TRÊN ĐỈNH THÁI SƠN
Hạnh Đoan

 

BÀI HỌC THẦY CHO CON

Chương trình ti-vi đêm ấy thật hấp dẫn. Mục xiếc thế giới đủ sức làm tôi quên hẳn bài luận thầy cho về nhà làm. Khi tôi kịp nhớ tới nó thì mắt tôi đã díp lại. Lo gì! Trong cuốn luận mẫu tôi có bài đó. Thế là tôi yên chí chui vào mùng đánh một giấc ngon lành…

Sáng nay, khi cầm xấp luận văn để phát cho chúng tôi, trán thầy cau lại nhiều hơn. Thầy đi đi lại lại trên bục mãi mà không nói câu nào. Một lúc sau, thầy hắng giọng:

– Hay thật! Một lớp sáu mươi ba em, tại sao không hẹn mà hơn nửa lớp đều làm bài luận in hệt nhau? Không lẽ tư tưởng các em giống nhau kỳ diệu như vậy?

Các tác giả đạo văn đều lên ruột. Thầy nhìn vào những gương mặt đỏ bừng vì xấu hổ, nói:

– Đã lớp sáu rồi, các em đâu còn bé bỏng gì? Đạo văn, ăn cắp văn là một thói xấu đáng chê trách. Văn người đâu cần thầy chấm? Lấy sự thành đạt của người làm của mình thì đó là một sự dối trá. Có được điểm cao thì cũng chẳng vẻ vang gì. Nếu các em còn muốn làm học trò của thầy thì mong các em hãy tuyệt đối thành thật. Bài văn các em làm có dở, mà do chính công sức các em viết ra, thầy chấm thầy vẫn vui. Dở thì luyện mãi cũng hay, có ai sinh ra mà giỏi liền? Hành vi vừa rồi của các em làm thầy buồn và thất vọng ghê gớm, hãy hứa với thầy đây là lần cuối cùng trong đời các em… Các em có hứa với thầy không?

Trực, lớp trưởng lớp tôi đứng lên, xúc động nói:

– Chúng em rất hối hận và thành thật xin lỗi thầy. Chúng em hứa sẽ chừa bỏ vĩnh viễn tật xấu này, mong thầy sẽ hướng dẫn, giúp chúng em trau dồi
mình tốt đẹp hơn. (Và Trực quay lại nói với cả lớp):

– Phải không các bạn? Chúng ta hứa với thầy như vậy chứ?

Bàn tay các tác giả đạo văn giơ lên. Tất cả đồng thanh:

– Chúng em xin hứa với thầy!

Mắt thầy chớp nhanh, vầng trán nhăn giãn ra, thư thản hơn. Thầy dịu dàng nói:

– Lời hứa rất quan trọng. Người ta có thể căn cứ vào đó để xác định giá trị mình. Các em đừng nghĩ mình còn nhỏ mà tha hồ lầm lỗi. Người ta có thể nhìn tư cách của một người mà đánh giá cả đoàn thể, cả một nước…

Và thầy kể:

– Ông Nhạc Chính Tử là quan nước Lỗ, ông nổi tiếng không bao giờ nói dối và rất giữ chữ tín. Vua Tề nghe vua Lỗ có cái đỉnh là vật báu của nước, nên bắt đem dâng nạp. Vua Lỗ tiếc quá, làm cái đỉnh giả sai người mang sang Tề. Vua Tề nói: “Phải có Nhạc Chính Tử đem sang ta mới tin…”. Chính Tử bảo vua Lỗ: “Sao Bệ hạ không dâng cái đỉnh thật?”. Vua Lỗ đáp: “Ta quí nó lắm!”.

Chính Tử nói: “Bệ hạ quí báu vật thế nào thì thần cũng quí đức “Tín” của thần như vậy!”…

Kể xong, Thầy dịu dàng bảo chúng tôi:

– Thầy mong một ngày nào đó, thầy cũng sẽ nói: “Phải là các em thầy mới tin…”. Hãy biết quý trọng và gìn giữ nhân cách mình như vật báu, các em ạ!

