PHẬT ĐIỂN PHỔ THÔNG
DẪN VÀO TUỆ GIÁC PHẬT

Nhiều tác giả
Chủ biên bản dịch Việt: LÊ MẠNH THÁT – TUỆ SỸ
Phiên dịch: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền, Nguyễn Quốc Bình
Sản xuất & Ấn hành: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm, Thùy Duyên

 

PHẦN II
PHÁP

CHƯƠNG 8
TU ĐỊNH

(TT)

Chánh Niệm

M.115 Tám quán tưởng

Đoạn này nói về những suy niệm: vô thường, dục vọng dẫn đến khổ đau, bất mãn của con người, những vấn đề về sự  lười biếng, vô minh dẫn đến tái sanh, yêu cầu xóa bỏ nghèo đói, dục vọng nghi vấn, và yêu cầu cứu giúp chúng sinh đang khổ.

Là đệ tử Phật, thường xuyên ngày đêm, chí tâm tụng niệm tám điều giác ngộ của bậc Đại nhân.

Giác ngộ thứ nhất: thế gian vô thường, quốc thổ dễ nguy, bốn đại khổ, không, năm uẩn vô ngã, sinh diệt biến đổi, hư ngụy, không chủ; tâm là nguồn ác, thân là rừng tội. Quán sát như vậy, lìa dần sanh tử.

Giác ngộ thứ hai: ham muốn nhiều khổ; sống chết mệt nhọc, khởi từ dục tham. Ít muốn, thảnh thơi, thân tâm tự tại.

Giác ngộ thứ ba: tâm không biết đủ, chỉ cầu được nhiều, tăng trưởng tội ác. Bồ-tát không vậy, thường niệm tri túc, vui nghèo giữ đạo, duy tuệ là nghiệp.

Giác ngộ thứ tư: biếng nhác đọa lạc, thường hành tinh tấn, diệt trừ phiền não, đánh bại bốn Ma, vượt ngục uẩn, giới.

Giác ngộ thứ năm: ngu sinh sanh tử. Bồ-tát thường niệm, học rộng nghe nhiều, tăng trưởng trí tuệ, thành tựu biện tài, giáo hóa tất cả, thảy đều an lạc.

Giác ngộ thứ sáu: nghèo khổ oán nhiều, kết bừa duyên ác. Bồ-tát bố thí, bình đẳng oán thân, không nhớ ác cũ, không ghét kẻ ác.

Giác ngộ thứ bảy: năm dục tai hại; tuy là tục gia, không nhiễm thú đời; chỉ nghĩ ba y, bình bát pháp khí, chí nguyện xuất gia, thanh bạch giữ đạo, phạm hạnh cao xa, từ bi tất cả. Giác ngộ thứ tám: sanh tử hừng hực, khổ não không cùng; phát tâm Đại thừa, cứu độ hết thảy, nguyện thay chúng sanh, chịu vô lượng khổ, khiến các chúng sanh cứu cánh an lạc.

Tám sự như vậy, là điều giác ngộ, cho đến chư Phật, Bồ-tát đại sĩ, tinh tấn hành đạo, từ bi tu tuệ, nương thuyền Pháp thân, đến bờ Niết-bàn. Quay lại sanh tử, độ thoát chúng sanh. Bằng tám sự này, khai đạo hết thảy, khiến các chúng sanh, rõ khổ sinh tử, xa lìa năm dục, tu tâm Thánh đạo.

Là đệ tử Phật, tụng tám sự này, trong từng niệm niệm, diệt vô lượng tội, tiến đến bồ-đề, chóng lên Chánh giác, và họ sẽ nhanh chóng chứng Chánh đẳng Chánh giác, đoạn tuyệt sinh tử, thường trụ diệu lạc.

Sūtra on the Eight Reflections of Great Men’/ Foshuibadarenjiao jing, Taisho vol. 17, text no 779, pp. 715b6-c2, dịch Anh T.T.S.  and D.S.

M.116 Niệm Thân

Đây là trích đoạn chiêm nghiệm sơ yếu về thân, nhưng cũng là của tất cả các yếu tố tạo nên một con người.

Các nhân giả, thân này là vô thường, không kiên cố, không đáng tin cậy, mỏng manh, yếu đuối, ngắn ngủi, đau khổ, bệnh tật, thay đổi và chóng mục nát. Vì vậy bậc minh trí không nương tựa vào nó.

