SỐ 165
PHẬT NÓI KINH NHÂN DUYÊN CỦA VUA ĐẢNH SINH
Hán dịch: Đời Tống, Sa-môn Thí Hộ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 1

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật Thế Tôn ở tại khu lâm viên Kỳ-đà, cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Vua nước Kiều-tát-la là Thắng Quân đi đến chỗ Đức Phật. Đến nơi, nhà vua cung kính đảnh lễ ngang chân Đức Thế Tôn, rồi lui ra ngồi qua một bên bạch Phật:

-Bạch Đức Thế Tôn, xưa kia khi dốc cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Ngài đã thực hành bố thí và làm các việc thiện, phước như thế nào?

Đức Phật dạy:

-Đại vương, đó là sự việc của thời quá khứ lâu xa. Như Lai nhớ trong Hiền kiếp khi tu hạnh bố thí để cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, với nhân duyên của việc này, nay đại vương hãy lắng nghe và khéo nhớ nghĩ, Ta sẽ vì đại vương mà giảng nói.

-Đại vương, vào thời sơ kiếp, con người thọ vô lượng tuổi, bấy giờ có vua tên Bố-sa-đà. Trên đảnh của nhà vua bỗng nhiên sinh ra một cục thịt, giống như vết phỏng phồng lên và mềm như Đâu-la- miền, lại như tơ mịn cũng không cảm thấy đau đớn. Đến lúc cục thịt ấy đã chín muồi, tự nhiên bung ra sinh một đứa bé có tướng mạo vô cùng đoan nghiêm, tươi đẹp, thân như vàng ròng, trên đầu có tóc xoáy tròn giống như chiếc lọng, hai tay thẳng dài, trán rộng, phẳng, lông mi dài cong, mũi cao mà thẳng, thân thể cân phân đầy đặn, có ba mươi hai tướng Đại trượng phu trang nghiêm nơi thân. Đứa bé sinh ra rồi được đưa vào trong cung. Nhà vua có sáu vạn cung nữ quyến thuộc, họ trông thấy đứa bé này thì sữa tự chảy đầy, mỗi người đều nói:

-Tôi xin lo việc nuôi dưỡng thái tử!

Do đó đặt tên là Ngã Dưỡng. Hoặc có người nói thái tử từ nơi đảnh sinh ra nên gọi là Đảnh Sinh. Do đấy mới gọi thái tử là Đảnh Sinh, hoặc hiệu là Ngã Dưỡng.

Khi thái tử Đảnh Sinh còn bé, vui vẻ chơi đùa trải qua thời gian sáu đời Đế Thích, đến thời gian làm thái tử cũng trải qua sáu đời Đế Thích. Một hôm, thái tử ra khỏi hoàng cung, lần lượt dạo xem khấp phố phường, dân chúng, cho đến lúc vua Bố-sa-đà bỗng nhiên ngã bệnh, cận thần dâng đủ các thứ thuốc quý để trị liệu, tuy mọi người đều hết lòng lo lắng nhưng bệnh của nhà vua vẫn không thuyên giảm. Nhà vua ra lệnh cho các quan hầu cận:

-Các khanh hãy mau trao pháp quán đảnh của vua cho thái tử. Cận thần tuân lệnh, sai người đến chỗ thái tử và thưa:

-Phụ vương lâm bệnh rất nặng, bao nhiêu thuốc thang đều không thuyên giảm. Ngài lệnh cho tôi gọi thái tử ngay bây giờ nên trở về nhanh để nhận pháp quán đảnh của vua.

Sứ thần đi nửa đường thì vua Bố-sa-đà đã tạ thế. Khi ấy, quan hầu cận lại sai người chạy theo tiếp đến chỗ thái tử thưa:

-Phụ vương đã qua đời, thái tử hãy mau đến nhận pháp quán đảnh của vua.

Thái tử Đảnh Sinh suy nghĩ: “Phụ vương đã qua đời, ta có vọi vã về cũng đâu kịp!” Lúc ấy, các đại thần cùng bàn với nhau, rồi cử một đại thần cận vệ đi đến chỗ thái tử tâu:

-Xin Thái tử mau về nhận pháp quán đảnh của vua.

Thái tử đáp:

-Nếu ta có thể tiếp nối vương vị dùng chánh pháp trị nước tất tá sẽ nhận pháp quán đảnh.

Cận thần lại tâu:

-Thái tử là người nhận pháp quán đảnh.

