SỐ 212
KINH XUẤT DIỆU
Tác giả: Tôn giả Pháp Cứu soạn
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người đất Lương châu
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 10

Phẩm 8: HỌC

Bỏ điều ác thân

Tự sửa việc thân

Người bỏ ác thân

Tu hạnh lành thân.

Bỏ điều ác thân: Tại sao nói là điều ác của thân? Là bên trong tự biết lỗi của mình, nhưng lại đi bới lỗi của kẻ khác, đó là hành vi ác. Khi điều ác tràn đầy bên trong thì sắc mặt sẽ biến khác lạ. Có kẻ dùng tay đánh nhau gây thương tích cho thân hình. Những điều ác ấy đã khiến đời sống bây giờ và mai sau không yên ổn chút nào, rồi hoặc đọa vào ngạ quỷ, súc sinh với hình mạo xấu xí.

Nếu được sinh trở lại trong kiếp người thì tài năng cũng không bằng ai.

Có một Phạm chí lạ bị chó cắn, Phạm chí tức giận thân tâm lẫy lừng, muốn trừng trị con chó dữ cho nó không còn hung hăng nữa. Cha mẹ bảo Phạm chí:

–Nếu con chó cắn Bà-la-môn, thì Bà-la-môn có thể cắn lại con chó không?

Phạm chí thưa cha mẹ là phải trị con chó để nó không còn tự do cắn người. Cha mẹ bảo:

–Con không nghe lời ta dạy, mà muốn làm theo ý mình thì tùy. Lúc ấy Phạm chí này bắt con chó trói lại, lấy cây đánh nó. Lúc đánh chó như vậy xảy ra hai điều đáng tiếc là dây trói làm cho chân chó bị thương và vì quá đau làm chó són phân ra. Chúng sinh này cũng giống như vậy. Chuyện bé xé ra to để chuốc hại vào thân. Chư Phật, Thế Tôn che chở chúng sinh với lòng từ rộng lớn, dạy dỗ chúng sinh không nên tranh chấp với nhau. Nhưng chúng sinh không vâng theo nên họ bị những cơn giận dữ trói buộc. Từ đó sinh ra hai chuyện đáng tiếc là bị các thứ khổ trói buộc, rồi lại trải qua nhiều kiếp chịu khổ trong đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Rồi tuy được sinh lên làm người nhưng thân hình xấu xí. Các khổ não như thế không kể hết được. Vì thế, Đức Thế Tôn nói: “Bỏ điều ác thân”. Bỏ điều ác của thân được công gì? Đáp rằng: Được hai thứ công đức là tiếng khen và gốc lành. Hai công đức đó là:

  1. Nếu ở trên cõi trời, thì được hưởng phước tự nhiên với điện đường bằng bảy chất báu lơ lửng giữa hư không.
  2. Nếu sinh trong loài người thì thân tướng xinh đẹp, khôi ngô, ai thấy cũng vui mừng, đều đến nương tựa, chiêm ngưỡng. Giữa chốn đông đảo được hàng ngàn vạn người, tôn kính phụng thờ, như vầng trăng sang vằng vặc, các sao quy tụ chung quanh. Cho nên nói: Bỏ điều ác thân.

Tự sửa việc thân: Tự sửa việc thân được công đức gì? Được tiếng khen gì? Đáp rằng: Được tiếng khen trong đời này, khi qua đời cũng còn tiếng thơm. Được tiếng khen trong đời này là sao?

Như hiện giờ ta đi đứng qua lại, nếu hàng ngàn muôn người trông thấy thì họ cúng dường. Sau khi chết, thì được sinh lên cõi trời. Tự sửa đổi các hành động của thân còn có công đức gì? Đáp rằng: Bọn tà ma quỷ mị cũng không có dịp làm hại. Do vậy tụng rằng:

Oán thù khắp thế gian

Mong bắt được kẻ thù

Gieo ác trở hại mình

Như rắn tự đầu độc.

Thân là gốc gây ra mọi đau khổ, tâm là đầu mối của mọi tai họa. Vì thế Đức Thế Tôn nói: “Phải tự sửa việc thân”.

Vì sao nói người bỏ ác thân: Nơi hành vi ác hướng đến không phải chân thật. Như Đức Phật đã nói: “Tài sản gian ác, con cái hung dữ, y phục xấu, nơi ở xấu, đất nước ác thì đều gọi là ác”.

Hoặc dựa vào người quen biết mà làm ác. Cho nên Đức Như Lai nói: “Người bỏ ác thân”.

Tu hạnh lành thân: Làm lành có hai việc như đã nói. Của cải tốt, con cái hiền lành, y phục đẹp, chỗ ở tốt, đất nước tốt, thân làm việc lành. Đối với Giáo pháp, Phật, Thánh chúng, cha mẹ, tôn trưởng đều sinh tâm tôn kính, không dám xem thường. Cho nên Phật nói: “Tu hạnh lành thân”.

————–

Giữ lời ác miệng

Tự sửa lời nói

Người bỏ lời ác

Giữ lời làm lành.