Này các nhân giả, thân này như đống bọt, không thể vốc  nắm. Thân này như bong bóng, không tồn tại lâu dài. Thân này như quáng nắng bốc đầy phiền não khát ái. Thân này như thân cây chuối, ruột không lõi chắc.[1] Than ôi! Thân này như guồng máy, được ràng buộc bởi xương và gân. Thân này như huyễn, hình thành bởi ý nghĩ đảo điên. Thân này như chiêm bao, do hư vọng mà thấy có. Thân này như ảo ảnh, do bởi  ảnh tợ của nghiệp quá khứ. Thân này như tiếng vang, tuỳ thuộc nhân duyên. Thân này như đám mây trôi, chợt biến chợt diệt. Thân này như ánh chớp loé, thoáng chốc tiêu tan. Thân này không chủ tể, sanh ra từ nhiều duyên. Thân này thụ động, như đất. Thân này không tự ngã, như nước. Thân này không có mạng căn (linh hồn), như ngọn lửa. Thân này không có con người, như gió. Thân này không có tự thể, như hư không. Thân này không thật, lấy bốn đại làm nhà. Thân này rỗng không, không ngã cũng không ngã sở. Thân này vô tri, như ngọn cỏ, khúc gỗ, bức tường, cục đất sét, ảo giác. Thân này không động, chỉ chuyển động vì sức gió. Thân này bất tịnh vì chứa đầy uế tạp. Thân này hư nguỵ, bị tàn hoại và diệt vong, rơi ra từng mảnh và bị phân tán như bụi. Thân này chịu ảnh hưởng bởi bốn trăm bốn loại bệnh khác nhau. Thân này như giếng trên gò, vì sự già bức bách. Than ôi! Thân này sẽ chấm dứt, chấm dứt bằng cái chết. Thân này, được tập thành bởi các Uẩn, các Giới, các Xứ, như một kẻ thù, rắn  độc, xóm hoang.

Do đó, nhân giả cần phải quay lưng đi và tu tập sự chán bỏ đối với nó, thay vào đó nên tầm cầu thân Như Lai.

Vimalakīrti-nirdeśa Sūtra, ch.2, sections 8–11, dịch Anh from Sanskrit by D.S.

Chỉ và bốn thiền

Tu chỉ trong các thiền sâu, dựa trên định và niệm mãnh liệt, được xem là rất quan trọng để luyện tâm và làm sở y cho tu tuệ. Định và Tuệ là hai ba-la-mật cuối cùng trong sáu ba-la- mật của Bồ-tát.

M.117 Lợi ích của Thiền

Đoạn này mô tả các thiền (xem *Th.140) như là một sự trợ giúp lớn trong sự tu tập thắng tiến tâm, nhưng cảnh giác chớ để bị đắm trước trong các thiền và những hứa hẹn tái sinh thiên giới.

Nếu Bồ-tát ma-ha-tát muốn chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trước hết nên nhập sơ thiền. Sau khi đã nhập sơ thiền như vậy, hãy nên suy nghĩ, ‘Từ sanh tử không biên tế đến nay, ta đã từng nhiều lần đạt được thiền này. Ta đã làm những gì cần làm, thân tâm tịch tĩnh. Ta đã có được rất nhiều lợi ích từ thiền này. Nay ta nên trú trong thiền này một lần nữa, làm việc cần làm. Đây là chỗ sở y của tất cả công đức.’ Kế đến, Bồ-tát ấy nên… [nhập nhị thiền, tam thiền và tứ thiền, suy nghĩ cũng như vậy.]

Lại nữa, này Xá-lợi-phất, không có ai trong tất cả chúng Bồ- tát ma-ha-tát không y chỉ đệ tứ thiền mà phương tiện thẳng vào nhập chánh tánh ly sanh, chứng hội chân như, như xả y dị sanh tánh (phàm phu tánh). Không có ai trong tất cả chúng Bồ-tát ma-ha-tát không y chỉ đệ tứ thiền mà phương tiện dẫn phát định Kim cang dụ,[2] vĩnh viễn đoạn trừ các lậu và chứng Như Lai trí… Vì vậy, nên biết, Bồ-tát ma-ha-tát trong hội chúng Bồ-tát nên thường xuyên nhập đệ tứ thiền… Tuy hiện nhập tứ thiền mà không đắm vị ngọt lạc thọ của tứ thiền, và sanh xứ thắng diệu (sanh thiên) của quả đẳng lưu.

Mahā-prajñāpāramitā Sūtra, Taishō vol.7, text 220, pp.1055c11– 28, 1056a11– 21, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.118 Tu tập viễn ly không ly cách mọi người

Đoạn này nhấn mạnh rằng tu thiền không nên dứt mình ra người đời và những yêu cầu của họ.

Kính thưa Đại đức Xá-lợi-phất, thân tâm không thị hiện trong ba cõi[3] ấy mới là độc cư tĩnh tọa. Không xuất diệt định, nhưng vẫn thị hiện tất cả các oai nghi, ấy mới là độc cư tĩnh tọa. Không xả bỏ tướng chứng đắc nhưng vẫn thị hiện trong các tướng phàm phu, ấy mới là độc cư tĩnh tọa. Tâm không trụ trong, không hành ngoại giới, ấy mới là độc cư tĩnh tọa. Không dao động trong các kiến thú (xu huống quan điểm) mà vẫn thị hiện trong các pháp ba mươi bảy phẩm bồ-đề, ấy mới là độc cư tĩnh tọa.[4] Không đoạn phiền não và sinh tử giới, mà vẫn hội nhập Niết-bàn, ấy mới là độc cư tĩnh tọa.

Vimalakīrti-nirdeśa Sūtra, ch.3, section 3, dịch Anh from Sanskrit by D.S.

M.119 Tu tập Năm pháp

Đoạn này trích dịch từ hướng dẫn tu tập chỉ quán, tác phẩm có nhiều ảnh hưởng, được viết bởi Trí Khải (Zhiyi) (Chih-I, 539–97), sáng tổ của tông Thiên Thai (Tian Tai), Trung Hoa, nói về những tiền phương tiện để tu tập và chứng đắc sơ thiền.