Họ bàn thảo với nhiều phương thức:

-Chúng ta nên thiết lập tòa sư tử báu và mão báu, lọng thêu, vẽ… chuẩn bị thế nào cho đầy đủ những thứ cần dùng vào pháp lễ, lại họp nhau trong thành vua để thực hiện lễ quán đảnh. Vì thế thái tử sẽ đến trong cung để nhận pháp ấy.

Thái tử đáp:

-Nếu ta có thể nôi vương vị theo đúng chánh pháp thì tất cả những vật cần dùng hôm nay sẽ tự đến.

Khi ấy thái tử Đảnh Sinh có một thần Dạ-xoa hầu cận tên Nĩ-vũ-ca, liền vận dụng thần lực đi tìm tòa sư tử, lọng thêu, mão báu, tất cả những vật cần dùng, cho đến thành ấp, làng xóm, đều đem đặt ở trước thái tử. Mọi người trông thấy thảy đều kinh ngạc việc chưa từng có. Sau đó các cận thần, dân chúng và binh đội hùng mạnh mới đem tơ lụa, gấm vóc đẹp theo y pháp quán đảnh, vì muốn cho thái tử nhận pháp quán đảnh của họ, nên tất cả cùng tâu:

-Thái tử nên nhận pháp quán đảnh.

Thái tử nói:

-Ta nay làm lại sao dùng tơ lụa của nhân gian làm pháp quán đảnh để buộc nơi đỉnh đầu của mình? Nếu ta tiếp nối được vương vị đúng chánh pháp, ắt có trời đem tơ lụa vi diệu đến buộc nơi đảnh đầu ta.

Sau đó, tự nhiên trên trời giáng xuống tơ lụa vô cùng đẹp đẽ, quý giá, để làm công việc quán đảnh, tiếp nối dòng vương vị trị nước. Lại cũng có bảy báu xuất hiện theo. Đó là: Xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu Ma-ni, ngọc nữ báu, thần chủ kho tàng báu, thần chủ binh báu. Bảy báu như thế luôn luôn đầy đủ cùng với ngàn người con sắc tướng tột bậc dũng mãnh, không sợ hãi, có thể hàng phục các quân binh khác.

Thời đó, có thành tên Quảng nghiêm, chung quanh thành đều có những rừng cây sum suê bao bọc, ai cũng ưa thích. Trong rừng cây ấy có năm trăm vị Tiên nhân, dùng làm chỗ trú ngụ chuyên tu tập thiền định, năm thần thông. Khu rừng này lại có nhiều loại chim chóc bay đến tu tập, như cò trắng…, chúng hay kêu la inh ỏi làm cản trở công việc tu tập thiền định của các Tiên nhân. Có một vị trong số các Tiên nhân áy tên là Xú Diện, sinh tâm sân giận, liền niệm thần chú, khiến cho các bầy chim đều bị gãy cánh. Lúc ấy, đàn cò trắng bị gãy cánh bèn men theo đất từ từ đi đến nơi cổng thành vua Đảnh Sinh. Nhà vua vừa đi xem cổng thành bên trái mới hỏi quan hầu cận:

-Tại sao đàn cò trắng đều tụ tập bên cổng thành này?

Cận thần tâu:

-Bầy chim chóc ấy trú ngụ trong rừng chỗ các vị Tiên nhân tu thiền định, mà luôn kêu la inh ỏi, có vị Tiên nhân giận quá bèn niệm chú làm cho chúng bị gãy cánh, nên chúng men theo đất đến tụ tập nơi cửa thành vua.

Vua nói:

-Những vị Tiên nhân này tại sao đối với các chúng sinh không có tâm Từ bi thương xót! Nay ta ra lệnh cho những Tiên nhân ấy phải mau rời khỏi khu rừng kia.

Các quan tuân lệnh đi đến chỗ các vị Tiên nhân, truyền lại lệnh ban ra của nhà vua.

Các Tiên nhân suy nghĩ: “Bây giờ đại vương đã trị vì bốn châu lớn vô cùng tự tại, chúng ta nên vâng theo lệnh vua đi đến dừng chân nơi khu rừng bên núi Tu-di.”

Bấy giờ, vua Đảnh Sinh lần lượt suy tư, quán sát, cân nhắc về các sự việc trong nhân gian. Sau khi đã tính toán kỹ rồi, nhà vua lại nghĩ đến từng loại công việc. Đầu tiên, vua đi đến chỗ những người cày cấy, trồng trọt, khi đã trông thấy công việc, nhà vua hỏi quan hầu cận:

-Những người này đang làm công việc gì vậy?

