TRÊN ĐỈNH THÁI SƠN
Hạnh Đoan
VỌNG KIẾN
Nga rẽ vào con đường tráng nhựa phẳng phiu rồi dừng lại trước một biệt thự sang trọng. Bích cảm thấy hơi lúng túng vì lần đầu nàng đến một nơi mà mình chưa biết rõ, chỉ nghe Nga, nhỏ bạn chí thân rủ rê, nằn nì mà Bích xiêu lòng chịu theo Nga ra Nha Trang.
Nga bấm chuông đến ba lần, khung cửa kính màu sậm trong buổi chiều hoàng hôn càng khiến Bích không nhìn thấu được trong nhà. Tiếng người mở cửa vang lên:
– Xin lỗi hỉ, bận tay nên ra trễ!
Nga nói nhỏ với Bích: -O Ngo, người giúp việc cho dì mình!
Bích khẽ chào o Ngo rồi theo Nga vào trong. Nhà dì Mai khá đông khách đến chơi, thường trú thì chỉ có vợ chồng anh Hải (con nuôi dì Mai), cũng là anh ruột Nga. Dì Mai góa bụa sớm và lại không con nên dồn hết tình thương cho hai anh em Nga. Thấy Bích vừa qua trận sốt nặng chưa lại sức, Nga nhất quyết kéo Bích ra nhà dì Mai chơi và đảm bảo rằng nơi đây là chỗ nghĩ mát rất lý tưởng.
Dì Mai đón tiếp bọn Bích nồng hậu, đầy vẻ thân tình. Dì đãi món bánh cuốn tuyệt ngon. Chị bếp nhà dì nổi tiếng là khéo nấu, chị tròn quay như cái hột mít. Điều khiến Bích chột dạ là o Ngo cứ nhìn Bích chòng chọc, đầy vẻ soi mói và cứ nhắm ngay Bích mà đặt câu tra vấn liên hồi. Đang mệt, Bích cảm thấy khó chịu nên thường giả lảng làm lơ, vờ như không nghe để bớt trả lời câu hỏi của o Ngo.
Dì Mai dành cho Bích một phòng nhỏ ở lầu ba, có lan can hướng ra hoa viên. Trên lầu cao, gió ùa vào cửa sổ lồng lộng, thoang thoảng mùi hương nguyệt quế, hoa lài, hoa sứ thơm đến dễ chịu.
Nga nhéo vào tay Bích hỏi nhỏ: – “Có vừa ý không?”… Bích chỉ mỉm cười.
Buổi sáng xuống phòng ăn điểm tâm. Chỉ có Nga và Bích, o Ngo đang lúi húi dọn quét, chị bếp bận đi chợ, dì Mai và vợ chồng anh Hải đều đi ăn cưới. Có tiếng chuông reo ngoài cổng, hình như có khách đến tìm Nga, Nga chạy vội ra, để phần ăn nằm dang dở trên bàn. Món điểm tâm gồm bánh mì trứng ốp-la, tráng miệng chuối già. Bích càng ác cảm hơn khi thấy o Ngo chụp vội trái chuối đang ăn dở của Nga, bẻ lấy một miếng nhét nhanh vào miệng rồi quýnh quáng xé bớt phần bánh của Nga nuốt vội vàng. Nếu Nga vào, không để ý thì sẽ chẳng khám phá ra khẩu phần của mình đã vơi đi. Bích cúi mặt ăn, vờ như không thấy nhưng lòng thầm khinh rẻ bà giúp việc: “Thật là mất tư cách”…
Từ ấy Bích càng ít nói, thưa trò chuyện với o.
Ngo hơn. Còn o Ngo cứ xoắn lấy Bích mà hỏi liên hồi:
– Nì, cô khoẻ chưa hỉ? Quê ở mô? Ra đây chơi được bao lâu?