Ngay cả khi hai mươi pháp trên thực hiện đầy đủ, nếu không khao khát ước ao, không khổ sách thân tâm, không niệm tưởng phương tiện, không nhất tâm quyết chí, thì chỉ và quán không do đâu mà hiện tiền. Nếu có thể vui thích tu tập không nhàm chán, ngày đêm không mệt mỏi, niệm niệm tiếp nối liên tục, khéo nắm được ý chỉ, nhất tâm không đổi khác, người ấy có thể tiến tới con đường trước mặt. Tâm chuyên nhất như bánh lái. Trí tuệ sắc bén như mũi tàu, và ba thứ còn lại như mái chèo. Nếu thiếu một trong những thứ này thì con tàu không thể hoạt động. Cũng như một con chim đang bay dùng đôi mắt để nhìn, dùng đuôi để lái, dùng cánh để vỗ tới.

Không có năm pháp này sẽ rất khó để hành thiền, huống gì là đắc định…

Great Calm and Insight/Mo-ho Zhi-Guan of Zhiyi, ch.6, section on The Twenty-Five Preliminary Ways and Means for Observation of the Mind, Taishō Vol.46, text 1911, p.48a15–22, b02–04, 11–13, 17–18, dịch Anh from Chinese by D.S.

M.120 Tu tập Thiền Chỉ

Đoạn này mô tả các giai đoạn tu tập śamatha (tịnh chỉ, định tập trung), tiếng Trung Hoa là zhi (chỉ): ‘đình chỉ’ hoặc ‘dừng’, sau khi khởi làm cho tâm tĩnh lặng và sơ bộ tu tập quán. Nó liên quan đến việc quan sát bản chất sâu xa của tâm.

Người tu tập Chỉ thì nên ở nơi vắng lặng, ngồi kiết-già, thân dựng thẳng, ý chuyên chú, không y tựa hơi thở, không y tựa hình sắc, không y tựa hư không, không y tựa đất, nước, gió, lửa, hoặc gió, cho đến không y tựa những gì được thấy, nghe, cảm, biết; loại trừ tất cả các tưởng và khái niệm, và loại trừ luôn cả ý tưởng loại trừ. Tất cả các pháp bản lai không sanh không diệt, vì là vô tướng. Tâm trước nương nơi cảnh, tâm tiếp theo đến xả ly nơi cảnh. Niệm sau nương nơi tâm, lại xả nơi tâm. Nếu tâm dong ruổi ngoại cảnh, thâu nhiếp trụ lại nội tâm. Sau đó, lại khởi tâm, mà không chấp thủ tướng của tâm. Vì lìa chân như thì không có gì khả đắc. Đi, đứng, ngồi, nằm, trong mọi thời, tu hành như vậy, thường xuyên không gián đoạn, dần dần thể nhập chân như tam-muội, cuối cùng chiết phục phiền não, tín tâm tăng trưởng, chóng thành bất thối. Nếu tâm còn nghi hoặc, phỉ báng, không tin, thì bị quấn chặt bởi nghiệp chướng, ngã mạn, giải đãi, những hạng người như vậy không thể nhập chân như tam-muội.

Treatise on the Awakening of Faith in the Mahāyāna’/ Dasheng qixinlun (dịch Anh by Śikṣānanda), Taishō, vol. 32, text 1667, p.590b25-c6, dịch Anh T.T.S. and D.S.

Tu Quán

M.121 Tu tập quán sát rõ ràng

Đoạn này mô tả pháp tu Quán, tiếng Trung Hoa là guan (quán sát rõ ràng), tập trung vào bản chất huyễn ảo của thế giới và bản chất khổ đau của các pháp duyên sinh dưới sự ngự trị của vô minh.

Nếu duy nhất tu Chỉ, thì tâm lặn chìm, hoặc sinh biếng nhác, không ưa thích các điều thiện và xa rời tâm đại bi. Vì lẽ đó,  ta nên kiêm tu chỉ với quán. Tu như thế nào? Nên quán tất cả các pháp trong thế gian luôn sinh diệt biến đổi không ngừng. Vì vô thường nên khổ, và vì khổ nên vô ngã. Hãy quán tất cả các pháp quá khứ đều như chiêm bao, các pháp hiện tại như ánh chớp, và các pháp vị lai đều như mây nổi, đột nhiên hiện khởi. Hãy quán thân thể thảy đều bất tịnh, chứa đầy vi trùng, trộn lẫn với những thứ bẩn thỉu và phiền não. Quán sát các pháp mà phàm phu nhìn thấy, ở trong cái không có gì mà quấy quá chấp là có. Quán sát tất cả các pháp do duyên sinh đều như huyễn, rốt ráo không có thực. Quán sát đệ nhất nghĩa đế không phải là sở hành của tâm, không thể thí dụ để biết, không thể bằng ngôn thuyết để diễn bày. Quán sát hết thảy chúng sanh, từ vô thỉ đến nay, do lực huân tập bởi vô minh, phải lãnh thọ vô lượng đại khổ của thân và tâm. Quán sát, hiện tại, vị lai, cũng vậy. Sinh tử là vô biên, vô hạn, khó thoát, khó vượt qua, chúng sanh thường bị dính mắc trong  đó, mà không hay giác sát, thật đáng thương thay!