Vì sao nói: Giữ lời ác miệng? Bên trong phải tự biết lỗi mình, nhưng lại còn đi bới móc lỗi của kẻ khác, đó là hành vi ác. Nếu giận dữ, miệng thốt lời chửi mắng, vô cớ gây ra lỗi lầm khiến hang ngàn muôn người sinh ác ý với mình, thế mà không tự biết, cũng không tỉnh giác. Về sau mắc quả báo xấu ác, thường sinh tâm giận tức. Kẻ mắng nhiếc kia sau đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, chịu khổ vô lượng. Nếu được sinh lên làm người thì thường bị chê bai, lời nói không ai tin.

Người giữ gìn lời nói, tự được phước báo, được sinh lên cõi trời hưởng vui sướng tự nhiên. Nếu sinh làm người sẽ không nghe những lời nói thô tục. Cho nên nói: Giữ lời ác miệng.

Tự sửa lời nói: Được công đức gì? Đáp rằng: Được hàng ngàn muôn người khen ngợi, họ truyền tụng với nhau rằng người này lương thiện, lời nói, việc làm ăn khớp nhau, không nói lời thô ác.

Không tìm lỗi xấu của người khác, không chê bai lỗi người. Lời nói nghiêm nghị, không nói thêm. Cho nên nói: Tự sửa lời nói.

Người bỏ lời ác: Có hai ý nghĩa: hoặc im lặng như Hiền thánh, hoặc nói đúng theo chánh pháp, đúng theo chánh nghĩa. Hễ muốn nói ra lời gì thì trước phải tự xét. Lời nói gây hại cho thân, không phải chỉ riêng một người nào. Nếu thốt ra lời thô tục sẽ bị người chán ghét, đi đứng tới lui, không ai kính nể. Cho nên nói: Người bỏ lời ác.

Giữ lời làm lành: Những người tu theo hạnh lành có long thương người, nói năng hòa nhã, dịu dàng, không gây tổn thương tâm ý kẻ khác, nên được mọi người thương mến, tưởng nhớ, cho nên nói: Giữ lời làm lành.

—————–

Giữ ý nghĩ ác

Tự giữ ý nghĩ

Người bỏ nghĩ ác

Giữ ý làm lành.

Giữ ý nghĩ ác: Trong ba hành thì ý hành đứng đầu. Trong khoảng một niệm của ý có thể làm cho thành quách, xóm làng thành nơi hoang dã. Như trong kinh chép, Đức Phật nói:

–Thế nào cư sĩ, ông có nghe nói lưu sa không dã, tùy Sa-môn không dã, nhàn tĩnh không dã chăng?

Trưởng giả bạch Phật:

–Con có nghe lưu sa không dã, tùy Sa-môn không dã, nhàn tĩnh không dã.

Đức Phật bảo cư sĩ:

–Thế nào cư sĩ, ai đã tạo ra lưu sa không dã, tùy Sa-môn không dã này?

Trưởng giả bạch Phật:

–Đều do ý niệm ác của thần tiên, dùng chú thuật tạo ra lưu sa không dã, tùy Sa-môn không dã này. Như kinh Tu Hành chép:

“Mười chín người tu hành chánh hạnh, chỉ có một người không chịu ở nơi vắng vẻ và khẩu nghiệp và tâm người ấy xấu ác, người giữ hành không cho người ấy ở chỗ đồng trống vắng vẻ.”

Đức Phật liền bảo ông:

–Ông có tâm ác, cứ nghĩ đến điều bất thiện. Vậy nên ở trong nhân gian đọc tụng kinh sách, làm việc giúp chúng, giữ gìn tâm ý tán loạn thì rồi cũng chứng đạo quả. Dù ở nơi vắng vẻ muốn làm cho ý vắng lặng thì ý nghĩ mới tán loạn, sinh ra hành vi bất thiện, tự đưa đến diệt vong, không đến được con đường lành. Người không giữ ý, chỉ tùy theo ý mà gây ra lỗi thì đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Giả sử được sinh lên làm người, thì sẽ sống ở chỗ thấp kém, bị mọi người ghét bỏ, ai thấy cũng không vui. Người giữ được tâm ý mình, nếu sinh lên cõi trời sẽ được thọ hưởng giường bằng vàng tự nhiên, ghế ngọc, điện đường bằng bảy thứ báu. Nếu sinh lên làm người thì sẽ được mọi người kính yêu.

Cho nên nói: Giữ ý nghĩ ác.

Tự giữ ý nghĩ: Ý thức rong ruổi thật khó ngăn cấm. Từ ý thức phát sinh ra niệm rồi thành ra việc. Khi thân gặp điều nguy hại thì mọi việc làm tốt đẹp bị lui sụt. Việc tu chứng lui sụt, do đó chuyển xuống phàm phu. Cho nên nói: Tự giữ ý nghĩ.

