Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019
II. PHÁT ĐẠI THỆ NGUYỆN ĐỆ LỤC
(TT)
KINH VĂN:
Ngã tác Phật thời, sở hữu chúng sinh, sinh ngã quốc giả, viễn ly phân biệt, chư căn tịch tĩnh. Nhược bất quyết định thành Đẳng Chánh Giác, chứng đại Niết Bàn giả, bất thủ Chánh Giác.
VIỆT DỊCH:
Lúc tôi thành Phật, tất cả chúng sinh, sinh trong nước tôi xa rời phân biệt, các căn tịch tĩnh. Nếu họ chẳng quyết định thành Đẳng Chánh Giác, chứng Đại Niết Bàn, thì chẳng lấy Chánh Giác.
GIẢNG:
Đoạn kinh văn trên là nguyện thứ mười hai “Định thành Chánh Giác” (Chắc chắn thành Chánh Giác), cũng chính là chứng thư của A Di Đà Phật cho người Niệm Phật chúng ta, đảm bảo vãng sinh là nhất định thành Phật. Điều này thể hiện rõ tâm nguyện của A Di Đà Phật chỉ dùng một Phật Thừa để tiếp trọn vô lượng chúng sinh vào Niết Bàn rốt ráo. Câu này rất quan trọng!
Cho nên, các vị cao tăng pháp môn Tịnh Độ thời nhà Tùy, Đường; các bậc Tổ sư đại đức khẳng định pháp môn này là “Nhất thừa đại pháp”. “Đại pháp Nhất thừa” chỉ có ba bộ kinh: Hoa Nghiêm, Pháp Hoa và Phạm Võng. Nghe nói phân lượng của Kinh Phạm Võng rất lớn nhưng truyền đến Trung Quốc chỉ có một phẩm là hai quyển Bồ Tát Tâm Địa Giới Phẩm, còn lại đều đã bị thất truyền.
Chư vị Cổ Đức phát hiện Kinh Vô Lượng Thọ cũng là Đại Kinh Nhất Thừa. Vì sao? Vì sau cùng, Kinh Hoa Nghiêm, Bồ Tát Phổ Hiền Thập Đại Nguyện Vương qui về Cực Lạc, phát hiện là từ chỗ này. Các bậc Cổ Đức nói: Hoa Nghiêm, Pháp Hoa đều là dẫn đạo của Kinh Vô Lượng Thọ, tôi tin điều này!
Thông thường mọi người cho rằng Kinh Lăng Nghiêm, Mật tông và Thiền tông cần phải tu; hình như trong kinh điển của Tịnh tông không có Kinh Lăng Nghiêm, đây là sai lầm! Thật ra, “Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông chương” xuất phát từ Kinh Lăng Nghiêm; “Quán Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông chương” cũng từ Kinh Lăng Nghiêm nhưng rất ít người đọc. Thông thường người niệm Quán Âm Bồ Tát đều đọc “Quán Thế Âm Bồ Tát, Phổ Môn Phẩm” trong Kinh Pháp Hoa.
Trong Kinh Lăng Nghiêm, đức Phật khiến Bồ Tát Văn Thù thay chúng sinh thế giới Ta Bà chọn lựa lối tu nào thích hợp cho người mới tu. Ngài đã chọn “Nhĩ căn viên thông”, chính là Bồ Tát Quán Thế Âm. Cho nên, Bồ Tát Quán Âm đặc biệt có nhân duyên với chúng sinh cõi Ta Bà. Bồ Tát Quán Thế Âm tu “Nhĩ căn viên thông”, “phản văn văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo”. Thật ra, trong hai mươi lăm viên thông, không chỉ có pháp môn Quán Thế Âm Bồ Tát là pháp môn thù thắng mà “đặc biệt” có đến hai pháp môn:
– Sao gọi là “đặc biệt”?
– Không sắp xếp theo thuận tự, đó chính là pháp môn đặc biệt!
Nếu sắp theo thứ tự, Bồ Tát Quán Âm đại biểu cho “Nhĩ căn” phải xếp vào hàng thứ hai sau “Nhãn căn”, nhưng lại được xếp ở sau cùng, thứ hai mươi lăm. Đây chính là hiển thị rất rõ ràng nét đặc thù của ngài, mọi người vừa xem là nhận ra.
Một điều “đặc biệt” nữa là vị trí của vị này chỉ xê xích có một người, không rõ ràng, phải xem kỹ mới phát hiện. Trong Thất Đại (Địa-Thủy-Hỏa-Phong-Không-Kiến-Thức), “Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông Chương” là Kiến Đại, Bồ Tát Di Lặc là Thức Đại. Vị trí của Đại Thế Chí Bồ Tát phải đặt trước Bồ Tát Di Lặc; đây là sắp xếp theo thứ tự. Nhưng, Bồ Tát Đại Thế Chí lại được sắp sau Bồ Tát Di Lặc, chỉ đổi một vị trí nên không dễ nhận ra. Vốn vị trí của ngài là thứ hai mươi ba, Bồ Tát Di Lặc là thứ hai mươi bốn. Nhưng, trên kinh Lăng Nghiêm lại xếp Bồ Tát Di Lặc là ở thứ hai mươi ba, Bồ Tát Đại Thế Chí thứ hai mươi bốn, sau cùng là Bồ Tát Quán Thế Âm thứ hai mươi lăm. Rõ ràng có hai pháp môn đặc biệt, không phải chỉ có một. Thông thường người học Kinh lăng Nghiêm rất dễ sơ suất, không nhận ra điểm này, chỉ thấy Bồ Tát Quán Thế Âm ở thế giới Ta bà “nhĩ căn” sắc bén nhất mà không nhận ra “Đại Thế Chí Niệm Phật Viên thông chương”. Chúng ta phải hiểu hàm nghĩa này:
– Bồ Tát Quán Thế Âm khế hợp căn cơ của chúng sinh ở thế giới Ta Bà.
– Bồ Tát Đại Thế Chí khế với căn cơ của tất cả chúng sinh khắp biến pháp giới, hư không giới, như vậy không tuyệt vời ư?
Học Kinh Lăng Nghiêm không hiểu rõ ràng minh bạch vấn đề này, như vậy là phí công học Lăng Nghiêm!