Treatise on the Awakening of Faith in the Mahāyāna’ / Dasheng qixinlun (dịch Anh by Śikṣānanda), Taishō, Vol. 32, text 1667, p.591a16-b5, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.122 Ba Giải thoát môn

Đoạn này tập trung vào ba vô lậu định, hay tuệ quán sát: các pháp hữu vi là Không, ‘trống rỗng’ không có tự tánh (‘tánh không’; xem *M.137–41), Vô tướng, không có dấu hiệu hay biểu hiện để xác định nó thực sự là gì (animitta) và Vô nguyện, không phải là một cái gì đó để ước nguyện (apraṇihita).

Này Thiện Hiện (Subhūti), tướng Đại thừa của Bồ-tát Ma-ha- tát là ba tam-ma-địa (samādhi / chánh định). Ba tam-ma-địa này là gì? Đại Bồ-tát khi tu hành bát-nhã ba-la-mật-đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, quán tự tướng của các pháp đều là Không, tâm được an trụ, đây gọi là cửa vào giải thoát là Không, cũng gọi là Không tam-ma-địa.

Thứ hai, Đại Bồ-tát khi tu hành bát-nhã ba-la-mật-đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, vì quán tự tướng của các pháp là Không nên đều không có tướng, tâm được an trụ, đây gọi là cửa vào giải thoát là Vô tướng, cũng gọi là Vô tướng tam- ma-địa.

Thứ ba, Đại Bồ-tát khi tu hành bát-nhã ba-la-mật-đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, vì quán tự tướng của các pháp là Không nên đều không có gì để ước nguyện, tâm được an trụ, đây gọi là cửa vào giải thoát là Vô nguyện, cũng gọi là tam- ma-địa Vô nguyện.

Mahā-prajñāpāramitā Sūtra, Taishō vol.5, text 220, p.300b12-23; cf. vol.8, text 223, p.254c13–19, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.123 Tọa thiền chánh quán thực tướng

Trong đoạn kinh này, Trí Khải (Zhiyi), tông Thiên Thai, diễn tả phương pháp quan sát tâm để thấy được bản tánh chân thật của nó.

Hành giả sau khi tụng kinh xong, nên ngồi xuống trên giường dây, y phục tề chỉnh, ngồi thẳng người, nhắm mắt, ngậm miệng, điều hòa hơi thở, buông lỏng thân tâm, mỗi việc đều như đã nói trong phần ‘Tiền phương tiện’. Sau đó nhiếp niệm chánh quán, phá trừ nghiệp tội.

Thế nào gọi là chánh quán? Như Pháp của Bồ-tát, không đoạn kết sử, cũng không trụ biển kết sử, quán tướng Không, Như thực của hết thảy pháp. Đây gọi là chánh quán.

Thế nào gọi là quán tất cả đều Không? Hành giả phải quán sát tường tận mỗi một niệm hiện tại vọng khởi tùy theo đối tượng sở duyên…Tìm tâm trong các nhân duyên khác nhau như vậy, rốt ráo tìm không thể được. Tâm như mộng huyễn, không thật, vắng lặng như hư không, không tên, không tướng và không thể phân biệt.

Lúc bấy giờ, hành giả tâm chính là sinh tử mà còn không thấy, huống nữa thấy tâm chính là Niết-bàn. Sở quán đã không thể nắm bắt được, thì năng quán cũng không tồn tại; không thủ không xả, không tựa, không dính; tất cả các niệm tưởng không khởi; tâm thường tịch nhiên, cũng không trụ tịch nhiên; đường ngôn ngữ bị cắt đứt không thể diễn bày. Tuy không đạt được cái tướng của tâm mà không phải là tâm, nhưng cũng thông suốt rõ ràng tất cả các pháp là tâm mà không phải là tâm; hết thảy đều như huyễn hóa…

Tất cả các pháp – tội phước do vọng tưởng điên đảo gây ra đều sinh khởi từ tâm, lìa tâm ra thì không có tội phước, và tất cả pháp. Nếu quán tâm không có tâm thì tội phước không có chủ; biết tự tánh của tội phước tánh vốn không, thì tất cả các pháp đều không. Khi quán như vậy, có thể phá trừ hết thảy điên đảo của sinh tử; ba độc, vọng tưởng và những ác nghiệp cực nặng, cũng không có gì để phá, thân tâm thanh tịnh và trong mỗi niệm soi rõ các pháp, không lãnh thọ, không dính mắc ấm (uẩn) giới vi tế. Do nhân duyên này mà được tương ưng với tam-muội. Nhờ năng lực của tam-muội, liền thấy  Phổ Hiền[5] cùng mười phương chư Phật xoa đảnh đầu[6] thuyết pháp.

Confessional Samādhi of the Lotus Sūtra’ / Fa-hua San-mei Chan- yi, by Zhiyi, section 10, Taishō vol.46, text 1941, p. 945a10–15, a20–26, b01–07, dịch Anh from Chinese by D.S.

