NHỮNG ĐÓA HOA VÔ ƯU
Thiện Phúc
TẬP I
161. Ăn Chay
162. Ăn Thịt theo Quan Điểm Phật Giáo
163. Tịnh và Bất Tịnh Nhục
164. Trai Nhật
165. Tám Lý Do Một Vị Bồ Tát Không Nên Ăn Thịt
166. Bất Thối Chuyển
167. Lễ Bái Lục Phương
168. Vu Lan Bồn
169. Pháp Môn Lợi Ích Cho Tự Ngã
170. Con Đường Của Chơn Lý
161. Ăn Chay
Giáo thuyết nhà Phật luôn nhấn mạnh đến tứ vô lượng tâm, đại từ, đai bi, đại hỷ và đại xả. Người Phật tử coi thâm mạng là thiêng liêng nên không sát hại bất cứ chúng sanh nào. Và chính vì thế mà đa phần Phật tử tu theo Đại thừa đều phát nguyện ăn chay. Phật tử không nên giết hại chúng sanh để ăn thịt. Sát sanh là giới cấm đầu tiên trong ngũ giới. Sát sanh để lấy thịt chúng sanh làm thực phẩm là tội nặng nhất trong Phật giáo. Theo Mật giáo, trong kinh Đức Phật có nói với ngài A Nan: “Này A Nan, nếu không có hình tướng thì cũng không có pháp. Nếu không có thức ăn, thì cũng không có pháp. Nếu không có y phục thì cũng không có pháp. hãy giữ gìn cơ thể để ông phục vụ pháp. Trong truyền thống Mật giáo có sự liên hệ giữa các hình tướng vô cùng quan trọng. Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta biến nó thành một cuộc phiêu lưu trên hình tướng. Chúng ta có thể trở thành người ăn chay trường và chế diễu người ăn thịt. Chúng ta có thể chỉ mặt toàn đồ bằng vải và không dùng da thú. Hay chúng ta có thể quyết định đi đến một nơi không có các ô nhiễm môi trường để sinh sống. Nhưng bất cứ một lối sống nào mà chúng ta chọn cũng đều có thể trở thành thái quá. Nếu một người trường trai sẽ thôi không dùng thịt nữa, nhưng anh ta vẫn có thể thấy khoan khoái khi lột một trái chuối bằng một cái tâm khát máu, hay cắn vào trái đào bằng cái tâm tham muốn và nấu trái cà tím để tìm trong đó hương vị của miếng thịt mỡ béo, Những bước dò giẫm của chúng ta trên con đường của hiện tượng vô cùng gian nan và phức tạp. Nói thế chúng ta không nhằm cổ võ cho việc ăn thịt. Chúng ta chỉ muốn nêu ra điểm là đừng nên nghĩ rằng thế giới hiện tượng này và ngay cả thân thể chúng ta nó đang hiện hành như chúng ta tưởng. Chúng ta luôn tìm một phương cách nhằm làm cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Khi chúng ta không hạnh phúc hay không thoải mái, chúng ta thường muốn đi đến một nơi khác, lên hay xuống, hay bất cứ nơi nào. Có người kêu nó là địa ngục, có người kêu nó là thiên đàng, nhưng là cái gì đi nữa cũng không quan trọng, chúng ta chỉ muốn có một chỗ để dưỡng thần mà thôi.
Đức Phật đã không cho rằng việc đề ra cách ăn chay cho các đệ tử tu sĩ của mình là điều thích đáng, điều mà Ngài đã làm là khuyên họ tránh ăn thịt thú vật, vì cho dù là loại thịt gì đi nữa thì ăn thịt vẫn là tiếp tay cho sát sanh, và thú vật chỉ bị sát hại để làm thực phẩm cho người ta mà thôi. Chính vì thế mà trước khi nhập diệt, Ngài khuyên tứ chúng nên ăn chay. Tuy nhiên, có lẽ Đức Phật không đòi hỏi các đệ tử tại gia của Ngài phải trường chay. Người Phật tử nên ăn chay có phương pháp và từ từ. Không nên bỏ ăn mặn ngay tức thời để chuyển qua ăn chay, vì làm như vậy có thể gây sự xáo trộn và bệnh hoạn cho cơ thể vì không thể ăn những món chay có đủ chất dinh dưỡng; phải từ từ giảm số lượng cá thịt, rồi sau đó có thể bắt đầu mỗi tháng hai ngày, rồi bốn ngày, sáu ngày, mười ngày, và từ từ nhiều hơn. Phật tử nên ăn chay để nuôi dưỡng lòng từ bi và tinh thần bình đẳng, mà còn tránh được nhiều bệnh tật. Ngoài ra, thức ăn chay cũng có nhiều sinh tố bổ dưỡng, thanh khiết và dễ tiêu hóa. Chúng ta không nên phán xét ai thanh tịnh hay bất tịnh qua chay mặn, thanh tịnh hay bất tịnh là do tư tưởng và hành động thiện ác của người ấy. Tuy nhiên, dù sao thì những người ăn trường chay được thì thật là đáng tán thán. Còn những người ăn mặn cũng phải cẩn trọng, vì dù biện luận thế nào đi nữa, thì bạn vẫn là những người ăn thịt chúng sanh. Bạn có thể nói “tôi không nghe,” hay “tôi không thấy” con vật bị giết, nhưng bạn có chắc rằng những con vật ấy không bị giết vì mục đích để lấy thịt làm thực phẩm cho bạn hay không? Cẩn trọng!!!