Khi tôi mới xuất gia ở chùa Lâm Tế, hình như được hai năm. Năm thứ hai, chùa Lâm Tế mở Giới Đàn, tôi nhận trách nhiệm làm thư ký cho Giới Đàn. Tôi nhớ, một hôm vào buổi tối, có mấy sinh viên trường Đại học Đài Loan dẫn theo một vị thầy người Nhật, là giáo thọ khách mời của Đại học Đài Loan, cũng là Pháp sư, đến thăm tôi. Pháp sư này hỏi tôi học gì? Tôi nói: – Tôi đang học Kinh Lăng Nghiêm. Ông lại hỏi:
– Thầy tu pháp môn gì?
– Tôi tu Tịnh Độ, niệm Phật A Di Đà!
– Lăng Nghiêm và Tịnh Độ có quan hệ gì? Thái độ ông ta rất cao ngạo! Tôi hỏi ngược lại:
– Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Đại Thế Chí có liên quan gì với Tịnh Độ?
– Là Tây Phương Tam Thánh, đứng hai bên Phật A Di Đà.
Điều này ông ta biết nhưng vẫn chưa giác ngộ! Sau cùng tôi nhắc nhở ông: Trong hội Lăng Nghiêm, hai mươi lăm viên thông, mấu chốt chính là hai nhân vật này, ông nói Kinh Lăng Nghiêm không liên quan đến Tịnh Độ chăng? Trong Kinh Lăng Nghiêm bao hàm huyền cơ chính là Tịnh Độ. Ông xem lại hai vị Bồ Tát này đều biểu trưng pháp môn đặc biệt chính là Tịnh Độ.
Tôi nói rạch ròi như thế, ông ta không còn gì để nói. Sao lại sơ ý đến thế?! Chúng ta tu học Đại thừa, quả thật là phải lưu ý từng
câu, từng chữ, không được dễ dàng bỏ qua, mới biết được sự vi diệu của Tịnh tông. Thiên kinh vạn luận, có khi Phật hiển thuyết, có khi Phật mật thuyết. Nếu biết xem, có thể nhận ra; nếu không biết xem sẽ không biết! Ở đây nói “Bổn tâm của Phật Di Đà, duy có Nhất thừa”, không sai chút nào, quảng độ vô biên chúng sinh đến cứu cánh Niết Bàn.
“ Ngã tác Phật thời, sở hữu chúng sinh, sinh ngã quốc giả, viễn ly phân biệt, chư căn tịch tĩnh” (Lúc tôi thành Phật, tất cả chúng sinh sinh trong nước tôi xa rời phân biệt, các căn tịch tịnh). Trong nguyện văn này, hai câu: “Viễn ly phân biệt, chư căn tịch tịnh” rất quan trọng! “Viễn ly phân biệt” chính là Bình Đẳng trên đề kinh; “Chư căn tịch tĩnh” là không chấp trước, đồng nghĩa với Thanh Tịnh trên đề kinh. Được tâm thanh tịnh nhất định vãng sinh Tịnh Độ, cõi Phương Tiện Hữu Dư của Phật A Di Đà. Cõi Phàm Thánh Đồng Cư là uế độ của Phật A Di Đà, nhưng uế độ của ngài cũng thanh tịnh. Vì sao? Vì ở đó không có ba đường ác, chỉ có nhân, thiên. Được tâm thanh tịnh chính là A-la-hán và Bích Chi Phật (tức Duyên Giác). Được tâm Bình Đẳng tức là Bồ Tát và Phật trong mười pháp giới. Thế giới Cực Lạc không giống những thế giới khác, đó là một pháp giới Bình Đẳng đến sắc thân, dung mạo đều hoàn toàn giống nhau không hề có sự sai biệt nào.
– Vì sao ở thế giới Cực Lạc, tướng mạo đều giống nhau?
– Vì họ đều niệm Phật A Di Đà nên hiện tướng cũng giống với A Di Đà Phật, tất cả đều như nhau.
Phật A Di Đà đích thật không chỉ có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp như trong kinh nói. Trong chú giải này nói rất rõ ràng, đó là theo cách nói của người Ấn Độ ngày xưa. Thật sự, Báo Thân của Phật A Di Đà: Thân có vô lượng tướng, tướng có vô lượng vẻ đẹp nói không cùng!
Người người đều muốn tướng tốt, chỉ cần niệm Phật A Di Đà là được! Không tin thử niệm Phật thật nhiều, quả nhiên khoảng ba năm tướng mạo sẽ thay đổi, thể chất cũng thay đổi. Thể chất thay đổi thành thân kim cang bất hoại, tướng mạo thay đổi giống Phật; đây đều là dạy chúng ta phải siêng năng học tập, tinh tấn niệm Phật A Di Đà.
Câu “viễn ly phân biệt, chư căn tịch tịnh” (xa rời phân biệt, chư căn tịch tịnh) trích từ bản Tống dịch. Câu “Nhược bất quyết định thành Đẳng Chánh Giác, chứng đại Niết Bàn giả, bất thủ Chánh Giác” (Nếu chẳng quyết định thành Đẳng Chánh Giác, chứng đại Niết Bàn, thì chẳng lấy Chánh Giác” trích từ bản Đường dịch). Bản Ngụy dịch ghi là “Bất trụ Định Tụ, tất diệt độ giả, bất thủ Chánh Giác” (Chẳng trụ Định Tụ, đều diệt độ, thì chẳng lấy Chánh Giác).
Đại Sư Thiện Đạo đặt cho nguyện này bốn tên:
– Một là “Tất chí diệt độ nguyện” (ắt đạt diệt độ).
– Hai là “Chứng đại Niết Bàn nguyện”.
– Ba là “Vô Thượng Niết Bàn nguyện”.
– Bốn là “Trụ tướng chứng quả nguyện”.
Rất nhiều người biết Đại Sư Thiện Đạo là Phật A Di Đà tái sinh. Cho nên, lời ngài nói chính là Phật A Di Đà trực tiếp nói với chúng ta.
Khi tôi đến Nhật Bản phỏng vấn, hỏi chư vị xuất gia ở Nhật có tư tưởng này chăng? Họ nói: Có! Khi xưa chư vị Tổ Sư truyền lại đều nói Đại Sư Thiện Đạo là Phật A Di Đà tái sinh. Sự sùng bái của họ đối với Đại Sư Thiện Đạo, người Trung Quốc không sánh bằng! Nếu đến tham quan các tự viện Tịnh Độ tông ở Nhật, bạn sẽ thấy không có tự viện nào mà không có tượng của Đại Sư Thiện Đạo. Tượng của ngài là tượng đúc hoặc điêu khắc bằng đá, khắp nơi đều có. Kế đến là tượng của Đại Sư Trí Giả cũng được phổ biến khắp nơi ở Nhật. Họ sùng bái Tổ sư hơn cả sùng bái Phật. Đây là người Nhật thật sự tôn sư trọng đạo, niệm niệm đều không quên ân sư. Rất nhiều chùa đều dùng tên của Đại Sư Thiện Đạo gọi là chùa Thiện Đạo, thấy tên chùa Thiện Đạo liền biết đây là đạo tràng của Tịnh Độ tông.
