PHẬT ĐIỂN PHỔ THÔNG
DẪN VÀO TUỆ GIÁC PHẬT

Nhiều tác giả
Chủ biên bản dịch Việt: LÊ MẠNH THÁT – TUỆ SỸ
Phiên dịch: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền, Nguyễn Quốc Bình
Sản xuất & Ấn hành: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm, Thùy Duyên

 

PHẦN II
PHÁP

CHƯƠNG 4
VỀ XÃ HỘI VÀ QUAN HỆ NHÂN SINH

Bình đẳng xã hội

Th.44 Không có sự cao quý chỉ vì tầng lớp xã hội; đức hạnh mới đáng kể

Đoạn này phê phán ý niệm rằng giai cấp bà-la-môn của thời tiền Phật giáo tự nhiên cao thượng và sinh từ Phạm thiên – mà những người bà-la-môn xem là vị thần sáng tạo. Họ được sanh ra từ những bà mẹ loài người, giống như mọi người khác, và giống như ba tầng lớp xã hội khác của Ấn-độ cổ đại, họ có thể hành động có đạo lẫn vô đạo. Điều thực sự đáng được tôn trọng, ngay cả bởi các vị vua, không phải do bẩm sanh mà là do sống theo Pháp: một cách công chính, đạo đức, với thân, khẩu, và ý thiện. Đoạn trích kết thúc bằng một đoạn văn ở *Th.4, nêu bật những đệ tử chân thật của đức Phật được sinh ra từ Pháp mà Ngài giảng dạy và hiện thân, tương đồng với ‘Phạm thiên’ theo nghĩa thực sự là tối tôn trên tất cả.

Rồi Thế Tôn nói với Vāseṭṭha: ‘Này Vāseṭṭha, các ông đã ở đây từ huyết thống bà-la-môn, từ dòng họ bà-la-môn, từ gia đình bà-la-môn mà xuất gia, làm sa-môn, từ bỏ gia đình sống không gia đình, này Vāseṭṭha, người bà-la-môn há không trách mắng ông, phỉ báng ông?’

‘Bạch Đại Đức, các bà-la-môn thật có trách mắng chúng con, phỉ báng chúng con, bằng những lời phỉ báng hết ý đầy đủ, không phải không đầy đủ.Bạch Đại Đức, những người bà- la-môn đã nói như sau: “Chỉ có giai cấp bà-la-môn là tối thượng, các giai cấp khác là hạ liệt. Chỉ có bà-la-môn là da trắng; những kẻ khác là da đen. Chỉ có bà-la-môn là thuần tịnh, các kẻ phi bà-la-môn không phải như vậy. Chỉ có bà-la- môn mới là đích tử của Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, sanh bởi Phạm thiên, tạo hóa bởi Phạm thiên, là người thừa tự của Phạm thiên. Các ông đã từ bỏ giai cấp tối thượng, hạ mình đi xuống giai cấp hạ tiện, tức là các sa-môn trọc đầu, đê tiện, đen đủi, dòng giống thuộc bàn chân (của Phạm thiên).” Bạch Đại Đức, những người bà-la-môn trách mắng chúng con như vậy…’.

‘Này Vāseṭṭha, các người bà-la-môn nói như vậy là đã không nhớ đến quá khứ của mình… Này Vāseṭṭha, hiển nhiên các nữ bà-la-môn… có kinh nguyệt, mang thai, sanh con, cho con bú. Và những bà-la-môn ấy sinh từ bào thai mà lại nói rằng: “bà-la-môn là tầng lớp tối thượng… sinh bởi Phạm thiên.” Này Vāseṭṭha, có bốn giai cấp này: sát-đế-lợi (thống trị), bà- la-môn (tư tế), phệ-xá (thương gia) và thủ-đà-la (lao dịch). Có khi, này Vāseṭṭha, có người sát-đế-lợi sát sanh, lấy của không cho, có tà hạnh, nói dối, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tâm tham, có tâm sân, có tà kiến. Cho đến một người sát-đế-lợi ấy được thấy phạm vào những pháp bất thiện, được gọi là bất thiện, bị chê trách, được gọi là bị chê trách, những pháp không nên thân cận, được gọi là những pháp không nên thân cận, không xứng với bậc thánh, được gọi là các pháp không xứng với bậc thánh, là pháp đen có quả báo đen, bị người có trí quở trách. Có khi, này Vāseṭṭha, có người bà-la-môn, hay phệ-xá, hay thủ-đà-la sát sanh… người bà-la-môn được thấy phạm vào những pháp bất thiện, được gọi là bất thiện…

Có khi, này Vāseṭṭha, có người sát-đế-lợi không sát sanh, không lấy của không cho… Người sát-đế-lợi ấy được thấy hành những pháp thiện, được gọi là thiện… được người có trí tán thán [và cũng như vậy với người ở các giai cấp khác].