Người bỏ nghĩ ác thì phải dừng tâm lăng xăng, vắng lặng, không sinh tâm đắm mê, giữ tâm làm đúng, giữ ý chuyên nhất. Cho nên nói: Tự giữ ý nghĩ.

Giữ ý làm lành: Ý nghĩ việc lành, thân tu chánh pháp, miệng nói giáo nghĩa. Hai việc từ ý, cho đến vô vi. Cho nên, nói: Giữ ý làm lành.

——————-

Thân bỏ việc ác

Miệng bỏ lời ác

Ý bỏ nghĩ ác

Và các nhơ bẩn.

Thân bỏ việc ác: Bỏ việc làm ác của thân, dứt hẳn không còn sót lại chút nào. Cho nên nói: Thân bỏ việc ác.

Miệng bỏ lời ác: Khi miệng nói ra không phơi bày việc ác,cũng không rêu rao việc ác, cho nên nói: Miệng bỏ lời ác.

Ý bỏ nghĩ ác: Ý không nghĩ đến mọi điều ác, không sinh tâm làm hại chúng sinh, cho nên nói: Ý bỏ nghĩ ác.

Và các nhơ bẩn: Ý thức duyên theo với các pháp bất thiện bên ngoài thì chẳng những không có lợi cho mình mà cũng không có lợi cho kẻ khác. Phải làm cho nó dứt hẳn, không để phát sinh, cho nên nói: Và các nhơ bẩn.

—————–

Thân làm việc lành

Miệng nói lời lành

Ý nghĩ điều lành

Vô dục, lậu hết.

Thân làm việc lành: Thân không làm việc ác. Thân có ba việc là không giết hại, không trộm cắp, không dâm dật. Tu ba nghiệp này, sửa đổi hành vi của thân để cúng dường Phật, Pháp và chúng Tăng. Quét dọn, tu bổ những tháp cũ sụp lở, cho nên nói:

Thân làm việc lành.

Miệng nói lời lành: Miệng có bốn lỗi là: không nói dối, không nói lời thô lỗ, không làm cho đôi bên tranh chấp và không thêu dệt. Khen ngợi công đức Phật, khen ngợi Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Chăm sóc cha mẹ, thầy bạn, bậc trưởng lão. Cho nên nói:

Miệng nói lời lành.

Ý nghĩ điều lành: Ý có ba lỗi: không ganh ghét, giận dữ, tà kiến. Chỉ làm phát sinh các công đức lành, không điên đảo chạy theo tà kiến, cho nên nói: Ý nghĩ điều lành.

Vô dục, lậu hết: Người không còn dục thì tâm lượng của họ rộng lớn vô hạn. Lậu hết là các ấm ái trì nhập không còn phát sinh, không còn khởi lên được nữa, cho nên nói: Vô dục, lậu hết.

——————-

Thân làm việc lành

Miệng, ý cũng vậy

Hiện tại, đời sau

Mãi sinh chỗ lành.

Thân làm việc lành: Hỏi rằng: Như trên thân đã làm việc lành còn thiếu sót điều gì sao ở đây lặp lại nữa? Đáp rằng: Những người được Như Lai giáo hóa, họ thọ giáo đã nhiều, có những người còn muốn nghe rộng thêm ý nghĩa của nó. Có người lại thích nghe nói đơn giản chỗ cốt yếu. Khái lược về chỗ cốt yếu là nêu lên đại khái nỗi khổ của thâm năm ấm này. Nếu muốn nghe rộng về nghĩa này thì phải phân biệt rõ hành động của thân, miệng, ý. Mỗi thứ đều phải theo thứ lớp giải thích nghiệm chứng theo từng loại.

Lại có người vừa muốn nghe Đức Phật nói rộng, vừa muốn nghe nói tóm tắt. Cho nên Như Lai giảng rộng bài kệ này như đã nói là:

Thân làm việc lành, đó là nói rộng. Câu: Miệng và ý cũng thế là nói tắt.

Như Lai quán xét ý chúng sinh ưa thích điều gì mà Ngài nói nghĩa ấy giúp họ được ân giáo hóa, đồng thời Ngài cũng muốn cho nguyện vọng của họ được đầy đủ. Các hạnh lành làm lợi ích chúng sinh, thường được thành tựu, nên nói: Thân làm việc lành, miệng, ý cũng thế. Từ đời này cho đến đời sau, mãi mãi được phước vui không cùng, mãi mãi sinh vào chỗ lành, được phước có hai: Phước thế tục và phước vô lậu. Cho nên nói: Mãi sinh chỗ lành.

—————–

Nhân từ không giết

Thường giữ gìn thân

Chỗ ấy bất tử

Thảnh thơi không lo.

Nhân từ không giết: Không bao giờ giết hại và gây phiền muộn cho chúng sinh. Không cướp đoạt tài sản kẻ khác, không xâm phạm vợ kẻ khác. Cái gọi là lòng nhân chính là thực hiện các điều lành của bậc Thánh hiền. Cho nên nói: Nhân từ không giết.

