Bi ký ghi công đức xây dựng lầu Tàng Kinh chùa Đại Phật Lăng Vân thuộc huyện Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên

(năm Dân Quốc 24 – 1935)

Phật – Pháp – Tăng Tam Bảo là đèn đuốc cho đêm dài vô minh, là thuyền bè trong biển khổ sanh tử, không riêng gì người có chí mong đoạn Hoặc chứng Chân liễu sanh thoát tử phải nên nương tựa, mà ngay cả những ai chuyên tâm nơi “minh đức, thân dân, trị quốc, an bang” cũng phải lấy việc “sáng tỏ diệu lý tâm tánh, nêu rõ sự thực nhân quả” làm một trợ duyên lớn lao cho việc xoay chuyển lòng người, phụ trợ nền bình trị của nước nhà vậy. Vì thế, xưa kia, những bậc lập đại công, dựng đại nghiệp, lòng trung lòa nhật nguyệt, hạo khí lấp trời đất, phần nhiều do học Phật đắc lực mà ra, không ai chẳng dốc sức nơi trang nghiêm tượng Phật, lưu thông kinh Phật, hộ trì Tăng chúng tu hành, mong cho hết thảy nhân dân đều cùng do Trụ Trì Tam Bảo[1] mà ngộ nhập Nhất Thể Tam Bảo[2], đích thân chứng được Chân Như Phật Tánh sẵn có nơi tâm này. Ở chùa Lăng Vân xưa kia, thế nước chảy xiết[3], thuyền đi ngang bị đụng vỡ gây hại rất lớn. Đầu đời Đường, thiền sư Hải Thông thấy vậy thương xót, muốn tìm cách cứu vớt, che chở, bèn tạc một bức tượng Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật ngồi trên núi, cao đến ba mươi sáu trượng, [kích thước của] tòa sen Ngài ngồi chẳng tính vào trong [con số ba mươi sáu trượng ấy]. Do nguyện lực của Sư nên cảm được đức Phật rủ lòng Từ gia hộ, nước đổi dòng, chạy sát vào chân núi, nổi lên một bãi cát bồi để người ta có thể sống được [ở đó]. Ý Sư cho rằng ngài Di Lặc là đức Đương Lai Thế Tôn lòng Từ không ai hơn được, tạo bức tượng lớn này chẳng những chỉ muốn cậy vào Phật từ lực để cứu giúp, che chở thuyền bè qua lại mà còn vì mong mỏi sâu xa những kẻ thấy nghe sẽ nạp vào tám thức điền tạo thành một đại nhân duyên hòng trong đời này phát tâm tu trì, vãng sanh Tây Phương, tương lai trở vào Sa Bà phù tá [Di Lặc Phật] trong hội Long Hoa. Sư đến hết đời vẫn chưa hoàn thành được công trình, đến niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường Đức Tông [công trình] mới hoàn thành. Gặp dịp Nam Khang Vương là Vi Cao làm Tiết Độ Sứ[4] Tây Xuyên bèn soạn bi ký, có câu: “Thân cao ba trăm sáu mươi thước, đầu to chừng đó thước, mắt rộng hai trượng, những tướng hảo khác mỗi mỗi đều xứng hợp. Đây chính là tượng Phật lớn nhất nước ta. Nhưng Pháp Thân thật sự của Phật trọn khắp pháp giới, còn thân ứng hóa biến hiện thì mênh mông chẳng nhất định”. Năm Dân Quốc thứ 9 (1920), ông Trang Tư Giam ở Thường Châu triều bái Phổ Đà, đem theo ba bức “mễ Phật” (tượng Phật hiện trên hạt gạo) đưa cho xem. Những tượng ấy trang nghiêm vi diệu, cả cõi đời không thể sánh bằng, ấy chính là tượng đứng do thiên nhiên tạo thành, dưới hạt gạo vẫn còn vòng cám. Hễ ai thấy nghe đều cảm kích ân Phật.

