LUẬN THÁNH PHẬT MẪU BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT ĐA CỬU TỤNG TINH NGHĨA
Hán dịch: Tác giả: Bồ-tát Thắng Đức Xích Y
Hán dịch: Đại sư Pháp Hộ Đời Triệu Tống
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN THƯỢNG
Trí Bát-nhã Ba-la-mật-đa,
Thể chứa nhóm công đức báu lành,
Có tất cả pháp Ba-la-mật,
Pháp ấy xưa nay tính thường trú
Lìa các hý luận không đối ngại,
Lìa các phân biệt được an ổn,
Vô tự tánh cao quí vi diệu,
Lìa hết thảy danh tướng đã có
Phương tiện giảng nói pháp ba thừa,
Mà ba thừa kia tướng có được,
Đều là nhân, trí Nhất Thiết Trí,
Kính lạy Bát-nhã Ba-la-mật.
Bao nhiêu Thắng Tuệ đến bờ giác,
Nếu ai ưa thích luôn chánh quán,
Đối với nghĩa lý chín Tụng này,
Tóm tắt như lý mà suy nghiệm.
Chín bài tụng dạy gồm:
Bài 1:
Do nghiệp tăng thượng sinh,
Gọi là tướng sáu xứ,
Tức đây nói lại sinh,
Nhân ấy như bóng hiện.
Bài 2:
Như thành quách ảo hóa,
Người xem cũng là ảo,
Như sắc kẻ ấy thấy,
Nghiệp cõi ảo cũng thế.
Bài 3:
Các âm thanh nói pháp,
Là cảnh giới của nghe,
Tất cả như âm vang,
Duyên họp, nên nghe được.
Bài 4:
Ngửi hương và biết vị,
Xúc các cảnh tham đắm,
Tất cả đều như mộng,
Tuy thấy nhưng chẳng có.
Bài 5:
Như vòng ảo thành người,
Các hành đều không thực,
Nó phát sinh như vậy,
Vòng thân cũng vô ngã.
Bài 6:
Như các thứ có được,
Chỉ sinh ra thoáng chốc,
Như dợn nắng phản chiếu,
Mới đó đã mất rồi.
Bài 7:
Các chấp như hình bóng,
Từ vô thủy tâm sinh,
Thượng
Mà Tướng và Thức ấy,
Như hình bóng nương nhau.
Bài 8:
Quán tự tịnh trong loại,
Như trăng Trí sáng soi,
Nhìn ánh trăng trong nước,
Sáng rỡ mà không có.
Bài 9:
Nếu trí đã tương ưng,
Đó là tướng hư không,
Mọi hiểu biết của trí,
Đều như tướng hư không.
Như bài Tụng trước đã nói:
Bao nhiêu thắng Tuệ đến bờ giác,
Nếu ai ưa thích luôn chánh quán,
Đối với nghĩa lý chín Tụng này,
Tóm tắt như lý mà suy nghiệm.
Nói thắng Tuệ, là lắng nghe, suy nghĩ và tu hành (văn-tư-tu). Bỉ ngạn, tức là bến bờ. “Đáo”, tức là đến nơi, qua đến đó, nghĩa là đến được bến bờ rốt ráo, là lìa bỏ các lãnh vực phân biệt. Như thế là đạt đến nghĩa lý rốt ráo này.
“Chánh quán”, nghĩa là tướng không điên đảo lầm lẫn.
“Ưa thích” (dục lạc), tức là khởi ý rất mong muốn ham thích làm tánh.
“Nghĩa ấy”, tức là các nghĩa khi nói chín bài Tụng này. Nghĩa tức là nghĩa lý của pháp môn.
“Suy nghiệm”, nghĩa là suy nghĩ rồi quyết định lựa chọn, thấy rõ các ý tưởng sai trái tà quấy.
Tụng nói: “Tóm lược”, Tóm lược nghĩa là bao quát, gồm chung, tóm tắt lại.
