KINH BỒ TÁT NỘI GIỚI
Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam Tạng Cầu Na Bat Ma
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
Lúc Đức Phật lấy ngày rằm để thuyết giới, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi sửa lại y phục, đảnh lễ dưới chân Phật rồi quỳ gối thưa:
– Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có người mới phát tâm Bồ tát, ở trong đạo hoặc ở đời sẽ được những công đức gì? Vì muốn giáo hóa cho tất cả chúng sanh đều đạt được công đức ấy, xin nguyện Đức Thế Tôn dùng phương tiện thiện xảo để phân biệt giảng dạy cho chúng con.
Đức Phật dạy:
– Lành thay! Lành thay! Này Văn Thù Sư Lợi! Câu hỏi của ông thật là sâu xa, thật là bao quát, được nhiều sự an ổn. Ông hãy lắng nghe, khéo thọ trì, Ta sẽ thuyết giảng đầy đủ, các ông khéo ghi nhớ để thực hành.
Bồ tát Văn Thù Sư và hội chúng có mặt đều xin vâng theo.
Đức Phật dạy:
– Trước tiên phải quy y ba ngôi báu. Phải nói: Con… tự quy y Phật, tự quy y Pháp, tự quy y Tỳ-kheo tăng, tự quy y Bồ tát, tự quy y Đại Bồ tát, tự quy y Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, tự quy y Đại-bát-nhã-ba-la-mật.
Con… vì không biết nên thân đã làm ác, miệng nói lời ác, ý nhớ nghĩ ác, sau này không dám làm nữa.
Trong mười vạn kiếp, Bồ tát thường thực hành Bốn tâm vô lượng, nhưng từ mười vạn kiếp đến nay, vì không biết nên con… đối với thân đã làm ác, miệng nói ác, ý nhớ nghĩ ác sau này con không dám làm.
Vì đời trước con không hành đạo Bồ tát nên ngày nay con mới hành đạo Bồ tát để xả bỏ nghiệp ác.
Từ trước đến nay, ngày đêm con không dám làm thiện lại phạm việc ác. Bồ tát mới phát tâm “Ba lam chất đâu ba” (Bồ tát) nên thực hành sáu Ba-la-mật. Đó là:
Thứ nhất: Đàn Ba-la-mật là ý hành Bố thí. Thứ hai: Thi ba la mật là ý hành trì giới. Thứ ba: Sằn đề Ba-la-mật là ý hành nhẫn nhục. Thứ tư: Duy đãi là ý hành tinh tấn Ba-la-mật. Thứ năm: Thiền Ba-la-mật là ý hành nhất tâm. Thứ sáu: Bát nhã Ba-la-mật là ý hành trí tuệ.
Nếu thấy người làm việc bố thí thì tâm phải hoan hỷ, thấy người trì giới phải hết sức hoan hỷ, thấy người nhẫn nhục tâm phải hoan hỷ, thấy người tinh tấn tâm phải hoan hỷ, thấy người ngồi thiền tâm phải hoan hỷ, thấy người có trí tuệ thuyết kinh tâm phải hoan hỷ.
Bồ tát phải biết ba hạnh nguyện mới là Bồ tát. Ba hạnh nguyện ấy là:
1. Nguyện tôi sẽ thành Phật. Lúc tôi thành Phật, trong cõi nước ấy không có ba đường ác. Cõi nước ấy đều có vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly, bảy báu, dân chúng được sống lâu vô cùng; thức ăn, y phục, âm nhạc, ca hát, cung điện, nhà cửa đều tự nhiên có đủ.
2. Nguyện tôi được sanh về cõi nước của Đức Phật A-di-đà.
3. Nguyện tôi đời đời sanh ra được gặp Phật, Đức Phật sẽ thọ ký cho tôi.
Đó là ba lời nguyện.
Hợp chung cả là mười lăm giới, các Bồ tát nên phụng hành. Hòa xà là minh sư. A-kỳ-lợi là Văn Thù Sư Lợi.
Quá khứ trước đây các Bồ tát đều từ phát tâm Bồ tát, hành đạo Bồ tát mà chứng đắc thành Phật. Không có đạo Bồ tát thì cũng không có Phật. Cho nên hành đạo Bồ tát sẽ được thành Phật.
Bồ tát vào chùa tháp có năm việc:
Vào chùa tháp không được mang guốc gỗ, vào chùa tháp không được cầm dù lọng. Vào chùa tháp phải lễ Phật nhiễu tháp ba vòng, vào chùa tháp nếu thấy dơ bẩn nên quét dọn. Vào chùa tháp thấy các Sa môn đều nên làm lễ.
Bồ tát đi đường có hai việc:
1. Khi trời nắng hoặc mưa thấy có gốc cây, nhà cửa nên nhường người ngồi trước.
2. Nếu gặp nước giếng, nước suối hoặc thấy người mang nước đến thì nên nhường người uống trước. Nếu thấy khe lớn nước nhiều thì hãy uống.
Đó là hai việc:
Lúc Bồ tát được người mời cơm nước có ba việc:
– Gặp thức ăn ngon dở đều chia bằng nhau. Nếu chưa bằng nhau thì nên phân chia cho bằng nhau.
– Ăn xong, uống nước nên nhường Thượng tọa uống trước.
– Nếu uống xong, không được đứng dậy đi trước, nên đứng dậy cùng lúc với mọi người.
Đây là mười phép tắc.
Thời thứ nhất:
Nam mô Phật!
Nay con xin thọ trì bốn mươi bảy giới Thi-la.
Thế nào là bốn mươi bảy?
1. Bồ tát không được giết hại. Thân, miệng, ý không nhớ nghĩ việc giết hại, nhớ nghĩ đến việc giết hại thì không phải là Bồ tát.
