TRÊN ĐỈNH THÁI SƠN
Hạnh Đoan
QUÊ CHA ĐẤT TỔ
(Viết theo tâm sự của Hương)
Khi nghe ba tôi đòi về Bắc thăm quê một chuyến, tất cả chúng tôi đều ngầm không đồng ý – mấy mươi năm rồi, biết có còn ai để gặp? Mà ba tôi tuổi già sức yếu, “thất thập cổ lai hi” rồi, ra Bắc nhỡ không còn ai thì nguy. Chúng tôi không buông lời cản, nhưng cứ hẹn lần lựa khiến ba tôi chờ mãi đâm bực mình, cương quyết phán một câu: – “Nhất định cuối năm nay tao về Bắc thăm quê, bất kể chúng mày có đi hay không!”
Các anh tôi thê tử nhiêu khê nên tôi được đề cử theo chăm sóc ông. Nghe tôi sắp ra Bắc, bạn bè thân quen góp ý:
– Nè, nghe nói Hà Nội ghê dữ lắm, đồ đạc phải coi chừng cho kỹ, cướp giựt như rươi đó!
– Em không về Hà Nội mà ra Lạng Sơn kia!
– Giời ơi! Ở quê cần phải cẩn thận hơn!
Người khác lại khuyên:
– Này, ra ngoài ấy ăn mặc xuềnh xoàng thôi, đừng ăn vận sang quá mà họ hàng người ta tủi! – Kinh nghiệm về quê cha đất tổ của chị truyền cho đấy, chớ có mà xem thường rồi hối hận không kịp!….
Thế là tất cả quần áo đẹp, sang tôi cho vào tủ cất hết. Sau đó tôi bỏ cả ngày để xào nấu, cụ bị thức ăn đem theo. Ba tôi định ở quê một tháng, mà trường trai như tôi chắc khó tìm món chay thuận tiện, thôi thì chuẩn bị vẫn hơn.
Ngoài những món quà để biếu thân tộc, hành lí tôi mang theo khá lỉnh kỉnh vì quần áo lẫn thức ăn.
Bốn giờ chiều, chúng tôi thuê xe từ Long Thành thẳng tới ga để đi chuyến tàu 8 giờ tối. Xe lửa bây giờ thiết kế khang trang tiện nghi hơn xưa nhiều. Hành khách cũng có thể đặt món chay cho mình. Tôi còn mang theo bánh, trái cây để ăn giặm nên cha con tôi tha hồ vững dạ mà ngắm cảnh với cái bụng no. Chỉ hiềm tôi có tật dễ ngủ quá, đứng một chân tôi vẫn có thể đi vào mộng thì nói gì đến chuyện ngự ở toa nằm? Nên rốt cuộc chỉ có ba tôi và thằng cháu đi cùng là ngắm cảnh trọn vẹn – Đó là lí do vì sao tôi chẳng thể tả cảnh nhiều trong suốt lộ trình.
Tàu đến Hà Nội vào buổi trưa. Thuê chiếc xe con về Lạng Sơn thì đã tối mịt. Đuờng rõ xa! Dòng họ tôi thuộc dân tộc Tày, cư trú ở Đình Lập, một vùng núi đồi tít tắp. Leo lên đến nơi thì tôi đã mệt nhoài. Thân thuộc tế nhị để chúng tôi nghỉ ngơi cho lại sức. Tỉnh táo rồi mới nhìn rõ thân nhân chứ lị.