Thường giữ gìn thân: Đêm ngày cẩn thận, chế ngự mọi hành động, của thân như giữ gìn chiếc bình đẹp. Thà chịu mất mạng, chịu bị chết chém, chứ không bao giờ dựa vào thân mạng này mà gây ra những việc không tốt.

Thuở xưa, có gia đình thuộc giai cấp Chiên-đà-lợi sinh được bảy người con trai, sáu người anh đều chứng quả Tu-đà-hoàn.

Người con út vẫn còn là phàm phu. Bà mẹ của những người Chiên-đà-lợi này đã chứng quả A-na-hàm. Bảy anh em đều thọ năm giới, làm đệ tử Phật. Pháp luật nước ấy theo phong tục cũ, việc làm cốt yếu của hạng Chiên-đà-lợi là giết người. Nếu trong nước có người nam người nữ nào phạm tội giết người, dâm dật, trộm cắp và các tội nặng khác thì đều giao cho hạng Chiên-đà-lợi này giết chết.

Lúc bấy giờ, vua nước này cho gọi người con lớn đến bảo rằng:

–Hôm nay có người đáng phải tội chết, ngươi hãy đem giết.

Anh này đến trước vua tha thiết trình bày:

–Xin đại vương hãy rộng lòng tha thứ, tôi đã thọ năm giới cấm và làm đệ tử Phật, không dám làm việc giết hại. Tôi luôn giữ mình cẩn thận, không dám nghĩ đến việc quấy, tôi thà chịu chết chứ không phạm giới, dù sát hại loài trùng kiến đi nữa.

Nghe vậy, vua bừng bừng tức giận, bảo anh ta:

–Ngươi là dân, còn ta là vua, tại sao không nghe lời ta dạy mà đi nghe lời phù phiếm của Phật?

Vua liền ra lệnh cho các quan:

–Hãy mau đem tên này ra chợ giết.

Anh này lại tâu với vua:

–Thân tôi là dân của vua, còn tâm tôi là vật của riêng tôi, nên nếu vua muốn giết thì cứ giết.

Vua liền bảo đem ra chợ giết bằng cách bêu đầu. Vua hỏi các quan:

–Ngoài kẻ đáng chết kia còn ai nữa không?

Các quan thưa rằng:

–Y còn sáu đứa em cũng cứng đầu như vậy.

Vua ra lệnh cho các quan lần lượt gọi sáu người kia đến và ra lệnh giết chết. Người kế tâu rằng:

–Tôi thọ năm giới, là đệ tử Phật, không dám làm việc giết hại.

Nghe vậy, vua liền nổi giận, lại sai đem anh này đi giết! Lần lượt như thế, sáu anh em đều bị đòi đến và ai cũng tâu vua rằng mình thọ giới nên không dám làm việc giết hại. Vua càng giận dữ hơn, đều bảo đem giết hết. Sau cùng, vua cho gọi đứa con út thì cả hai mẹ con cùng đến. Thấy người mẹ này đến, vua càng giận dữ hơn, bèn hỏi:

–Sáu gã kia chết sao bà không đưa chúng đến, nay tại sao đến phiên thằng út thì bà lại đưa đến?

Bà mẹ tâu vua:

–Xin ngài cho phép để tôi trình bày chút lý do. Sáu đứa trước đều đã chứng quả Tu-đà-hoàn cả rồi, nên cho dù vua nghiền than chúng ra như bụi, chúng cũng không bao giờ sinh khởi niệm ác dù nhỏ như đầu sợi lông, sợi tóc. Hôm nay, thằng út này vẫn còn là phàm phu. Dù nó đã tu thiện nhưng thân nó chưa thấm nhuần đạo pháp. Vì tôi nghĩ nó chưa được đạo, có thể mất hồn sợ bị vua giết, tự tiếc thân mạng, phạm giới làm việc giết hại, cho nên tôi mới đưa nó đến đây, nó sẽ phá giới tùy theo lệnh vua phán ra, nếu không có lòng nhân mà làm việc giết hại thì sau khi chết, nó sẽ bị đọa vào địa ngục Thái sơn. Cũng vì thương con nên tôi đưa nó đến đây.

Vua lại hỏi bà mẹ:

–Sáu đứa con của bà đã chết đều chứng quả Tu-đà-hoàn phải không?

Đáp rằng:

–Thưa vâng.

Vua lại hỏi tiếp:

–Còn bà đã chứng được quả gì?

Đáp rằng:

–Tôi đã chứng quả A-na-hàm.

Vua nghe lời ấy liền té xỉu dưới đất. Các quan đỡ vua dậy, lấy nước rẩy cho vua tỉnh lại, vua tự oán trách mình: “Ta đã gây ra vô lượng tội lỗi, đã mặc tình cố ý giết hại sáu vị Tu-đà-hoàn. Giờ đây thân tâm nóng bức không yên.” Rồi vua dùng dầu thơm, củi tươi thiêu sáu xác kia, xây sáu ngôi tháp, cung kính cúng dường, sám hối ba ngày, mong tội lỗi kia dần dần vơi bớt. Vua lại cho người đem tài vật cấp cho bà mẹ kia. Đến những ngày trai, vua thường lạy sám hối, mong được nhẹ tội khỏi đọa địa ngục, cho nên nói: Thường giữ gìn thân.