2. Bồ tát không được trộm cắp của cải của người khác.
3. Bồ tát không được hành dâm với vợ của người khác.
4. Bồ tát không được khinh khi người.
5. Bồ tát không được uống rượu.
6. Bồ tát không được nói hai lưỡi.
7. Bồ tát không được nói lời ác độc.
8. Bồ tát không được nói dối.
9. Bồ tát không được nói thêu dệt.
10. Bồ tát không được đố kỵ.
11. Bồ tát không được sân hận.
12. Bồ tát không được si mê.
13. Bồ tát không được tin theo ngoại đạo tà ma.
14. Bồ tát không được đem việc ác dạy người.
15. Bồ tát nên dùng phương tiện lợi ích để ban bố.
16. Bồ tát không được tham lam keo kiệt.
17. Bồ tát không được tham lợi tài vật của người.
18. Bồ tát không được hại người bằng tâm tà.
19. Bồ tát không được gièm pha, đánh đập người khác.
20. Bồ tát không được dùng chày đánh người.
21. Bồ tát không được bắt người lương thiện về làm nô tỳ.
22. Bồ tát không được buôn bán nô tỳ.
23. Bồ tát không được bán vợ con cho người.
24. Bồ tát không được cùng với nam nữ đùa giỡn hành dâm.
25. Bồ tát không được đến nhà dâm nữ đùa giỡn.
26. Bồ tát không được đến nhà huỳnh môn.
27. Bồ tát không được khinh khi dối trá.
28. Bồ tát không được đem cân già để lợi mình.
29. Bồ tát không được đem cân non để lừa dối người.
30. Bồ tát không được đem đấu già để bức bách người.
31. Bồ tát không được đem đấu non để lừa dối người.
32. Bồ tát không được đem thước dài để bức bách người.
33. Bồ tát không được đem thước ngắn để lừa dối người.
34. Bồ tát không được giết hại bò, ngựa.
35. Bồ tát không được bán bò, ngựa.
36. Bồ tát không được bán voi, lạc đà.
37. Bồ tát không được bán la, lừa.
38. Bồ tát không được bán heo, dê
39. Bồ tát không được bán gà, chó và súc sanh.
40. Bồ tát không được bán kinh pháp.
41. Bồ tát không được đến nhà đạo tà ma.
42. Bồ tát không được mang thây chết vào nhà.
43. Bồ tát không được vào nhà đám tang.
44. Bồ tát không được vào quán rượu.
45. Bồ tát không được vào quán ăn.
46. Khi Bồ tát được người mời cơm thì nên suy nghĩ: “Lúc nào thì ta sẽ bố thí cho người được no đủ như ta ngày nay”.
47. Bồ tát gặp nhau, tâm phải hoan hỷ như gặp cha mẹ, anh, em. Gặp người khác cũng vậy. Nếu thấy người hành đạo Bồ tát nên xem họ bằng tâm bình đẳng không được người này thiện, người kia ác.
Đây là bốn mươi bảy giới của Bồ tát. Thân, miệng, ý không được phạm mười nghiệp ác, không được dạy người phạm, cũng không được khuyến khích người phạm. Ngày đêm luôn suy nghĩ ta giữ giới này, thọ trì bất động thì sẽ được ba quả vị:
- Được quả vị Bồ tát.
- Được ngôi Bồ tát Nhất sanh bổ xứ.
- Sẽ được thành Phật.
Thời thứ hai:
Nam mô Phật!
Nay con xin thọ trì bốn pháp môn của Bồ tát.
Thế nào là bốn pháp?
– Phật: hai mươi nhân duyên.
– Pháp: hai mươi nhân duyên.
– Thân: hai mươi nhân duyên.
– Đại bát nhã Ba-la-mật: Hai mươi nhân duyên.
Thế nào là hai mươi nhân duyên của Phật?
Đó là Đức Phật Như lai Ứng cúng Chánh Đẳng Giác khởi niệm, thiên nhãn thấy suốt, biết tâm niệm của người khác. Vì thân, miệng, ý Giá-lan-na hành Tam bát thuật xà. Giá-lan-na tam bát là “Tam cái” mới thành Tu Ca Đầu. Tu Ca Đầu là Niết Bàn. Do đó Ca Tý Đa là cha của thế gian. A Nậu Đa La: trên trời dưới đất đều không có gì hơn được. Phù lực sa là nam tử dõng mãnh.
Đàm ma sa la kỳ: Đàm ma là pháp. Sa-la-kỳ là vua của các pháp.
Đa Đề Hòa Ma Nậu Sa Da là Phật đà dạy chư thiên loài người.
Ba Ca Hòa vừa đặt chân xuống đất, đất liền bằng phẳng, lúc đi nhìn thẳng. Tay chân đều có màng lưới đan nhau. Sắc như màu vàng ròng; Hai tay, hai vai, trên cổ có thịt nổi lên đầy đặn. Má như sư tử. Bốn mươi răng trắng, đều đặn. Lưỡi đưa ra đến tai, mắt, mũi bao trùm cả khuôn mặt. Đây là hai mươi nhân duyên của Phật.
Thế nào là hai mươi nhân duyên của Pháp?
A Thuật xà bổn si: Tăng-ca-la đã làm. Duy nhiên na: Biết rõ các việc.
Na-ma-lưu-ba: Na-ma là Lưu-ba, là sự trông thấy sáng suốt. Sala-da-đa-na là pháp tội phước cho đến biệt trụ: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý thọ của tín thí, hoặc bệnh chưa lành là khổ thọ, hoặc bệnh đã lành là lạc thọ. Ba căn: Na-ca-ma-đát-na, Ba-hòa-đát-na, Duy-ba-hòa-đát-na, nam tử, nữ nhân đều yêu thích, nguyện được làm trời, người, nguyện cho thân tôi vô cùng giàu sang phú quý, xin sư Âu Ba Tha Na khiến cho đệ tử thọ giáo. Việc ấy thành “Na-kỳ” sanh trong nhân gian; Xà-la-mala-na: Xà-là-già; Ma-na là chết. Đây là mười hai nhân duyên sanh tử.
Bốn ý (Bốn niệm xứ) là gì?
– Ý niệm về thân
– Ý niệm về thọ
– Ý niệm về tâm
– Ý niệm về pháp.
Đây là bốn ý niệm.
Bốn thần túc là:
Dục, tinh tấn, ý, tuệ. Đây là bốn thần túc.
Đây là hai mươi nhân duyên của Pháp.
Thế nào là hai mươi nhân duyên của Thân?
Ba việc tạo tác của Thân:
Thế nào là ba?
Giết hại, trộm cắp, tà dâm.
Mình không giết hại, không được dạy người giết hại; mình không trộm cắp, không được dạy người trộm cắp, mình không tà dâm, không được dạy người tà dâm.
Bốn việc tạo tác của miệng:
Thế nào là bốn?
Nói hai lưỡi, nói độc ác, nói dối, nói thêu dệt.
Mình không nói hai lưỡi, không được dạy người nói hai lưỡi. Mình không nói độc ác, không được dạy người nói ác. Mình không nói dối, không được dạy người nói dối. Mình không nói thêu dệt, không được dạy người nói thêu dệt.
