KINH ĐẠI THỪA XÁ-LÊ-SA-ĐAM-MA
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Thi Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Tôi nghe như vầy:
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ở tại đỉnh núi Thứu phong, thuộc thành Vương xá, cùng chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, lại còn có chúng Đại Bồ-tát, đứng đầu là Bồ-tát Từ Thị.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn quán sát Xá-lê-sa-đam-ma rồi, bảo các Tỳ-kheo:
–Nếu có Tỳ-kheo nào đối với mười hai duyên sinh, có thể thấy rõ, đó là thấy pháp. Đã thấy pháp tức là thấy Phật.
Đức Thế Tôn nói thế rồi an trú trong im lặng.
Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi Tử liền nghĩ: “Nay Đức Thế Tôn của ta nói pháp như thế nghĩa là gì? Làm sao để biết rõ?” Rồi Tôn giả liền đi tới chỗ Bồ-tát Từ Thị, đến nơi, cùng gặp nhau, dùng lời nhu hòa thăm hỏi, rồi cùng ngồi xuống nơi tảng đá lớn.
Xá-lợi Tử bạch Bồ-tát Từ Thị:
–Nay, Đức Thế Tôn vì chúng Tỳ-kheo mà nói kinh Xá-lê-sađam-ma rằng: “Vị Tỳ-kheo nào đối với mười hai duyên sinh có thể nhận thấy rõ đó gọi là thấy pháp. Đã thấy pháp tức là thấy Phật.”
Thưa Bồ-tát! Nay tôi không hiểu rõ ý nghĩa đó. Những gì gọi là mười hai duyên sinh? Sao gọi là pháp? Sao gọi là Phật? Cầu xin Bồtát giảng nói vắn tắt.
Bồ-tát Từ Thị bảo Tôn giả Xá-lợi Tử:
–Như Lai Pháp Vương đầy đủ Nhất thiết trí, tùy theo việc mà giảng nói pháp thâm diệu. Nay tôn giả hỏi tôi, thì tôi xin nói vắn tắt.
Này Tôn giả Xá-lợi Tử! Như Đức Thế Tôn nói:
–Nếu có Tỳ-kheo nào đối với mười hai duyên sinh có thể nhận thấy rõ, đó là thấy pháp. Nếu thấy pháp, tức là thấy Phật.
Này Tôn giả Xá-lợi Tử! Mười hai duyên sinh nghĩa là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử, ưu, bi, khổ, não. Sinh khởi như thế tức là một khối khổ lớn hình thành.
Này Tôn giả Xá-lợi Tử! Vô minh kia diệt tức hành diệt, hành diệt tức thức diệt, thức diệt tức danh sắc diệt, danh sắc diệt tức lục nhập diệt, lục nhập diệt tức xúc diệt, xúc diệt tức thọ diệt, thọ diệt tức ái diệt, ái diệt tức thủ diệt, thủ diệt tức hữu diệt, hữu diệt tức sinh diệt, sinh diệt tức lão tử, ưu, bi, khổ, não diệt. Diệt như thế tức là một khối khổ lớn diệt.
Này Tôn giả Xá-lợi Tử! Như thế, Đức Thế Tôn nói là mười hai duyên sinh.
Tôn giả Xá-lợi Tử hỏi:
–Sao gọi là pháp?
Bồ-tát bảo:
–Tám Thánh đạo, đó gọi là pháp, gồm có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh cần (chánh tinh tấn), chánh niệm, chánh định. Quả báo của tám Thánh đạo đó là Niết-bàn. Cho nên Đức Thế Tôn đã nói vắn tắt gọi là pháp.
Tôn giả Xá-lợi Tử hỏi:
–Sao gọi là Phật?