Sáng hôm sau tôi theo ba đến thăm nhà bác Cả (anh ruột của ba tôi) trước tiên. Năm mươi năm hơn, giờ anh em mới đuợc gặp nhau. Hai người ôm nhau thật lâu. Ở đây ba tôi còn ba người thân là bác Cả, bác Ba và cô Bai, em út ba tôi. Cuộc hội ngộ mừng vui không kể xiết. Ngoài ra, thân tộc họ hàng khá đông, mỗi ngày ba dẫn tôi đi thăm một nhà, hơn hai mươi ngày mà vẫn chưa giáp vòng. Đêm thì ngủ lại ở nhà bác Cả, cứ sáng ra là đi thăm thân nhân. Chúng tôi ở nhà nào, họ hàng tụ lại cả nơi nhà ấy. Nên vui cứ như tết. Chủ nhật là tụ họp đông đủ nhất, vì ngày thường các anh chị em họ của tôi bận việc tận dưới phố, người thì đi dạy, kẻ đi học hoặc bận chuyện cơ quan, nên chỉ rảnh duy nhất ngày chủ nhật. Có khi cũng không về, vì ở xa quá. Nhưng nghe tin có chúng tôi, tất cả đều tề tựu về đủ. Các nhà lần lượt mở tiệc, nghèo thì đãi gà vịt, khá hơn thì ngả heo. Bác Cả đã thịt con heo nhỏ làm tiệc đón mừng khi biết ba tôi sắp ghé thăm.
Ở đây dân cư thưa thớt, mỗi nhà cách nhau từ hai đến bảy cây số. Nhà nào cũng được xây bằng đất nung, trông chắc và bền. Điện chưa kéo tới, toa-lét và nhà tắm được xem như là… “xa xí phẩm”. Bà con tôi nhà nào khá thì cũng có, nhưng hộ nào có nhà tắm thì lại không toa-lét, và ngược lại, có toa-lét thì không có nhà tắm. Nghĩ thật ngộ. May mà tôi thuộc dạng giỏi “thâu vào” và… nhịn “cho ra” khá, nên ngót ngét ba tuần, tôi chỉ tìm nhà vệ sinh độ năm sáu lần, nhưng “nín” như thế cũng đủ khốn khổ rồi!
Lần đầu ghé thăm bác Cả, khi bụng thốn tới, tôi nói khẽ vào tai Tâm, nhỏ cháu con bác:
– Ở đây có nhà cầu không?
Tâm đáp tỉnh rụi:
– Nhà cháu chả có ai đi cầu cả dì ạ!
Đến lượt tôi trố mắt nhìn cô bé và buồn cười vì câu đáp. Sau này tôi kể chuyện ấy cho các bà chị họ nghe, ai cũng cười sặc sụa và Tâm đỏ mặt khi hiểu ra mình đáp sai. Nhỏ cười bảo tôi:
– Ở đây rừng núi mênh mông chỗ nào cũng “đi” được cả dì ạ, dễ lắm cơ! (Ối trời, dễ với dân cư nơi này chứ với tôi thì chẳng dễ chút nào!)
Nhà chị Cam (mẹ cháu Điệp) ở tít trên đồi cao. Đi thăm từng nhà cách xa nhau cũng chẳng phải dễ. Phải leo đồi, lội suối… mới lên được. Có nơi cũng đi xe đạp được, song có chỗ phải leo trèo chứ không thể dùng xe. Đi rã chân, mệt nhoài. Lắm lúc gặp dốc cheo leo tôi cứ cảm giác như mình có thể rơi nhào xuống bất cứ lúc nào, mà hễ càng sợ thì đôi chân tôi càng ra sức bám chắc vào đất đến nỗi nó tê dại, sưng vù lên.
Phần ba tôi, lúc ở trong Nam, ông còn đau rề rề, vậy mà vừa ra tới quê, ông khỏe lạ. Ông vui vẻ, trẻ trung, (xổ tiếng Tày như gió chứ không nhả từng chữ từ tốn như nói tiếng việt). Ông bước đi thoăn thoắt, mau lẹ đến độ tôi muốn nói là ông “bay” chứ không phải đi. Cư dân ở đây đều “bay” như thế cả, duy chỉ có tôi là lết – tôi dùng đúng từ – dù tôi thuộc loại năng động chứ không có cốt cách tiểu thư khuê các, vậy mà tôi cứ tụt lại ở hàng chót, dù anh chị đã gánh dùm tất cả hành trang. Mệt mà vui, vì tình thân thuộc quá nồng ấm… Ba tôi nhận ra từng con đường, gốc cây… như thể ông mới rời quê hôm qua, hoặc gần đây thôi.