Khi trong bốn giai cấp này được thấy có cả hai pháp lẫn lộn đen và trắng, những điều bị người trí chỉ trích và được tán thán bởi những người có trí, vậy mà những bà-la-môn nói rằng: “Giai cấp bà-la-môn là tối thượng, các giai cấp khác là hạ tiện…”, điều này, người có trí không thừa nhận. Vì sao vậy? Này Vāseṭṭha, nếu có ai trong bốn giai cấp là một vị tỳ- kheo, là A-la-hán lậu tận, phạm hạnh đã lập, đã làm xong những việc cần làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt mục  đích tối thượng, đoạn trừ hữu kết, chánh trí giải thoát, vị ấy  sẽ được xem là tối thượng trong số họ, y Pháp mà nói, không phải y phi Pháp. Pháp là tối thượng trong các loài có sanh, trong đời này và cả đời sau. Cũng vậy, này Vāseṭṭha,  theo đây nên biết, duy chỉ có Pháp là tối thượng trong những người này, cả đời này và đời sau.

Này Vāseṭṭha, vua Pasenadi nước Kosala biết rằng sa-môn Gotama từ dòng họ Thích-ca cao thượng mà xuất gia làm sa- môn. Những người họ Thích là thần thuộc của vua Pasenadi nước Kosala, theo lệ thường hành lễ phủ phục trước vua Pasenadi nước Kosala; tôn trọng, chào đón, dâng chỗ ngồi, cung kính chào đón, cung kính lễ bái vua Pasenadi nước Kosala. Này Vāseṭṭha, những điều tôn trọng, cung kính chào đón,… mà những người họ Thích thi hành đối với vua Pasenadi nước Kosala, vua ấy cũng làm như vậy… đối với Như Lai (một người họ Thích). Và vua nghĩ: “Há không phải sa-môn Gotama xuất thân cao quí, còn ta không xuất thân cao quí; sa-môn Gotama có sức mạnh, ta không có sức mạnh; sa- môn Gotama có dung sắc xinh đẹp, ta không có dung sắc xinh đẹp; sa-môn Gotama là vị có uy thế lớn, ta có uy thế nhỏ?’ (‘Không phải’). Mà vì rằng, vua tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường, kính lễ Pháp, nên vua Pasenadi nước Kosala tôn trọng… Như Lai. Cũng vậy, bằng phương tiện này, này Vāseṭṭha, nên biết rằng duy chỉ có Pháp là tối thượng trong những người này, cả đời này và đời sau.

Này Vāseṭṭha, các ông là những người đã xuất gia từ nhiều giai cấp khác nhau, nhiều danh, nhiều chủng tộc, nhiều hội chúng khác nhau, từ bỏ gia đình sống không gia đình, làm sa- môn. Nếu có ai hỏi, các ông là ai? các ông nên trả lời:

“Chúng tôi là những sa-môn Thích tử, những người con của dòng họ Thích.”’

Aggañña Sutta: Dīgha-nikāya III.81–84, dịch Anh P.D.P.

Th.45 Mọi người thuộc mọi tầng lớp đều bình đẳng về khả năng; những phân cách xã hội chỉ là quy ước

Trong đoạn này, bà-la-môn Vāseṭṭha kể lại, có lẽ trước khi trở thành đệ tử Phật. Ông nêu quan điểm rằng chính hành động, chứ không phải huyết thống, mới được kể là ‘bà-la- môn’ theo nghĩa là một người có đạo đức cao trọng. Bà-la- môn đồng bạn của ông, Bhāradvāja, cho rằng huyết thống thuần túy mới là điều tác thành một bà-la-môn thực sự. Họ đi tới đức Phật để hỏi xem Ngài đồng ý với ý kiến nào. Đức Phật nói hành động mới là điều quan trọng. Ngài nhấn mạnh rằng trong khi thực vật và động vật có sự khác biệt theo giống loài của chúng, thì con người là một giống loài, không có phân chia thành bốn giai cấp. Những khác biệt giai cấp chỉ là các nhãn hiệu quy ước dựa trên phương thức sinh kế. Vāseṭṭha, Ta sẽ nói, tùy thuận đúng sự thật, phân loại các sinh vật. Chủng loại thật sai biệt.

Nên biết, đây cỏ cây, dù chúng không tự nói, chúng mang dấu giống loài. Chủng loại thật sai biệt.