Bậc Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán giữ gìn giới cấm không chút thiếu sót, còn hàng phàm phu tuy giữ giới, nhưng tâm lăng xăng không thể thường định, cho nên nói: Thường giữ gìn thân.

Chỗ ấy bất tử: Người đã chứng quả, bỏ thân người nam, trở lại được thân người nam, bỏ thân Hiền thánh trở lại được thân Hiền thánh, không bao giờ còn mang nỗi lo sợ đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Người chứng quả A-na-hàm thì sinh lên cõi trời, không còn trở lại thế gian. Bậc A-la-hán, dập tắt hẳn mọi sầu não, mọi vướng bận đều dứt hết, chứng nhập cảnh vô vi, an nhiên vắng lặng. Cho nên nói: Chỗ ấy bất tử.

Thảnh thơi không lo: Sống trong cảnh vô vi, hoàn toàn không còn phiền não, cũng không còn sầu lo khổ não, cũng không còn nỗi luyến tiếc khi chết đi, cho nên nói: Thảnh thơi, không lo.

—————

Không giết vì nhân

Thường giữ lời nói

Chỗ ấy bất tử

Thảnh thơi, không lo.

Không giết vì nhân: Không bao giờ nghe kẻ khác xúc xiểm bậy mà khởi tâm giết hại, cho nên nói: Không giết vì nhân.

Thường giữ lời nói: Nếu bị mắng nhiếc với lời tục thô bỉ, ác độc vẫn coi đó là trống không, tiếng vang vô hình. Như bậc Hiền thánh, không bao giờ giận dữ. Nếu có giận dữ đi nữa thì đó cũng chỉ là tạm thời phải làm như vậy, chứ không có giận thật. Hay trong tâm ta có giận nhưng không phát ra lời nói và lỡ có nói ra thì phải hết lòng hổ thẹn, cho nên nói: Thường giữ lời nói. Cho nên nói rằng: Thường giữ lời nói, chỗ ấy bất tử, thảnh thơi, không lo.

——————

Không giết vì nhân

Thường thận trọng ý

Chỗ ấy bất tử

Thảnh thơi, không lo.

Người đã được hướng thì dù gặp trăm ngàn khổ não, thân rơi xuống vực thẳm sóng cuồn cuộn, hay rơi vào hố lửa đỏ rực đi nữa, cũng không hề sợ hãi làm cho tâm bị thay đổi. Ngày đêm điều phục tâm mình, không để nó buông lung. Như chiến thắng được kẻ thù, kẻ thù đã bị giết chết mà còn gia hại thêm. Người đã được hướng thì tâm đã dứt bỏ kết sử, nhưng oán thù chưa hết, lại phải suy nghĩ. Người tu hành kia quán tâm thành bại, nơi năm ấm sẽ đến, dời tâm hữu lậu đến cảnh vô lậu. Hiểu rõ lý vô thường, khổ, không, vô ngã, mà đạt được vô lậu, giữ gìn không cho mất. Vì sao?

Người tu hành kia thường nghĩ rằng: “Từ nhiều kiếp đến nay, ta bị đắm nhiễm trong vòng sinh tử, trôi lăn trong cõi đao kiếm. Thường tu tâm này thì không có đầu mối để gây ra tội lỗi. Bị ý thức sai khiến như người sai khiến kẻ giúp việc. Ngày nay, ta đã điều phục được tâm thức, phải gắng sức giữ gìn, không cho buông lung”. Cho nên nói: Không giết vì nhân, thường thận trọng ý, chỗ ấy bất tử, thảnh thơi, không lo.

—————–

Giữ thân là mạnh mẽ

Giữ miệng cũng như thế

Giữ ý là mạnh mẽ

Tất cả kết cũng thế

Chỗ ấy gọi bất tử

Thảnh thơi, không lo sợ.

Nói về mạnh mẽ thì đó là hiểu biết sâu rộng những việc xưa nay với tài cao, đức sáng, có đủ mọi kỹ thuật, tương ưng với trí, dứt bỏ các pháp ác. Thân đã tu hành thì không sống với tham dục, cho nên nói: Giữ thân là mạnh mẽ.

Giữ miệng cũng như thế: trước khi nói, phải tươi cười rồi mới nói, làm vậy, sẽ không làm mất lòng người. Cho nên nói: Giữ miệng cũng như thế.

Giữ ý là mạnh mẽ: Tâm ý đã được điều hòa, không còn nghĩ đến việc ác. Cho nên nói: Giữ ý là mạnh mẽ.