162. Ăn Thịt theo Quan Điểm Phật Giáo
Trong giới luật cấm sát sanh của Phật giáo, người ta mong đợi Phật tử phải theo luật ăn chay. Tuy nhiên, theo kinh tạng Pali, kinh tạng được các trường phái Theravada buổi sơ khai sưu tập, và được trường phái Theravada duy nhất còn tồn tại tin tưởng, có nhiều chỗ đề tài này đã được nêu lên, và trong tất cả các trường hợp ấy rõ ràng Đức Phật từ chối đòi hỏi các vị Tăng phải kiêng thịt. Họ cho rằng là các nhà sư khất sĩ chỉ nhờ vào đồ khất thực, và Luật tạng nói đi nói lại nhiều lần là họ phải ăn những gì mà người ta cho, coi đó như là phương tiện duy nhất để sống. Từ chối thực phẩm cúng dường là chối bỏ cơ hội cho đàn na tín thí làm việc phước đức, và điều này cũng đưa tới việc những người bị từ chối cúng dường có những cảm nghĩ tiêu cực về Tăng Đoàn. Tuy nhiên, có những giới hạn nào đó, một vài loại thịt bị cấm, bao gồm thịt người, cũng như thịt chó, thịt rắn, thịt voi, và thịt các loài ăn thịt sống. Trong Luật Tạng quyển IV. 237 nói rằng chư Tăng chỉ có thể ăn các loại “tam tịnh nhục,” có nghĩa là họ không thấy giết, không nghe giết và không nghi ngờ rằng con vật bị giết để làm thức ăn cho mình. Luật Tạng giải thích rằng nếu một vị Tăng nghi ngờ về nguồn gốc của thịt, vị ấy nên hỏi coi thịt ấy lấy từ đâu. Những lý do nghi ngờ bao gồm bằng chứng về săn bắn, hay là không có hàng bán thịt ở gần đó, hay là tính chất không tốt của người thí chủ. Tuy nhiên, nếu hội đủ những điều kiện ấy thì không ai có thể trách được vị Tăng về việc ăn thịt. Nếu thí chủ giết con vật, hay bảo ai giết con vật để cúng dường chư Tăng, thì kết quả của ác nghiệp là của thí chủ. Kinh tạng Pali cũng báo cáo rằng người em họ của Đức Phật là Đề Bà Đạt Đa đặc biệt yêu cầu Đức Phật bắt buộc việc ăn chay, nhưng Đức Phật đã từ chối, chỉ cho phép việc này như là sự lựa chọn trong thực hành khổ hạnh. Những thí dụ trên cho thấy Đức Phật và các đệ tử của Ngài cũng đã thường ăn thịt trong các buổi khất thực. Tuy nhiên, việc này không có nghĩa là giết hại sinh vật là có thể tha thứ được. Những ngành nghề liên hệ đến sát sanh như giết và bán thịt đều bị lên án như là những thí dụ của “tà mạng,” và ngày nay trong các xứ theo Phật giáo những công việc này thường được làm bởi những người không phải là Phật tử. Những người làm những công việc này thường được xem như là những kẻ nặng nghiệp. Về việc tiêu thụ thịt như thực phẩm, chính các Phật tử cũng chia thành hai phái. Một phái cho rằng ăn thịt không kém phần tội lỗi như hành động của người giết. Họ cho rằng nếu thịt không được dùng làm thực phẩm thì không có nguyên nhân phải giết chóc súc vật, cho nên tiêu thụ thịt chịu trách nhiệm trực tiếp về việc giết, vì vậy ăn thịt là sai. Nhóm khác cho rằng việc ăn thịt được Đức Phật cho phép. Họ cho rằng giới luật hay kỹ luật cho phép các thầy tu ăn thịt trong nhiều trường hợp gọi là “Tam Tịnh Nhục,” “Ngũ Tịnh Nhục,” hay “Cửu Tịnh Nhục.” Dù nói thế nào đi nữa, ăn thịt vẫn là ăn thịt. Người tu, nhất là chư Tăng Ni, phải tỏ tấm lòng từ bi đối với chúng sanh muôn loài. Chư Tăng Ni phải cố gắng hết mình chẳng những không giết, mà còn không là nguyên nhân của sự giết qua hình thức cúng dường cái gọi là tịnh nhục.
Trong các xứ theo Phật giáo Theravada, người ăn chay được mọi người kính trọng, nhưng ít được thực hành. Hầu hết Phật tử tại gia đều ăn thịt, nhưng cũng có một vài ngày nhiều người cử thịt. Trong các xứ ấy, người ta thường nghĩ nên ăn những con vật ít thông minh hơn, như cá, và ăn những con vật nhỏ hơn là những con vật to. Tuy nhiên, tại Tây Tạng triết lý ưu thế thì ngược lại: người Tây Tạng thường tin rằng nên ăn những con vật lớn hơn, vì chỉ một con vật lớn bị giết có thể nuôi ăn được nhiều người, nên họ không cần phải giết nhiều con vật nhỏ. Tuy nhiên, một số các giáo điển Đại Thừa thì tranh luận chống lại việc ăn thịt, nhấn mạnh rằng việc này không thích hợp với tu tập Bồ Tát là phát lòng bi mẫn đến chúng sanh mọi loài và coi họ như những cha mẹ đời trước của mình. Thí dụ như kinh Đại Bát Niết Bàn, nói rằng vì việc ăn thịt làm triệt tiêu chủng tử từ bi nên Đức Phật đã bảo các đệ tử của Ngài nên ăn chay. Kinh Lăng Già cũng có một chương trong đó Đức Phật có kể ra tám lý do tại sao một người Phật tử, đặc biệt là một Tăng hay một vị Ni không nên ăn thịt. Ngài nói trong buổi sơ khai của đạo Phật, trình độ hiểu biết Phật pháp thậm thâm của Phật tử hãy còn quá giới hạn nên Ngài không muốn bắt buộc họ phải theo những giới luật khắt khe ngay lập tức. Nhưng đến lúc này Đức Phật phải nhắc lại cho Phật tử nhớ rằng nếu họ còn tin nơi luật nhân quả thì họ nên giảm thiểu tới mức thấp nhất mức độ ăn thịt của họ, vì hễ có nhân, không cần biết ấy là loại nhân gì, chắc chắn sẽ có “quả” không có ngoại lệ. Đức Phật nhắc tiếp, “Phật tử nên luôn nhớ rằng tất cả chúng sanh trong đời quá khứ đều đã ít nhất một lần là cha, là mẹ, là thân bằng quyến thuộc.” Hơn nữa, cái mùi của người ăn thịt có thể làm kinh động chúng sanh và đưa đến tiếng xấu, ăn thịt còn gây trở ngại cho việc thiền tập, đưa đến những cơn ác mộng và lo lắng, và đưa đến tái sanh vào ác đạo, và ngay cả việc ăn thịt của những con vật mà mình biết chắc là không phải giết cho mình ăn, người ăn thịt ấy vẫn đang tham dự vào tiến trình sát sinh và làm tăng nỗi khổ đau của chúng sanh. Kinh Đại Bát Niết Bàn, Lăng Già và những kinh văn Đại Thừa khác rất phổ biến ở các xứ Đông Á và điều này cho thấy tại sao hầu hết các tự viện ở những vùng như Trung Hoa, Đại Hàn và Việt Nam đều ăn chay. Tại Nhật Bản, người Phật tử kính trọng việc ăn chay và chính thức được thực hành trong các Thiền viện. Những người ăn chay cũng tuân thủ theo giới luật được biết tới trong Kinh Phạm Võng, kinh có ảnh hưởng rộng rãi tại các xứ Đông Á. Một thí dụ của vùng Đông Á buổi ban sơ về thái độ này là luật cấm ăn thịt và săn bắn của vua Vũ Đế năm 511. Ăn chay luôn được các Phật tử tại gia thuần thành của các xứ vùng Đông Á tuân thủ cũng là kết quả của luật cấm sát sanh. Tuy nhiên, Phật giáo Mông Cổ và Tây Tạng ít khi áp dụng luật ăn chay. Đức Đạt Lai Lạt Ma khuyến khích người Tây Tạng nên ít ăn thịt hơn, và nếu ăn thì nên ăn những động vật lớn để giảm thiểu số lượng súc sanh bị sát hại, nhưng chính Đức Đạt Lai Lạt Ma không phải là người ăn chay. Trong môi trường khắt nghiệt của Tây Tạng thì việc ăn chay khó thực hiện được vì đất đai và khí hậu không thuận tiện cho ngành trồng trọt, nên chỉ có một vài vị Lạt Ma ăn chay khi lưu vong. Vấn đề là làm sao nói rõ được giáo pháp nhà Phật để cho Phật tử thấy được rằng, theo luật nhân quả hay nghiệp lực, thì tất cả chúng sanh đều một thời trong quá khứ đã là cha, là mẹ, là thân bằng quyến thuộc. Tuy nhiên, các vị Lạt Ma thường tránh né các chủ đề và thường khuyên các đệ tử nên trì chú nhằm giúp các sinh vật ấy được sanh vào cõi tốt hơn. Vẫn còn có sự khó chịu đáng kể về vấn đề này trong số các vị thầy trong Phật giáo Tây Tạng, mà đa phần các vị ấy rõ ràng là tránh né vần đề này. Như trên đã thấy không có sự đồng nhất trong số Phật tử về việc ăn thịt, và có những khác biệt lớn lao về ý kiến trong các văn kinh Phật giáo về việc này.