Cũng vậy, đây côn trùng, châu chấu, các loại kiến; chúng mang dấu giống loài. Chủng loại thật sai biệt.

Nên biết, đây bốn chân, loại nhỏ và loại lớn, chúng mang dấu giống loài. Chủng loại thật sai biệt.

Cũng vậy, đây bò sát, loại rắn, loại lưng dài, chúng mang dấu giống loài. Chủng loại thật sai biệt.

Nên biết, đây loài cá, loại sinh sống trong nước, chúng mang dấu giống loài. Chủng loại thật sai biệt.

Nên biết, đây loài chim, loại có cánh trên trời, chúng mang dấu giống loài. Chủng loại thật sai biệt.

Trong các loài đã kể, dấu hiệu giống loài riêng, nhưng trong chủng loại người, không dấu riêng giống loài.

Không ở tóc hay đầu, không ở tai, ở mắt, không ở miệng, ở mũi, không ở môi, ở mày,

Không ở cổ, ở nách, không ở bụng, ở lưng, không ở da, ở ngực, hay âm hộ hành dâm.

Không ở tay, ở chân, không ở ngón, ở móng, không ở đùi, ở bắp, không ở màu,[1] ở tiếng; không dấu hiệu riêng biệt, như các giống loài khác.

Ở thân riêng mỗi người, không có dấu loại biệt. Thi thiết với loài người, chỉ là do quy ước.

Loài người, ai chăn bò, Vāseṭṭha nên biết, kẻ ấy là nông phu, không phải bà-la-môn.[2] Loài người, ai làm thợ, Vāseṭṭha nên biết, kẻ ấy là công thợ, không phải bà-la-môn.

Loài người, ai buôn bán, Vāseṭṭha nên biết, kẻ ấy là thương nhân, không phải bà-la-môn.

[Tương tự với nô bộc, trộm cướp, quân binh, tể quan, vua chúa.]

Không gọi bà-la-môn, do mẹ, hoặc do cha. Dù được gọi bằng ‘Ngài’, nhưng vẫn còn chấp trước.

Đoạn trừ tất cả kết, không dao đọng, chấp thủ, thoát ly mọi hệ phược, Ta gọi bà-la-môn.

Thế gian lập danh tự, hoặc giả lập gia tộc, nhiều danh tự sai biệt, do giả lập thi thiết.

Với ai thiếu trí tuệ, tà kiến ẩn tiềm phục. Vô tri, tự tuyên bố, ‘bà-la-môn do sanh’.

Bà-la-môn hay không, không phải do sanh đẻ. Bà-la-môn hay không, chính do nghiệp tạo tác.

Vāseṭṭha Sutta: Sutta-nipāta p.115 and vv.594–621 and 648–650, dịch Anh P.D.P.

Bình đẳng nam nữ

Trong phần này, chúng tôi chỉ trích các đoạn Kinh cho thấy thái độ ưu ái đối với người nữ. Tuy nhiên, cũng có những đoạn khác cho thấy thái độ phân biệt đối xử thịnh hành của thời đại. Những thái độ dường như mâu thuẫn như vậy được biểu hiện trong một số trường hợp trong văn học có thể là do sự biên tập qua nhiều thế kỷ. Một số thái độ Bà-la-môn giáo đã ngự trị trong xã hội Ấn-độ sơ kỳ có thể đã tìm được cách len lỏi vào văn học Thánh điển Phật giáo, mặc dù trong các đoạn khác, như các trường hợp được nêu ra dưới đây, cho thấy một thái độ cải cách rõ ràng của đức Phật về vấn đề giới tính.

Th.46 Khéo léo đề cao vị thế người nữ

Trong đoạn này, đức Phật làm giảm giá trị ý niệm về sự yếu thế của phái nữ trong xã hội đương thời của mình, dù vẫn thiện xảo để thu nhiếp một số giá trị hiện có và tránh một thách thức trực tiếp.

Bấy giờ, Pasenadi vua nước Kosala đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ và ngồi xuống một bên.

Khi ấy một người đến gần Pasenadi vua nước Kosala và nói nhỏ với vua rằng hoàng hậu Mallikā vừa sinh hạ một người con gái. Nghe vậy, Pasenadi vua nước Kosala tỏ vẻ không hoan hỷ.

Thế Tôn, biết vua Pasenadi nước Kosala không hoan hỷ, bèn nói lên bài kệ này:

Có nữ nhân hơn nam, bởi có trí và giới, biết kính trọng mẹ chồng, và chung thủy với chồng.