Thiền (Chan / Zen)

Ở Đông Á, tông phái chú trọng tư duy nhiều nhất được gọi là ‘Chan’ ở Trung Hoa (‘Thiền’ ở Việt Nam, ‘Seon’ ở Hàn Quốc, ‘Zen’ ở Nhật Bản): xem *M.I.6.

M.124 Phương pháp tọa thiền[7]

Đoạn này do Trường Lư Tông Trách (Changlu Zongze), mất 1107?, một Thiền sư có ảnh hưởng lớn. Cẩm nang ‘Tọa thiền nghi’ của sư được phổ biến rộng rãi làm quy củ cho các  hành giả thiền ở Trung Hoa và Hàn Quốc.

Bồ-tát học bát-nhã trước phải phát khởi tâm đại bi, phát nguyện rộng lớn, chuyên tu tam-muội và thệ độ tất cả chúng sanh, chứ không riêng mình cầu giải thoát. Do đó, hành giả nên buông bỏ các duyên, dứt trừ mọi việc của thế gian, thân tâm như một, động tĩnh không có kẽ hở; ăn và uống không quá ít cũng không quá nhiều; điều chỉnh giấc ngủ, không quá nuông chiều hoặc quá nghiêm khắc.

Khi hành giả muốn ngồi thiền thì phải tìm nơi yên tĩnh, trải nệm dày để ngồi, sửa oai nghi ngay ngắn, sau đó ngồi kết già. Trước lấy bàn chân phải để lên đùi trái, sau đó lấy bàn chân trái để lên đùi phải. Hoặc hành giả có thể ngồi bán già. Hành giả lấy bàn chân trái gác lên đùi phải, kế đến lấy tay phải đặt lên bàn chân trái, bàn tay trái đặt lên bàn tay phải, để hai đầu ngón cái của hai bàn tay chụm vào nhau, rồi từ từ nhón người về phía trước, lại xoay mình qua trái rồi phải, rồi thẳng lưng ngồi ngay ngắn, không được nghiêng qua trái hay phải, khom về phía trước, ngửa về phía sau; đỉnh đầu và xương sống và các khớp xương chống đỡ nhau, thẳng như một ngôi tháp.  Lại cũng không được rướn mình thái quá khiến hơi thở gấp không yên. Cốt phải cho tai và vai được đặt thẳng hàng với nhau, sống mũi và rốn thẳng hàng với nhau, lưỡi chống lên vòm miệng, môi và răng sát vào nhau. Mắt phải hơi mở để khỏi bị hôn trầm. Nếu hành giả đạt được thiền định, thì năng lực ấy là vượt trội. Thời xưa, có vị cao tăng tu định, thường ngồi với đôi mắt mở. [8] Thiền sư Pháp Vân Viên Thông (Fayun Yuantong) thậm chí trách mắng những ai ngồi thiền với đôi mắt nhắm, Ngài cho rằng như thế khác nào như núi đen hang quỷ. Điều này rất có ý nghĩa, trí giả biết như vậy. Khi thân tướng đã ổn định và hơi thở điều hòa, hành giả nên thư giãn rốn và bụng, không đắn đo tất cả thiện hay ác. Khi niệm khởi liền nhận biết nó; nhận biết thì niệm liền tiêu, lâu dần, các vọng duyên tự nó trở thành một khối. Đây là yếu thuật của tọa thiền.

‘Manual for Seated Meditation Practice/ Zuochan yi (part of Changlu Zongze’s ‘Pure Regulations for the Chan Preserve’/Chan- yuan qing-gui, Taishō vol.48, text 2023, p.1047b12–c01.

M.125 Tọa Thiền

Đoạn này là hướng dẫn trích từ tổ thứ sáu của Thiền tông, Huệ Năng (Huineng, 638-713; *M.167), nhấn mạnh rằng bản tính thanh tịnh không phải là cái gì đó để phát triển hay hiểu biết, mà đơn giản chỉ được biểu lộ thông qua sự tỉnh giác.

Sư thị chúng rằng, ‘Pháp môn tọa thiền này nguyên chẳng chấp trước nơi tâm, chẳng chấp trước nơi sự tịnh, cũng chẳng phải bất động. Nếu nói là chấp trước tâm, thì tâm nguyên là vọng. Biết tâm huyễn hóa, nên không có gì để chấp trước. Nếu nói là chấp trước tịnh, thì tánh người vốn tịnh; chỉ do vọng niệm che lấp Chân như. Chỉ cần không vọng tưởng, tánh tự nó thanh tịnh. Khởi tâm chấp trước tịnh, liền sanh vọng tưởng tịnh. Vọng không xứ sở, đắm trước là vọng. Tịnh vốn không hình tướng, lại lập tướng của tịnh, rồi nói đó là công phu. Nếu thấy như vậy, thì tự che lấp bản tánh của mình, lại bị tịnh trói buộc.

Các vị thiện tri thức, nếu tu bất động, chỉ cần khi thấy mọi người mà không thấy những sai lầm, thị phi, thiện ác của người, thì đây là tự tánh bất động.

Các vị thiện tri thức, người mê tuy thân chẳng động, mà khi mở miệng thì nói toàn những chuyện tốt xấu, hay dở, thị phi của người, trái nghịch với Đạo. Chấp trước nơi tâm, nơi tịnh, tức là che lấp Đạo vậy.’