Đi mãi, leo mãi, đầu tóc tôi rối bù, mồ hôi tuôn nhễ nhại, thêm vận trang phục “bần hàn” cho bà con đừng tủi (như lời người ta khuyên) nên trông tôi càng thảm hại. Hai chiếc vớ tôi đều giãn thun và tuột hẳn vào trong giày, còn đôi giày dính đầy đất đỏ, hả mõm và gãy đế.
Buổi tối tôi ngủ lại nhà chị Cam, có lẽ bộ dạng tôi làm Điệp mủi lòng, nên khi tôi chui vào ngủ, Điệp ôm chặt lấy tôi thủ thỉ:
– Dì ơi, sao cháu thương dì quá! Và Điệp chợt thét lên:
– Chết rồi! Thôi chết rồi!
Tôi đâm hoảng, hỏi dồn:
– Có chuyện gì vậy?
Điệp ngồi bật dậy:
– Cái xe đạp… dì ơi!…. Cái xe ! Cháu còn để tận dưới ruộng, quên không đem vào gửi nhà người rồi!….
Tôi lo lắng:
– Vậy có bị mất không, giờ làm sao?
Điệp lại nằm xuống:
– Chả có ai lấy cắp đâu dì ạ! Cháu chẳng sợ mất xe mà sợ trâu nó húc thôi. Mang xe lên đây cực và bất tiện lắm nên cháu gởi nhà người quen dưới đồi… Ôi dào ! Sao mà đãng trí thế không biết? Thôi, dì ngủ đi, cầu cho trâu nó đừng húc…
Đó là nết thẳng ngay của cư dân ở đây. Khi ra đến chợ Đình Lập, thấy tôi đứng lóng ngóng với chiếc xe đạp chưa dám thả ra thì người ở đấy bảo:
– Cứ để xe ở đấy, chẳng mất đâu!
Tôi thoải mái bỏ mặc chiếc xe y như lời. Còn chị Liễu (chị họ tôi) đang bán hàng trong chợ, nhác thấy tôi chị liền bỏ hàng dẫn tôi đi dạo chợ. Thấy chị không gởi hàng cho ai trông hộ, mà bỏ đi quá tự tại, tôi lo lắng hỏi thì chị cười xòa:
– Ở đây phần ai nấy bán, chẳng ai lấy của mình đâu mà lo!
Điều làm tôi thích là hoa quả, rau trái nơi này bán rẻ đến ngạc nhiên. Họ hàng lại cưng, tới bữa ăn đặc cách tôi mâm riêng, rau quả ăn tha hồ. Buồn cười là vùng này chẳng ai ăn nước tương, (ngoài chợ chẳng hề có bán), tôi tự chế nước chấm bằng muối. Ai cũng xót xa vì thấy tôi không ăn được thịt cá. Dân Tày có tục lệ rất dễ thương là khi nhà có tang tất cả cư dân đều kiêng ăn thịt cho đến khi chôn cất người chết xong.
Nhân buổi tiệc, có Vũ (em con chú) làm ở xã đến, vai em chứ Vũ lớn tuổi hơn tôi nhiều, diện mạo đường bệ… Nhân lúc bàn về tôn giáo, Vũ cười bảo ba tôi:
– Bác ạ, hôm trước cháu bắt được mấy người tu giả!
– Sao cháu biết là tu giả?
– Giời ơi! Làm sao mà chẳng biết? Tu gì mà béo tròn béo trục thế kia? Ăn chay thì phải gầy còm chứ! Đằng này …
Ba tôi liền trỏ vào tôi:
– Thế chị mày ăn chay trường đấy! Xem nó có ốm gầy đâu?
Vũ trố mắt nhìn tôi chăm chăm rồi ngẩn mặt:
– Ừ nhỉ! Quái! Chị ăn chay sao mà tròn thế? Giờ em mới biết đấy!
– Thế em xử lý đám “người tu giả” kia ra sao rồi? – Tôi thắc mắc hỏi.