Bồ-tát bảo:
–Nếu biết tất cả các pháp thì gọi là Phật. Như thế là chứng đắc mắt trí tuệ của bậc Thánh, thấy pháp Bồ-đề phần, mới chứng được Pháp thân. Lại nữa, thế nào là thấy mười hai duyên như Đức Phật nói? Nếu người nào thường thấy mười hai duyên này vô sinh, vô diệt, vô tác, vô vi, không lấy, không chấp, như thật, chẳng điên đảo, vắng lặng, không sợ hãi, thì đó là bậc Đại Thánh vô tận vắng bặt tất cả đều là vô tánh. Nếu thấy như thế là người thấy Pháp. Nếu thường thấy vô sinh, vô diệt, vô tác, vô vi, không lấy, không chấp, như thật, chẳng điên đảo, vắng lặng, không sợ hãi, thì đó là bậc Đại thánh vô tận vắng bặt thấy pháp là vô tánh. Người kia thấy được Pháp thân vô thượng. Đức Phật là vị chứng đắc chánh pháp, chánh trí, Tam-muội vắng lặng.
Tôn giả Xá-lợi Tử bạch:
–Vì sao gọi là mười hai duyên?
Bồ-tát bảo:
–Vì có nhân có duyên nên gọi là mười hai duyên.
Này Tôn giả Xá-lợi Tử! Pháp ấy cũng chẳng phải nhân, chẳng phải duyên, cũng chẳng phải không nhân duyên, lại từ duyên mà có. Nay tôi nói vắn tắt về tướng của nó. Dù Đức Như Lai ra đời hay không ra đời thì pháp nhân duyên ấy vẫn thường trụ, bình đẳng, như thật, chẳng hư dối, là pháp chân thật, lìa điên đảo.
Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi Tử! Như thế duyên sinh phân làm hai nghĩa. Những gì là hai? Một là, do nhân; hai là, do duyên. Hai loại nghĩa này phân làm bên trong và bên ngoài.
Duyên bên trong do nhân sinh ra, nghĩa là do hạt sinh mầm, do mầm sinh cây non, do cây non sinh thân cây, do thân cây sinh cành lá, do cành lá sinh hoa quả. Nếu không có hạt giống thì chẳng sinh cây non, cho đến hoa quả cũng không có được. Nếu có hạt giống thì cây non, thân cây sinh ra, cho đến hoa quả không thể không có.
Này Tôn giả Xá-lợi Tử! Hạt giống kia chẳng nghĩ mình có thể sinh mầm. Mầm cũng chẳng nghĩ mình có thể sinh cây non, thân cây. Như thế cho đến hoa cũng chẳng nghĩ mình có thể sinh quả, quả cũng chẳng nghĩ mình có thể do hoa sinh. Như thế, có thể thấy ngoại duyên từ nhân sinh ra.
Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi Tử! Nhân bên ngoài do duyên sinh ra, nghĩa là phải duyên với sáu giới tập hợp.
Sáu giới là gì? Đó là địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, hư không giới, thức giới. Địa giới kia có khả năng đứng yên; thủy giới có khả năng thấm nhuần; hỏa giới có khả năng làm nóng ấm; phong giới có khả năng dao động; không giới có khả năng không ngăn ngại; thức giới có thể tạo sự thành tựu. Sáu giới như thế tùy theo các duyên mà hòa hợp. Hạt giống được sinh mầm, cây non, hoa, quả, không gì là không đầy đủ. Như thế, một trong sáu giới không hòa hợp thì hạt giống không thể sinh, cho đến hoa quả cũng không thể có được. Nhưng sáu giới kia mỗi thứ không có ngã. Đất kia chẳng nói ta có thể đứng yên; nước cũng chẳng nói ta có thể thấm nhuần; lửa cũng chẳng nói ta có thể làm nóng ấm; gió cũng chẳng nói ta có thể dao động; hư không cũng chẳng nói ta có thể không ngăn ngại; thời cũng chẳng nói ta có thể thành tựu, nhưng hạt giống kia chẳng nói ta có thể sinh mầm, mầm cũng chẳng nói ta do các duyên mà sinh được. Mầm… kia sinh ra chẳng phải tự tạo, chẳng do cái khác tạo, cũng chẳng do tự tha cùng tạo, chẳng do trời Tự tại hóa ra, cũng chẳng do thời gian hóa ra, cũng chẳng do duyên sinh ra, cũng chẳng do một việc sinh ra, cũng không phải không do nhân sinh ra. Nhưng các phần đất, nước, lửa, gió, hư không, thời kia và hạt giống, hoa quả từ đó mà sinh, chẳng tức, chẳng lìa, vì không có tận diệt. Ngoại duyên sinh này lại có năm tính chất.