Sách Bình Giải ca tụng: “Cao Tổ (chỉ ngài Thiện Đạo) đặt tên các nguyện đã hiển lộ tột cùng ý nghĩa lời nguyện vậy”. Nay hội bản không những đã trích lấy câu kinh từ bản Đường dịch, lại còn đặt tên nguyện này là nguyện “Định thành Chánh Giác” thật rất phù hợp với ý chỉ của Đại Sư Thiện Đạo.
Trong bốn mươi tám nguyện, Đại Sư Thiện Đạo gọi năm nguyện: “Định thành Chánh Giác”, “Quang minh vô lượng”, “Thọ mạng vô lượng”, “Chư Phật xưng thán” và “Thập niệm tất sanh” là chân thật nguyện. Chứng minh nguyện này là tâm tủy của Di Đà hoằng thệ. Bổn hoài của đức Phật chỉ cốt sao khiến hết thảy chúng sinh nhất định thành Phật. Để thực hiện lời nguyện này, ngài phát ra đại nguyện “Thập niệm tất sanh”, chúng sinh chỉ cần nương theo con đường tắt cực viên, cực đốn, giản dị bậc nhất là Niệm Phật vãng sinh, sẽ nhất định thành Phật. Nguyện này khiến cho người Niệm Phật kiên định tín tâm đối với Tịnh Tông, cũng kiên định tâm nguyện đối với việc cầu sinh thế giới Cực Lạc.
“Viễn ly phân biệt”, chúng ta thường gọi “phân biệt” là “Đệ lục ý thức”, “Đệ thất thức” là “chấp trước”. Phải biết tất cả pháp vốn không có phân biệt, vốn không có chấp trước, vốn không có “Ngã”. “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, đây là câu tổng kết.
– Sáu trăm quyển đại Bát Nhã nói về điều gì?
– Tôi tổng kết nó lại thành một câu: “Nhất thiết pháp, vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc”. Riêng về pháp môn Tịnh tông cũng chỉ tóm lược có một câu “Thập niệm tất sanh, nhất định thành Phật”.
– Bạn xem bên nào nhất? Bên nào viên? Bên nào đốn?
– Bát Nhã không bằng Tịnh Độ! Bát Nhã đòi hỏi phải đoạn “Kiến Tư phiền não”, đoạn “Vô Minh phiền não”, đây không phải là vấn đề đơn giản! Tịnh Độ chỉ cần tin sâu nguyện thiết, chấp trì danh hiệu thì chắc chắn thành công.
Theo Hòa Thượng Tịnh Không: “Ngã” và “Pháp” đều bất khả đắc. Vạn pháp giai không! Không những “pháp hữu vi” bất khả đắc mà “pháp vô vi” cũng bất khả đắc. Ý nghĩa này rất thâm sâu. “Pháp vô vi” là thật, là tự tánh, nếu chấp trước có tự tánh là sai! Vì sao? Vì tự tánh không có tên! Nếu đặt tên cho nó là vọng tưởng! Nhưng, trong lúc giảng dạy, không đặt tên thì không thể nói được!
Vì vậy Bồ Tát Mã Minh dạy chúng ta nghe kinh đừng chấp vào tướng ngôn thuyết, đừng chấp tướng danh tự, đừng chấp tướng tâm duyên. Tướng tâm duyên tức là: Ta đã nghe, đã cảm nhận nó là ý gì. Đó là ý của ta, không phải ý của Phật! Phật không có ý! Ý nghĩa trong đây thâm sâu vô tận! Phật làm gì có ý! Có ý chính là vô minh, là “Kiến Tư phiền não”; không có ý tức trở về tự tánh, là Thường Tịch Quang, là vô lượng trí tuệ, đức năng, tướng hảo. Khi không có ý, tất cả đều hiện tiền.
Ngày nay, chúng ta từ sáng đến tối khởi tâm động niệm đều do vọng tâm làm chủ! Đoạn mê hoặc của “phân biệt” gọi là “Vô phân biệt Trí”. “Vô phân biệt Trí” chính là “Diệu Quan Sát Trí”, trí thấy biết rõ ràng minh bạch không cần phải thông qua máy móc như các nhà khoa học. Những gì khoa học khám phá, quan sát được vẫn là có phân biệt, có chấp trước, đó là tri kiến của phàm phu không phải Thánh nhân!
Duy Thức Thuật Ký, quyển bảy giảng: “Phân biệt là tâm tam giới hữu lậu, là tâm sở pháp, nó lấy phân biệt hư vọng làm tự thể”. “Tâm Sở pháp” chỉ những pháp do tác dụng của tâm phát khởi ra. Theo Câu Xá Luận: “Tâm sở” gồm năm mươi mốt thứ như: thọ, tưởng, tư, xúc, dục, si, giải đải, bất tín, hôn trầm, tham, sân, mạn, nghi v.v…
Trong nguyện văn “Viễn ly phân biệt” nghĩa là xả trừ vọng hoặc của phân biệt, thấu triệt được “Chân Như tức vạn pháp; vạn pháp tức Chân Như”.
Đại Thế Chí Bồ Tát trong Viên Thông Chương dạy chúng ta phương pháp Niệm Phật: “Gom nhiếp sáu căn, tịnh niệm liên tục”: “Chư căn tịch tĩnh” chính là “gom nhiếp sáu căn”; “viễn ly phân biệt” chính là “tịnh niệm liên tục”. “Chư căn” là sáu căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. “Chư căn tịch tĩnh” là sáu căn đồng qui về “tịch tĩnh”. Lìa phiền não tức là “tịch”; dứt khổ sở là “tĩnh”. Phiền não này là “Kiến Tư Phiền não” trong Mạt-na-thức. Trong đức hiệu của đức Thế Tôn: Mâu Ni nghĩa là Tịnh-Mặc hay Tịch Tĩnh. Sách Lý Thú Thích bảo: “Mâu Ni nghĩa là tịch tĩnh. Thân, khẩu, ý tịch tĩnh nên gọi là Mâu Ni”. “Thân, khẩu, ý tịch tĩnh” chính là ý nghĩa của câu “chư căn tịch tĩnh” trong kinh này.