Vũ cười hềnh hệch:
– Em nhốt họ lại, tới bữa ăn mang thịt cá đến cho họ ăn nhưng họ không chịu ăn. Sau đó thì em thả họ đi rồi!
Cả nhà đều phá ra cười. Chuyến đi này kể ra tôi cũng có công với đạo – nếu không thì nỗi oan “tu giả vì béo” có mà nghìn thu mới gột rửa được!
Mỗi ngày từ sáng sớm tôi thường mang đồ ra suối giặt. Trời cuối đông rét cóng, răng tôi va nhau lập cập, da nhăn nhúm nứt nẻ đến tươm máu. Chị Bình là dâu bác Ba, rất giỏi việc, đảm đang.
Chị thường khen tôi:
– Chú thím thật có phước mới có cô con gái tốt bụng siêng năng, chịu thương chịu khó như em!
Nghe khen mà xấu hổ. Tôi chẳng sao bì được với các chị. Phụ nữ Tày ở đây rất cực. Nước đi lấy tận dưới suối, gánh lên rất xa và vất vả. Vì nhà nào cũng ở trên đồi cao, mà đường lại không dễ đi. Vậy mà tất cả việc cơm, nước, củi phụ nữ đều quán xuyến hết. Con trai ở đây sướng hơn nhiều, chẳng phải làm gì, chỉ phụ việc vào mùa lúa. Do khí hậu quá lạnh, mỗi năm chỉ làm một mùa và làm vào buổi sáng thôi. Dù vậy lúa cũng đủ ăn. Bà con thường bảo không giàu tiền bạc chứ cha con tôi mà về ở họ hàng vẫn thừa sức nuôi, lo cơm gạo đầy đủ.
Nhìn các chị bận rộn tất bật như con quay mà lòng tôi xót xa thầm, phái nữ cực từ thời con gái cho đến ngày nhắm mắt. Ra đây tôi mới hiểu điều này, chứ ở trong Nam ba tôi cũng ưu ái con gái nên các anh tôi gánh phần nặng nhọc nhiều hơn. Mỗi lần nhớ tới cuộc sống phụ nữ ở đây tôi thấy thương và tội làm sao.
Ba tôi nhờ người xây mộ ông bà nội xong thì đã hai tuần. Ai cũng bảo ba tôi giống hệt ông nội và kể trước khi nhắm mắt, nội vẫn còn buồn vì không được gặp con trai. Mắt ba tôi dân dấn nước. Ly hương từ thuở chưa tròn đôi mươi – rồi đất nước chia cắt, rồi kinh tế eo hẹp – đến khi ba tôi có thể về Bắc được thì mộ song thân đã xanh cỏ – Nhưng hai ngôi mộ được xây đắp tươm tất khiến họ hàng mát lòng, ba tôi cũng đỡ sầu khổ.
Nhìn đống củi chị Bình vận chuyển về tôi nể phục phỏng vấn:
– Chị chặt hết đó hả?
Chị Bình cười:
– Ừ, cứ chặt tha hồ rồi phơi trên ấy cả. Khi nào cần xài lên lấy về.
– Để củi trên ấy chị không sợ bị trộm à?
– Ôi dào! Chẳng có chuyện đó đâu! Đem về chỗ đâu mà chứa? Phần ai chặt nấy xài, chẳng ai lấy của ai cả!
Tôi nhớ lại câu “Ngoài Bắc trộm cướp như rươi” mà buồn cười. Dân ở đây chất phát đến dễ yêu! Bởi tôi cứ sợ vì nghe hăm he mãi nên giờ hóa ra tôi thành thảm hại nhất.