Những gì là năm? Đó là chẳng thường, chẳng đoạn, tuy diệt mà chẳng tận, nhân ít, quả nhiều, làm đối tượng duyên cho nhau.
Sao gọi là chẳng thường? Nghĩa là tên hạt giống và mầm khác nhau.
Sao gọi là chẳng đoạn? Nghĩa là do hạt giống mới có mầm, mầm sinh cành lá.
Sao gọi là tuy diệt chẳng tận? Tuy diệt là hạt giống hoại giống như tiêu mất. Bất tận là truyền hạt giống thành mầm.
Sao gọi là nhân ít quả nhiều? Nghĩa là một hạt giống làm nhân mà quả nhiều gấp bội.
Sao gọi là cùng nhau làm đối tượng duyên? Nghĩa là nhân nơi hạt giống mà có mầm cho đến hoa quả, giống như dây chuyền, rồi lại làm hạt giống.
Lại nữa, sao gọi là mười hai duyên bên trong? Mười hai duyên này lại có hai nghĩa.
Những gì là hai? Một là do nhân; hai là do duyên.
Sao gọi là do nhân làm? Nhân vô minh mới có hành, cho đến sinh, lão tử, ưu, bi, khổ, não. Nếu không có vô minh thì hành cũng không, cho đến không có lão tử, ưu, bi, khổ, não. Nhưng vô minh kia chẳng nghĩ mình có thể sinh hành, hành cũng chẳng nghĩ mình do vô minh sinh, cho đến sinh cũng chẳng nghĩ mình có thể sinh già, chết, ưu, bi, khổ não. Lão tử… cũng chẳng nghĩ mình do sinh mà sinh khởi. Đó là tướng do nhân sinh khởi.
Sao gọi là do duyên sinh? Nghĩa là duyên nơi sáu giới thì được hòa hợp.
Những gì là sáu? Đó là đất, nước, lửa, gió, hư không và thức. Khi sáu giới này hòa hợp thì gọi là do duyên sinh.
Sao gọi là địa giới? Đó là chất cứng rắn của thân thì gọi là địa giới; chất thấm nhuần của thân thì gọi là thủy giới; hơi thở vào ra thì gọi là phong giới; chỗ không chướng ngại của thân thì gọi là không giới; nhãn thức cho đến thức thứ tám thì gọi là thức giới. Vì duyên sáu giới như thế hòa hợp nên mới sinh thân. Nhưng địa giới kia chẳng nghĩ mình có thể chắc thật, thủy giới cũng chẳng nghĩ mình có thể thấm nhuần, hỏa giới cũng chẳng nghĩ mình có thể làm nóng ấm, phong giới cũng chẳng nghĩ mình có thể thở vào ra, không giới cũng chẳng nghĩ mình có thể không chướng ngại, thức giới cũng chẳng nghĩ mình có thể thành tựu, thân cũng chẳng nghĩ mình do các duyên sinh, nhưng không có các duyên thì thân cũng chẳng thành. Mà địa giới kia thì không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ mạng, chẳng phải nam, chẳng phải nữ, cũng không tự, không tha, cho đến thủy, hỏa, phong, không, thức giới cũng không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ mạng, chẳng phải nam, chẳng phải nữ, cũng không tự, không tha.
Lại nữa, nếu đối với sáu giới như thế mà khởi tưởng một, tưởng phàm phu, tưởng thường, tưởng thật, tưởng lâu dài, tưởng vui, tưởng ngã, tưởng nhân, tưởng chúng sinh, tưởng thọ mạng, tưởng loài máy động, là do không có trí tuệ nên tạo ra nhiều loại tưởng như thế, cho nên nói là vô minh. Do vô minh nên sinh tham dục, sân hận. Vô minh duyên hành. Hành cũng như thế đắm chấp theo giả danh, sinh ra các vọng tưởng gọi là thức. Thức sinh danh sắc, danh sắc sinh lục nhập, lục nhập sinh xúc, xúc sinh thọ, thọ sinh ái, ái sinh thủ, thủ sinh hữu. Vì hữu nên sinh uẩn sau gọi là sinh; sinh đã suy biến thì già, uẩn bại hoại nên phải chết. Vì ngu si nên phát sinh ưu, bi, khổ, não. Lại vì các khổ ấy tích tụ lại bức bách thân tâm ở chỗ rất tối tăm gọi là vô minh, tạo tác là hành, phân biệt là thức, tướng đứng yên là danh sắc, sáu căn môn là lục nhập đối trần cảnh gọi là xúc, khổ vui gọi là thọ, khao khát gọi là ái, tìm cầu gọi là thủ, lại sinh nghiệp là hữu, uẩn sau sinh là sinh, uẩn sinh là già, uẩn bại hoại là chết, lo nghĩ là ưu, thảm thiết là bi, các khổ là khổ, quấy rối là não.