163. Tịnh và Bất Tịnh Nhục
Tịnh Nhục hay loại thịt được coi là thanh tịnh đối với chư Tăng Ni. Trong thời phôi thai của Phật giáo, Đức Phật luôn nhấn mạnh đến “lòng từ bi.” Phật tử, kể cả chư Tăng Ni chắc hẳn đã biết Đức Phật muốn nói gì. Nếu bạn nói bạn từ bi đối với chúng sanh muôn loài mà ngày ngày vẫn ăn thịt chúng sanh (đặc biệt là chư Tăng Ni), thì nghĩa của chữ “từ bi” mà bạn nói là nghĩa gì? Trong thời Phật còn tại thế, sở dĩ Ngài cho phép chư Tăng Ni thọ dụng bất cứ món gì mà người tại gia cúng dường là vì vào thời ấy đã xãy ra một trận hạn hán kinh khủng tại Ấn Độ làm cho hầu hết cây cỏ đều biến mất. Vào thời đó Đức Phật cho phép chư Tăng thọ dụng thịt mà Ngài gọi là “Tam Tịnh Nhục” khi vị Tăng không tự mình giết con vật hay con vật không bị giết để cúng dường cho mình, hay vị Tăng không nghe thấy con vật bị giết. Nói cách khác, khi vị Tăng không thấy giết, tức là không thấy người ta giết con vật để làm thực phẩm cho mình; không nghe giết, tức là không nghe tiếng người ta giết con vật để làm thực phẩm cho mình; và không nghi ngờ con vật bị giết để cúng dường cho mình, tức là không giết con vật để làm thực phẩm cho mình. Ngược lại, thịt được xem là bất tịnh khi vị Tăng chính mắt thấy giết; tai nghe giết; và ngờ là người ta giết con vật vì mình. Ngoài ra, thịt cũng được xem là “Tịnh Nhục” khi con thú tự chết; hay thịt thú còn thừa do thú khác giết xong ăn còn dư lại. Hay con vật không phải vì mình mà bị giết; hoặc thịt khô tự nhiên do con vật tự chết lâu ngày dưới ánh nắng làm cho thịt khô lại; hoặc những món không phải do ước hẹn, nhưng tình cờ gặp mà ăn. Đó là chuyện thời Đức Phật, còn bây giờ, chúng ta nào có thiếu rau cải thực vật, những thứ cũng cung cấp đầy đủ chất bổ cho thân thể con người. Quí vị nên cẩn trọng!!!
164. Trai Nhật
Trong đạo Phật, lý tưởng nhất vẫn là trường trai; tuy nhiên, việc trường trai rất ư là khó khăn cho Phật tử tại gia, nên có một số ngày trong tháng cho cư sĩ tại gia. Lý do ăn chay thật là đơn giản, vì theo lời Phật dạy thì tất cả chúng sanh, kể cả loài cầm thú đều quý mạng sống, nên để tu tập lòng từ bi, người Phật tử không nên ăn thịt. Những ngày trai lạt theo đạo Phật thường là mồng một, 14, 15, và 30 âm lịch. Ngoài ra, những ngày trai lạt còn là những ngày trai thất hay ngày cúng vong, hay những ngày mà cư sĩ Phật giáo thọ bát quan trai trong một ngày một đêm. Hơn nữa, còn có “Cửu Trai Nhựt” hay chín ngày ăn chay, trì giới, và cử ăn quá ngọ. Trong chín ngày nầy vua Trời Đế Thích và Tứ Thiên vương dò xét sự thiện ác của nhân gian. Cửu Trai Nhựt bao gồm: mỗi ngày trong ba tháng: giêng, năm, chín, mỗi ngày trong tháng giêng, mỗi ngày trong tháng năm, mỗi ngày trong tháng chín; và các tháng khác mỗi tháng sáu ngày: mồng tám, mồng chín, mười bốn, hăm ba, hăm chín, và ba mươi.
Ngoài những ngày vừa kể trên, người Phật tử thuần thành còn thọ trai trong “Tam Thập Duyên Nhật” vì đây là những ngày có duyên với cõi Ta Bà của mỗi Đức Phật. Tam Thập Duyên Nhật bao gồm: Định Quang Phật, ngày mồng một trong tháng; Nhiên Đăng Phật, ngày mồng hai trong tháng; Đa Bảo Phật, ngày mồng ba trong tháng; A Súc Bệ Phật, ngày mồng bốn trong tháng; Di Lặc Bồ Tát, ngày mồng năm trong tháng; Nhị Vạn Đăng Phật, ngày mồng sáu trong tháng; Tam Vạn Đăng Phật, ngày mồng bảy trong tháng; Dược Sư Phật, ngày mồng tám trong tháng; Đại Thông Trí Thắng Phật, ngày mồng chín trong tháng; Nhật Nguyệt Đăng Minh Phật, ngày mồng mười trong tháng; Hoan Hỷ Phật, ngày mười một trong tháng; Nan Thắng Phật, ngày mười hai trong tháng; Hư Không Tạng Bồ Tát, ngày mười ba trong tháng; Phổ Hiền Bồ Tát, ngày mười bốn trong tháng; A Di Đà Phật, ngày rằm trong tháng; Đà La Ni Bồ Tát, ngày mười sáu trong tháng; Long Thọ Bồ Tát, ngày mười bảy trong tháng; Quán Thế Âm Bồ Tát, ngày mười tám trong tháng; Nhật Quang Bồ Tát, ngày mười chín trong tháng; Nguyệt Quang Bồ Tát, ngày hai mươi trong tháng; Vô Tận Ý Bồ Tát, ngày hai mươi mốt trong tháng; Thí Vô Úy Bồ Tát, ngày hai mươi hai trong tháng; Đắc Đại Thế Chí Bồ Tát, ngày hai mươi ba trong tháng; Địa Tạng Bồ Tát, ngày hai mươi bốn trong tháng; Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, ngày hai mươi lăm trong tháng; Dược Thượng Bồ Tát, ngày hai mươi sáu trong tháng; Lư Già Na Phật, ngày hai mươi bảy trong tháng; Đại Nhật Như Lai, ngày hai mươi tám trong tháng; Dược Vương Bồ Tát, ngày hai mươi chín trong tháng; và Thích Ca Mâu Ni Phật, ngày ba mươi trong tháng.