Ở đâylại hỏi, vì sao phải tóm lược mà nói?
Đáp: Vì muốn khiến cho những kẻ có trình độ thấp kém, căn cơ chậm lụt, có thể hiểu được các nghĩa lý.
Trước đã nêu các bài Tụng, nay sẽ lần lượt giải thích:
Tụng thứ nhất nói:
Do nghiệp tăng thượng sinh,
Gọi là tướng sáu xứ,
Tức đây nói lại sinh,
Nhân ấy như bóng hiện.
Nghiệp tức là các nghiệp lành, dữ.
Tăng thượng, tức là các nghiệp càng thêm lên lớn. Do sức càng thêm lớn của các nghiệp ấy, nên nó liền sinh.
Sinh ra cái gì? Tụng nói là tướng sáu xứ “Xứ” là chỉ nơi mà Thức nương vào đó sinh ra; nên gọi là xứ. Đây nói đến sáu xứ, là nhãn vv… là thế nào? Tụng nói: Đó là “Tướng” tức là nghĩa tiêu biểu. Nếu tướng sáu xứ này được sinh ra như thế, tức là nó lại sinh ra các pháp. Ở đây nói như vậy tức là nghĩa rốt ráo nhất định đã được thành tựu.
– Hỏi: Đối với Thắng Nghĩa Đế, thì tự tánh là thế nào? Tụng đã tự giải thích, nói đó là nhân như bóng hiện. Do đó lấy bóng hiện làm dụ. Đối với bóng hiện, có nhiều kẻ gây tạo các nghiệp và những việc đã làm, đều lìa bỏ tánh không. Đây là nghĩa rốt ráo.
Lại còn đối với sắc chất bên ngoài vv… sáu xứ đều do tự tánh sinh ra, nay sẽ lần lượt trình bày từng thứ một.
Tụng thứ hai nói:
Như thành quách ảo hóa,
Người xem cũng là ảo,
Như sắc kẻ ấy thấy,
Nghiệp cõi ảo cũng thế.
Cũng như thành quách-xóm làng do ảo thuật biến hóa ra, sau này kể cả người xem cũng là ảo hóa. Cả hai cái đó đều không có gì cả. Vì sao? Vì nó, do tính không thực sinh ra. Song cả hai sắc tướng, về người thấy và vật được thấy, nếu phải chống lại các chướng ngại, từ bên ngoài đến (do người vật cảnh gây ra) đều là do nghiệp biến hiện. Những cái thấy nghe được ở trong ba cõi thế gian, cũng do nó cả. Nghiã đó cũng vậy. Các việc biến hóa như thế, cùng với sự biến hóa của nó, tánh không có sai khác. Cho nên ở bài tụng sau, nói như tiếng đối với âm vang, là để chứng tỏ nghĩa nầy đúng.
Tụng thứ ba nói:
Các âm thanh nói pháp,
Là cảnh giới của nghe,
Tất cả như âm vang,
Duyên họp, nên nghe được.
Nói thuyết pháp, tức là người nói do tăng thêm mà sinh ra. Nó đối với tiếng là cảnh giới của nghe. Nếu cảnh giới của nghe ở đây là như thế Thượng
(nghe thuyết pháp), thì đối với các pháp khác, đều được sinh ra như thế. Vậy nên lấy thí dụ như tiếng đối với âm vang. Tiếng đối với âm vang ở đây cùng với các pháp khác giống nhau. Ở đây, như thế là không có nói sai khác, mới gọi là tất cả. Do các duyên mà thành, nghĩa là sự nghe ấy do các duyên hợp lại mà thành. Cho nên việc nghe thấy các thứ đều có tánh tạo tác. Vì vậy người nghe và điều được nghe mà có được đều là do duyên mà thành. Sở dĩ có tiếng đều như đối với tiếng vang. Như thế là đã nói xong nghĩa này. Cho nên bài tụng sau nói: Tất cả đều như giấc mộng, là để chứng tỏ nghĩa này đã rõ.
