“TỰ TRUYỆN THÁNH NGHIÊM”
Nguyên tác “TUYẾT TRUNG TÚC TÍCH”
Hạnh Đoan lược dịch
Chương 19
CỔ CHẤN ĐÔNG PHƯƠNG
Khi Đạo Tràng Thiền Tu Tùng Lâm Trấn kiến thiết xong, tôi dự tính sẽ chuyển hướng xây dựng Pháp Cổ Sơn ở Đài Loan. Trong tháng ngày qua lại Đài Loan, tôi luôn trông nom Nông Thiền Tự. Tôi muốn thành lập Học Viện Phật giáo ở đây, cho nên bắt đầu dành nhiều thời gian lưu lại Đài Bắc.
Mới đầu, cư dân lân cận phản đối việc quảng kiến tự viện, nhưng chúng tôi vẫn tiến hành công tác này. Sau đó, chúng tôi bắt đầu cho vẽ sơ đồ kiến trúc Pháp Cổ Sơn, lúc đó công trình này thuộc dạng tầm cở, rất quy mô, còn có một Viện Đại Học Phật Giáo và Trung Tâm Nghiên Cứu. Nhiều nhà thầu đương địa rất mong được trúng thầu công trình này, nhưng do kinh nghiệm họ còn yếu, chưa hội đủ kỹ thuật đạt tiêu chuẩn để xây cất công trình quy mô đó. Vì vậy mà cuối cùng, chúng tôi giao công trình này cho một công ty giàu kinh nghiệm lo liệu, như thế chúng tôi chẳng cần phải xử lý nhiều.
Do ở tại Đài Loan chúng tôi có một số đất đai, nên vấp phải cảnh thiên hạ cho rằng chúng tôi rất giàu, và thường bị người yêu cầu chúng tôi hiến đất hay đóng góp tiền bạc. Tôi giải thích: Tiền bạc chúng tôi có được thảy đều dành cho công cuộc kiến thiết giáo dục, bất kể là lý do cao tột đến mấy, chúng tôi đều chẳng thể thay đổi đem tiền này dùng vào việc khác được. Chúng tôi cũng mở các hoạt động, tổ chức tặng quà về quê hương, điều này được mọi người quan tâm, khiến quan hệ khẩn trương giữa Pháp Cổ Sơn cùng các xã khu đương địa chuyển thành hài hòa.
Tôi hiểu được tầm quan trọng của việc thiết lập mối tương giao tốt lành cùng mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội bao gồm: dân chúng địa phương, các đảng phái nhân sĩ, các lãnh đạo xí nghiệp, từ nguời công tác nghệ thuật cho đến các nông dân… Tín đồ của chúng tôi đến từ mọi phía, song người hộ trì chủ yếu vẫn là đại chúng phổ thông. Chúng tôi đối với xã hội, dân chúng hoặc các đoàn thể chính trị không hề có sự thiên lệch, tư vị. Không hề vì tiền mà làm bất cứ điều chi. Số thanh niên nhân sĩ Đài Loan tham gia hoạt động Thiền tu chúng tôi có đến cả ngàn, nhưng chúng tôi không hề hướng họ quyên góp. Mục đích của tôi là muốn họ áp dụng quan niệm và phương pháp thiền vào cuộc sống để trợ giúp tốt cho công việc của bản thân họ, đem đến lợi ích cho đoàn thể họ. Đây chính là cống hiến của Pháp Cổ Sơn đối với xã hội, cũng là trách nhiệm của chúng tôi. Tôi huấn luyện các đệ tử nên hướng đủ hạng người mà quyên góp; vì nếu chúng tôi quyên tiền chỉ trong vòng thiểu số hay một nhóm người, thì chúng tôi chỉ có thể gầy dựng mối quan hệ cùng một số người ít ỏi, còn nếu đối tượng chúng tôi là đa số, thì chúng tôi có thể rộng kết thiện duyên.