165. Tám Lý Do Một Vị Bồ Tát Không Nên Ăn Thịt
Có vài trường phái không cấm dùng thịt (tam tịnh, ngũ tịnh, hay cửu tịnh nhục), vì họ cho rằng trong thời Thế Tôn còn tại thế Ngài đã không cấm đoán việc ăn thịt, nhưng trong luật Đại Thừa Bồ Tát đạo, lấy tâm đại bi làm gốc nên nghiêm cấm việc ăn thịt (trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Ngài Ca Diếp hỏi Đức Thế Tôn: “Vì sao mà Thế Tôn lại không cho ăn thịt?” Đức Thế Tôn bảo: “Ăn thịt là làm mất đi hạt giống từ bi.”). Theo Thiền Sư D.T. Suzuki trong Nghiên Cứu Kinh Lăng Già, có tám lý do không nên ăn thịt được nêu ra trong Kinh Lăng Già:
Thứ nhất, tất cả chúng sanh hữu tình đều luôn luôn trải qua những vòng luân hồi và có thể có liên hệ với nhau trong mọi hình thức. Một số chúng sanh đó rất có thể giờ đang sống dưới hình thức những con vật thấp kém. Trong khi hiện tại chúng đang khác với chúng ta, tất cả chúng đều cùng một loại với ta. Giết và ăn thịt chúng tức là giết hại chúng ta vậy. Con người không thể cảm nhận điều nầy nếu họ quá nhẫn tâm. Khi hiểu được sự kiện nầy thì ngay cả các loài La Sát cũng không nở ăn thịt chúng sanh. Một vị Bồ Tát xem chúng sanh như con một của mình, không thể mê đắm trong việc ăn thịt
Thứ nhì, cốt tủy của Bồ Tát đạo là lòng đại bi, vì nếu không có lòng đại bi thì Bồ Tát không còn là Bồ Tát nữa. Do đó kẻ nào xem người khác như là chính mình và có ý tưởng thương xót là làm lợi ích cho kẻ khác cũng như cho chính mình, thì kẻ ấy không ăn thịt. Vị Bồ Tát vì chơn lý nên hy sinh thân thể, đời sống, và tài sản của mình; vị ấy không ham muốn gì cả; vị ấy đầy lòng từ bi đối với tất cả chúng sanh hữu tình và sẵn sàng tích lũy thiện hạnh, thanh tịnh và tự tại đối với sự phân biệt sai lầm, thì làm sao vị ấy có thể có sự ham ăn thịt được? Làm sao vị ấy có thể mắc phải những thói quen ác hại của các loài ăn thịt được?
Thứ ba, thói quen ăn thịt tàn nhẫn nầy làm thay đổi toàn bộ dáng vẻ đặc trưng của một vị Bồ Tát, khiến da của vị ấy phát ra một mùi hôi thối khó chịu và độc hại. Những con vật khá nhạy bén để cảm thấy sự đến gần của một người như vậy, một người mà tự thân giống như loài La Sát, và chúng sẽ sợ hãi mà tránh xa. Do đó, ai bước vào con đường từ bi phải nên tránh việc ăn thịt.
Thứ tư, nhiệm vụ của một vị Bồ Tát là tạo ra thiện tâm và cái nhìn thân ái về giáo lý nhà Phật giữa các chúng sanh thân thiết của ngài. Nếu họ thấy ngài ăn thịt và gây kinh hãi cho thú vật, thì tâm của họ tự nhiên sẽ tránh xa vị ấy và cũng tránh xa giáo lý mà vị ấy đang thuyết giảng. Kế đó họ sẽ mất niềm tin về Phật giáo.
Thứ năm, nếu vị Bồ Tát mà ăn thịt thì vị ấy sẽ không thể nào đạt được cứu cánh mình muốn, vì vị ấy sẽ bị chư Thiên, những vị ái mộ và bảo hộ, ghét bỏ. Miệng của vị ấy sẽ có mùi hôi, vị ấy có thể ngủ không yên; khi thức dậy, vị ấy không cảm thấy sảng khoái; những giấc mộng của vị ấy sẽ đầy dẫy những điều bất tường; khi vị ấy ở một nơi vắng vẻ riêng biệt một mình trong rừng, vị ấy sẽ bị ác quỷ ám ảnh; vị ấy sẽ bị rối ren loạn động; khi có một chút kích thích là vị ấy hoảng sợ; vị ấy sẽ luôn bệnh hoạn, không có khẩu vị riêng, cũng như không có sự tương đồng giữa việc ăn uống và tiêu hóa; quá trình tu tập tâm linh của vị ấy luôn bị gián đoạn. Do đó ai muốn làm lợi mình và lợi người trong sự tu tập tâm linh, đừng nên nghĩ đến việc ăn thịt thú vật.
Thứ sáu, thịt của thú vật dơ bẩn, chẳng sạch sẽ chút nào để làm nguồn dinh dưỡng cho một vị Bồ Tát. Nó đã hư hoại, thối rữa và dơ bẩn. Nó đầy cả ô uế và khi bị đốt nó phát ra mùi làm tổn hại bất cứ ai có sở thích tinh tế về các thứ thuộc về tâm linh.
Thứ bảy, về mặt tâm linh, người ăn thịt chia xẻ sự ô uế nầy. Khi xưa khi vua Sư Tử Tô Đà Bà vốn thích ăn thịt, khi ông bắt đầu ăn thịt người làm cho thần dân của ông chán ghét. Ông bị đuổi ra khỏi vương quốc của chính ông. Thích Đề Hoàn Nhân, một vị Trời, có lần biến thành một con diều hâu và đuổi theo một con bồ câu, do bởi ông có một quá khứ dơ bẩn là đã từng là một kẻ ăn thịt. Sự ăn thịt không những làm ô uế cuộc sống cá nhân, mà nó còn làm ô uế cuộc sống của con cháu sau nầy nữa.
Thứ tám, đồ ăn thích hợp của một vị Bồ Tát mà tất cả hàng Thánh Hiền đi theo chân lý trước đây đều công nhận là gạo, lúa mì, lúa mạch, tất cả các thứ đậu, bơ lọc, dầu, mật, và đường được làm theo nhiều cách. Ở chỗ nào không có sự ăn thịt, sẽ không có người đồ tể sát hại đời sống của chúng sanh và sẽ không có ai phạm những hành động nhẫn tâm trong thế giới nầy.
166. Bất Thối Chuyển
Chữ “Bất Thối Chuyển”, “A Bệ Bạt Trí,” theo tiếng Bắc Phạn là Avaivartika, có nghĩa là chẳng lùi xuống. Bậc Bất Thối Chuyển: Vị chẳng bao giờ rơi rớt lại những đường thấp hơn. Bậc đã đạt được tánh không hay vô sanh pháp nhẫn sẽ không bao giờ bị thối chuyển ra khỏi Bồ Tát hay Phật đạo. Khi một bậc đã tiến tới chỗ không còn rơi ngược trở lại (luân hồi sanh tử) hay bất thối chuyển là cách nói khác của “nhất sinh thành Phật” hay thành Phật trong kiếp này. Bồ Tát Bất Thối Chuyển, trải qua quá trình tu hành dài một đại a tăng kỳ kiếp mà thành tựu quả vị Phật, chưa hề thối chuyển. Bất thối có nghĩa là không chịu thua hay không mỏi mệt với vị trí hiện tại, hay không tháo lui, đặc biệt khi nói về sự tu tập Phật đạo. Theo các giáo điển Đại Thừa thì bất thối chuyển nằm trong địa thứ bảy trong mười địa, nhưng Du Già Sư Địa Luận nói rằng bất thối chuyển là sơ địa trong thập địa Bồ Tát, trong khi Phật Tính Luận lại cho rằng bất thối chuyển là yếu tố đầu tiên trong thập hồi hướng công đức. Theo Pháp Tướng Tông thì có năm điều bất thối.