Đối với những đế lý được nói trong kinh Phật, cố nhiên chẳng dễ gì tỏ rõ, nêu được những điều quan trọng là Luận. Tứ thánh, lục phàm, nhân quả của mười pháp giới vốn trong một tâm. Đối với bản thể của tâm, phàm – thánh chẳng hai, chúng sanh và Phật hệt như một, nơi phàm chẳng giảm, tại thánh không tăng, thường hằng khắp xưa – nay, chẳng đổi dời, chẳng biến chuyển, Thể tuy bất biến, Dụng thường tùy duyên. Thuận theo tịnh duyên, do công đức có sâu hay cạn mà có chứng quả Thanh Văn, chứng quả Duyên Giác, chứng quả Bồ Tát, chứng quả Phật sai khác. Tuy Thanh Văn là nhỏ nhất, nhưng đã đoạn Hoặc chứng Chân, liễu sanh thoát tử, thường hưởng pháp lạc, chẳng thọ thân sau nữa. Theo nhiễm duyên, do Hoặc nghiệp nặng hay nhẹ mà có sanh lên đường trời, sanh trong đường người, sanh trong đường A Tu La, sanh trong đường súc sanh, sanh trong đường ngạ quỷ, sanh trong đường địa ngục khác biệt. Dẫu trời – người là cao nhất, vẫn là đầy dẫy Hoặc nghiệp, sanh tử luân hồi, thường ở trong tam giới, lục đạo, trọn chẳng có thuở thoát ra. Mười pháp giới ấy do một tâm của chính đương nhân tạo ra, thăng – trầm, khổ – vui khác biệt vời vợi một trời một vực; nhưng thể tánh của cái tâm ấy vẫn thường tự như như, nơi phàm chẳng nhiễm, tại thánh chẳng tịnh. Vì thế, kinh Hoa Nghiêm nói: “Nhược nhân dục liễu tri, tam thế nhất thiết Phật, ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo” (nếu ai muốn hiểu rõ hết thảy Phật ba đời, hãy quán tánh pháp giới, hết thảy chỉ tâm tạo).

Do vậy, đức Phật thấy hết thảy chúng sanh đều là Phật chưa thành, tùy thuận cơ nghi của họ mà trước hết nói Ngũ Giới Thập Thiện thuộc Nhân Thiên Thừa, rồi nói Tứ Đế của Thanh Văn Thừa, rồi nói Thập Nhị Nhân Duyên của Duyên Giác Thừa, rồi nói đến Lục Độ Vạn Hạnh của Bồ Tát Thừa, rồi nói đến phước lẫn huệ cùng trọn vẹn, tịch chiếu cùng dung thông, hết sạch Tam Hoặc, vĩnh viễn mất hai thứ chết, viên mãn Bồ Đề, trở về chỗ “không có gì để đạt được” của Phật Thừa. Lại nghĩ chúng sanh kém hèn, không cậy vào sức thệ nguyện rộng sâu của Phật Di Đà chắc chắn khó lòng liễu sanh thoát tử ngay trong đời này được, nên đặc biệt mở ra pháp môn tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương, ngõ hầu bọn phàm phu đầy dẫy Hoặc nghiệp nương vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh. Đã được vãng sanh thì Hoặc nghiệp đã hết, đã chứng địa vị thánh, so với những kẻ chỉ cậy vào tự lực thì sự khó – dễ dù hết cả năm cũng chẳng thể nói trọn!

Nhưng pháp môn này chính là nhằm tiếp độ thượng căn, tiếp độ kèm thêm hàng trung – hạ; vì thế, Thiện Tài đã chứng Đẳng Giác, Phổ Hiền Bồ Tát bèn dạy dùng mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới để mong viên mãn Phật quả, cũng như khuyên khắp các vị Bồ Tát thuộc Hoa Tạng hải chúng nhất trí tiến hành, bởi đây là pháp môn tổng trì thành thủy thành chung để mười phương ba đời hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh. Đời có những kẻ bẩm tánh thông minh đôi chút thường coi rẻ pháp môn Tịnh Độ, chẳng chịu tu trì, chẳng những tự lầm, lầm người, mà đúng là còn hủy báng Phật pháp nữa! Như Hoa Tạng hải chúng là các vị Đại Sĩ đã chứng Pháp Thân thuộc bốn mươi mốt địa vị Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, dùng công đức của mười đại nguyện vương để hồi hướng vãng sanh Tây Phương hầu mong mau chứng viên mãn Bồ Đề, trở về Phật quả “không có gì để đạt được”. Những vị ấy là hạng người như thế nào, chuyện ấy là chuyện như thế nào, ta là hạng người nào mà dám chống đối các vị ấy?

