, nối tiếp huệ mạng của Phật thì đều là do đức hạnh cao đẹp của ông bà cha mẹ cảm thành. Nếu không, làm sao sanh được con cháu hiền tài siêu quần bạt tụy, giúp đỡ hết thảy như vậy được ư? Người ta chỉ thấy quốc sư Ngọc Lâm đạo đức cao vời, ngộ chứng sâu thẳm, trên cảm động cửu trùng[1], dưới hóa độ tứ chúng, Phật tổ, tâm ấn, đại pháp chiếu khắp nhân quần, sống tươi chết héo[2], khuôn mẫu tốt đẹp lưu lại đời sau, chẳng biết đấy đều là do ông nội và cha mẹ Ngài đã giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, lợi người giúp vật, dốc lòng tin tưởng Phật pháp, tự hành, dạy người mà ra!

Xét ra, Sư có họ ngoài đời là Dương, thuộc dòng vọng tộc ở Diên Lăng (thuộc tỉnh Thiểm Tây), đời nào cũng có người hiển đạt, cha húy là Phương, tuổi ngoài ba mươi vẫn chưa có con. Người trong họ là Dương Hưng bị thổ hào[3] vu hãm, sắp đến nỗi phải chết. Ông nội Ngài bảo cha Ngài vào triều kêu oan, quan liền thả Dương Hưng, đánh đòn thổ hào. Thổ hào ôm hận, không lâu sau, trong ấp bắt được kẻ gian, giải lên quan xét án. Gã thổ hào thừa dịp ghi tên ông nội Ngài vào sổ, quan xét án rất nghiêm khắc, tàn khốc, truyền bắt giữ khẩn cấp. Chú Ngài và cha Ngài tranh nhau chịu tội thay, cha Ngài không chịu liền tự đi. Quan xét án rất ghét kẻ chịu tội thay, dùng hình phạt quá đáng để giết chết. Ngày hôm ấy đã giết chết liên tiếp mấy người rồi. Đến phiên cha Ngài liền gào to: “Tôi chịu đòn thay cho cha tôi”, quan xét án nghe tiếng cảm động vô cùng, xét hỏi cặn kẽ, biết là bị vu cáo bèn thả ra.

Tháng Tư năm ấy, tức năm Giáp Dần thuộc niên hiệu Vạn Lịch 42 (1614) đời Minh, liền sanh ra Sư. Lúc sanh, bà mẹ là Mậu Thị mộng thấy Quán Âm ẵm một đứa bé trao cho, liền sanh ra Sư. Thêm nữa, cha mẹ Sư thường giảm bớt sự chi tiêu của chính mình để mua những con vật đem phóng sanh. Cha mẹ Sư hiếu hữu nhân từ như vậy đó! Năm sau, cha Sư quy y với đại sư Liên Trì, có pháp danh là Quảng Phức, cũng xin quy y cho Sư, được pháp danh là Đại Tiềm. Đến năm mười hai tuổi, lúc cha Sư sắp mất, bèn đối trước tượng ngài Liên Trì, cầu cao tăng thay mặt [cho đại sư Liên Trì] xuống tóc, thuyết giới [cho cụ]; nửa tháng sau cụ mất. Năm mười chín tuổi, Sư lễ ngài Khánh Sơn xin xuất gia. Chưa đầy hai năm đã đại triệt, ngài Khánh Sơn rất coi trọng, dặn dò Sư hãy xuống tóc, thuyết giới cho mẹ, đặt pháp danh là Thông Quang. Năm Sư hai mươi hai tuổi, ngài Khánh Sơn thị tịch tại chùa Báo Ân, Sư giữ tâm tang hầu hạ bên khám thờ đồng thời lo liệu việc trong chùa. Năm sau, Tăng – tục thỉnh Sư kế nhiệm, trăm điều đã bỏ phế đều được tiến hành, tông phong chấn hưng lớn lao.

Năm hai mươi chín tuổi, tuân theo di mạng của ngài Khánh Sơn, Sư thay ngài Khánh Sơn xuống tóc, thuyết giới cho mẹ, lại đón về chùa Báo Ân, dựng nhà tranh để phụng dưỡng suốt đời, gọi là Đại Từ Lão Nhân. Bà cụ chuyên tu Tịnh nghiệp, kiêm tu tham cứu, liền được đại ngộ. Mười một năm sau, tức năm Sư bốn mươi tuổi, nhằm năm Thuận Trị thứ mười (1653) đời Thanh, Đại Từ Lão Nhân thị tịch, thọ bảy mươi mốt tuổi. Sư ở trước khám thờ ngồi xếp bằng trên mặt đất suốt bảy ngày đêm, chẳng đụng đến một hạt gạo! Một thị giả đứng cạnh Sư suốt bảy ngày đêm đến nỗi chân và đầu gối nước vàng chảy ròng ròng, vẫn chẳng tạm rời đi. Đại chúng chùa Báo Ân thấy Sư đau buồn quá mức, muốn khích cho Sư ăn uống liền niêm phong nồi, đóng chặt bếp. Sư nghe [nói như vậy] liền húp cháo, bảo mở nồi ra. Sư đã xuất gia còn đau buồn như thế, hiếu tử trong thế gian cũng chẳng hơn được! Nhưng Sư làm cho mẹ ngộ đạo thì hiếu tử trong cõi đời có ai làm được như vậy đâu? Sư nghĩ đến ân của phụ sư, mẫu sư[4] tính tìm một cuộc đất thích hợp để an táng hòng báo ân sâu dưỡng dục, dạy dỗ. Tìm được một cuộc đất ở Ngữ Sơn bèn dời quan tài cha về chôn tại đó.