Nỗ lực của chúng tôi đã khiến Pháp Cổ Sơn thành là một là đoàn thể Phật giáo trọng yếu của Đài Loan, và giữa các đoàn thể Phật giáo với nhau, kia đây tuyệt không có đối lập. Thực tế chúng tôi thường giúp đỡ liên lạc nhau mật thiết. Lão hòa thượng Duy Giác (khai sơn Trung Đài Sơn), cùng tôi có đồng một sư phụ là hòa thượng Linh Nguyên. Còn Đại sư Tinh Vân (người sáng lập Phật Quang Sơn), vốn là môn sinh Đông Sơ lão nhân, cùng tôi có tình hữu nghị huynh đệ, hơn nữa cũng là bằng hữu thân thiết với tôi. Pháp sư Chứng Nghiêm là môn sinh Trưởng lão Ấn Thuận, mà Ấn lão là môn sinh Đại sư Thái Hư, tiên sư Đông Sơ là huynh đệ của Ấn lão, cho nên chúng tôi cũng là nguyên tự đồng môn (chung nguồn).
Mỗi một đoàn thể đều có bản sắc riêng, Trung Đài Sơn chú trọng Thiền tu; Phật Quang Sơn tích cực hoạt động giáo dục Tăng già, cho xuất bản báo chí và truyền bá Phật pháp qua đài truyền hình: chẩn bần, cứu tế các thiên tai, cấp thuốc men, chữa bịnh phục vụ và mở rộng công tác giáo dục… thì Pháp Cổ Sơn cũng làm không ít từ thiện cùng công tác cứu tế tai nạn, xây dựng Đại Học và Viện Nghiên Cứu cho đến Viện Nghiên cứu Phật Giáo Học Thuật cùng giáo dục… Ngoài ra chúng tôi cũng chú trọng hoằng dương pháp và dạy tu thiền để mỗi người có thể trong đời sống hằng ngày đạt được hạnh phúc thật sự chơn chánh, bảo lưu được hoàn cảnh thuần phác thanh khiết bên trong lẫn bên ngoài.
Đầu tiên, Pháp Cổ Sơn đề xướng mỗi cá nhân trong gia đình nên tập sống đời đơn giản, thuần phác, chân thật, thanh tịnh. Bảo tồn lễ nghĩa hoàn hảo: giữa người với người nên cư xử thích đáng tốt đẹp. Bảo lưu tương giao thân thiện: giữ gìn nếp sống thiện lành, lễ nghi.
Tín chúng cần ăn mặc chỉnh tề, khi nói nên dùng lời ôn nhu hiền hòa, nói lời trí huệ, lời từ bi. Mọi người đối với nhau có cần có lòng ái kính, có tâm trọng ân và tri ân. Không nên xung đột, tranh chấp với nhau. Chúng tôi cũng thúc đẩy việc bảo vệ hành tinh xanh, giữ tốt môi trường tự nhiên, không làm lãng phí tài nguyên.
Cuối cùng là bảo vệ tâm linh hoàn hảo: hướng dẫn, giáo dục tín đồ áp dụng giáo lý Phật và phương pháp Thiền, trợ giúp bản thân điều phục phiền não, chỉnh các niệm sầu khổ ưu tư trong tâm, không để cho bản thân và hoàn cảnh lâm vào trạng thái đối nghịch. Thiền giúp chúng ta đả khai tâm tư, tiếp nhận tình huống hiện tại, phục vụ tha nhân và vận dụng từ bi cùng trí huệ xử lý những sự tình xảy ra.
Tôi hi vọng tu, hành thiền, có thể thực hiện và tạo nên một cảnh Tịnh độ nhân gian như mơ ước: nghĩa là tạo nên một cõi không có phiền não. Tư tưởng Tịnh Độ của Thiền tông cùng với của Tịnh Độ không có gì khác biệt nhau. Vì người sau khi trì niệm thánh hiệu A Di Đà, thì chờ sinh sang Tây Phương Cực Lạc Thế Giới (Một cõi sung mãn pháp hỉ và hòa vui hạnh phúc) Còn cõi Tịnh Độ Thiền tông mà Pháp Cổ Sơn muốn thúc đẩy, đạt đến: Là ngay trong thế giới này chúng ta có thể đạt được niềm an lạc tương tự. Đây chính là tịnh độ trong tâm (tự tâm tịnh độ).