Lại nữa, đối lập chân thật là hư vọng, dùng tà kiến làm chánh kiến, vì vô trí nên gọi là vô minh. Hành có ba loại là phước hành, phi phước hành, vô tướng hành, tạo phước hành được trí phước hành; tạo phi phước hành được trí phi phước hành; tạo vô tướng hành được trí vô tướng hành; như thế cho đến lão tử, ưu, bi, khổ, não. Mười hai duyên này mỗi thứ có nhân có quả, chẳng thường, chẳng đoạn, chẳng hữu vi, chẳng rời hữu vi, chẳng phải tâm pháp, chẳng phải tận pháp, chẳng phải diệt pháp, xưa nay tự nó sinh ra chẳng đoạn, ví như dòng nước sông chảy hoài không bao giờ dừng.
Bấy giờ, Bồ-tát Từ Thị lại bảo Tôn giả Xá-lợi Tử:
–Mười hai duyên kia lại dùng bốn duyên tăng trưởng. Đó là vô minh, ái, nghiệp, thức…, hạt giống của thức kia dùng tự tánh làm nhân, dùng nghiệp làm đất vì vô minh, ái, phiền não, che giấu nên hạt giống thức phát sinh; nghiệp kia cùng thức làm đất, ái và thức làm thấm nhuần, vô minh che lấp thức được thành tựu. Nghiệp kia chẳng nghĩ mình có thể cùng hạt giống thức làm đất. Ái cũng chẳng nghĩ mình có thể cùng hạt giống thức làm sự thấm nhuần. Vô minh cũng chẳng nghĩ mình có thể cùng hạt giống thức làm sự che lấp. Vì duyên ấy nên hạt giống thức thành tựu mà thức cũng chẳng nghĩ mình do các duyên sinh. Lại nữa, nghiệp là đất của thức, ái là sự thấm nhuần, vô minh che lấp nên hạt giống mới sinh. Ở trong thai mẹ là mầm non danh sắc. Mầm non danh sắc kia chẳng phải tự sinh, chẳng phải do cái khác sinh, chẳng tự tha hòa hợp sinh, cũng chẳng phải trời Tự tại sinh, cũng chẳng phải thời gian hóa sinh, cũng chẳng do gốc sinh, cũng chẳng phải không có nhân duyên sinh, pháp đó thật do cha mẹ hòa hợp với các duyên mà sinh. Nhưng mầm của danh sắc kia vốn vô chủ, cũng không có nắm giữ, xả bỏ, tự tánh nhân duyên như hư không, huyễn hóa.
Lại nữa, nhãn thức sinh, có năm loại nhân duyên. Những gì là năm? Đó là nhãn, sắc, ánh sáng, hư không, ý niệm, do năm duyên này mà sinh nhãn thức, dùng nhãn căn làm chỗ an trú, dùng sắc làm chỗ bám vào, dùng ánh sáng để chiếu sáng, dùng hư không để không ngăn ngại, cho nên ý niệm khởi các sự tác động. Vì duyên ấy nên nhãn thức phát sinh. Nếu nhãn, sắc, ánh sáng, hư không, ý niệm… các duyên không hòa hợp thì nhãn thức chẳng sinh. Nhưng nhãn căn chẳng nghĩ mình có thể làm nhãn thức sinh. Sắc cũng chẳng nghĩ mình có thể làm chỗ vin dựa của thức. Ánh sáng cũng chẳng nghĩ mình có thể chiếu sáng cho thức. Hư không cũng chẳng nghĩ mình có thể khiến thức không có sự ngăn che. Ý cũng chẳng nghĩ mình có thể khiến thức khởi dậy sự tạo tác. Thức cũng chẳng nghĩ mình có thể do các duyên sinh. Nhưng nhãn thức thật là do các duyên hòa hợp mà sinh. Như thế, các căn thứ tự mà sinh, đều cũng như vậy.