Người nữ ấy sanh con, hoặc dũng mãnh, quốc chủ, con người vợ hiền ấy, được dưỡng dục thành vua.

Dhītā Sutta: Saṃyutta-nikāya I.86 <194>, dịch Anh P.D.P.

Th.47 Năng lực trí tuệ và giác ngộ bình đẳng của người nữ

Trong đoạn này, Māra, một ác thần được dựng lên đại biểu cho quan niệm sai lầm đã chi phối nhận thức xã hội về phụ nữ trong thời đại Phật giáo xuất hiện. Khái niệm ‘trí tuệ hai ngón’ được sử dụng để nói rằng phụ nữ có rất ít trí thông minh. Truyền thống chú giải giải thích cụm từ này theo hai cách khác nhau. Theo chú giải Saṃyutta-nikāya, ý niệm chung là sự hiểu biết của phụ nữ bị giới hạn trong việc sử dụng hai ngón tay trong dệt chỉ bằng bông vải. Theo chú giải của Therīgāthā, thì mặc dù phụ nữ nấu cơm từ bảy đến tám tuổi, để biết cơm đã chín chưa, họ phải múc cơm bằng một cái thìa và ấn nó bằng hai ngón tay để biết xem nó chín chưa.

Một thời Thế Tôn đang trú trong vườn của ông

Anāthapiṇḍika thành Sāvatthī. Bấy giờ tỳ-kheo-ni Somā, vào buổi sáng, khoác y, cầm bát, đi vào Sāvatthī khất thực. Sau khi khất thực và ăn xong, tỳ-kheo-ni đi đến rừng Andha, và ngồi dưới một gốc cây độc cư tĩnh niệm. Khi ấy, Ác ma muốn khiến tỳ-kheo-ni Somā kinh sợ…, liền đi đến chỗ vị ấy và nói lên bài kệ này:

Nơi Thánh nhân đi đến, chỗ đến khó đi đến,

Người nữ tuệ hai ngón, không thể nào đạt đến.

Tỳ-kheo-ni Somā nghĩ thầm, ‘Ai đã nói bài kệ này, người  hay quỷ thần?’ Rồi tỳ-kheo-ni Somā lại nghĩ: ‘Ðây là Ác ma muốn khiến ta kinh sợ, muốn ta từ bỏ độc cư, nên đã nói bài kệ đó.’

Và tỳ-kheo-ni Somā biết được đây là Ác ma, liền trả lời bằng bài kệ này:

Nữ tánh gì chướng ngại, khi tâm khéo định tĩnh, với trí tuệ hiện hành, chân chánh quán sát pháp?

Ác ma, hợp cho ngươi, với ai hay nghĩ tưởng, ‘ta nam’ hay ‘ta nữ’, hoặc nghĩ tưởng tương tợ.

Ác ma nghĩ rằng: ‘Tỳ-kheo-ni Somā đã biết ta’, nên ưu sầu, thất vọng, liền biến mất khỏi chỗ ấy.

Somā Sutta: Saṃyutta-nikāya I.129 <283–284>, dịch Anh P.D.P.

Th.48 Thị hiện thần thông của người nữ

Đoạn này liên quan đến Mahā-pajāpatī Gotamī, di mẫu của đức Phật, và là người đã thỉnh cầu Phật hứa khả cho người nữ xuất gia thành tỳ-kheo-ni (xem *Th.220). Sau khi thành tỳ- kheo-ni đầu tiên, bà tiếp tục tu tập và chứng đắc quả A-la- hán. Ở đây, đức Phật khuyên bà, bấy giờ đã 120 tuổi, hiện thần thông để xua tan những nghi ngờ của mọi người về khả năng của nữ giới. Các phần khác của đoạn văn, không được nêu ra ở đây, đề cập đến nhiều thị hiện như ý thần thông khác của bà.

(Gotamī:) ‘(Niết-bàn) Trước giờ chưa từng thấy, bởi tôn sư ngoại đạo, đồng nữ mới bảy tuổi, khéo biết đạo lộ này…’ (Phật:) ‘Gotamī, hãy thị hiện thần thông, để đoạn trừ tà kiến, cho những ai hôn trầm, hoài nghi pháp hiện quán.

Quỳ lạy đấng Đẳng giác, rồi bay lên không trung, nghe theo lời Phật dạy, bà hiện nhiều thần thông.

Một thân thành nhiều thân, nhiều thân biến thành một, hoặc hiện hoặc ẩn hình, xuyên tường, xuyên vách núi.