Giáo lý và phương pháp thiền tu, không những có thể giúp người ta chuyển hóa phẩm hạnh, thăng hoa nhân cách thành tốt đẹp hơn trong đời sống, mà còn có thể khai phát trí huệ và từ bi, làm giảm bớt khốn khổ, lo quẩn và ngu si. Mặc dù chúng ta còn đang sống trong thế giới Ta bà, nhưng chúng ta vẫn có có thể điều phục tâm mình, không để hoàn cảnh, sự vật gây ảnh hưởng, không để những vọng niệm phiền não, nóng giận, căm phẫn, tật đố, thù nghịch… trói buộc, nhồi vật. Dù trên thế giới vẫn còn cảnh địa chấn, chiến tranh, thiên tai như cũ; nhưng chúng ta có thể dùng lòng từ bi để đối diện với những trạng huống khổ nạn này. Đã có nhiều đệ tử cảm nhận được phiền não thật sự có giảm bớt, trí huệ cùng lòng bi tăng trưởng; họ đã thể nghiệm và kinh qua phương pháp chuyển hóa thế giới này bằng tự tâm – Đây chính là nguyên nhân chúng ta tiếp nên tục tu tập, thực hành.
Pháp Cổ Sơn trước mắt có hơn năm ngàn nghĩa công, hơn hai trăm Tăng chúng, nhìn vào đoàn thể quy mô của chúng tôi mà xét, thì số Tăng chúng thực tại rất ít. Đó là vì mãi đến mấy năm gần đây chúng tôi mới bắt đầu bồi dưỡng Tăng chúng, nhưng mỗi năm dân số đều có tăng gia.
Tôi dành rất nhiều thời gian vào công việc ở Đài Loan, như thế có nghĩa là tại Mỹ, Thiền Trung Hoa danh tiếng chẳng thể phát mạnh như Thiền Nhật Bản và Phật giáo Tạng truyền. Bởi đệ tử tôi tại Mỹ khó thể đoàn kết nhất trí, vì tôi thường phải bay về Đài Loan.
Tôi có thể hướng dẫn đệ tử ba tháng, nhưng sau đó lại phải ra đi. Sau khi tôi đi rồi, họ lại không có người để nương theo mà học tập pháp Thiền Trung Hoa. Hơn nữa những Tăng chúng người Hoa khác tại Mỹ, chỉ phát triển tại địa phận người Hoa và không thể nói tiếng Anh. Nửa năm sau, lúc tôi về lại Mỹ, thời gian giảng thuyết Anh văn qua loa, không đủ để hấp dẫn học sinh mới. Dù những Đệ tử Tây Phương rất trung thành, thuộc dạng tu hành chăm chỉ nghiêm túc. Hai năm đầu tôi đến mỹ đã hướng dẫn và có được nhiều môn sinh, là do tôi từng lưu lại Mỹ thời gian khá lâu.
Nếu như tôi ở Mỹ chừng 10 năm, không thường xuyên rời bỏ, thì có lẽ bây giờ tôi đã có rất đông đệ tử Tây Phương. Khi tổ chức Pháp Cổ Sơn ngày càng lớn mạnh, thì trách nhiệm và các đối nghịch cũng phát sinh lớn dần theo. Có câu thành ngữ Trung Quốc: “Cây to chiêu gió lớn” (Thọ đại chiêu phong). Chúng tôi biến thành đối tượng dòm ngó của mọi người. Bởi vì chúng tôi tráng đại, có rất nhiều tư nguyên, có người nhân đây tưởng tượng và đoán mò là chúng tôi sống rất sung sướng, tiện nghi.
Nhưng chúng tôi luôn dùng tâm từ bi để tiếp đãi mọi người, thậm chí đối với cả những phần tử có ý đầu cơ hoặc những người có tâm tật đố chúng tôi.