Tụng thứ tư nói:
Ngửi hương và biết vị,
Xúc các cảnh tham đắm,
Tất cả đều như mộng,
Tuy thấy nhưng chẳng có.
Nói ngửi hương, tức là nói đến các thứ tạo ra có mùi thơm-hơi thối vv… là cảnh giới của tỹ thức. Biết mùi vị, nghĩa là cảnh giới của thiệt thức, hiểu biết rõ các mùi vị vv… Xúc, tức là cảnh giới của thân thức, hiểu biết các sự xúc chạm, sờ mó… Đối với cảnh giới như thế, mà tìm cầu ham thích, rồi sinh ra mê đắm. Đối với từng cảnh giới này, mỗi thứ đều có những tùy thuộc riêng của nó. Như Hương-Vị-Xúc vv… mỗi thứ đều được thọ nhận riêng rẽ khác nhau. Nếu đối với các cảnh đó, khởi lên tướng có nắm bắt, thì chẳng thể nào nắm bắt. Thế cho nên tụng nói: Tất cả đều như mộng. Tất cả, nghĩa là ý không có sai khác riêng rẽ. Nhưng nhãn vv… ở trong và sắc vv… ở ngoài, đều chẳng phải chẳng có. Nếu không phải như vậy, thì tại sao phát khởi được người tạo tác và các việc làm? Để dẹp trừ điều nghi này, nên bài tụng thứ năm có nói:
Tụng thứ năm nói:
Như vòng ảo thành người,
Các hành đều không thực,
Nó phát sinh như vậy,
Vòng thân cũng vô ngã.
Ví như dùng vòng ảo thuật, biến ra hình tướng con người. Người ảo thuật kia biến hóa tạo ra hình người, biết đi đứng-làm việc đủ cả. Và người giả ấy, cũng biết tạo ra những thứ cần dùng và tới lui đi đứng, làm tất cả mọi việc. Tụng nói: “Các thứ” đó, đều từ mọi thứ phần loại mà làm ra. Làm ra những gì? Tức là dùng huyễn hóa tạo ra cái thân xác đó. Nó đúng là thân do phép ảo thuật biến thành, tức là thân huyễn hóa, thật sự không có ngã (vô ngã) Không có, tức là lìa bỏ; còn ngã là chủ tể. Ở đây nói không ngã, tức là lìa bỏ cái ngã, cái ý làm chủ tể.
Sở dĩ ở đây không nói đến người tạo tác, là vì đối với Thắng Nghĩa Đế đều hoàn toàn không có gì. Thế nên lời tụng nói: “Các hành đều không thực”. Cái không thực đó tức là không có sức làm việc. Nay vì cái không có sức làm việc, nên gọi kẻ tạo tác này, là không có chủ tể. Như vậy, người do huyễn hóa tạo nên, không có chủ tể. Do đó, thấy có nó nhưng mà nó không thật. Các pháp cũng vậy, rốt ráo không thật! Nên biết ở đây, không có ý nói riêng biệt. Cho nên bài tụng sau mới nói đến dợn nắng để chứng tỏ nghĩa nầy là đúng.
Tụng thứ sáu nói:
Như các thứ có được,
Chỉ sinh ra thoáng chốc,
Như dợn nắng phản chiếu,
Mới đó đã mất rồi.
“Các thứ”, tức là có nhiều chủng loại “Có được”, tức là các cảnh tướng khác nhau của “Biến kế sở chấp”. Cái chấp vào các cảnh là do cực sát-na (chỉ thoáng chốc nhanh nhất) sinh ra. Thoáng chốc của thoáng chốc (Sát-na của Sát-na) thì gọi là Cực sát-na. Có sự “sinh ra” tức là khởi lên. Tất cả các pháp đều từ Cực sát-na mà có sự sinh ra, cho nên đều là vô thường. Nghĩa này đã xong.