MÓN QUÀ VU LAN
Thích Phước Hạnh
Lời Nói Đầu
Phàm là con người ai cũng có cha mẹ. Con người biết thưởng thức hạnh phúc đầu tiên trên đời chính là từ cha mẹ. Tình yêu cha mẹ dành cho con hầu như vô tư nhất, chân thành nhất.
Công cha như núi Thái sơn: công sinh có giới hạn, núi có cao nhưng leo mãi cũng có thể tới. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra: nghĩa mẹ nuôi dưỡng con với cả lòng từ mẫu tử thì có khác nào nước trong nguồn chảy ra chẳng bao giờ cạn kiệt.
Cho nên, tình mẹ con thiêng liêng vô bờ bến. Đến ngày lễ Vu Lan, người Phật tử lại được, thêm một lần nữa, tận hưởng suối nguồn hạnh phúc từ cha mẹ. Chúng ta là Phật tử không quên bốn ơn nặng: ơn Tam Bảo, ơn Cha Mẹ, ơn Quốc Gia, ơn Chúng Sinh.
Xin cùng chắp tay dâng lên “Cha Mẹ” bằng tất cả tấm lòng thành kính:
Chim có tổ, người có tông
Con có cha mẹ đẻ
Không ai ở lỗ nẻ mà lên
Con người có tổ có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn.
Quyển sách nhỏ “Món Quà Vu Lan” được xuất bản trong dịp lễ Vu Lan năm 2017 như là món quà biết ơn cha mẹ cả đời hy sinh cực khổ vì con.
Này, hỡi những người con yêu quý! Muốn trở thành người tốt trong xã hội, hãy nhớ khẩu hiệu (slogan) này:
“Hết lòng cha mẹ,
con cháu hiếu thảo”.
TTPG Bồ Đề Đạo Tràng – Hoa Kỳ
Vu Lan 2017- PL. 2561
Thích Phước Hạnh
****
Món Quà Vu Lan
Vu Lan, tiếng Phạn gọi Ullambana; tiếng Hán gọi “Vu Lan Bồn” ( 盂蘭盆). Ullambana có gốc từ động từ “Ud-lamb” là treo ngược lên. Dịch theo tiếng Hán là “Đảo Huyền” (倒懸), tức là treo ngược lên của từ Vu Lan. Từ đó, Kinh Vu Lan Bồn có nghĩa là “Giải Đảo Huyền”. Giải là tháo ra, mở ra. Đảo Huyền là người bị treo ngược lại. Giải Đảo Huyền là tháo mở tội cho những người đang bị treo ngược, là ý nghĩa rất hay mà bài kinh Vu Lan được hình thành.
Vào dịp lễ Vu Lan, tụng bài kinh này là để giúp giải thoát cho những người khổ sở tột cùng đang bị đày đọa ở trong cảnh giới địa ngục. Đây là ý nghĩa đẹp cho thấy giữa người sống và người mất có liên hệ mật thiết với nhau. Do vậy, Vu Lan cũng được hiểu là lễ Báo Hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo toàn cầu, và trở thành một lễ hội lớn, gọi chung là Lễ Vu Lan Báo Hiếu.
Theo Đức Phật dạy, Lễ Vu Lan Báo Hiếu diễn ra sau ba tháng an cư kiết hạ của chư Tăng vào tháng Bảy (âm lịch), trùng với Tết Trung Nguyên của người Hán (Trung Quốc), và cũng trùng hợp với ngày Rằm tháng Bảy Xá Tội Vong Nhân của phong tục Á Đông.
Về tín ngưỡng Phật giáo, người Phật tử xem đây là ngày quan trọng mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân có tội được siêu thoát về cõi Phật an lành. Vào mùa tháng Bảy Vu Lan, con cháu trong gia đình tin Phật phát tâm ăn chay hết tháng Bảy, đi chùa, làm việc Phật sự nhiều hơn ngày thường như: xây chùa, đúc Tượng, tụng Kinh, nghe Pháp, tu tập, công quả, quan trọng hơn là khuyến khích người nhà, bạn thân, hàng xóm cùng làm việc ích lợi may mắn này cho âm siêu dương thới, kẻ còn người mất đều lợi lạc.
Sự tích Bồ Tát Mục Kiền Liên cứu mẹ Mục Liên Thanh Đề là câu chuyện hết sức cảm động về chữ “Hiếu”. Mẹ đã mất từ lâu, con muốn biết mẹ bây giờ đang ở đâu lại là câu chuyện cảm động khác của những người con có lòng thương nhớ mẹ.
Theo các học thuyết khác trên đời, hiếm ai có suy nghĩ tìm mẹ sau khi mẹ mất. Họ chỉ biết tin vào cuộc sống hiện tại, lao đầu vào công việc tìm kiếm danh lợi cho riêng mình, chứ có ít ai hỏi cuộc sống hiện tại của mình từ đâu mà có? Họ không tin có kiếp sống sau thì làm gì có chuyện đi tìm mẹ đã qua đời. Mẹ sống hay mất đều là mẹ của ta.
Đạo Phật một mực đề cao vai trò của cha mẹ, đặc biệt nhấn mạnh đến ý nghĩa của người mẹ trong nhà. Vì mẹ là người cho ta tất cả:
Mẹ có nghĩa là duy nhất
Một bầu trời
Một mặt đất
Một vầng trăng
Mẹ không sống đủ trăm năm
Nhưng đã cho con dư dả nụ cười tiếng hát
…
Mẹ! có nghĩa là ánh sáng
Một ngọn đèn thắp bằng máu con tim
Mẹ!
Mẹ có nghĩa là mãi mãi
Là cho đi không đòi lại bao giờ.
(Ngày Xưa Có Mẹ, Nữ sĩ Thanh Nguyên)
Do vậy, trong Đạo Phật có hình ảnh người con đi tìm mẹ là để tỏ lòng biết ơn mẹ cho ta cuộc sống này. Khắc khoải trong lòng mãi, ngài Mục Kiền Liên đến bạch Đức Phật xin chỉ dạy cách tìm mẹ để báo ơn trả hiếu. Nhờ nhân duyên thưa thỉnh thiêng liêng ấy, Đức Phật nói bài Kinh Vu Lan Bồn và Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân cho mọi người lắng nghe tại chùa Kỳ Viên (Ấn Độ) và được lưu truyền cho đến ngày nay.
Khi còn nhỏ, chúng ta chỉ biết chạy giỡn bên mẹ, lớn hơn tí được mẹ đèo bồng đi học, ra trường rồi chưa có việc làm thì vẫn được mẹ cưu mang lo lắng. Cho đến ngày lập gia đình, mẹ cũng là người chăm sóc chuẩn bị cho đứa con bé bỏng ngày nào giờ sắp sửa bước sang cuộc sống mới. Có buồn không? Có thương không? Người mẹ nào cũng có tâm trạng này. Trong đầu luôn đau đáu suy nghĩ, không biết ngày mai con mình sẽ như thế nào đây, sướng hay khổ, sang hay hèn, vinh hay nhục…, nhưng mẹ vẫn một mực lo toan cho con, mong muốn cho con yên bề gia thất.
Ngày con lên xe hoa về sống cuộc sống mới là ngày mẹ biết thương con nhiều hơn ngày thường. Ngày thường mẹ cũng thương, nhưng thói quen trong đầu cứ nghĩ rằng con mình sẽ ở bên mình mãi mãi. Không nghĩ, rồi con mình cũng lớn khôn. Không nghĩ, rồi đến lúc con mình cũng phải ra đi rời xa mình thôi. Rồi, xong rồi, con mình bị con người ta dẫn đi luôn rồi. Vừa mừng vừa lo đan xen lẫn nhau, cảm xúc khó diễn tả lúc này.
Lúc này, mẹ chỉ biết van vái cầu Phật gia hộ cho con về sống trong môi trường thuận lợi, gặp những người tốt chung quanh, kẻo không thì con mình sẽ khổ lắm. Ai cũng muốn con mình sung sướng, nhưng sướng hay khổ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố phước đức.
Cho nên, làm cha mẹ lúc nào cũng sống hiền lành, tạo dựng phước đức, biết đi chùa tu tập, biết bố thí cúng dường, không gian tham trộm cắp của ai, giúp người thương vật, không hại ai cả. Nhờ đó, con mình gặp được nhiều may mắn khi xa cha mẹ:
Phước đức vun bồi con cháu thảo
Hạnh tu tinh tấn quyến thuộc thương.
(Thơ: Phước Hạnh)
Người Việt Nam, khi đặt chân đến các nước phương Tây sinh sống, bắt đầu làm quen và đón nhận thêm một nền văn hóa mới ở xứ người. Văn hóa là sản phẩm chắt lọc tinh hoa tích tụ lâu đời của một dân tộc và nó nâng giá trị đời sống tinh thần lên rất cao.
Khi tôi đến Mỹ, tôi nhận thấy người ta có nhiều phong tục rất hay. Trước hết, người lãnh đạo phải công khai niềm tin mình đang có và phải đi lễ mỗi tuần. Nếu không có niềm tin rõ ràng vào một tôn giáo nào đó thì lá phiếu cử tri sẽ nghi ngờ khả năng lãnh đạo của người sắp ứng cử và có nguy cơ không thắng cử. Người lãnh đạo giỏi phải có chỗ dựa tinh thần, nếu không sẽ bị thất bại.