Sư thị chúng rằng, ‘Các vị thiện tri thức, sao gọi là ngồi thiền? Trong pháp môn này, không có gì chướng, không có gì ngại. Bên ngoài, tâm niệm không khởi nơi tất cả cảnh giới thiện ác, gọi là tọa thiền. Bên trong, hành giả thấy tánh của mình chẳng động, đây gọi là ‘thiền’.

Các vị thiện tri thức, sao gọi là thiền và định? Bên ngoài, lìa tướng là thiền, bên trong, không loạn là định.

Bên ngoài mà vướng mắc nơi tướng, tâm ắt rối loạn; nếu lìa tướng, thì bên trong, tâm liền không loạn. Tự tánh tự nó tịnh, tự nó định, chỉ vì thấy cảnh rồi nghĩ đến cảnh mà rối loạn. Nếu người thấy cảnh mà tâm chẳng loạn, đó mới thật là định. Các vị thiện tri thức, bên ngoài lìa tướng, tức là thiền; bên trong không loạn, tức là định. Ngoài thiền và trong định, đó là thiền định.

Kinh Bồ-tát Giới nói: “Bản tánh của ta vốn tự thanh tịnh.”

Các vị thiện tri thức, trong từng mỗi niệm, tự thấy bản tánh thanh tịnh, tự tu tự hành, tự thành Phật đạo.’

Platform Sūtra of the Sixth Patriarch’ / Liuzi-tan jing, Taishō vol.48, text 2008, section 5, p.353b8–27, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.126 Nhất hành tam-muội

Đoạn này cũng từ Huệ Năng, nhấn mạnh rằng không dính mắc là chìa khóa duy nhất để thiền.

Sư lại nói, ‘Các vị thiện tri thức, các vị mỗi người hãy tịnh tâm nghe tôi thuyết pháp. Nếu thành tựu chủng trí (trí nhận biết tất cả mọi phẩm loại), cần phải đạt được nhất tướng tam- muội và nhất hành tam-muội.

Nếu trong mọi nơi mà không trụ nơi tướng, ở trong tướng ấy không sanh lòng yêu hay ghét, cũng không lấy hay bỏ, chẳng nghĩ đến những chuyện được mất, thành bại, v.v… chỉ giữ tâm an nhàn, điềm tĩnh, rỗng rang, đạm bạc, đó gọi là nhất tướng tam-muội.

Nếu trong mọi trường hợp đi, đứng, ngồi, nằm, mà tâm thuần nhất, chánh trực, không dao động nơi đạo tràng, nói đó chân chính thành Tịnh độ; đó gọi là nhất hành tam-muội.

Nếu người nào có đủ hai tam-muội này, thì như đất có mầm giống, được chăm sóc vun bón, cho quả chín muồi. Nhất tướng tam-muội và nhất hành tam-muội cũng giống như vậy.

Nay tôi thuyết pháp như mưa đúng mùa, thấm nhuần khắp mặt đất. Phật tánh của các vị như những hạt giống gặp mưa, chắc chắn sẽ kết thành hoa trái. Nếu ai vâng thừa ý chỉ của tôi, nhất quyết sẽ đạt được Bồ-đề; ai hành theo sự chỉ dẫn của tôi, chắc chắn sẽ thu được quả diệu kỳ này.

Platform Sūtra of the Sixth Patriarch’ / Liuzi-tan jing, Taishō vol.

48, text 2008, section 10, p.361a26–c7, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.127 Định và Tuệ

Đoạn này trích từ Huệ Năng, nhấn mạnh rằng Định và Tuệ  là hai mặt của cùng một thể tánh, cần phải dựa trên sự hòa điệu của ‘bản tâm sở’ hay ‘tự tánh’: Phật tánh, hay Phật tánh thanh tịnh. Tâm của một người phải lưu chuyển tự do, và chánh trực, không dính mắc hoặc tập trung vào bất cứ cái gì riêng biệt, cho dù là ngồi thiền hay di chuyển trong đời. Chân như (tathatā) hay tự tánh thì vượt ngoài ngữ ngôn, hòa điệu với ‘vô niệm’, hay ‘vô tâm’: lưu thông, chánh trực, vô phân biệt.

Sư thị chúng rằng, ‘Các vị thiện tri thức, Pháp môn này của tôi lấy định và tuệ làm gốc. Đại chúng, chớ mê lầm, cho rằng định và tuệ khác nhau. Định và tuệ là một thể, không hai. Định là thể của tuệ. Tuệ là dụng của định. Khi có tuệ thì định ở nơi tuệ. Khi có định thì tuệ ở nơi định. Nếu hiểu rõ điều này, định tuệ bình đẳng tu học.

Người học đạo chớ nói định tuệ khác nhau[9], định trước rồi phát tuệ, tuệ trước rồi mới phát định. Ai thấy như vậy thì thấy pháp có hai tướng, miệng nói lời thiện nhưng trong tâm bất thiện, định tuệ luống không, định tuệ không bình đẳng.