Người “Bất Thối” là người không bao giờ thối lùi; một vị Bồ Tát trên đường tiến đến Phật quả, không bao giờ đi lùi về một cảnh giới thấp hơn cảnh giới mà vị ấy đã đạt được. Theo Kinh A Di Đà thì dù cho người vãng sanh vào địa vị thấp nhất trong cõi Tịnh Độ, dù phải mang theo nghiệp còn sót lại, nhưng vẫn không còn thoái chuyển nữa. Không lùi mà đi thẳng vào Niết bàn, người đã đạt tới thực chứng tánh không, sẽ không bao giờ đi lùi trên đường đi đến Bồ Tát hay Phật quả. Đôi khi người ta định nghĩa “Bất Thối Chuyển” đơn thuần là các bậc tu hành đã tiến đến giai đoạn cao không bao giờ còn thối chuyển trở lại nữa. Cũng theo Kinh A Di Đà, chúng sanh phước mỏng nghiệp dầy tích tụ từ vô thỉ, khó lòng tự tu tự độ về cõi Niết Bàn trong một đời kiếp, mà ngược lại rất dễ dàng bị thối chuyển trong luân hồi sanh tử, nên Đức Phật khuyên Phật tử về sau nầy nên nhất tâm niệm Phật để được sanh về cõi Cực Lạc, hầu tiếp tục tu tập để đạt thành Phật quả, vì một khi chúng sanh được sanh về Cực Lạc, thì bạn lành toàn là các bậc Bồ Tát thượng thiện, tuyệt tất cả các chướng nạn, ác duyên, lại không có ngoại đạo tà ma, nên tâm thường an tịnh. Đây là một trong năm lý do tại sao người vãng sanh Tịnh Độ không còn bị thối chuyển nữa.
Bất thối là những mức độ mà vị Bồ Tát không còn bị thối chuyển nữa, thường dùng để chỉ từ địa thứ tám đến địa thứ 10 trong thập địa Bồ Tát. Theo Hòa Thượng Thích Thiền Tâm trong Liên Tông Thập Tam Tổ, sao gọi là Bất Thối Tâm? Phải nên biết rằng tuy đã có sám nguyện và tu hành rồi, nhưng hành giả vẫn còn vướng nhiều chướng ngại sau đây: nghiệp hoặc, phiền não, cùng các thứ ma chướng khác không dễ gì dứt trừ được; tu lục độ, vạn hạnh của Bồ Tát cũng không dễ gì thành tựu được; con đường đi đến quả vị vô thượng Bồ Đề lại rất dài xa, không dễ gì chứng đắc được. Hơn nữa, hành giả phải phát lời thề nguyền kiên cố, bất thối chuyển, dù cho thân nầy có bị vô lượng nhục nhằn, khổ nhọc, hay bị thiêu đốt nát tan, quyết không vì thế mà phạm vào điều ác; quyết không vì thế mà thối thất trên bước đường tu; và quyết luôn dùng tâm “Bất Thối Chuyển” như vậy mà hành đạo.
Có ba thứ “Bất Thối” hay Tam Bất Thối Chuyển. Thứ nhất là “Vị bất thối”, tức là không thối chuyển từ chỗ đã đạt. Một khi đã dự vào địa vị Tứ Thánh rồi, chẳng còn bị xuống địa vị Lục Phàm nữa. Thứ nhì là “Hạnh bất thối”, tức là không thối chuyển từ những hành động thiện lành đang theo đuổi. Một khi đã tu hạnh Bồ Tát thường hóa độ chúng sanh, chẳng còn sa đọa xuống hàng nhị thừa nữa. Thứ ba là “Niệm bất thối”, tức là không thối chuyển trong thiền định. Giờ phút nào tâm niệm cũng như dòng nước chảy vào biển “Nhất Thiết Trí”. Bên cạnh đó, theo Pháp Tướng Tông còn có nhiều thứ bất thối khác như không thối chuyển từ nơi thanh tịnh đã đạt được; tín bất thối; vị bất thối; chứng bất thối; hạnh bất thối; và luật nghi bất thối. Tuy nhiên, cổ đức luôn nhắc nhở về ba thí dụ về sự ngộ đạo mà vẫn còn bị thối thất. Thí dụ thứ nhất, như dùng tảng đá đè lên cỏ dại, cỏ tuy không mọc được nhưng củ của nó chưa hư thúi; nếu gặp duyên khác tảng đá bị lật lên, cỏ vẫn mọc lại như cũ. Thí dụ thứ hai, như nước lóng trong chum, bùn tuy lắng xuống nằm yên tận đáy, nhưng khi chưa gạn lọc ra được, gặp duyên khuấy động, bùn lại nổi lên. Thí dụ thứ ba, như đồ gốm tuy nắn thành hình, nhưng chưa trải qua một phen nung lại cho chắc, gặp mưa xuống tất phải bị tan rã. Trạng huống ngộ đạo khi chuyển sanh dễ bị thối thất, cũng lại như thế.
Kinh Vô Lượng Thọ dạy rằng những kẻ vãng sanh Tịnh Độ đều trụ nơi chánh định, và đều là các bậc A Bệ Bạt Trí, tức là bậc Bất Thối Chuyển. Cổ Đức đã dạy: “Không nguyện vãng sanh Tịnh Độ thì khó lòng vãng sanh; tuy nhiên, một khi đã thực nguyện thì tất cả đều được vãng sanh. Không sanh Tịnh Độ thì khó thành tựu Bất Thối Chuyển; tuy nhiên, khi đã vãng sanh Tịnh Độ thì tất cả đều được bất thối chuyển.” Theo Hòa Thượng Thích Thiền Tâm trong Tịnh Độ Thập Nghi Hoặc Vấn Luận, có năm nhân duyên khiến cho người vãng sanh Tịnh Độ không còn bị thối chuyển nữa. Thứ nhất do nguyện lực đại bi của Phật nhiếp trì. Thứ hai, ánh sáng hay trí huệ Phật thường soi đến thân, nên lòng Bồ Đề của chư thiện nhân luôn luôn tăng tiến. Thứ ba, nơi cõi Tây Phương Tịnh Độ, chim, nước, rừng cây, gió, âm nhạc thường phát ra tiếng pháp ‘khổ, không, vô thường và vô ngã;’ hành giả nghe rồi sanh lòng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Thứ tư, chúng sanh được sanh về Cực Lạc, thì bạn lành toàn là các bậc Bồ Tát thượng thiện, tuyệt tất cả các chướng nạn, ác duyên, lại không có ngoại đạo tà ma, nên tâm thường an tịnh. Thứ năm, đã được sanh về Tịnh Độ thì thọ lượng vô cùng, đồng với chư Phật và chư Bồ Tát, an nhiên tu tập trải qua vô biên a tăng kỳ kiếp.
167. Lễ Bái Lục Phương
Thi Ca La Việt là một thanh niên con nhà giàu có. Theo Kinh Thi Ca La Việt, một thuở nọ Thế Tôn sống trong thành Vương Xá, trong vườn Trúc Lâm. Lúc bấy giờ Thi Ca La Việt, con của một gia chủ dậy sớm, ra khỏi thành Vương Xá, với áo thấm nước, với tóc thấm nước, chấp tay đảnh lễ các phương hướng, hướng Đông, hướng Nam, hướng Tây, hướng Bắc, hướng Hạ, và hướng Thượng. Rồi buổi sáng Thế Tôn đắp y, cầm y bát vào thành Vương Xá khất thực. Thế Tôn thấy Thi Ca La Việt, con của gia chủ, dậy sớm, ra khỏi thành Vương Xá, với áo thấm nước, với tóc thấm nước, chấp tay đảnh lễ các phương hướng. Thấy vậy Ngài bèn nói với con của gia chủ Thi Ca La Việt: Nầy vị con của gia chủ, vì sao ngươi dậy sớm, ra khỏi thành Vương Xá, với áo thấm ướt, với tóc thấm ướt, chấp tay đảnh lễ sáu phương hướng?” (đông, tây, nam, bắc, phương trên, phương dưới). Bạch Thế Tôn, thân phụ con khi gần chết có dặn con: “Này con thân yêu, hãy đảnh lễ các phương hướng.” Bạch Thế Tôn, con kính tín, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ lời nói của thân phụ con, buổi sáng dậy sớm, ra khỏi thành Vương Xá, với áo thấm ướt, với tóc thấm ướt, chấp tay đảnh lễ các phương hướng.