“Tịch tĩnh” lại chính là lý thể của Niết Bàn. Do xa lìa phân biệt vọng hoặc mà các căn “tịch tĩnh”, nên khế nhập lý Niết Bàn.
Tướng tông nói “Chuyển bát thức thành tứ trí”. Nếu chuyển được Mạt na thức (thức thứ bảy) thành Bình Đẳng Tánh Trí, tâm liền thanh tịnh; chuyển được Đệ lục ý thức (thức thứ sáu) thành Diệu Quan Sát Trí, tâm liền Bình Đẳng. Thanh Tịnh và Bình Đẳng đạt được rồi thì đại triệt đại ngộ, Chánh Giác sẽ hiện tiền. Thế nên, khi chuyển được thức thứ sáu và thức thứ bảy thì thức thứ tám (tức A- lại-da) và năm thức trước (nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức) cũng chuyển theo thành Đại Viên Cảnh Trí và Thành Sở Tác Trí.
Nói cách khác, năm thức trước và A-lại-da thức chúng ta không cần quan tâm đến mà phải đặt hết công phu vào thức thứ sáu và thức thứ bảy. Nên nhớ, trong “thanh tịnh” vốn không có cái “tôi”. “Tôi” là hư vọng, vọng niệm này hình thành sự chấp trước rất nghiêm trọng. Tu học Phật pháp, cửa ải đầu tiên là phá Ngã chấp. Người có thể đạt đến công phu này, tối thiểu cũng phải là Tiểu thừa sơ quả Tu- đà-hoàn.
“Nhược bất quyết định thành Đẳng Chánh Giác chứng đại Niết Bàn” (Nếu họ chẳng quyết định thành Đẳng Chánh Giác, chứng đại Niết Bàn): “Đẳng Chánh Giác” chính là “Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác” nói tắt. Đại Niết Bàn là tên khác của Phật Quả, dịch nghĩa là Nhập Diệt; nói đầy đủ là Bát Niết Bàn. “Bát” có nghĩa là “viên”. Hán dịch “Niết Bàn” là “Tịch”. Do vậy Bát Niết Bàn dịch là Viên Tịch.
Trong Tâm Kinh Lược Sớ, Tổ Hiền Thủ giảng: “Niết Bàn, Hán dịch và Viên Tịch, nghĩa là: Không đức gì chẳng đủ nên bảo là Viên, không chướng gì chẳng hết nên gọi là Tịch”.
Đại Niết Bàn là Niết Bàn của Đại thừa. Gọi là Đại để phân biệt với Niết Bàn của Tiểu thừa. Niết Bàn của Đại thừa có đủ ba đức: Pháp Thân, Bát Nhã và Giải Thoát; đủ bốn nghĩa: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh; lìa khỏi hai thứ: “Phần đoạn sinh tử” (của phàm phu) và “Biến dịch sinh tử” (của Tiểu thừa).
Niết Bàn của Nhị thừa: Trong ba đức chỉ có “Giải Thoát”. Trong bốn nghĩa, chỉ có: Thường, Lạc, Tịnh. Trong hai thứ, chỉ lìa “Phần đoạn” vẫn còn “Biến dịch sinh tử”.
Hòa Thượng Tịnh Không khuyên dạy chúng ta không nên đợi đến thế giới Tây Phương Cực Lạc mới “viễn ly phân biệt” mà ngay hiện tiền phải giải quyết làm cho được. Nếu mọi người có thể lìa hết tâm phân biệt thì thiên hạ thái bình, trên đạo Bồ Đề liền thuận buồm xuôi gió.
– Vì sao mọi người không thể sống chung với nhau?
– Vì có tâm phân biệt! Từ tâm phân biệt khởi lên vọng tưởng chấp trước. Từ chấp trước mà không thể bao dung, liền xảy ra đấu tranh, liền tạo nên tội nghiệp! Tội nghiệp chiêu cảm khổ báo của ba đường ác. Đây chẳng phải là tự làm tự chịu hay sao?!
– Việc này ai có thể làm được?
Vua Thuấn làm đến được! Trong “Nhị Thập Tứ Hiếu”, vua Thuấn được xếp vào hàng đầu. Ông là đại hiếu viên mãn, ông hiểu được hiếu, ông hành được hiếu, ông tận được hiếu! Đây là tấm gương tốt nhất cho người tu chúng ta. Chúng ta, từ trong ghi chép của lịch sử đều biết được cha mẹ của Thuấn, anh em của Thuấn là cực đoan, bất thiện, thậm chí mỗi giờ, mỗi phút đều muốn hại chết ông. Thế nhưng, ngay trong mắt của Thuấn: Cha mẹ, anh em của ông chính là chư Phật Như Lai thuần thiện vô ác.
– Quan niệm này, ông làm sao có được?
– Vì không có tâm phân biệt! Chính không có tâm phân biệt nên tâm ông thuần thiện, thuần hiếu, thuần tâm yêu thương, thuần tâm phục vụ.
Đại Sư Huệ Năng trong Đàn Kinh nói với chúng ta: “Nếu là người chân chánh tu hành thì không thấy lỗi thế gian” chính là ý này. Phật dạy chúng ta buông xả là buông xả những vọng tưởng, phân biệt chấp trước của mình, không phải buông bỏ người khác.
– Đối với người khác phải làm sao?
– Phải tùy thuận! Tùy thuận vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của người khác, buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chính mình. Đây là tùy thuận, là thành tựu công đức của chính mình.
– Vì sao phải tùy thuận?
– Không tùy thuận, cảnh giới tu của chính ta không thể nâng cao!
Bạn xem! Trên Kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài tham phỏng năm mươi ba thiện tri thức. Mỗi lần thăm viếng một người, cảnh giới liền nâng cao một tầng: Đức Vân tỳ kheo là Sơ Trụ; Hải Vân tỳ kheo là Nhị Trụ; Diệu Trụ tỳ kheo là Tam Trụ v.v… Năm mươi ba tham học viên mãn, ngài thành Phật rồi. Đây là tinh tấn!