Tất cả kết cũng thế: Hỏi rằng: đã cẩn thận với ba việc của thân, miệng, ý rồi, còn chỗ nào thiếu sót mà lại nói: Tất cả kết cũng thế? Đáp rằng: Như đã nói, trong việc qua lại tới lui, gặp việc cần phải làm thêm, việc nên làm mà không làm. Tất cả việc ấy đều là chuyện phải làm của thân, nhưng còn thiếu sót chưa làm. Vì thế người tu hành phải làm cho đủ các việc ấy. Cho nên nói: Giữ thân là mạnh mẽ. Còn những việc khác của miệng thì nên làm theo giới luật của bậc Thánh hiền, là không tập nói giọng nam, giọng nữ. Tất cả các âm thanh ấy đều không nên luyện tập. Đó gọi là những việc làm khác của miệng. Sao gọi là những việc khác của ý, để tạo nhân duyên cho sự thọ sinh? Đó là những việc khác của ý.

Người giữ hạnh kia thấy được những việc như vậy. Các việc khác của thân, miệng, ý đều đầy đủ. Cho nên nói: Tất cả kết cũng thế.

Chỗ ấy gọi bất tử: Niết-bàn vắng lặng, dứt hết ý niệm, không còn tới, lui, sinh, diệt, đầu, cuối. Cho nên nói: Chỗ ấy gọi bất tử.

Thảnh thơi, không lo sợ: Sở dĩ nói có lo là do nghĩ đến các thứ áo mặc, cơm ăn, giường gối, đồ ngồi, bệnh tật, thuốc thang, tôi tớ, voi, ngựa, xe cộ, đất nước, tài sản, vợ con, tất cả các thứ ấy phát sinh ra lo. Không có nó là không còn lo sợ gì nữa. Cho nên nói: thảnh thơi, không lo sợ.

——————

Giữ thân cho thật tốt

Giữ miệng cũng như thế

Giữ ý cho thật tốt

Giữ tất cả cũng thế

Tỳ-kheo giữ tất cả

Thì dứt được nguồn khổ.

Giữ thân cho thật tốt: Hết lòng giữ gìn thân thì các trời, người đời khen ngợi công đức ấy. Tám bộ chúng Trời, Rồng, Quỷ thần đều khen ngợi công đức ấy, đêm ngày còn khuyến tấn, giúp đỡ cho thành tựu trọn vẹn, cho nên nói: Giữ thân cho thật tốt.

Giữ miệng cũng như thế: Nếu có người làm những việc sai trái, tệ ác, bị người mắng nhiếc, chê bai, nhưng cứ giữ tâm giữ miệng, không đáp lại thì các trời, người đời đều khen ngợi, cho nên nói: Giữ miệng cũng như thế.

Giữ ý cho thật tốt: Nếu bị kẻ khác lấy gậy gộc đánh đập, than thể, lại bị mắng nhiếc, thì người giữ hạnh kia cũng phải giữ tâm cho thanh tịnh, không khởi tâm giận dữ. Các trời, người đời, đều khen ngợi, cho nên nói: Giữ ý cho thật tốt.

Giữ tất cả cũng thế: Đối với các hạnh ngoài thân, miệng, ý đều giữ gìn cẩn thận. Cho nên nói: Giữ tất cả cũng thế.

Tỳ-kheo giữ tất cả: Thầy Tỳ-kheo giữ hạnh ngoài việc giữ gìn thân, ý và các hạnh còn lại khác, thì còn phải giữ oai nghi, lễ tiết đầy đủ, cho nên nói: Tỳ-kheo giữ tất cả.

Thì dứt được nguồn khổ: Đã giữ đầy đủ các hạnh trên thì làm sao rơi vào đường ác được? Vì giữ đủ các hạnh là đã cắt đứt con đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, dứt bỏ hết mọi nỗi đau khổ trong cõi người, cho nên nói: Thì dứt được nguồn khổ.

——————-

Giữ miệng ý thanh tịnh

Thân không làm điều ác

Ba nghiệp đã thanh tịnh

Là được đạo Tiên nhân.

Giữ miệng ý thanh tịnh: Trong ba điều bại hoại thì bại hoại về tuổi thọ, bại hoại về kiếp sống, bại hoại về kết sử, được gọi là ba thứ bại hoại. Khi Đức Thích-ca Văn Phật ra đời, người trong đời trược ác này chỉ sống được trăm tuổi. Nó còn lôi kéo các đệ tử không giữ gìn lời nói, gây nhiều lỗi lầm, trái phạm giới cấm. Khi Phật còn ở đời mà giới cấm đã bị hủy phá, huống gì ngàn năm sau, giới luật còn tồn tại hay chăng? Trong kinh Phật nói: Ngàn năm sau, khi chánh pháp sắp hoại diệt, thì có bảy việc nhơ uế xảy ra trên thế gian. Bảy việc ấy là:

  1. Có người giữ giới được trăm năm, thì bị người xấu phá hoại trong giây lát.
  2. Người thực hiện tâm Từ bi lâu dài, bị cơn giận dữ nổi lên phá hoại trong giây lát.
  3. Oai nghi lao chao không thể sống theo Phật dạy.
  4. Tranh hơn thua, phải quấy với nhau.
  5. Trong cõi nước, thôn xóm xảy ra tranh chấp kia đây, từ nơi này đến nơi khác.
  6. Do tham đắm lợi dưỡng mà gây ra nhiều tật bệnh.
  7. Từ phàm phu cho đến bậc A-la-hán, đều bị hủy nhục mà qua đời. Sở dĩ bị hủy báng đều bởi không biết giữ miệng mà ra.