Còn như kinh văn trong giáo pháp của cả Đại Tạng được chia thành ba phần là Kinh, Luật, Luận, nên có tên là Tam Tạng. Tạng có nghĩa là “sâu chắc, u viễn, lấy để sử dụng chẳng bị cạn kiệt!” Nếu đối với mỗi một chữ, một câu mà có thể thâm nhập thì sẽ thông suốt hết thảy pháp, hiểu hết thảy nghĩa. Vì thế, Lục Tổ của Thiền Tông nghe một câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (hãy không trụ vào đâu để sanh tâm) bèn nối tiếp ngôi vị Tổ; hành nhân Liên Tông thường trì sáu chữ “nam-mô A Di Đà Phật” liền có thể ngay trong đời này sanh về nước Cực Lạc, dự vào hội Liên Trì.

Ba tạng Kinh, Luật, Luận ấy từ Thiên Trúc truyền sang, trong bộ Khai Nguyên Thích Giáo Lục[5] đời Đường đã chép [kinh điển nhà Phật] có đến năm ngàn bốn mươi tám (5.048) quyển. Từ đấy, liên tục dịch thêm cũng chẳng ít, nhưng cũng có những quyển bị thất lạc! Hiện thời, Đại Tạng Kinh đời Thanh (Càn Long Đại Tạng Kinh) từ chữ “Thiên, Địa, Huyền, Hoàng”[6] đến chữ Tất trong câu “Tất Thư Bích Kinh” gồm có bốn trăm tám mươi lăm (485) hòm[7], tức bốn ngàn tám trăm năm mươi quyển. Trước thuật thuộc phương này (Trung Hoa) gồm thích kinh, tông kinh, các sớ luận và truyện ký, ngữ lục v.v… từ chữ “Thư, Bích, Kinh” đến câu “Lưỡng Sớ Kiến Cơ” mới hết, gồm hai trăm ba mươi chín (239) hòm, tức hai ngàn ba trăm chín mươi quyển, tổng cộng là bảy ngàn hai trăm bốn mươi quyển. Bộ này được khởi công khắc từ tháng Hai năm Ung Chánh mười ba (1735) đến ngày Rằm tháng Chạp năm Càn Long thứ ba (1738) mới hoàn thành.

Bậc thượng căn lợi trí đối với mỗi chữ một câu trong những kinh này, nếu tâm hồn thông hiểu liền có thể tự lợi, lợi tha, tự lập, lập người. Tiếp đó lại chí thành, khẩn thiết thọ trì, đọc tụng, y giáo phụng hành, hiểu nhân quả, rõ tội phước, dùng thân xướng suất người khác, ngõ hầu hết thảy mọi người nhìn vào bắt chước làm lành thì đối với pháp môn, đối với xã hội đều có lợi ích. Nếu hoàn toàn chẳng có ý niệm cung kính, chỉ cầu đa văn, hoặc lầm lạc dùng ý kiến ức đoán để luận định nghĩa lý sâu xa trong kinh thì tuy là nhân lành lại chắc chắn chuốc lấy quả ác! Nguyện những người đọc ai nấy hãy gắng công!

Trụ Trì chùa Lăng Vân là hòa thượng Quả Tĩnh đã muốn cung thỉnh Đại Tạng từ lâu, để những người có đại chí trong hàng Tăng – tục đều được nghiên cứu, xem đọc, nhưng lầu chứa kinh chưa xây, thỉnh về sẽ không có chỗ để. May sao năm Dân Quốc 18 (1929), pháp sư Vinh Nham cùng cư sĩ Vương Húc Đông đến chùa vãn cảnh, nhân đó nói chuyện thỉnh kinh cần phải dựng lầu, hai vị liền khẳng khái mỗi người giúp năm trăm đồng. Do vậy, bèn dốc hết sức lo toan, nung ngói, mua gỗ, khởi công từ tháng Giêng năm Dân Quốc 23 (1934) đến tháng Tư năm nay mới hoàn thành. Lầu ấy gồm bảy gian, cao năm trượng sáu thước, hai bên lầu dựng năm gian nhà mỗi bên để làm chỗ nghỉ ngơi cho người đọc kinh. Đã lên Bắc Bình[8] thỉnh kinh, trước khi kinh về tới, đã sai Quang soạn bi ký về việc xây dựng lầu tàng kinh; do vậy bèn viết đại lược về nguyên do lập chùa và những nghĩa trọng yếu của Đại Tạng cùng số hòm, số quyển để những bậc thông sáng đời mai sau đều thấu hiểu cặn kẽ. Kính mong nền tảng đất nước vững bền, đạo bình trị hưng thịnh, Phật nhật thêm sáng, pháp luân thường chuyển, đàn-việt tín chủ hưởng phước, tăng chúng an hòa, binh đao vĩnh viễn chấm dứt, mưa gió thuận thời!