Muốn công phu tiến bộ phải khắc phục phiền não, tập khí, đem thị hiếu, tham ái vứt bỏ hết. Nếu ưa thích thứ gì phải đem cái ưa thích đó xả bỏ. Người học Phật ưa thích tượng Phật, tượng Phật cũng xả bỏ! Vì sao? Xem thấy tượng Phật đó liền khởi tâm tham! Có nhiều người cúng dường tượng Phật, cúng dường đồ cổ, họ xem đó là bảo vật, cho rằng giá trị đó rất cao, thậm chí khi có người đến viếng đạo tràng, họ lập tức đem dấu đi tượng Phật đó, chỉ bạn thân mới được xem qua một chút!
– Họ có thành tựu chăng?
– Không thể có thành tựu!
– Tương lai họ chết đi về đâu?
– Chui vào tượng Phật đó!
– Trong tượng Phật đó có gì?
– Là rỗng tuếch! Chỉ có chuột làm ổ trong đó! Họ chui vào chỗ này! Nếu tượng Phật bằng gỗ thì sẽ có mọt, tương lai họ sẽ biến thành mọt chui vào đó!
– Vì sao vậy?
– Vì tham ái không buông được!
– Ưa thích Phật kinh ư?
– Trong Phật kinh cũng sẽ sinh ra mọt! Tương lai sau khi chết biến thành kiến, gián v.v… mỗi ngày vây quanh những thứ này! Thật đáng sợ!
Cho nên, ái dục nếu không đoạn, sẽ chuốc lấy phiền não, họa hại vô cùng! Vậy thì cúng dường tượng Phật nên cúng một tượng Phật rất thông thường, tượng Phật đó giá trị không đến một xu là tốt nhất. Thờ cúng nơi đó không lo có người trộm mất! Bạn xem! Thoải mái, tự tại dường nào, làm gì phải bận tâm lo lắng, bất an đến như vậy!
Phàm những vật quí báu mọi người cúng dường tôi, tôi đều đem cúng dường hết. Tương lai nơi đây có phòng trưng bày thì đem đến nơi đó triễn lãm để mọi người cùng tham quan, không có cái nào là của chính mình ưa thích vậy mới buông xả, mới thanh tịnh an lạc, tràn đầy trí tuệ.
Đoạn kinh văn trên đây, then chốt chính là “viễn ly phân biệt, chư căn tịch tĩnh”. Hiện tại, chúng ta phải toàn tâm toàn lực làm cho đến được; làm được một phần thì có được một phần thọ dụng; làm được hai phần thì có hai phần thọ dụng, làm được càng nhiều thì phẩm vị vãng sinh của bạn càng cao. Nếu hoàn toàn không làm, Phật cho dù rất từ bi muốn tiếp dẫn bạn vãng sinh thế giới Tây Phương Cực Lạc, cũng không có chỗ ngồi cho bạn! Phẩm vị “Hạ hạ phẩm” bạn cũng không được! Thật là oan uổng!
Người giác ngộ không khởi tâm, không động niệm, nên “Chư căn tịch tĩnh”; không phân biệt, không chấp trước nên “viễn ly phân biệt”.
“Viễn ly phân biệt, chư căn tịch tĩnh”, đây là điều kiện vãng sinh đích thật trình độ không như nhau, tùy thuộc công phu cao thấp của mỗi người. Thế nhưng, chỉ cần được vãng sinh thì nhất định sẽ thành Đẳng Chánh Giác, chứng được Phật quả cứu cánh viên mãn. A Di Đà Phật đưa ra cái bảo chứng này, chúng ta phải nhận biết rõ ràng, phải chăm chỉ nỗ lực tu tập cầu sinh Tây Phương Tịnh Độ.
Chúng ta ngày nay học Phật, hoàn cảnh đời sống nếu chỉ có ba y, một bát thì không đủ, phải nhiều hơn một chút, đủ để sống thì được rồi, không nên lãng phí, không nên tích chứa quá nhiều, quá nhiều là tham! Quá nhiều phải xả! Phải bố thí, phải cúng dường! Quyết không nên để lòng tham thêm lớn. Tội lỗi này sẽ rất nặng.
Đại sư Ấn Quang cả đời tiết kiệm, cả đời tích phước. Trong truyện ký, trong Văn Sao có rất nhiều người viết về ngài. Suốt đời ngài chân thành xử thế, không một chút hư ngụy. Khi tiếp xúc trò chuyện với người là một mãng chân thành, không hề nịnh người. Xem thấy người làm đúng thì tán thán, khích lệ; xem thấy người làm sai thì khuyên răn, quở trách, đều là giáo huấn. Cũng có lúc họ làm sai, ngài không nói một lời! Vì sao? Ngài có học vấn, có tu dưỡng, ngài biết được đối với người nào nên nói và đối với người nào không nên nói. Đối với người chịu nhìn nhận sửa lỗi thì nói cho họ nghe; người không biết sửa lỗi thì im lặng! Vì sao? – Nói mà họ vẫn không chịu sửa, nói ra là lỗi lầm! – Nói rồi họ chịu sửa, mà bạn không nói là sai rồi!
Người tu hành chân thật, bạn không giúp thì bạn có lỗi với họ. Người không chịu sửa lỗi, bạn nói với họ chỉ là kết oán thù với họ! Vậy thì hà tất phải chuốc lấy cái phiền phức này! Cho nên, việc đáng nói nên nói, việc không đáng nói thì mỉm cười! Đây đích thật họ không có tâm phân biệt, tâm thiên lệch mà là “tùy hỉ công đức”. “Tùy hỉ” phải có trí tuệ, không có trí tuệ không thể làm được việc này.
KINH VĂN:
Ngã tác Phật thời, quang minh vô lượng, phổ chiếu thập phương, tuyệt thắng chư Phật, thắng ư nhật nguyệt chi minh thiên vạn ức bội. Nhược hữu chúng sinh, kiến ngã quang minh, chiếu xúc kỳ thân, mạc bất an lạc, từ tâm tác thiện, lai sinh ngã quốc. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
VIỆT DỊCH:
Lúc tôi thành Phật, quang minh vô lượng chiếu khắp mười phương vượt hẳn chư Phật, hơn hẳn quang minh của mặt trời, mặt trăng ngàn vạn ức lần. Nếu có chúng sinh thấy quang minh của tôi chiếu chạm vào thân, không ai mà chẳng an vui, từ tâm làm lành, sinh về cõi tôi. Nếu chẳng được vậy, chẳng lấy Chánh Giác.