Tôn giả Mãn Túc A-la-hán nói:

–Vì muốn giáo hóa ngạ quỷ mà ta phải đến nơi chúng ở.

Ngài trông thấy một ngạ quỷ hình thù xấu xí, ai thấy cũng đều phát sợ, nổi ốc khắp mình. Thân nó phát ra lửa như một đám cháy to, miệng tuôn ra giòi tửa, máu mủ chảy ròng ròng, mùi hôi thối bốc lên, không ai dám tới gần. Có lúc, lửa trong miệng nó phun ra dài đến mấy mươi trượng. Có ngạ quỷ từ thân thể nó, đến tai, mắt, mũi, tứ chi đều bốc lửa ra đến mấy mươi trượng. Môi nó vảnh lên như môi heo rừng. Thân nó mỗi bề một do-tuần, hai tay tự cào cấu, thân mình, kêu gào than khóc chạy tứ tung.

Lúc ấy Tôn giả Mãn Túc hỏi:

–Đời trước ngươi đã gây ra những tội gì mà ngày nay phải chịu nỗi khổ này?

Quỷ đáp:

–Thuở xưa, khi còn ở đời, tôi xuất gia làm Sa-môn mà còn quyến luyến nhà cửa, tham tiếc không bỏ, thân giữ oai nghi mà miệng buông lời độc ác bẩn thỉu. Hễ thấy thầy Tỳ-kheo nào giữ giới tinh tấn là tôi liền mắng nhiếc, làm nhục, hoặc trề môi chọc ghẹo, hay liếc mắt nhìn khi dễ, hoặc việc phải cho là quấy, việc quấy cho là phải. Tự cậy mình thuộc dòng quý tộc, cho rằng không bao giờ chết, tạo ra vô lượng gốc rễ bất thiện. Thà dao bén cắt lưỡi mình và cam tâm chịu đựng nỗi khổ như vậy từ kiếp này sang kiếp khác, chớ không được phỉ báng thầy Tỳ-kheo tinh tấn, dù chỉ trong một ngày. Nếu khi Tôn giả trở lại cõi Diêm-phù-lợi xin đem hình trạng của tôi để răn nhắc các thầy Tỳ-kheo, khéo giữ gìn khẩu nghiệp, chớ nói lời bừa bãi. Nếu gặp thầy Tỳ-kheo giữ giới thanh tịnh phạm hạnh, thì phải nghĩ đến việc khen ngợi công đức ấy. Tôi từ khi chịu cực hình ngạ quỷ đến nay, đã mấy trăm năm, mấy ngàn năm, mấy muôn năm, mấy trăm ngàn muôn năm chịu khổ như vầy, cứ thế mà chịu khổ. Sau khi chết, tôi sẽ đọa vào địa ngục.

Nói xong, ngạ quỷ này kêu gào té lăn xuống đất, như ngọn Thái sơn sụp đổ, trời long đất lở. Đó là do tội lỗi của miệng mà phải chịu như thế. Người khéo giữ lỗi của miệng thì được phước vô cùng. Đức Như Lai Ca-diếp xuất hiện ở đời, nói pháp giáo hóa xong, Ngài nhập vào cảnh giới Niết-bàn vô dư. Sau khi Ngài Ca-diếp nhập diệt thì có một vị Tỳ-kheo thông suốt ba tạng tên là Hoàng Nhan. Đại chúng xin thầy chỉ dạy cho kẻ hậu học những pháp nhiệm mầu, chớ nên dạy các pháp khác. Lúc ấy thầy Hoàng Nhan này khinh miệt những lời kia, không nghe yêu cầu của Tăng chúng. Liền đó, khi giảng giải cho kẻ hậu học kinh điển, thầy gọi những người học là: “Hãy mau lên đây đồ voi!”. Rồi đến người thứ hai, thầy gọi là đồ ngựa. Lại gọi người kế là đồ lạc đà, đồ lừa, đồ heo, đồ dê đực, dê thiến, kế đó gọi là đồ sư tử, cọp, chim chóc, gấu. Gọi bằng tên các loại thú như vậy, nhiều không kể xiết. Tam tạng Hoàng Nhan phát ra vô số lời ác như vậy, nên dù có dạy trao nghĩa kinh nhưng không thể tránh khỏi tội. Sau khi chết đọa vào địa ngục, trong mấy ngàn muôn kiếp chịu vô lượng khổ. Vì tội còn sót nên ra khỏi địa ngục thì sinh vào biển cả làm cá, một thân trăm đầu, thân thể rất lớn. Các loài cá khác, thấy nó đều lội chỗ khác.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn thấy rất nhiều Tỳ-kheo cãi vã phải quấy với nhau, không giữ gìn lời nói, có vị dùng lời thô bỉ để chọc giận, có vị nói lời dường như đùa giỡn để gợi lại việc oán thù cũ, hoặc có vị ỷ mình khôn lanh khinh thường kẻ khác, làm cho họ không còn tin phục, có vị nói những điều thấp hèn nhằm gây hiềm khích nhau. Đức Thế Tôn thấy các Tỳ-kheo ấy nói nhiều lời châm chích nhau như vậy, sợ họ sẽ đọa vào tội lỗi, nên Ngài liền dung thần thông đem các Tỳ-kheo này đến bờ biển để họ trông thấy con cá to có trăm đầu kia, nhằm dạy cho Tỳ-kheo biết ăn năn, sửa lỗi.