Con gái ở đây đỏ da thắm thịt, xinh đẹp mặn mà, còn tôi? Trời ạ, cái rét tàn phá dung nhan tôi khủng khiếp! Về phần y trang, các chị em ở đây ai đi dạy hay đi làm cơ quan đều ăn vận duyên dáng, trông rất ra vẻ, trừ những vị làm việc nhà lam lũ ra thì tất cả đều đẹp và sang. Tôi nghĩ đến mớ quần áo cũ đem theo định cho họ hàng mà xấu hổ… Đưa ra chắc có nước độn thổ. Nhưng chẳng lẽ đem vào Nam lại? Thấy chị Bình là dân dã nhất nên tôi thẩy lại cho chị mặc làm rẫy…
“Khi thương xấu cũng thành duyên”, lếch thếch như tôi vẫn được ưu ái khen ngợi hết lòng. Giày thì há mỏ, vớ lỏng lẻo, thêm cái quần tây đen tôi mặc luôn tỏa mốc trắng cứ như nó được ướp lớp sương muối lên vải. Quái! Ở đây chẳng ai lâm cảnh ngộ như tôi cả. Ba tôi thì trắng đỏ mập khoẻ, cả thằng cháu về thăm ba mẹ ở đây cũng phát tướng bảnh tỏn. Chỉ có tôi da càng đen đúa, nứt nẻ và còn có thêm mấy mụn chốc lỡ vì mạt gà, mạt bò… cắn đến phát khùng. Bởi do tôi khi tắm, vì không có nhà tắm nên phải núp sau mấy chuồng gia súc tắm mới nên nỗi… Giọng tôi thì oàm ạp như vịt, thế mà các chị cứ khen, bảo giọng Nam của tôi nghe thật thích, ngọt ngào, dễ thương…
Các chị hỏi tôi biết hát vọng cổ không? Ai cũng bảo:
– Giọng ngọt như em chắc hát vọng cổ hay lắm? Ngoài này tụi chị thích nghe cổ nhạc của miền Nam và ưa xem phim dân Nam đóng…
Tôi cười:
-Vậy mà tụi em lại thích xem phim Bắc đóng chứ, bạn em bảo phim Bắc đóng rất sâu sắc, giàu chiều sâu nội tâm…
Các chị cứ đòi tôi hát vọng cổ. Tôi nín khe. Thà im lặng để sống trong hào quang ái mộ tưởng tượng của các chị, chứ nếu tôi hát thì kiếm ra chỗ đâu cho các chị “bôn đào” (để tỵ nạn âm thanh của tôi cho kịp thời)?
Tình thân thuộc khiến ba tôi như hồi sinh, tươi tắn. Mà đứng với anh chị, trông ba tôi trẻ, bụ bẩm hơn thì phải rồi. Hàm râu dài bạc phơ trông ba tôi chẳng lão mà nhìn càng phúc hậu, đẹp thêm.
Có lẽ ba tôi sẽ trụ ở quê lâu nếu như không có tôi. Nhìn tôi da nứt nẻ, chốc lở thảm hại…. ba tôi tội nghiệp nên ra quyết định về sớm. Buổi chia tay đầy bịn rịn. Lần đầu gặp lại họ hàng thân tộc mà sao tình cứ sâu như thể đã buộc ràng tự lâu lắm rồi.
Về lại trong Nam, ba tôi và thằng cháu vào nhà trước tiên. Chị dâu tôi suýt xoa:
– Gớm! Ở Bắc khí hậu tốt nhỉ? Ai cũng đẹp ra!
Đến khi tôi lót tót đi vào thì cả nhà đều bật ngửa:
– Giời ơi… Giời ơi! Sao cô… xấu thế? Kinh thế?….
Cô Đoan cười nghiêng ngả bảo tôi:
– Này, nếu ở ngoài ấy lâu chắc Hương… cùi luôn quá! Hi hi!…. Ha ha!…. Khiếp!
Mặc mọi người bình phẩm, tôi chỉ toét miệng cười. Hơn tháng rồi mà lòng vẫn chưa nguôi ngoai nỗi nhớ… Hình ảnh họ hàng thân thuộc cứ đọng mãi trong tôi. Thật đáng ân hận nếu như mình không có một lần về thăm quê cha đất tổ. Và tôi cứ kể chuyện Đình Lập, kể mãi…
(Đã đăng trên báo G-N 42 ra ngày 16/11/2000 qua bút danh H.T.H)