GIẢNG:
Chương này gồm hai nguyện: Từ câu “Ngã tác Phật thời” đến “thiên vạn ức bội” là nguyện thứ mười ba: “Quang minh vô lượng nguyện”. Từ “nhược hữu chúng sinh” đến “bất thủ Chánh Giác” là nguyện thứ mười bốn “Xúc quang an lạc nguyện”.
Ngài Tịnh Ảnh bảo nguyện thứ mười ba và nguyện thứ mười lăm “Thọ mạng vô lượng” là những nguyện “nhiếp Pháp Thân”, vì các nguyện này nhằm để thành tựu Pháp Thân.
Pháp Thân là hoàn toàn giác ngộ. Trong Phật pháp Đại thừa gọi là “Đại triệt đại ngộ minh tâm kiến tánh”. Sau khi kiến tánh, họ không còn trôi lăn trong Lục đạo, cũng không ở trong thập pháp giới. Họ trú nơi cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chư Phật Như Lai. Cõi Thật Báo Trang Nghiêm cũng gọi là Nhất Chân Pháp giới. Nói cách khác, Lục đạo, Thập pháp giới không phải là thật.
Đại Sư Vĩnh Gia thời nhà Đường nói rất hay trong Chứng Đạo Ca: “Mộng lý minh minh hữu lục thú. Giác hậu không không vô đại thiên”. Lục đạo, Thập pháp giới cũng giống như nằm mơ. Bạn không thể nói nó có, cũng không thể nói nó không có. Phàm phu lúc mê thì thấy có; lúc giác ngộ thì không có nữa. “Tứ Thánh pháp giới” gọi là “Ngoại phàm”; Lục đạo gọi là “Nội phàm”. “Nội”, “Ngoại” là dùng lục đạo làm giới tuyến. “Ngoại phàm” so với “Nội phàm” là giác ngộ rồi, nhưng giác ngộ chưa triệt để, vẫn còn mê, chưa phải giác ngộ viên mãn.
Giác ngộ viên mãn thì “Thập pháp giới” không còn nữa, họ đến “Nhất Chân pháp giới”. Hiện tượng trong “Nhất Chân pháp giới” chính là những gì trong bốn mươi tám nguyện nói. Chữ “Chân” trong “nhất chân” có nghĩa là không còn nhìn thấy hiện tượng sinh diệt về phương diện vật chất cũng như tinh thần.
Con người khi đạt đến điểm này là “Hóa sanh”, vĩnh viễn không già. Nơi họ cư trú, từ cỏ cây hoa lá đến núi sông đất đai đều vĩnh viễn bất biến. Cây cối thường xanh, không có bốn mùa, vĩnh hằng bất biến do ý niệm sinh diệt của họ đã đoạn dứt. Tướng vĩnh hằng bất biến đó gọi là “vô lượng thọ”. Đây là đức thứ nhất ở thế giới Cực Lạc.
Trên Kinh Hoa Nghiêm, Viên giáo Sơ Trụ Bồ Tát đã chứng được Pháp Thân, cũng chính là nói: Buông bỏ khởi tâm động niệm liền chứng đắc; phàm phu chứng đắc Pháp Thân tức là thành Phật.
Sách Bình Giải cho rằng hai nguyện này thể hiện “cái đức của chân Báo Thân”, cũng cho rằng hai nguyện “Quang minh và Thọ mạng vô lượng” là “cái gốc đại bi của phương tiện Pháp Thân”.
Theo Hòa Thượng Tịnh Không: thực tế mà nói, trên cảnh giới quả địa Như Lai: Ba thân là một thể; một tức là ba, ba tức là một. Không chỉ Báo Thân, Pháp Thân, ngay đến Ứng Hóa Thân cũng thuộc về “quang minh và thọ mạng vô lượng” này.
Theo chú giải của cụ Hoàng Niệm Tổ: “Thọ vô lượng” là theo chiều dọc cùng tột cả ba đời; do Phật thân thường trụ nên chúng sinh có chỗ để nương tựa. “Quang minh vô lượng” là theo chiều ngang trọn khắp cả mười phương, đức dụng trọn khắp, nhiếp hóa vô tận. Vì vậy, quang minh và thọ lượng là cái gốc của phương tiện Đại Bi, là thật đức của Báo Thân. Như vậy, thệ nguyện quang minh và thọ mạng vô lượng của Phật A Di Đà thật ra chỉ là để khiến cho hết thảy chúng sinh đều có quang minh và thọ mạng vô lượng”.
Sách Vãng Sinh Luận lại bảo: “Ba thứ trang nghiêm vào trong một pháp cú. Một pháp cú chính là thanh tịnh cú, tức là chân thật trí tuệ vô vi Pháp Thân”. Ba thứ trang nghiêm chính là các thứ y báo, chánh báo trang nghiêm thù thắng đã được đề cập trong bốn mươi tám nguyện.
Hòa Thượng Tịnh Không giải thích ba thứ Trang Nghiêm ở thế giới Cực Lạc là: Phật Trang Nghiêm (chỉ cho Phật A Di Đà), Bồ Tát Trang Nghiêm (chỉ cho học trò, bao gồm tất cả những chúng sinh vãng sinh đến thế giới Cực Lạc), Quốc độ Trang Nghiêm (chỉ cho thế giới Tây Phương Cực Lạc). “Vào trong một pháp cú” tức là trở về với trí tuệ chân thật, Pháp thân vô vi. Trên thực tế “Chân thật trí tuệ vô vi Pháp Thân” là trở về với danh hiệu Phật A Di Đà. Công đức danh hiệu không thể nghĩ bàn! Cho nên, sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”, hai chữ “Nam Mô” này vô cùng quan trọng!
Ngày nay chúng ta học Phật, chẳng phải không tinh tấn, không dụng công, nhưng vì sao không thể thành tựu?! Chính vì quên mất hai chữ “Nam Mô” này! Trên miệng biết niệm, nhưng “Nam Mô” là gì lại không biết! Cho nên không thể thành tựu! Chỗ này, chúng ta liên tưởng đến lời dạy của Đại Sư Ấn Quang: “Một phần thành kính được một phần lợi ích; mười phần thành kính được mười phần lợi ích”. Bên trong chân thành, biểu hiện ra bên ngoài là cung kính.