Ba việc tạo tác của ý: Đó là ganh ghét, sân hận, ngu si.
Mình không ganh ghét không được dạy người ganh ghét. Mình không sân hận, không được dạy người sân hận. Mình không nghi ngờ mê muội, không được dạy người nghi ngờ.
Thân, miệng, ý không được phạm mười việc này, không được dạy người phạm. Đó là hai mươi nhân duyên thuộc về thân, miệng, ý.
Thế nào là hai mươi nhân duyên thuộc về Đại bát nhã Ba-lamật?
Đời trước suy nghĩ mong muốn cho tất cả chúng sanh đều thành Phật, mong muốn cho tất cả chúng sanh đều thấy thông suốt, mong muốn cho tất cả chúng sanh đều nghe thông suốt. “Ba La Chất nhiên:” biết rõ ý người muốn cho tất cả chúng sanh biết rõ ý người, “A Nậu Sa Da, A Nậu Sa Da Nhiên Na”: Biết rõ tâm niệm người, muốn cho tất cả chúng sanh biết rõ tâm niệm người, “Nhân lợi Da Ba Lợi Phù lợi nhiên na”: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của Phật đều biết rõ, muốn cho tất cả chúng sanh đều thấy biết rõ. Đức Phật hiện oai thần “nhiên na” muốn cho tất cả chúng sanh đều biết. “Ma Ha Ca Lưu Kỳ Nhiên Na”: Phật từ bi nhớ nghĩ đến chúng sanh, muốn cho tất cả chúng sanh đều biết rõ tất cả việc ở đời,muốn cho tất cả chúng sanh đều biết việc của mọi người.
“A Na Thứ La Nhiêu Na”: trí tuệ của Phật, tất cả người đời, quỷ thần, thiên thần, long thần đều không thể biết được, Ngài muốn cho tất cả người trong thế gian đều biết trí tuệ ấy là Đại Bát nhã Ba-la-mật gồm hai mươi nhân duyên, phân làm tám mươi nhân duyên thuộc Bồ tát bất thối chuyển. Vì các Bồ tát quá khứ, hiện tại, vị lai đều đầy đủ tám mươi nhân duyên này. Đây gọi là pháp Bồ tát.
Thời thứ ba
Nam mô Phật! Nay con xin thọ trì hai mươi pháp tinh tấn, thực hành pháp này thì biết được đời sống kiếp trước.
Thế nào là hai mươi?
Có năm nhân duyên nhiều phước. Đó là:
1. Bố thí nhiều phước
2. Trì giới nhiều phước
3. Thiền định nhiều phước
4. Làm vô lượng việc thiện được nhiều phước
5. Tạo sửa chùa tháp được nhiều phước.
Đây là năm nhân duyên được nhiều phước.
Có năm nhân duyên hộ thân. Đó là:
1. Giữ gìn thân.
2. Giữ gìn miệng.
3. Giữ gìn ý.
4. Giữ gìn thí.
5. Giữ gìn giới
Đó là năm nhân duyên hộ thân. Bồ tát có năm ý. Đó là
1. Thi ý.
2. Hảo tâm thiện ý.
3. Bố thí y.
4. Niệm thiện đạo ý.
5. Tuệ ý.
Đó là năm ý.
Đầy đủ hai mươi nhân duyên để thực hành thì biết được đời sống kiếp trước cho đến đạt được Chánh đẳng Chánh giác.
Thế nào là Chánh đẳng Chánh giác? Trên trời dưới đất không ai tôn quý bằng Thời thứ tư:
Nam mô Phật! Nay con xin thọ trì bốn pháp thiền định.
Thế nào là thiền định?
Bồ tát ngồi thiền nhất tâm niệm Phật, Phật vốn rỗng lặng, không thật có, ý liền dừng lại, niệm năm dục tham dâm. Mình không tham dâm năm dục, liền đắc thiền thứ nhất.
Bồ tát ngồi thiền nhất tâm, niệm pháp. Pháp cũng rỗng lặng, không thật có, ý liền không sân giận. Đã không thọ sân giận như thế liền đắc thiền thứ hai.
Bồ tát ngồi thiền nhất tâm niệm Đại bát nhã Ba-la-mật cũng rỗng lặng, không thật có, ý liền không ngu si, như thế liền đắc thiền thứ ba.
Bồ tát đã chứng đắc ba thiền. Các việc ác đã diệt tận không còn chỗ niệm, ý thanh tịnh không hề lay động, liền đắc thiền thứ tư, nhất tâm không lay động tự nhiên đắc năm thần thông.
Đó là Pháp hành thiền của Bồ tát.
Thời thứ năm
Nam mô Phật! Nay con xin thọ trì pháp tam muội Bát nhã.
Thế nào là pháp Tam muội?
Bồ tát thực hành Tam muội, từ bi thương xót tất cả chúng sanh khắp mười phương xem như cha, mẹ, anh, em, vợ, con. Đối với oan gia trái chủ, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh người và phi nhơn đang chịu khổ nạn, Bồ tát đều muốn làm cho chúng sanh thoát khỏi khổ nạn, được sanh làm người, thực hành sáu pháp Ba-la-mật của chư Phật. Đây là pháp Tam muội của Bồ tát.
Bồ tát thực hành Tam muội, tâm bình đẳng bảo hộ tất cả chư thiên loài người khắp mười phương xem như cha, mẹ, anh, em, vợ, con. Đối với oan gia trái chủ, người và phi nhân ở trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, Bồ tát đều muốn làm cho chúng sanh thoát khỏi khổ nạn an ổn sung sướng, phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác. Đó là pháp Tam muội của Bồ tát.
Bồ tát thực hành pháp Tam muội ý bình đẳng, từ bi, thương xót tất cả chư thiên loài người khắp mười phương, đều xem như cha, mẹ, anh, em, vợ con. Đối với oan gia trái chủ, tất cả chúng sanh, người, phi nhân trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, Bồ tát đều yêu thương, bảo vệ chúng sanh như mẹ bảo bọc con đỏ, bình đẳng không có ý phân biệt. Đây là pháp Tam muội của Bồ tát.