Người Mỹ có phong tục tặng hoa, tặng quà vào các ngày lễ Mẹ (Mother Day) tháng năm, ngày lễ Cha (Father Day) tháng sáu, ngày lễ Tạ Ơn (Thanks-giving) tháng mười một, ngày lễ Giáng Sinh (Christmas) tháng mười hai…
Vào mỗi dịp lễ này, các ngôi chợ bán hàng ở Mỹ đều on sale (hạ giá) xuống thấp hơn giá ngày thường. Người dân bản xứ tha hồ đi shopping (mua sắm) đồ hạ giá (rẻ nhưng phẩm chất vẫn tốt).
Theo kinh tế học tính toán, mỗi quốc gia đều có chính sách kích cầu cho quốc gia đó. Mục đích hạ giá ở Mỹ là để kích thích kinh tế, khuyến khích mọi người mua sắm tiêu dùng, nhờ vậy nền kinh tế hoạt động luân chuyển phát triển mạnh nhất thế giới. Thậm chí vào dịp lễ Christmas (Giáng Sinh), các công ty lớn sản xuất ra những mặt hàng liên quan đến hình thức tôn giáo của họ và bán đầy ở các chợ như: mũ đỏ ông già Nô El, cây thông phủ tuyết trắng, đèn trang trí, các đĩa nhạc CD bày bán khắp mọi nơi, máy nhạc mở hát khắp chốn, đi đâu cũng nghe nhạc giáng sinh hát vui nhộn… Tất cả họ cho đó là cơ hội giúp cho người tin theo đạo có sản phẩm đẹp thưởng thức lễ của họ. Không ai coi đó là thương mại hóa tôn giáo, hay là xúc phạm tôn giáo gì hết. Ngay cả người khác đạo họ thấy còn thích thú nữa cơ mà.
Chưa hết, tinh thần họ rất cao, tất cả mọi người phải nghỉ làm để đi lễ trong ngày lễ chính, không được bỏ lễ. Người nào lấy lý do không đi lễ vài lần trong năm coi như không còn là thành viên chính thức trong tôn giáo ấy, mất quyền tham dự lễ mỗi tuần. Không thích chỗ này đi tới chỗ khác cũng thế.
Mới nghe tưởng là khó, thực ra đó là cách họ muốn tín đồ họ phải tôn trọng đấng giáo chủ của họ đang thờ. Lâu ngày trở thành thói quen và trở thành tín đồ ngoan đạo hồi nào không hay. Đặc biệt là họ nhắc nhở nhau đi lễ, cha mẹ dắt con đi lễ, con cái biết nghe lời cha mẹ đi lễ hằng tuần đều đặn không bỏ lễ một cách tùy tiện.
Dù bạn là chức vụ gì, địa vị nào trong xã hội, chủ tịch (president), tổng giám đốc (CEO), giám đốc điều hành (Manager), nhân viên, hay làm nghề gì đều phải nghỉ làm hết. Ngày lễ tôn giáo chính của họ thì đóng cửa. Ngày lễ lớn này mà muốn đi chợ mua đồ cũng không có ai mở cửa để mua. Ngay cả họ là chủ của một công ty cũng phải đóng cửa. Wal Mart là một ngôi chợ bán lẻ lớn nhất nước Mỹ cũng phải đóng cửa để cho mọi người đi lễ.
Như vậy, con người sống cần có chỗ dựa tinh thần nữa. Nếu không có chỗ dựa tinh thần thì cuộc sống họ lúng túng, căng thẳng, bi quan và cảm thấy thiếu một cái gì về mặt tâm linh trong cuộc sống. Và do đó, họ rất coi trọng việc đi lễ mỗi tuần. Họ dùng ngày nghỉ lễ chính của đạo họ để chúc tụng và tặng quà cho nhau (Gift Exchange) trong ngày lễ rất hay và đẹp vô cùng.
Do đó, họ càng đi lễ, cuộc sống kinh tế họ càng khá lên. Cũng đúng thôi, người nào siêng năng đi lễ thì tinh thần sáng suốt, việc tính toán làm ăn dễ dàng hơn. Khi có tiền, họ sẵn sàng trích một phần tiền lương mỗi tuần để lo cho tâm linh cá nhân. Mỗi cá nhân tự nguyện không tiếc đóng góp xây dựng chỗ thờ phượng, họ đi làm từ thiện khắp nơi.
Họ lập trường học từ mẫu giáo (Kindergarten, hệ giáo dục phổ thông Mỹ từ mẫu giáo đến lớp 12, viết tắt K-12), tiểu học (Elementary school, từ lớp 1 đến lớp 5, có nơi lớp 6), trung học cơ sở (Middle High School, từ lớp 6 hoặc 7 đến 8), trung học phổ thông (High School, từ lớp 9 đến 12; freshmen, sophomore, Junior, Senior) đại học hai năm (College), đến đại học bốn năm (University cũng có freshman, sophomore, Junior, Senior), bệnh viện… đều lấy tên tôn giáo họ đặt tên trường. Đạo họ ngày càng mạnh là do vậy.
Chúng tôi ước ao một ngày nào đó cũng có các ngôi trường mang tên trường Phật giáo, giúp đào tạo sinh viên ra trường có kiến thức đời chuyên môn (phần cứng), kiến thức Phật học (phần mềm), sinh sống và làm việc theo tinh thần từ bi và trí tuệ của Đức Phật dạy, góp phần làm giảm tính bạo động trong học đường.
Thỉnh thoảng sinh viên đây đó bị căng thẳng, cảm thấy bị cô lập, bị mặc cảm tự ti thân phận, bị gia đình ruồng bỏ, giận cá chém thớt, không kiềm chế tính khí nóng nảy, rồi dẫn đến tình trạng hiểu lầm nhau và gây ra không biết bao nhiêu cuộc bắn súng đổ máu trong trường. Xã hội chỉ biết lên án những hành động tiêu cực đã xảy ra rồi, chứ ít ai nghĩ ra giải pháp hữu hiệu đóng góp cho đời, đem giáo dục Phật giáo vào trường học.
Chỉ cầu mong sao có những vị đại thí chủ có lòng từ bi lớn, có tâm Bồ Tát lớn xuất hiện ở đời thì mới làm nổi. Tiền bạc không mang theo khi chết, nhưng nếu tạo lập được một ngôi trường Phật giáo thì đóng góp cho đời rất lớn, như món quà để tặng lại cho đời mai sau, đó là danh dự, phước đức cho cá nhân, gia đình, và cả dòng họ nữa…
Chúng tôi thiết tha lạy Phật gia hộ cho những ai có khả năng tài chính đang suy nghĩ về cách đưa giáo dục Phật giáo vào các trường học ở Mỹ nói riêng và khắp thế giới nói chung. Nếu quý vị có phương tiện tài chính, nên suy nghĩ về nó, sẽ phát tâm thực hiện được nó trong nay mai. Dĩ nhiên là làm đúng theo tiêu chuẩn giáo dục Mỹ đàng hoàng như các đạo khác đã làm. Tại sao không nhỉ?
Phật tử khắp nơi sẽ phấn khởi vui mừng có nơi có chỗ gửi gắm con em mình vào các trường học mà tiêu chí chủ đạo là Phật học. Các em sẽ không bị mất gốc rễ con nhà Phật, hoặc lai căn các thứ, mà cái đó không phù hợp tín ngưỡng xưa nay của gia đình mình. Khi ra trường, các em vẫn gặt hái thành công học tập bằng một văn bằng chuyên môn, vẫn giữ được truyền thống Phật giáo trong gia đình, đóng góp hiệu quả cho xã hội rất lớn.
Chúng ta hiểu “nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc”, đến xứ người thì hoà nhập sống theo nếp sống mới của người. Ai không kịp thích nghi cuộc sống mới thì sẽ bị loại ra khỏi miền đất hứa này. Chúng ta có thể hòa nhập nhưng không thể hòa tan trong họ. Chúng ta phải biết chắt lọc cái nào để hòa nhập mà thích nghi cuộc sống.
Chúng ta ra đi tự hào trong tay có một nền văn hiến hơn 4000 năm của dân tộc, con Lạc cháu Hồng. Chúng ta tự hào có một nền văn hóa Phật giáo hơn 2000 năm đồng hành cùng dân tộc Việt Nam. Tổ tiên ta biết tiếp nhận tinh hoa lời Phật dạy và truyền thừa đến cho ta ngày nay. Chúng ta đang thừa hưởng suối nguồn tâm linh êm dịu từ tổ tiên. Chúng ta không được phép làm mất gia tài quý giá này của tổ tiên. Nếu vì lý do gì đó mà đánh mất niềm tin nguồn cội của gia đình, chúng ta sẽ có tội với tổ tiên ông bà trên bàn thờ của mình.
Chúng ta có truyền thống Vu Lan Báo Hiếu cha mẹ rất đẹp. Mỗi khi chúng ta đọc:
“… Noi gương đức Mục Kiền Liên,
Nguyện làm con thảo,
Lòng càng áo não,
Nhớ nghĩa thân sinh,
Con đến trưởng thành,
Mẹ dày gian khổ…”
thì lòng bỗng dưng bùi ngùi xúc động phải không? Đôi mắt bắt đầu ứa lệ. Bao nhiêu ký ức đẹp về mẹ bắt đầu ùa về trong ta bất tận. Ôi thật đẹp làm sao! Mẹ đắp mền cho con ngủ, mẹ nhắc con học bài, mẹ lo cho con từng bữa ăn ngon, mẹ đưa con đi vào đời, mẹ dạy con biết thưa biết dạ với người lớn, biết cách sống khiêm nhường….
Trời nóng gió từ tay mẹ
Đưa chúng con vào giấc ngủ
Trời lạnh vòng tay mẹ
Lại ủ ấm cho chúng con
Lúc nào, ở đâu
Quanh chúng con
Cũng có vòng tay yêu dấu của mẹ.