Âm thanh o Ngo trọ trẹ thật khó nghe. Mười chữ Bích chỉ nghe được một. Ngày nhỏ Bích từng khổ vì những người mang âm thanh nầy nên giờ dù đã lớn nàng vẫn chưa hết thành kiến trong đầu. Huống chi o Ngo hiện diện trước Bích đầy vẻ “hạ cấp”, mắt thì ti hí lấm lét như kẻ gian, hành động lại chẳng minh chánh. Trong khi dì Mai cũng nói giọng miền ngoài, âm điệu Huế hẳn hoi, nhưng ở dì toát ra vẻ quí phái trang nhã.
Xưa nay bạn bè đều nể Bích ở năng khiếu nhìn người. Bích mà nhận xét ai thì ít sai lầm, đến độ mấy nhỏ bạn còn nói đùa: “Khi nào kén chồng sẽ nhờ Bích coi người hộ để khỏi khổ vì bến đục…”.
Buổi tối của ngày thứ hai, cả nhà mới thực sự sum họp đầy đủ ở phòng ăn. Bích nhận ra một điều, dù được chung mâm với chủ, nhưng chị bếp và o Ngo chỉ chạm đũa vào thức ăn cũ hoặc thừa. Dì Mai vẫn vui vẻ trò chuyện với cả nhà, o Ngo thỉnh thoảng cười sằng sặc rất hồn nhiên, còn Bích có chút bối rối thoáng qua…
Những ngày sau đó, Bích theo Nga đi thăm các thắng cảnh ở Nha Trang. Biển Nha Trang thật đẹp, nước xanh, trong vắt. Nga bảo Bích: Thấy cát ở đây lạ không? Trắng chứ không vàng, dù đang trưa mà chẳng nóng bỏng như cát ở Vũng Tàu. Bích gật gù, vùi chân vào mớ cát trắng, độ nóng dịu khiến Bích ngạc nhiên. Dân Nha Trang cũng hiền hòa hiếu khách như phong cảnh hữu tình xứ họ. Bãi biển đông người tắm, vẫn mang nét mộc mạc đáng yêu, vì người ta có thể mặc nguyên đồ để tắm mà không sợ ai cười. Dọc bãi biển có những hàng dừa cao rợp bóng, các băng ghế được đặt rải rác, khách không thích tắm thì có thể đi thơ thẩn dưới hàng dừa lộng gió, hoặc ngồi nghỉ chân trên các băng ghế ngắm cảnh tha hồ.
Chơi chán chê, hai đứa mới về nhà. Bao giờ cũng vậy, o Ngo luôn đón bọn Bích bằng các loại nước giải nhiệt. Khi thì rau má, lúc là artichaut hoặc cà chua xay hay các thức uống sinh tố đủ loại.
Nga đấm vào vai Bích: – O Ngo kết mi rồi nhé! Mấy lần trước ta cũng ra đây có được quan tâm chu đáo thế đâu?
Bích cười: – Chứ không phải dì Mai thương cháu nên ta được hưởng lộc ké? Không có lịnh của dì thì đố o Ngo dám làm!
Nga cười to: – Thế là Bích không biết gì hết à? O Ngo cứ luôn mồm khen Bích hiền này, đẹp này, dễ thương này, còn đòi dì mình giữ Bích ở lại chơi lâu nữa đó.
Thật ra, dần dần Bích cũng cảm nhận sự quan tâm chăm sóc chu đáo của o Ngo và tự thấy xấu hổ vì thành kiến buổi đầu Bích dành cho o. Bích càng ân hận hơn khi hiểu rõ mọi sự.
Chị bếp không có kiểu ăn “vụng trộm” giống o Ngo vì chị nấu ăn, nêm nếm thoải mái, tầm vóc tròn lẳn chứng minh chị không thiếu thốn nhiều. Còn o Ngo vóc người gầy còm, tuổi đã hơn sáu mươi. Nghe nói o giúp việc cho dì Mai từ thuở nhỏ. Ngần ấy năm, thân làm công, tới bữa chỉ dám ăn đồ thừa cũ, mà đã thừa cũ làm sao ngon cho được? Dù rằng dì Mai tốt bụng, nhưng đẳng cấp chủ, tớ vẫn có cách biệt. Người giúp việc khéo sống, biết thân phận sẽ chẳng hề làm chủ nhà phật lòng. O Ngo có thể ngăn mình đừng chạm đũa đến đồ chủ nhưng không thể ngăn nổi sự thèm khát thức ăn ngon. Nếu Bích sinh ra ở hoàn cảnh nghèo thiếu, phải đi ở cho người, biết đâu Bích còn tệ hại hơn mười lần? Vậy thì phong cách đài các sang quí đâu phải tự có sẵn, và có gì đáng tự hào đâu? Cởi bỏ bề ngoài dị biệt đó ra, con người vẫn muôn thuở giống nhau về mặt tâm sinh lý, về những nỗi niềm mong được hạnh phúc và sợ khổ hệt như nhau.