Thời thứ sáu:
Nam mô Phật! Nam mô Bồ tát! Nam mô Đại Bồ tát! Nay con xin thọ trì pháp thiền định. Giống như Bồ tát, Đại Bồ tát, nay con giữ tâm như hư không, bình đẳng như hư không, cho nên hành đạo Bồ tát bằng tâm bình đẳng xem mọi người trong thế gian đều như nhau, nên xem như cha, mẹ, anh, em, vợ, con. Nay con vì tất cả chúng sanh trong cõi trời cõi người khắp mười phương mà hoan hỷ làm việc thiện. Đây là Tam muội của Bồ tát Văn Thù Sư Lợi. Người hành trì đầy đủ giới Tam muội này tương lai sẽ cùng làm bạn với Bồ tát Văn Thù Sư Lợi. Người thọ trì đầy đủ giới Tam muội này là bậc tôn quý trong các Bồ tát. Đây là Tam muội của Bồ tát Văn Thù Sư Lợi. Tam muội của Đại Bồ tát Văn Thù Sư Lợi. Bồ tát đứng dậy, chắp tay phát nguyện: Tôi là đại Bồ tát,
Văn Thù Sư Lợi cũng là Bồ tát. Tôi đã phát nguyện làm việc bố thí. Như thế tôi đạt được đạo Bồ tát. Nếu người đến Bồ tát xin mắt, Bồ tát sẽ lấy mắt đem cho. Nếu người xin thân của Bồ tát, Bồ tát sẽ đem thân cho họ. Nếu người xin của cải, Bồ tát sẽ lấy của cải đem cho, phải nên suy nghĩ ta là Bồ tát, Văn Thù Sư Lợi cũng là Bồ tát. Nay ta sẽ đem cho thân này. Bồ tát thường nên nghĩ làm cho chúng sanh khắp mười phương đều được an ổn giàu có. Nếu như chúng sanh khắp mười phương đang khổ não, tôi sẽ làm cho được giải thoát an ổn, giàu có, vui sướng. Bồ tát nên trì pháp thân, hành đạo Bồ tát. Bồ tát nên khẩn thiết mong muốn làm sa môn cần thọ trì thiền Ba-la-mật. Tôi sẽ mau chóng đến chỗ Phật A-di-đà. Tôi thọ trì tam muội này là mong muốn đạt được sự vui sướng cùng có đủ thủy tinh, lưu ly, vàng bạc. Văn Thù Sư Lợi, Bồ tát Hòa Xà gọi là A Đề Ba La. A kỳ gọi là A Đề Điều. Thời thứ bảy
Nam mô Phật! Nam mô Pháp! Nam mô Tỳ-kheo Tăng! Nam mô các đại Bồ tát! Nam mô Bồ tát Hoàn Na Cưu Lựu. Đạo tam muội là trên hết bởi vì nhớ nghĩ đến chúng sanh khắp mười phương. Nếu có người ở trong u tối thì bao giờ tôi cũng sẽ làm ánh sáng như mặt trời, mặt trăng để tỏa sáng cho chúng sanh khắp mười phương giống như Bồ tát làm ánh sáng lớn cho chúng sanh khắp mười phương. thọ trì Tam muội thì tâm này sẽ làm cho tâm được an ổn, bình đẳng, sẽ làm ánh sáng chiếu soi tất cả chúng sanh khắp mười phương như mặt trời, mặt trăng. Đây là đạo tam muội của Bồ tát, sẽ vì tất cả chúng sanh khắp mười phương làm cho tâm bình đẳng. Nay có các Bồ tát khắp mười phương hành trì tam muội đều có công dụng như Nguyệt tam muội. Như vậy, các Bồ tát khác cũng hành trì tam muội này. Bồ tát Hoàn Na Cưu Lựu hỏi Phật Thích Ca Văn:
Tam muội này thế nào? Phật Thích Ca Văn im lặng. Bồ tát Hoàn Na Cưu Lựu lại hỏi tiếp. Phật Thích Ca Văn lại im lặng. Bồ tát Hoàn Na Cưu Lựu tự nghĩ tâm Phật thế nào. Bồ tát biết được tâm Phật, Bồ tát liền đi đến làm lễ Phật rồi đánh kiền chùy, Bồ tát tam muội khắp mười phương đều đến tập hợp. Sáu vạn Bồ tát đều đến trước Phật để làm lễ rồi về chỗ ngồi. Bồ tát Hoàn Na Cưu Lựu thưa hỏi Phật:
– Xin Đức Phật vì tất cả chúng sanh khắp mười phương nói về tam muội bình đẳng vì sao có tên Nguyệt tam muội, Phật nói:
– Sáu vạn Bồ tát tâm đều bình đẳng, tâm đã bình đẳng nên các Câu Lâu Đàn đều lay động không thể đứng vững, nhờ oai thần của Phật làm an ổn thiên hạ, tam muội này gọi là Nguyệt tam muội. Đại chúng nghe tam muội này rồi đều đạt được tâm bình đẳng thực hành. Thời thứ tám
Nam mô Phật! Nam mô Pháp. Nam mô Tỳ-kheo Tăng. Nam mô các Bồ tát. Nam mô Đại Bồ tát. Nam mô Bồ tát Văn Thù Sư Lợi.
Tôi tự nghĩ đời trước tôi đã hành đạo Bồ tát. Tôi tự nghĩ tôi đã phụng sự ba ngàn ức Đức Phật; tự nghĩ đời trước khi làm Bồ tát, tôi thường đem tâm từ, bi, hỷ, xả thương yêu tất cả người, phi nhân và các loài côn trùng nhỏ bé, thường đau xót vì chúng. Tôi thường dùng giáo pháp giảng dạy, khuyến khích dẫn dắt làm cho chúng được đi vào chánh pháp, bỏ ác làm lành. Tai không nghe việc thiện ác. Mắt không nhìn sắc đẹp, xấu. Mũi không ngửi mùi thơm, hôi. Lưỡi không nếm các mùi vị. Thân không cầu trang sức thô, mịn. Ý không cầu đạt được sự tham muốn. Tôi tự đoạn diệt sáu sự tham muốn. Tôi tự đoạn diệt ba mươi sáu việc không sanh khởi. Tai đắc định không còn nghe tiếng thiện ác, mắt đắc định không còn thấy sắc đẹp xấu, mũi đắc định không còn ngửi mùi thơm hôi, miệng đắc định không còn tham đắm năm vị, thân đắc định không còn biết cảm nhận nóng lạnh. Ý đắc định không còn suy nghĩ lung tung. Thân hành Đàn Ba-la-mật thường muốn bố thí. Mắt hành Thi Ba-la-mật chỉ thích trì giới. Tai hành Sằn đề Ba-la-mật chỉ muốn nhẫn nhục. Mũi hành Duy đãi Ba-la-mật chỉ muốn tinh tấn. Miệng hành Thiền Ba-la-mật chỉ muốn nhất tâm. Ý thực hành Bát nhã Ba-la-mật chỉ muốn trí tuệ. tôi thường dùng sáu việc này để cứu độ, ban ân cho tất cả chúng sanh. Đời sau tôi lại được gặp Phật, Pháp, Tăng, lại được phụng sự ba ngôi báu. Nay tôi lại dùng sáu pháp để hóa độ tất cả, giảng rộng các pháp môn để dẫn dắt chúng sanh. Thành tựu đạo lớn làm vị đạo sư của tất cả người, phi nhơn, cho đến lúc chết cũng không phạm giới, cho đến lúc sắp chết cũng không bị dục mê hoặc, cho đến lúc chết cũng không làm những điều không cần thiết. Bổn nguyện của ta là người đến cầu xin thân ta sẽ đem cho. Người đến cầu xin ta thì ta đều thuận theo. Đây là chín giới của Bồ tát lấy tâm bình đẳng mà thọ trì. Đây gọi là trì giới. Vì sao? Ta vì chư Phật mười phương, ta vì các kinh pháp, ta vì chư Tỳ-kheo tăng, ta vì chư đại Bồ tát, ta vì người, phi nhân, và các loài nhỏ nhiệm trong mười phương mà hành trì các pháp này, thương yêu tất cả cho nên nay ta được đạo Bồ tát, thực hành các pháp của Bồ tát. Như thế đạo của Bồ tát khó được gặp, khó được nghe. Người đã được nghe đều chứng đắc Bồ tát. Nay, ta giữ gìn thân mạng này nương tựa chư Phật mười phương, nhất tâm không thối lui.