Nghĩ về lễ Vu Lan, không ai trong chúng ta không khỏi chạnh lòng về mẹ yêu thương. Không xúc động sao được, biết bao đứa bé đang lang thang ngoài phố không nơi nương tựa, biết bao trẻ em mồ côi cha mẹ từ tấm bé không nhà cửa, trong khi chúng ta có đầy đủ cha mẹ bên cạnh. Thế là ta hạnh phúc hơn nhiều người khác lắm rồi. Không còn gì hạnh phúc hơn khi còn mẹ! Đừng đợi đến lúc thức dậy mới thấy mình tủi thân, thiếu thốn tình mẹ cha như cậu bé Rémi không gia đình của Hector Malot. Có khóc than cũng muộn rồi.
Một ngày nào đó, chúng ta sẽ khóc sướt mướt, khóc như chưa bao giờ được khóc, khóc nức nở, khóc không thành tiếng, vì thấm thía nỗi đau mất cha mẹ:
Tôi biết tôi mất mẹ
Là mất cả bầu trời.
(Thơ: Xuân Tâm)
Hôm nay trở về nhà bằng thái độ nhẹ nhàng, không dửng dưng, không mắc cỡ như mọi hôm, dù trai hay gái đều là con của mẹ, chúng ta hãy hỏi thăm mẹ một tiếng đi nào!
Hồi nhỏ tập phát âm “Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ ơi!…” nhiều lần mới được, khó lắm. Nhiều khi con nói chậm, phát âm không được thì mẹ là người buồn trước nhất và nhiều nhất. Khi nói được tiếng “Mẹ”, phát âm được tiếng “Mẹ” thì mẹ cũng là người mừng đầu tiên, hạnh phúc không gì bằng và bao nỗi mệt nhọc của mẹ đều tan biến. Bây giờ cũng vậy, ta thử nói y như vậy: “Mẹ ơi! Mẹ có khoẻ không? Con giúp mẹ nha?” Thì mẹ ta cũng mừng y như ngày xưa vậy. Hỏi thăm một tiếng, cười nhẹ một cái mà có khi mẹ vui sống thêm vài năm, thế tại sao ta phải tiết kiệm lời nói và nụ cười với mẹ nhỉ!!!
Tình thương của mẹ lớn lắm, từ khi biết “con vào dạ, mạ phải tu” thì lo lắng bắt đầu xuất hiện nơi người mẹ. Lo lắng không biết con mình ngày mai sẽ như thế nào đây? Nào là, nào là…? Một loạt lo lắng tiếp nối theo sau đó. Dẫu sao, người mẹ vẫn lạc quan tin vào Đức Phật gia hộ che chở cho con mình yên ổn và bình an. Cho nên, người mẹ cẩn thận lắm, từng lời ăn tiếng nói, không dám nói xấu ai, không dám giận hờn ai, tâm luôn luôn niệm Phật thoải mái thư giãn. Giai đoạn này là giai đoạn thai giáo, giai đoạn quan trọng nhất của một con người có mặt trên đời, tức là dạy con còn trong bụng mẹ. Mẹ nghĩ gì, nói gì thì em bé đều có ảnh hưởng tốt hoặc xấu, vì em bé đang hình thành lớn lên từng ngày trong bụng mẹ thì người mẹ phải cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho con.
Dinh dưỡng có hai phần. Về mặt cơ thể phải ăn uống đúng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Về mặt tâm hồn, người mẹ luôn thoải mái tinh thần, không căng thẳng với bất cứ lý do gì, không giận hờn một cách dễ dàng. Người mẹ mang thai phải hết sức tỉnh táo, phải biết làm chủ cơn cảm xúc nổi lên bất chợt trong tâm. Hằng ngày người mẹ phải cẩn thận với sáu căn (lục căn) tiếp xúc với sáu cảnh duyên bên ngoài (lục trần).
Khi mắt tiếp xúc cảnh trái ý nghịch lòng không để cảnh trái ý nghịch lòng lừa dối mình mà sinh tâm buồn phiền giận hờn thì không tốt cho em bé. Khi tai nghe tiếng khen chê ồn ào không để tiếng khen chê ồn ào lừa dối mình mà sinh tâm buồn phiền giận hờn thì không tốt cho em bé. Khi mũi ngửi mùi khó chịu không để mùi khó chịu lừa dối mình mà sinh tâm buồn phiền giận hờn. Khi lưỡi nếm thức ăn dở không để thức ăn dở lừa dối mình mà sinh tâm buồn phiền giận hờn. Khi thân xúc chạm các thứ không ưa thích không để các thứ không ưa thích lừa dối mình mà sinh tâm buồn phiền giận hờn. Khi ý chịu tác động từ “mắt, tai, mũi, lưỡi, thân” không để “mắt, tai, mũi, lưỡi, thân” lừa dối mình, mà cũng nên bình tĩnh dịu dàng với tâm mình ngay lúc này, cũng đừng lên án phán xét buộc tội đối tượng kia mà sinh tâm buồn phiền giận hờn thì không tốt cho em bé.
Hãy thật bình tĩnh đọc đi đọc lại đoạn trên nhiều lần thì mình mới có thể làm chủ được cảm xúc xấu đang diễn ra trong tâm. Cũng nên đặt câu hỏi tại sao mình xấu tính như thế, mình muốn hạnh phúc mà, sao lại phải khó chịu như thế, để làm gì, có lợi ích gì không…?
Đây là những cảm xúc tiêu cực thường xảy ra hằng ngày trong tâm mình, nó rất là nguy hiểm, người mẹ phải cẩn thận lắm mới được. Làm chủ được những cảm xúc này thì người mẹ có cơ hội tốt nuôi dưỡng đứa con mình bằng những chất dinh dưỡng lành mạnh nhất.
Không suy đoán, không phán xét gì hết thì tâm người mẹ mới thấy dễ chịu và thoải mái hơn. Bởi vì ý mình luôn luôn suy đoán người khác, ý mình hay phán xét mọi thứ dù chưa biết điều đó đúng hay sai. Nếu mình cứ rượt đuổi chạy theo phán đoán bên ngoài thì tâm trí mệt lắm. Những phán đoán này là do nhận thức sai lầm (wrong percep-tion) của mình mà ra, chứ điều mình nghĩ cũng chưa chắc là đúng.
Cho nên phải điềm tĩnh một chút thì mọi thứ ổn thỏa cả thôi. Người mẹ phải biết tập ngồi thiền, ngồi yên lặng tĩnh tâm thì tâm người mẹ mới yên ổn và giúp ích em bé rất nhiều. Chỉ cần ngồi hít thở ra vào sâu và chậm vài lần mà kết quả sức khỏe mang lại ích lợi vô cùng cho nhau.
Một điều nữa mà người mẹ mang thai và người cha nào cũng cần phải lưu ý, phải có thiện chí hợp tác với nhau thì mới giúp cho nhau được. Khi mới thương nhau thì ít ai để ý, nhưng khi có em bé thì phải càng để ý tới nhiều thì mới hy vọng đạt kết quả tốt được.
Con người ai cũng có tự ái. Nhất là khi người mẹ đang trong giai đoạn thai kỳ thì lại càng dễ tự ái mặc cảm hơn, nếu người chồng không tinh ý và am hiểu vấn đề. Người chồng phải giúp một tay thì mới không có tự ái xảy ra cho người vợ.
Ngày thường người vợ cũng đi làm như người chồng, nhưng khi bác sĩ khuyên người vợ sắp xếp thời gian dưỡng thai thì cần phải nghỉ ngơi không đi làm. Khi nghỉ ngơi trong thai kỳ thì người mẹ rất dễ nhạy cảm tự ái. Có khi không phải do người chồng đâu mà do thói quen đầu óc mình hay suy nghĩ mông lung thôi. Cho nên, người chồng phải dành ưu tiên tối đa, có tình thương thật sự trong lúc này thì mới tránh được những hậu quả không hay giữa đôi bên, đặc biệt là em bé.
Nói tới chuyện tự ái và hiểu lầm là chuyện cơm bữa trong cuộc sống này. Mỗi người đều có tự ái theo cách riêng, không tự ái nào giống tự ái nào. Mà hễ tự ái nổi lên đều nguy hiểm và gây hiểu lầm chết người như chơi. Chúng ta đừng xem thường tự ái xảy ra hằng ngày.
Nếu các bạn trẻ có duyên đến với nhau, mà chưa hiểu gì về tự ái và hiểu lầm thì xin các bạn trẻ hãy dành chút thời gian lắng đọng tâm tư nghe tôi kể câu chuyện “Thiếu Phụ Nam Xương” sau đây xem như thế nào nhé.
Ngày xưa, vào thời vua Lý Thánh Tông (1054- 1072), ở huyện Nam Xương (nay thuộc huyện Lý Nhân), tỉnh Hà Nam, miền Bắc, có cô thiếu nữ xinh đẹp, nết na tên Vũ Thị Thiết lấy chồng tên Trương Sinh, người cùng thôn Vũ Điện. Hai người được gia đình hai bên dòng họ ưa thích và chấp nhận cho nên duyên vợ chồng.
Hai vợ chồng về chung sống không bao lâu, chàng Trương phải theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, lên đường nhập ngũ tòng quân, thực hiện nghĩa vụ cao cả phụng sự đất nước, và để lại người vợ trẻ có mang hơn một hai tháng ở nhà.