Chúng ta sẽ nhận được từ cuộc đời chính những gì mà mình đã đặt vào đó. Theo Đức Phật, thật ra chúng ta không cần phải gánh chịu khổ đau phiền não nếu chúng ta sống hòa hợp với những chân lý cao thượng, chứ không phải lễ lạy một cách mù quáng. Bản chất chân thật của cuộc đời có nghĩa là an vui và hạnh phúc. Chính chúng ta đã đặt khổ đau phiền não vào cuộc đời bằng chính sự vô minh của mình. Thật vậy, chúng ta sẽ nhận được từ cuộc đời chính những gì mà mình đã đặt vào đó, không có ngoaị lệ! Vì vậy nếu cuộc đời mình là dẫy đầy khổ đau phiền não thì ắt hẳn mình đã đặt vào đó những tư tưởng, ngôn ngữ và hành động của khổ đau phiền não. Người Phật tử chân thuần phải luôn hiểu rõ như vậy để sống khác hơn, để không tiếp tục sống một cách ngu muôi nữa, mà ngược lại, sẽ sống một đời sáng suốt và khôn ngoan hơn dưới ánh sáng nhà Phật. Con người ấy rất hạnh phúc, vì tất cả hận thù đã được thay thế bằng tình yêu thương, tất cả mọi câu chấp đã được thay thế bằng lòng tùy hỷ, bao nhiêu tham lam ích kỷ đã được thay thế bằng niềm sung sướng phục vụ tha nhân.
Đức Phật dạy dạy Thi Ca La Việt nên đặt gì vào việc lễ lục phương. Sau khi chứng kiến cảnh chàng thanh niên Thi Ca La Việt đảnh lễ các phương hướng mà không hiểu mình đang đảnh lễ ai, lúc ấy Đức Phật ngồi xuống dưới bóng cây và giải thích cho Thi Ca La Việt: “Này Thi Ca La Việt, con của gia chủ, trong luật pháp của các bậc Thánh, lễ bái sáu phương không phải như vậy. Bạch Thế Tôn, trong luật pháp của các bậc Thánh, thế nào là lễ bái sáu phương?” Lành thay! Xin Ngài hãy giảng dạy pháp ấy cho con. Này gia chủ tử! Hãy nghe và suy nghiệm cho kỹ, ta sẽ giảng. Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Này gia chủ tử, đối với vị Thánh đệ tử, bốn nghiệp phiền não được diệt trừ, không làm ác nghiệp theo bốn lý do, không theo sáu nguyên nhân để phung phí tài sản. Vị nầy từ bỏ mười bốn ác pháp, trở thành vị che chở sáu phương, vị nầy đã thực hành để chiến thắng hai đời, vị nầy đã chiến thắng đời nầy và đời sau. Sau khi thân hoại mạng chung, vị nầy sanh ở thiện thú, Thiên giới. Đức Phật giảng tiếp: “Này Thi Ca La Việt! Cha mẹ là phương Đông, làm con cái phải hiếu kính cha mẹ. Đó là lễ kính phương Đông. Vợ chồng là phương Tây, chồng và vợ phải tôn trọng lẫn nhau, yêu thương lẫn nhau. Thực hiện như vậy chính là lễ kính phương Tây. Thầy dạy là phương Nam, tôn sư trọng đạo, cung kính thọ giáo là nguyên tắc mà học trò phải tuân theo. Đó chính là lễ kính phương Nam. Bạn bè là phương Bắc, đối xử với bạn bè là phải giúp đở lẫn nhau, cổ vũ lẫn nhau, ngăn xấu làm thiện. Những hành vi như vậy chính là lễ kính phương Bắc. Đầy tớ và thuộc hạ là Phương Dưới. Lấy lòng từ bi đối đãi với đầy tớ và thuộc hạ khiến trên dưới hòa hợp chính là lễ kính phương Dưới. Chúng Tăng Tỳ kheo là phương Trên. Phật tử phải lễ kính Tam Bảo, phải vun trồng phước điền. Đó là lễ kính phương Trên.”
168. Vu Lan Bồn
Lễ Vu Lan Bồn còn được gọi là Ô Lam Bà Noa hay lễ Giải Đảo Huyền (treo ngược). Những vong nhân bị treo ngược thật vô cùng khổ sở trong địa ngục. Lễ Vu Lan thường được tổ chức vào ngày 15 tháng bảy âm lịch. Người Việt Nam còn gọi là Lễ Xá Tội Vong Nhân. Xuất xứ của ngày lễ này là từ chuyện Mục Liên cứu mẹ. Nhờ thiên nhãn thông mà Mục Liên biết mẹ đang đọa làm ngạ quỷ nên muốn tìm cách cứu mẹ, nhưng ông không biết cách. Mục Liên bèn tìm hỏi Phật. Phật nói rằng chỉ có sự phối hợp của chư Tăng mới có thể giúp mẹ ông giải thoát. Từ truyền thống nầy mới có lệ cúng dường thực phẩm và áo quần lên chư Tăng Ni trong ngày Vu Lan. “Ullambana” là thuật ngữ Bắc Phạn có nghĩa là “Người chết bị đọa vào địa ngục và bị treo ngược.” Đảo Huyền hay treo ngược, có nghĩa là những vong nhân bị treo ngược thật vô cùng khổ sở trong địa ngục. Muốn cứu họ thoát khỏi cảnh treo ngược nầy thân quyến phải cúng giải đảo huyền và trai Tăng (để nhờ thần lực cầu nguyện của nhiều người nhờ đó mà vong linh được siêu thoát). Lễ cúng cô hồn, được tổ chức vào tháng bảy âm lịch. Lễ hội Vu Lan Bồn vào ngày rằm tháng bảy có nguồn gốc từ bài kinh Vu Lan. Bài kinh nầy chỉ có trong tạng kinh của Trung Quốc, chứ không có trong tạng kinh của Tây Tạng hay Pali. Nguyên thủy của lễ Vu Lan bắt nguồn từ câu chuyện của Ngài Mục Kiền Liên, người có thiên nhãn thông nên thấy được cảnh vong mẫu phải chịu đầu thai làm ngạ quỷ, và Ngài muốn cứu mẹ mình. Sau khi bạch Phật, Đức Phật bảo Ngài là chỉ có năng lực cầu nguyện của chúng Tăng mới có thể cứu vong mẫu của Ngài. Từ đó truyền thống dâng cúng thực vật và đồ dùng cho chúng Tăng vào dịp Vu Lan bắt đầu. Ngày nay, các quốc gia theo truyền thống Phật giáo còn tổ chức ngày Vu Lan để vinh danh cha mẹ và tổ tiên nữa. Tại các nước Đông Á như Tàu, Nhựt, Việt Nam… người ta gọi là Lễ Ma Đói. Trong ngày lễ này, tín đồ có tập quán cúng dường chư Tăng Ni thức ăn, hoa quả, quần áo, v.v. Phật tử và chư Tăng Ni cùng hợp sức tụng kinh Vu Lan Bồn nhằm làm giảm nhẹ tội lỗi của người quá cố trong những điều kiện luân hồi xấu. Lễ Vu Lan Bồn được tổ chức đầu tiên vào năm 538 và truyền thống nầy vẫn còn được tiếp tục cho đến ngày nay. Vu Lan còn là dịp để báo Ân cha mẹ. Báo ân cha mẹ là một trong ba loại ruộng phước (phước điền), cha mẹ, sư trưởng, vân vân, những người có công nuôi nấng dạy dỗ chúng ta. Báo đáp được công ân nầy thì chúng ta sẽ có vô lượng công đức. Theo truyền thống dân gian Việt Nam và một số quốc gia tại Đông Á, lễ cúng Cô Hồn cũng vào ngày rằm tháng bảy âm lịch. Đây không phải là lễ hội Phật giáo, mà là tập tục thờ ông bà và tín ngưỡng dân gian của địa phương. Theo tín ngưỡng dân gian thì trong suốt tháng bảy các vong hồn trong các tầng địa ngục, cũng như những loài quỷ đói được phép tự do đi lang thang về trần gian. Dân gian thường cúng thực phẩm cho chúng, những mong chúng không nhiễu hại mà trái lại còn phù hộ cho họ được an lành. Tuy nhiên, theo Phật giáo, một khi chết là tái sanh ngay, hoặc thời gian dài nhất của thân trung ấm là 49 ngày. Còn đối với những ai bị đọa vào ngục vô gián, ở đó hình phạt không gián đoạn thì làm gì có chuyện tạm thời cho trở về trần gian để mà lang thang một tháng.