Tự tại đi xuyên suốt, hoặc lặn vào trong đất, hoặc đi trên mặt nước, như trên đất, chẳng chìm. Ngồi tư thế kiết-già, bay lên không như chim; tự tại biến hiện thân, cho đến Phạm thiên giới.

Lấy Tu-di làm cán, đại địa làm tán lọng, lộn ngược dưới lên trên, cầm đi trong hư không.

Khiến thế giới bốc khói, như sáu mặt trời mọc, trùm thế giới trong lưới, như vào thời kiếp hoại.

Gotamī Apadāna vv.66 and 79–85: Apadāna 535–536, dịch Anh P.D.P.

Quan hệ nhân sinh tốt đẹp

Th.49 Làm thế nào để có mối quan hệ xã hội hài hòa với sáu hạng người

Trong đoạn này, đức Phật giáo giới cho Sigāla, một cư sĩ thường xuyên thi hành lễ bái sáu phương. Phật giải thích lại ý nghĩa lễ bái này theo đó các phương chỉ cho những mối quan hệ bổn phận của những người trong xã hội đối đãi nhau: cha mẹ, sư trưởng, vợ chồng, bạn bè, tôi tớ và sa-môn, bà-la-môn. Ở đây, cha mẹ là ‘phương đông’, hướng mặt trời mọc. Những lời khuyên được đưa ra trong bối cảnh điều kiện xã hội thời đức Phật.

‘Này gia chủ, Thánh đệ tử hộ trì sáu phương như thế nào? Sáu phương này cần được hiểu như sau: cha mẹ là phương đông, sư trưởng phương nam, vợ con phương tây, bạn bè  phương bắc, nô bộc và người làm thuê là phương dưới, sa- môn và bà-la-môn là phương trên.

Này gia chủ, con phải phụng dưỡng cha mẹ, phương đông, trong năm trường hợp: “(i) được cha mẹ nuôi dưỡng, nay tôi phải phụng dưỡng lại cha mẹ; (ii) tôi phải làm cho cha mẹ những điều cần làm; (iii) tôi phải gìn giữ nề nếp gia tộc, (iv) tôi phải xứng đáng thừa kế gia sản, (v) hơn nữa, tôi phải bố thí cúng dường cho cha mẹ khi cha mẹ qua đời.”

Này gia chủ, khi được con cái phụng dưỡng, như lễ bái phương đông, trong năm trường hợp như vậy, đáp lại, cha mẹ phải tỏ lòng thương yêu theo năm cách: (i) ngăn ngừa con cái làm điều ác, (ii) khuyến khích con cái làm điều thiện, (iii)  cho con học các nghề nghiệp, (iv) cưới vợ xứng đáng cho con, (v) đúng thời cha mẹ trao của thừa kế cho con… Như vậy phương đông được hộ trì an ổn không tai họa.

Này gia chủ, đệ tử phụng dưỡng các bậc sư trưởng như phương nam trong năm trường hợp: (i) đứng dậy chào kính, (ii) hầu hạ thầy, (iii) siêng năng học tập, (iv) phục vụ thầy, (v) tiếp thu thích đáng những điều thầy dạy liên quan đến nghề nghiệp.

Này gia chủ, khi được đệ tử phụng dưỡng như phương nam theo năm trường hợp này, đáp lại, sư trưởng phải tỏ lòng thương tưởng các đệ tử theo năm cách: (i) huấn luyện đệ tử kỹ lưỡng, (ii) khiến đệ tử nắm bắt đầy đủ những điều cần nắm bắt, (iii) giảng giải đầy đủ cho đệ tử những điều liên quan đến nghề nghiệp, (iv) giới thiệu đệ tử với các bạn bè và thân quyến, (v) hộ trì đệ tử trong mọi phương hướng… Như vậy phương nam được hộ trì an ổn không tai họa.

Này gia chủ, chồng đối xử với vợ như là phương tây trong năm trường hợp: (i) tôn trọng, (ii) không khinh thị, (iii) không ngoại tình, (iv) trao cho quyền, (v) sắm nữ trang cho vợ.

Này gia chủ, khi được chồng đối xử như phương tây theo năm cách này, người vợ phải tỏ lòng thương yêu chồng theo năm cách: (i) sắp đặt công việc có ngăn nắp, (ii) đối xử  quyến thuộc thân thiện, (iii) không ngoại tình, (iv) khéo gìn giữ tài sản, (v) siêng năng khéo léo làm mọi công việcNhư vậy phương tây được được hộ trì an ổn không tai họa. Này gia chủ, thiện nam tử đối xử với bạn bè và thân quyến như phương bắc trong năm trường hợp:: (i) bố thí (chu cấp), (ii) ái ngữ (an ủi), (iii) lợi hành (giúp ích), (iv) đồng sự (đối xử bình đẳng), (v) không lừa dối.