***

[1] Trụ Trì Tam Bảo là một trong ba loại Tam Bảo, có tác dụng hiện diện trong cõi thế gian để duy trì Phật pháp, gồm tượng Phật, hình Phật là Phật Bảo, kinh sách là Pháp Bảo, Tăng chúng xuất gia là Tăng Bảo.

[2] Nhất Thể Tam Bảo, còn gọi là Đồng Thể Tam Bảo, Đồng Tướng Tam Bảo. Tuy phân thành ba ngôi, nhưng vốn cùng một thể nên gọi là Nhất Thể. Nếu giải thích chi tiết hơn thì:

1) Luận trên mặt Sự, Phật thể mang ý nghĩa giác chiếu là Phật Bảo. Phật đức mang tác dụng làm khuôn mẫu (quỹ pháp) nên là Pháp Bảo, đã dứt hết những sự tranh cãi, trái nghịch nên là Tăng Bảo. Ba nghĩa này tuy khác, nhưng xét về mặt bản thể của mỗi đức lại chẳng khác nên gọi là Nhất Thể. Đây là giáo nghĩa được tuyên dương bởi các bộ luận Thành Thật, A Tỳ Đàm cũng như các kinh luận Đại Thừa.

2) Luận trên phương diện phá tướng và “bản thể vốn là không” thì Sự tuy có sai khác, nhưng Thể đều không, nên gọi là Nhất Thể. Giáo nghĩa này chỉ hạn cuộc trong giáo pháp Đại Thừa.

3) Luận trên thực tế, tuy Tam Bảo khác biệt nhưng đều lấy thực tánh làm Thể nên gọi là Nhất Thể. Đây cũng là một giáo nghĩa chuyên biệt của Đại Thừa. Hoa Nghiêm Kinh Khổng Mục Chương, quyển hai, giảng: “Đồng Tướng Tam Bảo nghĩa là đồng một pháp tánh Chân Như, có ba nghĩa khác biệt là giác nghĩa, quỹ pháp nghĩa (khuôn phép), hòa hợp nghĩa, nên gọi là Tam Bảo”.

[3] Chùa Lăng Vân nằm ngay bờ Đông chỗ hai dòng Đại Độ và Mân Giang giao nhau. Núi Lăng Vân có chín ngọn nên còn gọi là Cửu Đảnh Sơn. Từ chùa nhìn sang bên kia sông là thành Lạc Sơn. Vào thời Đường, nơi mỗi ngọn núi đều có chùa, hiện giờ chỉ còn mỗi chùa Lăng Vân. Tượng Phật Di Lặc được đục thẳng vào vách núi trong tư thế ngồi, cao đến 71 mét, vai tượng rộng đến 28 mét. Tượng được tạc từ Khai Nguyên nguyên niên (713) đời Đường Huyền Tông đến năm Trinh Nguyên 19 (803) đời Đường Đức Tông mới hoàn thành, tức là tượng được tạc ròng rã trong chín mươi năm! Tượng này thường được gọi là Lạc Sơn Đại Phật hay Lăng Vân Đại Phật.

[4] Tiết Độ Sứ là một chức quan được đặt ra vào đời Đường. Thoạt đầu, những vị võ tướng nắm giữ binh quyền ở một Đạo (tương đương với tỉnh bây giờ) được gọi là Đô Đốc, chỉ những vị Đô Đốc được vua ban cờ Tiết (một loại cờ hiệu tượng trưng cho uy quyền) mới được gọi là Tiết Độ Sứ. Đến đời Đường Duệ Tông, chức vụ này mới được chính thức thiết lập và phạm vi cai quản của Tiết Độ Sứ được mở rộng, trông coi cả về nội chính lẫn binh quyền trong một Đạo. Các Tiết Độ Sứ cũng thường được phong tước Quận Vương, quyền uy rất lớn, khi chính quyền trung ương suy yếu, các Tiết Độ Sứ thường thừa cơ chiếm đất làm vua một cõi. Do vậy, đến đời Tống, triều đình quy định Tiết Độ Sứ chỉ trông coi về nội chính, không được giữ binh quyền nữa.