Nếu tâm và miệng đều thiện, trong ngoài nhất như, thì định tuệ bình đẳng. Hành giả tự tỏ ngộ mà tu hành, không dấn vào tranh biện. Nếu tranh biện cái gì trước, cái gì sau, thì đồng với người mê, không ngớt tranh đua hơn thua, chỉ tăng thêm chấp ngã chấp pháp, không lìa bốn tướng.[10]

Các vị thiện tri thức, định và tuệ giống như gì? Giống như ngọn đèn và ánh sáng vậy, có đèn thì có ánh sáng, không đèn thì tối. Đèn là thể của ánh sáng, và ánh sáng là dụng của đèn. Tên gọi tuy khác, nhưng thể là một. Pháp định và tuệ cũng giống như vậy.’

Sư thị chúng rằng, ‘Các vị thiện tri thức, nhất hành tam-muội nghĩa là trong mọi trường hợp đi, đứng, ngồi, nằm, mà tâm thuần nhất, chánh trực. Kinh Duy-ma-cật Sở Thuyết nói:

“Trực tâm là đạo tràng. Trực tâm là Tịnh độ.” Chớ có tâm hành gian dối mà miệng nói chánh trực, hoặc miệng nói nhất hành tam-muội mà không hành trực tâm. Nhưng hành trực tâm thì chớ có điều chấp trước. Kẻ mê chấp trước pháp tướng, rồi chấp trước nhất hành tam-muội, nói thẳng rằng, “Thường ngồi bất động, vọng tưởng không khởi tâm, đó là nhất hành tam-muội.” Ai hiểu như vậy, thì cũng đồng vật vô tri, và là nguyên do chướng Đạo.

Các vị thiện tri thức, Đạo nên lưu thông, vì sao lại ngăn trệ? Nếu tâm không trụ pháp, đạo liền lưu thông. Nếu tâm trụ pháp, ấy là tự trói. Nếu nói, đó là thường ngồi bất động là đúng, ấy chỉ như Xá-lợi-phất ngồi yên trong rừng lại bị Duy- ma-cật chê trách.[11]

Các vị thiện tri thức, lại có người dạy ngồi xem tâm quán tĩnh, chẳng động, chẳng khởi, coi đó là công phu. Kẻ mê không hiểu, chấp trước vào đó mà thành điên đảo. Những người như vậy thấy nhiều, rồi truyền dạy nhau như vậy, và cho nên biết đó là sai lầm lớn.

Sư thị chúng rằng, ‘Các vị thiện tri thức, Chánh giáo nguyên lai vốn không đốn, tiệm,[12] nhưng tánh người thì có lanh lợi hoặc chậm lụt. Người mê tu theo pháp tiệm, người ngộ thì khế hợp lập tức. Tự rõ bản tâm, tự thấy bản tánh, tức không sai khác. Vì thế, lập đốn, lập tiệm chỉ là giả danh.

Các vị thiện tri thức, pháp môn này của tôi, từ trước đến nay, lấy vô niệm làm tông, vô tướng làm thể, vô trụ làm gốc. Vô tướng là ở nơi tướng mà lìa tướng. Vô niệm là ở nơi niệm mà không niệm. Vô trụ là bản tánh của người, đối với những điều lành dữ, đẹp xấu ở thế gian, cho đến với kẻ oán, người thân, những lúc nói năng, xúc chạm, châm chích, lừa dối, tranh giành, thảy đều xem như không, chẳng nghĩ chuyện báo thù báo hại. Trong từng niệm niệm, chẳng nghĩ chuyện qua. Nếu như niệm đã qua, niệm hiện tại và niệm sắp đến cứ nối nhau chẳng dứt, ấy gọi là trói buộc. Pháp môn này vì vậy lấy vô trụ làm gốc.

Các vị thiện tri thức, bên ngoài lìa hết thảy mọi tướng, gọi là vô tướng. Lìa được nơi tướng, tức pháp thể thanh tịnh. Pháp môn này vì vậy lấy vô tướng làm thể.

Các vị thiện tri thức, nơi các cảnh tâm không đắm nhiễm, ấy là vô niệm. Ở trên niệm của chính mình, thường lìa các cảnh, không ở trên cảnh mà sanh tâm. Nếu duy chỉ không nghĩ tưởng trăm sự, thì niệm thảy trừ sạch, một niệm mà tuyệt thì chết liền thọ sanh nơi khác, ấy là sai lầm lớn. Người học đạo nên suy xét kỹ điều đó. Nếu không rõ ý pháp, tự mình sai lầm còn khả dĩ, nhưng lại khiến người khác sai lầm. Tự mình mê mà không thấy, lại chê bai kinh Phật. Vì vậy lập vô niệm làm tông.

Các vị thiện tri thức, vì sao lập vô niệm làm tông? Chỉ bởi người mê miệng nói thấy tánh, mà khi đối cảnh liền khởi niệm, trên niệm khởi tà kiến. Hết thảy trần lao vọng tưởng đều từ đó mà sanh. Tự tánh vốn không một pháp nào có thể nắm bắt được. Nếu có sở đắc, quấy nói họa phước chính là trần lao tà kiến. Cho nên pháp môn này lập vô niệm làm tông. Các vị thiện tri thức, nói “vô”, không có, đó là không có sự gì? Nói niệm, là niệm vật gì? “Vô” là không có hai tướng, không có tâm của các trần lao. Niệm là niệm bản tánh Chân như. Chân như là thể của niệm. Niệm là dụng của Chân như. Tự tánh Chân như khởi niệm, chẳng phải mắt, tai, mũi, lưỡi có thể niệm. Chân như có tánh nên khởi niệm. Nếu không có Chân như, thì mắt và tai, màu sắc và âm thanh tức thời hoại mất.