Bất luận là Phật pháp hay thế pháp; trong học tập kết quả bạn đạt được nhiều hay ít không liên quan gì đến thầy giáo, cũng không liên quan gì đến môn học mà liên quan đến tâm thành kính của bạn. “Nam Mô” chính là thành kính. Chúng ta niệm Phật, niệm “Nam Mô A Di Dà Phật”, nghiêm túc mà phản tỉnh bản thân liền hiểu được, vì sao niệm danh hiệu này từ sáng đến tối vẫn không có hiệu quả?! Niệm suông rồi! Không có tâm thành kính! Mỗi ngày niệm mười vạn tiếng danh hiệu Phật cũng vô ích thôi! Cổ nhân nói rất hay: “Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn”, không có tâm thành kính! “Hét rát cổ họng chỉ uổng công!”
Giáo dục ngày xưa của Trung Quốc rất coi trọng hai chữ “thành kính”, từ trẻ con sinh ra đã bắt đầu dạy rồi. Trẻ con chưa biết nói nhưng nó biết nhìn, nó biết nghe, nó hiểu được ý nghĩa của con người, nó ở đó quan sát, nó đang học theo. Cho nên, làm cha mẹ hay người lớn, khi tiếp xúc với trẻ đều phải tỏ thái độ cung kính, phải làm ra được cho chúng xem.
Ngày xưa, trong lịch sử Trung Quốc, mọi người đều biết triều nhà Chu ảnh hưởng quốc gia đến tám trăm sáu mươi bảy năm, lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc. Đoản mệnh nhất là triều Tần.Tần Thủy Hoàng (năm 221-207 trước công nguyên), truyền hai đời, mười
lăm năm là mất nước! Đây là triều đại ngắn ngủi nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Xem qua điển chương chế độ của triều nhà Chu, chúng ta hiểu được: Họ bồi dưỡng Thái Tử, bồi dưỡng người kế nhiệm “thành kính” đến cực điểm. Triều nhà Chu, mở nước đã có người mẹ tốt. Mẹ của Chu Văn Vương là Thái Nhậm, lúc mang thai Văn Vương: Mắt không nhìn màu u ám, những sự việc bất thiện bà không nhìn; tai không nghe âm thanh không hay; miệng không nói những lời kiêu ngạo. Suốt thời gian mang thai, bà vô cùng cẩn trọng, nói năng cử chỉ đều rất đoan nghiêm. Bà muốn ảnh hưởng thai nhi, phải cho nó cảm nhận được sự thuần thiện, thuần tịnh, không thể có tà niệm hay ác niệm nào xen vào. Đứa trẻ sau khi ra đời, người tiếp xúc với trẻ đều phải đoan nghiêm, lễ phép, phải làm cho trẻ thấy được. Tất cả mọi tà ác đều không để chúng thấy.
Lúc Chu Văn Vương qua đời, con trai ông là Thành Vương lúc đó mới mười tuổi, chưa hoàn toàn hiểu chuyện. Triều nhà Chu liền lập tam lão, tam công: Thái Bảo, Thái Phó, Thái Sư. Ba vị thầy này: Thái Bảo, đảm trách dạy những tiểu vương (Thái Tử khi chưa đương cơ), chăm sóc sức khỏe thân thể, thân tâm lành mạnh. Nói cách khác, là quản những việc trong sinh hoạt hàng ngày ăn ở đi lại của Thái Tử. Thái Phó quản về luân lý, đạo đức. Thái Sư quản về dạy học, dạy về học thuật, dạy về tri thức. Cả ba vị thầy đều rất giỏi: Thái Bảo Chiêu Công; Thái Phó Chu Công; Thái Sư Khương Thái Công. Ngoài ba vị thầy giỏi ra còn ba vị huấn luyện sống cùng với Thái Tử, xem những gì thầy giáo dạy, Thái Tử có thật sự làm theo không? Ba người này gọi là: Thiếu Bảo, Thiếu Phó, Thiếu Sư luôn giúp Thái Tử thành niên (thành niên là hai mươi tuổi).
Cho nên, thời đó người lãnh đạo quốc gia đều trở thành thánh nhân, cái họ tiếp thu đều là giáo dục của Thánh Hiền. Triều Chu
truyền xuống về sau, mỗi triều đại đều y theo phép cũ, nhưng không có đời nào thành kính giống như nhà Chu. Nhà Chu có thể ảnh hưởng quốc gia hơn tám trăm năm là nhờ vào giáo dục Thánh Hiền. Người Trung Quốc không thể không biết về truyền thống của Trung Quốc.
Hiện tại, người Trung Quốc hiểu biết về truyền thống không bằng người nước ngoài. Hy vọng Trung Quốc, cũng giống như Tiến sĩ Thang Ân Tỷ từng nói: “Thế kỷ hai mươi mốt là thế kỷ của người xưa, là thế kỷ của văn hóa người xưa, là thế kỷ của giáo dục Thánh Hiền người xưa, sẽ đem đến hòa bình an định cho thế giới này”. Chúng ta đã nhìn thấy điềm lành rồi. Rất quí hóa!
Sách Bình Giải viết: “Nếu xét về sở chứng của Phật thì bốn mươi tám nguyện đều qui về quang thọ Pháp Thân”, có nghĩa là y báo, chánh báo của cõi Cực Lạc chỉ từ Pháp Thân của Phật A Di Đà biến hiện ra, nên bốn mươi tám nguyện hiển bày trọn vẹn Pháp Thân.
Về mặt độ sanh, sách Bình Giải viết: “Xét về mặt độ sanh thì nguyện nào cũng vì chúng sinh”. Lại bảo: “Mỗi một thệ nguyện đều vì chúng sinh vậy”. Bốn mươi tám nguyện như vậy dung chứa lẫn nhau chẳng thể nghĩ bàn! Kinh Hoa Nghiêm nói: “Nhất, đa bất nhị” (Một và nhiều không hai), đó chính là nguyện nguyện dung thông lẫn nhau không phải độc lập, tựa hồ như bốn mươi tám ngọn đèn, ánh sáng đan xen nhau, bất cứ điểm nào cũng đều đầy đủ bốn mươi tám ngọn, là ý nghĩa này vậy. Đây hoàn toàn là quang minh của tự tánh.
Ngài Vọng Tây giảng:
“ Theo chiều ngang, do mười phương hư không vô biên nên quốc độ cũng vô biên. Do quốc độ vô biên nên chúng sinh cũng vô biên. Do chúng sinh vô biên nên đại bi cũng vô biên. Do đại bi vô biên nên quang minh cũng vô biên. Do quang minh vô biên nên nhiếp thủ tạo lợi ích cũng vô biên. Nói tóm lại, vì muốn làm lợi ích vô biên nên quang minh vô biên”.