Thời thứ chín
Nam mô Phật! Nam mô Pháp. Nam mô Tỳ-kheo Tăng. Nam mô các Bồ tát. Nam mô Đại Bồ tát. Nam mô Bồ tát Văn Thù Sư Lợi. Đạo Bồ tát khó vô cùng. Ta dùng thân mạng cứu độ tất cả chúng sanh không có sự luyến tiếc. Bồ tát không tạo tội cũng không sợ tội. Đời trước đến nay oan gia trái chủ rất nhiều, Bồ tát hoan hỷ chịu hết tội lỗi,cũng không sợ hãi. Bồ tát thọ trì như pháp, hành trì giới đúng như giới. Do Bồ tát có lòng tin nên được thành Phật. Bồ tát tụng thuộc các kinh nhưng tất cả sẽ đi vào đạo tùy thuận giáo hóa chúng sanh. Bồ tát thường thực hành tâm từ, lời nói êm dịu không làm tổn thương lòng người. Bồ tát cùng ở với vợ con như nuôi dưỡng oan gia nên thường phòng hộ ý. Bồ tát thấy người nữ giống như hổ sói, sư tử giống như rắn độc. Bồ tát không sợ ái dục vì không thể làm động ý của Bồ tát. Vì Bồ tát đã bỏ ái dục nên ái dục không thể ô nhiễm. Hạnh thanh tịnh của Bồ tát như hoa sen không sanh ở núi cao đất liền. Bồ tát ở trong ái dục như hoa sen tuy sanh trong bùn mà không bị bùn làm ô nhiễm. Bồ tát ở trong nội giới không vượt ngoại giới. Ngoại hành như đất, nội giới như nước, nước lấy sự thanh tịnh nhu hòa làm hạnh. Đất lấy sự dung chứa nhiều, thọ nhận nhiều làm công đức. Tất cả trăm loại cỏ, cây đều từ đất sanh ra. Tất cả vạn vật đều từ nước mà được sanh sống. Do đó công đức của Bồ tát như đất, như nước. Bồ tát ở một mình trên núi cũng không sợ hãi, Bồ tát tuy ở nhà nuôi dưỡng vợ con nhưng thường như ở một mình, biết rõ sự an định, không có lãnh thọ các tư tưởng cho nên công đức của Bồ tát tôn qúy cao vời, vô lượng vô biên không có giới hạn. Công đức ấy khó có thể xưng tán, khó so lường. Đây là mười giới của Bồ tát. Bồ tát thường hành bốn tâm vô lượng, đã có lòng tin công đức liền được chứng Địa thứ nhất, đã đạt được trụ địa thứ nhất liền được chứng địa thứ hai, đã đạt được Trú địa thứ hai, liền được chứng đắc Trú địa thứ ba, đã đạt được Trú địa thứ ba, liền được chứng đắc Trú địa thứ tư, đã đạt được Trú địa thứ tư, liền được chứng đắc Trú địa thứ năm, đã đạt được Trú địa thứ năm, liền được chứng đắc Trú địa thứ sáu, đã đạt được Trú địa thứ sáu, liền được chứng đắc Trú địa thứ bảy, đã đạt được Trú địa thứ bảy, liền được chứng đắc Trú địa thứ tám, đã đạt được Trú địa thứ tám, liền được chứng đắc Trú địa thứ chín, đã đạt được Trú địa thứ chín, liền được chứng đắc Trú địa thứ mười, đã đạt được Trú địa thứ mười liền thành tựu quả Phật, độ thoát tất cả chúng sanh. Đó là Bồ tát tích lũy công đức cho đến đắc đạo. Người nào theo ta đọc tụng kinh này là đã bỏ các việc ác, mau chóng thành Phật. Người nào thấy nghe một lần mà hoan hỷ là đã trừ bỏ được vô số tội, chứng đắc Thập trụ cho đến đắc đạo. Vào ngày rằm của mỗi tháng, một ngày một đêm phải nên đọc tụng kinh này thì phước ấy bao trùm trong ba cõi. Nếu làm ngăn ngại, trói buộc các hạnh thì xa lìa công đức, không được gọi là đạo Bồ tát.
Thời thứ mười
Nam mô Phật! Nam mô Pháp. Nam mô Tỳ-kheo Tăng. Nam mô các Bồ tát. Nam mô Bồ tát Đàn Na Cưu Lựu. Nam mô Bồ tát Văn Thù Sư Lợi.
