Bi ký về việc chùa Bích Sơn núi Ngũ Đài được thảo am Quảng Tế tiếp pháp thành tựu[1], vĩnh viễn trở thành thập phương thường trụ

(năm Dân Quốc 18 – 1929)

Trộm nghĩ phàm phu đầy dẫy triền phược lấy mê nhiễm làm căn bản để thọ sanh, bậc Pháp Thân đại sĩ dùng bi trí làm nguồn ứng hóa. Vì thế, đức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát ta đạo chứng Lưỡng Túc[2], đức trỗi Thập Địa, thành Chánh Giác đã lâu, an trụ Tịch Quang, do Bi nguyện rộng sâu nên chẳng động Chân Tế mà hiện thân trong các cõi nhiều như vi trần. Trong thế giới này, ngài thị hiện làm Bồ Tát, dùng sức đại trí phù tá Thích Ca, thị hiện ứng hóa tại núi Thanh Lương như trong kinh Hoa Nghiêm đã báo trước. Vì thế, khi đại pháp được truyền sang phương Đông, [Ngũ Đài] liền được khai sơn, từ đấy trở đi, đời nào cũng có cao nhân hoằng dương pháp hóa, lợi ích quần manh. Từ đời Hán đến nay, tiếp nối chẳng dứt. Đến khoảng niên hiệu Thành Hóa[3] đời Minh, có thiền sư Cô Nguyệt Tịnh Trừng[4] Thiền lẫn Tịnh đều đạt đến tột bậc, tiếng tăm đạo hạnh nhân đấy vang dội. Vua đất Đại[5] là Thành Luyện thờ Sư làm thầy, dựng chùa ở Hoa Nghiêm Cốc để cung phụng, xin được vua xuống chiếu ban biển tên Bích Sơn Phổ Tế Thiền Tự, pháp đạo hưng thịnh lớn lao, tông phong rạng rỡ. Đầu đời Thanh, thiền sư Uẩn Chứng Như Bích trụ trì chùa này, lâu dần được vua quan tôn kính. Đầu thời Khang Hy, đổi tên chùa thành Hộ Quốc. Đến cuối đời Thanh, bậc triết nhân đã khuất, chùa khá điêu linh.

Năm Quang Tự 32 (1906), hai Sư Thừa Tham, Hằng Tu đến núi triều bái các Đài, thấy trên đảnh các Đài chỉ có nhà đá, trọn chẳng có Tăng ở. Phàm những người triều bái các Đài khát không có nước uống, đói không có gì để ăn, mệt không có chỗ nghỉ, liền phát đại tâm, dựng một am tranh nơi đảnh Bắc Đài, đặt tên là Quảng Tế, chuyên làm chỗ nghỉ ngơi, ăn uống cho người triều bái các Đài[6], tùy sức kết duyên hòng lợi lạc hết thảy Tăng – tục trong ngoài nước. Dân Quốc thành lập, Tăng chúng chùa Bích Sơn không thể duy trì được, ruộng đất đã cầm cố gần như hết sạch. Thừa Tham, Hằng Tu, Quả Định nhập tịch chùa Bích Sơn, xưng danh [thảo am Quảng Tế] là Đông Phòng. Thừa Tham đổi tên là Xương Thừa, Hằng Tu đổi tên là Xương Hằng, Quả Định đổi tên là Long Quả, đó gọi là “tiếp pháp thành tựu”. Do vậy, tận lực quyên mộ duy trì đạo tràng, kiến thiết thảo am hòng tiếp đãi thập phương Tăng chúng, dốc hết sức cúng dường. Từ đấy trở đi, mùa Xuân mở niệm Phật thất, mùa Hè giảng kinh, Thu – Đông thì mở thất tọa hương đả tịnh[7] để trọn hết bổn phận của chính mình cầu chúc quốc dân. Xây cất thêm thiền đường, liêu xá[8], tính khôi phục lại quy mô cũ, tiếp nối vĩnh viễn Tổ đăng. Năm Dân Quốc thứ bảy (1918), quyên tiền chuộc lại nhà đất thuộc hai viện Đông, Tây. Năm Dân Quốc thứ chín (1920), chuộc lại ruộng lúa mạch ở thôn chùa Quang Minh thu tô được bốn mươi thạch[9] để làm cái ăn cho Tăng chúng.