“Ngã tác Phật thời, quang minh vô lượng”: Đây là Bồ Tát Pháp Tạng phát ra hoằng nguyện của ngài khi thành Phật phải có quang minh vô lượng.
“Tuyệt thắng chư Phật, thắng ư nhật nguyệt chi minh thiên vạn ức bội” (Vượt trỗi chư Phật, hơn hẳn quang minh của mặt trời, mặt trăng ngàn vạn ức lần): Phẩm Quang Minh Biến Chiếu (quang minh chiếu khắp) trong kinh này có chép: “Chư Phật quang minh sở chiếu viễn cận, bổn kỳ tiền thế cầu đạo, sở nguyện công đức đại tiểu bất đồng. Chí tác Phật thời, các tự đắc chi, tự tại sở tác, bất vi dự kế. A Di Đà Phật quang minh thiện hảo, thắng ư nhật nguyệt chi minh thiên ức vạn bội” (Quang minh của chư Phật chiếu xa hay gần là do đời trước khi cầu đạo, nguyện được công đức lớn hay nhỏ sai khác. Lúc thành Phật, mỗi vị tự cảm được (quang minh) để biến hiện tự tại, chẳng tính toán trước. A Di Đà Phật quang minh tốt lành, trỗi hơn quang minh của mặt trời, mặt trăng ngàn vạn ức lần). Đây chính là nói “thường quang” của Phật tự nhiên đạt được. A Di Đà Phật quang minh vượt xa chư Phật là do nguyện lực của đời trước siêu tuyệt nên ngày nay tự nhiên được như vậy. Lại nữa, còn vượt trội hơn ánh sáng của nhật, nguyệt ngàn vạn ức lần.
Ở đây, chúng ta thấy ánh sáng mặt trăng mát mẻ, ngàn vạn lần không vấn đề gì. Nhưng, mặt trời là quả cầu lửa, nóng bức vô cùng, nếu quang minh của Phật ngàn vạn ức lần hơn mặt trời thì sức nóng làm sao con người và vạn vật có thể sinh tồn?!
Nên biết: Đó chỉ là ví dụ biểu trưng, quang minh của Phật không những sáng vượt hơn mặt trời, mặt trăng mà khi tiếp xúc được, chúng sinh sẽ cảm thấy vô cùng thoải mái, mát mẻ, an lạc, tự tại,
phiền não nhẹ, trí tuệ lớn. Cho nên, Phật quang có thể giúp ta tiêu trừ nghiệp chướng.
Trên Kinh Di Đà, chúng ta thấy Đại Sư Cưu Ma La Thập phiên dịch khác với bản dịch của ngài Huyền Trang. Đại Sư La Thập phiên dịch là “nhất tâm bất loạn”. Đại Sư Huyền Trang dịch là “ nhất hướng chuyên niệm”. Nếu như phải “nhất tâm bất loạn” thì vãng sinh sẽ khó rồi! Trong bộ kinh này, chúng tôi cũng dịch là “nhất hướng chuyên niệm”.
– Phải chăng Đại Sư La Thập ngài đã dịch sai?
– Thật không phải vậy! Vào thời kỳ đầu tiên dịch kinh, Đại Sư La Thập là vị nổi tiếng nhất, ngài đương nhiên sẽ không dịch sai. Sở dĩ ngài dịch “nhất tâm bất loạn” là có ý nghĩa: Con người lúc lâm chung sắp vãng sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, đầu tiên họ sẽ thấy Phật quang. Khi Phật quang soi chiếu liền có thể khiến công phu của họ nâng lên một bậc. Điều kiện vãng sinh, thấp nhất phải đạt đến niệm Phật “công phu thành phiến”. Chúng ta bèn hiểu được: Lúc lâm chung, khi Phật quang vừa chiếu, “công phu thành phiến” của họ lập tức được nâng lên một bậc thành “sự nhất tâm bất loạn”. Đây là nhờ oai thần của bốn mươi tám nguyện Phật gia trì.
– Thế nào là “công phu thành phiến”?
– Trong tâm chỉ có Phật A Di Đà. Ngoài Phật A Di Đà ra thứ gì cũng buông bỏ hết. Đây gọi là “công phu thành phiến”. Từ sáng đến tối miên mật chỉ một câu A Di Đà Phật này. Miệng niệm hay không cũng không sao, quan trọng là trong tâm phải thật sự có Phật, niệm niệm không quên.
Sở dĩ A Di Đà Phật quang minh vượt xa chư Phật là do nguyện lực đời trước siêu tuyệt nên ngày nay tự nhiên được như vậy. Cho nên, trong kinh nói: “A Di Đà Phật oai thần quang minh tối tôn đệ nhất, thập phương chư Phật sở bất năng cập” (A Di Đà Phật oai thần quang minh cao quí bậc nhất, mười phương Như Lai chẳng thể bằng được nổi).
Muốn giống Phật A Di Đà, chúng ta phải chân thật phát nguyện xem tất cả chúng sinh tận hư không khắp pháp giới là quá khứ cha mẹ, là chư Phật vị lai. Phải có loại tâm này, đến khi thành Phật mới có “quang minh vô lượng”, mới có thể “phổ chiếu mười phương”.
Kinh Đại Pháp Cự Đà Ra Ni nói chư Phật có hai thứ quang minh: Thường quang và Phóng quang. Thường quang thì viên minh vô ngại, không lúc nào chẳng chiếu. Phóng quang là dùng ánh sáng để cảnh tỉnh người khác, tùy lúc mà chiếu hoặc tỏa ra, hoặc thâu vào, tùy nghi tự tại. Quang minh nói trong lời nguyện này là thường quang. Chúng sinh có cảm, Phật liền có ứng. Ứng của Phật là tự nhiên. Không có tác ý, tức không có tư tưởng, không có khởi tâm động niệm.
Kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ ( chính là Kinh Di Đà do Đại Sư Huyền Trang dịch): “Bỉ Như Lai hằng phóng vô lượng vô biên quang, biến chiếu nhất thiết thập phương Phật độ, thi tác Phật sự” (Đức Như Lai ấy luôn phóng ra vô lượng vô biên quang minh mầu nhiệm, chiếu khắp hết thảy mười phương cõi Phật thực hiện Phật sự). Đây là chứng cớ để nói quang minh được đề cập trong nguyện này là “thường quang”.