Ba năm sau, chàng Trương mãn hạn lính trở về, và đứa con cũng đã hơn hai tuổi. Không có niềm vui sướng nào bằng khi gia đình đoàn tụ. Theo truyền thống văn hóa Việt Nam, khi gia đình có điều gì xảy ra thì gia đình phải thắp hương trước bàn thờ báo với tổ tiên biết. Có con học giỏi, ra trường, làm ăn thành đạt, có con sắp được hứa gả đi lập gia đình, hoặc có con cháu bệnh tật gì đó, chúng ta đều phải thắp hương thành kính trình báo cho ông bà tổ tiên biết. Đây là nét đẹp riêng đặc biệt của người Á Đông chúng ta.
Vừa đặt chân về đến nhà, chàng Trương có cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Nỗi buồn lớn của chàng là mất mẹ khi chàng còn trong quân ngũ và niềm vui chất ngất là được về nhà sum họp gia đình sau bao nhiêu năm xa cách. Chàng Trương liền bảo với người vợ trẻ đi ra chợ mua phẩm vật nhang đèn để chàng đi viếng mộ mẹ và về làm mâm cơm dâng cúng tạ ông bà tổ tiên.
Trong khi người vợ đi chợ mua đồ, người chồng tìm cách chơi với đứa con, nhưng hai mắt nó giương thao láo, nghe thấy mà chẳng nói gì. Chắc là nó vừa thấy lạ vừa sợ.
Chàng Trương cầm lễ vật và bế luôn cả đứa bé đi viếng mộ mẹ. Quãng đường từ nhà ra mộ mẹ khá xa, chàng vừa đi vừa sụt sùi làm cho đứa bé sợ hãi, hai tay cứ ôm riết lấy cổ bố. Chàng thắp hương trước mộ mẹ, có nhiều cảm xúc thương mẹ, nhiều kỷ niệm với mẹ, rồi oà lên khóc nức nở. Vừa khóc lóc vừa kể lể nguồn cơn, vật vã gào lên những hồi thảm thiết. Người lớn khóc, đứa bé cũng khóc theo. Chàng Trương nhìn đứa bé khóc liền tới dỗ con. Lần đầu tiên trong đời, đứa bé được nghe chàng ta gọi là “con” và xưng là “bố”.
“Thôi, nín đi con, đừng khóc nữa. Bà nội đã mất rồi, lòng bố cũng đang tan nát đây. Nào đứng lên, về với bố đi con”, chàng Trương nói.
Đứa bé giương cặp mắt nhìn người bố ngơ ngác. Trong đầu nó có một người bố đen trùi trũi, đêm nào cũng trở về với hai mẹ con nó kia mà. Người bố ấy không bao giờ nói, nhưng lần nào mẹ nó cũng bảo đấy là bố thật. Nó đã tin theo và trả lời chàng Trương rằng: “Ô…ông… không phải là bố của tôi. Bố tôi đến tối mới về lận!”
“Ai bảo thế?”, chàng Trương hỏi.
“Mẹ!”, đứa bé giương mắt thao láo đáp.
Cơn cảm xúc tức giận nổi lên, máu dồn lên mặt, hai tai ù đặc, tay chân run lẩy bẩy, chàng Trương bế thốc đứa bé về nhà, nét mặt hằm hằm, cộc cằn thô lỗ. Chàng Trương không thèm nhìn tới vợ, không nói chuyện với vợ. Anh lạnh nhạt vô cùng.
Nàng thiếu phụ Nam Xương buồn bã và đau xót quá. Nàng không hiểu tại sao thái độ của chồng thay đổi như thế từ khi đi viếng mộ mẹ về… Nàng thầm lặng chịu đau khổ một mình suốt một thời gian. Chị nấu cơm, anh ấy không ăn. Anh bỏ nhà đi la cà ở các quán rượu tới khuya mới về. Ngày nào cũng vậy. Chị chịu không nổi. Cuối cùng, nàng đi tìm tới cái chết là gieo mình xuống dòng sông Hoàng. Nghe tin vợ chết, anh mới trở về nhà.
Đến tối căn nhà tối om, anh đi tìm đèn châm lửa, vừa thắp cây đèn dầu cho sáng nhà, cái bóng của anh cũng in rõ trên vách thì đứa bé dụi mắt đột nhiên la lớn: “Ô! Mẹ ơi, bố kia kìa! Mẹ ơi, bố kia kìa!” và nó chỉ vào cái bóng của bố nó trên tường và chạy lại ôm chầm lấy cái bóng. Lúc này, tim chàng Trương thắt lại, nước mắt chàng ứa ra… mới hiểu được sự thật là không hề có một ai khác cả.
Sự thật là trong những ngày chàng Trương đi vắng, buổi tối đứa bé hay hỏi mẹ: “Bố đâu?”, người thiếu phụ thường chỉ vào cái bóng của mình trên vách, nói đùa với con: “Bố kia kìa!”
Khi hiểu được lời con nói, chàng Trương mới lạnh toát cả người. Tất cả chỉ là sự nhầm lẫn nhưng đưa đến hậu quả giết mất người vợ đảm đang và chung thủy.
Chàng Trương đã lập đàn cầu siêu cho người vợ chết oan và thề nhất quyết sống một mình cho đến hết đời, lo nuôi con học hành thành đạt.
Đến đời Hậu Lê, vua Lê Thánh Tông (黎聖宗- 1442- 1497, cháu nội Lê Thái Tổ (Lê Lợi), tên thật là Lê Tư Thành (黎思誠) , con thứ tư của Lê Thái Tông, là hoàng đế thứ năm của thời Lê nước Đại Việt, là vị hoàng đế trị vì lâu nhất thời Hậu Lê, 38 năm. Lê Thánh Tông là một nhà thơ, nhà văn lớn, có hàng ngàn sáng tác bằng chữ Hán, chữ Nôm, ngày nay còn hơn 350 bài) có dịp đi ngang qua, thấy cái miếu thờ nàng họ Vũ, gọi là: “Miếu Vợ Chàng Trương”. Nghe kể câu chuyện thương tâm ấy, vua liền ứng khẩu một bài thơ:
Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương
Ngọn đèn dầu tắt đừng nghe trẻ
Dòng nước can chi luỵ đến nàng
Chứng minh có đôi vầng nhật nguyệt
Giải oan chi mượn đến đàn tràng
Qua đây mới biết nguồn cơn ấy
Há trách chàng Trương quá phũ phàng.
Câu chuyện “Thiếu Phụ Nam Xương” đến đây tạm khép lại. Câu chuyện cho ta cái nhìn tổng thể là nỗi khổ buồn đau của đôi bên còn quá lớn về “tự ái”. Tự ái là gốc của si mê mà ra. Nếu ta biết một ít Phật Pháp thì ta phải cầu viện đến nguồn năng lượng chánh niệm để soi sáng cho ta bớt tự ái.
Chàng Trương là người bị hiểu lầm về câu chuyện của đứa con nít ngây thơ. Cái thấy của đứa con nít là vậy, thấy sao nói vậy. Do người lớn chủ quan tin vào câu nói “Đi hỏi già, về hỏi trẻ”, cho nên mới đưa đến nhận thức sai lầm chết người đáng tiếc như vậy. Chàng Trương thấy mình bị tổn thương nặng, nỗi khổ quá lớn, tự ái tràn ngập trong lòng, tỏ ra khinh thường vợ và nghĩ rằng làm như vậy thì mình mới hết khổ. Chàng càng hắt hủi vợ chừng nào thì chàng càng khổ đau chừng ấy, đây là quy luật, và đương nhiên là nàng cũng khổ đau theo luôn. Mặt khác chàng Trương cũng là người gây ra hiểu lầm cho vợ tự ái và dẫn đến cái chết oan uổng cho vợ.
Trong trường hợp này không trách ai được. Bên nào cũng có tự ái trấn ngự ở trong lòng, không bên nào chịu nói ra bằng tình thương thì dẫn đến chuyện hiểu lầm là chuyện tất yếu, vì cả hai đều là con người còn yếu kém và vụng về. Cả hai đều là nạn nhân của câu chuyện con nít ngây thơ kia, xét cho cùng thì đáng thương hơn là đáng trách.
Trong lúc bố đi lính xa nhà, con hỏi mẹ “bố đâu?”, mẹ thương con, chỉ cái bóng dạ trên tường là bố. Đứa bé tưởng thật, trong đầu bé cứ tưởng bố tôi là cái bóng đen trùi trũi trên tường đêm về mới có, còn ông bố thật trước mặt thì cho rằng không phải bố mình. Người lớn nào nghe mà không tức điên lên được? Đức Phật nói con người sống “nhận giả làm chân” là đây. Cái thật cho là giả, cái giả cho là thật. Cái thật là cái bình an bên trong của mình, cái giả là cái bên ngoài đưa vô, không phải mình. Nghe, ta phải bình tĩnh mà nghe. Thấy, ta phải bình tĩnh mà thấy. Cái khổ của chúng ta hằng ngày là do nghe và thấy sai lầm mà ra.
Khi nào tâm mình thật sự bình an, khi ấy lời nói, suy nghĩ mới chín chắn và chững chạc, mới không gây sự hiểu lầm tự ái cho người khác. Tâm ta có thói quen vừa thấy cái gì, vừa nghe cái gì là dao động, lung lay như ngọn đèn trước gió, làm sao sáng suốt được. Chúng ta thường không sống bằng cái thật bên trong của mình.