Nắng đổ vàng rực trên sân trường, hắt cơn nóng như thiêu vào lớp học. Giờ ra chơi hôm nay, thằng Tùng với thằng Tâm đùa nghịch bất cẩn thế nào mà bình mực của nhỏ Thảo Chi văng lên bắn mạnh vào tường, đổ tung tóe trên bàn thầy. (Thầy bảo chúng tôi còn nhỏ nên xài bút mực để luyện chữ cho đẹp, nên đa số các bạn đều đem bình mực theo).

Khi thầy bươc vào, lớp học im phăng phắc. Đến độ tôi nghe rõ cả nhịp thở của thằng bạn ngồi bên. Thầy lặng lẽ quan sát cái bàn loang lỗ vết mực bẩn
rồi hỏi:

– Em nào làm mực văng đầy bàn?

Tâm mặt trắng bệch, Tùng cúi đầu nhìn xuống đất. Một lúc sau, Tùng từ từ đứng dậy, giọng hơi run:

– Thưa thầy, chính em.

Thầy gạn thêm:

– Mình em thôi à?

Tùng im lặng. Nó với Tâm là đôi bạn chí thiết, nó không nỡ khai thêm thằng Tâm ra nên cứ đứng câm như hến.

Tâm nhìn Tùng bối rối.

Tánh Tâm vốn rất nhát đòn. Tôi thấy tay nó miết đi miết lại mãi trên mặt bàn, dấu tay ướt mồ hôi còn in hình rõ năm ngón. Cuối cùng nó thu hết can đảm dứng dậy nói:

– Thưa thầy, không phải mình Tùng mà… có cả em nữa!

Thầy nhìn hai đứa giây lâu, bảo:

– Các em thấy tội mình đáng xử như thế nào?

Tùng và Tâm ấp úng:

– Chúng em rất ân hận việc đã xảy ra. Giờ thầy phạt thế nào chúng em cũng xin chịu. Mong thầy tha lỗi cho chúng em.

Thầy nghiêm giọng trách:

– Xem này: sổ điểm, sổ đầu bài, giáo án… tất cả đều lem mực, kết quả của trò đùa tai hại. Giờ thầy phạt các em là chuyện đương nhiên, nhưng vết lem này… ban giám hiệu sẽ nghĩ gì?

– Chúng em sẽ xuống ban giám hiệu để nhận phạt. Mong thầy không buồn vì có những đứa học trò nghịch phá như chúng em…

Bỗng dưng thầy đổi giận làm vui, dịu dàng nói:

– Đúng là hai đứa nghịch quá quắt. Nãy giờ, thầy muốn biết thái độ của các em trước lỗi lầm của mình. Thầy rất sung sướng vì các em không hề phụ lòng thầy. Các em đã có can đảm đứng lên nhận lỗi một cách đáng khen. Có thể các em sẽ không dối được, bởi cả lớp đều biết… nhưng có cam đảm nhận lỗi về mình, dám nhận hình phạt, can đảm nói thẳng nói thật… là một đức tính đáng được ca ngợi. Các em nhận lỗi không phải để tự hạ mình xuống, mà vì các em biết trọng lẽ phải và có thừa dũng khí! Thầy mong các em sẽ giữ được đức tín ấy đến suốt đời! Thôi!… Tùng với Tâm về chỗ ngồi đi!

Tùng và Tâm mắt rớm lệ, lí nhí nói lời cảm ơn thầy rồi lủi thủi về chỗ.

Ôi! Mỗi lời thầy nói ra, sao quí muôn vàn đối với chúng tôi. Dù mai đây có phải lìa xa mái trường làng nhỏ bé, mỗi đứa chúng tôi khó mà quên được người thầy khả kính, đã từng đem hết tâm huyết để dạy cho chúng tôi nên người. Lòng biết ơn ấy không thể nói bằng lời mà phải bằng những hành động thể hiện qua cuộc sống, vì thầy luôn nhắc nhở: “Kẻ phản bội đất nước là tự làm hư đốn bản thân mình!”.