Bồ tát thường hành tâm từ thương yêu tất cả chúng sanh. Thấy người nghèo, giàu, phú quý, hạ tiện, tráng kiện, suy yếu, khiếp nhược, thì tâm Bồ tát thường muốn khiến cho họ như nhau. Bồ tát thường nguyện cho mười phương đều bằng phẳng như nước không có gò núi, hầm hố, mọi người giàu nghèo đều như nhau. Tuổi thọ dài ngắn đều như nhau. Phú quý hạ tiện đều như nhau, một lòng cầu đạo phát tâm đại thừa. Tất cả người và phi nhân đều phát tâm vô thượng chánh chơn, đều có trí tuệ, đều hành bố thí không có keo kiết tham lam, đều trì giới kinh, đều có thể nhẫn nhục, đều có thể tinh tấn, nhất tâm nhập định, hiện hóa tam muội, đều có phương tiện thiện xảo; thấy người mê hoặc nguyện cho họ mau thấy đạo chân chánh; thấy người mờ tối mong cho họ mau thấy được ánh sáng, người bệnh đều làm cho được lành mạnh, tráng kiện có đủ sức lực. Đi trên đất, Bồ tát nguyện cho người, ngựa, bò được mạnh mẽ, to khỏe, tay chân gân cốt đều được tráng kiện, của cải đầy đủ. Đi trên thuyền về hướng Đông, Tây, Nam, Bắc hoặc trên nước dưới nước đều được như ý muốn. Xe thuyền được an ổn, thuận buồm xuôi gió, mua ở chợ trăm ngàn vạn thứ đều được mua bán tiện lợi, giàu nghèo đều được như điều mong muốn. Người ở nhà như vợ, con, cha, mẹ ông, bà đều được an ổn; nước, lửa, trộm cắp, bệnh tật, vua quan đều không có. Người làm quan thường được an ổn từ tâm thương yêu, nuôi dưỡng dân chúng. Người trong nhà giàu có không thiếu thốn, lo, buồn khổ não. Đây là giới thứ mười một, Bồ tát thực hành bình đẳng.
Thiện nam, thiện nữ nghe như vậy rồi hoan hỷ, đều đắc quả vị Bồ tát. Chư thiên, thần đất, thần núi, đều đến bảo vệ, thọ trì kinh này. Tất cả tai hại không dám xâm phạm. Đây là Bồ tát đã đắc thần thông.
Thời thứ mười một
Nam mô Phật! Nam mô Pháp. Nam mô Tỳ-kheo Tăng. Nam mô các Bồ tát. Nam mô Đại Bồ tát. Nam mô Bồ tát Văn Thù Sư Lợi.
Bồ tát từ Trú địa thứ nhất cho đến Trú địa thứ sáu đều thanh tịnh, dần dần đắc đạo, đắc Tu đà hoàn, đắc Tư đà hàm, đắc A la hán, và quả vị Phật Bích Chi, nhưng không ở trong Trú địa mà đắc Phật đạo, hiện ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp, mười lực, bốn vô uý, mười tám pháp bất cọng, tám âm thanh lớn, cũng không ở trong trụ địa. Bồ tát phát tâm đại thừa, dùng bốn thệ nguyện rộng lớn độ thoát tất cả người và phi nhơn; dùng Ba-la-mật chỉ dạy mọi người; dùng từ bi hỷ xả cứu giúp chúng sanh. Bồ tát dùng lời hòa nhã điều phục kẻ ương ngạnh; dùng phương tiện thiện xảo để hòa hợp mọi người; dùng sự hoan hỷ, hoà vui để điều phục kẻ ác nghịch; dùng đạo lực để độ kẻ ngu si; dùng sự trinh khiết để độ kẻ ái dục; dùng đại từ thương yêu tất cả chúng sanh; dùng sự tiết kiệm để dứt bỏ của báu; dùng sự thanh tịnh đoạn trừ say sưa; dùng sự nói năng điềm đạm để tâm ý nhẫn nhục; dùng sự kinh hành để lập chí tinh tấn; Bồ tát do ít ăn để đoạn tuyệt ngủ nghỉ; do không tham dục nên thân thể nhẹ nhàng, tráng kiện; do không sân giận nên đạo đức được nuôi dưỡng; do không ganh ghét nên mọi người hội họp; nhờ công đức nên tất cả người, phi nhân quay về nương tựa. Đây là mười hai giới của Bồ tát thực hành bình đẳng, cứu độ tất cả chúng sanh. Đó là đầy đủ công đức của Bồ tát Phi hành. Người tâm thiện ý tốt muốn nghe kinh này rồi đọc tụng đó là Bồ tát Trú địa thứ mười. Bồ tát vào nước không bị chìm, vào lửa không bị thiêu, người đến xin đầu, Bồ tát cũng cho đầu; xin tai cho tai; xin mũi cho mũi. Bồ tát nhảy vào miệng cọp mà không tiếc thân mạng. Đó là công đức tôn qúy của Bồ tát, khó có thể xưng kể, khó hạn lượng, vô cùng vô tận, không có giới hạn, không thể đo lường. Các vị đều vâng theo giới kinh của Phật, phòng hộ thân hành hợp với kinh này, thực hành tinh tấn hoàn toàn xa lìa việc ác không còn sai phạm. Hành động sai phạm chẳng phải là Bồ tát. Hễ là Bồ tát đầy đủ chánh giới thì đạt đến ngôi vị Nhất sanh bổ xứ, sẽ mau được làm Phật, ánh sáng tướng tốt đều đã sáng soi. Chỉ cần công đức thành tựu, viên mãn các pháp thiện rồi, hiện đủ oai thần thì tất cả chúng sanh đều kính phục.
Đức Phật nói về mười hai thời công đức chánh giới của Bồ tát xong, Bồ tát Văn Thù và các vị Bồ tát đến trong hội như Bồ tát Thần thông, Bồ tát Phi hành, Bồ tát Thành tựu, Bồ tát Biến hóa v.v… cùng các vị Bồ tát ở khắp mười phương như Bồ tát Bạt Đà Hòa, Bồ tát La Lân Na Kiệt, Bồ tát Kiều Việt Đâu, Bồ tát Na Ca Đạt, Bồ tát Thâm Di, Bồ tát Ma Ha Tu, Bồ tát Hòa, Bồ tát Nhơn Đề Đạt, Bồ tát Hòa Luân Trù v.v… bảy vạn hai ngàn người đều hoan hỷ vô cùng, đều hiện ánh sáng chiếu soi giao nhau, các vị đều đứng dậy sửa lại y phục, đến trước Phật đảnh lễ Ngài.
Thời thứ mười hai
Khi Đức Phật nói mười hai thời giới Bồ tát xong, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi bạch Phật:
Do công đức gì Bồ tát chứng đắc mười trụ này? Xin nguyện đức Thế Tôn giảng thuyết cho.