Từ đó, Bích không thấy o Ngo chói mắt mình nữa, mà ở o, Bích cảm nhận được tình mẹ êm đềm. Đôi mắt o không còn mang vẻ gian manh lấm lét như Bích nghĩ mà đầy tình cảm chân thành của suối nguồn yêu thương. Những khi Bích có việc phải về tối, khuya mấy o cũng ngồi đợi, mắt lo lắng bồn chồn, và o chỉ cười rạng rỡ khi gặp Bích, giúi vào tay Bích ly sinh tố mà o đã tẩn mẩn ngồi xay.
Có lần biết o thèm ăn, Bích mua về mớ bánh giò giúi vào tay o. Mà xui, hàng bánh giò này vốn ngon nổi tiếng, hôm ấy Bích nôn về, bà hàng gấp bán nên hấp bánh chưa tới. Thế là o Ngo ăn phải bánh sống, không đợi hấp lại bánh, o Ngo vẫn ăn vội vàng, nuốt ngấu nghiến, vẻ rất ngon. Bích nhìn mà xót xa. Bây giờ chẳng có gì ở o làm Bích phàn nàn, khinh rẻ nữa. Cặp kính thương ghét tự động nhuộm màu riêng cho nó. Khi thương thì dù người đó hư bao nhiêu, tư tưởng vẫn thừa sức biện hộ cho họ với lòng bao dung mênh mông. Khi ghét ai, dù người đó có đức hạnh vẹn toàn mấy, thì cặp kính ghét vẫn tìm được chỗ để chê trách. Hèn gì mà kinh điển luôn khuyên, mọi người nên trụ trong tâm từ để sống và tương giao… hoặc cao hơn, Phật đã luôn dặn dò là hãy nhìn người qua Phật tính sẵn có của họ, chứ đừng nhìn qua sắc tướng hay vọng tưởng của tính tình.
Bích thầm cảm ơn o Ngo đã cho bích bài học hay, mà chính o không hề biết. Bích chợt nhớ tới câu chuyện Ấn Độ kể về Tổ Naropa đi tầm đạo. Naropa thuộc dòng họ sang quí, rất tài hoa và giỏi phép thuật. Điều này khiến ông tự mãn và không thoát được tính kỳ thị vốn có sẵn của giai cấp quí tộc đối với hàng tiện dân. Trên đường tầm đạo, ông gặp đủ hạng người, từ đồ tể đến ăn mày, cùi hủi… nhưng mỗi khi ông biểu lộ sự nhờm tởm khinh khi, thì ông lại nghe tiếng cười sảng khoái đượm vẻ riễu cợt của thầy ông vọng tới, vị thầy mà ông ôm nỗi khát khao cháy bỏng mong được diện kiến mà vẫn chưa được phép gặp. Cho đến lúc lòng ông hoàn toàn khiêm hạ, cung kính tất cả mọi người như chính hiện thân của thầy, thì ông mới được nhập môn.
Có lẽ tiêu chuẩn để được nhập môn như Tổ Naropa vẫn cần, nếu Bích muốn nhập vào cuộc sống mà không lầm lỗi, Bích hiểu vì sao có vị Bồ-tát đã nói: “Tôi không dám khinh các người, vì các người đều sẽ thành Phật”. Khi cái nhìn chấp nê xét nét của vọng kiến ngưng khởi, thì mỗi người vốn là một đóa sen vươn khỏi bùn lầy, rạng rỡ tỏa hương…
(Đã đăng trên báo Giác-Ngộ 51 ra ngày 17/01/2001 dưới bút danh H.T.H)