Giông bão đến, ta phải biết về nhà đóng các cửa chính và cửa sổ nhà lại. Cửa nào đóng không kịp, gió mưa đều có thể luồn vào trong và gây ảnh hưởng làm cho căn nhà của ta tan hoang lạnh lẽo. Nếu chúng ta không biết đóng các cánh cửa của sáu giác quan thì bão tố cảm xúc sẽ làm cho tâm ta chao đảo liên tục. Chúng ta có tổng cộng sáu cánh cửa giác quan là mắt tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Đây là sáu cửa ngõ chính dẫn lối cho các tự ái phát sinh. Chúng ta không biết cảnh giác sáu giác quan đang mở toác thì chính sáu giác quan kia vẫn sẽ còn lừa gạt ta dài dài.
Tự ái từ đâu mà có? Ai tạo ra tự ái cho ta? Có phải do ta tạo ra tự ái hay do ai khác ngoài ta? Nếu ta không có “tước cao, quyền lớn, lộc nhiều” thì chắc ta cũng không có tự ái đâu. Con người có một chút gì đó thì mới có tự ái. Thử như người vô gia cư (homeless) thì lấy đâu ra tự ái. Người đi đường giơ tay cho tiền họ, họ vui, mà không cho họ gì hết, họ cũng vui. Thậm chí nói nặng họ, họ cũng vui. Thế là không có tự ái. Còn chúng ta thì đụng đâu tự ái đó, sẵn sàng tự ái, đầy tự ái mỗi ngày. Làm sao người thân mình sống nỗi?
Chàng Trương là con nhà giàu nên dễ có tự ái. Nàng kia xinh đẹp giỏi giang nên cũng có tự ái riêng. Càng giàu càng đẹp càng dễ có tự ái nhiều hơn, và cũng càng khổ đau nhiều hơn. Lòng có tự ái, không biết kiềm chế, không tu tập chuyển hóa, thì việc vung vãi đau khổ và những thái độ thiếu tôn trọng lên nhau giống câu chuyện thiếu phụ Nam Xương xảy ra ở thế kỷ 11 (cách đây 10 thế kỷ, nay thế kỷ XXI) là chuyện đương nhiên.
Nếu thiếu phụ Nam Xương mà chịu ngồi xuống trong bình tĩnh để hỏi chàng đôi câu. Tại sao anh có thái độ lạnh nhạt với em như thế từ khi anh đi viếng mộ mẹ về? Em có làm gì cho anh tổn thương không, v.v…? Và anh cũng biết đấy! Trong em vẫn còn nhiều thứ non dại, vụng về… Khi ta nói ra được vài câu như thế thì lòng ta nhẹ nhõm trước, biết đâu có thể tháo gỡ được gút thắt khó khăn trong lòng mình và người kia. Tại vì ai cũng có tự ái trong lòng.
Tự ái ghê gớm lắm. Tự ái khóa chặt cái lưỡi của đôi bên, nó không cho ai mở miệng nói ra được một lời nào. Nhưng một khi được nói ra bằng tình thương thì cứu vãn được tình thế khó khăn đó của đôi bên.
Muốn có hạnh phúc thì đừng để tự ái xen vào. Mà hễ tự ái nổi lên trấn ngự thì đánh mất hạnh phúc của ta ngay. Ở đâu cũng có tự ái. Lĩnh vực nào cũng có tự ái. Cấp bậc nào cũng có tự ái. Chỉ trừ khi các bạn có hành trì một chút Phật Pháp. Ở đây, tôi xin nhấn mạnh là các bạn có “hành trì”, chứ không nói “hiểu” Phật Pháp đâu. Có nhiều người hiểu Phật Pháp lắm mà không hành trì, đụng chuyện dù nhỏ, thì tự ái vẫn là tự ái mà thôi.
Hành trì là sự thực tập ngồi yên, nhắm mắt quay vào trong khoảng mười – mười lăm phút mỗi ngày, vài ngày trong tuần. Một năm sau, bạn là người làm chủ được cơn cảm xúc tự ái bộc phát bất chợt. Nếu không thực tập như thế, bạn là người làm nô lệ cho tự ái. Mà bạn biết đấy! Nô lệ tự ái thì nhìn khủng khiếp lắm. Có ai nổi tự ái lên mà đẹp đâu phải không?
Cho nên, cả chồng lẫn vợ đều phải thực tập sống nhẹ nhàng trong lúc này, tức là thiền tập. Thiền tập là tập nhận diện những khi tự ái, những cơn giận, hờn ghen sắp có trong tâm mình. Thiền tập là ý thức rất rõ từng tâm niệm động tịnh sắp diễn ra trên thân mình, xung quanh môi trường đang sống. Tuyệt đối làm cái gì cũng đều phải nhẹ tay, không để gây ra tiếng ồn trong nhà. Ai cũng thích nhẹ nhàng yên lặng.
Nếu muốn em bé sau này khôi ngô tuấn tú, thông minh học giỏi thì người mẹ phải biết mỉm cười với con từng giây từng phút. Cười mỉm là thể hiện sự thoải mái nhẹ nhàng trong lòng. Cười nhẹ là người mẹ đang thể hiện tình thương sâu sắc đối với đứa con sắp chào đời.
Con là tài sản quý báu của cha mẹ, nhưng cha mẹ không biết cách giữ gìn thân tâm an lạc, đi đứng khoan thai nhẹ nhàng thì đứa bé sẽ chịu hết trách nhiệm những hành vi đáng tiếc ấy do cha mẹ gây ra. Cho nên, nhẹ nhàng và mỉm cười là liều thuốc tâm lý hay nhất, mầu nhiệm nhất cho con.
Nếu lỡ không may có một tình huống nào bất như ý xảy ra giữa đôi bên thì người chồng là người chủ động tìm cách làm giảm nhiệt tình trạng căng thẳng đó xuống. Nếu để cho tình trạng đó căng như dây đờn thì nguy to đấy! Cảm xúc dâng trào, tự ái bộc phát, đôi bên còn yếu kém, không bên nào biết cách chủ động làm dịu tình hình thì ôi thôi nhiều thứ phiền toái lắm đấy!
Bằng cách nào? Người chồng chỉ cần làm thinh, giữ im lặng mà không tỏ ra buồn phiền trách móc, hít thở vào thở ra vài hơi thật sâu, rồi mỉm cười thì tình hình sẽ lắng dịu ngay. Đây là tình thương đích thực (true love) dành cho nhau, chứ có phải cuộc so tài thi thố gì đâu mà khó nhường khó nhịn, rồi than thở “khó quá!”. Hễ có tình thương thật sự thì không có gì khó hết, chỉ sợ mình chưa thương nhau đủ thôi.
Để có thể giải quyết những tình huống xấu bất thình lình xảy ra, người chồng phải thường xuyên thực tập thiền yên lặng trước, có ý thức trước sẵn trong đầu là không muốn tạo ra bất cứ điều gì để hiểu lầm nhau. Đây là nếp sống chánh niệm của nhà Phật, cũng là nếp sống văn minh của thời đại con người ngày nay. Từng lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ hành động đều được huấn luyện và thực tập nhẹ nhàng, tức là hiểu ý nhau hết tất cả.
Hiểu ý nhau là làm việc gì cũng vì tình thương cho nhau, không cố ý làm bên kia hiểu lầm, không cố ý khiêu khích châm chọc, không làm tổn thương lẫn nhau nữa. Đừng đợi tới lúc có việc xảy ra, rồi mới đi tìm phương pháp giải quyết, chạy vạy đi kiếm người giúp đỡ thì chắc chắn sẽ lúng túng. Rồi chính ta cũng không biết tại sao, rồi nói: “tưởng.., tưởng là…, tưởng mà…, tưởng đâu…, tưởng là vậy…, v.v…” mọi thứ muộn màng thì tội nghiệp cho gia đình mình, tội nghiệp con mình lắm, đứa bé lãnh đủ hết.
Nên tạo không gian sống yên bình chung quanh mình. Nên đặt ra mục đích là muốn con mình sau này thành loại người nào trong xã hội này: đẹp hay xấu, giỏi hay dở, thông minh hay ngu đần, ích lợi cho đời hay có hại cho đời… Không nên để con mình sinh ra đời, trôi dạt bồng bềnh như lục bình trôi con sóng nước. Có thấy tội nghiệp cho con mình không?
Nếu muốn con mình thành bậc vĩ nhân lỗi lạc ở đời thì treo hình Đức Phật Thích Ca. Nếu muốn con mình thành người năng động cứu độ chúng sinh thì treo hình Bồ Tát Quán Thế Âm. Nếu muốn con mình thành bác sĩ lương y tài giỏi, cứu nhân độ thế thì treo hình Đức Phật Dược Sư… Không nên treo những tranh ảnh hung dữ, không nên xem báo chí, phim ảnh kinh dị có tính bạo động chém giết máu me, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi em bé trong tương lai.
Đến đây, chúng ta thấy tình mẹ quá bao la với chúng ta phải không? Chúng ta có một thói quen là hay hẹn hay chờ, lần này không được thì lần khác. Chẳng có ai nghĩ tới vô thường nhanh chóng, phút trước phút sau đã khác, hơi thở vô mà không thở ra thì sao nhỉ? Lần tới, sang năm, chắc gì mình còn sống, chắc gì còn mẹ trên đời để nói lời yêu thương với mẹ nữa. Ta không nên trì hoãn, hẹn lần hẹn lữa, rồi mất cơ hội:
Hẹn chi rứa thời gian qua đi mãi
Ta đợi chờ năm tháng có chờ đâu
Biết đâu đây hạnh phúc đẹp muôn màu
Tình muôn thuở như bình minh rực rỡ.