Đức Phật dạy:
– Lành thay! Lành thay! Này Văn Thù Sư Lợi! Lời hỏi của ông đạt được nhiều sự an ổn, nhiều sự thương yêu. Ta sẽ vì ông mà giảng thuyết pháp ấy. Hãy lắng nghe, nhớ thọ trì.
Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thưa:
– Xin vâng.
Đức Phật dạy:
Công đức của Bồ tát gồm mười Trú địa có cao thấp, tự có thứ lớp.
Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thưa:
– Bạch đức Thế tôn! Những gì là mười? Thế nào là trụ ở pháp thứ nhất Ba-lam-chất-đâu của Bồ tát?
Đức Phật dạy:
– Thấy bậc thầy ở trên đầu, trang nghiêm không ai sánh bằng, thấy sắc mặt không hề nhàm chán, không thể bì kịp, tôn quý không ai hơn, những lời dạy thì không thể ví dụ. Thấy oai nghi thần thông của Phật như vậy, liền đựơc thể nhập Phật đạo để truyền đạo, tùy theo ý thích của chúng sanh mà độ thoát cho họ, thấy những người siêng năng điều đến an ủi, giảng rõ lời phật dạy để họ hiểu, khiến người mới phát tâm học điều được hiểu biết, mười trí Phật khó khăn nhất cũng đều muốn đạt được. Những gì là mười nơi khó khăn về mười loại năng lực?
1. Nên cúng dường Phật.
2. Nên tùy theo sự ưa thích của chúng sanh mà dùng lời lẽ để giáo hóa.
3. Sanh bất cứ nơi đâu đều được tôn quý.
4. Từ chư thiên đến loài người không ai bì kịp.
5. Chứng đắc trí tuệ của Phật.
6. Bất cứ ở đâu đời đời đều được gặp vô số chư Phật.
7. Thông suốt kinh Phật.
8. Vượt qua sanh tử.
9. Không bao lâu nữa sẽ được giải thoát.
10. Độ thoát hết thảy chúng sanh trong mười phương.
– Thế nào là trụ ở pháp thứ hai “A-xà-phù” của Bồ tát?
Đức Phật dạy:
– Có mười ý, nhớ nghĩ đến chúng sanh khắp mười phương. Đó là:
1. Nghĩ về điều thiện của thế gian.
2. Tâm thanh tịnh, thuần khiết.
3. Đều được an ổn.
4. Tâm nhu nhuyến.
5. Thương yêu bình đẳng.
6. Tâm chỉ nghĩ đến bố thí cho mọi người.
7. Luôn hộ trì tâm.
8. Nghĩ ta là tất cả mọi người đều bình đẳng.
9. Xem ta và người khắp mười phương đều là thầy.
10. Nghĩ chúng sanh khắp mười phương đều như Phật.
Pháp “A-xà-phù” của Bồ tát, nên học kinh thật nhiều. Học thật nhiều xong, nên ở một mình nơi rừng núi, lúc ở thì nên theo thầy tốt để phục vụ, khi phục vụ thì luôn ở bên thầy, nên mềm mỏng dễ sai bảo và tùy lúc, tùy theo thời mà làm các việc dũng mãnh, nên học tập để thể nhập trí tuệ,những pháp gì đã học hỏi thì nên thọ trì, thọ trì xong thì không dễ quên, do không quên nên ở nơi núi non thật yên ổn. Vì sao?
Vì đã làm lợi ích cho chúng sanh khắp mười phương.
– Thế nào là trụ ở pháp thứ ba “Dụ-a-xà” của Bồ tát?
Đức Phật dạy:
– Thể nhập trong các pháp, có mười việc, đó là:
1. Các vật sở hữu đều vô thường
2. Các vật sở hữu đều khổ.
3. Các vật sở hữu đều là rỗng không.
4. Các vật sở hữu đều chẳng phải ngã sở.
5. Các vật sở hữu đều không có chủ.
6. Các vật sở hữu đều không lợi ích.
7. Các vật sở hữu đều không có chỗ dừng.
8. Các vật sở hữu đều không có xứ sở.
9. Các vật sở hữu đều không chấp trước.
10. Tất cả các pháp “vô sở hữu” đều thể nhập trong một pháp, một pháp đều thể nhập trong các pháp. Đó là giáo pháp kinh sách “Dụa-xà” của Bồ tát.
– Thế nào là trụ nơi pháp thứ tư “Diêm-ma-kì” của Bồ tát?
Đức Phật dạy:
– Thường nguyện sanh ra nơi xứ sở của Phật, có mười việc:
1. Không quay trở lại.
2. Suy nghĩ sâu xa về Phật.
3. Suy nghĩ sâu xa về Pháp.
4. Nghĩ Tỳ-kheo Tăng là chúng sanh khắp mười phương.
5. Tư duy vạn vật đều không thực có.
6. Cõi Phật khắp mười phương đều là hư không.
7. Biết rõ những việc làm quá khứ đều không thật có.
8. Những vật hiện có như huyễn đều là hư không.
9. Các khổ nhọc đều không thật có.
10. Niết bàn, hư không cũng không thật có.
Dùng những pháp này mà được sanh trong Phật pháp. Đó là giác pháp “Diệm-ma-kì” của Bồ tát.
– Thế nào là trụ nơi pháp thứ năm “Ba-dụ-tam-bát” của Bồ tát?
Đức Phật dạy:
Những công đức đã đạt được đều đem cứu giúp chúng sanh khắp mười phương. có mười việc:
1. Hộ trì chúng sanh khắp mười phương.
2. Nghĩ đến điều thiện của chúng sanh khắp mười phương.
3. Nghĩ đến chúng sanh khắp mười phương.
4. Thương yêu chúng sanh khắp mười phương.
5. Từ bi nghĩ đến chúng sanh khắp mười phương.
6. Nghĩ đến chúng sanh khắp mười phương, không bảo họ làm ác.
7. Dẫn dắt chúng sanh khắp mười phương, đem họ vào đạo Bồ tát.
8. Làm thanh tịnh cho chúng sanh khắp mười phương.
9. Độ thoát hết chúng sanh khắp mười phương.
10. Khiến chúng sanh khắp mười phương nhập Niết bàn. Đó là pháp “Ba-dụ-tam-bát” của Bồ tát.
Thế nào là trụ ở pháp thứ sáu “A-giả-tam-bát” của Bồ tát?
Đức Phật dạy:
– Có mười pháp nơi tâm từ bi sâu xa.
1 . Xem người nói về Phật, với tâm thiện, ác đều không khác nhau.