Quan hầu tâu:

-Những người này cày xới đất đai để trồng các thứ hoa màu, tùy theo chỗ đất mà cây trái sinh sôi, để nuôi sống họ.

Vua nói:

-Ta là Thánh vương, sao lại để cho mọi người phải nhờ vào sự trồng trọt để nuôi sống? Trong trời đất có những loại trái cây tự sinh ra.

Khi vua Đảnh Sinh vừa suy nghĩ và nói như vậy thì có hai mươi bảy giống cây từ trời giáng xuống. Nhà vua liền hỏi mọi người:

-Đây có phải là do phước lực của con người đưa đến không?

Mọi người thưa:

-Đây là do phước lực của Thiên tử và cả của chúng tôi nữa.

Lại một hôm nhà vua đi dần đến chỗ người nông phu trồng các thứ cây để kéo sợi, dệt vải. Nhà vua hỏi cận thần:

-Những người này làm công việc gì vậy?

Quan hầu cận tâu:

-Đại vương, những người này đang trồng trọt loại cây hoa có quả, lấy bông của nó để kéo sợi dệt thành áo.

Vua bảo:

-Ta là Thánh vương, sao lại để cho mọi người trồng cây lấy bông dệt áo kéo sợi? Vì trong trời đất đã có sẵn loại áo tốt đẹp.

Khi vua vừa nói xong thì các loại áo tốt đẹp từ trời giáng xuống. Vua hỏi mọi người:

-Đây có phải do phước lực của con người đưa đến không?

Mọi người tâu:

-Đây là do phước lực của Thiên tử và của chúng tôi nữa.

Nhà vua đi dần, lại thấy người nông dân dùng bông se thành chỉ để may áo.

Vua hỏi cận thần:

-Những người này làm công việc gì vậy?

Quan hầu cận tâu:

-Thiên tử, những người này lấy bông se chỉ làm thành cuộn chỉ để may áo.

Vua bảo:

-Ta là Thánh vương, sao lại để cho mọi người phải làm như vậy? Tự trong trời đất đã có áo tốt để dùng.

Khi vua vừa nói xong thì có vô số áo tốt từ trời giáng xuông.

Nhà vua hỏi mọi người:

-Đây có phải do phước lực của con người đưa đến không?

Mọi người tâu:

-Đây là do phước lực của Thiên tử và cũng là do của chúng tôi.

Nhà vua lại tiếp tục du hành, trông thấy người nông phu lần lượt dệt từng đoạn vải để may áo.

Vua hỏi cận thần:

-Những người này làm công việc gì?

Quan hầu cận tâu:

-Thiên tử, những người này dàn ra khung cửi dệt từng đoạn vải để may áo.

Vua nói:

-Ta là Thánh vượng vì sao phải để cho mọi người dệt áo che thân? Tự trong trời đất đã có sẵn áo đẹp để mặc.

Khi vua vừa nói xong thì có áo đẹp vô cùng từ trời giáng xuống.

Nhà vua hỏi mọi người:

-Đây có phải do phước lực của con người đưa đến không?

Chúng nhân tâu:

-Đây là do phước lực của Thiên tử và của cả mọi người.

Lúc ấy vua Đảnh Sinh trông thấy các sự việc ấy rồi bèn suy nghĩ đến phước lực của mình, nay ở trong cõi đời này chưa thể hiển lộ được: “Ta đã thống trị trong biển cả ngoài phía Nam núi Tu-di, bên trong cõi này rộng lớn, bên ngoài có hình như bánh xe, dân chúng đông đúc, giàu có, an vui. Thành ấp, đất nước đó rất đẹp đẽ, tráng lệ, dân chúng ở đấy với thân sắc đều ưa nhìn. Ta có bảy báu: Đó là: Xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu Ma-ni, ngọc nữ báu, thần chủ kho báu, thần chủ binh báu. Bảy báu như thế luôn đầy đủ, lại có ngàn người con thân tướng uy nghi tột bậc, dũng mãnh, không sợ hãi, có thể hàng phục được các thứ quân binh khác. Nếu ta là người có sức mạnh vượt bậc thì thích biết bao! Hôm nay xin cho nơi trong cung của ta mưa tiền vàng trong bảy ngày, cho đến khiến không một đồng tiền nào rời bên ngoài cung.”