(Thơ: Phước Hạnh)
Cuộc đời ban tặng cho ta một món quà cuộc sống tốt đẹp bằng một người mẹ đôn hậu nhân từ. Những lúc sóng gió cuộc đời, không biết sao mẹ vẫn đủ sức bảo bọc ta, che chở cho ta qua khỏi bao gian truân vất vả, và ai đó nói về cha mẹ rất đúng:
Nhận một đời bão tố
Cho con mãi bình yên
Cũng vì lý do đó, nói đến cha mẹ, ai trong chúng ta mà không khỏi bùi ngùi xúc động với bao cực nhọc, hy sinh cả một đời vì con. Cái thiên chức làm cha mẹ cao quý bao nhiêu thì công lao nuôi dưỡng con cái cũng to lớn như núi như biển bấy nhiêu.
Tình mẹ là gì? Mà sao ai cũng đề cập, bàn đến mỗi khi lễ Vu Lan về? Có lẽ cuộc đời này sẽ không đẹp nếu không có tình mẹ. Mỗi ngày thức dậy, chắc chắn ta sẽ mong muốn được yêu thương và yêu thương cuộc sống này, đặc biệt yêu thương mẹ. Mùa Vu Lan năm nay sẽ có ý nghĩa hơn khi ta đọc bài thơ “Tình Mẹ”:
Sáng nay thức dậy
Lòng bỗng vui mừng
Bao lâu rồi chưa được thấy người mình thương
Mơ màng hay mộng mị cũng không
Nhưng hôm nay sao sự thực hiển nhiên
Đứa con cưng nhiều đời nhiều kiếp
Nhân duyên đẹp hay tình mẹ con đẹp
Con chỉ biết ngắm nhìn mẹ và nói
Ôi hỡi!
Sao con được may mắn
Bên cạnh yêu thương của mẹ…
Rồi từ đây,
Con sẽ trưởng thành và lớn khôn theo năm tháng
Suốt cuộc đời mãi mãi bên mẹ yêu
Lắm lúc con biết,
Mẹ cực nhất nhưng tình mẹ vẫn bao la
Không than phiền hay trút giận vu vơ
Mẹ cũng sợ tình mẹ con mất đẹp
Mãi một đời, cho nên, con được trọn tình thương.
(Thơ: Phước Hạnh)
Có một câu chuyện kể về tình mẹ, tình mẫu tử rất hay và ý nghĩa trong đạo Phật. Chuyện kể: Một hôm, mẹ bảo con trai, trưa nay con hái rau đay nấu bát canh cua, mẹ đi bán về, hai mẹ con ăn nhé. Cậu bé vâng ạ. Mẹ đi, cậu bé chạy đi chơi, nghe đám học trò đang gò lưng tập viết, đồng thanh đọc theo thầy giáo: “Nhân chi sơ tính bản thiện”…
Đến trưa chạy về, cậu bé nghĩ hôm nay mình sẽ nấu món canh rau đay với nước giã cua, mẹ đi bán về mệt, ăn vào chắc chắn khoẻ ra ngay, và mẹ sẽ khen con trai mẹ giỏi ghê, mẹ sẽ thưởng cho mấy cái hôn vào má. Khi định trút cua ra cối giã, chợt thấy cua sùi bọt trên thân cua, cậu bé ngẩn ra nhìn kỹ. Thì ra cua cũng biết khóc ư? Chúng sợ mình giết chúng đây mà. Tội nghiệp quá đi thôi, làm sao mình nỡ hại chúng được nhỉ? Cậu bé mang giỏ cua ra bờ ao, trút hết cua xuống đất. Lũ cua mừng được hồi sinh, vội vàng bò đi tản mát. Cậu bé nhìn theo mỉm cười…
Khi mẹ đi bán về, cậu bé rất có hiếu, biết rót nước mẹ uống, quạt mát cho mẹ, thấy mẹ buồn biết rúc đầu vào lòng mẹ thỏ thẻ đôi câu. Nếu không có đứa con này, chưa chắc cô có thể gắng sống đến bây giờ. Nghĩ đến con, người mẹ thấy lòng dịu mát.
Tới bữa cơm trưa, mẹ nhìn bát cà muối nằm chỏng chơ trên chiếc mâm tre. Người mẹ hỏi nhẹ: Con quên nấu canh cua rồi hả? Cậu bé đáp: Dạ không mẹ ạ. Lúc bắt cua định cho vào cối, con thấy chúng khóc thấy tội quá, nên con đã thả ra hết. Người mẹ nghe, nổi giận, trố mắt nhìn con. Lát sau mới thốt lên, la đứa con: Tại sao thế, tại sao thế? Đứa con hoảng sợ chạy ù ra khỏi cửa. Người mẹ đói bụng mệt lả người, gục mặt vào cạnh bàn, đôi vai gầy guộc rung lên từng hồi trong cơn đau khổ xé lòng. Khi tỉnh dậy, nhớ lại chuyện la con lúc trưa, hốt hoảng gọi con, nháo nhác tìm con, không nghe tiếng con trả lời, là lúc đứa con đang xa dần mình rồi.
Sau 40 năm xa cách, người mẹ trẻ ngày nào giờ thành một bà cụ cô đơn, còm cỏi, sống hiu quạnh nơi quán nước bên đường. Mắt đã mờ, tai đã lãng, nhưng nỗi nhớ thương ân hận vẫn còn tươi nguyên, vẫn còn da diết. Bà cụ ra đi tìm con, một chút tia hy vọng nhìn lại mặt con, ôm con trong vòng tay, nói lời xin lỗi con. Chút hy vọng nhỏ nhoi kia như sợi tơ giữ bà liên hệ với cuộc đời. Lúc này, sức đã mòn, chân đã yếu, bà cụ đành quay về lại ngôi làng cũ năm xưa, dựng tạm quán nước bên đường trú thân sinh sống, tiện việc hỏi thăm tin tức đứa con lưu lạc.
Đang mong ngóng con, như lại có luồng sinh khí tràn vào thân tâm khiến bà mạnh lên, trẻ lại. Thì ngoài kia, có tiếng gõ cửa vang vọng và gọi, bà giật mình ngẩng lên chào hỏi, đó là một vị tu sĩ, trạc tuổi 50, giọng nói hoà nhã trầm ấm hỏi:
– Bà cụ mở quán nầy lâu chưa?
Bà cụ bưng trà mời, chắp tay cung kính đáp:
– Bạch Thầy, con mới mở vài năm nay thôi ạ. Trước đây con cũng ở làng này, nhưng tận sâu trong rẫy lận.
Vị Thầy nhìn theo ngón tay cử chỉ của bà cụ và nhận ra điều gì, vội hỏi tiếp:
– Thế… bà cụ ở đây cùng với con cháu chứ?
Vừa nghe, bà cụ đưa tay áo lên lau giọt nước mắt nhớ con lâu nay ứa ra, buồn bã trả lời:
– Bạch Thầy, trước kia con có một đứa con trai. Năm lên 12 tuổi, chỉ vì một chút la rầy, nó sợ đánh đòn mà bỏ con đi biệt tích tới giờ. Con tìm nó suốt 40 năm, nhưng không gặp. Giờ con sức mỏn hơi tàn, con cũng gắng sống chờ gặp lại nó, nói với nó một câu xin lỗi, rồi mới yên tâm nhắm mắt, Thầy ạ….
Thần giao cách cảm, tâm sự chất chứa bao năm đầy ắp, giờ có dịp được trút cạn nỗi niềm. Vị Thầy sững sờ, ngồi lặng thinh. Trước mặt ngài hiện rõ hình ảnh một đứa bé gầy guộc đen đủi, mặc chiếc quần cộc đen, ngồi nhìn đám cua đang khóc trong giỏ, lui cui thả chúng xuống ao, và một trận la chí tử.
Vết thương nào rồi cũng lành, nhưng vết thương lòng trong tâm hồn non trẻ vẫn còn đó. Đứa bé chạy trốn khỏi nhà là vì nhận ra một người khác nơi mẹ mình, một con người sân hận hung dữ mà đứa bé chưa hề gặp bao giờ. Do sợ mà chạy mãi đến bất tỉnh, đứa bé được một vị Thầy già đưa về chùa săn sóc. Cơn chấn động tinh thần được thoa dịu bởi tấm lòng bao dung trìu mến của vị Thầy già. Đứa bé sống nương tựa cửa Phật, dưới sự giáo dưỡng của sư phụ trụ trì. Lúc trưởng thành lớn khôn, đứa bé lưu lạc năm xưa giờ trở thành vị trú trì kế thừa ngôi chùa.
Nhớ đến mẹ già chắc đã yếu, quạnh quẽ cô đơn, Ngài tìm về làng xưa, nhưng tất cả đã thay đổi. Ngài nguyện tìm mẹ cho bằng được, nếu không thì tu hành làm gì mà chữ hiếu chưa trả xong. Đức Phật sẽ không phụ người thành tâm, mẹ con chắc có ngày đoàn tụ.
Sự mầu nhiệm như cứ ngỡ trong mơ. Mẹ đang ngồi trước mặt Ngài, đang kể về những năm tháng đau khổ trong đời mình. Phải chăng từ lâu không có ai lắng nghe bà cụ bằng tất cả tấm lòng, hay vì sợi dây tình cảm thiêng liêng đã rung lên thành điệu nhạc vô thanh?