Phật thuyết Kinh Vu Lan Bồn: “Ta từng nghe lời tạc như vầy! Một thuở nọ Thế Tôn an trụ, Xá Vệ thành Kỳ-thụ viên trung, Mục Liên mới đặng lục thông, muốn cho cha mẹ khỏi vòng trầm luân. Công dưỡng dục thâm ân dốc trả, nghĩa sanh thành đạo cả mong đền, làm con hiếu hạnh vi tiên, bèn dùng huệ nhãn dưới trên kiếm tầm. Thấy vong mẫu sanh làm ngạ quỷ, không uống ăn tiều tụy hình hài. Mục Liên thấy vậy bi ai, biết mẹ đói khát ai hoài tình thâm. Lo phẩm vật đem dâng từ mẫu, đặng đở lòng cực khổ bấy lâu. Thấy cơm mẹ rất lo âu, tay tả che đậy, hữu hầu bốc ăn, lòng bỏn xẻn tiền căn chưa dứt, sợ chúng ma cướp giựt của bà. Cơm đưa chưa tới miệng đà, hóa thành than lửa nuốt mà đặng đâu. Thấy như vậy âu sầu thê thảm, Mục Kiền Liên bi cảm xót thương, mau mau về đến giảng đường, bạch cùng sư phụ tìm phương giải nàn. Phật mới bảo rõ ràng căn cội, rằng mẹ ông gốc tội rất sâu. Dầu ông thần lực nhiệm mầu, một mình không thể ai cầu được đâu. Lòng hiếu thảo của ông dầu lớn, tiếng vang đồn thấu đến Cửu Thiên, cùng là các bậc Thần Kỳ, tà ma ngoại đạo bốn vì Thiên Vương, cộng ba cõi sáu phương tu tập, cũng không phương cứu tế mẹ ngươi. Muốn cho cứu đặng mạng người, phải nhờ thần lực của mười phương Tăng Pháp cứu tế ta toan giải nói, cho mọi người thoát khỏi ách nàn, bèn kêu Mục Thị đến gần, truyền cho diệu pháp ân cần thiết thi. Rằm tháng bảy là ngày Tự Tứ, mười phương Tăng đều dự lễ nầy, phải toan sắm sửa chớ chầy, đồ ăn trăm món trái cây năm màu, lại phải sắm giường nằm nệm lót, cùng thau, bồn, đèn, đuốc, nhang, dầu. Món ăn tinh sạch báu mầu, đựng trong bình bát vọng cẩu kính dâng chư Đại Đức mười phương thọ thực. Trong bảy đời sẽ đặng siêu thăng. Lại thêm cha mẹ hiện tiền, đặng nhờ phước lực tiêu khiên ách nàn, vì ngày ấy Thánh Tăng đều đủ, dầu ở đâu cũng tụ hội về. Như người Thiền định sơn khê, tránh điều phiền não chăm về thiền na, hoặc người đặng bốn tòa đạo quả, công tu hành nguyện thỏa vô sanh, hoặc người thọ hạ kinh hành, chẳng ham quyền quí ẩn danh lâm tòng, hoặc người đặng lục thông tấn phát, và những hàng Duyên Giác, Thanh văn, hoặc chư Bồ Tát mười phương, hiện hình làm sãi ở gần chúng sanh, đều trì giới rất thanh rất tịnh, đạo đức dầy chánh định chơn tâm. Tất cả các bậc Thánh Phàm, đồng lòng thọ lãnh bát cơm lục hòa. Người nào có sắm ra vật thực, đặng cúng dường Tự tứ Tăng thời, hiện tiền phụ mẫu của người, bà con quyến thuộc thảy đều nhờ ơn, tam đồ khổ chắc rằng ra khỏi, cảnh thanh nhàn hưởng thọ tự nhiên. Như còn cha mẹ hiện tiền, nhờ đó cũng đặng bá niên thọ trường. Như cha mẹ bảy đời quá vãng, sẽ hóa sanh về cõi Thiên cung, người thời tuấn tú hình dung, hào quang chiếu sáng khắp cùng châu thân. Phật dạy bảo mười phương Tăng chúng, phải tuân theo thể thức sau nầy, trước khi thọ thực đàn trai, phải cầu chú nguyện cho người tín gia. Cầu thất thế mẹ cha thí chủ, định tâm thần quán đủ đừng quên, cho xong ý định hành thiền, mới dùng phẩm vật đàn tiền hiến dâng. Khi thọ dụng nên an vật thực, trước Phật đài hoặc tự tháp trung, chư Tăng chú nguyện viên dung, sau rồi tự tiện thọ dùng bữa trưa. Pháp cứu tế Phật vừa nói dứt, Mục Liên cùng Bồ Tát chư Tăng, đồng nhau tỏ dạ vui mừng. Mục Liên cũng hết khóc thương buồn rầu. Mục Liên mẫu cũng trong ngày ấy, kiếp khổ về ngạ quỷ được tan. Mục Liên bạch với Phật rằng: “Mẹ con nhờ sức Thánh Tăng khỏi nàn, lại cũng nhờ oai thần Tam Bảo, bằng chẳng thì nạn khổ khó ra. Như sau đệ tử xuất gia, Vu Lan Bồn pháp dùng mà độ sanh. Độ cha mẹ còn đương tại thế, hoặc bảy đời có thể đặng không?” Phật rằng: “Lời hỏi rất thông, Ta vừa muốn nói con thì hỏi ngay.” Thiện nam tử, tỳ kheo nam nữ, cùng quốc vương, thái tử, đại thần, tam công, tể tướng, bá quan, cùng hàng lê thứ vạn dân cõi trần, như chí muốn đền ơn cha mẹ, hiện tại cùng thất thế tình thâm, đến rằm tháng bảy mỗi năm, sau khi kiết hạ chư Tăng tụ về. Chính ngày ấy Phật đà hoan hỷ, phải sắm sanh bá vị cơm canh, đựng trong bình bát tinh anh, chờ giờ Tự tứ chúng Tăng cúng dường. Đặng cầu nguyện song đường trường thọ, chẳng ốm đau cũng chẳng khổ chi, cùng cầu thất thế đồng thì, lìa nơi ngạ quỷ, sanh về nhơn, Thiên. Đặng hưởng phước nhân duyên vui đẹp, lại xa lìa nạn khổ cực thân. Môn sanh Phật tử ân cần, hạnh tu hiếu thiện phải cần phải chuyên. Thường cầu nguyện bá gia an hảo, cùng bảy đời phụ mẫu siêu sanh. Ngày rằm tháng bảy mỗi năm, vì lòng hiếu thảo ơn thâm phải đền. Lễ cứu tế chí thành sắp đặt, ngõ cúng dường chư Phật chư Tăng. Ấy là báo đáp thù ân, sanh thành dưỡng dục song thân buổi đầu. Đệ tử Phật lo âu gìn giữ, mới phải là Thích tử Thiền môn.” Vừa nghe dứt pháp Lan Bồn, môn sanh tứ chúng thảy đồng hỷ hoan. Mục Liên với bốn ban Phật tử, nguyện một lòng tín sự phụng hành. Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lần).