Khi vua vừa suy nghĩ xong thì trời liền mưa xuống đầy tiền vàng suốt bảy ngày, không một đồng tiền nào rơi bên ngoài cung, vua tùy theo phước lực từ chỗ thiện căn đã tạo, cùng oai đức thần thông mà tự nhận được quả phước ấy.

Nhà vua liền hỏi mọi người:

-Đây là do phước lực của người nào đưa đến vậy?

Mọi người đáp:

-Do phước lực của Thiên tử.

Vua bảo:

-Như các ông vừa nói là có cả phước lực của mọi người, vậy tại sao bây giờ không mưa tiền vàng đầy cả châu Thiệm-bộ, tùy theo ý muốn của tất cả dân chúng ai cũng có thể nhặt được? Vì thế các ngươi nên biết, nhân duyên từ đời trước rất là vi diệu, Đức Phật nói:

-Đại vương, vua Đảnh Sinh kia đem chánh pháp xử trị nơi thế gian lại trải qua sáu đời Đế Thích.

Vua Đảnh Sinh lại hỏi thần Dạ-xoa hộ vệ tên Nĩ-vũ-ca: Có châu lớn nào còn riêng biệt chưa thuộc về ta?

Nĩ-vũ-ca thưa:

-Tâu Thiên tử, trong biển lớn bên ngoài phía Đông núi Tu-di, có đại châu kia tên là Thắng thần. Châu ấy rộng lớn, bên ngoài như hình bán nguyệt, dân chúng đông đúc giàu có, an lạc, thành ấp thuộc châu đó đều trang nghiêm, đẹp đẽ, chỗ ở của mọi người khắp cõi đều hiện rõ màu sắc khả ái. Nhà vua nên đến đó tùy nghi hóa độ.

Vua Đảnh Sinh suy nghĩ: “Ta đã thống trị châu Thiệm-bộ này, có bảy báu và ngàn người con luôn vây quanh nơi cung, lại có mưa tiền vàng trong bảy ngày. Ta lại nghe trong biển lớn ngoài phía Đông núi Tu-di có châu Thắng thần, bây giờ ta đến đó để dẫn dắt, giáo hóa.”

Vua vừa suy nghĩ xong thì thân đã bay bổng lên trên không trung, cùng với mười tám ức binh đội mạnh mẽ, ngàn người con vây quanh có bảy báu theo cùng, chỉ trong sát-na đã đến châu Đông Thắng thần.

Này đại vương, vua Đảnh Sinh ở trong châu ấy trị vì và giáo hóa muôn dân lâu đến trăm ngàn năm, tùy theo căn lành và phước hạnh của mỗi chúng sinh ở đó đã tạo tác mà tự thọ nhận về quả phước, kể cả thần thông, uy đức. Trải qua thời gian như vậy là sáu đời Đế Thích.

Vua Đảnh Sinh lại hỏi thần Dạ-xoa hộ vệ Nĩ-vũ-ca:

-Còn có châu lớn nào chưa được ta thống lãnh chăng?

Dạ-xoa tâu:

-Tâu Thiên tử, trong biển lớn, bên ngoài phía Tây núi Tu-di, có đại châu kia tên Ngưu hóa, trong ngoài giáp vòng hình thể tròn đầy, dân chụng đông đúc, an cư lạc nghiệp, thành ấp lầu gác trong cõi ấy đều đồ sộ, nguy nga, chỗ ở của mọi người hiện rõ hình sắc vi diệu. Nhà vua nên đến đó để tùy nghi giáo hóa.

Vua Đảnh Sinh suy nghĩ: “Ta đã thống trị châu Thiệm-bộ kia, có bảy báu và ngàn người con lại có mưa tiền vàng. Ta đã đến châu Đông Thắng thần thống trị, hóa độ, dẫn dắt muôn dân trong trăm ngàn năm, nay lại nghe nơi biển lớn bên ngoài phía Tây núi Tu-di có châu Ngưu hóa, ta phải đến đó để dẫn dắt, giáo hóa.”

Khi vua vừa suy nghĩ xong thì thân đã nhấc bổng lên không trung và mười tám câu-chi binh đội dũng mãnh, cùng với một ngàn người con vây quanh, có bảy báu theo cùng, chỉ trong sát-na đã đến châu Tây Ngưu hóa.

Này đại vương, vua Đảnh Sinh ở trong châu Tây Ngưu hóa thống trị, giáo hóa muôn dân trong nhiều trăm ngàn năm, tùy theo căn lành, phước hạnh của mỗi chúng sinh đã tạo mà tự thọ nhận quả phước, kể cả uy đức, thần thông. Trải qua thời gian như vậy là sáu đời Đế Thích.