Đến năm Thuận Trị 15 (1658), đạo phong thấu đến bề trên, tháng Chạp sứ giả cầm chiếu đến triệu Sư về kinh lập tức. Sư lấy cớ sắp dựng tháp chôn mẹ để từ tạ, [vua xuống] chiếu rằng: “Đợi khi gặp Sư hỏi đạo xong liền đưa Sư về núi chôn mẹ, quyết chẳng giữ lâu”. Tháng Ba năm sau, Sư lên kinh đô chầu vua, vua dùng lễ đãi Sư như thầy, phong hiệu là Đại Giác Phổ Tế Năng Nhân Quốc Sư. Đến tháng Tư, Sư từ tạ chốn cung khuyết trở về Nam, tìm được miếng đất phía sau chùa Tạng Hải ở Ngu Sơn bèn dựng tháp cho Đại Từ Lão Nhân, nhân đó lập ra chùa Tạng Hải, sai đệ tử là Đức Nham Thiệu làm Trụ Trì. Như vậy, nguồn pháp Tạng Hải do Đại Từ Lão Nhân khởi đầu; kẻ làm pháp tự[5] phải quan tâm. Đương thời, xây dựng phức tạp hay giản dị đều thích nghi. Năm tháng lâu sau, lại thêm chiến tranh, nên bị tan nát, còn sót lại một cái tháp, [chứ những thứ khác] đều thành gò hoang hết.

Nay vị Trụ Trì đã về hưu là Giới Công, thấu hiểu sâu xa tấm lòng hiếu thảo của Quốc Sư, đặc biệt trùng tu, dựng lại đình, bia, xây tường vây quanh, cũng dựng lại bia mộ mới, lát con đường đá hơn mười trượng, vun trồng cây cối để lấy bóng mát ngõ hầu những ai sau này đến đây đều biết tới tháp viện của bậc cao ni đắc đạo là Đại Từ Lão Nhân mẹ của quốc sư Ngọc Lâm, do đó sẽ khởi lòng kính ngưỡng, ai nấy giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, lợi lạc cứu giúp người lẫn vật, dốc lòng tin tưởng Phật pháp, tự hành, dạy người, để mong sanh được đứa con phước đức trí huệ, hễ nghèo túng thì riêng bản thân kẻ ấy tốt lành, làm gương cho cả một làng, một ấp, hễ hiển đạt thì sẽ làm cho người khác cùng thiện, để lợi lạc, cứu giúp khắp bốn biển chín châu! Do vậy, soạn bài ký.

Hơn nữa, khi Quang mới xuất gia, thấy các vị thiền tăng khắp Nam Bắc lên núi triều bái, tụ tập bàn đến chuyện Ngọc Lâm Quốc Sư tâm liền khinh thường họ, cho là những hạng tăng nhân này không những chẳng biết tâm tướng của Phật, Bồ Tát mà cũng chẳng biết tâm tướng của thánh hiền thế gian, chỉ dùng tri kiến của bọn vô lại đầu đường xó chợ bịa đặt đồn đãi để vu báng, miệt thị cổ đức, tội cùng cực đến đâu! Về sau, đọc Niên Phổ của Quốc Sư thì những gì bọn họ đã nói ngay cả một câu cũng không có, mà những điều chép trong Niên Phổ bọn họ cũng chưa hề nghe thấy một câu nào! Do vậy, biết những lời nói lưu truyền trong cõi tục chẳng đáng tin tưởng! Kính mong bậc quân tử hiểu lý đừng coi những lời lẽ đó là chuyện thật, rồi vì đó mà coi thường cổ đức, khinh miệt Phật pháp thì sẽ tự gieo được thiện căn sâu dầy, được gội pháp trạch lớn lao vậy!

***

[1] Cửu trùng (chín tầng, chín bệ) chỉ hoàng đế. Theo Dịch học, từ Hà Đồ và Lạc Thư, những con số thuộc về Trời là 1, 3, 5, 7, 9. Như vậy 9 là con số Dương lớn nhất. Vì thế, con số 9 được dùng để tượng trưng cho ngôi vị cao cả nhất, sáng đẹp nhất. Do vậy, nhà vua được gọi là Cửu Trùng (chín bậc). Từ ý nghĩa này, những hào dương trong quẻ Dịch cũng được gọi là Cửu.

[2] Đây là một cách nói thông dụng trong Phật môn Trung Hoa ngụ ý sống chết thuận theo lẽ tự nhiên, thung dung tự tại, như cây cỏ đã chết thì phải khô héo, hễ còn sống thì tươi tốt.

[3] Thổ hào: Kẻ có thế lực tại một địa phương.

[4] Do cha mẹ ngài Ngọc Lâm đức hạnh, nhân từ; nhân cách cao đẹp của ngài Ngọc Lâm do cha mẹ uốn nắn hình thành nên họ vừa là cha mẹ vừa là thầy của ngài Ngọc Lâm. Vì thế, tổ Ấn Quang mới dùng chữ “phụ sư, mẫu sư”.

[5] Người nối dòng pháp, tức môn nhân đệ tử.