Nhìn mẹ say sưa nói mà nội tâm Ngài đang đấu tranh bởi hai tư tưởng trái ngược. Một bên là tình cảm thông thường, muốn ôm chầm lấy mẹ, khát khao hít đầy lồng ngực mùi mồ hôi quen thuộc của mẹ. Bên kia là trí tuệ, lòng từ bi của một vị tu sĩ, muốn độ mẹ hiền qua biển khổ sinh tử. Nếu đem bà cụ về, thì sợ bà cụ còn tính ỷ lại con mình trú trì, còn tham sân si thì sao khỏi tổn phước. Nếu không đem bà về thì chẳng hóa ra bạc bẽo tàn nhẫn lắm sao? Làm thế nào trọn vẹn cả đôi đường, Ngài có thể gần gũi chăm sóc mẹ, hướng dẫn mẹ tu hành theo chánh pháp.
Chợt một ý nghĩ loé lên. Ngài mỉm cười tự nhủ: Phải, cần phải làm như thế. Nắm bàn tay nhăn nheo gầy guộc của mẹ, Ngài dịu dàng hỏi:
– Này cụ, cụ có muốn theo tôi về nương cửa Phật không? Bà cụ mừng rỡ thốt lên:
– Được thế thì còn gì bằng. Nhưng bạch Thầy, con già yếu thế này, đâu thể làm công quả cho nhà chùa được ạ?
Thầy vỗ nhẹ vào tay mẹ:
– Bà cụ đừng lo. Người khỏe có việc của người khỏe, người già yếu có việc cho người già yếu. Bà cụ ở chùa, sớm hôm niệm Phật, biết đâu nhờ Phật độ trì mà sớm tìm gặp con mình.
Từ đó, bà cụ về ở cốc nhỏ sau chùa. Bà sống cạnh vị Hòa thượng trú trì, mà bà không biết mình đang sống cạnh người con yêu quý của mình. Sáng nào, Ngài cũng đến thăm bà, hỏi han sức khoẻ, nhắc bà niệm Phật. Ngài phân công bà nhặt hoa lá rụng trước cốc, khỏe làm mệt nghỉ. Cũng thật lạ, từ khi về nương dưới mái chùa, mỗi ngày được Ngài đến thăm, bà tự nhiên thấy mình vô cùng hạnh phúc. Nỗi nhớ mong đứa con lưu lạc từ lâu nặng trĩu, bây giờ bỗng tiêu tan đâu mất. Bà cầu nguyện Đức Phật phò hộ độ trì cho Hoà thượng mạnh khỏe sống lâu để làm lợi ích cho nhiều người.
Người già như ngọn đèn cạn dầu, chỉ cần một cơn gió nhẹ là lịm tắt. Bà cụ bị bệnh cảm, sức lực cạn kiệt, toàn thân ê ẩm, rét run từng cơn, môi khô miệng đắng, Ngài tự tay chăm sóc thuốc thang chu đáo tận tình.
Có lần bà cụ vừa khóc vừa thưa:
– Bạch Thầy, xin Thầy để con lo, con khắc tự mình làm được. Thầy chăm con thế này, con e tổn phước lắm ạ.
Ngài dịu dàng nói:
– Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật. Bà cụ chỉ có một mình, không con không cháu, tôi thay con bà lo cho bà cũng được, có sao đâu?
Sau đó, có một nữ Phật tử đến chùa thay Hòa thượng chăm sóc bệnh tình bà cụ.
Hoà thượng là hiện thân của Phật, sinh ra trong gia đình con một. Ngài thương xót hoàn cảnh nghèo khó neo đơn của bà, đến với bà bằng tấm lòng từ bi, ban vui cứu khổ. Bà cụ nghe theo chỉ dạy của Hòa thượng, mỗi ngày siêng năng niệm Phật, gạt bỏ phiền não, hiểu được bao đời trước đã tạo nhân xấu, kiếp này phải nhận quả khổ. Bà không oán trách mình, không oán trách người, lòng bà ấm áp Phật Pháp, vơi nhẹ đi bao nhiêu buồn đau hận tủi.
Lúc bà cụ mất, Hòa thượng đi Phật sự chưa về. Khi về đến chùa, Ngài đi quanh quan tài bà cụ ba vòng và nói rằng, Đức Phật có dạy: “Nhất nhơn thành đạo, cửu huyền siêu thăng” (trong nhà có một người tu theo Phật, cả dòng họ tổ tiên đều nhờ phước ấy sanh về cõi Phật). Nếu quả thật lời này không hư dối, xin Tam Bảo chứng minh cho lời nguyện này của đệ tử được linh ứng. Ngài vừa dứt lời, chiếc quan tài bà cụ bỗng nâng lên cao, sát mái chùa, lơ lửng không trung. Mọi người đồng loạt quỳ xuống, chắp tay, ngẩng mặt nhìn lên trong niềm kính ngưỡng tột cùng. Mắt Hòa thượng sáng ngời, an trú chánh niệm trong giây phút hiện tại tuyệt vời. Ôi! một khoảnh khắc linh nghiệm đẹp mà đằng đẵng thiên thu.
Tâm hiếu của người con hòa lẫn trong tâm từ của một bậc đắc đạo siêu phàm nở ra đóa sen thơm hương tinh khiết, vô hình mà bất diệt, vô thanh mà tràn ngập âm hưởng kỳ diệu, vô tướng mà chan hòa khắp cùng pháp giới.
Sau khi an táng bà cụ xong, Hòa thượng trở về ngôi làng xưa của mẹ, lập một ngôi chùa tên là “Mại Trà Lai Tự”, và cốc am tranh mẹ ở chùa có tên là “Dưỡng Mẫu Đường”.
Hòa thượng là thiền sư Tông Diễn, hiệu Chơn Dung (1640-1711), người Việt Nam, thời vua Lê Hy Tông (1663-1716), là một trong những vị vua anh minh đức độ, thịnh trị nhất thời Lê trung hưng. Đối với triều đình và tứ chúng hàng đệ tử, Ngài là thiền sư Tông Diễn lỗi lạc. Còn đối với dân chúng bình dân, Ngài là vị Hoà thượng “CUA”, một cái tên dân dã mộc mạc nhưng cũng thật gần gũi thân thương vô cùng.
Hòa thượng là tấm gương đại hiếu sáng ngời muôn thuở được tiếp nối từ ngài Đại Hiếu Mục Kiền Liên thời Phật.
Đức Phật cũng khuyến khích đệ tử xuất gia, sống đời sống Phật Đà, nhưng vẫn lo tròn chữ hiếu đối với cha mẹ già đầy trí tuệ. Chứ không phải đi tu là bỏ gia đình, bỏ cha bỏ mẹ như bao suy nghĩ thông thường. Thậm chí còn đầy đủ và chu đáo hơn nữa là khác. Đứa con xuất gia, như Hòa thượng Cua, luôn nhắc nhở cha mẹ:
Thử thân bất hướng sinh thân độ
Cánh hướng hà thân độ thử thân.
(Thân này chẳng nhắm tới đời này độ, còn đợi đời nào độ thân này).
Cái lợi ích lớn của người xuất gia là giúp ích cho đời, mà giúp ích đời bớt khổ là báo hiếu lớn nhất cho cha mẹ. Nó còn quý hơn vàng bạc châu báu. Người cha mẹ nào cũng thích con mình làm ích lợi cho đời, không thích con mình ngồi trên đống tiền tù tội. Đây là diễm phúc lớn cho gia đình nào có con đi tu theo Phật, mà không phải ai cũng có được.
Như Đức Phật chúng ta, con nhà quyền quý, vương gia vọng tộc, đường đường là một vị Thái Tử kế vị, ấy thế mà vẫn kiên định sống đời sống hàn vi, ra đi tìm bài thuốc hay để chữa lành căn bệnh trầm kha cho chúng sinh.
Mặc dù thành Phật xong, đi thuyết pháp độ sinh 49 năm ròng rã, Đức Phật vẫn quan tâm đến cha mẹ. Một ngày kia, vua Tịnh Phạn lâm bệnh, nghe tin Thế Tôn đưa Nan Đà và La Hầu La về thăm hoàng tộc, tinh thần Vua Cha bỗng nhiên phấn chấn khác thường, thân thể trở nên nhẹ nhõm, đức Vua đã gượng ngồi dậy trong chốc lát. Khi ấy, Thế Tôn từ từ tiến vào hoàng cung, đức Vua trông thấy chắp tay vái chào và nói: “Xin Như Lai hãy đặt tay lên mình tôi cho đỡ bớt cơn đau. Tôi đang đau đớn dữ dội, không thể chịu nổi, có lẽ sắp lìa bỏ cõi đời. Lần này chắc chắn là lần cuối cùng mà tôi gặp lại Thế Tôn, tôi không còn ân hận gì nữa.”
Đức Phật thấy Vua Cha bệnh nặng, thân thể gầy yếu, sắc mặt biến đổi, tinh thần uể oải, bèn nói với Nan Đà rằng: “Nghĩ lại Vua Cha xưa kia thân thể tráng kiện, dung mạo đoan trang, danh tiếng lẫy lừng, nay lâm trọng bệnh đến nỗi tinh thần không còn tỉnh táo. Thế thì các nét đoan trang, tráng kiện xưa kia ngày nay đâu rồi?”
Đức Phật khai thị cho Vua Cha: “Kính thưa Vua Cha chớ có ưu sầu. Vì đạo đức của Vua Cha trong sáng, hoàn hảo, chẳng khiếm khuyết điều gì.” Rồi Đức Phật đưa bàn tay vàng ánh như đóa sen nở đặt trên trán Vua Cha và nói tiếp: “Vua Cha đã xa lìa được các trần cấu, tâm không ô nhiễm, nay không nên sầu não mà hãy nghĩ suy về nghĩa lý của Kinh giáo, vì mọi vật không có gì bền chắc hết. Vậy, Vua Cha hãy hoan hỷ, dù mạng sống có kết thúc vẫn giữ tâm hồn bình thản.”