[5] Khai Nguyên Thích Giáo Lục còn được gọi là Khai Nguyên Mục Lục hay Trí Thăng Lục do ngài Trí Thăng biên soạn vào năm Khai Nguyên 18 (730) đời Đường, gồm 20 quyển, nội dung ghi nhận danh mục kinh nhà Phật được phiên dịch sách và những bản chú sớ, ngữ lục được trước tác từ năm Vĩnh Bình thứ 10 (67) đời Hán Minh Đế cho đến năm Khai Nguyên 18 nhà Đường. Đến năm Trinh Nguyên thứ 10 (794) đời Đường, ngài Viên Chiếu lại soạn thêm bộ Tục Biên (thường được gọi là Đại Đường Trinh Nguyên Tục Khai Nguyên Thích Giáo Lục) gồm ba quyển để bổ sung danh mục những kinh điển đã được dịch thêm hay chưa được nhắc đến trong bộ Khai Nguyên Thích Giáo Lục.

[6] Đây là cách đánh số thứ tự các hòm (tức rương hay tráp đựng kinh) trong Càn Long Đại Tạng Kinh dựa theo mỗi một chữ trong Thiên Tự Văn, vốn là một bài văn vần dùng để dạy trẻ học vỡ lòng chữ Hán. Gọi là Thiên Tự Văn vì bài này gồm một ngàn chữ Hán khác nhau. Theo truyền thuyết, để luyện tập thư pháp cho công chúa, Lương Vũ Đế sai Châu Hưng Tự (407-521) soạn ra bài văn này với tên gọi đầy đủ là Thứ Vận Vương Hy Chi Thiên Tự Văn. Thiên Tự Văn bắt đầu bằng câu “Thiên địa huyền hoàng, vũ trụ hồng hoang, nhật nguyệt doanh trắc, thần tú liệt trương, hàn lai thử vãng” (trời thẳm sắc đen, mặt đất sắc vàng, vũ trụ rộng lớn vô biên, mặt trời mặt trăng hết vơi lại đầy, tinh tú chi chít trong không trung, lạnh qua nóng đến) rồi kết thúc bằng câu “Vị ngữ trợ giả, yên tai hồ dã” (Những trợ ngữ dùng trong câu nói là ‘yên, tai, hồ, dã’). Từ chữ Thiên trong câu “Thiên Địa Huyền Hoàng” đến chữ Tất trong “Tất Thư Bích Kinh” (Tất Thư là sách viết theo lối cổ chép bằng sơn trên các mảnh trúc (vì thuở đó chưa có giấy), Bích Kinh là những kinh điển của Khổng Tử được chôn giấu trong tường khi Tần Thủy Hoàng hạ lệnh đốt sách, chôn học trò) là 485 chữ. Từ chữ Thư trong câu “Tất Thư Bích Kinh” đến “Lưỡng Sớ Kiến Cơ” (hai ông Sớ Quảng và Sớ Thọ thấy trước nguy cơ bèn cáo lão hoàn hương) là 239 chữ nữa. Chúng tôi dịch những câu này theo cách giải thích của Wikipedia.

[7] Nguyên văn là “hàm”, tức gọi tắt của chữ “hàm quỹ”, một loại rương nhỏ để tăng chúng cất giữ pháp phục, những vật dụng tùy thân nhỏ nhặt, thường để dưới gầm giường. Do đó, tráp đựng sách cũng theo thói quen được gọi là “hàm”, ta thường dịch là “hòm”. Để tiện phân loại, đánh số, lưu trữ, tìm kiếm, Đại Tạng Kinh được chia thành nhiều hòm (mỗi một hòm như vậy là mười quyển, giống như hình thức chia thành từng tập (volume) hiện thời). Do khổ giấy khi xưa khá hẹp, mỗi quyển như vậy thường có từ 30 đến 40 trang, in cả hai mặt giấy, mỗi mặt thường từ 10 đến 20 dòng, mỗi dòng từ 10 đến 12 chữ (tùy theo khổ chữ).

[8] Bắc Bình là tên gọi của Bắc Kinh trong khoảng thời gian từ 1928 đến 1949.