169. Pháp Môn Lợi Ích Cho Tự Ngã
Theo Tương Ưng Bộ Kinh, Phẩm Veludvara, Đức Phật đã dạy về Pháp Môn Đưa Đến Bảy Điều Lợi Ích Cho Tự Ngã. Vị nào thành tựu bảy điều lợi ích này, nếu muốn có thể tuyên bố: “Ta đã đoạn tận địa ngục, đoạn tận khỏi sanh vào loại bàng sanh, đoạn tận cõi ngạ quỷ, đoạn tận các ác sanh, ác thú, đọa xứ, được các bậc Thánh ái kính, không bị phá hoại, không bị đâm cắt, không bị điểm ố, không bị uế nhiễm, đem lại giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ. Vị nầy đã đạt quả “Dị Lưu”.
Vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Ta muốn sống, không muốn chết; muốn lạc, không muốn khổ. Nếu có ai đến đoạt mạng sống của ta, một người muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, không muốn khổ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý đối với ta. Nhưng nếu ta đoạt mạng sống của một người muốn sống sống, không muốn chết, muốn lạc, không muốn khổ, như vậy cũng là một việc không khả ái, không khả ý đối với người ấy. Một pháp không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao lại đem cột pháp ấy cho một người khác? Do suy tư như vậy, vị ấy từ bỏ sát sanh, khuyến khích người khác từ bỏ sát sanh, nói lời tán thán từ bỏ sát sanh. Như vậy về thân hành, vị ấy hoàn toàn thanh tịnh. Vị Thánh đệ tử suy tư như sau: “Nếu có ai lấy của không cho của ta, gọi là ăn trộm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta lấy của không cho của người khác, gọi là ăn trộm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái và không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao lại đem cột pháp ấy cho người khác?” Do suy tư như vậy, vị ấy từ bỏ lấy của không cho, khuyến khích người khác từ bỏ lấy của không cho, nói lời tán thán từ bỏ lấy của không cho. Như vậy về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh. Vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Nếu ai có tà hạnh với vợ của ta, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta có tà hạnh với vợ của người khác, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?” Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ tà hạnh trong các dục, khuyến khích người khác từ bỏ tà hạnh trong các dục, nói lời tán thán từ bỏ tà hạnh trong các dục. Như vậy về thân, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.
Vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Nếu có ai làm tổn hại lợi ích của ta với lời nói láo, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta cũng làm tổn hại lợi ích của người khác với lời nói láo, như vậy cũng là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao lại đem cột pháp ấy cho người khác?” Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình bỏ nói láo, khuyến khích người khác từ bỏ nói láo, nói lời tán thán từ bỏ nói láo. Như vậy về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh. Một vị Thánh đệ tử suy tư như vầy: “Nếu có ai chia rẽ bạn bè ta bằng lời nói hai lưỡi, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta chia rẽ bạn bè người khác bằng lời nói hai lưỡi, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy…” (phần còn lại giống như phần thân hành thanh tịnh). Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ nói hai lưỡi, khuyến khích người khác từ bỏ nói hai lưỡi, nói lời tán thán từ bỏ nói hai lưỡi. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh. Vị Thánh đệ tử suy nghĩ như vầy: “Nếu có ai đối xử với ta bằng thô ác ngữ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta cũng đối xử với người khác bằng thô ác ngữ, như vậy cũng là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Và một pháp không khả ái… đem cột pháp ấy vào cho một người khác?” (phần còn lại cũng giống như phần còn lại của phần thân hành thanh tịnh). Do suy tư như vậy, tự ấy tự mình từ bỏ thô ác ngữ, khuyến khích người khác từ bỏ thô ác ngữ, nói lời tán thán từ bỏ thô ác ngữ. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh. Vị Thánh đệ tử suy tư như vầy: “Nếu có ai đối xử với ta bằng lời tạp ngữ phù phiếm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta cũng đối xử với người khác lời tạp ngữ phù phiếm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Và một pháp không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác… đem cột pháp ấy cho người khác?” Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ lời nói phù phiếm, khuyến khích người khác từ bỏ lời nói phù phiếm, tán thán từ bỏ lời nói phù phiếm. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.
170. Con Đường Của Chơn Lý
Nói về con đường của chơn lý, Lục Tổ Huệ Năng đã dạy trong Kinh Pháp Bảo Đàn như sau: “Nầy thiện tri thức! Nhất hạnh tam muội là đối với tất cả chỗ, đi đứng nằm ngồi thường hành một trực tâm ấy vậy.” Kinh Tịnh Danh nói: “Trực tâm là đạo tràng, trực tâm là Tịnh độ. Tâm đừng làm những chuyện siểm khúc, miệng nói trực, miệng nói nhất hạnh tam muội mà không hành trực tâm, còn hành trực tâm, đối với tất cả các pháp chớ có chấp trước. Người mê chấp pháp tướng, chấp nhất hạnh tam muội, chỉ nói ngồi không động, tâm vọng không khởi tức là nhất hạnh tam muội, người khởi hiểu thế nầy tức là đồng với vô tình, trở lại là nhơn duyên chướng đạo.” Nầy thiện tri thức! Đạo phải thông lưu, do đâu trở lại ngưng trệ, tâm không trụ nơi pháp, đạo tức là thông lưu. Tâm nếu trụ pháp gọi là tự phược, nếu nói thường ngồi không động, ấy chỉ như Ngài Xá Lợi Phất ngồi yên trong rừng lại bị Ngài Duy Ma Cật quở trách. Nầy thiện tri thức! Lại có người dạy ngồi khán tâm quán tịnh, không động không khởi, từ đây mà lập công khóa, người mê không hiểu liền chấp thành ra điên cuồng, những người như thế nầy thật là đông, dạy nhau như thế, nên biết đó là lầm lớn.”