Đức Thế Tôn hỏi con cá ấy:

–Ngươi có phải là Hoàng Nhan không?

Con cá thưa:

–Con chính là Hoàng Nhan.

Hỏi ba lần con cá đều xác nhận mình là Hoàng Nhan. Lúc ấy các Tỳ-kheo liền đến trước Phật quỳ xuống bạch:

–Bạch Thế Tôn, chúng con chưa biết vì lý do gì mà qua mấy lần Phật hỏi, con thú này đều xác nhận mình chính là Hoàng Nhan.

Cúi xin Đức Thế Tôn giải thích rõ về lý do ấy, để những ai chưa biết được biết rõ. Như Lai thông đạt ba pháp nên không có điều gì

Ngài không quán sát tường tận, kể cả việc quá khứ, tương lai, hiện tại, Ngài đều biết rõ. Nếu có người đến gạn hỏi pháp nghĩa thì

Ngài sẽ giải thích ngay để dứt trừ mọi ngờ vực.

Lúc ấy Đức Thế Tôn bèn nói rõ câu chuyện liên quan của ngày xưa cho các Tỳ-kheo nghe:

–Thuở xưa, vô số kiếp trước, lúc đó, người ta sống hai vạn tuổi.

Lúc ấy, có Đức Phật ra đời hiệu là Ca-diếp Như Lai, là Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác, đủ mười hiệu. Ngài nói pháp giáo hóa sâu rộng không bến bờ. Giáo hóa xong xuôi, Ngài nhập Niết-bàn. Sau khi Ngài nhập Niết-bàn, có vị Tỳ-kheo thông hiểu ba tạng tên là Hoàng Nhan. Đại chúng xin thầy chỉ dạy cho kẻ hậu học những pháp nhiệm mầu, chớ dạy các pháp khác. Nhưng với tâm tự đại, thầy Tỳ-kheo này khinh miệt mọi người và không nghe lời khuyên của Tăng chúng. Rồi sau đó, khi giảng dạy kinh điển cho người hậu học, thầy gọi những người này với tên của nhiều loại thú vật. Dù giảng kinh, nhưng thầy không khỏi tội. Sau khi chết bị đọa vào địa ngục, chịu khổ vô lượng trải qua mấy ngàn muôn kiếp. Vì tội còn dư thừa chưa hết, nên sau khi ra khỏi địa ngục, thì sinh vào biển cả làm cá, một thân trăm đầu. Cho nên, Tỳ-kheo phải siêng năng giữ gìn lời nói.

Lời nói phải ôn hòa, nhã nhặn, chớ nói lời thô tục. Các thầy hãy nhìn xem con cá kia, cũng bởi lời nói ác mà gánh chịu tội lỗi như thế đó.

Lúc ấy các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, lại tận mắt thấy con cá khổ nọ, nên các thầy thêm phát vững vàng tâm đạo, tự ăn năn sửa đổi những thói quen cũ, nhớ đến mối đại họa của lời nói ác.

Người giữ tâm và miệng thì không nói ra lời ác. Cho nên nói: Giữ miệng ý thanh tịnh.

 không làm điều ác: Nếu thân làm điều ác thì không được chư Phật, Thế Tôn khen ngợi. Nếu sinh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh thì chịu khổ không kể xiết. Nếu thân làm việc lành, làm các công đức thì được chư Phật, Thế Tôn khen ngợi. Nếu sinh lên cõi trời thì được hưởng phước báo tự nhiên. Nếu dứt bỏ các khổ thì nhập Niết-bàn vô dư. Cho nên nói: Thân không làm điều ác.

Ba nghiệp này thanh tịnh: Việc làm của thân, lời nói của miệng, sự suy nghĩ của ý đều thanh tịnh thì được quả báo gì? Đáp rằng: Được tám bộ chúng Trời, Rồng, Quỷ thần tôn kính phụng thờ, mau đến Niết-bàn vắng lặng, không bị lôi cuốn vào đời sống phàm phu. Là được đạo Tiên nhân; Tiên nhân chỉ cho chư Phật, Thế Tôn.

Ngôn giáo giảng nói một lời, một câu, nghĩa bậc thượng, trung, hạ đều đến với đạo. Cho nên nói: Ba nghiệp này thanh tịnh là được đạo Tiên nhân.