Trong hai năm Dân Quốc thứ chín và thứ mười, hai vị Thừa Tham, Hằng Tu nối nhau viên tịch. Môn nhân nối pháp là Quả Định tuân theo di mạng, gắng sức duy trì, được các vị đại hộ pháp, chư sơn trưởng lão ra sức nâng đỡ, xây dựng thêm nhà cửa hơn ba mươi gian nữa, in thêm tạng kinh, trồng trọt cây cối, sửa chữa ngòi nước từ thôn chùa Quang Minh chạy thẳng đến bên trong chùa Bích Sơn, lại tu bổ đập đá bên sông để ngừa nước ngập làm hại hoa màu. Các chùa Nam – Bắc, các vị đại cư sĩ do thấy chùa Bích Sơn đã là thập phương thường trụ, mọi người đều tán thành là hợp lý, trình công văn lên chánh phủ, ra cáo thị, lập hồ sơ ngõ hầu vĩnh viễn không bị suy sụp, mọi người cử Mã Ký Bình, Uông Đại Tiếp làm đại biểu, pháp sư Đế Nhàn và các vị thuộc hội Duy Trì Phật Giáo tại Thượng Hải như ông Trình Tuyết Lâu v.v… gởi thư xin Diêm Đốc Biện[10] tỉnh Sơn Tây ủng hộ. Do vậy, Tổng Tham Nghị Trưởng[11] là Triệu Tải Văn ủy cho hội trưởng pháp giới tỉnh Sơn Tây là hòa thượng Lực Hoằng cùng các hội viên lên núi vào tháng Năm năm Dân Quốc 16 (1927), mời chánh phó hội trưởng của Tăng chúng trong núi này, khu trưởng, hội trưởng thương hội, những người có danh vọng trong giới Tăng – tục thuộc mười ngôi chùa lớn, cùng bàn định: Chùa Bích Sơn mắc nợ quá lớn, không có người gánh vác, sẽ do Đông Phòng là Thảo Am Quảng Tế đứng ra trả thay món nợ hơn một vạn bảy ngàn bảy trăm đồng. Tất cả điện, phòng, ruộng đất của Bích Sơn vĩnh viễn trở thành thập phương thường trụ, không chấp thuận cho thâu nhận đồ đệ để khỏi bị cái họa chôn vùi Tổ đức, làm nhục Phật môn.

Vào ngày 29 tháng Bảy năm Dân Quốc 17 (1928), cùng với đại chúng trả món nợ do sư Long Phước đời Thanh đã thiếu bên ngoài gồm hơn một vạn bảy ngàn bảy trăm đồng. Những bằng khoán ruộng đất nhà cửa do Long Phước đã đem cầm cố trước kia đều thâu hồi để giữ vĩnh viễn. Hội Phật Giáo tỉnh Sơn Tây đại diện trình lên chánh quyền tỉnh và huyện để lập hồ sơ, ra thông cáo, ngõ hầu mọi người đều biết chùa Bích Sơn vĩnh viễn trở thành thập phương thường trụ, chỉ chuyên tâm tu hành, tu trì Tịnh nghiệp, sẽ thấy trong hang Sư Tử trọn chẳng còn có loài thú khác, trong rừng Chiên Đàn, vĩnh viễn mất giống Y Lan[12], gắng sức kế tục đạo của Cô Nguyệt thiền sư, hòng an ủi tấm lòng của Văn Thù đại sĩ thì một phen khổ tâm nâng đỡ, thành toàn của hết thảy Tăng – tục mới chẳng trở thành luống uổng! Phàm những ai sống tại đây ai nấy đều nên gắng sức lên!

***

[1] Chùa Bích Sơn suy vi sắp vỡ nợ, các vị Hằng Tu, Thừa Tham, Quả Định thương xót, sát nhập chùa Quảng Tế vào Bích Sơn để đứng ra chấn hưng, trang trải nợ nần. Do các vị này không thuộc sơn môn chùa Bích Sơn mà lại đứng ra tiếp nhận nhằm chấn hưng chùa Bích Sơn ngõ hầu môn hộ Bích Sơn được tiếp tục tồn tại nên gọi là “tiếp pháp thành tựu”.

[2] Lưỡng Túc: Trí huệ và phước đức đều trọn đủ, tức đã thành quả vị Phật.

[3] Thành Hóa là niên hiệu của Minh Hiến Tông, thời gian kéo dài từ 1465 đến 1487.