Vua Đảnh Sinh hỏi thần Dạ-xoa hộ vệ Nĩ-vũ-ca:

-Còn có châu lớn nào ta chưa thống trị?

Nĩ-vũ-ca đáp:

-Tâu Thiên tử, trong biển lớn, bên ngoài phía Bắc núi Tu-di có đại châu tên là Câu-lô, trong ngoài giáp vòng, hình thể vuông vức, dân chúng đông đúc, giàu có, an vui, thành ấp nơi cõi nước ấy đều sầm uất, tráng lệ, chỗ ở của mọi người đều hiển bày sắc tướng vi diệu. Người ở châu đó luôn tự tại, không bị lệ thuộc, ràng buộc. Đại vương nên đến đó để dẫn dắt, giáo hóa họ.

Vua Đảnh Sinh suy nghĩ: “Ta đã thống trị châu Thiệm-bộ kia, có đủ bảy báu, ngàn người con lại có mưa tiền vàng! Rồi lại đến châu Đông Thắng thần, châu Tây Ngưu hóa, thống trị, giáo hóa muôn dân trong nhiều trăm ngàn năm! Bây giờ lại nghe trong biển lớn bên ngoài phía bắc núi Tu-di có châu Câu-lô, nay ta nên đến đó để hóa đọ.”

Khi vua vừa suy nghĩ xong thì thân đã bay lên không trung, cùng với mười tám câu-chi quân binh hùng mạnh, bảy báu theo kèm, ngàn người con vây quanh, tất cả cùng đến châu Bắc Câu-lô, chỉ trong sát-na là đến bên núi Tu-di. Từ xa, nhà vua đã trông thấy đất châu ấy màu trắng. Vua hỏi thần Dạ-xoa Nĩ-vũ-ca.

-Tại sao đất ở xứ ấy màu trắng?

-Tâu Thiên tử, dân ở châu Bắc Câu-lô ấy chỉ ăn lúa thơm, hạt gạo của lúa màu trắng, có đủ hương vị. Người dân không phải cày bừa, trồng trọt mà lúa tự nhiên mọc, hạt lúa dài đến bốn lóng tay, không có cỏ dại và lúa lép xen lẫn, trong trẻo, tinh khiết, đúng thời thì lúa chín, dân chúng ở châu ấy không mất công sức để lấy lúa gạo ăn. Bây giờ vua đến cõi đó cũng sẽ dùng lúa thơm để ăn.

Nhà vua nói với các quan hầu cận:

-Các ngươi có thấy đất ở đây màu trắng không? Các quan cùng thưa:

-Tâu đại vương, chúng thần có thấy!

Vua Đảnh Sinh bảo:

-Người dân ở châu Bắc Câu-lô kia chỉ ăn lúa thơm, hạt gạo của lúa màu trắng có đủ hương vị. Họ không phải cày bừa, trồng trọt mà lúa tự nhiên mọc, hạt lúa dài bốn lóng tay, không có cỏ dại và lúa lép xen lẫn, trong trẻo, tinh khiết cứ đúng thời thì lúa chín, dân chúng ở đấy không mất công sức để lấy lúa gạo ăn. Các ngươi đến đó, cũng sẽ dùng lúa thơm để ăn.

Vua Đảnh Sinh cũng ở phía bắc núi Tu-di, từ xa trông thấy các cây hình dáng trang nghiêm, tán tròn không khuyết giảm, vô cùng đẹp đẽ, ai cũng thích nhìn. Nhà vua hỏi Nĩ-vũ-ca:

-Vì sao những cây kia có hình dáng trang nghiêm như thế?

Nĩ-vũ-ca tâu:

-Người dân ở châu Bắc Câu-lô có bốn loại cây tạo ra vải vóc, y phục, đó là xanh, vàng, đỏ, trắng. Những cây ấy cho ra bốn màu áo vi diệu, muôn dân ở châu này hoặc nam hoặc nữ, người nào cần y phục mặc, khi tâm của họ vừa khởi lên thì cành cây kia tự nhiên cong xuống cho họ tha hồ lấy. Đại vương đến đó cũng sẽ mặc y phục như họ vậy.

Vua nghe xong bèn nói với các quan hầu cận:

-Các ngươi có trông thấy các cây với hình dáng trang nghiêm, tán tròn đầy đặn kia chăng? Các quan cùng tâu:

-Chúng thần đều trông thấy.