Lại nữa, không có pháp từ đời này đến đời sau, chỉ do nhân duyên, nghiệp quả, vọng tưởng mà sinh, lại như gương sáng soi mặt, mặt hiện ở trong gương, thật không có mặt vào bên trong gương, do nhân duyên vọng tưởng mà hiển hiện. Lại như trăng tròn ở cao trên hư không, cách mặt đất bốn vạn hai ngàn do-tuần, ảnh hiện dưới các mặt nước, chẳng phải mặt trăng tiêu mất ở đó mà sinh xuống mặt nước này, cũng do nhân duyên vọng tưởng nên xuất hiện. Lại như lấy lửa thì đốt củi, củi hết thì lửa tắt.
Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi Tử! Không có chúng sinh từ đời này đến đời sau, cũng chẳng phải từ đời sau đến đời này, chỉ do nghiệp kết thành hạt giống thức, được sinh ra mọi nơi, gá vào thai tạng của mẹ sinh ra mầm danh sắc. Pháp nhân duyên này xưa nay vốn vô chủ, vô ngã, không có nắm giữ, không có xả bỏ, như hư không, như huyễn hóa, không có thật pháp mà do báo ứng của nghiệp thiện ác nên chẳng mất đi.
Lại nữa, mười hai duyên lại dùng năm việc để nói. Những gì là năm? Đó là vô thường, chẳng đoạn, không diệt, nhân ít quả nhiều, tương tự.
Sao gọi là vô thường? Nghĩa là uẩn này diệt thì uẩn kia sinh, diệt tức chẳng phải sinh, sinh tức chẳng phải diệt, vì sinh diệt khác nhau, cho nên gọi là vô thường.
Sao gọi là chẳng đoạn? Nghĩa là như cái cân khi cao khi thấp, đây diệt thì kia sinh. Cho nên gọi là chẳng đoạn.
Sao gọi là chẳng diệt? Nghĩa là nghiệp nhân đã gây ra ở cõi chúng sinh thì đều chẳng thể diệt.
Sao gọi là nhân ít quả nhiều? Nghĩa là việc tạo nhân, cũng như việc làm ruộng, hễ chuyên tâm, nỗ lực, siêng năng thì thu hoạch kết quả rất nhiều.
Sao gọi là tương tự? Nghĩa là nghiệp đã đã tạo thì chẳng thu được quả báo khác được. Cho nên gọi là tương tự.
Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi Tử! Như Đức Phật đã nói:
–Nếu có thể quán sát mười hai Nhân duyên thì gọi là người chánh quán chánh trí tuệ.
Sao gọi là chánh quán chánh trí tuệ? Nghĩa là quan sát sự sinh khởi trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai, chẳng khởi tưởng có không, không từ đâu đến, không đi về đâu. Nếu Sa-môn, Bà-la-môn và người thế gian có thể quán sát pháp ấy là bất sinh, bất diệt, vô tác, vô vi, không lấy, không bỏ, chẳng điên đảo, vắng lặng, đình chỉ, vô tánh và nếu có thể thấy pháp như thế thì được vắng lặng, biết rõ, không có bệnh, không có ung nhọt, như bệnh hoa mắt hết, ngã kiến liền trừ, như đầu cây Đa-la bị chặt thì không sinh lại được. Đó là chứng đắc được pháp bất sinh, bất diệt.
Này Tôn giả Xá-lợi Tử! Đó là người đạt được pháp nhẫn đầy đủ sẽ được Như Lai, Bậc Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn thọ ký đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Bấy giờ, Bồ-tát Từ Thị đã giảng nói xong pháp ấy. Tôn giả Xálợi Tử và các chúng Trời, Người, A-tu-la, Càn-thát-bà… hoan hỷ tín thọ, đảnh lễ rồi lui ra.