Đức Phật đã thành Phật rồi nhưng Ngài vẫn tỏ lòng biết ơn cha mẹ đời này. Mười phương ba đời chư Phật đều nhờ cha mẹ mà có tấm thân này. Không có cha mẹ thì chẳng sinh, không có trời đất thì vạn vật chẳng trưởng. Thế là nhân bản! Không biết ơn cha mẹ, không tôn thờ cha mẹ thì phi nhân bản (không có tính người). Thờ cha mẹ là thờ Phật, thờ Phật là thờ cha mẹ, phù hợp truyền thống đạo lý làm người đúng: “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam. Linh hồn của cuộc sống là biết ơn. Không biết ơn cha mẹ liệu có còn là cuộc sống hay chăng?
Mỗi năm, mùa Vu Lan về là dịp con cháu thể hiện chữ hiếu, quay quần trong gia đình chúc mừng cha mẹ tăng phúc tăng thọ, làm cây đại thụ, cây cao bóng cả che mát gia đình con cháu được hạnh phúc.
Nước Mỹ, năm 1870, Bản tuyên ngôn ngày Hiền Mẫu (The Mother’s Day Proclamation) bắt đầu vận động tôn vinh người mẹ do bà Julia Ward Howe khởi xướng.
Sau đó, bà Ann Maria Reeves Jarvis, tiểu bang West Virginia – Hoa Kỳ, kêu gọi gắn kết tình cảm gia đình lại sau khi bị chia cắt bởi (War Between the States) nội chiến Hoa Kỳ (1861-1865) thời Tổng thống Araham Lincoln.
Con gái bà Ann Jarvis tiếp tục tổ chức kỷ niệm ngày của Mẹ (Mother’s Day) đầu tiên vào 1908 với 500 đóa hoa cẩm chướng tặng cho khách tham dự.
Năm 1914, tổng thống Hoa Kỳ Thomas Wilson ký ban hành chính thức phổ biến ngày lễ Mẹ “Mother’s Day” trên toàn nước Mỹ. Người Mỹ văn minh nhất thế giới cũng chỉ mới công nhận ngày lễ Mẹ cách đây 103 năm (nay 2017).
Trong khi đó, người Phật tử chúng ta có ngày lễ Vu Lan từ thời Đức Phật cách đây 2561 năm (nay 2017). Chúng ta hết sức hãnh diện về Bồ Tát Mục Kiền Liên, người khởi xướng ngày lễ “Mẹ”, và Đức Phật của chúng ta là người khai sinh ra ngày lễ Mẹ “Mother’s Day” trước nhất trên thế giới, là lễ Vu Lan Báo Hiếu từ xưa tới nay.
Như vậy, chúng ta nên dùng ngày lễ Vu Lan làm ngày họp mặt gia đình, tặng quà tặng hoa cho cha mẹ, cho anh chị em trong gia đình là điều hợp lý nhất.
Ngày họp mặt gia đình là ngày thiêng liêng, có cha mẹ, có anh chị em, con cháu sum vầy đầy đủ. Gia đình lúc này là một, không có phân chia nhiều ý kiến. Vì gia đình nào cũng có hai truyền thống: Truyền thống tâm linh và truyền thống huyết thống. Truyền thống tâm linh gia đình ta là Phật và truyền thống huyết thống gia đình ta là tổ tiên ông bà.
Phật và tổ tiên luôn luôn gia hộ cho con cháu biết thương yêu, đoàn kết, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau. Con cháu là tiếp nối của tổ tiên ông bà. Con cháu vui là tổ tiên ông bà vui. Con cháu vắng mặt thì tổ tiên ông bà không vui.
Cho nên, đạo Phật nhấn mạnh đến sự kết nối mật thiết giữa người sống và người mất một cách khoa học trong ngày lễ Vu Lan.
Mùa Vu Lan tặng quà cho nhau (Gift Exchange) mang nhiều ý nghĩa:
Ý Nghĩa 1: Đây là ngày quan trọng nhất, đạo đức nhất của người con Phật, ngày họp mặt gia đình, báo hiếu hướng về cha mẹ (nếu được tổ chức tặng quà ở chùa là đẹp nhất).
Ý Nghĩa 2: Mọi người, mọi nhà đều tỏ lòng tôn vinh cha mẹ.
Ý Nghĩa 3: Con cháu bắt đầu ngày tựu trường nhập học năm mới. Khi con cháu nhận quà từ cha mẹ, từ ông bà, từ người lớn thì con cháu sẽ vui và nhớ mãi ngày Vu Lan năm nào có quà tặng đi học.
Ý Nghĩa 4: Chúng ta tham dự lễ Vu Lan hàng năm sẽ được cài lên áo phía trái một đóa hoa hồng đậm, hoa hồng trắng hay hoa hồng nhạt. Đóa hoa màu hồng đậm cho những ai còn cả cha lẫn mẹ. Đóa hoa màu trắng cho những ai mất hết cả cha lẫn mẹ. Đóa hoa màu hồng nhạt cho những ai mất một trong hai (còn cha hoặc còn mẹ).
Chúng ta thấy có nhiều ý nghĩa đẹp trong ngày lễ Vu Lan thì nên thể hiện mình, cho cha mẹ thấy rằng đây là người con hiếu thảo, không phải là nghịch tử, bất hiếu chi tử, đứa con bất trị, thì nên làm gì đó cho cha mẹ vui đi! Quan sát xem cha mẹ thích cái gì hãy mua cái đó tặng. Phải sử dụng tâm lý tế nhị thì mới phát huy tính hữu hiệu yêu thương tuyệt vời.
Mới ra trường có việc làm, được lãnh lương tháng đầu, hoặc đang làm việc lâu năm, lãnh lương tháng Bảy này, rơi vào nhằm lễ Vu Lan thì quá hay, ta đem ra tặng hết cho mẹ tháng lương đó luôn, chưa chắc mẹ nhận đâu, nhưng đó là biểu hiện tấm lòng người con hiếu thảo. Thể hiện nghĩa cử đẹp thì cha mẹ mình sẽ vui mừng khôn xiết. Thế nào cũng được khen, đúng là: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, con giống mẹ ngày xưa.
Không nên suy nghĩ cạn cợt: không cần làm thế cũng là người con tốt, không cần làm thế cũng là người con có hiếu. Ăn thua ở trong tâm mình thôi. Lại suy nghĩ nông nổi nữa rồi! Mình là con mà! Hãy bỏ lý luận “mắc cỡ” đó đi, không tốt đâu! Hãy đừng bao biện nữa.
Cả đời mình ít (hoặc chưa từng) thể hiện điều gì tốt cho cha mẹ vui. Ngược lại, cả đời mình chỉ biết làm cho cha mẹ buồn và buồn khổ mà thôi. Nhìn tướng biết tâm mình, tướng sao tâm vậy, không thể khác được.
Thói quen xấu ấy đã qua rồi. Giờ ta nên tập một thói quen tốt mới là quan tâm hỏi han đến cha mẹ đi. Chẳng lẽ chỉ khi nào mình cần đến cha mẹ mới mở miệng hỏi sao? Thôi nhé, hãy mở lòng ra! Ta vẫn còn thời gian trên đời đủ để tỏ lòng sám hối ăn năn những cách hành xử tệ với cha mẹ.
Không nên chần chờ kẻo ngày mai không kịp nói lời yêu thương với cha mẹ trong kiếp sống này. Ngày nào ta nói lời yêu thương với cha mẹ là ngày ấy được mệnh danh là ngày của chư Phật hoan hỷ. Đặc biệt, vào ngày Lễ Hội Vu Lan Báo Hiếu hằng năm được gọi là ngày chư Phật hoan hỷ này đây.
Do tập khí (tánh xấu) nhiều đời, lại sống gần môi trường xấu thì e khó mà sửa đổi. Ta phải thay đổi suy nghĩ tiêu cực ngay đi thì tương lai mới xán lạn được. Chưa quen thôi, khi quen đi tới chùa rồi sẽ thấy hay và quý giá cho mình vô cùng.
Lần quần cuộc đời sẽ hết, không có cơ hội cho ta sang năm đâu. Chúng ta làm thế nào với cha mẹ, sau này con cháu ta cũng đối xử với ta như thế đó. Có lo sợ thế không? Phải nghĩ rằng cha mẹ ngày đêm cực khổ vì ta nhiều lắm, đừng làm cho cha mẹ buồn nữa. Chúng ta nên an ủi cha mẹ rằng con cháu là món quà tinh thần rất lớn cho cha mẹ. Kẻo không cha mẹ sẽ buồn da diết khi thấy mình giống như bài thơ này:
Hoàng hà chi thủy thiên thượng lưu
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi
Cao đường minh kính bi bạch phát
Triêu như thanh ty mộ thành tuyết.
Dịch thơ:
Nước sông Hoàng từ trời rơi xuống
Chảy luôn ra biển chẳng quay về
Cha mẹ soi gương buồn tóc trắng
Sáng chải còn xanh chiều đã bạc.
(Tương Tiến Tửu-Lý Bạch, Phước Hạnh dịch)
Cha mẹ có buồn tóc bạc trắng chăng? Nếu có, nhưng không buồn vì ta, đó mới là người con hiếu thảo, là món quà đáng giá nhất của đời người trong mùa Vu Lan này.
Chúc quý vị có món quà Vu Lan ý nghĩa và hạnh phúc.
Lễ Vu Lan, PL. 2561
September 03, 2017
THÍCH PHƯỚC HẠNH