Này gia chủ, khi được đối xử như phương bắc theo năm cách như vậy, bạn bè phải tỏ lòng thương kính theo năm cách: (i) bảo vệ bạn khi bạn buông lung, (ii) bảo vệ tài sản bạn khi bạn buông thả, (iii) che chở bạn khi bạn gặp nạn, (iv) không bỏ bạn khi bạn cùng khốn, (v) kính trọng gia đình của bạnNhư vậy phương bắc được hộ trì an ổn không tai họa.

Này gia chủ, chủ nhân đối xử với nô bộc và người làm thuê như là phương dưới theo năm trường hợp: (i) giao việc tùy theo năng lực, (ii) cung cấp ăn uống và lương tiền, (iii) chăm sóc khi bệnh hoạn, (iv) chia sớt những thứ ngon ngọt, (v) tùy thời cho phép nghỉ ngơi.

Này gia chủ, khi được chủ nhân đối xử như là phương dưới với năm cách này, đáp lại, các nô bộc và người làm thuê phải tỏ lòng thương kính đối với chủ nhân theo năm cách như sau: (i) thức sớm trước khi chủ dậy, (ii) đi ngủ sau chủ, (iii) chỉ lấy những gì được cho, (iv) làm tốt các công việc, (v) bảo vệ tiếng tốt của chủ nhânNhư vậy phương dưới được hộ trì an ổn không tai họa.

Này gia chủ, thiện nam tử đối với các sa-môn và bà-la-môn như là phương trên trong năm trường hợp: (i) thân hành từ ái, (ii) ngữ hành từ ái, (iii) ý hành từ ái, (iv) mở rộng cửa nghinh đón ấy, (v) cúng dường các vật dụng cần thiết.

Này gia chủ, khi được đối xử như là phương trên theo năm cách này, các sa-môn, bà-la-môn phải tỏ lòng thương tưởng theo sáu cách sau đây: (i) ngăn không làm điều ác, (ii) khuyến khích làm điều thiện, (iii) thiện ý thương tưởng, (iv) giảng dạy những điều chưa được nghe, (v) giải rõ điều đã được nghe, (vi) chỉ bày con đường sinh thiên. Như vậy phương trên được hộ trì an ổn không tai họa.’

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Sau khi đức Đạo sư thuyết xong, lại nói:

Bố thí và ái ngữ, lợi hành trong đời này, đồng đẳng (đồng sự) trong các pháp, xử sự tùy thích hợp.

Chính những nhiếp hộ này, khiến thế giới xoay quanh, như cổ xe quay lăn, chung quanh trục bánh xe.

Thế gian không nhiếp hộ, mẹ không được con cái, cung kính và phụng thờ, cũng vậy cha với con.

Trí giả, quán sát rõ, do bốn nhiếp hộ này, đạt địa vị cao đại, và cũng được tán dương.

Sigālovāda Sutta: Dīgha-nikāya III.187–193, dịch Anh P.D.P.

 

Cha mẹ và con cái

Th.50 Đền đáp công ơn cha mẹ

Đoạn văn này nhắc nhở rằng cha mẹ đã cho ta những gì, và ta phải biết báo đáp…

Này các tỳ-kheo, Ta nói có hai hạng người không dễ trả ơn. Hai hạng ấy là những ai? Mẹ và Cha. Này các tỳ-kheo, giả sử hai vai cõng mẹ cha, trải qua trăm năm, đồng thời chà xát, xoa bóp thân thể cha mẹ, hoặc khi cha mẹ đại tiểu tiện trên vai, như vậy cũng chưa đủ đền đáp những gì cha mẹ đã làm cho các ông. Lại nữa, dù các ngươi khiến cho cha mẹ xác lập vương vị với sức mạnh và quyền uy trong thế gian, cùng với châu báu tràn đầy, dù vậy cũng chưa đủ đền đáp những gì cha mẹ đã làm cho các ông. Cha mẹ đã bảo dưỡng và nuôi nấng con cái; dẫn cho con cái thấy thế gian này.

Nhưng này các tỳ-kheo, ai khiến cho cha mẹ không có tín tâm được khuyến khích, được hướng dẫn, được thiếp lập viên mãn tín tâm; cha mẹ có ác giới, khuyến khíchviên mãn thiện giới, cha mẹ keo kiết, khuyến khích… viên mãn bố thí; cha mẹ có ác tuệ, khuyến khíchviên mãn trí tuệ – cho đến như vậy, này các tỳ-kheo, là trả ơn mẹ cha đầy đủ, hoàn toàn đầy đủ. Mātā-pitara Sutta: Aṅguttara-nikāya I.61–62, dịch Anh P.D.P.