[4] Cô Nguyệt Thiền Sư: Hành trạng của vị này không được biết đến nhiều, theo Thích Giám Kê Cổ Lược Tục Tập quyển 3 và Ngũ Đài Sơn Danh Tăng quyển 5 thì Cô Nguyệt thiền sư húy Tịnh Trừng, người Yên Đô, họ Trương, cha mẹ mất sớm, tham học với Nguyệt Khê lão nhân, đắc ngộ, nghe tiếng pháo trúc hốt nhiên tâm rỗng không. Thoạt đầu Sư học kinh giáo, kiêm chuyên tu Niệm Phật tam-muội. Lại đến tham học với ngài Vân Cốc, được giao phó y bát. Khi thầy mất, Sư gặp được ngài Thanh Thiện chùa Thọ Ninh ở Ngũ Đài bèn theo đến Ngũ Đài nhập chúng, đổi tên là Tịnh Trừng. Tại Ngũ Đài sau khi đắc ngộ do tu tập Thiền Quán, Sư vào Tuyết Sơn tại Tứ Xuyên khổ công tu Thiền, đến năm Thành Hóa nguyên niên (1465) mới trở về Ngũ Đài và dựng chùa Bích Sơn. Trước tác có bộ Thanh Lương Ngữ Lục được lưu truyền trong cõi đời.

[5] Đất Đại chính là Đại Quận, thuộc lãnh thổ nước Đại thời Chiến Quốc, nay thuộc huyện Cao Dương tỉnh Sơn Tây. Châu Thành Luyện được phong tước vương và được ban thái ấp ở đất Đại nên gọi là Đại Vương, vương hiệu đầy đủ của Thành Luyện là Đại Huệ Vương.

[6]  Ngũ Đài gồm có năm ngọn, danh xưng mỗi ngọn đều có chữ Đài vì đảnh núi bằng phẳng, rộng rãi như một cái đài. Do đó, người lên tận các ngọn để lễ bái gọi là “triều đài”.

[7] Tức thiền thất, do trong các tùng lâm xưa, mỗi khóa ngồi thiền sẽ chừng khoảng thời gian cháy hết một cây hương lớn (từ 45 phút đến một tiếng đồng hồ) nên gọi là “tọa hương đả tịnh”.

[8] Phòng ở của Tăng gọi là liêu. Liêu xá là tên gọi khác của Tăng đường.

[9] Thạch là đơn vị đo lường thời cổ, có hai đơn vị:

1) Nếu là đơn vị đo dung lượng, một Thạch là 100 lít.

2) Nếu là đơn vị đo trọng lượng thì một Thạch là 71 kg.

Không rõ ở đây dùng Thạch theo nghĩa nào. Nếu theo như kiểu người Việt thường đong lúa bằng giạ thì Thạch sẽ được hiểu theo nghĩa thứ nhất.

[10] Đốc Biện là một chức quan đã có từ thời nhà Thanh. Khi Khang Hy dẹp yên được Thiên Địa Hội, thâu phục Đài Loan đã đặt ra chức Đài Loan Phủ Đốc Biện Khẩn Đại Thần với nhiệm vụ cai quản dân chúng Đài Loan và trông nom việc khẩn hoang nhằm phát triển Đài Loan. Đến năm 1895, khi nhà Thanh suy yếu, để mất Đài Loan vào tay Nhật Bản, chức quan này bị bãi bỏ. Đến thời Dân Quốc, tướng lãnh quân phiệt họ Diêm chiếm cứ Sơn Tây, tự xưng là Đốc Biện. Các tướng quân phiệt khác cũng thích xưng là Đốc Biện.

[11] Dưới thời Minh và Thanh, Tham Nghị là chức quan giúp việc cho quan Thông Chánh Sứ Ty, tức một chức quan giúp việc hành chánh, chuyên giảo duyệt công văn tường trình lên nội các. Đến thời Dân Quốc, chức Tổng Tham Nghị Trưởng tương đương với Đổng Lý Văn Phòng.

[12] Y Lan (Eranda) có nghĩa là cây cực thối, là một loại thực vật thuộc họ Bế Ma (Thầu Dầu), mùi thối nồng gắt, hạt có dầu, thường được ép và tinh chế thành dầu Thầu Dầu. Kinh điển thường ví phiền não với Y Lan, còn Bồ Đề thì ví với Chiên Đàn. Y Lan cũng dùng để ví với những kẻ đầy dẫy tập khí xấu ác.