Vua bảo:

-Người dân ở châu Bắc Câu-lô kia hiện có bốn thứ cây tạo ra vải vóc, y phục, đó là xanh, vàng, đỏ; trắng. Những cây ấy luôn cho ra bốn màu áo vi diệu, muôn dân ở châu ấy, hoặc nam hoặc nữ, ai cần y phục để mặc, thì vừa khởi tâm suy nghĩ là cành cây kia tự nhiên cong xuống cho họ tha hồ lấy mặc. Các ngươi đến đó cũng sẽ được mặc y phục của họ.

Này đại vương, vua Đảnh Sinh ở châu Bắc Câu-lô ấy thống trị giáo hóa dân chúng trong hơn trăm ngàn năm, tùy theo phước lực và hạnh thiện của mỗi chúng sinh đã tạo mà tự thọ nhận quả phước kể cả thần thông, uy đức. Như vậy trải qua thời gian là sáu đời Đế Thích.

Vua Đảnh Sinh lại nói với thần Dạ-xoa hộ vệ Nĩ-vũ-ca:

-Còn có châu nào ta chưa thống lãnh chăng?

Nĩ-vũ-ca tâu:

-Tâu Thiên tử, không còn xứ nào mà đại vương chưa thống trị cả. Có cõi trời Ba mươi ba, sắc tướng trường thọ có nhiều diệu lạc tột bậc. Cõi trời này cao rộng, lầu gác đều kiên cố, an ổn. Đại vương nên đến đó để thăm chơi.

Vua Đảnh Sinh lại suy nghĩ: “Ta đã thống lĩnh bốn châu lớn, cai trị, giáo hóa. Nay lại nghe có cõi trời Ba mươi ba, sắc tướng trường thọ, với nhiều diệu lạc thù thắng. Cõi trời ấy hết sức cao rộng, lầu gác cung điện đều kiên cố. Ta nay nên đến cõi đó.”

Vua vừa mới nghĩ thì thân đã bay bổng lên không trung cùng với mười tám ức binh đội hùng mạnh, một ngàn người con vây quanh có bảy báu cùng theo.

Đến vòng ngoài nơi núi Tu-di là bảy lớp núi vàng, nhà vua đầu tiên đến núi Di-dân-đạt-la. Núi này hùng vĩ tươi đẹp thuần bằng vàng, có bốn Đại Thiên vương và các Thiên tử sống nơi đấy. Nhà vua đem binh đội dũng lực đến dẫn dắt, giáo hóa nước ấy, trải qua thời! gian sáu đời Đế Thích.

Kế đến, nhà vua tới núi Vỹ-na-niết-kế, núi này cũng hùng vĩ sầm uất, thuần bằng vàng, có bốn Đại Thiên vương và các Thiên tử sống tại đấy. Nhà vua đem quân binh thù thắng đến giáo hóa dẫn dắt cõi nước ấy, trải qua thời gian sáu đời Đế Thích.

Tiếp theo, nhà vua đến núi Mã nhĩ, núi này càng hùng vĩ cao vút, cây cối um tùm, tươi tốt, cũng thuần bằng vàng, có bốn Đại Thiên vương và các Thiên tử sống ở đấy. Nhà vua đem binh đội dũng mãnh đến giáo hóa cõi nước này, trải qua thời gian sáu đời Đế Thích.

Rồi nhà vua đến núi Thiện kiến, núi này cũng hùng vĩ không khác các núi trước, thuần bằng vàng, có bốn Đại Thiên vương và các Thiên tử sống tại đấy. Nhà vua đem quân binh hùng dũng đến để giáo hóa, trải qua thời gian sáu đời Đế Thích.

Tiếp theo, nhà vua đến núi Khư-nĩ-la-ca, núi này cũng như các núi kể trên, cũng thuần bằng vàng, ở đây cũng có bốn Đại Thiên vương và các Thiên tử cai quản. Nhà vua cũng ra sức giáo hóa, trải qua thời gian sáu đời Đế Thích.

Sau đó, nhà vua đến núi Trì trục, núi này lại càng hùng vĩ, xinh tươi, cao vút, cảnh quan càng đẹp, thuần bằng vàng, có bốn Đại Thiên vương và các Thiên tử sống ở đây. Nhà vua cũng đem binh đội dũng lực giáo hóa cõi nước ấy, trải qua thời gian sáu đời Đế Thích.

Trang: 1 2 3 4 5 6