2. Có tâm thiện, ác để giảng nói kinh pháp đều khác nhau.
3. Giảng nói về Bồ tát, với tâm thiện, ác đều không giống nhau.
4. Người cầu đạo Bồ tát và đạo tốt lành, với tâm thiện, ác đều giống nhau.
5. Có người nói: “Chúng sanh khắp mười phương có tâm rộng hẹp” nhưng vẫn không thấy sai khác.
6. Thấy chúng sanh mười phương truyền bá đạo cho nhau dù với tâm thiện, ác đều vẫn thấy giống nhau.
7. Có người nói: “Chúng sanh mười phương dễ giải thoát, khó giải thoát” đều không thấy khác nhau.
8. Có người nói: “Thuyết pháp với tâm rộng hẹp” thì vẫn thấy giống nhau.
9. Có người nói: “Thuyết pháp với tâm phá hoại” thì vẫn không phân biệt.
10. Đối với nơi có pháp, nơi không có pháp đều thấy giống nhau. Đó là pháp “A-giả-tam-bát” của Bồ tát.
– Thế nào là trụ nơi pháp thứ bảy “A-duy-việt-trí” của Bồ tát?
Đức Phật dạy: Có mười việc kiên cố bất động, đó là:
1. Nếu nói: “Có Phật hay không có Phật” đều không lay chuyển, thối lui.
2. “Có pháp, không có pháp” đều không lay chuyển, thối lui.
3. “Có Bồ tát hay không có Bồ tát ” đều không lay chuyển, thối lui.
4. “Có cầu xin đạo Bồ tát hay không có cầu xin đạo Bồ tát” đều không lay chuyển, thối lui.
5. Trì pháp nên đạt được sự không lay chuyển, thối lui.
6. Có chư Phật quá khứ hay không có chư Phật quá khứ đều không lay chuyển, thối lui.
7. Có chư Phật vị lai hay không có chư Phật vị lai đều không lay chuyển, thối lui.
8. Có chư Phật hiện tại hay không có chư Phật hiện tại đều không lay chuyển, thối lui.
9. Trí tuệ của chư Phật cùng tận hay không cùng tận đều không lay chuyển, thối lui.
10. Tất cả ngần ấy việc thế gian trong quá khứ, vị lai, hiện tại đều không lay chuyển, thối lui.
Đó là pháp “A-duy-việt-trí” của Bồ tát.
– Thế nào là pháp trụ nơi pháp thứ tám “Cưu-ma-la-phù-đồngnam” của Bồ tát.
Đức Phật dạy:
– Bồ tát phải trụ trong mười việc, đó là:
1. Những việc làm của thân khẩu, miệng và ý đều phải tinh khiết.
2. Không ai có thể biết được mạng sống là dài hay ngắn.
3. Chỉ một lần tâm nghĩ đến là biết sẽ sanh ở chỗ nào.
4. Biết rõ chúng sanh khắp mười phương, những ai có tâm từ.
5. Biết rõ sự kính tin của chúng sanh khắp mười phương
6. Biết rõ ngần ấy chủng loại của chúng sanh khắp mười phương.
7. Biết rõ sự tạo tác của chúng sanh khắp mười phương
8. Biết rõ sự thành, bại của các cõi nước Phật khắp mười phương .
9. Chứng đắc thần thông, trong một niệm là bay đến nơi cần đến.
10. Tất cả đều thanh tịnh.
Đó là giáo pháp “Cưu-ma-la-phù-đồng-nam” của Bồ tát.
Thế nào là trụ nơi pháp thứ chín “Dụ-la-xà” của Bồ tát.
Đức Phật dạy:
– Có mười việc.
1. Biết rõ nơi sanh ra của chúng sanh mười phương.
2. Biết rõ sự ràng buộc ái ân của chúng sanh mười phương.
3. Biết rõ ngọn nguồn suy nghĩ của chúng sanh mười phương.
4. Biết rõ việc đã làm đời trước và nơi hướng đến của chúng sanh mười phương.
5. Biết rõ có ngần ấy chủng loại các pháp.
6. Biết rõsự suy nghĩ và ngần ấy sự biến hóa của chúng sanh mười phương.
7. Biết rõsự tan hoại, thiện ác về cõi nước của chư Phật.
8. Biết rõ tất cả việc thế gian từ quá khứ, hiện tại đến vị lai trong vô số kiếp.
9. Biết rõ sự bình đẳng hay không bình đẳng của chúng sanh mười phương.
10. Biết giảng nói pháp rộng như hư không cho chúng sanh mười phương.
Đó là pháp“Dụ-la-xà” của Bồ tát.
– Thế nào là trụ ở pháp thứ mười “A-duy-nhan (Nhất sanh Bổ xứ)” của Bồ tát?
Đức Phật dạy:
Bồ tát thể nhập vào mười trí thì có thể phân biệt biết rõ có mười việc:
1. Do nhân duyên gì làm cảm động đến cõi nước của chư Phật ở mười phương.
2. Biết rõ các cõi Phật trong vô số kiếp.
3. Hàng ngày, tôi đều dẫn dắt các Bồ tát đến vô số cõi Phật.
4. Hàng ngày, tôi sẽ độ thoát chúng sanh trong vô số cõi Phật.
5. Tôi sẽ làm an ổn các chúng sanh trong vô số cõi Phật.
6. Chúng sanh khắp mười phương phiền não-hương đều nghe được tên tôi thì đều hoan hỷ được độ thoát.
7. Nghĩ đến chúng sanh khắp mười phương, khiến họ chứng đắc cõi Phật, Tất cả đều bỏ gia đình đi xuất gia.
8. Tất cả những suy nghĩ thiện ác của chúng sanh khắp mười phương, tôi đều biết hết .
9. Tôi sẽ đem chúng sanh khắp mười phương thể nhập Phật đạo, khiến họ phát tâm Bồ tát.
10. Tôi sẽ độ thoát chúng sanh khắp mười phương.
Những việc làm của thân, những lời nói của miệng, những suy nghĩ của ý và tất cả những hành động của Bồ tát “A-duy-nhan” thì Bồ tát “A-dụ-la-xà” không thể hiểu được. Bồ tát “A-dụ-la-xà” cũng không thể hiểu được việc làm của Bồ tát “A-duy-nhan”, không thể biết được thần thông, sự biến hóa đi lại, cũng không thể biết được những việc quá khứ, hiện tại và vị lai của Bồ tát “A-duy-nhan”. Đó là pháp“A-duy-nhan” của Bồ tát.