Vợ chồng

Th.51 Các phẩm tánh đạo đức của vợ chồng

Đoạn này nêu rõ rằng một trong hai, vợ hoặc chồng, có thể là người xấu – như người tâm địa diệt vong – hoặc là người tốt, như chư thiên.

Này các gia chủ, có bốn loại sống chung này. Bốn loại ấy là gì? Tử thi nam sống chung với tử thi nữ. Tử thi nam sống chung với thiên nữ, thiên thần sống chung với tử thi nữ, và thiên thần sống chung với thiên nữ.

Này các gia chủ, thế nào là tử thi nam sống chung với tử thi nữ? Ở đây, này các gia chủ, người chồng sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói dối, uống rượu…; người ấy hành ác giới, ác pháp, sống tại gia với tâm tư bị quấn chặt bởi cáu bẩn của keo kiết, mạ lỵ phỉ báng các sa- môn, bà-la-môn. Người vợ cũng vậy. Này các gia chủ, như vậy là tử thi nam chung sống với tử thi nữ.

Và này các gia chủ, thế nào là tử thi nam sống chung với thiên nữ? Ở đây, này các gia chủ, người chồng hành xử như trên. Người vợ thì từ bỏ các ác hành ấy. Này các gia chủ, như vậy, là tử thi nam sống chung với thiên nữ.

Này các gia chủ, thế nào là thiên thần sống chung với tử thi nữ? Ở đây, này các gia chủ, người chồng từ bỏ các ác hành ấy. Nhưng người vợ lại làm đủ. Này các gia chủ, như vậy là thiên thần nam sống chung với tử thi nữ.

Này các gia chủ, thế nào là thiên thần sống chung với thiên nữ? Ở đây, này các gia chủ, người chồng từ bỏ các ác hành ấy. Người vợ cũng như vậy. Này các gia chủ, như vậy là thiên thần sống chung với thiên nữ.

Này các gia chủ, có bốn loại sống chung này.Vợ chồng đều tín, thí, tự chế, sống chân chánh,

Nói chuyện với nhau bằng ngôn từ thân ái, Thời lợi lạc sung túc, còn được dễ sanh trưởng, Cả hai đồng giới hạnh, kẻ thù chẳng thích ý.

Dutiya-saṃvāsa Sutta: Aṅguttara-nikāya II.57–59, dịch Anh P.D.P.

Th.52 Cặp vợ chồng đều có giới bằng nhau sẽ sống chung trong đời sau

Đoạn này nói về cặp vợ chồng cuối trong bốn hạng trên.

Bấy giờ gia chủ Nakulapitā và nữ chủ Nakulamātā đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên. Rồi gia chủ Nakulapitā bạch Thế Tôn:

‘Bạch Đại Đức, con cưới Nakulamātā từ khi nàng còn trẻ, còn rất trẻ, con không hề biết đến ngoại tình đối với vợ của con, ngay cả trong ý nghĩ, nói gì bằng thân thể. Vì sao con làm như vậy? Bạch Đại đức, chúng con muốn thấy mặt nhau không chỉ trong đời này, mà còn trong đời sau nữa.’

Rồi nữ chủ Nakulamātā cũng bạch Thế Tôn: ‘Bạch Đại Đức, Nakulapitā cưới con về từ khi con còn trẻ, còn rất trẻ, con cũng không hề biết đến ngoại tình đối với chồng, ngay cả trong ý nghĩ, nói gì đến thân thể. Vì sao con làm như vậy? Bạch Đại Đức, chúng con muốn thấy mặt nhau không chỉ trong đời này, mà còn trong đời sau nữa.’

‘Này các gia chủ, khi cả hai vợ chồng muốn thấy mặt nhau không chỉ trong đời này, mà còn trong đời sau nữa, và cả hai người hãy nên là đồng tín, đồng giới, đồng thí, đồng trí tuệ. Như vậy thì các người thấy mặt nhau không chỉ trong đời này, mà còn trong đời sau nữa.

Cả hai đồng có tín, khoan dung và tự chế, sống chánh mạng như pháp, họ là cặp vợ chồng, đối nhau bằng ái ngữ.

Lợi lạc thật sung mãn, an lạc dễ phát sanh. Cả hai đồng giới hạnh, kẻ thù chẳng thích ý.

Đời này hành như Pháp, cả hai đồng cấm giới, sẽ hoan hỷ thiên giới. Khoái lạc như ước muốn.

Paṭhama-nakula-samajīvī Sutta: Aṅguttara-nikāya II.61–62, dịch Anh P.D.P.

Th.53 Vợ là bạn tối thượng

‘Gì là tài sản của người, ai là bạn tối thượng? …’

‘Con, tài sản của người, vợ là bạn tối thượng.’ Vatthu Sutta: Saṃyutta-nikāya I.37 <81>, dịch Anh P.D.P.

 

Bằng hữu

Th.54 Thiện hữu và ác hữu

Đoạn này hữu ích trong việc giúp ta chọn bạn một cách khôn ngoan, vốn là điều quan trọng, vì bạn bè có thể có ảnh hưởng lớn đến ta. Về những phẩm chất của những thiện hữu tri thức, xem *Th.85–8.

Có bốn loại bạn, này gia chủ, phải được xem là địch tuy vẻ ngoài như là bạn: (i) người vật gì cũng lấy, (ii) người chỉ biết nói giỏi, (iii) người khéo nịnh hót, (iv) và người tiêu pha xa xỉ.

Có bốn trường hợp, này gia chủ, người vật gì cũng lấy phải được xem là địch tuy vẻ ngoài như là bạn: (i) vật gì cũng lấy, (ii) làm ít xin nhiều, (iii) vì sợ mà làm, (iv) thân cận để thủ lợi.

Có bốn trường hợp, này gia chủ, người chỉ biết nói phải được xem là địch tuy vẻ ngoài như là bạn: (i) nói về lợi ích mình có thể đã cho trong quá khứ, (ii) nói về lợi ích mình có thể sẽ cho trong tương lai, (iii) nói về lợi ích vô nghĩa mình sẵn sàng cho, (iv) với việc cần làm trong hiện tại thì tỏ vẻ không may mắn.

Có bốn trường hợp, này gia chủ, kẻ nịnh hót phải xem là địch tuy vẻ ngoài như là bạn: (i) tán thành việc ác của bạn, (ii) không tán thành việc thiện của bạn, (iii) trước mặt, tán thán bạn, (iv) sau lưng, chỉ trích bạn.

Có bốn trường hợp, này gia chủ, người tiêu pha xa xỉ phải xem là địch dù vẻ ngoài là bạn: (i) bạn rượu say sưa cho đến buông lung, (ii) bạn rong chơi đường phố lúc phi thời, (iii) bạn thường xuyên vãng lai đình đám, (iv) bạn đam mê cờ bạc cho đến buông lung phóng dật.

Bốn hạng người này, này gia chủ, phải được xem là bạn chân tình: (i) bạn hay giúp đỡ, (ii) bạn cùng chung vui khổ, (iii) bạn khuyên điều lợi ích, (iv) bạn thương yêu.

Có bốn trường hợp, này gia chủ, bạn hay giúp đỡ phải được xem là bạn chân tình: (i) che chở bạn khi bạn phóng ý buông lung, (ii) che chở của cải bạn khi bạn phóng ý buông lung, (iii) là chỗ dựa khi bạn gặp nạn, (iv) giúp đỡ tài vật gấp đôi khi có việc cần.

Có bốn trường hợp, này gia chủ, bạn cùng chung vui khổ phải được xem là bạn chân tình: (i) thố lộ những chuyện riêng tư của mình, (ii) giữ kín những điều bí mật của bạn, (iii) không bỏ bạn khi bạn gặp khó khăn, (iv) dám hy sinh ngay cả thân mạng vì bạn.

Có bốn trường hợp, này gia chủ, bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là bạn chân tình: (i) ngăn chặn bạn không làm điều ác, (ii) khuyến khích bạn làm điều thiện, (iii) cho bạn nghe điều bạn chưa được nghe, (iv) chỉ cho bạn con đường sinh thiên.

Có bốn trường hợp, này gia chủ, bạn thương yêu phải được xem là bạn chân tình: (i) không vui khi bạn gặp nạn, (ii) vui vẻ khi bạn gặp may, (iii) ngăn những ai nói xấu bạn, (iv) khuyến khích những ai tán thán bạn.

Sigālovāda Sutta: Dīgha-nikāya III. 185–187, dịch Anh P.D.P.

***

[1] Sự khác biệt về màu sắc trong trường hợp này được bỏ qua.

[2] Tức là, chỉ đơn giản bằng cách làm bất kỳ nghề nghiệp cụ thể nào, một người chẳng thể do đó mà trở thành một bà-la-môn chân chánh, nhưng nếu người ấy giải thoát khỏi được các phiền não thì lại có thể.