Các vị thiện tri thức, tự tánh Chân như khởi niệm. Sáu căn tuy có thấy, nghe, cảm, biết, mà không đắm nhiễm vạn cảnh, chân tánh thường tự tại. Cho nên Kinh nói: “Ai khéo phân biệt tướng của các pháp, đối với đệ nhất nghĩa chẳng hề dao động.”

Platform Sūtra of the Sixth Patriarch’ / Liuzi-tan jing, Taishō vol. 48, text 2008, section 4, p.352c13–354b6, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.128 Tín Tâm Minh

Đoạn này, trích từ tổ Thiền tông thứ ba, Tăng Xán (Jianzhi Sengcan, mất 606), phô diễn hoàn hảo lý tưởng của Thiền tông về vô chấp và vạn pháp nhất thể.

Đạo lớn đến không khó, khó hiềm vì chọn lựa, chỉ  cốt không yêu ghét,[13] rỗng rang tự sáng tỏ.

Sai lệch chút đường tơ, cách nhau như trời đất, muốn chứng đắc hiện tiền, chớ ôm lòng thuận nghịch. Nghịch thuận tranh chõi nhau, đây chính là tâm bệnh, không hiểu nghĩa huyền vi, niệm tĩnh luống khó nhọc.

Tròn đây đồng thái hư, không thiếu cũng không dư, chi do thủ hoặc xả, cho nên không như như.

Đừng chạy theo duyên trần, chớ trụ nơi nhẫn không, một mối giữ bình tâm, làu làu tự sạch hết.

Dừng động quay về tĩnh, tĩnh đó càng thêm động,  còn kẹt giữa hai bên, làm sao hiểu Một mối (Nhất chủng)?

Nếu chẳng thông Một mối, hai nơi mất công năng, bỏ Hữu rơi vào Hữu, theo Không lại nghịch Không. Nói nhiều tư lự nhiều, càng lúc càng lệch lạc, dứt lời, dứt tư lự, không đâu không thông suốt.

Về gốc, đạt ý chỉ, soi bóng lạc mất tông, một thoáng rọi ngược bóng, vượt hơn Không[14] trước kia. Không trước có chuyển biến, đều do vọng tưởng thấy. Chẳng cần phải cầu Chân, chỉ cần lìa mọi kiến. Có hai do có một, một cũng chớ nắm giữ, khi một tâm không sanh, vạn pháp không lầm lỗi.

Không lỗi cũng không pháp, không sanh, cũng không tâm, tâm theo cảnh mà diệt, cảnh theo tâm mà chìm. Cảnh là cảnh bởi tâm, tâm là tâm bởi cảnh498

Muốn nhận được Nhất thừa, chớ ghét bỏ sáu trần.[15] Sáu trần không ghét bỏ, mà lại đồng chánh giác.

Người trí trụ vô vi, kẻ ngu tự trói buộc.

Mở mắt tỉnh giấc ngủ, chiêm bao tự biến mất, nếu tâm không biệt dị, vạn pháp thành nhất như.

Một tức thị tất cả, tất cả tức thị một, nếu hiểu được điều này, lo gì không tựu thành.

Tín tâm vốn không hai, không hai là tín tâm, đường ngữ ngôn cắt đứt, phi khứ, lai, hiện tại.

Inscription on the Mind of Faith’ / Xin Xin Ming of Jianzhi Sengcan, Taishō vol.48, text 2010, pp.376b18–377a10, dịch Anh D.S.

***

[1] Cây chuối không có thân có lõi chắc, mà là một ‘thân giả’, được làm bằng nhiều lớp bẹ.

[2] Nghĩa là nó cứng và sắc như Kim cương.

[3] Đó là toàn bộ sự tồn tại có điều kiện: xem ‘Tam giới’ ở phần Bảng Chú Giải Thuật Ngữ và Tên Riêng.

[4] Xem ghi chú *M.10

[5] Xem *M.107.

[6] Một phong tục ngụ ý rằng người ta được trao truyền pháp.

[7] Về tư thế thiền trong Kim cang thừa, xem ghi chú ở *V.57.

[8] Lời khuyên về vấn đề này thay đổi, tùy theo các truyền thống và loại thiền khác nhau của Phật giáo, ở đây chỉ thích hợp cho một loại thiền đặc biệt.

[9] So sánh *Th.133.

[10] Bốn tướng trong kinh Kim Cang, La-thập dịch: ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng.

[11] Xem *M.118.

[12] Trong Đại thừa, đặc biệt là Thiền tông, có những quan điểm khác nhau về việc liệu sự tiến bộ trên đường Đạo là việc tu hành dần dần hay sự giác ngộ lập tức.

[13] Tham chấp, không phải là tâm từ bi.

[14] Như là một khái niệm, đặc biệt là nếu tương đương với hư vô. Về ‘tánh không’ trong Đại thừa, xem *M.137–38.

[15] Sáu đặc tính được tạo ra bởi sự tương tác của các Căn và các Trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp.