KINH PHẬT TẠNG
Hán dịch: Đời Dao Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 1: THẬT TƯỚNG CỦA CÁC PHÁP

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ngụ trong núi Kỳ-xà-quật thuộc thành Vương xá cùng với chúng đại Tỳ-kheo tăng hội đủ, chư vị đều là các bậc được mọi người biết đến và vô lượng vô số chúng sinh Đại Bồtát.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất từ nơi Tam-muội đứng dậy, đi đến chỗ Đức Thế Tôn, trịch áo bày vai bên phải, cúi đầu làm lễ bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu! Đức Như Lai đã giảng nói tất cả các pháp là không sinh, không diệt, vô tướng, vô vi, làm cho chúng sinh tin hiểu.

Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Ông thấy được lợi ích gì mà tán thán nói: Thật là hy hữu! Như Lai đã giảng nói tất cả các pháp là không sinh, không diệt, vô tướng, vô vi, làm cho chúng sinh tin hiểu.

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con ở chỗ vắng lặng đều suy nghĩ: “Đức Thế Tôn giảng nói các pháp không có danh tướng mà dùng danh tướng để giảng nói, nói pháp không có ngôn ngữ mà dùng ngôn ngữ để giảng nói, suy nghĩ việc này nên sinh tâm hy hữu.

Phật bảo:

–Này Xá-lợi-phất! Đúng vậy! Đúng vậy! Việc này rất là hy hữu, hiếm có đệ nhất. Nghĩa là chư Phật thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Xá-lợi-phất! Ví như người thợ vẽ kỹ xảo, vẽ giữa hư không hiện ra vô số sắc tướng, ý ông thế nào? Vị họa sĩ này là hiếm có không?

–Bạch Thế Tôn! Thật là hiếm có.

–Này Xá-lợi-phất! Như Lai đã chứng đắc đạo quả Vô thượng Bồ-đề, nên giảng tất cả các pháp là không sinh, không diệt, vô tướng, vô vi, khiến cho chúng sinh tin hiểu đích thật là hiếm có. Vì sao? Vì các pháp không có danh và tướng, không có nhớ nghĩ, không có thủ đắc, cũng không có tu tập, không thể nghĩ bàn, chẳng phải duyên dựa, không có hý luận, vì không phải chỗ hý luận có thể dừng nghỉ, không nhận biết, không quan sát, không có đối tượng được thâu tóm, không ở nơi tâm, chẳng chứng đắc và đối tượng được chứng đắc, không đây, không kia, không có phân biệt, không động, không định, xưa nay tự nó là không, không thể nhớ nghĩ, không thể phát sinh, tất cả mọi người ở thế gian không thể tin hiểu, vì pháp không có danh, tướng như vậy mà dùng danh, tướng để giảng nói. Thế nên, này Xá-lợi-phất! Tất cả các pháp là không sinh, không diệt, vô tướng, vô vi, khiến cho mọi người tin hiểu đích thật là hiếm có.

Này Xá-lợi-phất! Ví như có người nhai nuốt núi Tu-di làm cho tiêu tan hết, bay lên hư không chẳng hề bị ngăn ngạn. Ý ông thế nào? Thật là hiếm có chăng?

–Bạch Thế Tôn! Rất là hiếm có.

–Này Xá-lợi-phất! Chư Phật đã thuyết giảng tất cả các pháp là không sinh, không diệt, vô tướng, vô vi, làm cho chúng sinh tin hiểu đích thật là rất hiếm có.

Này Xá-lợi-phất! Ví như thành lửa ngang dọc, cao thấp đều một do-tuần, bốn cửa phát ra ngọn lửa, người gánh vác cỏ khổ đi vào trong đó, gió mạnh thổi ngọn lửa khiến thiêu đốt thân và cỏ, nhưng người này đã làm cho ngọn lửa không thể đốt cháy cỏ khô và thân mình, ngay trong lúc đó được thoát ra khỏi đều như cũ không khác. Ý ông thế nào? Thật là hiếm có chăng?

–Bạch Thế Tôn! Thật là hiếm có.

–Này Xá-lợi-phất! Như Lai đã thuyết giảng tất cả các pháp là không sinh, không diệt, vô tướng, vô vi, khiến cho mọi người tin hiểu đích thật là hiếm có.

Này Xá-lợi-phất! Ví như có người lấy đá làm gỗ, từ bờ biển bên này bơi sang bờ biển bên kia. Ý ông thế nào? Thật là hiếm có chăng?

–Bạch Thế Tôn! Rất là hiếm có.

–Này Xá-lợi-phất! Như Lai đã giảng nói tất cả các pháp là không sinh, không diệt, vô tướng, vô vi, khiến cho chúng sinh tin hiểu đích thật là hy hữu.

Này Xá-lợi-phất! Ví như có người vác cõng bốn cõi thiên hạ và các núi Tu-di, sông ngòi, cây cỏ lấy chân của con muỗi làm bậc thang để đi đến cõi Phạm thiên. Ý ông thế nào? Thật là hy hữu chăng?

–Bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu.

–Này Xá-lợi-phất! Như Lai đã giảng nói tất cả các pháp là không sinh, không diệt, vô tướng, vô vi, làm cho chúng sinh tin hiểu, thật sự rất là hiếm có.

Này Xá-lợi-phất! Ví như dùng sợi tơ của ngó sen treo núi Tu-di lên giữa hư không! Ý ông thế nào? Là hiếm có chăng?

–Bạch Thế Tôn! Thật là hiếm có.

–Này Xá-lợi-phất! Như Lai đã giảng nói tất cả các pháp là không sinh, không diệt, vô tướng, vô vi, khiến cho chúng sinh tin hiểu đích thật là rất hy hữu.

Này Xá-lợi-phất! Ví như vào thời kiếp tận, lúc lửa lớn thiêu đốt, có người nhổ một miếng nước bọt có thể dập tắt lửa dữ ấy, lại dùng một hơi thổi để hoàn thành thế giới và cung điện của chư Thiên như cũ, theo ý ông thế nào? Rất là hiếm có chăng?

–Bạch Thế Tôn! Thật là hiếm có.

–Này Xá-lợi-phất! Như Lai đã giảng nói tất cả các pháp là không sinh, không diệt, vô tướng, vô vi, làm cho chúng sinh càng tin hiểu, thật rất là hy hữu.

Này Xá-lợi-phất! Như sông Hằng rộng lớn là vô lượng chăng?

–Bạch Thế Tôn! Đúng vậy.

–Này Xá-lợi-phất! Như mưa lớn tuôn xuống khắp bốn cõi thiên hạ, lượng nước mưa như nước nơi sông Hằng, có người dùng bàn tay chận nước mưa lại khiến không còn chỗ chảy xuống. Ý ông thế nào? Là hy hữu chăng?

–Bạch Thế Tôn! Rất là hy hữu.

–Này Xá-lợi-phất! Như Lai đã giảng nói tất cả các pháp là không sinh, không diệt, vô tướng, vô vi, khiến cho chúng sinh tin hiểu lại càng hiếm có hơn.

Này Xá-lợi-phất! Núi chúa Tu-di là cao lớn chăng?

–Bạch Thế Tôn! Rất là cao lớn!

–Này Xá-lợi-phất! Như khắp bốn cõi thiên hạ có trận mưa đá lớn đều to như núi Tu-di, có người đưa bàn tay để đỡ lấy những tảng đá ấy, không có rơi lọt, dù nhỏ như một hạt cải. Ý ông thế nào? Rất là hiếm có chăng?

–Bạch Thế Tôn! Rất là hiếm có.

–Này Xá-lợi-phất! Như Lai đã giảng nói tất cả các pháp là không sinh, không diệt, vô tướng, vô vi, khiến các chúng sinh tin hiểu, chắc thật là hiếm có hơn.

Này Xá-lợi-phất! Ví như có người đem tất cả chúng sinh đặt trên bàn tay trái, tay phải thì nâng cao tam thiên đại thiên thế giới gồm cả núi, sông, cỏ cây thảy đều khiến cho tất cả chúng sinh ấy cùng nhau vui mừng, tâm luôn ưa thích. Ý ông thế nào? Thật là hy hữu chăng?

–Bạch Thế Tôn! Rất là hy hữu!

–Này Xá-lợi-phất! Như Lai đã giảng nói tất cả các pháp là không sinh, không diệt, vô tướng, vô vi, khiến cho chúng sinh tin hiểu lại càng hiếm có hơn.

Này Xá-lợi-phất! Như Lai đã giảng nói các pháp là không có

tánh, là không, đều không thực có, tất cả thế gian rất khó tin hiểu. Vì sao? Này Xá-lợi-phất! Vì pháp ấy là không có tướng, xa lìa các tướng, không có niệm, xa lìa các niệm, không nhận lấy, không xả bỏ, không hý luận, không não hại, không phải bờ bên này, không phải bờ bên kia, không phải đất liền, chẳng phải ngu si, chẳng phải sáng suốt, dùng vô lượng trí tuệ mới có thể biết được, chẳng phải dùng tư duy hạn hẹp để có thể biết được. Vì đây là pháp không hành, không tướng, không não hại, không có ý niệm vượt qua các niệm, không có tâm vượt hơn các tâm, không hướng theo, không chối bỏ, không trói buộc, không giải thoát, không vọng, không phải pháp vọng, không ngu si, không có pháp ngu si, không có lưới nghi ngờ, không có danh tự, không có lời nói, không có thuyết giảng, không phải không có thuyết giảng, không phải tận cùng, không phải không tận cùng, không có hành, không có tướng hành hóa, không có giác ngộ, không có kết quả của giác ngộ, không có xa lìa, vượt hơn những sự xa lìa, không có tư duy, không có kẻ thân người sơ, không lấy không bỏ, không thủ đắc, không thể nắm bắt, trừ các vướng mắc, trừ bỏ tham lam, giận dữ, si mê, chẳng phải chân thật, chẳng phải hư vọng, chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, chẳng phải minh, chẳng phải vô minh, chẳng phải tối tăm, chẳng phải chiếu sáng, không ở trong tâm, không có tánh, tánh vốn là không, có thể hàng phục các ma, chế ngự phiền não, chế ngự năm ấm, chế ngự mười hai nhập, chế ngự mười tám giới, chế ngự về sự giảng nói có năm ấm, giảng nói có mười hai nhập, giảng nói có mười tám giới, chế ngự về sự giảng nói có chúng sinh, giảng nói có người, có tuổi thọ, có mạng sống, thuyết giảng về sự có, giảng giải về sự không, hàng phục tất cả những thứ tà hạnh.

Này Xá-lợi-phất! Ta đã giảng nói Thánh pháp này có thể hàng phục tất cả chúng sinh tham chấp, cho đến nói có các pháp, không tin thích các pháp như thật tướng, trái với pháp của Phật. Vì sao? Này Xá-lợi-phất! Nếu có chúng sinh nói có ngã, có nhân, có chúng sinh, có đoạn diệt, có thường, nói có, nói không, giảng nói các pháp nói về giả danh, nói về biên vực, đều là trái với Phật, là cùng tranh luận với Phật.

Này Xá-lợi-phất! Cho đến đối với pháp dù chỉ một ít tính toán thủ đắc, đều là tranh luận với Phật, người tranh luận với Phật đều đi theo đường tà, chẳng phải là đệ tử của Như Lai. Nếu không phải là đệ tử của Như Lai thì là không thuận hợp với Niết-bàn, là tranh luận với Phật, tranh luận với Pháp, tranh luận với Tăng.

Này Xá-lợi-phất! Những người có kiến chấp như vậy, ta không chấp nhận vào hàng xuất gia thọ giới.

Này Xá-lợi-phất! Những người với kiến chấp như thế ta không thọ nhận lấy một giọt nước uống dùng để nuôi dưỡng thân mình.

Này Xá-lợi-phất! Nếu người trừ bỏ các việc tham chấp bất thiện như thế, thì ở trong giáo pháp của ta xuất gia cầu đạo, không nhớ nghĩ đến Niết-bàn, không lấy Niết-bàn để làm mục đích để nhớ nghĩ, không tham đắm Niết-bàn, đối với pháp không rốt ráo, không hề kinh hãi, không sợ sệt, người này hãy còn đoạn trừ các pháp, cho nên siêng năng tu hành tinh tấn, huống chi là không tham chấp các việc bất thiện như thế, đó là tham chấp về ngã, về chúng sinh, về người, về pháp. Người ấy vì đoạn trừ mọi sự tham chấp nên chỉ siêng năng tu tập pháp Tam-muội vô tướng, đối với Tam-muội vô tướng cũng không nắm giữ tướng, người ấy thông đạt tướng của tất cả các pháp đều là một tướng, đó là vô tướng.

Này Xá-lợi-phất! Tên gọi ấy ở trong giáo pháp của bậc Thánh gọi là Pháp nhãn nhu thuận, đạt được Pháp nhãn nhu thuận rồi mới gọi là đệ tử của Như Lai, có thể nhận lấy sự cúng dường, chẳng uổng với sự thọ nhận này. Vì sao? Này Xá-lợi-phất! Pháp tướng mà ta đã giảng nói là chân thật, không thể hội nhập, không thể thọ lấy, không thể xả bỏ, không thể tham chấp, không thể giảng nói, chấm dứt con đường ngôn ngữ, không vui, không mừng, đoạn trừ tâm tham vui, chẳng phải là các duyên tụ hợp, xa lìa các nhân duyên, không có đường đi để đoạn trừ đường đi, đến không còn đường đi, dứt trừ các ngôn ngữ, luận bàn, âm thanh, không hình, không sắc, không lấy, không chấp giữ, không sử dụng, không thật, không hư, không tối, không sáng, không hoại, không tranh, không hợp, không tan, không chuyển động, không nhớ nghĩ, không có phân biệt, không thể hiện bày, không dơ, không sạch, không danh, không tướng, không có tâm và các pháp của tâm, không có tâm về sự giải thoát. Trong giáo pháp của ta, không có nam, không có nữ, không có Trời, Rồng, Dạxoa, Càn-thát-bà, Cưu-bàn-trà, Tỳ-xá-già, không thường, không đoạn, không ngã, không có chúng sinh, không có nhân, không đến, không đi, không ra, không vào, không có giới luật, không phạm giới, không sạch, không dơ, không có Tam-muội, không định, không định căn, không có thiền, không có thiền căn, không thấy, không biết, không tham chấp, không tranh luận, không có đạo, không có đạo quả, không có trí tuệ, không có tuệ căn, không có sáng và tối, không giải thoát, không trói buộc, không quả không có đắc quả, không có năng lực, không phải là không có năng lực, không có chỗ sợ, không phải là không có chỗ sợ, không có niệm, không có niệm căn, không ngồi, không đi, không có oai nghi, không đây, không kia, không nhớ tưởng, phân biệt, không có Bồ-đề, không có Bồ-đề phần, không có trí, không phải là không có trí, không có đất, nước, gió, lửa, không tội, không phước, không có pháp, không phải là phi pháp, không khổ, không vui, dứt hẳn các gốc rễ của hý luận, xa lìa tất cả khiến không còn các tướng.

Này Xá-lợi-phất! Nói tóm lại, giáo pháp của ta đã nêu bày đều phá trừ tất cả các vọng niệm, tất cả các kiến chấp, tất cả các kết sử, các tăng thượng mạn, không nhớ nghĩ đến tất cả các nơi đã nhớ nghĩ, đoạn trừ tất cả các thứ ngôn ngữ. Ta ở trong pháp này là không thường, không vô thường, không khổ, không vui, không dơ, không sạch, không thường, không đoạn, không ngã, không nhân, không chúng sinh, không tuổi thọ, không mạng sống, không sinh, không diệt. Vì sao? Này Xá-lợi-phất! Như Lai đối với giáo pháp này đều không có chỗ thủ đắc, có chỗ diệt, cho nên gọi là Niết-bàn, cũng không thấy có người đạt được Niết-bàn.

Này Xá-lợi-phất! Đức Phật không nhớ nghĩ về Niết-bàn, cũng không lấy Niết-bàn làm sự nhớ nghĩ, cũng không tham chấp về Niếtbàn, cho nên phải biết đây là pháp đặc biệt hiếm có bậc nhất. Vì thế nên Đức Như Lai giảng nói tất cả các pháp là không sinh, không diệt, vô tướng, vô vi làm cho mọi người tin hiểu càng hiếm có hơn.

 

Trang 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10